19/5/11

DOMINIQUE STRAUSS-KAHN: TỪ "THIÊN ĐƯỜNG" XUỐNG THẲNG "ĐỊA NGỤC"


Quá trình rơi xuống địa ngục của ông Dominique Strauss-Kahn, một trong những nhân vật sáng chói nhất trên chính trường nước Pháp, một trong những nhân vật có thế lực nhất toàn cầu, chỉ mới bắt đầu.

Bị còng hai tay sau lưng và bị hai cảnh sát xốc nách đi, rồi bây giờ bị tống giam với những cáo buộc nặng nề về cưỡng bức tình dục, Dominique Strauss-Kahn, một trong những nhân vật sáng chói nhất trên chính trường nước Pháp, một trong những nhân vật có thế lực nhất toàn cầu, đã rơi xuống tận đáy, tiêu tan hoàn toàn tham vọng trở thành Tổng thống tương lai của nước Pháp.

Rơi xuống địa ngục

Cho tới ngày 16.5, các luật sư của cựu bộ trưởng Kinh tế Pháp vẫn hy vọng là ông sẽ được tại ngoại trong thời gian điều tra và trong thời gian đó, họ sẽ tìm ra đủ bằng chứng để minh oan cho ông. Đó cũng là hy vọng của gia đình, của Đảng Xã hội Pháp và dư luận Pháp nói chung, bởi vì vụ này đang làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh nước Pháp.

Nhưng trước đề nghị nộp tiền bảo lãnh 1 triệu USD, nữ thẩm phán Melissa Jackson vẫn giữ thái độ kiên quyết, ra lệnh tống giam ông Dominique Strauss-Kahn, khởi đầu cho một thủ tục tố tụng hình sự chắc chắn sẽ kéo dài.

Cho dù cuối cùng có được trắng án thì công danh sự nghiệp của Dominique Strauss-Kahn coi như chấm dứt ở đây.

Năm nay 62 tuổi, ông Dominique Strauss Kahn, một kinh tế gia lỗi lạc, đã góp phần nâng cao uy tín của quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kể từ khi ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của định chế này năm 2007, một chức vụ coi như ngang hàng với các nguyên thủ quốc gia trên thế giới.

Với trình độ, kinh nghiệm nhiều lần làm bộ trưởng của ông, từ nhiều tháng qua, Dominique Strauss-Kahn vẫn được đa số dân Pháp xem là một trong những ứng cử viên Tổng thống có khả năng giải quyết các vấn nạn của nước Pháp, đặc biệt là thất nghiệp.

Trong nội bộ Đảng Xã hội, đảng đối lập cánh tả, tuy có nhiều nhân vật khác sẽ tham gia bầu cử sơ bộ chọn người đại diện cho Đảng ra tranh cử Tổng thống năm 2012, nhưng trước khi xảy ra vụ New York, mọi người coi như đã chấp nhận ông Dominique Strauss-Kahn như là ứng cử viên đương nhiên, bởi vì chỉ có ông mới chắc chắn đánh bại được ứng cử viên cánh hữu Nicolas Sarkozy.

Nay, bàn cờ chính trị phải được sắp lại, với viễn cảnh là Đảng Xã hội sẽ lại để tuột mất cơ hội giành chiếc ghế lãnh đạo tối cao.

Rơi xuống tận đáy như vậy, chính là vì tổng giám đốc IMF vẫn có một điểm yếu, đó là phụ nữ, điều mà chính bản thân ông vẫn thừa nhận.

Từ nhiều năm qua, thói trăng hoa của ông không còn là chuyện bí mật đối với giới báo chí Pháp, nhưng hầu như không ai nói đến trên mặt báo, với lý do không muốn đụng chạm đến đời tư của các chính trị gia.

Nhưng ngay cả khi đã sang Washington làm việc, tại một quốc gia rất kỵ những vụ bê bối tình dục, ông Dominique Strauss-Kahn vẫn “ngựa quen đường cũ”. Ông lại dan díu với nhân viên cấp dưới, một nữ kinh tế gia người Hungary và suýt nữa đã bị mất chức vì vụ này. Vào lúc đó, người vợ thứ ba của ông, bà Anne Sinclair, một nhà báo nổi tiếng của Pháp, đã công khai tuyên bố tha thứ cho chồng. Lần này, sau khi ông Dominique Strauss-Kahn bị bắt ở New York ngày 14.5, bà Anne Sinclair cũng đã tuyên bố “không tin chút nào” những lời cáo buộc đối với chồng bà.

Nhưng vụ New York không phải chỉ là cuộc tình vụng trộm qua đêm, mà là một vụ án hình sự nghiêm trọng, vì với những tội danh bị cáo buộc, cựu Bộ trưởng Pháp có thể lãnh án tổng cộng đến tới 74 năm tù.

Quá trình rơi xuống địa ngục của ông Dominique Strauss-Kahn chỉ mới bắt đầu.

Ông Strauss-Kahn bị phân biệt đối xử?

Việc cảnh sát Mỹ để cho ống kính toàn thế giới chụp và quay cảnh ông Dominique Strauss-Kahn bị còng hai tay dẫn đi hôm 15.5 đã gây sốc dư luận Pháp, nhất là vì luật pháp của Pháp không cho phép điều này. Ngày 17.5, nhiều nhân vật trong Đảng Xã hội cánh tả đã nhất loạt chỉ trích hệ thống tư pháp Mỹ. Nhưng dù muốn hay không, thì vị tổng giám đốc IMF này sẽ được xử theo luật pháp Mỹ.

Cựu bộ trưởng Văn hóa Pháp Jack Lang đã mô tả việc đối xử của Mỹ với ông Strauss-Kahn là một "vụ phân biệt chủng tộc” đầy kinh dị và khiêu khích, đáng ghê tởm. Còn Segolene Royal, người đã đánh bại ông Strauss-Kahn để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Xã hội năm 2006, nói rằng người Mỹ cần phải nhớ rằng ông Kahn là vô tội cho đến khi được chứng minh có tội.


Thị trưởng TP New York, Michael Bloomberg đã bảo vệ việc cảnh sát thành phố công khai dẫn giải ông Dominique Strauss-Kahn với hai bàn tay bị còng sau lưng trước các nhà báo. Việc này khiến một số chính trị gia Pháp lên tiếng phẫn nộ.

"Tôi nghĩ rằng điều đó là nhục nhã, nhưng nếu bạn không muốn việc này thì không nên phạm tội'', ông Bloomberg nói. Ông cũng cho rằng hệ thống tư pháp của Mỹ luôn công khai làm việc nơi công cộng để mọi người có thể nhìn thấy thủ phạm.

Ông Bloomberg khẳng định: "Điều đáng buồn là bị buộc tội, tuy nhiên xã hội cần phải nhìn vào đó để làm gương và qua đó chúng ta cần phải cẩn thận hơn trong mọi hành động'.

"Tôi từ chức để lấy lại thanh danh"

Ngày 19.5, đúng như dự báo của giới quan sát, sau khi bị áp lực từ nhiều phía, tổng giám đốc quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn (DSK) đã gửi thư thông báo từ chức đến ban điều hành IMF. Nhưng ông này vẫn mạnh miệng tuyên bố mình vô tội.

Ông giải thích: “Việc tôi từ chức nhằm không tổn hại danh tiếng của định chế tài chính mà tôi đã gắn bó và đặt nhiều cống hiến tâm huyết. Tôi muốn tập trung dành thời gian và công sức để chứng minh sự vô tội và lấy lại thanh danh. Tôi rất kiên định với những lý lẽ chống lại tất cả các cáo buộc nhắm vào tôi".

DSK bày tỏ “nỗi buồn vô hạn và niềm may mắn là vẫn nhận được sự khích lệ từ người vợ (hiện đã bay đến Mỹ) cùng các con.

Trong khi đó, luật sư Shawn P. Naunton của ông đang xúc tiến các thủ tục cần thiết tại Tòa án tối cao New York để thân chủ được tại ngoại hầu tra. Số tiền thế chân dự kiến là 1 triệu USD tiền mặt, đi kèm các điều kiện: ông bị giới hạn tại nhà con gái ở Manhattan, với thiết bị giám sát điện tử và giao nộp tất cả các giấy tờ tùy thân để "đảm bảo không rời khỏi phạm vi triệu tập của tòa án".

Trước đó, thẩm phán tòa án hình sự Manhattan đã từ chối yêu cầu được tại ngoại của bị cáo. Trong bản kháng cáo lên Tòa án tối cao tiểu bang, luật sư mô tả DSK là "một người chồng và người cha có trách nhiệm, một nhà ngoại giao, luật sư, chính trị gia, nhà kinh tế và giáo sư, được vị nể và không có tiền án".


Các nhà phân tích dự báo, cho dù có thoát án tù, sự nghiệp và tương lai chính trị của DSK cũng “đi tong” sau vụ này.

Việc ông DSK tự nguyện từ chức là điều không tránh khỏi. Vì nếu thẩm phán New York tiếp tục từ chối cho ông được tại ngoại hầu tra, ban điều hành IMF cũng sẽ cách chức ông ta. Lý do được một quan chức giấu tên của định chế này tiết lộ rằng: “ông DSK không thể lãnh đạo IMF từ nhà giam, hoặc xa trụ sở chính của Washington”.

Jean-Francois Cope, tổng thư ký đảng cánh hữu cầm quyền UMP nói: "Tôi không thấy DSK còn đủ tư cách để thực hiện vai trò điều hành IMF. Tổ chức này nên cân nhắc người thay thế ông ta trong những ngày tới".

Trong khi đó, bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner bình luận rằng: "DSK không còn thích hợp ở vị trí điều hành IMF".

Cùng lúc, bộ trưởng Tài chính Áo lên tiếng đề nghị DSK nên tự trọng và từ chức vì lợi ích của định chế tài chính này.

DSK hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Rikers Island trong tình trạng canh gác cẩn mật 24/24. Đề phòng trường hợp ông nghĩ quẩn và tự sát, cứ 15 - 30 phút sẽ có người kiểm tra buồng giam. Ông được phép đi ra ngoài buồng giam một giờ/ngày. Do đang chờ ra tòa ngày 20.5, ông không phải mặc áo tù như các tù nhân khác, nhưng phải mang giày không thắt dây.

Trước ngày 20.5, một bồi thẩm đoàn nhân dân gồm từ 16 -23 người sẽ họp kín để quyết định có chính thức truy tố ông DSK hay không.

Một nguồn tin cho biết, các luật sư của DSK đã chuyển hướng bào chữa, xác nhận rằng thân chủ của họ và cô dọn phòng khách sạn có quan hệ tình dục, nhưng là quan hệ có thỏa thuận, chứ không phải cưỡng bức như cáo buộc.

Đáng lưu ý, cách đây không lâu, DSK đã từng dự báo rằng ông có thể bị đối thủ chính trị trong cuộc chạy đua bầu cử tổng thống Pháp giăng bẫy mỹ nhân kế. Ông đã đưa ra giả thuyết rằng đối thủ của mình dàn xếp một phụ nữ nào đó nhận tiền cả triệu euro để dựng lên kịch bản “bị hiếp dâm”.

Nguồn:
Từ nhân vật sáng chói rơi xuống địa ngục vì phụ nữ
Tổng giám đốc IMF: "Tôi từ chức để lấy lại thanh danh"



15 comments:

MHTL on lúc 15:23 19 tháng 5, 2011 nói...

Mr.DSK sống quá bản năng dẫn đến có chút thiếu hiểu biết. Với cương vị + túi tiền của ông, nếu thích, thiếu gì của ngon, gái đẹp. Không thể hiểu nổi :((

VMC on lúc 15:29 19 tháng 5, 2011 nói...

@MC3: Chẳng lẽ một người đã ở level đó mà còn "sơ xuất" đến mức tấn công một cô hầu phòng? Liệu đây có phải là một vụ gài bẫy không nhỉ?

Titi on lúc 15:44 19 tháng 5, 2011 nói...

Em cũng nghĩ có gì mờ ám trong việc này. Sự việc quá vô lí với một nhân vật ở đẳng cấp ấy :-(

VMC on lúc 16:01 19 tháng 5, 2011 nói...

@Titi:
Titi có nghĩ rằng những anh như thế này có nhiều em xô vào không?

Titi on lúc 16:19 19 tháng 5, 2011 nói...

Cũng rất có thể! Nhưng những Elite thường có những nguyên tắc rất rõ trong việc tiếp xúc với người khác. Vị trí đã đành, tự bản thân dòng máu được cho là cao cấp của họ lựa chọn phương án an toàn tối đa. Dân châu Âu lại càng phân biệt đẳng cấp, giống nòi :-D Không đời nào một người như ông này lại tự hạ thấp mình với một người ở tầng lớp dưới như thế. Trừ khi bị mồi chài quá siêu :-(

doanh on lúc 17:37 19 tháng 5, 2011 nói...

oài, cái hình thứ nhì ai chụp mà ác ý quá :-(

bọn Pháp đang chửi tụi báo Anh-Mĩ trưng mặt ông í ra như tội phạm đã tuyên án. Còn bọn Anh-Mĩ thì chửi lại tụi Pháp đã bưng bít những trò sàm sỡ của bác này bấy lâu nay.

@Titi: khó lí giải về đẳng cấp một khi đã mang tật, Titi à. Vụ này có thể được bố trí, nhưng vì bác ĩ sẵn có máu đó nên mới sập bẫy. chiện chính trị thời nào cũng vậy.

doanh on lúc 18:03 19 tháng 5, 2011 nói...

em góp thêm chút í nhé.

chữ 'thiên đường' và 'địa ngục' đặt trong ngữ cảnh phương Tây rất có vấn đề về tín ngưỡng và văn hóa. phần lớn người ta sợ bị xuống địa ngục, phải tội lỗi thế nào mới bị xuống địa ngục, nghĩa là Chúa không thèm cứu vớt. theo em, bác nên cho trong ngoặc kép từ này cho cẩn trọng, bởi vì nó cũng không phải được dùng với nghĩa đen.

em cũng không rõ tại sao bài trên SGTT cũng gọi thẳng chữ 'địa ngục' không cần ngoặc. hơn nữa, khắt khe ra thì cái tít bài gốc của SGTT rất có vấn đề. em không tra được bài nào viết về DSK trên báo Tây mà đưa 'heaven and hell' vào cả. hơn nữa lại "rơi xuống địa ngục vì phụ nữ" - oài, 2 lần ác í, mà chưa chắc chính xác, nếu đằng sau đó là có âm mưu dàn xếp của đàn ông.

LU on lúc 20:51 19 tháng 5, 2011 nói...

Anh Cường : lần về tới em tìm nghe thử xem sao. Composers Châu Á, tới nay em thấy vẫn là Nhật khá nhất, họ biết kết hợp âm hưởng tây kèm theo chất rất riêng của Nhật. Ngạc nhiên, cái xứ sở nhỏ bé đó làm gì cũng khá hơn thiên hạ phương đông cả, từ kỹ thuật, âm nhạc, đến ngay cả thiết kế kiến trúc.

LU on lúc 21:08 19 tháng 5, 2011 nói...

Đôi khi, con người đã ở đỉnh cao rồi thì bắt đầu nảy sinh ra chứng "có những í thích ngược đời" thôi.
Ngoi lên được chức đó thì ông nầy thừa hiểu ở đâu cũng có bẫy cả, từng bao nhiêu năm đấu đá chen chúc ở môi trường ai cũng thông minh, ai cũng cáo thì em không nghĩ ông ta bị gài.
Chỉ là, hoặc đã đến lúc mệt mõi, ngủ yên trên chiến thắng, tự cho mình sống theo bản năng. Địa vị này, tiền bạc và thế lực này, thì hoa hậu thế giới cũng có thể có được mà.
Nói chung, con người thì ai cũng có lúc phạm lỗi, ông ta phải phạm lỗi thì luật tre già măng mọc mới tiếp tục được chứ.
Đã tới lúc ông ấy cần yên nghỉ.

Sơn Nguyễn nói...

Theo dõi vụ này và chứng kiến những thất bại của những người đàn ông thành đạt mọi mặt trong cuộc sống, nhưng lại có một điểm yếu cố hữu, đó là đàn bà, e nảy ra một ý tưởng về một chương trình Truyền hình...he he. Ý tưởng bật ra khi em đi cùng bạn ra hồ Đền Lừ chém gió về. Có cơ hội em sẽ trình bày với sếp mới được...hì hì...

Em cũng tin nhiều vào khả năng Strauss-Kahn bị gài bẫy! Dù sao thì bị vụ như này cũng là coi như Strauss-Kahn năm nay hạn nặng, Thầy nhỉ??? Hic..

Em thích cách hành xử của vợ Straus-Kahn trong hoàn cảnh này. Ít nhất ông ấy cũng cảm thấy yên lòng vì sự tin tưởng của vợ mình (mặc dù ko biết bà ấy có đang nói thật lòng không??!! Hic)

VMC on lúc 15:10 20 tháng 5, 2011 nói...

@Gauxx:
Nhất trí với Gấu, đóng nháy thiên đường và địa ngục.

@LU:
Hình như em post nhầm comment bài trước sang bài này?

VMC on lúc 15:12 20 tháng 5, 2011 nói...

@LU:
Đã đến lúc ông ấy "yên nghỉ" hay "nghỉ ngơi"? "Yên nghỉ" tức là chết.

@Sơn Nguyễn:
Sếp em thật may mắn có được một nhân viên như em: luôn tìm được ý tưởng ở mọi nơi mọi lúc.

Sơn Nguyễn nói...

Hic...có gì đâu ạ! Khi nào cái này nó thành hiện thực mới đáng để nói chứ ạ...hì hì...Bọn em còn độc thân nên có việc gì cần suy nghĩ ngoài công việc đâu ạ...Đang thực hiện lời dặn dò: "không được làm xấu mặt người giới thiệu đâu đấy" Thầy ạ! hic...

LU on lúc 19:32 20 tháng 5, 2011 nói...

Anh Cường : he he, em post nhầm, entry "cô gái ko có của hồi môn" em cũng post nhầm :))

Chính xác là em muốn dùng từ "yên nghỉ" chứ ko phải "nghỉ ngơi". Bên em, khi một thèng ku boss hết thời, bị rớt đài vì đờn bà, hay vì quản lí cẩu thả vô trách nhiệm bị mất việc, thì tụi em dùng từ "died --> yên nghỉ".
Yên nghỉ có nghĩa là đã rời sân chơi vì thất bại, bị đá văng. Còn nghỉ ngơi có nghĩa là rửa tay gác kiếm, tự rút lui trong chiến thắng chứ hem có ai mưu đồ đảo chính nổi.
Bởi thế, một khi đã ngoi lên cao thì phải cố ngồi cho vững, bám cho chặt, và đời tư phải thật sự sạch sẽ.
Đúng như bài viết đã nói, những tên bự nắm nhiều quyền hành ở các lĩnh vực bên Mỹ thì bọn hắn sống ngày càng ít tiếp xúc với dư luận, cần thận trong mọi quan hệ trai gái, vì ngoi lên thì khó mà bị đạp xuống thì --> one second only!

L2C on lúc 22:57 21 tháng 5, 2011 nói...

Trên BBC nói có 50% dân Pháp tin đây là một âm mưu, em cũng nghĩ thế, giống MC3.

Xem trên chương trình của BBC, dân Mỹ có vẻ hể hả thích thú lắm. Có vẻ Mỹ không hài lòng vì IMF toàn thiên vị Châu Âu nhỉ.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết