31/8/08

PHƯƠNG LAUREL MỘT NĂM RƯỠI SAU TAI NẠN



Hơn một năm đã trôi qua kể từ khi tai nạn giao thông tại Đức khiến cô nữ sinh Nguyễn Thị Thu Phương (Phương Laurel) giã từ cuộc sống sinh viên sôi nổi, nằm liệt giường tại bệnh viện Klinik Leezen am Schweriner See Rehabilitatioonsklinik fur Neurologie und Neurochirurgie (Đức).

Hồi tháng 5.2007, thông tin về trường hợp thương tâm này được đưa dầy đặc trên mạng (trong cộng đồng blog cũng như một số hội sinh viên Việt Nam tại nước ngoài).


Tuy nhiên, đến gần đây dường như Phương Laurel đã bị lãng quên.

Hôm qua (30.8), chị Phương (blogger Tóc Dài) cùng con trai đã lặn lội từ 3 giờ sáng đáp chuyến tàu 8 giờ đồng hồ đến bệnh viện hàng đầu về phục hồi thần kinh của Đức để thăm Phương Laurel. Chị Tóc Dài thực sự vui vì tình trạng của Phương đã tiến triển hơn rất nhiều:

- Phương Laurel không còn nằm liệt giường nữa, được đưa ra khỏi khu điều trị cách ly. Các nhân viên y tế đã có thể đặt em lên xe lăn và đẩy em đi dạo trong khuôn viên bệnh viện.

- Phương Laurel có thể giao tiếp với mọi người bằng ánh mắt, nụ cười, những cái gật đầu nhè nhẹ.

- Phương Laurel chưa ăn uống được, dinh dưỡng và thuốc được tiếp qua đường truyền.

- Gương mặt Phương Laurel sáng sủa với nụ cười tươi tắn, chứng tỏ không bị những di chứng nặng nề về thần kinh.

Các nhân viên y tế đã cho phép mẹ con chị Tóc Dài đẩy xe lăn đưa Phương Laurel đi dạo. Các nhân viên y tế quàng hờ một cái khăn xanh quanh cổ Phương Laurel để nước dãi không thấm vào áo, nhưng bằng những động tác rất nhanh, Phương Laurel luôn hất chiếc khăn xuống đất.

Chị Tóc Dài nói đùa: "Á, à, hất nhanh thật. Trêu cô đấy à?". Mắt Phương lộ rõ vẻ sung sướng, vì đã "chơi" được.

Chị Tóc Dài hỏi chuyện với Phương Laurel: "Cháu có nhớ cô không? Cô với em đã có lần đến thăm cháu đấy". Phương Laurel không trả lời. Chị lại hỏi dồn dập: "Còn nhớ cô không, còn nhớ không?". Thật bất ngờ, Phương Laurel thốt ra một tiếng: "Nhơơ!".

Chị Tóc Dài hỏi một số điều nữa và Phương Laurel đã vài lần gật đầu. Mắt Phương còn rơm rớm khi chị Tóc Dài nhắc đến bác Hòa, người đã chăm sóc Phương Laurel từ khi còn bé sau khi cuộc hôn nhân của cha mẹ đổ vỡ.

Sau gần một giờ đi dạo, hai mẹ con chị Tóc Dài đưa Phương Laurel trở lại phòng bệnh. Các nhân viên y tế tỏ ra vui mừng khi hay tin Phương Laurel đã nói được một tiếng. Họ khẳng định đó là dấu hiệu lạc quan cho thấy em có thể hồi phục được.

Các nhân viên y tế cho chị Tóc Dài hay, họ chỉ có thể trò chuyện với Phương Laurel bằng tiếng Đức, thứ ngôn ngữ mà em không thạo lắm. Nếu có người thường xuyên nói chuyện với Phương bằng tiếng Việt, thì em sẽ phục hồi nhanh hơn.

Các nhân viên y tế Đức cho biết thời gian đầu sau khi Phương Laurel gặp nạn, khá nhiều người Việt Nam, chủ yếu là sinh viên ở Đức thay phiên nhau đến thăm em vào những dịp cuối tuần. Nhưng bẵng đi hơn nửa năm nay, không còn ai đến thăm em nữa.

Ngay cả ông bác ruột của Phương, hiện đang sống ở Đức, cũng mới chỉ đến thăm em có một lần.

Phương Laurel đang được điều trị trong những điều kiện rất tốt tại một bệnh viện chuyên ngành hàng đầu của Đức. Nhưng rõ ràng, bên cạnh sự tác động của y khoa, những cuộc trò chuyện bằng tiếng Việt sẽ có tác dụng tích cực giúp Phương phục hồi nhanh chóng.

Phương Laurel không còn nằm ở phòng điều trị cách ly nữa, nên việc đến thăm em không còn bị hạn chế.

Rất mong các bạn sinh viên ở Đức, đặc biệt là Hội Sinh viên Việt Nam tại Hannover nối lại việc đến thăm Phương vào các dịp cuối tuần.

26/8/08

MÓN THỊT CỪU NƯỚNG



Thấm thoát tôi biết bạn đã 16 năm. Từ 30 tuổi, thoắt cái bạn đã 46.

Thời gian chạy thật nhanh. Nhưng bạn cũng chạy nhanh không kém. Từ một "thằng" hầu như chẳng lúc nào có tiền trong túi, đi cái xe đạp cuốc lênh khênh, đến nay bạn đã có đủ mọi thứ. Nhưng quan trọng nhất, bạn có một cái tên. Cái tên ấy khi nhắc lên có người trầm trồ, thán phục, có kẻ tặc lưỡi dè bỉu.

Có hề gì đâu!

Bạn là người mà nếu gặp ngoài đường và chỉ gặp một lần, thì có khi "ta sẽ vô tình lướt qua nhau" thôi. Tôi không khoái những người nhàn nhạt. Tôi thích giao du bạn bè với những người có cá tính, nhưng cũng đừng quá khích.

Bạn rất có cá tính. Cá tính của bạn nhiều khi quá khích. Sự quá khích ấy không ít lần khiến tôi bực bội. Nhưng tôi luôn nhìn thấy ở bạn một tấm lòng.

Bạn hay lo, đặc biệt là lo cho người khác. Sự lo lắng nhiều khi thái quá. Một cô bạn chung bỏ việc cơ quan, mở công ty thiết kế thời trang. Bạn đến xem và nói giọng ngao ngán: "Quần áo gì như đồ sản xuất hàng loạt ở chợ Đồng Xuân! Chẳng mấy bữa mà sập tiệm!". Nhưng cô ấy không những không sập tiệm, mà còn trở thành nhà tạo mẫu nổi tiếng với kinh doanh "liên tục phát triển".

Một anh bạn thân khác cũng bỏ việc nhà nước ra lập công ty media. Bạn tiên đoán sự khởi đầu ấy sẽ thất bại và để "ngăn chặn thảm họa", bạn quyết định sẽ không trợ giúp gì về tiền bạc cả. Nhưng anh bạn ấy lại trúng và giờ đây đang sở hữu vô số kinh nghiệm kinh doanh thực tiễn hết sức quý giá và số tài sản không hề nhỏ.

Chúng tôi gọi "nỗi lo" của bạn là "an ninh lương thực".

Bạn đặt cho tôi cái tên là "nhà chỉ trích vĩ đại" của bạn. Phải, suy nghĩ nào, kế hoạch nào, hành động nào của bạn cũng bị tôi mổ xẻ. Không hiểu sao, khi giải phẫu bạn, con dao của tôi không hề run, mà luôn vạch ra bản chất của vấn đề. Và bạn cũng thế, luôn chọn đúng lúc tôi sơ hở để phản công lại.

Có lần mình tranh cãi nhau và chỉ trích nhau dữ dội đến nỗi, vị đại ca từ Sài Gòn ra ngồi cùng trong bàn nhậu phải đứng lên: "Anh xin hai chú. Các chú mời anh đến đây để cãi nhau thế này à!". Hai đứa cười xòa và ra sức giải thích là bọn em toàn cãi nhau thế đấy, không có vấn đề gì đâu...

Cãi nhau là thế, nhưng những dị biệt giữa tôi và bạn chẳng hề được khắc phục. Bạn vẫn là bạn, tôi vẫn là tôi. Với những suy nghĩ, thói quen cố hữu, không bao giờ sửa được.

Hôm qua sinh nhật lần thứ 46 của bạn. Ở quán Bud'mo của Ukraina trên Tô Ngọc Vân.

Bạn và những người khác đến trước cả tiếng đồng hồ mà không ai chịu gọi đồ ăn. Bạn nói chờ tôi, vì tôi ít nhiều biết ẩm thực Đông Âu.

Tôi đến, hơi bực vì đói! Tôi gọi những món mà tôi đã quen ăn ngày xưa: Súp củ cải đỏ, thịt lợn muối, cá trích hun khói, bánh mỳ đen và thịt nướng kiểu Nga (shashlyk).

Em gái phục vụ người Việt nói ngọng "n"-"l", mặc trang phục dân tộc Ukraina hỏi thích shashlyk gì? Lợn, gà hay cừu?

- Cả ba, mỗi loại một xiên!


Cả lũ ăn ngấu nghiến và khen ngon. Ồn ào tranh luận đủ chuyện. Và như mọi khi chẳng có gì ngã ngũ.

Gần tàn bữa mới nhớ ra là chưa ai chúc bạn câu nào.

Tôi giành quyền nói và đã nói thế này: "Thịt cừu bao giờ cũng có mùi hôi, rất khó ăn. Món shashlyk này làm từ món thịt gà đẹp đẽ thơm ngon, thịt lợn trung tính và thịt cừu có mùi. Nhưng ăn cả ba loại, thì thấy shashlyk gà thật vô vị, shashlyk lợn không dở cũng không ngon, và chỉ có shashlyk cừu mới thật sự tuyệt hảo. Bạn hãy như loại thịt cừu, tuy có mùi, nhưng gặp đúng đầu bếp, được chế biến đúng món, thì lại siêu ngon".

24/8/08

SAO MAI THẤT BÁT



Sao Mai Điểm hẹn lắm chuyện và ít thành tích nhất trong lịch sử cuộc thi này đã chấm dứt đêm nay với chiến thắng ca sĩ được khán giả yêu thích nhất thuộc về Trần Hoàng Nghiệp.

Giải ca sĩ triển vọng (được khán giả bình chọn nhiều thứ hai) thuộc về Duy Khoa.

Không có giải ca sĩ xuất sắc của Hội đồng Nghệ thuật, đồng nghĩa với việc không một cá tính âm nhạc nào được phát hiện. Đây là quyết định đúng đắn, bởi sau khi Hà Linh bị loại khỏi cuộc thi vì căn bệnh ngôi sao bộc phát quá sớm, thì không còn ai xứng đáng vào ngôi vị này nữa.

Thế là lần thứ 3 liên tiếp các nữ ca sĩ thất bại tại Sao Mai Điểm hẹn. Điểm qua những cái tên đáng tiếc:

- Ngọc Khuê, Phương Anh không có giải tại SMĐH 2004. Tại cuộc thi này Tùng Dương đoạt "ca sĩ xuất sắc", Kasim Hoàng Vũ đoạt "ca sĩ được khán giả yêu thích nhất".

- Nguyễn Ngọc Anh, Phương Linh, Mai Trang trắng tay tại SMĐH 2006. Giải "Ca sĩ xuất sắc" thuộc về Phạm Anh Khoa, "Ca sĩ được khán giả yêu thích nhất" thuộc về Hoàng Hải, "Ca sĩ triển vọng" thuộc về Hà Anh Tuấn.



So sánh giữa những cái tên đoạt giải thì Hoàng Nghiệp không có gì phải bàn. Chàng ca sĩ đất Tây Đô đã có sự tiến bộ vượt bậc so với Sao Mai năm ngoái, cũng như so với đêm diễn đầu tiên của SMĐH lần này. Còn Duy Khoa thì quả thật là quá đuối. Giữa cậu và Hà Anh Tuấn (người đoạt giải này của cuộc thi lần trước) là một khoảng cách quá dài.

Hơi tiếc tí chút cho Hải Yến. Nhưng nếu so với Minh Thư, rocker của SMĐH 2006, thì Hải Yến cũng kém xa cả về phong cách trình bày, độ hút sân khấu, lẫn sắc đẹp.

Trang phục của các ca sĩ SMĐH năm nay cũng không đẹp. Xấu nhất là bộ đồ (không biết gọi là gì) mà anh chàng Ngọc Minh mặc trong đêm diễn thứ ba. Còn nhớ tại SMĐH 2004 Nguyễn Hồng Nhung mặc toàn màu đỏ từ đầu đến cuối chương trình vơí những bộ đầm rất đẹp và sang trọng.

Hội đồng Nghệ thuật mặc dù không ngần ngại chỉ hết các lỗi của thí sinh, nhưng thiếu một chút hóm hỉnh, thiếu một chút tổng kết, thiếu một chút tôn vinh, thiếu một chút tình... điều mà Tuấn Khanh đã làm rất tốt trong hai SMĐH trước đó.

Lạm phát và những khó khăn kinh tế cũng đã tác động đến cuộc thi. Việc phải tổ chức các đêm diễn trên sân khấu ngoài trời giữa lúc thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng phần nào tới chất lượng cuộc thi cả về mặt kỹ thuật, lẫn sức khoẻ của ca sĩ.

SMĐH đến lần thứ ba tổ chức đã bộc lộ một số điểm yếu và cho thấy format này cần được thay đổi để lần tới có thể thu hút khán giả mạnh mẽ như SMĐH đầu tiên.

Top 5 ca sĩ xuất sắc sau SMĐH:

1. Tùng Dương
2. Ngọc Khuê
3. Nguyễn Ngọc Anh
4. Hà Anh Tuấn
5. Phạm Hà Linh

Còn bạn thì nghĩ sao? Hãy cho biết ý kiến qua bình chọn và comment. Xin cảm ơn.

Ảnh: Hà Linh và Hoàng Nghiệp

22/8/08

MỘT NGƯỜI MALAYSIA LÀM TỪ THIỆN



12 giờ trưa. Hà Nội nóng như đổ lửa. Tôi bước ra cổng cơ quan ở phố Tây Sơn, thì một chiếc xe taxi ập tới. Anh lái xe mở cửa kính, thò cổ ra hỏi:

- Anh ơi, ở đây có nhận tiền hỗ trợ nạn nhân cơn bão số 4 không?

- À, vâng. Quỹ tấm lòng vàng của báo tôi có nhận tiền ủng hộ đồng bào bão lụt, nhưng quỹ ở địa chỉ 51 Hàng Bồ, mời anh qua đó nhé? - tôi đáp.

- Em không hỏi cho em đâu, em hỏi cho ông khách em đang chở đây này, - anh chỉ tay và ngoái lại băng ghế sau.

Một người đàn ông tầm ngoài 30 bước xuống xe, tươi cười nói bằng tiếng Anh: "Tôi là người Malaysia. Tôi sang đây du lịch. Dự tính đi Sa Pa, nhưng không đi được vì đường lên đó bị ngập. Tôi còn thừa một ít tiền đồng Việt Nam, muốn ủng hộ cho các nạn nhân bị bão lụt".

- Ồ, cảm ơn anh. Nhưng địa điểm nhận tiền cứu trợ ở khu phố cố, trong trung tâm thành phố.

- Thế à? Tôi không biết, người lái xe taxi nói là báo anh nhận tiền cứu trợ mà. Tôi đang trên đường ra sân bay. E rằng quay lại khu phố cổ thì không kịp.

- Vâng, tôi có thể nhận và chuyển giúp anh, nhưng đáng tiếc là vào lúc này tôi không thể lấy được biên lai thu tiền và giấy chứng nhận anh. Anh có thể cho xin địa chỉ để tôi gửi các giấy tờ đó cho anh không?

- Thôi, không cần đâu. Anh cứ chuyển hộ tiền vào quỹ giúp tôi là được. - Người đàn ông rút từ túi áo ra ba tờ giấy bạc: một tờ 500 nghìn, một tờ 50 nghìn và một tờ 10 nghìn.

- Cám ơn anh nhiều. - tôi nói.

Người đàn ông Malaysia hảo tâm đó là Jong. K.P.

Ảnh: Bà con dân tộc làm lại đường ở Tùng Chỉn, Bát Xát, Lào Cai.

20/8/08

CÓ NGƯỜI CON RƠI TÌM ÔNG...



Thế là tôi đã tìm được cha của cô gái mang trong mình nửa dòng máu Việt Nam. Năm nay cô 22 tuổi và suốt 19 năm qua ngóng chờ tin từ người đàn ông ruột thịt nhất của mình.

Một lần tình cờ vào website của chương trình tìm người thân và đoàn tụ gia đình của nước ngoài, vào mục tìm người ở Việt Nam tôi đọc được những dòng chữ sau đây: "Tên tôi là S.I , năm nay tôi 15 tuổi. Tôi muốn tìm cha tôi, một người Việt Nam, tên là (...) . Cha mẹ tôi quen nhau khi ông học nghiên cứu sinh tại Viện hàn lâm khoa học (...). Năm 1989, khi tôi 3 tuổi, ông làm xong luận án tiến sĩ chuyên ngành (...) và trở về nước. Ông trao đổi thư từ với mẹ tôi một thời gian, sau đó thì bặt tin. Mẹ viết thư về địa chỉ cũ, nhưng thư đều quay lại. Chắc cha tôi đã chuyển đi nơi khác. Nay mẹ tôi không còn nữa, tôi không còn ai thân thích trên cõi đời này. Trước khi qua đời, mẹ tôi nói ông sống ở Hà Nội. Tôi rất muốn tìm lại cha tôi, các anh chị em của tôi ở Việt Nam".

Tên của người đàn ông khá đặc biệt, chỉ có hai chữ. Cạnh tin nhắn trên là hai bức ảnh: Một bức chụp người đàn ông ngoài 30 tuổi, đẹp trai, mái tóc lòa xòa rủ xuống trán ôm một đứa con gái nhỏ có đôi mắt tròn giống hệt bố. Bức kia chụp người đàn ông đó cười rạng rỡ bên cạnh một phụ nữ tóc vàng. Trông họ thật hạnh phúc.

Ngày tin nhắn được post lên website là 19.9.2002. Như vậy là đã gần 7 năm trôi qua.

Bẵng đi một hôm, cái tên đặc biệt của người đàn ông ấy bỗng hiện lên trước mắt tôi. Không ở đâu xa lạ, chính trên trang báo nhà! Nhờ có chức danh và học hàm ghi ngay dưới tên tác giả mà tôi biết ông là một nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam.

Tôi vội vã quay trở lại trang web để kiểm tra lại thông tin: 80% người cha mà cô gái đi tìm chính là ông. Tôi liên lạc với người trưởng ban đã biên tập bài này. Người đó khẳng định ông là người khả kính, uyên bác, đẹp trai, đào hoa, và chuyện ông để lại một người con ở nước ngoài không hề là chuyện khó tin.

Tôi in lại những tin nhắn tìm cha của cô con gái và nhờ anh chuyển tới tận tay ông.

Hôm nay, sau hơn nửa năm, ông đến gõ cửa phòng tôi. Đó là người đàn ông gần 60 tuổi, gương mặt mệt mỏi, phong trần, nụ cười gượng gạo. Ông giới thiệu: "Tôi là (...) đây. Hồi trước anh có chuyển cho tôi tin nhắn tìm cha của một cô gái từ trang web nước ngoài. Tôi vừa đi công tác dài ngày ở Mỹ về. Hôm nay đến hỏi anh để biết thêm thông tin".

Tôi mời ông ngồi, mở lại trang web, tìm đến tin nhắn mà cô con gái để lại từ 7 năm nay. Người đàn ông không thể hiện cảm xúc đặc biệt nào. Không run rẩy, mắt cũng không nhòa lệ, như tôi vẫn hình dung. Ông nói: "Đúng đấy, anh ạ!". Tôi buột miệng: "Tức đây đúng là cô con gái của anh ạ?"

Người đàn ông không trả lời thẳng vào câu hỏi. Ông nói: "Chắc anh cũng biết, chuyện không đơn giản. Sau khi về VN, tôi đã quay trở lại đó một lần, đã đến thăm hai mẹ con. Nhưng cuộc sống có những phức tạp riêng của nó... Tôi không chối bỏ cháu, nhưng tôi muốn giải quyết mọi chuyện một cách êm đẹp, không ồn ào".

Tôi giảng giải cho ông hay, website này là của một kênh truyền hình. Mục đích của họ là đưa bằng được những cuộc đoàn tụ lên sóng. Cho nên chừng nào con gái ông chưa tìm được ông, thì thông tin cô tìm cha cùng với hình ảnh của ông vẫn lưu giữ trên Internet.

- Anh còn nói được tiếng (...) chứ? - ông hỏi.

- Vâng, em có thể giao tiếp được anh ạ.

- Thế hôm nào tìm lại được số điện thoại cũ, tôi sẽ nhờ anh nói chuyện với cháu nhé. Tôi quên sạch thứ ngôn ngữ đó rồi, chỉ đọc sách chứ không nói được. Tôi muốn nói với cháu rằng tôi rất yêu cháu và muốn gửi cho cháu một ít tiền...

Tôi im lặng. Không biết phải nói sao về phương án mà ông đưa ra. Ông kể tiếp rằng ông có 2 người con, một cô con gái và một cậu con trai. Cả hai đều đã lớn, đã đi làm.

- Anh này, sao anh không nói với chị? Bao nhiêu năm đã qua rồi. Em nghĩ chị ấy sẽ tha thứ. Hơn nữa, cô bé chỉ còn lại có một mình. Biết đâu, chị ấy động lòng. Dù sao thì cũng là con của chồng mình...

- Không đơn giản thế đâu em. - Ông chuyển cách xưng hô. - Để anh suy nghĩ thêm nhé. Anh không muốn làm chuyện này ồn ào.

Lần thứ hai ông nhắc lại là không muốn làm chuyện này ồn ào. Nhưng tin nhắn cùng ảnh của ông thì vẫn ở trên website. Ông có tính đến chuyện một ngày nào đó vợ con ông tình cờ phát hiện ra không?

Tôi không rõ điều gì có thể cản trở ông vào giây phút này? Người vợ ghen tuông (có thể như vậy), hay chiếc ghế (mặc dù không còn ngồi lâu được nữa) đang níu giữ ông làm tròn cái bổn phận thiêng liêng mà ông đã tự gột bỏ suốt 19 năm qua?

Có thể cô gái kia cũng chẳng cần gì, ngoài gọi một tiếng "cha"!

Không rõ cô sẽ phải chờ thêm bao nhiêu lâu nữa để được nói từ ấy???


Ông chào tôi, bắt tay ra về. Một bàn tay nhỏ đến bất ngờ so với cái dáng cao to của ông. Nó mềm oặt như không có sinh khí.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.


19/8/08

GẶP ĐỒNG HƯƠNG Ở SÂN BAY LẠ



6h30 sáng máy bay của Vietnam Airlines đưa tôi đến Frankfurt (Đức). Tại đây, tôi phải nhập cảnh vào Liên minh Châu Âu (EU), làm thủ tục check-in với hãng Scandinavian Airlines (SAS) lấy boarding pass đi tiếp Stockholm.

Chuyến bay tiếp theo của tôi khởi hành lúc 12h30. Phải đợi ở sân bay Frankfurt 6 tiếng đồng hồ. Làm thủ tục cũng chẳng có gì phức tạp. Duy chỉ có điều hỏi đường 3 nhân viên của sân bay đến quầy check-in của SAS, thì mỗi người nói một phách. Thật chẳng ra sao!

Sau khi thực hiện các công đoạn window shopping, uống càphê, đọc cuốn sách mang theo và ngủ vạ vật trên một chiếc ghế dài, thì cũng đến lúc qua cửa kiểm soát an ninh, đến cửa ra máy bay.

Chiếc xe buýt chở khách ra máy bay đã khá đông người. Tôi bước lên và len vào trong, đứng bên một chiếc ghế trống. Người đàn ông ngồi bên cạnh ngẩng lên. Một người Châu Á! Anh ta nói bằng tiếng Anh: "Sit down, please".

Tôi cảm ơn và ngồi xuống cạnh anh ta và tình cờ nhìn thấy tên anh trên chiếc boarding pass mà anh cầm trong tay: LI NAM QUANG (MR).

- Anh là người Việt Nam? - tôi hỏi bằng tiếng Việt. Người đàn ông nhìn sang: "Vâng! Anh ở trong nước sang hay từ đâu bay qua đây?"
- Tôi ở trong nước sang.
- Vậy hả, tui cũng vừa từ Hà Nội qua nè. Đi máy bay của Vietnam Airlines qua sáng nay. Trời đất, không hiểu sao mà nó book cho mình cái vé phải chờ tới 6 tiếng lận? - Anh như tìm được người để than phiền về 6 tiếng phải chờ ở cái sân bay Frankfurt này.
- Thì tôi cũng đi chuyến ấy!
- Ủa, sao tôi không nhìn thấy anh?
- Máy bay chở tới 400 hành khách. Đông quá, làm sao nhìn thấy hết được? - Tôi cười.

Hỏi han một chút thì biết Quang di tản sang Thuỵ Điển vào đầu thập niên 1980. Hiện giờ đang làm một công việc liên quan đến vận tải. Anh thỉnh thoảng về Việt Nam chơi, vừa rồi bay ra Hà Nội thăm cô bạn gái người Bắc, nhưng không may đúng vào lúc nhà cô có tang. Quang than phiền là về nước lần này thấy cái gì cũng đắt đỏ (lạm phát mà).

Anh tỏ ra quan tâm hỏi xem tôi sang Thuỵ Điển làm gì, đi bằng tiền của nhà nước hay tiền túi. Tôi nói đi hội nghị do Thuỵ Điển mời.

Xe chuẩn bị đỗ, tôi nói: "Khi đến sân bay Stockholm, cảm phiền anh chỉ giúp tôi đến quầy dịch vụ Flygbusarna để tôi mua vé về nội thành Stockholm nghe!". Anh nhướn mày ngạc nhiên: "Ủa, ban tổ chức hội nghị không đón anh sao?".

- Không, anh ạ. Gần 1000 đại biểu bay hàng trăm chuyến khác nhau, làm sao họ đón cho xuể được. - tôi trả lời.

- Vậy thì thế này, em rể tui sẽ đón tui ở sân bay Arlanda. Tui sẽ nói nó cho anh quá giang về downtown (trung tâm), - anh nói.

- Như vậy có tiện không anh? - tôi hỏi.

- Tiện chứ. Tui cũng về qua ngả đó mà. Lát nữa xuống máy bay nhớ tìm tui nghe, - anh đáp niềm nở.

Chuyến bay kéo dài 2 giờ rưỡi đồng hồ. Máy bay hạ cánh xuống Arlanda vào lúc hơn 15 giờ một chút.

Tôi theo đường ống ra ngoài. Anh ngồi ở hàng ghế trước nên ra trước. Nhớ lời anh dặn trước khi lên máy bay, tôi đi nhanh cố bám kịp theo anh. Nhận ra tôi, anh nói: "À, thôi lát nữa anh tự đi nghe, tại thằng em rể nó đón tui mà!"

Chuyện em rể đón thì anh đã nói với tôi rồi. Nhưng lúc trước chính anh đề xuất việc cho tôi đi nhờ kia mà? Tôi thấy chưng hửng, nhưng vẫn nói: "Không sao".

Chúng tôi phải đứng chờ hành lý khá lâu. Lấy xong anh đi thẳng, cũng không thèm chỉ dẫn tôi đến quầy vé của Flygbusarna nữa.

Chả hiểu anh có chuyện gì? Gặp người đồng hương ở sân bay lạ lúc đầu thấy ấm áp, nhưng sau sao thấy lạnh lùng. Giá đừng hồ hởi, niềm nở thì đỡ thấy chạnh lòng.

17/8/08

HÀ LINH BỊ LOẠI - MAY HAY RỦI?



Khán giả có phần ngỡ ngàng khi MC Mỹ Lan mở đầu đêm thứ 3 của vòng 2 SMĐH 2008 bằng thông tin Hà Linh bị đuổi khỏi SMĐH khi chỉ con hai buổi biểu diễn nữa là cuộc thi khép lại. Như vậy với việc ứng cử viên nặng ký nhất bị loại, SMĐH hầu như không còn gì đáng để xem nữa.

Tại sao Hà Linh bị loại? Theo một nguồn tin đáng tin cậy, thì cô đã tiếp tục thể hiện tính vô tổ chức và chấp hành kỷ luật kém của mình. Tưởng như sau vụ bị phê bình vì “phá rào” đi đánh pắc trong đêm nhạc của Lê Minh Sơn và đến muộn đêm tổng duyệt lần trước, cô đã rút được kinh nghiệm, nhưng không cô gái “gần vàng” của chúng ta tiếp tục có những cuộc “đột phá” mới.

Lần này là việc tự tiện thay bản phối khí cho bài hát "Đá trông chồng" mà cô dự định trình bày trong đêm nay. Theo Hà Linh, thì bản phối mà Ban tổ chức đưa cho cô là không được tốt và cô muốn biểu diễn với bản phối hay hơn, giúp cô trình bày hiệu quả hơn. Tất nhiên, đây là ý định tốt, nghệ sĩ nào không có được yếu tố cầu toàn như vậy, thì có lẽ không nên tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật.

Nhưng điều dở của Hà Linh là cô đã không báo cho BTC về sự thay đổi này. Cô tự tiện mang bản phối mới đến và tập với ban nhạc. Các thành viên ban nhạc cũng thừa nhận rằng bản phối này hay hơn. Nhưng thái độ của Hà Linh đã khiến các thành viên trong BTC mất hết mọi kiên nhẫn.



“Thực ra, nếu Hà Linh báo trước thì chúng tôi cũng cho phép cô đổi thôi, nhưng cô đã vi phạm các nguyên tắc của cuộc thi đã được phổ biến từ trước. Và do đây là lần tái phạm, nên chúng tôi buộc phải loại cô, dẫu biết rằng không có cô, thì cuộc thi có thể mất đi phần nào hấp dẫn” - nguồn tin của tôi cho hay.

Thái độ và ứng xử của Hà Linh quả là không đẹp và đáng chê trách. Tuy nhiên, vấn đề mà tôi muốn đề cập trong entry này là: Sự cố ấy đối với cô là may hay rủi?

Liên tiếp sau hai đêm thi vòng 2 của SMĐH, tôi đều có entry về Hà Linh. Đầu tiên là “Hà Linh – ca sĩ dành cho ai?”, sau đó là “Có cần thêm một Hà Linh – Lê Minh Sơn?”, trong đó phân tích rõ sự luẩn quẩn của Hà Linh và áp lực dành cho cô trong cuộc thi này.

Trước đêm thi hôm nay, tôi hơi chán khi hay tin cô lại lựa chọn 2 ca khúc của Lê Minh Sơn. Rõ ràng cô không dám liều mạng với dòng nhạc bị coi là “thị trường” để lấy lòng khán giả, mà quyết quay lại lối đi cũ để giành phiếu của Hội đồng Nghệ thuật.

Khi đó tôi có liên tưởng đến trường hợp của Vương Dung, sau khi đăng quang dòng nhạc nhẹ tại Sao Mai đã không dự thi SMĐH mặc dù được đặc cách. Có lẽ, cô nhận ra rằng khó mà lặp lại chiến thắng một lần nữa, và nếu không chiến thắng thì giải Sao Mai của cô sẽ trở thành miếng mồi cho dư luận mổ xẻ.

Hà Linh, nghe nói, có tính cách rất mạnh mẽ. Cô và nhiều khán giả (trong đó có tôi) đều đã tin rằng cô không có đối thủ tại SMĐH lần này. Tuy nhiên, chiến lược giành phiếu của HĐNT hay của khán giả của cô đã bị tính sai, cô trở thành nạn nhân của chính mình: có nguy cơ để lọt giải của HĐNT vào tay Hoàng Nghiệp, trong khi khán giả chắc chắn không bình chọn cho cô.

Quay lại giành giật phiếu của HĐNT với Hoàng Nghiệp (thậm chí với cả Hải Yến), Hà Linh buộc phải trói mình với Lê Minh Sơn. Nhưng, như đã phân tích trong entry “Có cần thêm một Hà Linh – Lê Minh Sơn?”, cô không thể đột phá gì thêm, không thể tạo ra một hình tượng nghệ thuật mới. Và như vậy, phải chăng dừng lại lúc này (bị BTC loại khỏi cuộc chơi), Hà Linh đã được giải cứu khỏi kết cục nghiệt ngã của cuộc thi?

Cần phải nói thêm rằng, tôi bao giờ cũng cổ suý cho tinh thần kỷ luật và tính tổ chức khi tham gia một cuộc chơi. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng Hà Linh đã may khi bị loại khỏi SMĐH.

Và tôi thành tâm chúc cô những thành công khác trong tương lai .

Xin chúc mừng Hoàng Nghiệp! Giải của HĐNT hầu như đã chắc chắn thuộc về bạn sau phần trình bày tối nay.

16/8/08

GIĂNG BẪY DOANH NHÂN



Một thủ đoạn lừa đảo mới vừa được một nhóm tội phạm chuyên nghiệp, cao tay thực hiện. Màn kịch không thành vì sự cảnh giác của người trong cuộc, và có thể, sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, nó là bài học cảnh tỉnh cho các doanh nhân trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Chiều ngày 5 tháng 8 vừa qua, anh Minh, chủ một doanh nghiệp khá tiếng tăm tại Hà Nội nhận được cú điện thoại từ một người không quen biết, xưng tên là Dư, cán bộ phụ trách công tác truyền thông, maketing của một doanh nghiệp ở miền Nam vừa ra công tác ngoài Hà Nội. Qua điện thoại, Dư cho biết công ty của Dư đang chuẩn bị khai trương một nhà máy mới ở miền Bắc, vì thế muốn tìm một đối tác có thể tổ chức được sự kiện nói trên, làm vài tấm biển lớn và một số kỳ quảng cáo báo chí gì đó. Minh hỏi anh đang ở đâu thì đối tác ngập ngừng nói đang ở quận Hoàn Kiếm này thôi. Tất nhiên vì xã giao, vì tinh thần chiều khách hàng, Minh hẹn gặp Dư và mời đến văn phòng công ty làm việc.

Ít lâu sau, khách đến Văn phòng công ty. Khách là một thanh niên tầm trong ngoài 30 tuổi. Mặt mũi khôi ngô. Đôi bên bắt tay hồ hởi. Minh đưa namecard và hỏi xin khách một chiếc. Tuy nhiên, khách lịch sự từ chối và nói rằng hết card rồi. Khách tự giới thiệu là Công ty nội thất Thiên Nga có trụ sở và nhà máy đặt tại một tỉnh ở miền Nam và một nhà máy đang chuẩn bị đi vào hoạt động ở gần Hà Nội.

Dư thông báo sang mai, bộ sậu lãnh đạo của Công ty sẽ từ miền Nam đáp máy bay ra Hà Nội. Từ sân bay, đoàn sẽ đi thăm nhà máy rồi sau đó, trở về Hà Nội. Vì thế, tầm 11giờ trưa, chủ doanh nghiệp hai bên sẽ gặp nhau để thông nhất nội dung hợp đồng biển bảng và tổ chức event. Vì thế Dư hẹn anh Minh không được sai hẹn. Ngày mai, khoảng 11 giờ, phái đoàn sẽ đến Văn phòng Minh làm việc và sau đó, đi ăn trưa với nhau.

Như thường lệ, anh Minh chuẩn bị bộ tài liệu công ty về năng lực biển quảng cáo và tổ chức sự kiện, quảng cáo trọn gói để cung cấp theo yêu cầu của khách hàng.

Sáng hôm sau, 9 gời 30, Dư gọi điện cho anh Minh nói là phái đoàn đã ra Bắc và sẽ về Hà Nội lúc 11 giờ. Dư hẹn anh Minh đúng 11 giờ có mặt ở Phan Đình Phùng. Trước khi đi, Minh còn cẩn thận gọi điện lại cho Dư là 11 giờ sẽ có mặt tại địa điểm hẹn và Dư xác nhận mọi người đã đầy đủ, đang sẵn sàng làm việc.

Đúng hẹn, Minh có mặt tại nơi hẹn thì mới biết đó là một khách sạn trên đường Phan Đình Phùng. Gọi điện cho Dư, Dư nói chờ ở sảnh, sẽ xuống đón. Mấy phút sau, Dư xuống và mời anh Minh lên phòng, nói là các chú đang chờ trên phòng. Lúc trong thang máy, Minh hỏi các sếp ra lúc nào thì Dư trả lời là ra tối qua. Bắt đầu từ luc này, Minh đã thấy rất cần thiết phải cảnh giác vì hôm qua Dư vừa nói phái đoàn sẽ ra sáng nay rồi đi nhà máy ngay, giờ lại nói ra tối qua và không đả động gì đến nhà máy cả.

Ra khỏi thang máy, Dư mở cửa một của đối diện và cả hai bước vào. Thoáng nhìn, Minh đã e ngại. Trong phòng có ba người đàn ông đứng tuổi đang đánh bạc mà sau này anh được nghe nói là chơi phỏm gì đó (vì Minh không biết chơi bất cứ một loại bài bạc nào). Sau màn chào hỏi khá nhiệt tình, Dư cùng 3 người tiếp tục chơi. Trước mặt mỗi người khá nhiều tiền, toàn là giấy bạc 100.000 VND và 500.000VND. Minh ngồi xuống ghế ở bàn uống nước. Mọi người giải thích với Minh là đang chờ một nhóm kỹ thuật về nên ngồi chơi cho khuây khoả.

Lúc này, thoáng qua rất nhanh trong đầu Minh là phải thoát khỏi căn phòng này ngay. Minh chợt nghĩ đến vụ án đánh bạc ở Tam Đảo. Nếu bất ngờ Công an ập vào bắt, thế nào Minh cũng rầy rà vì dù sao cũng là người đang ngồi ở trong phòng. Nghĩ thế Minh lên tiếng nói chuyện về công việc nhưng một người nhiều tuổi nhất mà Dư gọi bằng chú nói phải chờ một anh Thịnh nào đó phụ trách về kỹ thuật về mới làm việc được.

Vài phút sau, người đàn ông này nói với Dư là mày đi bảo Thịnh về đây để làm việc. Dư đứng lên. mọi người soạn lại tiền và đưa cho Dư mấy tờ 500.00VND nói đang chơi phải nghỉ nên được đền bù gì đó (Minh không rõ lắm). Dư bèn đưa cho Minh ít tiền và nói đang khuyết một chân nên anh ngồi vào chơi, chờ anh Thịnh về làm việc. Minh dứt khoát không tham gia, một phần vì thực chất là Minh không biết chơi, phần nữa Minh đang cảnh giác, chưa thấy khách hàng nào đối xử với mình như thế bao giờ. Mọi người về hùa khuyến khich Minh tham dự nhưng anh kiên quyết từ chối.

Lúc này, Minh nghĩ đến một vụ án tương tự và thủ phạm đã bị công an Hà Nội bắt. Người bị hại cũng là giám đốc một công ty tin học. Anh được thủ phạm mời đến ký hợp đồng mua máy tính cho cơ quan. Cũng hẹn ở một khách sạn trên phố Yên Ninh. Khi vào phòng cũng thấy một đám đánh bạc và một người cũng “tình cờ” phải đi đâu đó nên nhường lại cho anh. Anh đã tham dự và thua mất khá nhiều tiền, phải lột hết tiền, phải gán hết đồ và phải viết cả giấy vay nợ nữa.

Dư ra ngoài chỉ một loáng là quay lại và nói với người đàn ông kia là anh Thịnh lại bận đột xuất tiếp một đoàn khách nước ngoài nên hẹn 3 giờ chiều gặp nhau. Nghe nói thế, Minh đứng lên, chủ động bắt tay và hẹn lại đến chiều và vui vẻ rời khỏi phòng. Dư tiễn anh ra tận của và luôn mồm khen cái đồng hồ Rado cổ lỗ sĩ mà Minh mua cách đây đã gần 10 năm là đẹp quá, modern quá, Dư cũng đang rất muốn có một cái vì đồng hồ vừa mất.

Ra đến hành lang, Minh bất ngờ nhìn thấy một người đàn ông mặc sơvin (mà lúc Minh đến không thấy có) ngồi chờ sẵn ở đầu hành lang nhỏ hẹp đang nhìn xuống đường. Thấy Minh ra, anh ta quay lại nhìn Minh với ánh mắt khác thường và hoàn toàn không thiện cảm.

Tất nhiên, cuộc hẹn gặp lại lúc 3 giờ chiều chẳng bao giờ có nữa. Minh gọi lại điện thoại mà Dư đã liên hệ thì máy đã off, chăng ai nghe. Gọi lại phòng khách sạn thì cả toán đấy đã đi ngay chiều hôm đó rồi. Anh tra trên Gooogle thì chẳng thấy cái nhà máy nội thất Thiên Nga nào ở miền Nam cả. Vốn là doanh nhân, quen biết rộng, Minh gọi điện vào địa phương ở miền Nam nhờ xác minh thì được trả lời là có duy nhất một công ty nội thất Thiên Nga. Gọi điện đến đó, người nghe trả lời là một của hàng bán nội thất chứ không phải nhà máy nào hết.

Là doanh nhân trưởng thành đã nhiều năm. Quen biết không it. Minh có bạn là Tổng biên tập một tờ báo công an lớn. Khi kể chuyện này, mọi người thống nhất nhận định. Có thể có hai kịch dành cho Minh. Một là Minh ngồi vào chiếu bạc, sẽ diễn ra cảnh bạc bịp và Minh sẽ mất hết tiền, hết đồ đem theo, thậm chí phải viết cả giấy nợ như một chủ doanh nghiệp tin học đã từng phải làm trong vụ án ở khách san phố Yên Ninh nhắc đến ở trên. Hai là kịch bản sẽ diễn ra như vụ đánh bạc ở Tam Đảo. Minh ngồi vào chiếu bạc và sẽ bị bắt như bất kể một vụ án đánh bạc nào khác. Hậu quả thật khôn lường!

Các doanh nhân hãy nêu cao cảnh giác. Chỉ tiếp khách ở trụ sở làm việc của mình. Nếu hẹn ngoài cơ quan thì hẹn ở chỗ đông người. nếu không thể được mà phải đến những nơi vắng vẻ thì đừng bao giờ đi một mình. Đừng bao giờ tham gia đánh bạc! Và nhất là nếu thấy có bất kể một dấu hiệu nào bất thường đều phải hết sức cánh giác. Chuyện của Minh như một bài học có giá trị với tất cả mọi người, đặc biệt là các doanh nhân.

Nguồn: Blog Thuy Dam Minh

http://blog.360.yahoo.com/blog-zYJO9UYjeqA2GN8NFfSDG5zfz5jQlkCaIl0-?cq=1&l=11&u=12&mx=12&lmt=5

15/8/08

VẺ ĐẸP CỦA LỘN XỘN



(Ghi lại từ một cuộc phỏng vấn tuyển nhân sự)

- Đây là câu hỏi cuối cùng của tôi đối với anh. Anh làm nghề xây dựng, chắc anh đã nhìn thấy nhiều công trình trong thành phố này. Theo anh, tòa nhà nào có thể là trụ sở của chúng ta trong tương lai?

- Thế này anh ạ. Cho phép tôi nói lòng vòng một chút. Tại trụ sở các công ty, các công sở hay treo những bức tranh. Tôi đã làm một thống kê nho nhỏ và thấy rằng những bức tranh theo kiểu phố Phái, trong đó Hà Nội nhà cửa nhô ra thụt vào, cái thấp cái cao... chiếm một tỉ lệ không nhỏ. Tôi hay đọc tạp chí Kiến trúc, nó phù hợp với nghề của tôi mà, thì thấy các tác giả ai cũng lớn tiếng phê bình Hà Nội chẳng có quy hoạch gì cả, xây cất lộn xộn, kiến trúc thì chắp vá không có phong cách chung gì hết. Tóm lại là thiếu bản sắc, các bác ấy bảo thế. Nhưng mà tranh phố Phái, và na ná như phố Phái thì treo khắp nơi. Thậm chí còn lấy làm hãnh diện về hình ảnh của Hà Nội như thế! Chẳng thấy ai nói cái tháp Vincom hay khu Trung Hòa - Nhân Chính là Hà Nội hết. Vậy thì đó là cái gì? Phải chăng lộn xộn chính là bản sắc của Hà Nội?

Bắc Kinh đấy, họ cũng có chỗ lộn xộn, cũng có chỗ cao ngất, sạch sẽ ngăn nắp chẳng kém nước nào. Nhưng họ cũng có những cái vị lai như Sân vận động Tổ chim, Nhà hát Opera Quả trứng, Đài truyền hình là 2 chữ Z khổng lồ nối với nhau. Và chúng ngay lập tức trở thành biểu tượng mới của Bắc Kinh. Mà trông chúng cũng lộn xộn đấy chứ.

Đúng là tôi cũng đã thấy những ngôi nhà ở Hà Nội, nhưng tôi không thấy hình bóng trụ sở của cơ quan ta trong bất cứ tòa nhà nào. Theo tôi, chúng ta chẳng nên lấy khuôn mẫu nào, sao chép của ai. Hãy đưa ra một đầu bài để các nhà thiết kế sáng tạo. Họ sẽ phải làm nổi bật các giá trị thương hiệu, nhân lực và văn hóa của cơ quan ta trong thiết kế ấy. Chính chúng ta sẽ là người chọn lựa thiết kế phù hợp nhất. Sao cho nhà đầu tư có thể hãnh diện rằng tòa nhà xứng với khoản tiền mà ông ta bỏ ra. Sao cho những người đến thuê văn phòng có thể thấy thoải mái và sung sướng được làm việc trong tòa nhà này.

Theo các bạn, có nên tuyển dụng một người có suy nghĩ như vậy không?

14/8/08

GOGA - MỘT NGƯỜI GRUZIA



Ở chung trong 4 ngôi nhà cao tầng của ký túc xá Đại học Sư phạm Quốc gia Minsk (Belarus) những năm 1985 - 1986 là sinh viên đến từ nhiều nước: Từ Liên Xô có Nga, Belarus, Ukraina, Kyrgizia (Kyrgyzstan), Gruzia (Georgia)... Nước ngoài thì có Việt Nam, Bulgaria, Cuba. Tôi thân với Kolia (Belarus) và Goga (Gruzia).

Những lúc rảnh rỗi, Goga thường chạy đến phòng tôi, nằm đại xuống một chiếc giường và nghe nhạc. Chẳng là trong phòng tôi có máy quay đĩa (không phải đồ xịn lắm), nhưng là thứ mà trong phòng các sinh viên Liên Xô thường không có. Hơn nữa phòng tôi có một bộ sưu tập đĩa hát khá phong phú.

Goga rất vui tính, nói tiếng Nga nặng âm đặc trưng của người Gruzia. Cậu kể với tôi đủ thứ chuyện, từ chuyện trên lớp, chuyện ở quê, tới các cuộc chinh phục những cô nàng yêu kiều thuộc đủ quốc tịch học trong trường.

Goga cũng hay sốt sắng giúp các sinh viên Việt Nam mua thứ nọ, bán thứ kia. Các phi vụ cậu làm đều trót lọt và chúng tôi cũng chẳng để cậu thiệt bao giờ. Thỉnh thoảng cậu lại cầm sang cho tôi mấy thứ đồ ăn mà mẹ cậu nhờ ai đó lặn lội mang từ Tbilisi đến Minsk cho cậu (hai thành phố cách nhau khoảng 4.000 km đường xe lửa).

Chúng tôi nhấm nháp và cậu nói: "Này, trong cái ký túc xá này tao thích nhất bọn Việt Nam chúng mày". "Tại sao" - tôi hỏi. "Tại vì chúng mày giống người Gruzia" - cậu trả lời. Tôi cười, nói đùa: "Thôi, tụi tao mà giống chúng mày để bị người Nga ghét à!". Cậu xịu mặt không nói gì.

Người Gruzia có mặt khắp Liên bang Xô viết. Họ có những con người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực: Loại chính khách lẫy lừng như Stalin, như Shevardnadze; những nhà văn có tầm ảnh hưởng như Nodar Dumbadze (Trên mảnh đất người đời); những đạo diễn điện ảnh xuất sắc như Georgi Danelia (Marathon mùa thu), Tengis Abuladze (Sám hối)... Đội Dinamo Tbilisi với danh thủ Chivadze một thời khiến nhiều khán giả Việt Nam say mê. Ít ai biết đại kiện tướng cờ vua Gari Kasparov cũng là người Gruzia.

Nhưng người Gruzia cũng danh bất hư truyền trong những chuyện mánh mung buôn bán, láu cá khôn vặt, trăng hoa tình ái. Người Liên Xô trước đây, người Nga hiện nay có hẳn một kho truyện tiếu lâm vô cùng phong phúvề những đặc tính này của người Gruzia.

Dẫu bị mang tiếng, nhưng đàn ông Gruzia lại rất được các bà các cô ái mộ. Nước da ngăm ngăm, nụ cười ngoác đến tận mang tai luôn thường trực trên gương mặt, năng lượng sống lúc nào cũng ngùn ngụt, sự ma ranh đầy duyên dáng... tất cả những điều đó khiến họ hầu như không bao giờ thất bại trên tình trường.


Phụ nữ Nga yêu họ, nhưng cũng căm thù họ. Đàn ông Nga thì đương nhiên cũng chẳng mấy ưa họ.

Nhưng phải công bằng mà nói, người Gruzia cũng khá chân thành và hiếu khách. Nếu được họ coi là bạn, thì họ sẵn sàng sẻ nhà sẻ cửa, giúp đỡ đến đồng bạc cuối cùng.

Khi tôi trở về nước mùa hè năm 1986, bức thư đầu tiên tôi nhận được từ Liên Xô chính là của Goga. Tôi thực sự cảm động về điều đó. Cậu kể cậu đang nghỉ hè ở Tbilisi và đang say mê xem World Cup Mexico. Cậu bảo rất hâm mộ Maradona và hy vọng có ngày được tận mắt xem anh thi đấu ở Tbilisi.

Chúng tôi trao đổi thư từ với nhau một thời gian nữa. Cậu vẫn kể cho tôi nghe những chuyện của cậu, từ gia đình, chính trị, xã hội cho đến những thành công trên tình trường. Cậu cú mỗi chuyện là không cưa được cô gái Việt nào.

Goga ra trường cũng đúng vào lúc Liên Xô bắt đầu có những xáo trộn và ít lâu sau thì tan rã hoàn toàn. Tôi bặt tin cậu từ đó. Nhưng tôi không bao giờ quên cậu, vì cậu thực sự là một người bạn. Cậu sống thật với chính mình, không cao ngạo đạo đức, cũng chẳng che giấu những yếu điểm của mình. Cậu thật như chính con người của cậu vậy.

Quan hệ Nga - Gruzia cơm không lành canh không ngọt đã nhiều lần rồi. Ai cũng đưa ra cái lý của mình. Tôi thì thường nghiêng về lý của người Nga nhiều hơn, mặc dù không phủ nhận là Gruzia vẫn có những người thú vị như Goga.

Ai được lợi trong cuộc chiến ở Nam Ossetia, nơi có hơn 2000 người Ossetia mang quốc tịch Nga bị thiệt mạng? Ai được lợi khi cả Nga lẫn Gruzia phải đưa quân vào đây. Chắc chắn không phải người Ossetia, chắc chắn không phải người Nga, lại càng không phải người Gruzia.

Một hai vị chính khách vì những toan tính đầy tham vọng của riêng mình đã đẩy họ đến với thảm họa. Xem "Đại chiến Xích Bích" của Ngô Vũ Sâm thì thấy chuyện này có từ thời xa xưa rồi. Điều đáng tiếc là ngay cả bây giờ con người vẫn không ngăn chặn được những toan tính tham vọng như vậy.

Ảnh biếm hoạ: Một người Gruzia đọc báo "Moskva - tổ quốc của chúng ta" với dòng tít lớn "Moskva trượt trên vỏ dưa hấu" (Người Gruzia sống ở Moskva rất đông, nên đã coi Moskva là "quê hương" của mình, nhiều người trong số đó buôn dưa hấu tại tất cả các chợ hoa quả).

13/8/08

CHỢ RẰM



Hoa mâm bày kín chợ Rằm
Lối chen quấn quýt hương trầm đưa chân
Người vào lòng bỗng nhẹ thênh
Buồn vui thấm đượm tâm tình nước non

Oản đây bà gói giùm con
Mớ hồng kia nữa cho tròn một vuông
Lụa hàng hễ sắm thì thương
Cô tôi mất trẻ áo hường chưa may
Bao nhiêu ngần lá trầu này
Mẹ tôi xa lắm, nhà thày không ăn

Một năm đằng đẵng nhọc nhằn
Mấy ai quên nghĩa người âm chưa tròn
Trăng còn thì chợ Rằm còn
Đền cong mái cũ dẫu mòn gió mưa
Ngoại như vườn quả cuối mùa
Lửa hương càng đượm mắt thu dịu hiền
Hỡi người thăm thẳm vô biên
Thảo thơm ai đỡ ưu phiền cho ai
Môi trầu xưa mãi phôi phai
Chén son đã nhạt bóng dài áo xiêm

Chợ Rằm anh đi cùng em
Mua hoa cho cả nỗi niềm riêng ta...

thơ của NGÔ MAI PHONG

12/8/08

VĨNH BIỆT TÁC GIẢ "TRUYỀN THUYẾT HỒ GƯƠM"



Hoàng Phúc Thắng, kiến trúc sư nổi tiếng Hà Thành, đã giã từ cuộc sống ở tuổi 58.

Ông còn được biết đến nhiều như một nhạc sĩ tài năng, mà tác phẩm nổi bật là "Truyền thuyết Hồ Gươm".


Truyen thuyet Ho Guom - Dang Duong

Hãy một lần lắng nghe lại những giai điệu tuyệt diệu của Hoàng Phúc Thắng như một lời vĩnh biệt gửi đến người nghệ sĩ tài danh.

11/8/08

WILL YOU MARRY ME?



- Thế nào em, cái vụ say nắng đến đâu rồi?

- Vẫn chưa đến đâu cả, anh ạ.

- Thằng cu ở Pháp vẫn vật vã à?

- Không, chắc là hắn hết vật vã rồi. Bây giờ đến lượt em.

- Ồ, tưởng say nắng một tí thôi chứ? Ai lại sốt cao co giật kéo dài thế?

- Tại vì hôm nọ hắn nói với em một câu...

- Câu gì?

- Will you marry me? Tất nhiên là em không thể nói "Yes" được rồi, nhưng nói "No" thì em lại tiếc...

- Sao nó lại nói câu đấy mà không phải là câu khác?

- Câu gì ạ?

- Chẳng hạn như "I want to marry you"...

- Em tưởng hai câu đấy như nhau?

- Hm, như nhau là thế nào? Một đằng nó hỏi em là có muốn lấy nó không, mà không rõ nó có ý định lấy em không. Còn đằng kia nó tuyên bố hẳn hoi là nó muốn lấy em.

- Ờ nhỉ, hoá ra là có sự khác biệt thật à?

- Em đúng là khôn nhà dại chợ. Giống hệt một cô bạn của anh. Loạng quạng thế nào vớ phải một anh Việt kiều ở Mỹ về. Yêu đương thắm thiết lắm. Thế rồi hắn hỏi: "Will you marry me?". Cô nàng sung sướng nói "Yes". Nói xong thấy ngất ngây hạnh phúc. Khi tạm chia tay, cô quyết định bán hết nhà cửa, đồ đạc để đi theo chàng. Nghĩ rằng mình cũng chẳng cần đến nữa, nên bán với giá rẻ, vừa bán vừa cho. Đến khi gặp lại anh chàng, thì anh ấy mới nói rằng: "Anh chỉ hỏi em có muốn lấy anh không, chứ anh đã bao giờ nói là sẽ cưới em đâu?" Thế là vỡ mộng, nát một đời hoa. Âm thầm ôm hận về chuộc lại nhà cửa.

- Đàn bà nhẹ dạ quá nhỉ? May mà em chưa đến nỗi như cô nàng này... Nhưng mà anh này, trong phim "Sex and the City", anh Big cũng hỏi em Carry một câu y như thế!

- Câu gì?

- Will you marry me?

- Cô ta nói sao?

- Yes!

- Thế chúng nó có làm đám cưới không?

- Có!

- Phim của Hollywood muốn thế nào mà chẳng được. Cuộc sống có phải là phim ảnh đâu?!?

10/8/08

CÓ CẦN THÊM MỘT HÀ LINH - LÊ MINH SƠN?



Hà Linh "trở lại" trong đêm diễn thứ hai của vòng 2 SMĐH 2008 bằng một sáng tác của Lê Minh Sơn. Trước khi chương trình diễn ra, nghe nói cô chọn "Đá trông chồng", một ca khúc đã được Thanh Lam "đóng đinh". Tôi tự hỏi: Không biết cô sẽ xử lý bài này ra sao, khi mà "tượng đài" hát bài ấy ngồi sừng sững ở dưới trong HĐNT và thẳng thắn chê cô trong đêm diễn hôm trước?

Rất may, cô đã không hát "Đá trông chồng". Người ta đã nghe cô hát nó tại Sao Mai năm ngoái rồi. Hà cớ gì phải hát lại nữa? Nhưng cô vẫn không thoát khỏi Lê Minh Sơn. Cô hát bài gì đó như là khát, hay hạn hán gì đó, tôi không nhớ rõ.

Thành thật mà nói, Hà Linh gặp ca khúc của Lê Minh Sơn như cá gặp nước. Cô thoả thức vẫy vùng, phô diễn mọi kỹ thuật thanh nhạc và phả vào đó mọi loại cảm xúc cần có. Bài hát đương nhiên rất khó nghe đối với khán giả, và đương nhiên được HĐNT "thở phào nhẹ nhõm" bình là "thành công".

Trong một-hai entry trước về SMĐH 2008, tôi có viết rằng Hà Linh có khả năng mang lại diện mạo mới cho các ca khúc của Lê Minh Sơn. Nhưng xem xong đêm nay, tôi thấy thực ra cô không đem lại điều gì mới mẻ cả. Mặc dù nỗ lực và sự sáng tạo của cô là không thể phủ nhận. Đơn giản là vì nhạc của Lê Minh Sơn quá quen thuộc, không còn gì để sáng tạo thêm nữa.

Quay ngược lại thời gian, Ngọc Khuê được coi là ca sĩ đầu tiên mang Lê Minh Sơn ra trình làng. Tại Sao Mai ở Tuần Châu năm đó, tuy chỉ được giải Nhì, nhưng Ngọc Khuê lại mang đến một cách hát mới với những ca khúc thực sự mới mẻ đối với tai người nghe nhạc. Những "Chuồn chuồn ớt", "Bên bờ ao nhà mình" hoàn toàn khác lạ từ cách viết, phong cách âm nhạc cho đến cảm xúc sáng tác.

Tùng Dương là người có công đem Lê Minh Sơn đến với quảng đại quần chúng. Với tất cả các ca khúc của Lê Minh Sơn (trừ "Quê nhà" của Trần Tiến), Tùng Dương đã trở thành hiện tượng tại Sao Mai Điểm hẹn 2004. Lần đầu tiên công chúng thấy được diện mạo đầy đủ của Lê Minh Sơn qua những bài hát được trình bày bởi một giọng hát mới vô cùng điêu luyện, tràn đầy nội lực và cảm xúc. Khán giả bắt đầu yêu thích thế giới của Lê Minh Sơn.

Thanh Lam hát Lê Minh Sơn khi đã ở đỉnh cao sự nghiệp. Chị không còn phải đem Lê Minh Sơn ra để thi thố như hai ca sĩ trước. Kết hợp với Lê Minh Sơn, Thanh Lam như tìm được chỗ để giải toả năng lượng sáng tạo. Sự hợp tác giữa hai người thực sự là "bùng nổ" và cống hiến cho người nghe những bài hát "đã nhĩ".

Bây giờ đến Hà Linh.

Cô có thể tìm được gì nữa, sáng tạo được thêm gì nữa khi hát Lê Minh Sơn?

Cá nhân tôi đã hy vọng rằng cô có thể hát sâu lắng hơn, nhẹ nhàng hơn, khắc khoải hơn, nữ tính hơn, lãng mạn hơn. Nhưng dường như thế thì không còn ra chất Lê Minh Sơn nữa.

Lê Minh Sơn là cứ phải bạo liệt, trúc trắc và khó nghe, phải thấm đẫm chất tuồng chèo giống như ca khúc mà Hà Linh hát đêm nay.

Nếu Hà Linh cứ bám vào Lê Minh Sơn, thì liệu cô có làm được gì hay hơn những điều mà Ngọc Khuê, Tùng Dương và Thanh Lam đã làm?

Câu trả lời là không!


Cái "mỏ dầu" của Lê Minh Sơn dường như đã cạn kiệt. Bản thân những sáng tác của Lê Minh Sơn không còn mới hơn được nữa. Qua rồi giai đoạn khán giả háo hức khám phá Lê Minh Sơn. Nghe Lê Minh Sơn bây giờ rất mệt. Vậy thì liệu Hà Linh còn có thể phát kiến thêm được điều gì?

HĐNT muốn Hà Linh trung thành với thể loại ca khúc dân gian đương đại mà cô đã chọn. Thì đấy cô đã trở lại, đã sáng tạo! Nhưng không thể gọi là khám phá!

Cô sẽ không thể tạo lên một hình tượng âm nhạc mới giống như Ngọc Khuê, Tùng Dương đã từng làm. Đơn giản là người ta không thể khám phá và bứt lên trên một cái nền đã cũ và bị đào bới hết mọi tài nguyên rồi.

Nhưng cô cũng không rời bỏ được Lê Minh Sơn, ít ra là trong SMĐH lần này. Vì trên thực tế, chẳng có môi trường nào khiến cô được thoả sức tung tăng như trong môi trường của Lê Minh Sơn.

9/8/08

ẤN TƯỢNG OLYMPIC



Cứ mỗi một Olympic, nước chủ nhà lại đau đầu sao cho lễ khai mạc, lễ bế mạc, đặc biệt là màn châm đuốc đài lửa sao cho thật ấn tượng, thật độc đáo.

Dưới đây là xếp hạng top 5 màn châm đuốc đài lửa:



1. Kathy Freeman châm đài lửa dưới nước tại Olympic Sydney 2000. Lần đầu tiên có sự kết hợp giữa lửa và nước - hai trong những yếu tố căn bản của sự sống trên trái đất.





2. Cung thủ châm đài lửa bằng mũi tên lửa tại Olympic Barcelona 1984. Nghe nói mũi tên không trúng vào đích, đài lửa được châm nhờ phương án dự bị, nhưng ý tưởng này vẫn vô cùng độc đáo.





3. Đài lửa cúi xuống cho người châm tại Olympic Athens 2004.



4. Lý Ninh chạy trên cuốn thư tại Olympic Bắc Kinh 2008. Mặc dù bộ phận kéo dây khiến Lý Ninh có lúc chạy nhanh hơn cuốn thư, song ý tưởng chạy theo sự dẫn đường của tri thức vẫn rất độc đáo.



5. Huyền thoại quyền Anh Muhammed Ali châm đài lửa tại Olympic Atlanta 1996 với bàn tay run rẩy của người mắc bệnh liệt rung Parkinson.



Màn chia ly cảm động nhất là chú gấu Misha nhỏ nước mắt và từ từ bay lên "trở về khu rừng cổ tích tuyệt vời" trên nền giai điệu lưu luyến "Tạmbiệt Mát xcơva" tại Olympic Mátxcơva 1980.

7/8/08

CHÂN DUNG MỘT FREELANCER



Ngồi trên máy bay của Vietnam Airlines bay từ Frankfurt về Hà Nội, tình cờ xem được phim mới toe của Hollywood là Vintage Point (tựa tiếng Việt rất kêu là "Ám sát Tổng thống").

Phim thuật lại vụ ám sát và bắt cóc (giả tưởng) tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Madrid (Tây Ban Nha) dự một hội nghị thượng đỉnh của thế giới do một nhóm Hồi giáo cực đoan tiến hành. Phim hành động khá hấp dẫn. Nó hấp dẫn không phải hành động dồn dập và lôi cuốn, mà là từ cách kể rất độc đáo một câu chuyện từ nhiều góc nhìn.

Phim dài 90 phút thuật lại 23 phút diễn tiến của vụ ám sát từ góc nhìn của một biên tập viên truyền hình trực tiếp (đài GNN), một nhân viên an ninh của tổng thống, một nhà quay phim nghiệp dư có mặt trong đám đông, một tên khủng bố và cả từ góc nhìn của chính vị tổng thống...

Góc nhìn sau giải thích những gì diễn ra trong góc nhìn trước và hé lộ những chi tiết mới.

Cứ thế, lớp nọ nối lớp kia khiến khán giả khó dời mắt khỏi màn ảnh.



Ấn tượng nhất trong phim là hình ảnh của nhà quay phim nghiệp dư Howard Lewis (do diễn viên Forest Whitaker - Oscar diễn viên xuất sắc 2007 - thủ diễn). Lewis là một freelancer (từ này không nên dịch ra tiếng Việt) từ Mỹ sang Madrid với chiếc máy quay video thông thường ghi lại những hình ảnh Tổng thống Mỹ diễn thuyết tại hội nghị.

Chiếc máy quay không bị bó buộc bởi những quy chuẩn nghề nghiệp của anh đã vô tình ghi lại được những hình ảnh quý giá: những kẻ khủng bố lọt qua hàng rào an ninh, tay súng nã đạn vào ngực tổng thống, nữ sát thủ quăng cặp đựng bom vào đám đông...

Sống sót sau vụ nổ bom, Lewis không ngần ngại dượt đuổi theo tên tội phạm giả danh cảnh sát Tây Ban Nha chạy trốn sự truy quét của nhân viên an ninh. Anh mạo hiểm tính mạng chạy theo để thực hiện nỗi đam mê của mình...

Rồi vào giây phút kịch tính nhất, anh đã bất ngờ xuất hiện nhấc bổng một bé gái ra khỏi mặt đường, tránh được cú đâm trong gang tấc của chiếc xe mà bọn khủng bố đương lái.

Diễn xuất đầy tinh tế của Forest Whitaker đã khắc hoạ sống động một freelancer, biến nhân vật phụ này trở thành vai diễn ấn tượng nhất trong phim. Nhưng có lẽ, một freelancer như vậy chỉ tồn tại trong phim của Hollywood.

Tuy nhiên, vẫn giới thiệu mọi người xem phim này, đặc biệt những ai quan tâm đến truyền thông. Đặc biệt hơn nữa là bạn XB.

Ảnh: Nhân viên an ninh tổng thống (giữa) xem lại đoạn băng cảnh ám sát tổng thống do Howard Lewis (trái) quay được.

6/8/08

LÃO BÀ VÀ KÉP TRẺ



Hội thảo kết thúc vào trưa thứ 6. Trước khi bế mạc, Joanna - cô gái người Ba Lan vui tính, hỏi: "Chiều nay anh còn ở Stockholm không? Nếu còn thì đi picnic với chúng tôi cho vui. Tôi có cậu em trai sống ở ngoại ô, cạnh nhà nó có cái hồ đẹp lắm. Trời thế này đi picnic thì tuyệt".

Cũng chẳng có gì làm vào chiều thứ 6, nên tôi đồng ý nhập hội với Joanna, bao gồm 2 người Nga, một người Pakistan, một người Ấn Độ. Cả hội góp tiền đi mua thịt gà, thịt lợn, bánh trái, hoa quả và hai hộp than để nướng barbecue.

Đi tàu điện ngầm từ trung tâm Stockholm chừng 40 phút, chúng tôi xuống một sân ga vắng vẻ. Ra khỏi ga thì thấy một chàng trai trẻ đứng cạnh chiếc xe hơi vẫy tay và cười. Đó Wojciech - em trai của Joanna. Chị em họ ôm hôn thắm thiết. Cậu thân mật bắt tay từng người trong số chúng tôi.

Wojciech rời thành phố tỉnh lẻ ở Ba Lan sang Stockholm từ hai năm nay. Ba Lan gia nhập EU, nhiều công dân nước này chạy sang Tây Âu để kiếm mức lương cao hơn ở quê nhà. Wojciech cũng trong làn sóng đó, cậu làm cho một công ty tin học ở thủ đô Thụy Điển.

Wojciech nói tiếng Anh tốt, vui vẻ và thân thiện hệt như cô chị, nên mọi người đều thấy thoải mái. Chúng tôi có 6 người, nên Wojciech phải đi 2 chuyến xe mới chở hết mọi người về nhà.

Khi tất cả đã tụ tập đông đủ trong sân, cậu dẫn mọi người vào căn hộ ngay ở tầng một của ngôi nhà chung cư 7 tầng. Một người phụ nữ đứng tuổi (chừng 55-57 tuổi), còn khá xinh đẹp, thân hình mảnh dẻ gợi cảm, mặc áo hai dây, để lộ bộ ngực đầy đặn ra mở cửa. Bà chào chúng tôi bằng tiếng Anh và xưng tên: Catherine.

Cả Wojciech và Joanna đều không nói bà là ai.

Wojciech nói: "Cái hồ ở cách đây 30 phút đi bộ, nhưng đó là khu bảo tồn thiên nhiên, nên chúng ta sẽ phải nướng thịt ở nhà, ăn uống xong xuôi rồi mới ra đó tắm. Họ cấm xả rác ở đó".

Chúng tôi đi ra khoảng sân rộng ở đằng sau nhà, lục tục thắp bếp và nướng thịt. Hình như đầu ai cũng lơ lửng câu hỏi: Người đàn bà này là ai?

Lựa lúc thích hợp, anh chàng Pakistan hỏi Joanna: "Người phụ nữ kia là thế nào với chị em bạn vậy"?

Joanna trả lời ngay mà không suy nghĩ: "She's my brother's friend. She teachs dancing. My brother learns dancing with her" (Bà ấy là bạn của em trai tôi, bà ấy dạy nhảy, em trai tôi học nhảy với bà ấy).

OK. Tất cả tạm hài lòng với lời giải thích đó.

Chúng tôi bận rộn nướng thịt, còn Catherine thì dọn bát đĩa, bầy bia ra chiếc bàn gỗ kê sẵn ngoài sân dưới một chiếc dù lớn.

Lát sau tất cả ngồi vào bàn. Wojciech ngồi xuống cạnh Catherine. Tay cậu vòng qua lưng Catherine. Rồi âu yếm nhìn bà ta, cậu tuyên bố với mọi người: "Đây là bạn gái của tôi!".

Hai người Ấn Độ và Pakistan dù nãy giờ vẫn hồ nghi nhưng nay nghe lời khẳng định đó vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Nàng nhìn chàng đắm đuối. Rồi cả hai hôn nhau.

Sau bữa ăn, tất cả lên đường đi ra hồ. Catherine mặc chiếc váy ngắn như thiếu nữ 18. Nhìn xa thì thấy cặp chân rất thẳng, nhưng nhìn gần thì thấy làn da đã khá nhăn nheo, dẫu chủ nhân dành nhiều thời gian chăm sóc. Catherine có hai con chó lông xù màu đen. Nàng dắt con chó lớn. Chàng dắt con chó nhỏ.

Họ tung tăng như một cặp tình nhân 8X đi ra hồ.

Đến nơi, chàng thổi một chiếc phao nệm khá lớn màu sắc rực rỡ. Nàng trút bỏ chiếc váy ngắn, mặc bộ bikini và rón rén leo lên tấm nệm. Chàng lội xuống nước đẩy nàng ra giữa hồ.

Họ quấn quít bên nhau như thế, có phần thích thú trước ánh mắt ngạc nhiên của nhiều người đi nghỉ.

Stockhom tháng Bảy, gần 23 giờ mới hoàng hôn.

Khoảng 22 giờ, viện cớ phải chuẩn bị cho chuyến bay sáng mai, tôi và hai người Nga đi về trước. Dọc đường từ hồ ra ga tàu điện ngầm, câu chuyện chỉ xoay quanh đôi tình nhân kỳ lạ này.

- Sao một chàng trai 25 tuổi lại có thể yêu một phụ nữ đáng tuổi mẹ mình như thế nhỉ? Trông rất chướng! - Dmitri nói.

- Không loại trừ có những chàng trai có sở thích như vậy. - tôi nói.

- Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. - Alexei thủng thẳng đáp. Rõ ràng là bà ta chỉ thích trai trẻ và tỏ ra rất có kinh nghiệm trong việc cua loại trai này. Xem cái cách giữ gìn dáng vóc và bộ ngực bơm silicon của bà ta thì biết ngay. Tôi hỏi rồi, Wojciech mới chỉ có working visa (thị thực làm việc). Cậu ta phải sống ở đây ít nhất 3 năm mới được thẻ cư trú. Một mối quan hệ đối tác kiểu này có thể giúp cậu ta có được tấm thẻ ấy. Đôi bên cùng có lợi. Tin tôi đi, sau khi có thẻ cư trú, cậu ấy sẽ bái bai người tình già, để trở về với đời sống tình ái đúng nghĩa của mình. Còn bà ta thì sẽ lại đi tìm một chàng trai Đông Âu trẻ khác...

(Click vào ảnh để chiêm ngưỡng chàng và nàng từ phía sau)

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết