12/5/11

CÔ GÁI KHÔNG CÓ CỦA HỒI MÔN



AN PHƯƠNG AN

Nhiều lần anh ấy đề nghị tổ chức đám cưới nhưng tôi chưa đồng ý với lý do gìn giữ tình yêu càng lâu thì sau này sống với nhau càng hạnh phúc. Anh ấy không hay biết đó là cái cớ để tôi trì hoãn đám cưới, còn nguyên nhân duy nhất là do gia đình tôi chưa dành dụm đủ để sắm những nữ trang không thể không có đối với một cô dâu.

Cùng xã, nhưng gia đình người yêu buôn bán ở thị tứ ven quốc lộ 13, còn gia đình tôi thì làm rẫy ven một con suối mà trước khi rừng Đông Nam bộ chưa bị phá sạch, là con suối đẹp nhất vùng.

Người kẻ chợ, kẻ nông phu - theo cách nói của dân gian - nên má tôi không muốn bị mặc cảm với thiên hạ khi gã con mà trên người trống trơn không vòng vàng.

Đã mấy lần bán vài tấn khoai mì tươi, vài tạ bắp khô dành dụm mua vòng vàng cho tôi nhưng chưa dành dụm đủ thì giá vàng lên, lên hoài, lên đến mức không thể mua nỗi một chỉ vàng sau mỗi mùa rẫy.

Nghe nói bây giờ ở các thành phố lớn, con gái lấy chồng rất muộn, nhưng quê tôi, tuổi 28 như tôi có người đã hai con, con nhỏ cũng năm sáu tuổi, nên má tôi rất sốt ruột. Mấy tháng trước, sau bữa cơm tối, ba má biểu tôi trải chiếu ra sân.

Đêm trăng nơi thôn dã ngắm trăng từ sân nhà mình thì người không mấy khá môn văn thời trung học như tôi cũng có thể “sản xuất” thơ. Nhưng mà cảnh mộng mơ của chị Hằng hôm ấy không hợp với hoàn cảnh của tôi chút nào, bởi ba má tôi lại bàn chuyện làm sao có nữ trang cho con trong ngày cưới.

Tôi im lặng lắng nghe ba má đưa ra nhiều cách để tôi có vòng vàng làm cô dâu, cuối cùng thì má tôi quyết định cách đỡ tốn kém nhất là... đi thuê để “mát mặt với xóm làng và bên nhà thông gia không khi dễ”.

Gái quê, dù có học hành chút đỉnh nhưng tôi không biết có dịch vụ cho thuê nữ trang, mà là nữ trang thật, nên khi ba má hỏi ý kiến, tôi chỉ biết nói “Dạ tùy ba má”.

Đám cưới của chúng tôi diễn ra đúng thông lệ và bài bản của dân nửa quê nửa tỉnh. Đằng gái nhóm họ trước một ngày, ăn uống, đờn ca thỏa thuê, cô dâu đi vào đi ra chúc tụng tưng bừng.

Ba má tôi rất hãnh diện với số nữ trang đến hai lượng vàng toòng ten trên tai, lóng lánh trên cổ, chấp chới trên tay đứa con gái cưng.

Đến giờ rước dâu, chồng tôi nháy mắt tỏ ý vừa ngạc nhiên vừa vui sướng thấy vợ lộng lẫy bội phần nhờ những món trang sức mà anh không ngờ tới.

Tôi cũng đưa mắt cho anh biết vợ muốn hỏi chồng có tự hào không khi vợ chẳng thua kém con nhà giàu trong ngày hạnh phúc nhất đời. Ba má chồng, họ hàng đằng trai có vẻ ngỡ ngàng khi thấy con dâu có được của hồi môn lớn đến vậy.

Nhưng tôi biết người “nở mày nở mặt” nhất với gia đình đằng trai là má tôi. Tội nghiệp má, vì muốn con mình được tôn trọng và đối xử tử tế mà phải thuê mướn vòng vàng!

Đến ngày “lại mặt” nhà gái theo phong tục, tôi lặng lẽ vào phòng trong đưa dây chuyền, lắc, nhẫn, bông tai nhờ má trả lại nơi mướn. Tôi vô tâm đến mức không biết má thuê hai lượng vàng đồ trang sức ấy hết bao nhiêu tiền.

Tối hôm ấy, hình như linh tính điều gì đó, chồng tôi hỏi xem “của hồi môn”. Tôi hồn nhiên hỏi lại “Của hồi môn nào?”. Chồng tôi bảo: “Thì vòng vàng mà em đeo hôm cưới ấy”.

Đến lúc ấy tôi mới ngộ ra phần nào “tính chất nghiêm trọng của vấn đề”. Tôi nói thật với anh là muốn chúng mình có một đám cưới trọn vẹn nên má đã phải thuê đồ trang sức, sáng nay em đã gửi lại má để trả lại cho người ta.

Thấy chồng ngồi buồn xo, tôi rất thương nhưng không biết giải thích thế nào cho anh hiểu thấu đáo hoàn cảnh kinh tế của ba má tôi, dù trong mấy năm yêu nhau, anh đã lui tới nhà tôi nhiều lần.

Chồng tôi trách: “Đáng ra em phải bàn bạc với anh về việc có nên thuê nữ trang hay không. Bây giờ thì việc đã rồi, ngại nhất là cha mẹ anh biết đó là “của hồi môn thuê mướn”, vì trong vài năm nữa, chúng mình chưa có khả năng ra ở riêng”.

Tôi thầm cám ơn chồng đã thông cảm, nhưng như anh ấy lo lắng, quả là không biết nói sao với ông bà nội tương lai của con mình khi họ biết sự thật về những trang sức con dâu đeo trong ngày cưới.

Cùng nỗi lo ấy mà khuya khoắt, vợ chồng tôi không thể ngủ được. Tự dưng chồng tôi kể: “Anh có một cô bạn cũng tự ý thuê vòng vàng trong ngày cưới mà hôn phu không hề hay biết.

Về nhà chồng mới hơn tháng, ba má chồng “hỏi mượn” số vàng “của hồi môn” đó để sửa nhà, hỏi mượn nhưng thực ra là muốn con dâu phải đóng góp để có chỗ ở tốt hơn.

Đến lúc ấy thì cô bạn anh không thể không nói sự thật và mong được thông cảm. Rủi là gia đình bên chồng và cả chồng đều cho rằng cô nói dối để giữ của, từ đó cô luôn bị chồng tìm cớ đánh đập, còn gia đình bên chồng thì coi khinh ra mặt. Không thể chịu mãi cảnh ấy, cô phải mang con về nhà cha mẹ đẻ để chờ ly hôn”.

Chồng kể chuyện cô bạn mà như cảnh báo tôi về những hệ lụy của việc đằng gái vì muốn “làm sang” đã tự ý thuê vòng vàng cho cô dâu.

Tôi thầm mong mình không rơi vào hoàn cảnh như cô bạn của chồng để còn tỉnh táo khuyên các cô gái chuẩn bị lấy chồng, rằng, hãy làm đám cưới bằng khả năng kinh tế của chính mình...

Nguồn:
Của hồi môn ... giả



5 comments:

NLVD nói...

câu chuyện nầy không biết có thật hay không, em tò mò muốn bít họ giải quyết thế nào nếu là chuyện thật.
tên của tác giả nghe hay quá đi, em thích tên nào toàn thanh bằng.
chuyện này (hay truyện này) éo le quớ. Tình yêu thật trang sức giả. Có truyện trang sức thật thì tình yêu lại giả hehe.

Thuy Dam Minh on lúc 15:43 14 tháng 5, 2011 nói...

Hồi anh chị cưới nhau, anh không mua được nhẫn vàng. Phải 20 năm sau mới mua được nhẫn. Cũng có sao đâu!

Titi on lúc 19:49 14 tháng 5, 2011 nói...

Rất nhiều người không dám sống thật với bản thân mình, thường tô vẽ bản thân khác hẳn sự thật. Như vậy chỉ thể hiện sự tự ti, không tôn trọng chính bản thân mình. Nếu vì thế mà bị đối xử tệ, âu cũng là một bài học. Hu hu...

Lana on lúc 15:10 16 tháng 5, 2011 nói...

Vợ chồng mà ngay từ đầu đã dấu, không bàn bạc thế này, nhất là chuyện tiền bạc (cho dù vì bất cứ lý do gì) thì sẽ còn phát sinh nhiều chuyện lắm.
Vì sao phải sĩ diện thế chứ.

Titi on lúc 20:45 16 tháng 5, 2011 nói...

Giời ơi, mãi ko comt dc ở chat chit . JD bị loại thật không công bằng :-((

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết