31/8/06

NỖI ĐAU TỪ THẢM KỊCH BESLAN



Ngày tựu trường 1.9 không bao giờ là niềm vui trọn vẹn của người Nga nữa. Thảm kịch bắt giữ 1.128 học sinh, giáo viên và phụ huynh làm con tin trong ngày khai giảng tại thành phố nhỏ Beslan hai năm trước, vẫn còn là vết thương chưa liền da trong tâm khảm nhiều người.


Ngày 1.9, đúng vào lúc hồi chuông khai giảng vang lên, thì 332 quả bóng bay trắng cũng nhẹ nhàng bay lên bầu trời Beslan. Mỗi quả bóng tượng trưng cho linh hồn một người đã thiệt mạng trong vụ bắt cóc con tin đẫm máu nhất trong lịch sử Nga hiện đại. Buổi lễ tưởng niệm 2 năm thảm hoạ Beslan được bắt đầu lúc 9h15 phút (giờ địa phương – 12h15 phút giờ Hà Nội) – đúng vào lúc phiến quân ly khai Chechnya tấn công vào trường học số 1 của Beslan (tỉnh Bắc Ossetia ở miền nam nước Nga). Lễ tưởng niệm sẽ kéo dài 2 ngày cho đến lúc 1h05 Chủ nhật (3.9) - thời điểm chấm dứt của thảm kịch kinh hoàng. Nước Nga sẽ dành một phút mặc niệm vào đúng lúc ấy.


Nước Nga vẫn mãi đau đớn với câu hỏi đã dày vò họ trong suốt 2 năm qua: Tại sao các lực lượng an ninh lại có thể lơ là để hàng chục tay súng Chechnya lọt được vào thành phố dễ dàng như vậy? 32 trong số 33 tên khủng bố đã bị tiêu diệt trong cuộc tấn công hỗn chiến của lực lượng an ninh Nga. Nhưng than ôi, hơn 300 con tin cũng đã thiệt mạng trong cuộc giải cứu đẫm máu ấy. Hai tuần trước đây, một người phụ nữ nữa cũng đã qua đời do không chữa khỏi những vết thương có từ ngày ấy, nâng tổng số nạn nhân của thảm kịch Beslan lên 333. Như vậy mỗi tên khủng bố đã cướp đi sinh mệnh của 10 người.


Những cảnh tượng hãi hùng của vụ bắt cóc con tin được nhiều kênh truyền hình phương Tây phát đi lần đầu tiên đã cho khán giả nhiều nước thấy được bản chất thực sự của phong trào ly khai Chechnya. Tháng 5 vừa qua, tay thợ mộc 25 tuổi Nurpashi Kulayev, kẻ bắt cóc duy nhất sống sót, đã bị toà án Nga tuyên án tù chung thân. Hắn thừa nhận đã tham gia thực hiện tội ác này, song nói rằng hắn không hề giết ai trong số các con tin. Hai tháng sau, kẻ chủ mưu trong vụ tấn công, trùm khủng bố Shamil Basayev đã bị thủ tiêu trong một cuộc đột kích của đặc nhiệm Nga. Nợ máu đã trả, khiến nỗi đau Beslan phần nào nguôi ngoai.


Tuy nhiên, hai năm đã trôi qua mà cuộc điều tra thảm kịch vẫn chưa mang lại được kết luận nào. Cách đây hai tuần, nghị sĩ Nga Yuri Savelyev đã công bố bản báo cáo động trời: Chính việc lực lượng an ninh Nga nổ lựu đạn đã khơi mào cuộc đọ súng hỗn chiến dẫn đến trận tấn công giải cứu bất đắc dĩ. Trước kia, báo chí vẫn nói rằng phiến quân đã khai hoả bằng việc kích hoạt bom.


Báo cáo trên đã làm cho lễ tưởng niệm các nạn nhân phần nào trở nên chua xót. Nhóm “Mẹ Beslan” bao gồm những bà mẹ mất con trong thảm kịch đã yêu cầu tất cả các vị quan chức nên tránh xa mọi hoạt động tưởng niệm. Họ còn ra một thông báo chỉ trích các lãnh đạo địa phương và người đứng đầu uỷ ban điều tra vì có ý giấu nhẹm những sai sót vì vô trách nhiệm. Họ đòi hỏi những người đã vô trách nhiệm để 33 tên khủng bố được tự do di chuyển trên xa lộ liên bang đến nơi gây tội ác phải bị ra trước vành móng ngựa. Bản báo cáo của Uỷ ban Hạ viện điều tra vụ Beslan sẽ được công bố vào cuối tháng 9.


Người Nga vẫn muốn rút ra những bài học, dẫu là đau đớn, từ thảm kịch này.


30/8/06

Tâm sự của Quỳnh Hương



Đoạn trích tiểu thuyết sắp xuất bản của Vũ Quỳnh Hương trên blog này đã được các bạn thảo luận rất sôi nổi. Quỳnh Hương đã có ý kiến khá dài. Tôi chuyển sang đây, để các bạn tiện theo dõi.

Cảm ơn anh Cường! Cảm ơn mọi người. Rất thành thật mà nói, đã có lúc em định buông tay để cho quyển tiểu thuyết đó "rơi" luôn. Vì nắng. Vì mưa. Vì người. Vì tình. Vì mệt mỏi. Vì stress hay vì rất nhiều thứ khác nữa. Nhưng đúng là nhờ có những dòng bình luận dù khen dù chê dù chẳng khen chẳng chê này em thấy có động lực để viết hơn.

@ Tanchik: Cảm ơn lời bình của anh. Nhưng QH thực sự rất rất ngạc nhiên khi thấy anh so sánh đoạn trích trên với "Phải lấy người như anh", nhất là "giọng văn giống, kiểu viết giống, đề tài giống" thì hình như... anh chưa hề đọc "Phải lấy người như anh" hay sao ấy. Nếu có thời gian, mời anh và các bạn đọc lại tác phẩm này:
http://www1.ttvnol.com/tacphamvanhoc/683828.ttvn

@ Các anh đọc đoạn trích trên và nghĩ rằng đó là "xỉ vả, nói xấu" đàn ông.

Đây không phải là lời thanh minh, nhưng nếu các anh nghĩ thế thì đúng là các anh chẳng đọc kỹ, cũng như không cảm nhận và cảm thông được với phụ nữ. Cuộc đời không thể thiếu đàn ông, không thể thiếu phụ nữ - lẽ cân bằng âm dương đó cũng như không thể thiếu mặt trăng hay mặt trời vậy. Nhưng điều quan trọng nhất trong mọi mối quan hệ, dù là bạn bè, người yêu, tình nhân hay vợ chồng - là tình yêu thương và sự chia xẻ - chứ không phải là bất kỳ trói buộc trách nhiệm nào.

Đã là phụ nữ thì ai cũng muốn được chở che nương tựa - cho dù cô ta có mạnh mẽ hay tỏ ra mạnh mẽ đến đâu. Chỉ có điều muốn làm được chỗ dựa cho người phụ nữ ở thế hệ mới này - đàn ông cần nhiều bản lĩnh hơn, nhiều bao dung hơn, nhiều yêu thương hơn và thực sự là cần cả sự văn minh trong cách cư xử nữa. Đừng tìm trong văn của em sự chua chát - em chưa bao giờ nghĩ rằng mình thù hận gì đàn ông mà chất chứa vào trong văn chương đâu.

6 cô gái - 6 nhân vật của em, mỗi người một tính cách, nhưng đều có chung một điểm: đó là dù cuộc sống có xô đẩy dập vùi thế nào, họ vẫn luôn cố gắng SỐNG - đó là điều quan trọng nhất - SỐNG trước hết là vì mình và vì những người mình yêu thương. SỐNG không phải là tồn tại, vì nếu mình không có chính tình yêu và trách nhiệm với bản thân mình - mình sẽ không thể có trách nhiệm và yêu thương người khác.

Không phải tự nhiên mà nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương đã nói "tình yêu và sự quan tâm phải đi kèm với tiền mặt" - mới nghe thì thấy thật là... xôi thịt. Nhưng điều đó đúng. Sẽ là gì nếu bạn bè, người thân, người yêu, vợ chồng gặp khó khăn hoạn nạn - còn ta thì chỉ có thể nói vài câu ra vẻ quan tâm - hoặc thậm chí là chả thèm nói câu nào - đến khi bị trách thì lại nói rằng "tôi có quan tâm đấy chứ, tôi có tình cảm đấy chứ, nhưng cá tính tôi không thích thể hiện, tôi yêu và quan tâm trong ý nghĩ thôi".

Vậy thì yêu hay không yêu - sẽ khác nhau ở chỗ nào? Yêu mà không phải quan tâm, không phải hành động, không phải nói ra - tóm lại là chả phải đầu tư cả công sức, tâm trí lẫn tiền bạc - thì ai mà chả có thể yêu 100 người một lúc được.

Như thế - muốn yêu thương được người khác - trước hết mình phải tự lo được bản thân mình và cố gắng tối đa để có thể lo cho người mà mình yêu mến, yêu thương - bố mẹ, chồng con, vợ con, hay bạn bè đồng nghiệp...

Và khi đã SỐNG được. Người phụ nữ nào cũng luôn khao khát YÊU và ĐƯỢC YÊU.

Mà như thế, người đàn ông đủ sức, đủ tình yêu và bản lĩnh yêu người phụ nữ DÁM SỐNG sẽ phải là người BIẾT SỐNG và BIẾT YÊU!

Vài lời dông dài biết bao giờ cho hết chuyện. Một lần nữa em cảm ơn mọi người và bác Cường.

29/8/06

MPT is Miss World Contestant



Lần đầu tiên thấy Việt Nam làm việc một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp.

Chẳng là ngay sau cuộc thi Hoa hậu Việt Nam kết thúc đêm thứ 7 tuần trước (26.8), thấy báo chí có đăng hình em Thuý ký thủ tục tham dự Miss World 2006 Contest, nên nảy ra ý định xem cái thủ tục đăng ký này kéo dài bao lâu trong thời đại @.
Chủ nhật (27.8), website chính thức của BTC Miss World 2006 vẫn chưa có tên MPT. Đương nhiên, chủ nhật người ta nghỉ, cả BTC của báo Tiền Phong lẫn BTC Miss World.

Nhưng đến chiều 29.8, thì website của Miss World đã có tên em Thuý và ba tấm hình của em. Đây là đường link mời bà con vào xem: http://www.missworld.tv/bio/bio.sps?iBiographyID=92278
Tên của MPT trên website là Mai Phuong. Số báo danh là MW117. Tuy nhiên, phần tiểu sử của em chưa được update.

Các thí sinh được chia thành 6 nhóm đại diện cho 6 khu vực. Mỗi nhóm sẽ chọn 1 em vào top 10. Em Thuý sẽ thi ở nhóm Asia-Pacific, với 16 ứng cử viên, trong đó có các người đẹp nổi trội như: Kazuha KONDO - Nhật Bản - 22 tuổi, 172cm (em này hơi bị gầy); Sharon PARK - Hàn Quốc - 21, 178 (em này sẽ là địch thủ hàng đầu của MPT); Selenge ERDENE-OCHIR - Mông Cổ - 19, 180 (điểm bất ngờ là em này cực xinh); Rapthi Raffella Dannielle KERKOVEN - Sri Lanka, 18, 175 (mặt em này rất khả ái); Sabrina HOUSSAM - Australia - 20, 172 (em này lai, thân hình cực hot); Duo LIU- Trung Quốc, 24, 178 (em này rất stylish và ăn hình).

Nhóm này sẽ được chọn 1 em vào top 10. Căn cứ vào hình ảnh của các thí sinh trong khu vực được đăng tải trên website, thì gương mặt của MPT trong sáng nhất.
Bên cạnh đó, MW2006 còn tổ chức 4 cuộc thi: Beach Beauty, Talent, Sport and Beauty with a Purpose (tạm dịch: Hoa hậu bãi biển, Hoa hậu Tài năng, Hoa hậu Thể thao và Vẻ đẹp có nguyên cớ - chắc là Thân thiện đây). 4 em chiến thắng trong các cuộc thi này sẽ vào top 10.

Đây là cuộc thi MW lần thứ 56. Chung kết sẽ diễn ra đêm 30.9 tại Warsaw (Ba Lan) và được truyền hình trực tiếp khắp thế giới.

28/8/06

Sốt theo mùa



Trích tiểu thuyết (chưa xuất bản) của VŨ QUỲNH HƯƠNG

Đời mà! Đàn ông lúc chơi, kể cả lúc yêu thật, cứ muốn túm tay người yêu lôi xềnh xệch vào thiên đàng, đến lúc sự đời xô đẩy, không đến được với nhau, lại lý do lý trấu đổ cho muôn ngàn cái sự "không hợp", "chênh lệch", đến cả "duyên số" cũng được mang ra làm lá chắn... thế nhưng đã cưới vợ, thì có người dám nói ra mồm, có người không - nhưng trong thâm tâm chỉ muốn rước về con vợ còn trong trắng. Lấy được thật, thì coi như đời đã thoả mãn, con vợ chỉ cần để ở một xó, hoa đẹp hoa xấu lúc ấy cũng đã là hoa của mình, chẳng cần chăm bón, tưới tắm làm gì cho mệt. Lời ngọt ngon, cử chỉ đẹp, khi ấy để dành phô ra cho đồng nghiệp, cho bạn gái, kể cả cho con bé mới quen ở lớp học sinh ngữ. Bạn gái có buồn, gọi điện sụt xùi kể chuyện bị phụ bạc, thì kiên nhẫn nghe cả tiếng đồng hồ, đưa em đi ăn, đi chơi, tử tế lắm. Nhưng con vợ vô phúc điện thoại vì đau bụng giữa lúc thằng chồng đang chơi tennis, thì khó chịu.

Rõ cái thứ đàn bà của nợ ở đâu ra, chẳng họ hàng máu mủ, nghĩ đi nghĩ lại đùng một cái nhà mình nó ở, xe mình nó đi, tiền mình nó tiêu, nó lại còn quản lý cả mình nữa chứ. Tự dưng thấy đời sao mà bức bối, bị cầm tù, ấm ức vô kể. Rồi quên phắt luôn có thời mình từng chạy theo cái thứ "của nợ" ấy, mê cái của nợ ấy như điếu đổ, luôn mồm khen cái của nợ ấy xinh, cái của nợ nấu ăn khéo, nhất nhất tuân thủ mọi ý thích của cái của nợ như một thứ kinh thánh, chỉ mong vơ cái của nợ ấy về làm của riêng mình. Rồi cũng tự nhiên, đùng một cái, mới chỉ ngày hôm trước ngày hôm sau thôi - sau khi ký vào tờ giấy mỏng tang được gọi là đăng ký kết hôn - thì nhận ra rằng mình vừa đeo một cái xích vào cổ. Những việc đưa cái của nợ đi sinh nhật, đi mua sắm, chăm chút, ôm ấp, hôn hít, vuốt ve và làm tình... trước đây nghe thật là thú vị. Giờ giống như một thứ nghĩa vụ không hơn không kém. Nói thế nghe chừng hơi cực đoan. Xin lỗi cánh đàn ông tý, nhỉ! Nhưng mà cứ thật thà đi cho dễ nói chuyện, đành rằng các bố vẫn leo lẻo cái mồm là yêu vợ (mà có khi yêu thật ấy chứ, không giả vờ), nhưng có đến 999 trong 1000 thằng đàn ông ít nhất một lần gọi vợ là "xích sắt", "cá sấu", "cai tù", "nhân viên phòng thuế"... Cái sự chăm sóc, kiếm tiền nuôi con cái, sửa xe, đổ xăng cho vợ đáng lẽ là việc thường tình của giống vật khi đã yêu thương thì lại được làm như một trò ban ơn mà lũ đàn bà cần phải hết lời ca tụng.

Khổ nỗi từ khi con người nghĩ ra cái gọi là tiền, thì cuộc sống tự nhiên phức tạp hẳn ra. Cái thời ăn lông ở lỗ - chồng săn bắn, vợ hái lượm, phân công lao động đâu ra đấy, chẳng đứa nào hục hặc với đứa nào. Đến thời nay, phụ nữ trèo phắt lên làm giám đốc, làm giáo sư, làm chuyên viên này nọ, tiền kiếm nhiều hơn chồng, việc nhà vẫn phải làm như chồng, thế là thế nào? Thời buổi gì mà giá trị đảo lộn hết cả, cái đầu đã kiếm được tiền tất phải biết đòi hỏi công bằng. Anh không phải nuôi tôi, không phải nuôi con tôi, không phải làm việc nhà, đến việc yêu tôi một cách vui vẻ cũng không xong nốt, thế thì cuộc đời tôi còn cần anh làm cái quái gì.

Thế là màn chửi rủa, trách móc theo lối thế hệ mới lại bùng lên - phụ nữ ngày nay không bằng một góc phụ nữ ngày xưa, đến vợ Tú Xương "nuôi đủ năm con với một chồng" cũng chưa có ý định trèo lên đầu lên cổ đấng lang quân bao giờ, cô đã là cái thớ gì? à, vấn đề là ở chỗ, chỉ trong vòng có hai mươi mấy năm nay thôi, đàn bà đã tiến vù vù đến cả chục thế hệ. Con vợ thời phong kiến, có là trụ cột kinh tế, thì vẫn phải nể, phải sợ thằng chồng đầu chất một bồ chữ. Đến thời nay, cái luật lệ cấm đàn bà đi thi bị bãi bỏ. Bươm bướm đua nhau vào đại học. Ra trường, nói toẹt ra đi, phụ nữ còn dễ kiếm việc hơn đàn ông, kiếm tiền chẳng thua gì đàn ông, thông minh nhanh nhẹn chẳng kém gì đàn ông, đấu đá với cuộc đời còn ác liệt hơn cả đàn ông. Ai cũng biết con vợ khôn là con vợ phải biết khen chồng, thậm chí phải giả vờ ngu trước mặt chồng. Nhưng con vợ khôn thời nay lại thành con vợ ngu, ở chỗ không những không giả vờ ngu, còn tranh luận ỏm tỏi với những luận điệu “ngu vật” của đấng đầu gối tay ấp. Thế thì làm gì mà chẳng tan cửa nát nhà. Nhưng đàn ông ngoan cố không muốn nhìn lại mình, rằng đã mất thế mạnh này, thì phải nhanh chóng cân bằng cho mình một thế mạnh khác. Đàn bà có hùng hổ đến mấy, nhưng hễ được yêu là nhũn ra như con mèo được gãi tai. Đàn bà như thế, chỉ biết sợ lúc được yêu, chứ đã không còn tình cảm - khác gì voi rừng xổ đú.

Tệ hại là ở chỗ, đã là người, thì chẳng có đứa nào ngu hơn đứa nào. Có là đàn bà hay đàn ông cũng vậy. Lũ đàn bà gặp nhau, khóc khóc cười cười, chửi rủa tùm lum, ra cái điều là đời ta chẳng cần có đàn ông để làm gì. Về mặt sinh tồn, có thể nói như vậy thật, thời buổi này - làm gì còn có ai nuôi ai. Nhưng bảo đàn bà ngu, là ngu thật. Có là bác sĩ, là giáo sư, là con giời đi chăng nữa, nhưng thật ra, mọi cái sự vui buồn của tâm trạng đàn bà đều phụ thuộc vào thằng đàn ông. Đó chính là điểm yếu của phái đẹp khi đã yêu. Thử làm ma xó đặt mình vào xó xỉnh mọi căn nhà, mọi quán trọ, mọi công sở, mọi hàng ăn, mọi quán càphê hay thảm cỏ, bụi tre - mới vỡ nhẽ ra rằng hễ có từ hai con đàn bà trở lên ngồi với nhau, thì có chuyện trên trời dưới biển sau 15 phút cũng sẽ quay về chủ đề đàn ông, có thể nói tốt, cũng có thể nói xấu, nhưng không thể không dính dáng đến nửa còn lại của thế giới. Trong khi bọn giống đực có thể đàn đúm với nhau cả ngày trời mà không mở mồm ra nửa câu nhắc đến đàn bà. "Bọn chúng" còn mải ngất ngây với con ôtô mới ra có quả cửa hậu đẹp ngây ngất, hay "a cay, chim cú" vì thằng người ảo trong trò chơi điện tử vừa bị lột mất mũ giáp. "Hỏi thế gian tình là vật gì?" - ai mà trả lời được.

Chỉ biết khi đau khổ vì yêu, đàn ông đập phá nát tan cả đồ đạc lẫn cuộc đời mình để xả, uống cho say bét nhè, rồi nôn, rồi ngủ, rồi thức dậy và quên. Còn đàn bà, khóc, rồi nén nỗi đau lại trong ngực. Nỗi đau trong ngực đàn bà giống như viên ngọc trai, mỗi ngày lại tròn thêm, to thêm, và rắn lại đè nặng lên tim như đá núi. Yêu một người - nghĩa là ban cho người đó cái quyền năng có thể làm cho mình đau khổ. Cái quyền năng ấy sức mạnh vô song - quật ngã cả những người đàn bà kiên cường nhất. Bị tổn thương, hậu duệ của Eva càng ra sức củng cố những hàng rào thép gai bảo vệ quanh mình, càng xù lông. Đàn ông không bao giờ biết một điều: chính cái lúc người đàn bà xù lông, đấy lại là lúc cô ta thèm được yêu thương nhất, lo sợ không được yêu thương nhất, và hãi hùng việc bị làm tổn thương nhất...

Hãy đọc blog của Vũ Quỳnh Hương tại đường link sau:

http://blog.360.yahoo.com/blog-Awm0_H4nbrd0J69YE1AqN9esIQQ.SrXD_w--?cq=1

free hit counters

26/8/06

Trẻ hơn thì là Hoa hậu



Lịch sử lặp lại. Người trả lời ứng xử hay hơn chỉ giữ vị trí Á hậu. Cuộc thi Hoa hậu VN 2004 cũng thế. Còn nhớ cô Trịnh Trân Chân trả lời rất tốt. Rõ ràng, rành mạch đủ ý hơn câu trả lời của Nguyễn Thị Huyền. Và lần này cô Lưu Bảo Anh cũng trả lời hay hơn (rất nhiều) so với câu trả lời của Mai Phương Thuý.

Nhưng các cô gái trẻ hơn đã giành vương miện. Nguyễn Thị Huyền trẻ hơn Trịnh Trân Chân 4-5 tuổi gì đó. Còn Mai Phương Thuý thì thì trẻ hơn Lưu Bảo Anh đến 6 tuổi. Trước lúc trao giải khoảng 10 phút, JackLee nhắn tin cho tôi: "88 (sinh năm 1988 - ám chỉ Mai Phương Thuý) sẽ cống hiến được nhiều hơn 82 (ám chỉ Lưu Bảo Anh)". Cả hai chúng tôi đều thích cô Lưu Bảo Anh vì cô đẹp đằm thắm và chín chắn hơn. Nhưng cuộc thi vẫn là cuộc thi. Tuổi trẻ phải chiến thắng.

Thì ra khán giả bình chọn đúng đấy chứ. Mai Phương Thuý đã nhận được 692.917 phiếu bình chọn qua mạng Tienphongonline cơ mà! Lần trước người nhận được nhiều phiếu bình chọn hơn lại là Á hậu Trịnh Trân Chân. Thuý rất xứng đáng. Cô thi đỗ vào trường đại học thuộc loại danh giá nhất nước. Giỏi tiếng Anh. Chiều cao lại ngút ngát như thế. Đem chuông đi đấm xứ người chắc chắn sẽ thuận lợi hơn Lưu Bảo Anh.

Nhưng cuộc thi năm nay có vẻ không hay và không kịch tích như năm ngoái. Chính là vì người thắng cuộc đã rõ ràng ngay từ đầu. Sân khấu Vinpearl cũng không được đẹp và ấn tượng như Tuần Châu. Hoa hậu Ngọc Khánh thì xinh nhất trong số các cựu hoa hậu, nhưng lại nói nhịu nhiều quá. Buồn cười nhất là màn 5 hoa hậu hát. Nhạc đệm từ một cây đàn keyboard, chẳng khác gì hội diễn văn nghệ phường. Nhưng thế là vui rồi.

Ngay cả màn đăng quang cũng không được ấn tượng như lần trước. Nhớ là năm 2004, em Huyền với hai tay rảnh rang (không có hoa và quà) được ngồi lên ghế để Trưởng Ban Giám khảo đội vương miện và trao quyền trượng. Trông ép phê hơn. Năm nay em Thuý tay xách nách mang trông giống cuộc thi Hoa hậu phường quá. Đã thế, cái vương miện lỏng là lỏng lẻo cứ chực nhào ra khỏi đầu em, khiến Á hậu Lưu Bảo Anh phải cài đi cài lại hộ mấy lần. Rõ tội!

Được cái mừng là 5 em thi ứng xử đều ăn nói lưu loát. Chắc là cũng được tập hết cả rồi. Nhưng dù sao diễn được như thế cũng là quá tốt. Chúng ta thử đứng lên đó nói trước hàng vạn người xem có bình tĩnh được không nào!

Hay nhất trong buổi truyền hình trực tiếp có lẽ là tiết mục "Mái đình làng Việt" của 5 cô "Mặt trời đỏ". Em hát chính mặt rõ xinh.

Chúc mừng Hoa hậu Việt Nam Mai Phương Thuý và Á hậu 1 Lưu Bảo Anh!

Dưới đây là các câu hỏi và trả lời của các em lọt vào Top 5 (lấy từ blog của Jack Lee, Jack Lee copy từ Tienphongonline).

Câu hỏi dành cho Lưu Bảo Anh: “Điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn?”. Khá tự tin và gần như không cần suy nghĩ, Lưu Bảo Anh trả lời: “Trong xã hội ngày nay có nhiều sự cám dỗ về tinh thần và vật chất. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất trong cuộc sống theo em là bản lĩnh. Có bản lĩnh giúp phân biệt và vượt qua được sự cám dỗ. Không đánh mất bản chất của người phụ nữ Việt Nam. "

Câu hỏi dành cho Mai Phương Thúy: “Những lúc nào bạn cảm thấy thiếu tự tin nhất?”. Mai Phương Thúy: “Trong cuộc sống ai cũng muốn vươn tới vẻ đẹp hoàn thiện về nhân cách, hình thức để hoàn thiện và làm mình đẹp hơn. Khi em cảm thấy thiếu tự tin nhất chính là những lúc em chưa trang bị đầy đủ kiến thức mà mình cần. Việc trang bị đầy đủ các kiến thức sẽ giúp làm đẹp hơn vẻ đẹp Việt Nam, nhân cách Việt Nam”.

Câu hỏi dành cho Nguyễn Thị Ngọc Anh : "Chủ đề của cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam năm nay là "Thân thiện". Vậy bạn có phải là người thân thiện không?"

Trả lời : Nhiều người nhận xét em là một con người thân thiện, nhưng cũng có những người lại không cho là vậy. Tuy nhiên, em vẫn luôn cố gắng, luôn cùng chia sẻ, cảm thông với mọi người bằng nụ cười, ánh mắt. Và em hy vọng qua đó mọi người sẽ hiểu và công nhận em là một con người thân thiện".

Câu hỏi dành cho Lương Thị Ngọc Lan : Nếu được nói một câu về nhân loại ngày nay, bạn sẽ nói gì?

Trả lời : Thế giới và nhân loại ngày nay luôn tồn tại chiến tranh và hòa bình, bên cạnh những thiên tai, bão lụt của thiên nhiên và xung đột chúng ta hãy biết xem xét đâu là căn bản của mọi vấn đề, để từ đó giải quyết mà không là ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung của thế giới, không làm ảnh hưởng đến tình yêu của con người.

Câu hỏi dành cho Phạm Thúy Trang: Vì sao các cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam được hàng triệu người quan tâm?

Trả lời : Cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam là cuộc thi tôn vinh cái đẹp. Cái đẹp luôn nhận được sự quan tâm của mọi người, đặc biệt trong cuộc sống ngày càng phát triển hiện nay, cái đẹp lại càng được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, báo Tiền phong, với kinh nghiệm 10 năm tổ chức các cuộc thi Hoa Hậu, đã ngày càng chuyên nghiệp hơn. Và đặc biệt, cuộc thi Hoa Hậu được truyền hình trực tiếp cũng tạo điều kiện thu hút nhiều hơn sự quan tâm của mọi người.


25/8/06

Mùng Một Tết giả định



Hồi đấy tôi mới hai mươi mấy. Mới viết được vài bài phóng sự được mấy anh đồng nghiệp vỗ vai khen: “Viết được đấy!”. Thế có nghĩa là chú viết báo khá, chú đủ điều kiện để chơi với anh. Phóng viên trẻ, ai được nghe câu ấy, cũng như mở cờ trong bụng.

Anh chỉ hơn tôi 4 tuổi thôi, nhưng đã là nhà báo nổi tiếng từ TPHCM ra. Cả nước biết tên anh. Các tờ báo Tết phải cạy cục xin bài của anh để làm sang báo cho họ. Nhưng anh làm tôi choáng vì khi gặp tôi đã chủ động chìa tay ra trước: “Ông là VMC hả? Tôi đọc tất cả các bài viết của ông”.

Chỉ câu nói giản dị ấy trong tích tắc đã biến anh thành bạn thân của tôi. Bạn, chứ không phải là người chiếu trên kẻ chiếu dưới. Chúng tôi đi Hải Phòng. Thời đó người ta bảo Hải Phòng gần TP Hồ Chí Minh hơn Hà Nội, có nghĩa Hà Nội chỉ là cái "đinh gỉ" so với Hải Phòng.

Sáng ấy, chúng tôi ngồi ăn tại một quán khá sang ở khu vực gần Nhà hát thành phố. Anh thành thạo gọi những món ngon nhất. Khi thức ăn vừa được bê ra thì cả hai phát hiện ra một cô gái ngồi uống nước suông ở quán chè chén ngay bên cạnh. Một cô gái khoảng 25-27, người gầy, khuôn mặt vêu vao, mắt thâm quầng, quần áo xanh đỏ. Trông biết ngay là một cô gái ăn sương. Sáng sớm mà cô đã uống nước chè, chứng tỏ lâu nay vắng khách. Cô liếc nhìn thức ăn của chúng tôi với vẻ thèm thuồng.

Anh lại khiến tôi bị bất ngờ khi nở một nụ cười tươi và mời cô gái: “Mời em ăn sáng cùng bọn anh”. Nụ cười chân thành đến nỗi cô gái không đọc thấy bất cứ sự chế nhạo nào và đồng ý ngay. Chúng tôi ăn sáng như ba người bạn. Cô gái tỏ ra trân trọng rất đúng mực. Rút giấy lau miệng, cô nhìn thẳng vào mắt từng chúng tôi và nói khẽ khàng và rành mạch: “Em cảm ơn hai anh ạ!”.

Anh lại cười và rút ra tấm danh thiếp lừng danh của mình đưa cho cô gái: “Đây là danh thiếp của anh, nếu có vấn đề gì cứ gọi điện, anh sẽ giúp”. Cô gái đưa hai tay nhận một cách lễ phép: “Em cảm ơn anh ạ!”. Rồi cô chào và ra đi.

Anh rít một hơi thuốc tận hưởng cái cảm giác mình vừa làm được một điều tốt. Rồi nheo mắt nhìn tôi, anh nói: “Ông biết không, NÓ chỉ là một con điếm. Nhưng tôi thấy trong NÓ một người đàn bà tội nghiệp. Bữa ăn chỉ đáng chục nghìn, nhưng tôi đảm bảo với ông NÓ sẽ nhớ mãi. Đời còn tôi còn ông, sẽ có lúc chúng ta lên voi xuống chó. Ông có tưởng tượng được một khi nào đó Tết đến và ông rơi vào cảnh thất cơ lỡ vận. Sáng mùng Một, ông đang co ro vì đói, thì bỗng nhiên nghe thấy điện thoại. Người gọi đầu dây chính là NÓ. NÓ là người duy nhất theo dõi từng bước đi của ông và đến với ông vào lúc khốn cùng ấy!”

Tôi há mồm ngồi nghe. Và anh thốt nhiên trở nên ngoài tầm với của tôi. Anh thật lớn lao xiết bao!

Mười bốn năm đã trôi qua kể từ cái bữa ăn sáng đấy. Đúng là anh đã lên voi xuống chó vài ba lần. Nhưng anh vẫn là người thành đạt và tôi cũng vẫn là bạn anh. Nhưng tuyệt nhiên tôi chưa bao giờ thấy anh nhắc tới người con gái đó. Có lẽ cô vẫn chưa xuất hiện vào cái sáng mùng Một mà anh giả định. Mà cũng có thể cái mùng Một giả định đó vẫn chưa tới trong cuộc đời anh.

(Ảnh trong bài chỉ có tính chất minh hoạ).

23/8/06

Ám ảnh loa phường



"Tôi là công dân cư ngụ tại Phường Quang Trung, TP Qui Nhơn, tỉnh Bình Định. Tôi muốn có ý kiến về hệ thống loa phát thanh ở địa phương tôi.

Sự việc như sau: Cứ mỗi 4 giờ 45 phút sáng là tôi và nhiều người dân khác phải giật mình thức giấc và không thể ngủ lại được vì các loa phát thanh đồng loạt vang lên các bản tin của phường, sau đó đến 5 giờ là chương trình phát thanh của đài phát thanh thành phố Qui Nhơn, và 5 giờ 30 là chương trình phát thanh của đài phát thanh - truyền hình Bình Định, và cuối cùng từ 6 giờ đến 6 giờ 30 là chương trình phát thanh của đài tiếng nói Việt Nam! Còn buổi chiều thì qui trình lại lặp lại vào lúc 17 giờ 15, chỉ khác là buổi chiều đài phát thanh - truyền hình Bình Định không phát.

Tôi nghĩ trong thời đại ngày nay khi các phương tiện thông tin đại chúng đã trở nên phổ biến với tất cả mọi người, từ truyền hình cho tới Internet... thì liệu có cần thiết phải có hệ thông phát thanh gây phiền phức như vậy?

Nếu nói là để cập nhật tin tức cho người dân thì hiệu quả sẽ ra sao? Chẳng lẽ ở những nơi khác không có hệ thống này thì người ta sẽ mù thông tin hay sao?

Hơn nữa bản tin của đài phường thường rất nghèo nàn, còn chương trình phát thanh của đài phát thanh thành phố thì buổi chiều phát lại y nguyên! Mặt khác, chất lượng âm thanh từ những chiếc loa này đâu có rõ ràng? Có hôm chỉ toàn là rè rè ẹt ẹt! Do vậy, tôi đề nghị các vị lãnh đạo nên xem xét lại điều này cho chúng tôi được nhờ! Liệu quí vị có chịu nổi không khi có một chiếc loa phát thanh chỉa vào nhà mình?

Một vấn đề nữa mà tôi muốn nhờ quí báo xác minh giúp đó là vấn đề pháp lí. Chúng ta xử phạt một chiếc xe vì tiếng ồn phát ra từ chiếc còi xe đó. Vậy mà ở đây cứ mỗi sáng sớm tinh mơ là chúng tôi lại phải chịu những âm thanh inh tai nhức óc, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe của mọi người! Hầu như mọi người trong nhà muốn nói gì phải hét cho thật to thì mới có thể nghe được! Tôi thường làm về muộn và muốn có giấc ngủ tốt để hôm sau tiếp tục đi làm nhưng không thể chịu nổi! Tôi rất mong những ý kiến của chúng tôi được lắng nghe để cho chúng tôi có được giấc ngủ tốt hơn!"

Trên đây là ý kiến của ông Lê Độ, hiện đang sinh sống tại Khu vực 7 P. Quang Trung, Qui Nhơn, gửi đến báo Lao Động để than thở về sự ô nhiễm âm thanh môi trường sống.

Nếu bạn là người nước ngoài, tạm trú tại một mini hotel nào đó ở khu vực Hà Nội cổ 36 phố phường, hẳn sẽ vô cùng sửng sốt khi từ sáng sớm đài phường của thủ đô nghìn năm văn hiến - thành phố hoà bình của UNESCO đã oang oang hành hạ lỗ nhĩ của người dân.

Thử type chữ "loa" vào mục search của báo Lao Động trên Internet (laodong.com.vn), bạn sẽ thấy rất nhiều ý kiến phàn nàn về đài phường. Nhung Nguyễn - một người Việt đang làm việc cho World Bank tại Washington D.C viết:

"Theo tôi biết không chỉ riêng Phường Hàng Trống (Hà Nội) tồn tại chiếc loa bất hợp lý đó mà tại một số phường khác ở Hà Nội cũng đang tồn tại. Trong khi pháp luật nghiêm trị những người gây mất trật tự công cộng, ô nhiễm môi trường công cộng, ảnh hưởng đến cuộc sống của các công dân khác thì việc gây ồn cũng chính là một hành vi vi phạm cần được xử lý. Những cái loa bất hợp lý này cũng phải được xử lý như các quán karaoke (không cách âm tốt gây ồn cho môi trường sống xung quanh). Ở thời đại với các phương tiện thông tin hiện đại hiện nay, các buổi phát thanh của phường như hiện nay tôi cho là không còn phù hợp nữa."

Còn bạn thì sao? Bạn có bị đài phường quấy nhiễu vào các buổi sáng không? Bạn đã bao giờ chăm chú nghe đài phường chưa, và thực sự bạn có nghe được nội dung của nó không, hay chỉ là mớ âm thanh hỗn độn?

Hãy chia sẻ cả những hình thức ô nhiễm âm thanh khác mà bạn phải gánh chịu trong môi trường sống của mình.

21/8/06

Thư tình viết tay



"77% phụ nữ vẫn thích nhận được thư tình viết tay vào thời đại mà tin nhắn điện thoại di động và thư điện tử ngày càng thịnh hành như hiện nay. Đó là kết quả điều tra do chính Bộ giáo dục Anh tiến hành.

Sở dĩ những nguyện vọng này nhiều đến thế là vì có tới 25% phụ nữ chưa hề nhận được bức thư tình nào và phân nửa những người được hỏi ý kiến thừa nhận là chẳng được đọc lấy một mảnh tình thư nào trong 10 năm qua, kể cả của chồng.

Xét về mặt tâm lý, nữ văn sĩ Jilly Cooper, nổi tiếng nhờ bộ 7 cuốn tiểu thuyết diễm tình ăn khách ở Anh những năm cuối thập niên 1970 lý giải sự thích thú của phụ nữ khi đọc những lá thư tình do bạn trai hay chồng họ tự cầm bút viết. Theo bà, dù ở bất cứ đâu, phụ nữ cũng cảm nhận như thế. Nên bà khuyên các ông chồng, hãy cầm bút. Tất cả những gì họ cần nói với vợ chỉ tóm gọn trong một câu: "Em tuyệt nhất trên đời, anh yêu em".

Viết thư tình cho phép nhiều người đàn ông có cơ hội bày tỏ những khía cạnh mà người phụ nữ chưa thấy. Đặc biệt, đối với những người đàn ông nhút nhát, thì thư tình là cách tốt nhất để người khác phái hiểu về họ".

Trên đây là một bài viết ngắn trên báo Phụ nữ. Chậc, làm sao có thể sáng tác thư tình viết tay được đây? Máy tính ở cơ quan, ở nhà, lúc không ở cơ quan ở nhà thì lại có laptop, PDA, điện thoại di động. Làm gì có thời gian mà viết thư nữa chứ? Ở thời buổi này, việc nhận tin trong chớp mắt có vẻ như quan trọng hơn rất nhiều so với việc chờ hàng tuần để anh bưu tá chuyển thư viết tay đến.

Hmm, cứ thử cầm bút ngồi viết thử thư tình xem nào! Sẽ viết được tối đa 3 dòng và bàn tay ngay lập tức mỏi rã rời. Cái kỹ năng cầm bút không còn nữa. Và một khi kỹ năng cầm bút không còn, thì cũng không còn hứng thú để viết. Cánh chuyên viết lách chúng tôi thậm chí chỉ ngồi trước bàn phím mới có được cảm hứng viết. Thế đấy.

Tóm lại có nhất thiết phải là thư tình viết tay không? Liệu nó có là thứ lãng mạn xa xỉ trong thời buổi hiện nay không? Câu hỏi ấy dành cho bạn.

19/8/06

Đêm Gala thất vọng!



Wow, quá thất vọng với đêm Gala chung kết. Tất cả các ca sĩ đều hát thiếu lửa và thiếu cảm xúc.

Họ biết rằng họ chẳng cần cố gắng nữa. Dưới kia không còn bác Nguyễn Cường, chị Mỹ Linh, anh Huy Tuấn hau háu nghe để chỉ trích họ nữa.

Họ đã nắm trong tay một số lượng tin nhắn của các fan thích xem hơn thích nghe đủ để họ chiến thắng. Vậy nên chẳng cần phải cố làm gì. Điều ấy thể hiện rất rõ qua cách chọn bài của Hoàng Hải, Anh Khoa và Hà Anh Tuấn.

Chỉ có Ngọc Anh là cố gắng một cách tuyệt vọng để khẳng định đẳng cấp. Không còn hổn hển lấy hơi, nhưng cô cũng không thể xuất sắc hơn những gì cô đã thể hiện.

Chỉ có Mai Trang tiếp tục đánh nhau với cối xay gió, nhưng lần này bài hát Tây Nguyên của cô như rơi vào thinh không. Cô hát và tôi không thể nhận ra là cô xuất thân từ mảnh đất bazan. Nhưng dù sao thì cô cũng hát thật nhất trong số 5 ca sĩ lọt vào chung kết.

Kết quả là những phụ nữ tuổi teen đã đánh bại mọi nỗ lực của các nữ ca sĩ. Dù họ có cố gắng thế nào đi chăng nữa, thì baby face của Hoàng Hải, vẻ đẹp Hàn Quốc vô thanh của Hà Anh Tuấn vẫn tác động mạnh mẽ nhất đến trái tim và bộ não non nớt của những người phụ nữ tuổi teen - cộng đồng nhắn tin đông đảo và nhanh tay nhất bình chọn cho các ca sĩ SMĐH.

Từ nay bất cứ chàng trai nào có giọng hát tàm tạm, nhưng có ngoại hình khả dĩ đều có thể đi thi và chiến thắng ở SMĐH.

Phụ nữ bao giờ cũng thiệt thòi. Và than ôi, mang lại thiệt thòi cho phụ nữ lại chính là phụ nữ.

Cái kết cục ấy đã biết trước rồi: Các chàng trai sẽ thắng, giống như họ đã từng thắng ở SMĐH 2004. Nhưng khi đó còn có Tùng Dương. Thì lần này cũng có Anh Khoa. Đúng, Anh Khoa là điều duy nhất mà tôi không tranh cãi ở giải lần này.

Nếu như cái cộng đồng bình chọn của SMĐH cũng giống như của American Idol thì chắc chắn giải thưởng sẽ khác.

Đối với tôi, thì giải thưởng sẽ là:
- Giải ca sĩ được yêu thích nhất: Ngọc Anh hoặc Phương Linh;
- Giải ca sĩ do HĐNT bình chọn: Anh Khoa;
- Giải ca sĩ triển vọng: Mai Trang.

Dù sao thì SMĐH cũng qua, mà nhờ nó chúng ta biết được nhau qua blog này. Cảm ơn mọi người đã post comment. Chúng ta sẽ gặp nhau offline nhé. Chúc một ngày Chủ nhật có nhiều niềm vui.

Có một Chanchu khác



Có lẽ tôi là một trong những người đầu tiên ở Hà Nội hay tin về chuyện một ngư dân sống sót trở về sau cơn bão Chanchu. Ngày 10.8 đúng là hôm tôi trực xuất bản báo. Đến chiều nhận được một tin ngắn gây sửng sốt từ văn phòng Đà Nẵng: "Một ngư dân mất tích trong bão Chanchu trở về". Tôi tức tốc liên lạc với phóng viên viết tin này và đề nghị cần gặp ngay người vượt bão trong sáng mai để viết một bài ghi chép về hành trình vượt biển sống sót của anh ta cho số báo ngày kia (12.8).

Người phóng viên lúc đó đã tỏ ra thận trọng. Anh nói hãy chờ anh thẩm tra lại một lần nữa xem có đúng là tin thật không. Khoảng gần 9 giờ tối, anh gọi lại và nói: "Đã kiểm tra tin với chính quyền, có thể đăng" và báo tin đã cử một cây bút cứng từ Tam Kỳ lên thẳng Quế Sơn để thực hiện yêu cầu của tôi vào sáng mai.

Hôm sau vẫn là ca trực của tôi. Tôi thấp thỏm chờ đến cuối giờ chiều để nhận bài ghi chép nóng hổi của cây bút trẻ mà tôi rất ngưỡng mộ. Anh quả đã thể hiện rõ tài năng và đẳng cấp của mình trong ghi chép "Phải sống" (lấy nhan đề theo một bộ phim của Trương Nghệ Mưu) kể về những gian khổ màNguyễn Văn Hương trải qua sau 13 ngày lênh đênh trên biển. Tôi ứa nước mắt khi đọc đến đoạn cuối: "Bước ra khỏi căn nhà tranh vách bao tải thủng lỗ chỗ, chị Nương còn chạy theo níu áo tôi hỏi: "Vậy Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động có còn hỗ trợ tiền cho tui xây nhà nữa không?".

Chẳng là trước đó báo tôi đã quyết định xây tặng cho gia đình này một căn nhà trị giá 20 triệu đồng. Nay anh đã trở về. Dẫu vậy đó không phải là lý do gì để chúng tôi không thực hiện cam kết của mình.

Nhưng nỗi lo âu ấy của chị Nương lại hoàn toàn không xuất phát từ mối nghi ngờ lòng hảo tâm của những người đã quyên góp tiền cho nạn nhân của cơn bão. Nó xuất phát từ tính chân thực trong câu chuyện vượt bão kỳ diệu của chồng chị. Đến nay thì mọi chuyện đã rõ ràng. Người ngư dân kia chẳng hề mắc bão Chanchu, anh ta cũng chẳng hề có hai tuần lễ gian nan lênh đênh trên biển...

Nhưng tại sao anh ta lại phải nói dối?

Tựu trung cũng chỉ vì quá nghèo. Cái nghèo khiến cho một người đàn ông 34 tuổi , một vợ, hai con và một mẹ già phải sống trong căn nhà tranh với vách bằng bao tải thủng lỗ chỗ. Căn nhà mới sẽ chỉ mất 20 triệu đồng để xây dựng thôi, nhưng đó là số tiền mà anh đi đánh cá từ nay đến cuối đời cũng không thể có được. Thôi thì hãy bịa ra một câu chuyện sống sót , để không bị mất tất cả.

Và tôi, có lẽ, lại cũng là một trong những người đầu tiên ở Hà Nội biết đến câu chuyện giả mạo này. Chiều 15.8, người phóng viên đưa tin ban đầu gọi điện cho tôi báo tin trên với giọng buồn buồn. Chẳng một nhà báo nào mong muốn câu chuyện mình viết ra lại là sự bịa đặt bẽ bàng, dẫu rằng sự bịa đặt ấy xuất phát từ phía khác. Đó thực sự là một kinh nghiệm buồn.

Còn Nguyễn Văn Hương thì sao? Tôi cho rằng anh ta đã vượt qua nhiều sóng gió bão giông ở trong lòng để thú nhận mình đã bịa câu chuyện vượt biển, xin lỗi đồng bào cả nước và xin tự nhận trách nhiệm trước pháp luật. Anh ta cũng mong mọi người thông cảm về sự dại dột nhất thời của mình và xin trả lại 2 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng.

Vâng, dù sao thì anh ta cũng đã thành khẩn. Chính quyền địa phương cũng tuyên bố họ sẽ không lấy lại những gì đã giúp đỡ gia đình anh. Nguyên nhân rất rõ ràng: Gia đình anh quá nghèo, cũng nằm trong dan sách cần được giúp đỡ.

Cơn bão Chanchu đã qua đi và để lại ngổn ngang bao điều. Gia đình Nguyễn Văn Hương đã trải qua hai cơn bão Chanchu. Hai cơn bão ấy khủng khiếp chẳng kém gì nhau. Chúng sẽ theo anh ta từ nay cho đến cuối cuộc đời...

16/8/06

Duyên Hà Nội



Thật khó trả lời ngay nếu như có người ngoại quốc nào đó đột ngột hỏi: “Bạn thấy tự hào nhất về điều gì của Hà Nội?”

Rất khó lựa chọn.

Không thể tráng lệ như Paris, mặc dù có ai đó ví Hà Nội có dáng dấp của kinh đô ánh sáng, không êm đềm thơ mộng như Praha, không rực rỡ như Singapore, không ồn ào như Hồng Kông, nhưng cũng lại không xô bồ như Bangkok. Hà Nội không giống ai và hình như cũng chẳng để cho ai giống mình.

Ông Kazuyoshi Yamaguchi, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Văn hoá Nhật Bản tại Hà Nội, có lần nói: “Đến Hà Nội, tôi như có cảm giác quay trở lại thời thơ ấu”. NSND Liên Xô Eduard Gratch, cây vĩ cầm kiệt xuất thế giới, thổ lộ: “Hà Nội gợi tôi nhớ đến những tháng ngày êm đềm ở Liên Xô”. Còn Philippe Laplanche, một người Pháp thì tâm sự: “Hà Nội là hình ảnh đã qua của Paris”.

Tại sao ba con người thuộc ba nền văn hoá khác nhau ấy lại có thể cùng thấy một hình bóng gợi nhớ đến quá khứ xa xưa của họ trong gương mặt Hà Nội hôm nay?

Điều đó thật khó giải thích.

Hà Nội hình như có một cái duyên ngầm nào đó ẩn chứa trong từng căn nhà, từng đường phố, từng gốc cây và từng con người. Cái duyên ngầm này tồn tại một cách hữu cơ, không chia cắt tạo nên một tổng thể khó giải thích và có sức dẫn dụ.

Anh Trần Sỹ Chương, một Việt kiều ở Mỹ kể về một ông bạn Mỹ của anh đặt chân lần đầu lên Sài Gòn và yêu ngay thành phố phương nam ấm áp này. Đối với ông, Sài Gòn đã gần như là tận cùng của mọi sự khám phá ở Việt Nam. Nhưng sau một lần tặc lưỡi thử ra xem Hà Nội thế nào, ông bỗng nhiên mê Hà Nội như điếu đổ.

Ngay cả trong sự hỗn độn giao thông trên đường phố Hà Nội, theo ông, cũng tồn tại những quy luật riêng nào đó. “Như 10 sân bóng đá giao nhau” là cách mô tả đầy hình ảnh của ông về giao thông Hà Nội. Ông này giải thích về sự mê hoặc của Hà Nội trong ba tính từ: Exotic (kỳ ảo), Erotic (gợi tình) và Addictive (gây nghiện), tạo nên “nguyên tắc 2E-1A” mà ông dùng để thuyết phục hãy một lần thăm Hà Nội, khi gặp ai đó có ý định đi Việt Nam.

Hình như mỗi con người đang ở trong lòng Hà Nội đều rất mơ hồ về những động cơ khiến họ yêu Hà Nội. Chỉ đến khi xa Hà Nội, thì nỗi nhớ mới ùa về và “vạch mặt chỉ tên” rõ ràng những điều khiến họ nhớ thành phố một cách quay quắt. Có thể đó chỉ đơn giản là tiếng rao bán tào phớ khê nồng của một người dân nhập cư. Có thể đó chỉ là một mùi hương không xác định khi gió thu lồng lộng thổi trên những con đường rải đầy nắng. Và cũng có thể đó là cái rét cắt da cắt thịt không ở đâu có.

Cảm nhận về duyên Hà Nội cũng mơ hồ như vậy. Nó tồn tại ở khắp nơi, rất hiện hữu, nhưng cũng thật khó nắm bắt. Đó chính là điều làm cho ai cũng có thể soi thấy mình trong Hà Nội và cũng biến Hà Nội thành một nơi khác hoàn toàn với bất cứ một thành phố nào trên thế giới.

Duyên Hà Nội có thể gọi là sản vật vô giá của thiên nhiên, lịch sử, truyền thống, văn hoá và tâm hồn Việt. Một thứ không dễ gầy dựng và cũng không dễ đánh mất.

15/8/06

Ba điều ước của Honna



Tetsuji Honna, người thích được gọi một cách thân mật theo kiểu Nhật là "Honna-san", trông trẻ hơn khá nhiều so với tuổi 49 của mình. Với kinh nghiệm chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng lớn của Nhật Bản như Dàn nhạc Giao hưởng Osaka, Dàn nhạc Thính phòng Nhật Bản, Dàn nhạc Giao hưởng Nagoya (Nhật Bản), các dàn nhạc ở Hungary, Hà Lan, Italia, CH Czech, Gruzia, Slovenia... ông là người phù hợp với vị trí cố vấn âm nhạc cho đề án nâng cấp VNSO được bắt đầu thực hiện từ năm 2001. Và từ đó đến nay, ông đều đặn mỗi năm đến Việt Nam vài ba lần.

Honna-san

Từ hơn 6 năm nay người Hà Nội mê nhạc cổ điển biết đến tiếng ông và chờ đợi sự trở lại của ông. Trông vào lịch làm việc ngày một nhiều hơn của ông với VNSO, có thể thấy rằng Honna-san "hợp cạ" với các nghệ sĩ VN. Một nhạc trưởng Nhật Bản, đương nhiên hiểu rõ những điểm yếu của người Á đông chơi loại nhạc bác học của người phương Tây và biết cách khắc phục những nhược điểm đó. Honna-san kể lại lần đầu tiên làm việc với VNSO ông ngạc nhiên khi nhìn thấy những nhạc cụ cũ kỹ mà họ sử dụng. Nhưng với những nhạc cụ ấy, họ đã làm ông ngạc nhiên về trình độ trình tấu của từng người. Nhưng rồi tiếp đó, ông lại bị bất ngờ vì nhiều nhạc công chỉ nghe chính tiếng đàn của mình mà chưa chịu lắng nghe nhau để thực sự đạt được sự hoà hợp cần phải có của một dàn nhạc giao hưởng. Đó chính là hậu quả của sự thiếu cọ xát, ít kinh nghiệm biểu diễn và ít được làm việc với những nhạc trưởng giỏi. Nay thì, theo Honna-san, họ đã đạt được bước đột phá lớn, tuy vẫn còn phải cố gắng hoà quyện nhau hơn nữa thì mới có thể đạt được đến độ hoàn mỹ.

Với kinh nghiệm chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng lớn của Nhật Bản như Dàn nhạc Giao hưởng Osaka, Dàn nhạc Thính phòng Nhật Bản, Dàn nhạc Giao hưởng Nagoya (Nhật Bản), các dàn nhạc ở Hungary, Hà Lan, Italia, CH Czech, Gruzia, Slovenia... ông là người phù hợp với vị trí cố vấn âm nhạc cho đề án nâng cấp VNSO được bắt đầu thực hiện từ năm 2001. Và từ đó đến nay, ông đều đặn mỗi năm đến Việt Nam vài ba lần. Tetsuji Honna, người thích được gọi một cách thân mật theo kiểu Nhật là "Honna-san", trông trẻ hơn khá nhiều so với tuổi 49 của mình.

Dưới đây là những tâm sự lẻ tẻ góp nhặt từ nhiều buổi trò chuyện với ông:

Về người Việt trong giới

"Tôi chơi rất thân với Ngô Hoàng Quân. Anh ấy trạc tuổi tôi, lại được đào tạo bài bản ở Nhạc viện Tchaikovsky, nên chúng tôi có tiếng nói chung và hiểu ý nhau rất nhanh. Ngô Hoàng Quân là tay cello tầm cỡ Châu á. Tôi đã "môi giới" để mời anh sang Nhật biểu diễn và tài nghệ của anh được giới chuyên môn của Nhật đánh giá cao. Tôi cầu chúc dưới sự lãnh đạo của anh, VNSO sẽ có được vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc của Việt Nam. Tôi mong ước được đưa thêm nhiều nghệ sĩ của VNSO ra nước ngoài, ít ra là đến Nhật.

Tình yêu Việt Nam

"Tôi yêu Việt Nam, yêu Hà Nội. Hà Nội có cái gì đó giống với Osaka, thành phố nơi tôi đến làm việc khá nhiều. Osaka là thành phố ngoại quốc nhất của Nhật Bản. Người dân ở đó rất sinh động và mến khách, hệt như người Hà Nội vậy. Tôi đến Việt Nam đúng vào thời "bùng nổ Việt Nam" ở Nhật Bản. Chính quyền và giới kinh doanh thì bàn nhiều đến hợp tác kinh tế với Việt Nam, tầng lớp trung lưu thì tìm thấy ở Việt Nam một địa chỉ du lịch hấp dẫn và an toàn, còn các bà các cô thì coi Việt Nam là "thiên đường mua sắm". Tôi như vừa nằm trong trào lưu ấy, vừa như không thuộc về trào lưu ấy. Tôi khám phá ra một Việt Nam của riêng tôi và Việt Nam cũng làm được một số điều cho riêng tôi thôi.

Ba mẹ tôi cũng đến Hà Nội tháng 4.2003. Mấy năm trước, ba tôi bị một căn bệnh mà các bác sĩ chỉ cho phép lựa chọn hoặc là từ bỏ đôi chân, hoặc là từ bỏ cuộc sống. Ông đã lựa chọn phương án thứ nhất. Ba năm nay ông di chuyển bằng xe lăn với sự trợ giúp của mẹ tôi. Khi đến thềm Nhà hát Lớn Hà Nội, ông ngạc nhiên vì thấy có quá nhiều bàn tay nắm vào chiếc xe và nhấc ông vào trong nhà hát. Có thể vì ở Nhật Bản, các nhà hát đều có đường đi dành riêng cho người khuyết tật, nên ba tôi không nhận được sự chăm sóc đặc biệt ấy. Còn ở đây, ông xúc động và hạnh phúc lắm. Và ông hiểu tại sao tôi lại yêu Việt Nam".

Những ước mơ của Honna-san

Ước mơ thứ nhất: "Tôi mơ có ngày được chỉ huy một dàn nhạc bao gồm những nhạc công giỏi nhất của Hà Nội từ VNSO, Dàn nhạc Nhạc viện Hà Nội và Nhà hát Nhạc - Vũ kịch Việt Nam. Mỗi dàn nhạc đều có những nhạc công giỏi và hiện nay trong một chừng mực nào đó họ cạnh tranh với nhau. Tôi đã mời một số nhạc công của Dàn nhạc Nhạc viện Hà Nội chơi cho VNSO và họ hoà nhập rất nhanh. Tôi cứ tưởng tượng về việc tôi tập hợp được những nhạc công giỏi nhất của Hà Nội, làm một chương trình thật "xôm trò" nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội dưới trần của Nhà hát Lớn Hà Nội 100 năm tuổi....".

Ước mơ thứ hai: "Cả nhà tôi chẳng có ai làm nghệ thuật. Chính xác hơn có một ông chú làm hoạ sĩ. Nhưng tôi bắt đầu mê âm nhạc từ năm 12 tuổi. Sở dĩ có được điều đó là do ở trường phổ thông nơi tôi học có một dàn nhạc nhỏ. Nó không hoàn chỉnh đâu: Một vài cây violon, mấy cái kèn, vài ba cái trống và cả một chiếc accordeon nữa. Nhưng thế là đủ cho mấy chú nhóc ra sức tập luyện trổ tài. Chúng tôi đã chơi được những bản nhạc rất hay và con đường âm nhạc chuyên nghiệp của tôi khởi đầu từ đó. Tôi cần phải nói rằng đây chính là môi trường tuyệt vời nuôi dưỡng tài năng âm nhạc và trình độ thưởng thức âm nhạc của dân chúng. Mấy người bạn thân của tôi là những tay chơi nhạc nghiệp dư cũng từ Nhật sang để xem chương trình "Yamaha Concert" lần này. Họ chơi đàn hay chẳng thua kém gì các nhạc công của VNSO. Tôi nói dài dòng thế, là bởi vì tôi rất muốn các trường phổ thông, ít ra là ở Hà Nội, được trang bị nhạc cụ để các em có thể biết đến nhạc cổ điển ngay từ khi còn nhỏ. Tôi đã nói chuyện với hãng sản xuất nhạc cụ Yamaha, đề nghị họ tặng nhạc cụ cho các trường phổ thông và họ tỏ ra quan tâm đến ý tưởng này. Tôi mơ ước sẽ có ngày được chỉ huy một dàn nhạc của thiếu nhi Hà Nội trưởng thành từ những dàn nhạc tí hon như thế...".

Ước mơ thứ ba: "Tôi ước mơ có được một ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội để tôi có thể đi về. ở Tokyo tôi có một căn hộ rộng hơn 70 mét vuông. Nhưng cái nghề lưu diễn nay đây mai đó của tôi buộc tôi phải sống ở khách sạn nhiều hơn là trong nhà của mình. Nhưng đến Hà Nội, trong tôi trào lên ước muốn được sở hữu một ngôi nhà, để trải qua những ngày tháng êm đềm và lãng mạn ở xứ sở quyến rũ này. Tất nhiên là với người mà mình yêu...".

12/8/06

Đêm diễn thăng hoa



Những nhược điểm đã được lắng nghe và khắc phục, những lợi thể đã được phát huy. Ai cũng biết rằng họ không còn thêm cơ hội để thử nghiệm nữa. Họ chỉ còn đúng một đêm để khẳng định mình và tỏa sáng. Thế nên tất cả những con bài cuối cùng đều đã được tung ra. Và kết quả là khán giả đã được thưởng thức một buổi biểu diễn hay nhất trong lịch sử Sao Mai Điểm hẹn từ 2004 đến nay.

Huy Tuấn đã quá chính xác khi gọi Anh Khoa là "Quý ông của Sao Mai Điểm hẹn". Chàng nhạc sĩ tài hoa hay khó khăn trong việc chọn từ để diễn tả đúng tình cảm của mình, hôm nay đã làm được một việc kỳ vĩ trong sự nghiệp nặng nề trái chiều - ngồi ghế thành viên hội đồng thẩm định. Dường như cụm từ "Quý ông của Sao Mai Điểm hẹn" anh có trong kho dự trữ từ của mình từ lâu lắm rồi, nhưng chưa tìm được ai xứng đáng để trao, nên hôm nay nó buột ra khỏi miệng anh một cách hết sức tự nhiên. Tôi đồng ý với quan điểm đó của anh. Quả thực, đến tận đêm nay, Khoa mới tỏa sáng mãnh liệt đến như thế để xứng đáng nhận danh hiệu này.



Phạm Anh Khoa - Ra khơi

Người thứ hai gây ấn tượng mạnh đối với tôi là Phương Linh. Cô cho tôi cái cảm giác giống hệt khi nghe Mai Trang hát blues cách đây 2 tuần. Bài "Mưa" của Quốc Bảo đã được cô diễn dịch đầy thông minh và bản lĩnh. Còn "Ước mơ" của Hồng Kiên, mặc dầu giai điệu nghe quen lắm, cách xử lý cũng theo "bài bản", nhưng rõ ràng Linh đã bộc lộ dấu ấn của một ca sĩ ngôi sao, mà đúng như Mỹ Linh nhận xét "được thị trường mong đợi". Cô rất đẹp, đặc biệt khi hát "Mưa", khiến tôi có cảm giác như thấy Carmen trên sân khấu. Mai Trang vẫn hát tốt, nhưng cách làm khác Hà Trần, đã phần nào làm hại cô. Nhưng chẳng sao! Tôi tin rằng sẽ có lúc Ngọc Đại (hoặc ai đó) sẽ phải viết riêng cho cô hát. Còn các ca sĩ khác đã thăng hoa hết mức trong khả năng của mình. Xin cảm ơn họ.

Cảm ơn Hội đồng thẩm định nữa. Ở show này họ khen nhiều hơn (có lẽ nhà đài đã nhắc nhở họ đây là show quyết định). Nhưng có một điều không thể chối cãi là các ca sĩ hát hay hơn rất nhiều. Dù sao cũng cảm ơn Mỹ Linh. Cô đã dạy chúng ta cách luôn nói đúng những điều mình nghĩ. Có lẽ đó cũng là một thắng lợi lớn của Sao Mai Điểm hẹn, để xã hội chúng ta bớt đi những dối trá, bớt đi những lời nói vòng vo, giao đãi, chỉ cốt làm đẹp lòng mà không làm cuộc sống tốt đẹp hơn.

10/8/06

Hồi âm "Tấm hộ chiếu"



Xin thông báo với mọi người, tôi chính là chủ nhân của tấm hộ chiếu mới đây. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ ngồi chờ chỉ để ... nhận cái hộ chiếu, tôi đã chứng kiến cả một xã hội thu nhỏ với những âm thanh hỉ nộ ái ố.

Tiếng của 4 cái loa (đôi khi 3 đồng chí công an cùng gọi một lúc -> my god!), tiếng của người đến làm thủ tục (chính xác hơn là chửi nhau do...ko xếp hàng!).
Ngồi quan sát, thưởng thức cái không khí ngột ngạt của căn phòng 40 m vuông đó trong 2 tiếng đồng hồ khiến tôi (một thanh niên trai trẻ, đi công tác như cơm bữa) lắm lúc muốn ngất.

Vì chờ đợi quá lâu, người dân yêu cầu các bác cán bộ nhanh chân nhanh tay lên, các bạn có biết là họ đã nói gì không? Họ nói: "Có giỏi thì vào đây mà làm!". Dân nói: "Ông là trung tá mà ăn nói thế à?" ... (im lặng).


Bầu không khí trở nên ngột ngạt. Tất nhiên, người dân đã đổ thêm dầu vào lửa. Một giọng nói lè nhé, gắt gỏng ở quầy thu lệ phí: " Yêu cầu Nguyễn Văn A, thanh niên gì mà đi chậm thế, nhanh lên, tiền đâu???" Và chúng tôi tiếp tục chờ. Chờ trong tiếng loa, tiếng hỏi nhau ý ới, tiếng chửi nhau của các "quí bà" không chịu xếp hàng chờ đến lượt.


Trong không khí căng thẳng đầy âm thanh đó, mọi người còn phải căng tai lên để nghe cán bộ gọi tên mình. Khả năng của thính giác được phát huy đến tột độ. Đôi khi do quá căng thẳng, tôi ngỡ là người ta đã gọi mình rồi. Nhưng may quá, không phải. Không nơi nào đo thính giác tốt hơn ở đây! Và đôi tai của tôi có lẽ còn khá tốt khi nghe được cô công an bộ phận trả hộ chiếu gọi tên tôi mà không thèm dùng loa. Cô chỉ gọi bằng... giọng thường. Đôi tai tôi tốt quá! Đôi tai tôi muôn năm! Tấm hộ chiếu muôn năm.


Chính tại nơi đây, nó đã giúp chúng ta phải biết kiên nhẫn (thậm chí nhẫn nhục), biết đấu tranh (có ai muốn xếp hàng đâu), biết "ngoan ngoãn" với cán bộ nhà nước. Chúng ta biết tất. Hoan hô tấm hộ chiếu!

9/8/06

Tấm hộ chiếu



26 tuổi, em trai tôi mới đi làm hộ chiếu. Ừ, nó cũng chưa có nhu cầu đi đâu bao giờ. Trong Nam ngoài Bắc miền núi hải đảo anh chàng đều đi cả. Làm truyền hình mà. Nhưng đi nước ngoài thì chưa. Có lần được người quen mời đi Bali nghỉ mát, cậu có ngay lý do từ chối, mà lý do chính đáng hẳn hoi: "Mình không có hộ chiếu".

Không có hộ chiếu - đó quả thật là điều quê mùa đối với cư dân thành phố, không phải thành phố bình thường mà thủ đô hẳn hoi. Thiếu gì lúc cần đến hộ chiếu, từ Hà Nội đi Bangkok có khi còn rẻ hơn đi Sài Gòn. Visa cũng chẳng cần. Cứ thế mà đi. Tiện thật. Nhưng mà em trai tôi không có nhu cầu đi chơi. Di chuyển trong công việc đối với nó đã là quá đủ.

Nhưng rồi không có lẽ lại không có hộ chiếu? Mình là công dân, chẳng vi phạm gì, theo pháp luật thì mình có quyền có hộ chiếu. Chẳng ai cấm mình hưởng cái quyền ấy cả. Chắc nghe anh trai thúc ép nhiều quá, cu cậu cũng đến Cục xuất nhập cảnh ở Hàng Bài, tha về hai tờ khai và than thở: "Mới đi lấy tờ khai mà đã mệt mỏi rồi, lại còn đi nộp hồ sơ nữa chắc còn mệt hơn". Thế là hai tờ khai nằm lăn lóc ở nhà cả năm trời. Và nó vẫn lấy lý do không đi đâu để khỏi phải làm hộ chiếu.

Đến tháng 7 vừa qua cả nhà kiểm điểm lại thì chỉ có mình cậu là không có hộ chiếu. Phải đi làm thôi. Thực ra cũng chẳng khó khăn gì. Chỉ phải cái xếp hàng quá lâu ở chỗ Hàng Bài. Mà bao giờ chờ đợi chẳng khó chịu. Thôi thì đọc báo, thôi thì nhắn tin. Hết cả nửa cái thẻ mới nạp. Một buổi đi nộp hồ sơ, một buổi đi lấy hộ chiếu. Thấy được khối chuyện hỉ nộ ố ái ở cái phòng làm hộ chiếu.

Cuối cùng cầm được cái hộ chiếu trong tay, cậu nhắn tin cho anh trai: "Da nhan duoc ho chieu. Thu xep cho toi di choi nuoc ngoai. Xin cam on". Ồ, có hộ chiếu rồi đấy. Bao giờ đi nước ngoài nhỉ? Ba anh em mình đi Sing và Mã Lai một tuần dịp Quốc khánh này nhé. Xem nào: 475 USD tour 7 ngày. Ba người vị chi là 23 triệu. Cộng thêm 7 triệu mua sắm nữa. 30 triệu tất cả. Book tour này nhé? Anh chàng giãy nảy: "30 triệu cơ à? Thôiiiiii! 30 triệu giải quyết được nhiều vấn đề lắm. Đi nghỉ Nha Trang đi!".

Đi Nha Trang thì cần gì hộ chiếu? Thế thì làm hộ chiếu làm gì? Vẫn phải làm chứ. Quyền công dân mà. Hơn nữa lại là dân thủ đô. Phải có hộ chiếu chứ. Dẫu là chẳng để làm gì.

8/8/06

Trăng mưa



Rằm tháng Bảy ở Hà Nội mưa. Tóm lại là trăng mưa. Mặc dù hầu như không thấy trăng đâu cả. Vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ bắt đầu mùa hạnh ngộ rồi đây. Mưa suốt từ sáng, lúc ào ào lúc rả rích, lúc lại lất phất. Nói chung là khó chịu.

Trưa nay nhận được tin nhắn của một người bạn thân ở Sài Gòn: "Thời tiết Hà Nội thế nào? Có ra chơi được không?". Đành phải đáp thật: "Đang mùa mưa ngâu. Mưa suốt. Đừng ra". "Chán quá nhỉ!" - người bạn than thở. Thứ Bảy này cả nhà bạn đi Huế chơi, nhân thể bay quá đến Hà Nội để đi shopping ngày Chủ nhật. Ừ, nhưng mà biết đâu đến thứ Bảy lại hết mưa thì sao???

Chiều nay để ý thấy có người phải đội nón ra ra vỉa hè đốt vàng mã. Lửa bùng lên trong màn mưa lất phất trông thật đẹp. Nếu là tháng Giêng thì cảm giác đó sẽ gợi hơn. Cái cảm giác một chút ấm áp trong mưa phùn gió bấc rất nhiều người xa Hà Nội thèm muốn.

Tối về nhà cũng phải đi đốt vàng mã ở ban công. Trời vẫn hơi mưa. Lửa cháy phần phật. Bỗng nhớ tới bức tranh "Rainy Moon" của hoạ sĩ Nhật Bản Yoshitoshi. Nghe nói nó được vẽ từ năm 1889. Một bức tranh rất gợi, mà mình lại không biết nó được vẽ trong hoàn cảnh nào và nhân vật trong bức tranh là ai?

"Trăng mưa" ... Tại sao lại là "Trăng mưa"?



5/8/06

Mai Trang hóa... mưa



Cô là người khóa chương trình của đêm diễn thứ 7. Lần đầu tiên tôi được nghe "Người đàn bà hóa mưa". Hình như, đây cũng là lần đầu tiên nhạc sĩ An Thuyên có một bài hát dân gian đương đại dữ dội như vậy. Mai Trang đã biến 4 phút của bài hát thành một vở kịch. Kiểu biểu diễn kịch tính như thế trên sân khấu ca nhạc trước nay ở Việt Nam chỉ có Thanh Lam. Trên thế giới thì có vài người, có thể kể tên như Alla Pugacheva và Madonna.

Tại sao Huy Tuấn lại không cho Mai Trang thể nghiệm mà cứ bắt cô phải đóng khung vào một dòng nhạc cụ thể nào? Cô đã hát rất thuyết phục "Người đàn bà hóa mưa". Bài ấy cô hát cho mình, còn bài sau: "Những phút giây qua" (Quốc Trường) cô hát cho khán giả trong Nhà thi đấu Hai Bà Trưng. Nhưng vì không phải hát cho mình nên cô đã gãy nhịp liên tục đúng như Mỹ Linh nhận xét.

Mai Trang đã hóa mưa. Cô đứng nghe những lời nhận xét đầy phũ phàng (nhưng than ôi lại quá đúng, tôi luôn phục Mỹ Linh ở khoản này) hình như trong nước mắt và những giọt mồ hôi chan hòa trên mặt.

Tôi cũng không hài lòng với bài hát thứ hai của cô.

Nhưng chỉ cần hát được một bài rồi hóa mưa cũng là được lắm rồi. Hãy tiếp tục hóa mưa như thế!
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết