30/12/08

TÍNH SỔ 2008



Chỉ còn hơn một ngày nữa là hết năm 2008, một năm chắc chắn để lại trong mỗi người chúng ta những dư vị, ngọt ngào có, đắng cay có.

Còn chờ đợi gì nữa mà không tính sổ với với nó nhỉ?

- LẠM PHÁT: Sau nhiều năm lạm phát được duy trì ở mức không đáng kể, thì năm nay sau Tết Mậu Tý, giá cả hàng hoá dịch vụ cứ leo thang ầm ầm. Lúc đầu nhiều người không hiểu tại sao lại có cơ sự như vậy, nhưng sau thì rõ, khủng hoảng kinh tế kéo đến gõ cửa Việt Nam đầu tiên. Thị trường chứng khoán sụt giảm thê thảm, chọc thủng sàn đến mấy lần khiến đại đa số các nhà đầu tư nghiệp dư phải ngậm đắng nuốt cay. Người nghèo và những người làm công ăn lương bị ảnh hưởng nặng nề. Cũng may mà đến cuối năm, khi cuộc khủng hoảng toàn cầu nổ ra, giá xăng giảm xuống thì bà con ta cũng dễ thở hơn chút ít.

- GIÁ XĂNG TĂNG Ở MỨC KỶ LỤC: Cuối tháng 7, giá xăng tăng đến mức 19 nghìn đồng/lít, khiến nhiều người rên xiết: Có nên vứt quách xe máy (và cả ôtô) nữa để chuyển sang đi xe buýt cho tiết kiệm hay xe đạp cho đẹp người. Ngày xưa (cách đây không lâu), 19 nghìn đồng mua được hai lít xăng. Tăng giá xăng kéo theo tăng giá của hàng hoá và dịch vụ. Anh cắt tóc đầu phố trước lấy 10 nghìn đ/đầu, nay cũng lấy 20 nghìn đ. Có điều hay là dạo này giá xăng đã giảm, nhưng giá những cái gì đã tăng thì vẫn giữ nguyên.

- VÀNG, ĐÔLA, CHỨNG KHOÁN, LÃI SUẤT LOẠN XẠ. Những cái này thì mình không bàn, vì chúng chẳng liên quan đến mình mấy.

- HÀ NỘI NGẬP LỤT. Mình sống ở Hà Nội 25 năm nay mà chưa bao giờ chứng kiến một trận lụt nào (kể cả trận này). Chắc những ai sống trong mấy ngày lụt lội này ở Hà Nội đều có những kỷ niệm đáng nhớ về nó. Nhưng thôi, đừng trách mấy bác quản lý thành phố hay giao thông công chính vì làm ăn tác trách khiến hệ thống thoát nước của thủ đô không hoạt động. Báo chí thế giới cho hay năm nay là năm thiên tai hoành hành ở mức tồi tệ nhất trên quy mô toàn cầu.

- VIỆT NAM VÔ ĐỊCH AFF CUP: Sớm muộn gì thì VN cũng thắng anh Thái Lan một lần rồi vô địch bóng đá Đông Nam Á, chuyện đấy thật chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng có một trận thắng kịch tính như trận tối 28.12 vừa rồi để rồi dân tình đổ ra đường, tạm quên đi những vất vả của một năm và có hy vọng để bước sang một năm (được dự kiến là còn khó khăn hơn năm ngoái) thì cũng là rất tốt. Người Việt mình thế, càng khó khăn thì càng thắng lợi. Nếu thế này thì mong bóng đá thắng in ít thôi.

Có ai có gì hay cần tính sổ 2008, thì viết vào comment nhé. Cám ơn mọi người.

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

Free counters

29/12/08

10 NĂM MỘT ƯỚC MƠ



Tôi không phải là một cổ động viên lớn của bóng đá Việt Nam, nhưng cũng đã trải qua hai trận đấu thót tim của đội tuyển VN, không phải trước màn ảnh truyền hình mà trong đám đông hàng vạn người điên cuồng trên các khán đài.

Trận thứ nhất, chung kết Việt Nam - Singapore tại sân Hàng Đẫy tháng 8.1998. Việt Nam lúc đó tưởng như đã cầm chắc chiến thắng, giành chức vô địch ĐNA đầu tiên. Nhưng cái lưng vô duyên của một cầu thủ cao to đen hôi đã đem lại bàn thắng hữu duyên cho Singapore.

Hàng chục triệu người Việt Nam đã thở dài nuối tiếc sau bàn thắng ấy.

Trận thứ hai, trận bán kết Việt Nam - Malaysia trong khuôn khổ SEA Games 22 diễn ra trên sân Mỹ Đình. Đó là một trận đấu cực kỳ kịch tính và VN đã chiến thắng vào phút chót để lọt vào chung kết.

Thật khó diễn tả được cảm giác lâng lâng sau chiến thắng xuất thần ấy của đội nhà.

Tôi nhớ cái cảm giác xúc động tuyệt đối khi hoà giọng cùng hàng chục vạn người đồng thanh hát quốc ca. Đó là bài học đẹp nhất về lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc mà tôi có được.

Nhưng tại SEA Games 22 ấy may mắn đã không đi cùng đội tuyển Việt Nam đến tận cuối cùng.

Trước AFF Cup năm nay, tôi đọc một bài báo khá ấn tượng của colummist Phạm Thị có nhan đề "Éo le" đăng trên báo Lao Động Cuối tuần số ra ngày 7.12. Chị viết:

"Nước mình có hai môn rất được coi trọng để đem ra đấu trường quốc tế, coi trọng ghê gớm - một là thi bóng đá nam, hai là thi hoa hậu (tất nhiên hoa hậu là nữ). Khổ nổi, bao năm rồi, nói thật là mong lắm, cả đến em cũng mong, vinh quang vẫn cứ xa vời với cả hai.

Trầy trật mãi chúng ta cũng chỉ loanh quanh vài lần được giải nhì khu vực, hoạ hoằn với môn này hoặc may mắn lọt vào top 15 với môn kia.

Éo le thật, tuần vừa rồi, trong khi Hoa hậu Việt Nam dự thi Miss World 2008, đến gần cuối vòng thi vẫn đang ở trong trạng thái nhen nhóm hy vọng, và đội tuyển nam bóng đá quốc gia, như mọi lần, không thể vượt qua được đối thủ lâu năm của mình, thì tự dưng có một ngôi vị Hoa vương từ cuộc thi Mister International 2008 rơi vào tay một trang nam tử và đội bóng nữ U19 nước ta hiên ngang chiến thắng để vào vòng CK Châu Á (hễ đội tuyển nam thua liên tiếp là đội tuyển nữ không hiểu sao hay thắng lắm).

Một số người thở dài, cứ như bị đảo ngược tất cả ước mơ. Người đẹp nam và bóng đá nữ, thắng thì tốt rồi mà nghe cứ ngậm ngùi sao đó. Người ta ước giải cao ở người đẹp nữ và bóng đá nam cơ. Mấy cuộc được giải này, vì thế, chẳng có thông tin rầm rầm trên báo như mấy cuộc thi kia. Không được đúng như mong đợi là thiệt thòi thế đấy!..."

Chị ấy viết cũng đúng nhỉ? Bóng đá nữ vô địch và đàn ông chiến thắng trong cuộc thi sắc đẹp!

Nói thế để thấy rất nhiều người đã không còn tin rằng các chàng trai của chúng ta có thể đứng đầu Đông Nam Á một lần về bóng đá.

Nhưng mà trận đấu đêm nay trên sân Mỹ Đình đã phá cái định kiến đấy, phá tan cái điều tưởng chừng như đã trở thành default đối với bóng đá nam Việt Nam, phá cái dớp không thắng được "đối thủ truyền kiếp" (gọi thế cho nó hay, chứ không có ý bi kịch hoá quan hệ Việt - Thái), đem lại niềm vui ngây ngất cho hàng chục triệu con tim.

9 giờ 10 phút, một bạn đồng nghiệp trẻ gọi điện, giọng lạc đi vì xúc động: "Anh ơi, vô địch rồi, sướng quá anh ạ!". Cậu còn hiên thiên vài câu nữa, tóm lại là cậu rất hạnh phúc.

Lát sau tôi nhắn cho cậu một cái SMS: "Lúc nãy chú gọi giọng nghẹn ngào làm anh cũng xúc động lây".

9 giờ 37 phút, cậu gọi lại, giọng vẫn hổn hển và khào khào như 27 phút trước: "Ôi, anh không thích bóng đá nên anh không biết cái cảm giác này nó sướng như thế nào. Em đã đi xem trận chung kết VN - Singapore 10 năm trước và em đã thất vọng thế nào vì trận thua đấy. Em chờ chiến thắng này 10 năm rồi đấy. Sướng quá, anh ạ!".

Cậu chẳng biết là lòng tôi đã rưng rưng khi thấy một cầu thủ khóc hu hu ngay trên sân cỏ sau bàn thắng của Công Vinh.

Vâng, cuối cùng thì đội tuyển Việt Nam đã trở thành nhà vô địch bóng đá Đông Nam Á, sau 10 năm nuôi dưỡng một ước mơ.


Chúc mừng các cầu thủ Việt Nam.

Chúc mừng HLV Henrique Calisto.

Chúc mừng tất cả chúng ta.

P/S: Hy vọng sau khi anh em phá được dớp vô địch bóng đá, các em gái sẽ may mắn trong các cuộc thi sắc đẹp.

Công Vinh ăn mừng chiến thắng ở phút chót. Ảnh: VNE

28/12/08

TIẾNG ĐÀN TRONG TẦU ĐIỆN NGẦM PARIS



Tôi không thích tầu điện ngầm Paris. Nguyên nhân là bởi vì tôi biết nó sau khi biết tầu điện ngầm ở Mátxcơva

Metro Paris xấu, nóng nực, ô nhiễm, không tiện dụng. Hành khách phải đi rạc cẳng mỗi lần chuyển tầu.

Bù lại những dàn nhạc ở metro thật tuyệt. Xuống metro ta có thể nghe đủ mọi loại nhạc do những nghệ sĩ đủ màu da trình tấu.

Hầu như tuần nào tôi cũng gặp anh vài ba lần. Khi thì vào buổi sáng, lúc tôi vội vã xách lỉnh kỉnh máy móc từ căn phòng thuê được của một người bạn ở Montreuil đến trung tâm báo chí của World Cup France 98. Khi thì vào chiều muộn, lúc tôi lê bước trở về sau một ngày chạy khắp thành phố chụp ảnh, làm tin, gửi bài.

Anh kéo đàn arcordeon. Những giai điệu Nga réo rắt, đủ làm thổn thức bất cứ một tâm hồn nào biết buồn. Anh thường đứng ở một vị trí ít người trong toa, say sưa kéo đàn như đang đứng trên một sân khấu lớn với hàng nghìn khán giả ngồi dưới.

Kéo xong, anh khép đàn làm một bên vai và ngả chiếc mũ phớt từ trên đầu xuống đi một lượt khắp toa. Ai thích thì đặt tiền vào cái mũ đó. Tuyệt đối không một lời xin.

Tôi gặp anh lần đầu vào lúc chiều muộn. Tiếng đàn huyền ảo của anh đánh thức những ký ức xa xôi về nước Nga. Khi anh đi qua chỗ tôi ngồi, tôi nói khẽ bằng tiếng Nga: "Nhạc rất tuyệt. Xin cảm ơn anh". Người đàn ông gật đầu và mỉm cười.

Và kể từ đó cứ mỗi lần gặp nhau, anh lại gật đầu. Đủ để tôi biết anh nhận ra tôi rồi lại mải miết với những giai điệu của mình.

Một tháng rưỡi làm World Cup trôi đi rất nhanh. Ngày gần cuối cùng trước khi rời Paris, tôi gặp anh trên chuyến tầu về nhà. Anh lại gật đầu khi nhìn thấy tôi.

Thế là tới đây tôi sẽ không còn cơ hội được nghe tiếng đàn khắc khoải của người nghệ sĩ tha hương này nữa. Anh sẽ còn ở đây bao lâu? Khi nào anh sẽ dừng chân và trở lại cố quốc? Nước Nga của anh có chờ đợi anh không?

Sực nhớ mình đã nghe nhạc miễn phí suốt một tháng rưỡi qua, tôi lục ví lấy ra một đồng 50 Franc.

Khi tiến đến gần chỗ tôi ngồi, người đàn ông đột ngột quay đi trong một động tác vươn tay đưa mũ cho một người phụ nữ ngồi ở hàng ghế bên kia.

Tôi không thể bỏ đồng 50 Franc của mình vào chiếc mũ đó.

Người nghệ sĩ đi xuống cuối toa. Anh bỏ những đồng tiền vừa kiếm được vào túi áo vest, đội mũ lên và quay đầu lại nói: "Merci beaucoup" (Cảm ơn). Và anh nhìn thẳng vào tôi đang ngồi chưng hửng vì không thực hiện được ý định của mình, nói bằng tiếng Nga: "Спасибо".

Tôi hiểu. Anh không nỡ lấy đồng bạc từ một người cũng vất vả kiếm tiền nơi đất khách như anh.

Ảnh của Corbis, chỉ có tính minh hoạ.

Blog counters

25/12/08

NỤ CƯỜI CALISTO



Trang ảnh của Yahoo! News giới thiệu tấm hình trên đây của ông Herique Calisto, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá Việt Nam, chụp trong trận chung kết lượt đi giải AFF Cup 2008 trên sân vận động quốc gia Rajamangala ở Bangkok, Thái Lan, tối qua 24.12.2008.

Tác giả ảnh là Chaiwat Subprasom, phóng viên ảnh của Reuters.

Trong bức ảnh, trên môi ông Calisto nở một nụ cười bí hiểm.

Bạn có thể cắt nghĩa nụ cười ấy?

Simple counter

24/12/08

TẾT TA NHẬP VỚI TẾT TÂY



Mỗi năm các cơ quan, doanh nghiệp phải chịu 2 lần đình đốn. Thứ nhất là dịp Giáng sinh - Năm mới kéo dài suốt một tuần từ 24.12 đến 2.1 năm sau. Thứ hai là dịp Tết nguyên đán, kéo dài từ 10 ngày cho đến 2 tuần.

Trong hai dịp này dân tình lo ăn chơi nhảy múa, quà cáp biếu xén, công việc bê trễ trước kéo dài cả tuần trước và sau mỗi kỳ nghỉ. Hoài công các vị có chức sắc trong 2 dịp này cứ khản hết cả cổ để lên giây cót tinh thần cho người dưới quyền làm việc.

Thế nên, có người mới nghĩ ra hay là nhập quách Tết Ta vào với Tết Tây. Tức là từ nay không nghỉ Tết Nguyên đán (theo lịch âm) nữa, nghỉ một kỳ thật dài "xuyên niên" từ 23.12 đến 2.1.

Những lý lẽ đưa ra để biện hộ cho luận điểm này bao gồm:

- Dẹp bỏ được một trong hai kỳ đình đốn;
- Việt Nam hội nhập thế giới, tạo sự thống nhất chung, đỡ phải mất cảnh: ta làm - tây nghỉ, ta nghỉ - tây làm;
- Chỉ phải mua một lần quà, nói một lần Happy New Year, bắn một lần pháo hoa... cả dân lẫn nhà nước đều tiết kiệm được khối tiền;
- Phụ nữ được giải phóng, đỡ phải nấu mấy bữa cỗ trong dịp Tết;
- Nhật Bản bỏ tết âm lịch từ lâu, nước ấy tiến ầm ầm, nay là nước Châu Á duy nhất trong G8...

Nhưng sẽ ra sao nếu bỏ Tết âm lịch (không nên bỏ hẳn, mà chỉ nghỉ 2 ngày là mồng Một Tết).
- Mồ mả ông bà tổ tiên không ai chăm sóc, hương khói hiu quạnh;
- Ông Công ông Táo sẽ không có cá chép cưỡi lên Thiên đình, không ai báo cáo công việc ở hạ giới;
- Các gia đình không còn cơ hội đoàn tụ;
- Trẻ con ít (hoặc không) được lì xì;
- Mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Mọi người ủng hộ phương án nào, có thể viết trong comment các lý do ủng hộ của mình được không?

22/12/08

VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI CHA ĐÃ TỪNG LÀ LÍNH



Chắc hẳn thế hệ của 6X-7X của chúng tôi nhiều người có cha đi bộ đội. Nhiều người đã trải qua những năm tháng tuổi thơ dài đằng đẵng dưới trời bom đạn, không có hơi ấm và sự săn sóc của người cha.

Tôi là một trong số đó. Lên 9 tuổi, cha mới từ mặt trận trở về.

Như thế là may mắn, vì cha của không ít bạn khác đã vĩnh viễn nằm lại một nơi nào đó trên chiến trường.

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu có viết một bài thơ mà chắc chắn thế hệ tôi rất đồng cảm:

"Cả cuộc đời cha đi bộ đội

Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương

Là những vết thương trên ngực cha

Khi trở gió lại đau nhức nhối"...


Họ mang về những kỷ niệm chiến trường của một thời bom đạn, những nhói đau về những người đồng đội không bao giờ được biết đến hạnh phúc trong hòa bình.

Họ mang về sự từng trải của những người vượt qua cái chết, nhưng lại vô cùng bỡ ngỡ khi phải làm quen với cuộc sống bình thường trong thời bình, với vai trò của người chồng, người cha.

Họ mang về những tiếng hét trong đêm khuya, khi mà cơn ác mộng của chiến tranh, tưởng như đã lùi vào dĩ vãng từ lâu, phút chốc lại ùa về trong giấc ngủ.

Những nỗi đau thời chiến của họ không chịu chấm dứt sau chiến tranh.

Họ phải tiếp tục vượt lên, vượt qua những khắc nghiệt của thời bình. Để tiếp tục làm chồng, làm cha.

Lời bày tỏ yêu thương và kính phục đối với những người cha đã từng là lính.

Ảnh: Đoàn Công Tính

19/12/08

TIỀN THƯỞNG CUỐI NĂM



Bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cuối năm ai cũng trông chờ thưởng. Thưởng để mua quà Giáng sinh, đi chơi Tết Tây, sắm Tết ta, biếu quà bố mẹ, anh chị và những nơi cần phải biếu.

Tám với bạn bè, người ta hay hỏi nhau: "Ê, bên mày năm nay thưởng nhiều không?". Ai cũng nghĩ bên mình thưởng ít, bên ngoài thưởng nhiều.

Giáo viên một trường phổ thông thông báo, thưởng của cô từ Ban giám hiệu năm nào cũng chỉ có 500 nghìn đồng. Hội phụ huynh học sinh biếu 1 triệu.

Giáo viên một trường đại học nói, Khoa anh thưởng 500, Trường thưởng 500. Chấm hết.

Một chị bạn giám đốc công ty cổ phần nói, công nhân ngày ngày cô cô cháu cháu thân tình lắm. Hôm nọ chả biết nghe phong thanh ở đâu rằng năm nay có thể thưởng không bằng năm ngoái, đã dọa đình công từ bây giờ. "Họ thật như bố mẹ mình, chứ không còn là người làm công cho mình nữa" - chị than.

Anh bạn giám đốc một công ty TNHH méo mặt lo tiền thưởng cho nhân viên. Năm ngoái lỡ thưởng 2 triệu, năm nay chỉ duy trì mức 2 triệu thôi cũng khó.

Nói chung là công nhân hay nhân viên chẳng chịu chấp nhận thưởng bằng năm ngoái, chứ đừng nói là thưởng thấp hơn. Lạm phát như thế, thưởng bằng năm ngoái tức là kém năm ngoái rồi. Thậm chí thưởng hơn năm ngoái, nhưng không bằng tỉ lệ lạm phát thì tức là cũng thưởng kém năm ngoái.

Phức tạp thế đấy.

Nhưng mà chuyện làm ăn có đơn giản đâu.

Thưởng nhiều - tiêu nhiều, thưởng ít - tiêu ít. Tiền thưởng bao nhiêu cũng không đủ. Nhưng cứ thử không có thưởng xem nào!

Không ít giám đốc phải lấy tiền vốn kinh doanh cho năm tới để thưởng cho nhân viên trong năm nay.

Cuối năm, trông mặt những người lo cơm áo gạo tiền mà thương!

18/12/08

TRÒ VÀ THẦY



Thầy chỉ là giảng viên thỉnh giảng. Đến dạy đúng một môn, kéo dài trong hai tháng. Môn học đấy kích thích người ta sáng tạo và khơi gợi tinh thần làm việc chuyên nghiệp.

Trò bao giờ cũng nghĩ sâu hơn những vấn đề mà thầy nêu, luôn đưa ra những câu hỏi khó, nhiều khi đẩy thầy vào chân tường, buộc thầy phải xin lỗi và về nhà tìm hiểu, nghiền ngẫm tìm ra câu hỏi cho trò.

Trò làm khóa luận tốt nghiệp, chọn được đề tài vô cùng lý thú, nhưng cao hơn so với đòi hỏi ở một người cần tấm bằng cử nhân.

Thầy không được mời hướng dẫn, không được mời phản biện, nhưng tình cờ có mặt tại nơi trò bảo vệ, đã thuyết phục được hội đồng (bao gồm những thành viên không mấy liên quan đến đề tài của trò) chấm cho trò 10 điểm.

Trò tốt nghiệp loại xuất sắc, được giữ ở lại trường, vượt được qua kỳ thi tuyển công chức và cầm chắc tấm vé trở thành giảng viên một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam.

Thầy không biết chuyện đó.

Trò được một công ty truyền thông hàng đầu mời làm việc. Trò phân vân, cân nhắc, rồi lựa chọn.

Trò chọn... ở lại trường làm giảng viên.

Trò đến công ty, gặp giám đốc để cảm ơn, xin lỗi và nói lời "tạm biệt".

Thầy tình cờ có mặt ở đó, đúng vào lúc trò dợm mình nói từ "nhưng".

Và thầy nói: "Gượm đã!".


Thầy phân tích cho cô học trò xuất sắc thấy rằng cô đang từ chối cơ hội khám phá những khả năng của chính bản thân mình và đi đến tận cùng của sự khám phá ấy.

Thầy tin rằng cô sẽ trở thành một giảng viên tốt, nhưng cô đang tự giới hạn mình vào một khung khổ, bắt mình đi trên một con đường đã được hoạch định sẵn, an toàn, nhưng nhàm chán.

Nếu ở lại trường, cô sẽ trở thành giảng viên với những học hàm, học vị mà bằng sự thông minh của cô, chắc chắn cô sẽ đạt được. Nhưng chỉ có thế!

Nếu đi làm cho công ty truyền thông, cô sẽ có cơ hội biết được nhiều kỹ năng hơn, giỏi nhiều nghiệp vụ hơn. Và sau 10 năm, cô vẫn có thể quay về trường thỉnh giảng, vẫn có thể theo học thạc sĩ, tiến sĩ nếu cô muốn.

Thầy khuyên cô không nên nói "không" với nhà tuyển dụng. Hãy nói "vâng" với họ ngay và dành thời gian để thuyết phục những người thân như bố, mẹ, người yêu chấp nhận sự lựa chọn mới, đầy phiêu lưu, thử thách nhưng vô cùng hấp dẫn này.

Nhưng trò xin một ngày. Một ngày để suy nghĩ. Để cân nhắc. Để tự thuyết phục mình!

UPDATE: Sau một ngày suy nghĩ, trò đã nói "không". Cô sẽ ở lại trường làm giảng viên. Chúc cô may mắn.

17/12/08

GÀ TRỐNG NUÔI CON



Tình cờ gặp một người quen cũ sau 6 năm tại sân bay.

6 năm trước, anh settle down sau một hành trình dài xuyên lục địa học hành và xây dựng sự nghiệp. Vợ anh - một cô gái giàu có, con gái một gia đình trâm anh thế phiệt, khi đó đã lái xe Mercedes. Họ cưới nhau, và anh biến mất khỏi những cuộc tụ bạ, nhậu nhẹt của đám bạn.

Ít lâu sau chúng tôi hay tin, anh đã chuyển công ty, rồi chuyển vào nam sinh sống.

Gặp lại, câu đầu tiên tôi hỏi anh là gia đình vợ con thế nào? Anh nói: "Tớ là single father từ mấy năm nay rồi".

Tôi trợn mắt: "Sao lại thế?". Anh nói: "Tớ ly dị rồi. Từ lúc thằng bé được hơn một tuổi. Hai lối sống, hai cách suy nghĩ, hai cách hành xử, tóm lại gọi một cách lịch sự là "những bất đồng không giải quyết được". Vấn đề chia tài sản tưởng chừng như vô cùng khó khăn, vì cô ấy và tớ đều không nghèo, thì lại được giải quyết khá dễ dàng. Tớ tuyên bố ra đi tay không, không mang theo gì cả, ngoại trừ đứa con. Cô ấy đồng ý. Tớ bế con về Sài Gòn và hai cha con sống với nhau từ đó đến nay!"

Tóm lại, nhà anh không có oshin. Anh tự chăm sóc con trai, tắm rửa, cho nó ăn, đưa nó đi chơi, gọi bác sĩ mỗi khi nó ốm, đọc sách cho nó nghe trước khi nó đi ngủ. Vân vân. Tất cả những gì mà cả cặp bố mẹ phải bở hơi tai để chăm sóc một cậu quý tử thì anh đều tự tay làm cả.

Mỗi tháng anh đều phải đi Hà Nội vài ba lần. Và lần nào cũng đi thật nhanh, chỉ ngủ một đêm xa nhà, không la cà ở đâu nữa, tức tốc trở về nhà, bởi cậu con trai phải đem gửi ở chỗ mấy anh chị em trong gia đình.

Vợ anh thì hầu như không còn đoái hoài gì đến đứa con nữa. Cô đang bận bịu với tình yêu mới. Đôi lúc anh lại phải đưa con đến gặp cô, đơn giản vì đứa bé có quyền biết mẹ là ai và có quyền được hưởng sự vuốt ve, chăm sóc của người mẹ - anh nói với người vợ cũ như thế.

- Được ở bên một đứa bé 5 tuổi thích lắm cậu ạ. Mỗi ngày là một thử thách và niềm vui mới. Ai biết chuyện "gà trống nuôi con" của mình cũng làm mặt rầu rầu tỏ vẻ thông cảm, nhưng họ không biết rằng tớ hoàn toàn hạnh phúc, rất hạnh phúc là đằng khác.

- Vậy thì chúc mừng anh! - tôi nói.

- Cám ơn cậu. Đó chính là những lời mà tớ muốn nghe, - anh cười và đáp một cách chắc nịch.

10/12/08

GHÉT CỦA NÀO TRỜI TRAO CỦA ẤY



Một trong những thứ chàng ghét nhất là thói cảnh vẻ.

Chàng ghét, ví dụ, cách ăn phở kiểu cách: dùng đũa kéo sợi phở lên cao, thả nó vào cái thìa, múc thêm một ít nước phở, rồi từ từ đưa lên miệng.

Chàng bảo, ăn thế còn gì là ngon. Phở là đồ ăn nóng, phải ăn phải húp cho nhanh, chứ ăn kiểu tiểu thư con nhà kia thì phở nguội hết. Thà đừng ăn còn hơn!

Nàng ghét cay ghét đắng bọn thanh niên tóc tai dài ngoẵng râu ria tua tủa như những ông già. Nàng không bao giờ hiểu được tại sao lại có một đám thanh niên thừa cơm rửng mỡ chít khăn trắng trên đầu đi đua xe. Nàng bảo đó là lũ điên!

Thế rồi một hôm, chàng đi ăn phở. Góc bàn đằng kia có một cô gái ăn phở đúng cái kiểu mà chàng ghét. Cô ta kéo một sợi phở lên, cao hơn cái bát đến 30 cm, rồi mới thận trọng thả sợi phở ấy vào cái thìa hứng sẵn ở bên dưới.

Trông mà lộn ruột, chàng nghĩ thầm. Rồi chàng nhìn xem người sở hữu hành động kỳ quặc kia mặt mũi ra làm sao.

Chàng bỗng sững người. Một khuôn mặt giản dị, không son phấn, nước da hơi nâu, đôi mắt tròn thông minh. Ôi, giá mà gương mặt ấn tượng kia lại không ăn uống kiểu cách như thế.

Hôm sau chàng lượn đi lượn lại ở cái phố có quán phở đấy, nhưng không nhìn thấy cô gái nghịch lý ấy.

Hôm sau nữa, chàng huy động toàn bộ tổ lái "trực chiến" tại chỗ, nhưng vẫn không ai dò ra tung tích của nàng.

Chán nản về nhà, chàng gặp cô em họ, buồn mồm kể sự tình cho cô nghe. Cô này nói: "Em có con bạn sống ở phố đấy. Để em hỏi xem nó có biết đối tượng của anh không nhé". Tiện thể cô lôi ảnh cô bạn kia cho anh xem. Anh lại sững người: Đó chính là nàng.

Cô em họ tổ chức giới thiệu. Không phải type người của nàng, nhưng có điều gì đó bí hiểm ở con người này, khiến nàng tò mò. Tại sao anh ta để tóc dài, râu ria lởm chởm? Tại sao anh ta đi đua xe?

Phát hiện được bí mật này thì nàng lại thấy chàng có bí mật khác. Chẳng hạn, chàng có thể nấu ăn rất ngon. Hay chàng có thể làm một cái đồng hồ rất đẹp, chạy chính xác từ những mẩu gỗ... Cứ như thế, nàng yêu chàng lúc nào chẳng biết.

Họ vượt qua rất nhiều rào cản, không chỉ những thứ thích hay không thích do chính họ đặt ra, mà cả từ gia đình, bạn bè...

Nay thì họ đã sống với nhau hạnh phúc được 11 năm và có hai con trai. Đấy là thời gian kể từ đám cưới. "Thực ra là tôi đã thụ án chung thân được 15 năm rồi" - chàng nói và cười tít mắt.

7/12/08

VỢ KHỆNH



Bàn càphê có ba người đàn ông ở độ tuổi ngoài 30. Complet cà vạt tề chỉnh, tóc cắt gọn gàng. Chắc họ vừa đi ăn trưa về, sà vào quán càphê này giết nốt chút thời gian trước khi quay trở lại văn phòng cho giờ làm việc buổi chiều.

Nhấp một ngụm càphê đá, anh chàng càvạt đỏ thủng thẳng: "Cổ phiếu đâm thủng sàn. Tin giật gân quá".

Anh càvạt xanh nhăn mặt: "Thôi, ông đừng nói nữa. Nó đâm thủng sàn không phải lần đầu. Tim tôi đã bị nó đâm thủng từ lâu rồi".

Anh càvạt đỏ nheo mắt: "Ai bảo ham chơi. Cứ như tôi, chả "cổ cánh" gì thì đâu có chết?"

Anh càvạt hoa chêm vào: "Nó không ham nhưng vợ nó ham. Ông không gia đình, không bị vợ thúc nên mới thoát nạn".

Anh càvạt đỏ nhổm lên khỏi ghế: "Nói thế thì cũng đúng mà cũng đếch đúng. Ông cũng có vợ sao ông không chết?"

Anh càvạt hoa toe toét: "Nhà tôi cũng chơi chứ, nhưng đúng đến lúc cổ cánh có lãi thì tôi bán hết, lấy lãi ra mua đất, chỗ vốn thì đem gửi vào ngân hàng. Ăn non một chút, nhưng mọi thứ vẫn còn. Tất cả là bởi vì vợ chồng tôi nhát gan cho nên "an ninh lương thực" sớm. Còn nhà kia có vợ làm ngân hàng, cho nên mới liều".

Anh càvạt xanh ngậm ngùi: "Đúng là tại cô vợ mình làm ngân hàng, tin tưởng là mình nắm chắc thông tin, nên mới liều mình như chẳng có, thậm chí còn huy động cả vốn đằng nhà ngoại để mua cổ phiếu ưu đãi. Ưu đãi gì thì không thấy, chỉ thấy ưu đãi chết. May mà tiền của mẹ với chị em gái cô ấy, không ai nỡ xiết nợ, chứ nếu không thì nhà tôi rađê ở lâu rồi".

Anh càvạt hoa mủm mỉm: "Hôm được giá, tôi bảo ông là bán hết đống cổ cánh đi, thì ông nói cái gì nhỉ? Ông nhăn mặt, cười khẩy: "Cổ cánh là phải bạo. Cò con thế chơi làm gì?"

Anh càvạt xanh gãi gáy: "Oài, tôi nhắc lại lời bà xã thôi. Tối hôm trước về rụt rè bảo nó là hay bán đống cổ đi, anh thấy giá đang cao, thì nó trừng mắt nói y như thế, làm mình cụp đuôi chẳng nói được câu nào".

Anh càvạt đỏ mỉa mai: "Ô hô, bị vợ quát à. Khốn nạn nhỉ?"

Anh càvạt xanh cười như mếu: "Nói thật nhá, cái đợt cổ cánh lên, cô nàng rất khệnh. Thái độ thay đổi hẳn. Trước chỉ mang về bằng nửa lương mình, nên dịu dàng ngoan ngoãn lắm. Một điều anh ơi, hai điều anh à. Nay cái mớ cổ phiếu mới chỉ tăng giá ảo thôi, chưa sờ được đồng thật nào mà nàng đã coi mình như kẻ bỏ đi. Thỉnh thoảng lại mát mẻ: "Gớm, lương anh mang về chẳng đủ lo tiền học cho con lớn mua sữa cho thằng bé!" Ý nàng ngầm chỉ hàng trăm triệu lãi cổ phiếu còn chưa quy đổi kia kìa. Nhiều lúc lại sẵng giọng với chồng, công khai chê chồng. Tôi nhủ thầm: "Sập cha nó cái sàn chứng khoán đê! Định lập trật tự thế giới mới hả?". Lúc đấy mới ngấm, đàn ông không cầm trịch kinh tế trong nhà thì nhục thế nào. Thế rồi nó sập thật. Tôi chỉ bị sốc một tí, vì trật tự trong gia đình đã được lập lại. Giờ nàng lại quý trọng chồng rồi. Đúng là mất tiền ta được kinh nghiệm. Sau này chứng khoán có đâm thủng trần thì tôi cũng không thèm chơi!"


3/12/08

CÁC CHÀNG TRAI... MỆT



Báo chí nước nhà đưa tin, các cầu thủ trong đội tuyển quốc gia của chúng ta trải qua "hành trình bão táp" từ TP HCM đến Phukhet để tham dự AFF Cup.

VNExpress mô tả "Chuyến đi Thái Lan vất vả của thầy trò Calisto" như sau: "Xuống sân bay Changi tầm trưa, toàn đội phải vất vưởng ở đây hơn 5 tiếng đồng hồ, chờ quá cảnh trước khi sang Phuket". Đã có ai đi qua Changi chưa nhỉ? Không hiểu "vất vưởng" mà tác giả mô tả trong bài này là như thế nào? Không có chỗ ngồi, bị đói bị khát hay là thế nào?

Chỉ ngay câu sau, tác giả lại viết: " Các cầu thủ có nhiều cách để quên thời gian, nhưng đa số ngả ra ghế chờ để làm một giấc hay tranh thủ đi shopping ở các cửa hàng giảm giá tại sân bay". "Vất vưởng" mà lại có tiền để đi shopping thì cũng đáng "vất vưởng" nhỉ?

VietnamNet thì giật tít: "Nhọc nhằn hành trình đến Phukhet". Đọc bài chẳng thấy hành trình nhọc nhằn gì. Theo VNN, thì khi transit ở Changi, các chàng trai của chúng ta không chỉ đi mua giày Adidas (mỗi người vài đôi), mà còn lên mạng chat chit, bế con cho một cặp vợ chồng người Anh và nằm ngủ.

Dân Trí cũng giật tít rất kêu: "Gian nan hành trình ĐT Việt Nam tới Phuket". Tờ báo này dẫn lời một số cầu thủ: "ĐT VN đã nhiều lần ra nước ngoài thi đấu, nhưng chưa lần nào bọn em thấy mệt mỏi như lần này, thời gian quá cảnh quá lâu, khiến cho nhiều người cảm thấy rất mệt mỏi".

Tóm lại thì hành trình cũng không có gì là gian nan, khổ cực cả. Đội tuyển xuất phát từ TPHCM, bay đến Singapore, transit ở sân bay Changi 6 giờ đồng hồ, sau đó đáp máy bay đến Phukhet. Toàn bộ hành trình chỉ có 2 chặng bay và kéo dài khoảng 14 giờ đồng hồ.

Đối với các chàng trai sức vóc, tuổi mới trên dưới 20, được tập luyện thể thao thường xuyên, thì sao có thể bị mệt mỏi sau một hành trình như vậy nhỉ? Mới đây tôi thực hiện một hành trình ba chặng bay, dài 27 tiếng đồng hồ từ Hà Nội tới Washington (Mỹ) với thời gian quá cảnh 6 giờ tại sân bay Incheon (Seoul), sau đó là 2 giờ bay đến Narita (Nhật Bản), 1 giờ chờ quá cảnh tại đây và tiếp theo là 13 giờ bay nữa. Thế mà khi đến nơi tôi cũng không thấy mệt mỏi gì lắm. Trong khi tôi nhiều hơn các cầu thủ từ 15-20 tuổi.

Nếu đúng là các cầu thủ mệt mỏi thực sự, không phải là sự "nói quá" của các nhà báo, thì thật dễ hiểu là tại sao đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ vô địch Đông Nam Á. Họ quá yếu về thể lực!

2/12/08

VÌ SAO ĐIỆN THOẠI NẰM SẤP?



Trong bữa ăn trưa, một anh bạn đem chuyện sau ra thắc mắc.

- Cái điện thoại di động của tôi nó tự lật sấp được. Có mấy lần mình vào nhà tắm, khi ra thì thấy điện thoại trên table de nuit đầu giường, hay trên bàn phấn trong phòng ngủ đều bị lật sấp. Đầu tiên tôi tự trách mình sao lại lơ đễnh thế, để cái điện thoại sấp xước hết cả màn hình. Lần sau, thấy điện thoại để sấp, tôi tin chắc không phải mình lơ đễnh và nghĩ là đứa con gái lấy điện thoại của bố để chơi game rồi không để lại cẩn thận.

- Thế thì anh nhắc cháu một câu, - tôi nói.

Anh bảo: "Có nhắc, nhưng nó ngơ ngác: "Con có chơi game bằng điện thoại của bố bao giờ đâu. Tôi lại tặc lưỡi: "Chắc mình vô ý để sấp".

Cô bạn đồng nghiệp cười mỉm: "Bà xã kiểm tra tin nhắn chứ gì?"

Anh gật đầu: "Đúng là phụ nữ, các chiêu của nhau biết hết? Chắc em cũng kiểm tra tin nhắn của chồng như thế?"

Cô kia lắc đầu: "Em không bao giờ kiểm tra tin nhắn của chồng. Vợ chồng em đã thỏa thuận ba không: Không lục ví, túi quần, túi áo, túi xách, cặp xách của nhau; Không kiểm tra tin nhắn trên điện thoại của nhau; Không đòi password để kiểm tra các nội dung trên máy tính của nhau".

- Thế sao em lại biết chiêu đấy? - tôi hỏi.

Cô nói: "Cô em chồng em luôn kiểm tra tin nhắn của chồng như thế. Nó lợi dụng lúc chồng vào nhà tắm hay toilet để lén xem trộm tin nhắn. Có lúc đang xem thì chồng ra, vội vàng đặt sấp điện thoại xuống cho ánh sáng màn hình khỏi hắt lên, để chồng không nhìn thấy".

Anh bạn đồng nghiệp cho hay kể từ khi phát hiện chiêu của vợ, anh xóa sạch tin nhắn nhạy cảm trước khi về nhà.

Có bà vợ nào đọc entry này kiểm soát chồng bằng chiêu thức tạm gọi là "vô văn hóa" này không?

1/12/08

BÁNH CHI CHÍT NẾN



Sáng thứ Bảy, trời lạnh, vừa bò ra khỏi giường đã nghe tiếng chuông điện thoại riết róng vang lên.
Đầu dây đằng kia là giọng cười ròn rã của cô bạn thân:
- Ê, con mèo lười, chui ra khỏi chăn chưa?
- Chui ra được năm phút rồi! Mới sáng ra có chuyện gì mà vui thế?
- Em phải đánh thức anh dậy để hưởng thụ một buổi sáng mùa đông tuyệt đẹp. Những ngày như thế này không có nhiều trong một năm. Em đang ngồi uống cà phê ở quán Moca gần Nhà Thờ. Tất nhiên là một mình. Rất vui vì thấy đời quá đẹp.
- Sao lại có một mình?
- Một mình thì vẫn một mình chứ sao? Một mình mà vẫn thấy đời quá đẹp thì tuyệt vời bằng mấy tuy hai mình mà vẫn một mình.
- Ái chà, lý luận kinh quá. Sao tự nhiên em lại rút ra được kết luận như thế?
- Hôm qua sinh nhật Tảo. Tròn 35 tuổi anh ạ. Em gọi cho cô nàng vào buổi tối. Em hỏi cô nàng đang ở đâu, làm gì, thì thấy cô nàng nói là đang đi mua quà.
- Hmm, mua quà? Cho ai?
- Cho bản thân.
- Thế chồng của nó đâu?
- Mặc dù đã sản xuất chung một em bé, nhưng chúng mới chỉ là người tình, chưa phải vợ chồng. Thì anh ta vẫn ở đấy. Nhưng nàng quyết định tự đi mua quà cho mình. Không có ai hiểu mình bằng chính mình, không có ai yêu mình bằng chính mình.
- Tức là nàng quyết định ghi dấu ấn sinh nhật lần thứ 35 bằng món quà tự tặng mình à?
- Phải rồi anh ạ. Sang 36 tức là sang sườn dốc bên kia của cuộc đời. Từ nay trở đi tiền mua nến nhiều hơn tiền mua bánh sinh nhật rồi.
- Nghe vừa buồn cười vừa buồn nhỉ?
- Thế đấy, thôi anh ra đường đi. Trời đẹp lắm. Chẳng gì cứu vãn được chuyện tiền nến đắt hơn tiền bánh đâu.
- OK. Sẽ ra đường ngay.

CÚP VÀNG CÓ VÀNG THẬT KHÔNG?



Đang lười viết, vào blog của bác Đàm Minh Thuỵ, thấy có bài này hay, xin phép bác copy ra đây cho mọi người cùng đọc.

Thấy bạn bè kháo nhau là Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam của bác Lê Lựu vướng vào một vụ có vẻ khá tai tiếng. Đó là, Trung tâm của bác nảy ra ý tưởng làm một cái giải thưởng tên là Vì sự nghiệp Văn hóa Doanh nhân Việt Nam. Ai đoạt giải, sẽ được nhận Biểu tượng Vàng. Tinh thần là sẽ chọn ra 100 Doanh nhân Việt Nam đạt tiêu chuẩn để trao Biểu tượng Vàng. Đại khái là như thế!

Giải thưởng thuộc loại tự cân đối thu chi nên có lẽ bác chịu, không kiếm đâu ra tiền. Bèn giao cho (hay là hợp tác gì đó) với Công ty Cổ phẩn Xúc tiến Thương mại Thanh niên Việt Nam và, hình như là với cả Công ty Cổ phẩn Văn hóa Doanh nhân (nghe có vẻ giống cái tên Trung tâm của bác quá. Không biết có dây mơ dễ má gì không đây?).

Đại loại là 2 công ty này làm như thế nào thì chưa biết cụ thể. Chuyện lình xình xảy ra là các doanh nhân muốn có Biểu tượng vàng, chỉ cần nộp tiền là có. Tiền thì có định mức, và ắt hẳn sẽ được chi ra dưới danh nghĩa một hợp đồng tài trợ gì đó. Người ta la lối chính là ở chỗ này, cứ chi tiền là là nhập Cúp!

Có gì đáng nói ở đây không?

Có chứ! Nhiều nữa là đằng khác. Nhưng vấn đề không phải chỉ là một mình Trung tâm của bác Lê Lựu vướng vào vụ này mà theo tôi được biết, còn nhiều nơi nữa cũng thế thôi! Nội bộ đoàn kết thì không sao, ăn chia không sòng phẳng là ầm ĩ ngay.

Bản thân tôi cũng đã trực tiếp nhận một lời mời (bằng công văn gửi qua mail hẳn hoi) khá “kín võ” là nếu được Giải vàng, để nghị anh hỗ trợ Ban Tổ chức 80 triệu VND, Giải bạc 40 triệu VND và Giải đồng 15 triệu VND. Đọc xong, khiếp vía!

Tôi cũng đã từng được mời tham gia vào Ban Giám khảo vài cuộc thi thố, vài cái giải thưởng. Công bằng mà nói, giải thưởng nào mà có thu tiền của người tham dự, thì dù dưới hình thức nào đi chăng nữa, chất lượng của giải thưởng cũng rất thấp, thậm chí, có thể mạnh dạn mà nói là chẳng có giá trị gì.

Ban Giám khảo, khi xem xét giải thưởng, cũng đã được Ban Tổ chức khuyến cáo là thằng này, thằng kia ủng hộ anh em mình, bét ra thì cũng xin các anh cho nó cái giải khuyến khích gọi là. Nếu được, cứ cho nó thẳng cái giải vàng đi. Mình làm vài chục cái giải vàng, chết ai đâu mà sợ!

Người được nhận giải mà phải mất tiền mới có thì thực sự, họ cũng chẳng trân trọng gì. Có tiền là có giải. Quan trọng gì đâu. Lúc nào muốn có, chi mạnh tay là có ngay. Với tư duy như thế, người ta chẳng cần gì phải phấn đấu cho mệt, lúc nào cần, khi nào thấy cần phải có cái giải vàng nào đó cho hoành tráng thì thôi, coi như phải chi một khoản, cứ ký tài trợ, ký hỗ trợ là OK.

Đành là như thế đi! Nhưng tại sao những cuộc thi, những giải vàng, giải bạc giải đồng ấm ớ như thế vẫn cứ nở rộ như nấm mọc sau mưa?

Bởi vì, những nhà tổ chức đã biết đánh đúng vào điểm yếu của nhiều người, đó là thói háo danh, thói sĩ diện hão của rất nhiều người trong chúng ta. Nếu chúng ta từ bỏ thói quen xấu đó, nếu chúng ta biết trân trọng những giá trị đích thực, cái giá trị đích thực của doanh nhân Việt từ thuở cha ông để lại, chắc chắn, những giải thưởng kiểu làm tiền sẽ chẳng còn đất sống.

Bản thân tôi không bao giờ hưởng ứng những giải thưởng mà phải mất tiền mới có. Tôi có một kinh nghiệm, nếu cuộc thi nào, nếu giải thưởng nào mà được thông báo là có hơn một giải vàng là tôi không tin nó có chất lượng.

Vì thế, tôi rất lấy làm lạ là có cả những vị lãnh đạo cấp cao đến trao giải vàng cho cả thảy trên 150 giải vàng, cúp vàng… của một cuộc thi nào đó. Để làm gì nhỉ? Và vì sao không thể nhận ngay ra là những cúp vàng, giải vàng ấy chỉ cần trả bằng tiền là có được nhỉ?

29/11/08

BÁNH MÌ (2)



... Trở về Việt Nam vào cuối thập niên 1980, bao cấp không còn, chẳng những bánh mì, mà gạo, thịt và nhiều thứ khác đều ê hề. Bánh mì không còn là đồ ăn xa xỉ nữa. Có thể ăn bánh mì ở bất cứ đâu, thành phố hay thôn quê, vào bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, hay đơn giản là vào bất cứ lúc nào muốn ăn.

Bánh mì được Việt hoá, giống như nhiều món ăn Âu, Tầu, Ấn trở nên dễ ăn hơn, ngon hơn với thành phần và gia vị Việt Nam. Đầu thập niên 1990, tôi quen một nhóm sinh viên người Nga của Đại học Tổng hợp Vladivostok sang Việt Nam học tiếng Việt. Slava - một chàng trai gốc Ukraina, quả quyết với tôi rằng bánh mì Việt Nam có vị đặc biệt vì nó được làm từ bột gạo. Cho đến giờ tôi vẫn không biết trong thành phần của bánh mì có bột gạo hay không.

Bánh mì - cái món ăn bình dân ấy nuôi được rất nhiều người. Đa phần người bán bánh mì ở các thành phố là những người lao động nghèo. Nhưng cũng có những người chỉ bán bánh mì mà đổi đời. Đó là trường hợp chị Dậu (chị Nguyễn Thị Dậu, chứ không phải chị Dậu trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố) từ người bán bánh mì ở vỉa hè, chỉ bằng nghề này đã làm nên cả một gia tài. Cửa hiệu bánh ba số nhà ở đường Hàm Nghi ngay quận Nhất TP HCM với biển hiệu Như Lan được cả nước biết đến. Chị còn là một mạnh thường quân trong nhiều hoạt động từ thiện.

Người Việt bán bán mì còn thành công cả ở nước ngoài. Chuỗi nhà hàng ăn nhanh "Lee's Sandwiches" chuyên bán bánh mì kiểu Việt Nam, càphê pha kiểu Việt Nam và những món ăn thuần Việt khác xuất hiện ở nhiều tiểu bang của nước Mỹ và đang trở thành một thương hiệu được nhượng quyền kinh doanh có tiếng.

Các cửa hàng của Lee's Sandwiches lúc nào cũng tấp nập khách hàng, không chỉ người Việt mà có đủ cả Mỹ trắng, Mỹ đen, Mễ tây cơ và Mỹ gốc Á. Ông chủ Lê Văn Chiêu khi mới sang Mỹ chỉ là người có xe thức ăn chở cho các sinh viên, nhân viên các hãng. Ba năm trước Lee's Sandwiches của ông đã được xếp vào Top 50 chuỗi cửa hàng thực phẩm của Mỹ.

Hồi Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Hà Nội, một đồng nghiệp Malaysia nhờ tôi dẫn đến một cửa hàng bánh mì để mua mang về nhà. Tôi hỏi: "Ở Kuala Lumpur không có bánh mì à?". Anh đáp: "Có, nhưng mà không ngon. Bánh mì ngon nhất ngoài Châu Âu chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam".

Tôi chở anh đi mua 5 chiếc bánh mì dài (baguette). Hôm sau, nhận được email của anh: "Vợ chồng tôi và ba đứa con ăn hết 5 chiếc bánh chỉ ít phút sau khi tôi về đến nhà. Mỗi người ăn một cái. Ai cũng khen ngon!".

Bánh mì baguette đang là mốt ẩm thực mới của người Hà Nội. Trước chỉ có siêu thị Big C mới có món đặc sản này, nay thì có thể tìm được nó ở nhiều siêu thị khác. Cách đây không lâu, siêu thị FiviMart trên đường Hoàng Quốc Việt lắp đặt hẳn một lò làm bánh mì baguette, cung cấp cho khách hàng những chiếc bánh nóng hổi.

Từ khi FiviMart có món baguette, tôi năng đến siêu thị này, vì nó ở gần nhà tôi và nằm ngay trên đường về nhà. Lò nướng bánh là nơi cuối cùng tôi rẽ đến sau khi đã nhặt nhạnh đủ các thứ cần thiết. Chỗ đó là nơi duy nhất (ngoài quầy thu ngân) có nhân viên túc trực: lúc thì là một cô gái, lúc là một chàng trai, khi là ông chủ lò bánh người Pháp béo phục phịch, mặc đồng phục màu trắng, rút những chiếc bánh nóng hổi từ vỉ nướng cho vào chiếc túi nilon dài có hai quai, tươi cười đưa bánh cho khách.

Chiếc bánh mì dài màu nâu lớp da nâu bóng chỗ đậm chỗ nhạt với lớp thừng xoắn vạm vỡ trên vỏ đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Mùi bánh thơm đủ làm tiết dịch vị đối với bất cứ ai có khứu giác bình thường.

Khi cô thu ngân bận rộn tính tiền, thì tôi nhón tay, véo một miếng bánh bỏ vào miệng. Vỏ bánh ròn tan trong miệng đem lại cảm giác thật tuyệt. Tin tôi đi, không gì đơn giản, rẻ tiền mà lại đem đến cho bạn cái cảm giác phê như thế!

Khệ nệ xách đống đồ ra xe, bao giờ tôi cũng để túi bánh lên ghế trên. Và vừa lái xe về nhà, tôi vừa bẻ bánh ăn. Bánh không! Không kèm bất cứ thứ gì!

Đó thực sự là khoảnh khắc tuyệt diệu mà người ta có thể sống chỉ bằng bánh mì.

Một lần đem xe đi rửa, người rửa xe nói với tôi vẻ ái ngại: "Hình như trong xe anh có loài gặm nhấm nào đó?"

Tôi giật mình: "Thật à?"

Anh hóm hỉnh: "Đây này, vụn bánh đầy dưới thảm!"

Tôi cười: "Loài gặm nhấm đang đứng trước mặt anh đấy".

26/11/08

BÁNH MÌ (1)



Hiển nhiên, tôi thích bánh mì.

Thời bé, tức là hồi đầu thập niên 1970, tôi coi bánh mì như là một món quà xa xỉ. Sáng chủ nhật được mẹ dẫn đi chợ, tôi thích đứng ngoài cổng chợ. Nơi ấy có xưởng bánh mì nhỏ.

Háo hức xem người ta ngào bột, nặn thành những cục bột dài, xếp chúng lên khay, lấy lưỡi dao khía nhẹ dọc theo cục bột (khi bánh chín khía ấy sẽ thành bụng bánh), hồi hộp ngó theo chú công nhân mặc áo may ô, mặt lấp lánh mồ hôi, đẩy từng khay bánh thô vào lò nướng và rút những mẻ bánh chín vàng ruộm ra khỏi lò; phấn khởi hà hít mùi bánh chín thơm ngát.

Thời đấy, bánh mì bán bán qua sổ gạo, trừ vào khẩu phần gạo. Mỗi cân gạo mua được 5 chiếc bánh. Cân gạo thời đó rất quý, nên không ai dám ăn lạm vào khẩu phần thiết yếu hàng ngày. Vì vậy, bánh mì chỉ là món quà.

18 tuổi, sang Liên Xô, thấy ê hề bánh mì. Tôi còn nhớ cái buổi sáng chủ nhật đầu tiên đặt chân đến Minsk, tôi và Dũng (anh bạn cùng phòng người Hải Phòng) chạy loanh quanh khu vực gần ký túc xá đến nửa tiếng đồng hồ mới tìm được một cửa hàng thực phẩm mở cửa vào ngày nghỉ.

Tôi lấy đồng 10 rúp duy nhất (ông chồng bà dì dúi cho trước khi lên máy bay) để mua thức ăn. Hai đứa chọn hết cái nọ đến cái kia, bỏ ra gần 3 rúp mua thức ăn trong đó có cả bánh mì, khệ nệ bê về ký túc xá. Cái bụng lép kẹp của hai cậu sinh viên đói ăn từ một đất nước đói kém mới sang chỉ ăn hết 1/5 số đồ mua được.

Ăn no, nhìn đống đồ ăn mang về, Dũng bảo: "Chúng mình giống người thủy thủ trong chuyện "Khát vọng sống" của Jack London". Cả hai cười chảy nước mắt.

Ở Liên Xô, tôi học được cách ăn bánh mì. Các nhà ăn đều phát không bánh mì, ăn kèm với thức ăn bán ở đó. Nhưng tại những vị trí dễ nhìn thấy nhất trong nhà ăn, người ta cho treo những tấm poster với hình vẽ rất ấn tượng kêu gọi mọi người tiết kiệm bánh mì. Những mảnh vụn từ chiếc bánh mì chảy xuống ngưng tụ thành đống tiền ở bên dưới.

Người Liên Xô thường chỉ lấy 2 lát bánh mì, nếu ăn hết, họ đứng dậy đi lấy thêm một lát nữa. Không hoang phí bánh mì, không hoang phí điện trở thành thói quen và cách hành xử có đạo đức của một công dân văn minh.

Tôi cũng yêu bánh mì đen từ thời đó.

Bánh mì đen của Nga làm từ bột lúa mạch đen có mùi thơm dịu ngọt và ngai ngái của đất đai xứ sở Bạch Dương. Có những người không thích vị hơi chua của bánh mì đen, song những ai chịu được vị đó thì rất dễ bị nghiện.

Cô giáo người Nga của tôi kể một câu chuyện thế này: Trong thời gian chiến tranh Nga - Thổ trong thập niên 40 của thế kỷ 18, đạo quân Nga 54 nghìn người tiến vào lãnh thổ đối phương ở Krym. Những chuyến xe chở lương thảo (bột lúa mạch đen) bị lạc trên thảo nguyên Ukraina. Các "anh nuôi" buộc phải nướng bánh mì từ bột lúa mạch bình thường mua tại chỗ.

Quân Nga ăn bánh mì trắng và bắt đầu bị bệnh. Những người có sức đề kháng tốt hơn thì tuy không ngã bệnh nhưng đều cảm thấy uể oải, mệt mỏi. Hoá ra họ đã quen với bánh mì đen, thứ đồ ăn tuy kém hợp nhãn, nhưng lại giàu vitamin và khoáng chất, có thể đem lại cho họ sức mạnh cần thiết chống chọi với thời tiết và gian khổ trên đường hành quân.

Nhà ăn ở ký túc xá sinh viên ít khi có bánh mì đen. Đơn giản vì bánh mì đen đắt hơn bánh mì trắng.

(còn nữa)

24/11/08

DỊCH VỤ TẠP NHAM



Tôi nhận được một tin nhắn SMS như sau:

"Tu van SDT, BIEN SO XE
So DEP => ThanhCong
So Xau => ThatBai

Soan:
DT Namsinh SDT gui ABCD
VD: DT 1980 0904345xyz

Hoac:
XE NamSinh BSX gui ABCD
VD: XE 1980 0904345xyz"

Tôi thử một cái biển số xe và năm sinh của một người bạn. Kết quả nhận được như sau (cho dấu để bà con dễ đọc):

"Bản mệnh Thủy, BSX của bạn mệnh Kim. Theo quy luật của thuyết Ngũ Hành trong Phong Thủy, Kim sinh Thủy, điều này rất tốt cho bạn. Ban đang sở hữu BSX rất đẹp.

Đây là BSX mang đến cho bạn nhiều may mắn. BSX này giúp bạn thuận lợi trong con đường công danh, sự nghiệp".

Một cô bạn ngồi cạnh, nhờ xem biển số xe của chồng mình có đẹp hay không. Sau tích tắc, chúng tôi nhận được tin nhắn sau:

"Đây là BSX mang đến cho bạn nhiều may mắn. BSX này giúp bạn thuận lợi trong con đường công danh, sự nghiệp".

Không thấy có sự lý giải về Ngũ hành.

Một người khác tò mò hỏi về biển số xe của người bạn thân. Kết quả là:

"Bản mệnh Kim, BSX của bạn mệnh Thổ. Theo quy luật của thuyết Ngũ Hành trong Phong Thủy, Thổ sinh Kim, điều này rất tốt cho bạn. Ban đang sở hữu BSX rất đẹp.

Đây là BSX mang đến cho bạn nhiều may mắn. BSX này giúp bạn thuận lợi trong con đường công danh, sự nghiệp".

Đọc ba cái tin nhắn, bạn thấy nó cũng giống nhau nhỉ. Bạn mệnh gì thì chắc chắn là bạn biết rồi. Dịch vụ chỉ việc biến báo con số trên biển số xe mà bạn gửi đến ra một cái gì đó SINH ra mệnh của bạn. Thế là đảm bảo ai cũng có biển số xe đẹp.

Nếu biển số xe xấu, bạn có đi đổi được không? Chắc chắn là không rồi.

Tin nhắn ban đầu không nêu rõ là dịch vụ này giá bao nhiêu, nhưng chắc là không dưới 5 nghìn một tin nhắn. Ai cũng táy máy một lúc gửi đi vài ba tin, thì người nghĩ ra cái dịch vụ tạp nham này thu bội tiền.

Còn nhiều loại dịch vụ vớ vẩn nhắn tin qua điện thoại. Đừng để người ta lừa, bạn nhé.

Ghi chú:
- "ABCD" là dãy số đàng hoàng, nhưng tôi không viết ra đây để tránh phải quảng cáo không công cho dịch vụ này.
- Theo thông tin bạn HK Family cung cấp trong comment, thì dịch vụ mà tôi sử dụng có giá là 15.000 đ.

22/11/08

LÀM GÌ KHI BỐ EM NGOẠI TÌNH?



Tôi nhận được bức thư này khá lâu, nhưng phần do người gửi viết không có dấu, không thể copy & paste được, phần do quá bận bịu, nên hôm nay mới gõ lại và post lên. Mong mọi người gỡ rối dùm bạn gái này.

"Gia đình em có thể nói là một gia đình bình thường như bao gia đình khác. Bố mẹ em sống trách nhiệm và hai chị em gái em đều rất ngoan ngoãn.

Hàng ngày bố mẹ vẫn đi đi về về đều đặn, ai cũng nhận xét bố em hiền lành, có trách nhiệm với vợ con và bản thân em cũng nghĩ như vậy cho đến tận bây giờ.

Thế nhưng có một ngày, em vô tình mở máy di động của bố em và phát hiện có những mẩu tin nhắn của một người đàn bà khác. Có thể nói là những tin nhắn trên mức tình cảm thông thường.

Gần hai năm kể từ khi phát hiện ra điều đó, em vẫn thấy bố em hẹn hò với người phụ nữ đó. Hồi cách đây một năm, em đã khóc ầm lên và việc này bố mẹ em đều biết. Bẵng đi một thời gian em tưởng mọi chuyện đã chấm dứt sau lần em tỏ thái độ đó. Nhưng vừa rồi thì em mới vỡ lẽ là mọi chuyện vẫn tiếp diễn.

Không rõ mẹ em có biết hay không, nhưng lần này em không thể xử sự như một đứa trẻ được nữa.
Việc đầu tiên em làm là không để cho mẹ em biết. Nhưng em biết nếu em có nói với bố thì bố cũng không nghe, vì trong mắt bố, em không hiểu bố.

Những người trong cuộc luôn biện minh rằng đó chỉ là chỗ dựa tinh thần.

Em thật khó xử quá. Em phải làm sao đây? Không được nói với mẹ, nhưng nói với bố lại không hiệu quả, trong khi em lại không muốn bố gặp người phụ nữ kia nữa.

Em đã từng nghĩ, hay thôi, cứ để cho mọi chuyện qua, vì thực sự em biết bố em vẫn vô cùng trách nhiệm và có thể làm điều gì đó ảnh hưởng đến hạnh phục gia đình.

Thế nhưng cứ nghĩ đến những mẩu tin nhắn là em lại vô cùng thất vọng. Có phải mọi đàn ông trên đời đều thế? Em đang mất cả niềm tin với bạn trai của em.

Liệu em có nên gặp người phụ nữ kia không? Không nên, đúng không ạ? Vậy thì em sẽ phải làm gì? Anh và mọi người có thể cho em một lời khuyên không?"

20/11/08

ÔNG CỤC TRƯỞNG VỀ THĂM TRƯỜNG



Trước Ngày Nhà giáo cả tuần, mọi người đã thấy anh gọi điện: "Này, 20.11 này khóa mình về trường thăm lại các thầy cô, chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo nhé".

Đám bạn đồng khóa cách đây gần 20 năm, người thì hưởng ứng, người thì từ chối: "Mọi năm có đi đâu, sao năm nay lại rửng mỡ lên thế? 20.11, tôi còn phải lo đi lễ thầy cô con tôi, làm sao mà đi thăm trường cũ được!".

Sát ngày, anh cũng hẹn được gần chục người. Tất cả tụ tập ở cơ quan anh vào lúc đầu giờ sáng. Chánh văn phòng đã chuẩn bị sẵn ô tô, một lẵng hoa to với dải lụa đỏ có dòng chữ bay bướm "Cựu sinh viên K... chúc mừng các thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam".

Mọi người phấn khởi lên xe và phóng ra phía ngoại ô.

20.11, giảng viên, sinh viên, cán bộ công nhân viên nhà trường, khách khứa, cựu sinh viên kéo về trường đông nghịt. Nhà trường đang chuẩn bị mít tinh. Thêm một đoàn khách nữa, là cựu sinh viên thì cũng là chuyện bình thường.

Cô nhân viên văn phòng nói: "Ban Giám hiệu đang tiếp khách trên Bộ, các anh chị cứ để hoa ở đây, rồi mời sang hội trường dự mít tinh".

Cất công mang cả một lẵng hoa đến mà lại để úi xùi giữa bạt ngàn hoa không kèn không trống thế này à? Một chị nhanh nhẩu: "Anh này là cựu sinh viên của trường, nhưng cũng là Cục trưởng Cục... Chẳng nhẽ Ban Giám hiệu không dành ít phút để Cục trưởng chúc mừng à?"

Cả đoàn lúc đấy mới nhớ ra anh vừa được bổ nhiệm làm Cục trưởng cách đây mấy tháng.

Cô nhân viên trở nên vồn vã: "Ô thế ạ. Để em đi báo cáo ạ". Vài phút sau cô trở ra, mặt tươi như hoa: "Thầy Hiệu trưởng mời anh với các anh các chị vào ạ". Rồi cô lón cón dẫn cả đoàn vào phòng khách nơi có các vị khách của Bộ đang ngồi.

Hiệu trưởng hóa ra là người học hơn mọi người trong đoàn vài khóa. Ông hồ hởi bắt tay anh: "Quý hóa quá, cựu sinh viên nay đã trở thành Cục trưởng về thăm trường", rồi ông hãnh diện giới thiệu anh với các vị khách của Bộ. Hóa ra đoàn của Bộ cao nhất cũng chỉ là Vụ trưởng.

Anh tặng hoa ông Hiệu trưởng và khiêm tốn: "Thưa các thầy các cô, chúng tôi về thăm trường với tư cách là sinh viên cũ, kính chúc các thầy các cô sức khỏe, hạnh phúc, chúc trường ta mãi mãi xứng đáng với sự tôn trọng của xã hội".

Ông Hiệu trưởng phát biểu: "Chẳng mấy khi có vị cựu sinh viên đặc biệt như thế này trở lại trường cũ, xin mời anh cùng các anh các chị ở lại dự buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo, đồng thời mời anh có đôi lời tâm sự với thế hệ sinh viên mới".

Anh đưa mắt ái ngại nhìn mọi người trong đoàn. Chị phụ nữ lanh chanh lúc nãy lại nói: "Anh nhận lời mời của thầy đi, ai không ở lại được thì anh cho xe đưa về trước, riêng em cũng sẽ ở lại với anh".

Có thêm hai người quyết định ở lại. Những người khác chào ra về. Hiệu trưởng ân cần bắt tay cảm ơn từng người một.

Hội trường vỗ tay vang dội khi nghe ông Hiệu trưởng giới thiệu anh. Các thầy cô ngồi kia chẳng mấy người biết anh. Đám sinh viên nhìn anh với cặp mắt ngưỡng mộ.

Anh lên bục tâm sự với sinh viên. Anh nói tâm huyết lắm, sự thông minh, khéo léo và tài ăn nói - những chìa khóa đã dẫn anh đến chiếc ghế Cục trưởng hôm nay, chinh phục được cả hội trường. Anh - ví dụ sống của sự thành đạt, về sự trưởng thành của sản phẩm ngôi trường này, như tiếp thêm niềm tin cho lớp sinh viên mới. Mắt họ ngời sáng. Dường như ai cũng tin mình sẽ trở thành ông Cục trưởng trong tương lai.

Ngày hôm sau, website của trường đưa lên trang chủ tấm hình anh đang phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo cùng một bài dài với dòng tít to: "Cục trưởng Nguyễn Văn X. - cựu sinh viên xuất sắc của trường".

Ngày hôm sau nữa, điện thoại của anh nhận được tin nhắn vẻn vẹn có một câu: "Vinh quy bái tổ oách quá nhỉ?"

THẦN TƯỢNG



1. Tháng Tư năm 2004, tôi đến Pháp. Đi cùng một người bạn đến Bảo tàng Louvre. Tôi đã thăm bảo tàng này, nay cũng muốn dạo qua đó một vòng nữa, nhưng nhìn thấy dòng người xếp hàng quá dài mà ngán, nên đành từ bỏ ý định đó.

Chúng tôi rẽ vào quán càphê ở terrace bảo tàng trông ra khoảng sân rộng có kim tự tháp bằng thuỷ tinh nơi có vô số du khách đứng chụp hình. Lại xếp hàng. Nhưng hàng ngắn hơn và chừng 15 phút sau được bồi dẫn đến bàn.

Đi được nửa hai chục bước chân, tôi bỗng khựng lại.

Một người đàn ông chừng bảy chục tuổi mái tóc bạc trắng, dáng vẻ phong trần đang ngồi cùng một cặp còn rất trẻ. Ông mặc chiếc áo len đan bện thừng không cổ màu trắng, tay áo kéo lên hơi cao một chút, chiếc quần linen mầu ngà cùng đôi giầy lười màu be. Mặt đầy nếp nhăn nhưng toát lên vẻ hóm hỉnh qua nụ cười rộng hoác.

Trễ nải đầy phong độ, lịch lãm một cách phóng khoáng, sang trọng như thể sinh ra chỉ để sang trọng.

Đó là Jean Paul Belmondo, ngôi sao màn bạc nổi tiếng của Pháp trong thập niên 1950-1970, lừng lẫy với những vai diễn hành động như muốn nổ tung màn ảnh nhỏ đen trắng của những đứa trẻ mới lớn ở miền Bắc trong thập niên 1980.

Và giờ đây, ông đang ngồi đó, trước mắt tôi, cách tôi chỉ vài bước chân.

Người tôi như tê liệt, hàm cứng lại, cổ họng khô khốc. Người bồi quay lại nhìn tôi vẻ nhắc nhở. Tôi bước theo anh ta như một cái máy.

Về đến bàn dành cho mình, tôi ngồi xuống. Vài phút sau, sực nhớ ra chiếc máy ảnh cầm trong tay, một ý nghĩ chợt loé lên: Sao không xin chụp ảnh cùng ông, xin ông một chữ ký, chắc chắn ông sẽ không chối từ.

Tôi đứng lên và vội vã quay lại chỗ Jean Paul Belmondo ngồi. Nhưng cả ông lẫn cặp thanh niên đều không còn ở đó nữa...

Thật tiếc vì cơ hội như thế sẽ không bao giờ lặp lại nữa.

2. Richmond, bang Virginia, Hoa Kỳ, đầu tháng 11.2008. Tôi đến văn phòng tranh cử của Obama tại thành phố này.

Người Mỹ nói chung đều tốt bụng, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Thấy một nhà báo, dù của nước nào, họ cũng vui vẻ tiếp đón và nói chuyện.

Ở đó tôi gặp Bob Hiett, 64 tuổi, một tình nguyện viên da trắng của Đảng Dân chủ. Ông bảo: "Anh cứ làm việc của anh đi, khi nào xong thì gọi tôi, tôi sẽ kể cho anh nghe chuyện này".

Y hẹn, khi đã hỏi han những nhân vật cần thiết, đủ tư liệu cho bài viết về hoạt động của văn phòng này, tôi gọi Bob Hiett. Ông nói: "Ta ra ngoài phố hút thuốc nhé".

Rít một hơi thuốc, ông kể: "Tôi đã được gặp Obama, trong cuộc diễn thuyết của ông ấy tại Richmond hồi tuần trước. Ông ấy là một con người kỳ lạ. Anh có tin không, nghe ông ấy nói, tôi thấy ông ấy là người trung thực, có nhân cách, có lương tâm. Ông ấy hùng biện, nhưng có chừng mực. Là công dân thế giới, va chạm với nhiều tầng lớp và nhiều nền văn hoá, ông ấy đo được độ nhạy cảm của thế giới. Ông ấy hiểu được những người không giống mình. Tuổi trẻ, sự nhạy cảm và thông minh sẽ cho ông ấy tất cả".

Tôi hỏi: "Khi gặp Obama, ông có cảm giác như thế nào?"

Bob Hiett nheo mắt: "Chưa bao giờ đứng gần một VIP như vậy, nên tôi hồi hộp ghê lắm. Thật kỳ lạ, tôi đã ở tuổi này, già hơn Obama gần hai chục tuổi, mà tôi thấy tim đập rộn ràng. Obama rất thân thiện. Tôi giơ tay ra và nói "Kemenangan", ông sững lại vài giây, bắt tay tôi và cười: "Terima kasih"! Đó là tôi nói bằng tiếng Indonesia. "Kemenangan" là chiến thắng, Obama đáp lại "Cảm ơn". Trước tôi đã có thời gian ở Malaysia, nên vẫn còn nhớ đôi ba từ Indonesia".

Bob Hiett khoe: "Anh biết không, các phóng viên ảnh đã chụp được khoảnh khắc đó và tấm ảnh Obama tươi cười bắt tay tôi được đăng trên trang Nhất của báo New York Times. Ngày hôm sau, cháu tôi gọi điện báo, tôi mừng khôn xiết. Tôi đã kiếm được một tờ và đó là kỷ niệm vô giá đối với tôi".

18/11/08

NGHE TRONG GIÁ RÉT



Đi hết cả một miền rét xứ người mà về đến Hà Nội vẫn chưa thấy rét.

Nhưng đêm nay trời sẽ trở gió. Gió mùa đông bắc sẽ về và sáng mai có thể sẽ được trầm mình trong gió lạnh.

Cái lạnh mùa đông xứ Bắc khắc nghiệt mà sao ta vẫn thèm thuồng.

Thương ai không được nếm trải giá rét.

Thương ai không bị tê tái da thịt vì giá rét.

Thương ai buộc phải lãng quên giá rét.

Ta biết, họ có thể không bị tê tái da thịt, nhưng lại có thể bị tê tái cõi lòng.

Đêm nay đầu bắc trở gió, đầu nam đón bão. Thật trớ trêu.

May mà bão đã tàn.

Còn giá rét thì vẫn chưa bắt đầu...

Free hit counters
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết