20/11/08

THẦN TƯỢNG



1. Tháng Tư năm 2004, tôi đến Pháp. Đi cùng một người bạn đến Bảo tàng Louvre. Tôi đã thăm bảo tàng này, nay cũng muốn dạo qua đó một vòng nữa, nhưng nhìn thấy dòng người xếp hàng quá dài mà ngán, nên đành từ bỏ ý định đó.

Chúng tôi rẽ vào quán càphê ở terrace bảo tàng trông ra khoảng sân rộng có kim tự tháp bằng thuỷ tinh nơi có vô số du khách đứng chụp hình. Lại xếp hàng. Nhưng hàng ngắn hơn và chừng 15 phút sau được bồi dẫn đến bàn.

Đi được nửa hai chục bước chân, tôi bỗng khựng lại.

Một người đàn ông chừng bảy chục tuổi mái tóc bạc trắng, dáng vẻ phong trần đang ngồi cùng một cặp còn rất trẻ. Ông mặc chiếc áo len đan bện thừng không cổ màu trắng, tay áo kéo lên hơi cao một chút, chiếc quần linen mầu ngà cùng đôi giầy lười màu be. Mặt đầy nếp nhăn nhưng toát lên vẻ hóm hỉnh qua nụ cười rộng hoác.

Trễ nải đầy phong độ, lịch lãm một cách phóng khoáng, sang trọng như thể sinh ra chỉ để sang trọng.

Đó là Jean Paul Belmondo, ngôi sao màn bạc nổi tiếng của Pháp trong thập niên 1950-1970, lừng lẫy với những vai diễn hành động như muốn nổ tung màn ảnh nhỏ đen trắng của những đứa trẻ mới lớn ở miền Bắc trong thập niên 1980.

Và giờ đây, ông đang ngồi đó, trước mắt tôi, cách tôi chỉ vài bước chân.

Người tôi như tê liệt, hàm cứng lại, cổ họng khô khốc. Người bồi quay lại nhìn tôi vẻ nhắc nhở. Tôi bước theo anh ta như một cái máy.

Về đến bàn dành cho mình, tôi ngồi xuống. Vài phút sau, sực nhớ ra chiếc máy ảnh cầm trong tay, một ý nghĩ chợt loé lên: Sao không xin chụp ảnh cùng ông, xin ông một chữ ký, chắc chắn ông sẽ không chối từ.

Tôi đứng lên và vội vã quay lại chỗ Jean Paul Belmondo ngồi. Nhưng cả ông lẫn cặp thanh niên đều không còn ở đó nữa...

Thật tiếc vì cơ hội như thế sẽ không bao giờ lặp lại nữa.

2. Richmond, bang Virginia, Hoa Kỳ, đầu tháng 11.2008. Tôi đến văn phòng tranh cử của Obama tại thành phố này.

Người Mỹ nói chung đều tốt bụng, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Thấy một nhà báo, dù của nước nào, họ cũng vui vẻ tiếp đón và nói chuyện.

Ở đó tôi gặp Bob Hiett, 64 tuổi, một tình nguyện viên da trắng của Đảng Dân chủ. Ông bảo: "Anh cứ làm việc của anh đi, khi nào xong thì gọi tôi, tôi sẽ kể cho anh nghe chuyện này".

Y hẹn, khi đã hỏi han những nhân vật cần thiết, đủ tư liệu cho bài viết về hoạt động của văn phòng này, tôi gọi Bob Hiett. Ông nói: "Ta ra ngoài phố hút thuốc nhé".

Rít một hơi thuốc, ông kể: "Tôi đã được gặp Obama, trong cuộc diễn thuyết của ông ấy tại Richmond hồi tuần trước. Ông ấy là một con người kỳ lạ. Anh có tin không, nghe ông ấy nói, tôi thấy ông ấy là người trung thực, có nhân cách, có lương tâm. Ông ấy hùng biện, nhưng có chừng mực. Là công dân thế giới, va chạm với nhiều tầng lớp và nhiều nền văn hoá, ông ấy đo được độ nhạy cảm của thế giới. Ông ấy hiểu được những người không giống mình. Tuổi trẻ, sự nhạy cảm và thông minh sẽ cho ông ấy tất cả".

Tôi hỏi: "Khi gặp Obama, ông có cảm giác như thế nào?"

Bob Hiett nheo mắt: "Chưa bao giờ đứng gần một VIP như vậy, nên tôi hồi hộp ghê lắm. Thật kỳ lạ, tôi đã ở tuổi này, già hơn Obama gần hai chục tuổi, mà tôi thấy tim đập rộn ràng. Obama rất thân thiện. Tôi giơ tay ra và nói "Kemenangan", ông sững lại vài giây, bắt tay tôi và cười: "Terima kasih"! Đó là tôi nói bằng tiếng Indonesia. "Kemenangan" là chiến thắng, Obama đáp lại "Cảm ơn". Trước tôi đã có thời gian ở Malaysia, nên vẫn còn nhớ đôi ba từ Indonesia".

Bob Hiett khoe: "Anh biết không, các phóng viên ảnh đã chụp được khoảnh khắc đó và tấm ảnh Obama tươi cười bắt tay tôi được đăng trên trang Nhất của báo New York Times. Ngày hôm sau, cháu tôi gọi điện báo, tôi mừng khôn xiết. Tôi đã kiếm được một tờ và đó là kỷ niệm vô giá đối với tôi".

1 comments:

Mai nói...

So sánh hai thần tượng là điều khập khiễng, vậy mà vẫn phải so sánh, bởi vì thần tượng đầu là cảm xúc TRỰC TIẾP, còn thần tượng sau thì chỉ là gián tiếp mặc dù hào quang tầm cỡ hơn.
"Pháp" trong mình là thế này : Trễ nải đầy phong độ, lịch lãm một cách phóng khoáng, sang trọng như thể sinh ra chỉ để sang trọng. Lý thuyết suông:))

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết