8/5/11

TÂM SỰ CỦA NGƯỜI MẸ KẾ


Tôi (và có lẽ nhiều người khác cũng vậy) thường nghĩ rằng “cha mẹ kế" là từ dùng để chỉ những người đàn ông và đàn bà lấy nhau khi người kia đã có con cái riêng, lý do đơn giản là chúng ta cần phải gọi họ bằng một cái tên gì đó để phân biệt với cha mẹ đẻ. Chắc chắn từ “kế" rất quan trọng nhưng người ta thường không nghĩ thế, với họ “cha mẹ" mới có ý nghĩa thực sự. Đó là những gì tôi cảm thấy khi trở thành mẹ kế của bốn đứa con chồng tôi.

Chúng tôi kết hôn đã sáu năm, khi các con anh vẫn còn nhỏ và bây giờ đang ở tuổi vị thành niên. Dù sống chủ yếu với mẹ đẻ, chúng vẫn có nhiều thời gian sống cùng chúng tôi. Nhiều năm qua, chúng tôi đã học cách thích nghi với nếp sống mới của gia đình và đối xử tử tế với nhau. Chúng tôi đi nghỉ cùng nhau, dùng những bữa cơm gia đình, cùng làm bài tập, chơi bóng và xem phim bên nhau. Tuy nhiên tôi cứ cảm thấy mình giống như kẻ ngoài cuộc, hay còn tệ hơn nữa là một kẻ xâm phạm gia đình riêng của người khác.

Có một lằn ranh ngăn cách rõ ràng mà tôi không thể nào vượt qua được. Tôi không có riêng cho mình một đứa con nào, những kinh nghiệm làm mẹ của tôi chỉ giới hạn trong bốn đứa con của chồng và tôi thường thấy mình tội nghiệp vì không bao giờ có được sợi dây liên kết thiêng liêng giữa mẹ và con.

Khi đám trẻ phải dời đến một thành phố khác khá xa, chồng tôi rất buồn và nhớ chúng. Nhờ có internet chúng tôi có thể gửi thư cho nhau và còn có thể trò chuyện với nhau mỗi khi chúng tôi cùng vào mạng. Mỉa mai thay, những dụng cụ liên lạc hiện đại này cũng là những dụng cụ làm người ta dễ xa nhau hơn. Chúng tôi cần biết bao sự tiếp xúc trực tiếp giữa người và người không qua máy móc.

Những khi bức thư trên màn hình chỉ đề “Bố" tôi thấy như bị bỏ quên, không ai nhớ đến mình. Còn khi tên tôi cùng xuất hiện với anh ấy, niềm vui không thể diễn tả được, tôi cảm thấy mình cũng là một thành viên trong gia đình họ. Tuy vậy cũng còn khoảng cách nào đó cần phải vượt qua, ngay cả trên đường dây internet.

Một buổi tối cũng khá khuya, chồng tôi ngủ gà gật trước tivi, còn tôi đang kiểm tra mình có thư hay không, máy tính báo tôi có một tin nhắn. Đó là của con gái riêng lớn nhất của chồng tôi. Con bé cũng thức khuya, cũng đang ngồi trước máy tính ở một nơi cách xa chúng tôi. Giống như nhiều lần trước đây, chúng tôi trò chuyện với nhau, chia sẻ cho nhau những tin tức mới nhất. Khi chúng tôi tán gẫu như thế này, con bé không biết tôi hay là cha của nó ngồi phía bên kia bàn phím - nếu như nó không hỏi.

Tối nay con bé cũng không hỏi và tôi cũng không cần nêu đích danh mình. Sau khi nghe xong kết quả thi đấu bóng chuyền, chi tiết về kỳ thi sắp tới ở trường, bài tập lịch sử phải nộp, tôi nói đã khuya rồi và nên đi ngủ. Con bé trả lời: “Được rồi, lần sau nói tiếp! Thương yêu nhiều". Khi đọc dòng chữ này, cảm giác buồn bã xâm chiếm khắp người tôi. Hẳn là con bé nghĩ nãy giờ mình viết cho cha. Con bé và tôi chưa bao giờ dùng những từ thương yêu, đầy tình cảm như thế.

Cảm thấy tội lỗi vì đã không làm sáng tỏ, nhưng cũng không muốn làm con bé xấu hổ, tôi gửi lại đơn giản: “Thương yêu con! Chúc con ngủ ngon!". Tôi lại nghĩ về gia đình họ, về không gian riêng tư mà tôi là một kẻ xâm phạm. Một nỗi đau trống rỗng nhói lên trong tim tôi.

Sau đó, ngay khi những ngón tay tôi chạm vào nút bấm để chuẩn bị tắt máy, thông điệp cuối cùng của con bé xuất hiện: “Chúc bố ngủ ngon giúp con nhé!". Nước mắt ràn rụa, tôi với tay tắt máy tính.


Nguồn: MẸ KẾ



5 comments:

LU on lúc 21:49 8 tháng 5, 2011 nói...

Bên xứ người, gia đình nhiều dòng con vì qua nhiều lần li dị là ko hiếm. Có 1 trường hợp cụ thễ trong team của em, thèng ku Kam-pu-chia lấy vợ đầm đã có 1 đứa con trai với chồng trước. Hắn ko thể nào có con nên rất yêu thương thèng con riêng của vợ. Bi giờ con riêng có cháu thì hắn lại thương thèng cháu như chính hắn sinh ra. Em nghĩ, con ai cũng là con, trẻ em cần phải được yêu thương và lo lắng đầy đủ, như là con ruột của mình, thì chúng nó sẽ cảm nhận được tình yêu đó.
Ba em có đến mấy đứa con nuôi, lớn lên chúng nó cũng chỉ yêu thương ba em thôi, vì từ bé bố mẹ ruột đã ko lo lắng bỏ rơi chúng nó rồi. Trẻ con coi thế mà tinh lắm nhé, nếu mình ko thương yêu lo cho nó thật lòng thì nó dễ tủi thân và nhận ra ngay đó.

Titi on lúc 21:58 8 tháng 5, 2011 nói...

Em tin, yêu thương thật lòng không bao giờ bị nhận lại sự đối nghịch (ghẻ lạnh) :-)

Tí nhà em không gọi vợ sau của bố là mẹ nhưng hắn rất yêu mẹ kế, và mẹ kế của hắn yêu hắn, chiều hắn còn hơn cả bố hắn :-) Có lẽ, Tí là đứa trẻ có nhiều mẹ nhất trên đời khi gọi toàn bộ bạn gái thân của bố và mẹ là mẹ :-D

Lana on lúc 22:09 8 tháng 5, 2011 nói...

Nhạy cảm quá (để đau đáu nỗi niềm), mà vẫn nhạy cảm chưa đủ (để biết con gái chồng đã bắt đầu cảm nhận được tình yêu của mình).

'Lằn ranh ngăn cách' mà tác giả nói đến chậm mờ đi vì mẹ lũ trẻ vẫn đó và chúng sống chung với mẹ đẻ. Một thực tế tự nhiên là khi đầy đủ con người ta không nghĩ đến điều thay thế.

Tuy nhiên LU nói đúng, con nít khi mình yêu thương chúng thật lòng thì dần dần chúng sẽ cảm nhận được thôi (mà chẳng riêng con nít).

BeBo on lúc 10:51 9 tháng 5, 2011 nói...

Nước mắt ràn rụa, những giọt hạnh phúc bất ngờ!

Nitaduong on lúc 11:57 9 tháng 5, 2011 nói...

Đáng để khóc đấy!. Đọc lại ngẫm đến ta. Ích kỷ quá.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết