20/5/11

CHÚT TỬ TẾ TRONG THỜI BÃO GIÁ



MẠC ĐẠI

Chiều nào cũng vậy, vừa ra khỏi cổng trường mầm non là cô con gái nhỏ kéo tay tôi về phía xe bán cá viên chiên như thể đó là một phần thưởng nó xứng đáng được nhận sau một ngày miệt mài học tập. Chủ xe cá viên chiên là một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, ông bối rối nhìn tôi, rồi nở nụ cười gượng gạo vẻ như cảm thấy mình phạm phải lỗi lầm gì đó:

“Chú em ơi, tui không muốn chuyện khó chịu này xảy ra, nhưng mà... bữa nay cái gì cũng lên giá hết trơn, nên tui cũng phải bấm bụng lên theo, nếu không thì lỗ vốn”. Đúng là bão giá đang quét qua cuộc sống của chúng ta, thổi vào mọi ngõ ngách, không chừa cả trước cổng trường mầm non.

Tôi mua cho con gái một que cá viên chiên giá bốn ngàn đồng, mọi bữa chỉ có ba ngàn. Người đàn ông cảm ơn rối rít, chắc là do tôi không càu nhàu gì. Tôi đang miên man nghĩ về chuyện bão giá thì con gái tôi cắt ngang dòng suy nghĩ: “Ba ơi, bữa nay que cá viên chiên có đến năm viên chứ không phải bốn như hôm qua”.

Tôi quay lại nhìn, trên môi người đàn ông vẫn còn nguyên nụ cười của người mắc lỗi, dù ông hoàn toàn vô tội. Tự dưng tôi thấy ấm lòng đến lạ. Vật giá tăng, người bán hàng rong không thể không tăng giá món hàng mình bán, nhưng rồi cảm thấy không yên lòng nên ráng thêm một viên vào que cá.

Một ngàn, một viên cá chiên đối với nhiều người có thể không đáng gì, nhưng tôi nghĩ người đàn ông chất phác kia chắc hẳn đã phải đắn đo, suy tính rất nhiều trước khi thêm một viên vào que cá.

Buổi tối, tôi đem chuyện ông bán cá viên chiên kể cho vợ nghe. Vợ tôi dường như được khai thông những ấm ức trong lòng, bèn tuôn ra một tràng: nào là bó rau muống từ bốn ngàn tăng lên tám ngàn đồng, rồi từ cà chua đến dưa leo, từ rau nhút đến cải xanh, từ quả ớt bé tí đến bao gạo to đùng, tất tần tật mọi thứ đều tăng giá.

Mà không phải chỉ tăng độ khoảng 11 hay 13% như báo chí đưa tin, hình như là tăng cao hơn con số này nhiều. Tôi vốn rất vô tư, ít quan tâm đến chuyện giá cả, ấy thế mà mấy ngày nay cũng để ý làm những phép so sánh nho nhỏ.

Hình như cái “phân khúc thị trường” (cụm từ tôi học lóm được, chẳng biết dùng trong ngữ cảnh này có đúng không) thiết yếu nhất, liên quan đến bữa cơm hằng ngày của rất nhiều người dân lao động, đang nóng lên từng ngày.

Tôi thầm nghĩ, tại sao cơn bão ác nghiệt này không thổi vào những thứ xa xỉ chỉ phục vụ cho một số ít người, như: xe hơi (đặc biệt là những loại xe đắt tiền), các loại hàng hiệu mà các đại gia, “chân dài”, các “sao” thường vung tiền mua sắm thoải mái, mà cứ nhằm vào những thứ thiết yếu đối với đời sống của công nhân, viên chức, sinh viên, những người thuộc tầng lớp có thu nhập thấp trong xã hội.

Người bán hàng xén ngay góc chung cư nơi tôi ở cũng thở dài thườn thượt: “Không lẽ tui nghỉ bán, chứ càng bán càng lỗ nặng vì mới lấy hàng hôm trước, hôm sau thiếu lấy thêm giá lại tăng lên nữa rồi”.

Có lần tôi thấy hai cô sinh viên ghé lại mua hàng, cứ tần ngần mãi rồi cuối cùng đành chọn những thứ rẻ nhất, với hy vọng tiết kiệm được phần nào những đồng tiền ít ỏi do cha mẹ chắt chiu gửi vào từ miền Trung bão lũ.

Bà bán hàng chép miệng, lắc đầu thương cảm rồi thêm cho hai cô vài cọng rau. Tình người thể hiện qua mấy cọng rau thêm vào ấy chắc hẳn sẽ làm người nhận cảm thấy ấm lòng và người chứng kiến như tôi muốn ứa nước mắt.

Đó là hai câu chuyện nói lên lương tâm của người bán hàng mà tôi chứng kiến. Hy vọng còn nhiều câu chuyện tử tế tương tự vẫn diễn ra giữa những người lao động nghèo, trong những ngày cơn bão giá đang thổi qua cuộc sống vốn đã rất nhọc nhằn của họ.

Nguồn:
Chút tử tế trong thời bão giá



11 comments:

Nặc danh nói...

bây giờ mỗi lần ra siêu thị, cứ tưởng 10 năm rồi mình ko đi, vì giá lên một cách ko tưởng nổi.

Nitaduong on lúc 17:18 20 tháng 5, 2011 nói...

Hôm qua mua sữa cho con, mới có 1 tuần từ 540.000 lên 620.000. Thế mà chính phủ cam kết bình ổn giá sữa. Đúng là xúi dân loạn.

NLVD nói...

Hồi trước em cũng đọc blog anh Mạc Đại là bác sỹ, nhà thơ LMK, hehe lạc đề quá.

LU on lúc 19:51 20 tháng 5, 2011 nói...

Người bên nhà thì khổ sở mỗi khi vật giá gia tăng, bên em thì ko phải lo việc vật giá vì nó hầu như là ổn định. Một cái hambuger 16 năm trước và bi giờ giá cả chỉ xê xích tăng lên chưa quá 1 dollar.
Xứ người chỉ sợ việc mất job thôi. Đặc biệt, mỗi khi nghe hợp đồng bị rung rinh, có nơi cạnh tranh, có nơi giật mất thì lại lo lắng lắm.
Vì mất đi một mối làm ăn thì ảnh hưởng đến cả một tập thể, mỗi công ti, mỗi nhóm kinh doanh là một quần thể xã hội thu nhỏ.

Thuy Dam Minh on lúc 22:58 20 tháng 5, 2011 nói...

Nói chuyện giá thì mệt lắm! Giàu nghèo ngày càng cách xa nhau. Cả xã hội đổ tiền đi mua đất. Báo nào cũng đăng bài PR đất đai, nhà cửa để bàn dân thiên hạ phát hoảng vì giá. Thế là lại càng bão giá. Hic

guy on lúc 10:18 21 tháng 5, 2011 nói...

đọc thấy buồn thương quá

VMC on lúc 15:48 21 tháng 5, 2011 nói...

@Nặc danh:
Làm gì tới 10 năm, 3-4 năm thôi.

@Rita:
Ở SG, một số siêu thị được cấp kinh phí bán hàng bình ổn giá mà giá ở đó cao hơn những nơi không được cấp kinh phí. Ngạc nhiên chưa?

VMC on lúc 15:50 21 tháng 5, 2011 nói...

@NLVĐ:
Nhà thơ LMK là ai vậy?

@LU:
Nghe nói ở Nhật Bản giá cả ổn định trong 20 năm qua.

VMC on lúc 15:51 21 tháng 5, 2011 nói...

@Thuy Dam Minh:
Em thấy có người làm sales tình nguyện cho Times City...

@Jazzy:
Haizzz!!!!

LU on lúc 22:30 21 tháng 5, 2011 nói...

Anh Cường : nhưng đồng lương ở Nhật và giá sinh họat nó ko như bên Mỹ. Giá sinh họat bên Nhật mắc, nhà cửa cũng cao giá. Lúc em học thiết kế nội thất, thầy Nhật dạy em nói rằng, nếu nhận được một job internship bên Nhật trả giá cao thì đừng nghĩ rằng sẽ tốt hơn bên Mỹ. Lí do, trừ tiền chi phí mỗi tháng tiêu xài xong thì ko có dư như bên Mỹ đâu. Đã có mấy đứa sinh viên bị rồi, nên khi hết hạn nhận việc nó quay về lại Mỹ làm việc. Có thể sang đó làm việc với điều kiện --> ăn lương chênh lệch theo thời giá của công ty Mỹ trả, công ti lo nhà cửa, chi phí vận chuyễn thì may ra mới có dư...

NLVD nói...

@VMC: à à, nếu em không nhầm thì anh Mạc Đại là một người làm thơ trong hội bút Hương Đầu Mùa hồi xưa, tên là Lê Minh Khôi, tầm năm 2005 đang làm tiến sỹ y khoa ở Đức, đến lúc yahoo 360 sắp nghẻo thì tốt nghiệp về làm tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng và có ý định chuyển vào Sài Gòn. Anh ý có gia đình riêng ở Huế hàng tuần đi lại Huế-Đà Nẵng làm việc, 2 cô con gái đặt tên rất Tây :). Có bạn văn thơ cùng thời và cũng ở Huế là Đông Hà. Chắc nhiều người biết Đông Hà hơn là anh Lê Minh Khôi. Hồi 360 thỉnh thoảng anh K cũng viết báo dưới góc nhìn của du học sinh Việt hoặc mời bạn học cùng trường tới Việt Nam chơi.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết