15/8/06

Ba điều ước của Honna



Tetsuji Honna, người thích được gọi một cách thân mật theo kiểu Nhật là "Honna-san", trông trẻ hơn khá nhiều so với tuổi 49 của mình. Với kinh nghiệm chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng lớn của Nhật Bản như Dàn nhạc Giao hưởng Osaka, Dàn nhạc Thính phòng Nhật Bản, Dàn nhạc Giao hưởng Nagoya (Nhật Bản), các dàn nhạc ở Hungary, Hà Lan, Italia, CH Czech, Gruzia, Slovenia... ông là người phù hợp với vị trí cố vấn âm nhạc cho đề án nâng cấp VNSO được bắt đầu thực hiện từ năm 2001. Và từ đó đến nay, ông đều đặn mỗi năm đến Việt Nam vài ba lần.

Honna-san

Từ hơn 6 năm nay người Hà Nội mê nhạc cổ điển biết đến tiếng ông và chờ đợi sự trở lại của ông. Trông vào lịch làm việc ngày một nhiều hơn của ông với VNSO, có thể thấy rằng Honna-san "hợp cạ" với các nghệ sĩ VN. Một nhạc trưởng Nhật Bản, đương nhiên hiểu rõ những điểm yếu của người Á đông chơi loại nhạc bác học của người phương Tây và biết cách khắc phục những nhược điểm đó. Honna-san kể lại lần đầu tiên làm việc với VNSO ông ngạc nhiên khi nhìn thấy những nhạc cụ cũ kỹ mà họ sử dụng. Nhưng với những nhạc cụ ấy, họ đã làm ông ngạc nhiên về trình độ trình tấu của từng người. Nhưng rồi tiếp đó, ông lại bị bất ngờ vì nhiều nhạc công chỉ nghe chính tiếng đàn của mình mà chưa chịu lắng nghe nhau để thực sự đạt được sự hoà hợp cần phải có của một dàn nhạc giao hưởng. Đó chính là hậu quả của sự thiếu cọ xát, ít kinh nghiệm biểu diễn và ít được làm việc với những nhạc trưởng giỏi. Nay thì, theo Honna-san, họ đã đạt được bước đột phá lớn, tuy vẫn còn phải cố gắng hoà quyện nhau hơn nữa thì mới có thể đạt được đến độ hoàn mỹ.

Với kinh nghiệm chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng lớn của Nhật Bản như Dàn nhạc Giao hưởng Osaka, Dàn nhạc Thính phòng Nhật Bản, Dàn nhạc Giao hưởng Nagoya (Nhật Bản), các dàn nhạc ở Hungary, Hà Lan, Italia, CH Czech, Gruzia, Slovenia... ông là người phù hợp với vị trí cố vấn âm nhạc cho đề án nâng cấp VNSO được bắt đầu thực hiện từ năm 2001. Và từ đó đến nay, ông đều đặn mỗi năm đến Việt Nam vài ba lần. Tetsuji Honna, người thích được gọi một cách thân mật theo kiểu Nhật là "Honna-san", trông trẻ hơn khá nhiều so với tuổi 49 của mình.

Dưới đây là những tâm sự lẻ tẻ góp nhặt từ nhiều buổi trò chuyện với ông:

Về người Việt trong giới

"Tôi chơi rất thân với Ngô Hoàng Quân. Anh ấy trạc tuổi tôi, lại được đào tạo bài bản ở Nhạc viện Tchaikovsky, nên chúng tôi có tiếng nói chung và hiểu ý nhau rất nhanh. Ngô Hoàng Quân là tay cello tầm cỡ Châu á. Tôi đã "môi giới" để mời anh sang Nhật biểu diễn và tài nghệ của anh được giới chuyên môn của Nhật đánh giá cao. Tôi cầu chúc dưới sự lãnh đạo của anh, VNSO sẽ có được vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc của Việt Nam. Tôi mong ước được đưa thêm nhiều nghệ sĩ của VNSO ra nước ngoài, ít ra là đến Nhật.

Tình yêu Việt Nam

"Tôi yêu Việt Nam, yêu Hà Nội. Hà Nội có cái gì đó giống với Osaka, thành phố nơi tôi đến làm việc khá nhiều. Osaka là thành phố ngoại quốc nhất của Nhật Bản. Người dân ở đó rất sinh động và mến khách, hệt như người Hà Nội vậy. Tôi đến Việt Nam đúng vào thời "bùng nổ Việt Nam" ở Nhật Bản. Chính quyền và giới kinh doanh thì bàn nhiều đến hợp tác kinh tế với Việt Nam, tầng lớp trung lưu thì tìm thấy ở Việt Nam một địa chỉ du lịch hấp dẫn và an toàn, còn các bà các cô thì coi Việt Nam là "thiên đường mua sắm". Tôi như vừa nằm trong trào lưu ấy, vừa như không thuộc về trào lưu ấy. Tôi khám phá ra một Việt Nam của riêng tôi và Việt Nam cũng làm được một số điều cho riêng tôi thôi.

Ba mẹ tôi cũng đến Hà Nội tháng 4.2003. Mấy năm trước, ba tôi bị một căn bệnh mà các bác sĩ chỉ cho phép lựa chọn hoặc là từ bỏ đôi chân, hoặc là từ bỏ cuộc sống. Ông đã lựa chọn phương án thứ nhất. Ba năm nay ông di chuyển bằng xe lăn với sự trợ giúp của mẹ tôi. Khi đến thềm Nhà hát Lớn Hà Nội, ông ngạc nhiên vì thấy có quá nhiều bàn tay nắm vào chiếc xe và nhấc ông vào trong nhà hát. Có thể vì ở Nhật Bản, các nhà hát đều có đường đi dành riêng cho người khuyết tật, nên ba tôi không nhận được sự chăm sóc đặc biệt ấy. Còn ở đây, ông xúc động và hạnh phúc lắm. Và ông hiểu tại sao tôi lại yêu Việt Nam".

Những ước mơ của Honna-san

Ước mơ thứ nhất: "Tôi mơ có ngày được chỉ huy một dàn nhạc bao gồm những nhạc công giỏi nhất của Hà Nội từ VNSO, Dàn nhạc Nhạc viện Hà Nội và Nhà hát Nhạc - Vũ kịch Việt Nam. Mỗi dàn nhạc đều có những nhạc công giỏi và hiện nay trong một chừng mực nào đó họ cạnh tranh với nhau. Tôi đã mời một số nhạc công của Dàn nhạc Nhạc viện Hà Nội chơi cho VNSO và họ hoà nhập rất nhanh. Tôi cứ tưởng tượng về việc tôi tập hợp được những nhạc công giỏi nhất của Hà Nội, làm một chương trình thật "xôm trò" nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội dưới trần của Nhà hát Lớn Hà Nội 100 năm tuổi....".

Ước mơ thứ hai: "Cả nhà tôi chẳng có ai làm nghệ thuật. Chính xác hơn có một ông chú làm hoạ sĩ. Nhưng tôi bắt đầu mê âm nhạc từ năm 12 tuổi. Sở dĩ có được điều đó là do ở trường phổ thông nơi tôi học có một dàn nhạc nhỏ. Nó không hoàn chỉnh đâu: Một vài cây violon, mấy cái kèn, vài ba cái trống và cả một chiếc accordeon nữa. Nhưng thế là đủ cho mấy chú nhóc ra sức tập luyện trổ tài. Chúng tôi đã chơi được những bản nhạc rất hay và con đường âm nhạc chuyên nghiệp của tôi khởi đầu từ đó. Tôi cần phải nói rằng đây chính là môi trường tuyệt vời nuôi dưỡng tài năng âm nhạc và trình độ thưởng thức âm nhạc của dân chúng. Mấy người bạn thân của tôi là những tay chơi nhạc nghiệp dư cũng từ Nhật sang để xem chương trình "Yamaha Concert" lần này. Họ chơi đàn hay chẳng thua kém gì các nhạc công của VNSO. Tôi nói dài dòng thế, là bởi vì tôi rất muốn các trường phổ thông, ít ra là ở Hà Nội, được trang bị nhạc cụ để các em có thể biết đến nhạc cổ điển ngay từ khi còn nhỏ. Tôi đã nói chuyện với hãng sản xuất nhạc cụ Yamaha, đề nghị họ tặng nhạc cụ cho các trường phổ thông và họ tỏ ra quan tâm đến ý tưởng này. Tôi mơ ước sẽ có ngày được chỉ huy một dàn nhạc của thiếu nhi Hà Nội trưởng thành từ những dàn nhạc tí hon như thế...".

Ước mơ thứ ba: "Tôi ước mơ có được một ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội để tôi có thể đi về. ở Tokyo tôi có một căn hộ rộng hơn 70 mét vuông. Nhưng cái nghề lưu diễn nay đây mai đó của tôi buộc tôi phải sống ở khách sạn nhiều hơn là trong nhà của mình. Nhưng đến Hà Nội, trong tôi trào lên ước muốn được sở hữu một ngôi nhà, để trải qua những ngày tháng êm đềm và lãng mạn ở xứ sở quyến rũ này. Tất nhiên là với người mà mình yêu...".

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết