Nhìn chung cử tri Mỹ đều hồi hộp và phấn khích vì được tham dự vào một sự kiện quan trọng. “Đây là lần đầu tiên nước Mỹ sẽ có hoặc tổng thống da đen hoặc phó tổng thống là phụ nữ, cho nên tôi muốn được là một phần của sự kiện lịch sử này” – chị Julie Johnes, cử tri da mầu nói với phóng viên báo Lao Động.
Tham gia và chứng kiến lịch sử
Tôi đến phòng bỏ phiếu số 402 tại Nhà thờ Forest Hill (phía nam Richmond) vào lúc 8 giờ 30. Mưa lúc này đã ngớt hơn. Phía ngoài nhà thờ, tình nguyện viên của hai đảng vẫn đội mưa đứng phát tờ rơi vận động bỏ phiếu vào phút chót. Một trong số đó là người phụ nữ tầm 30 tuổi, địu con trước ngực, một tay cầm ô che mưa, một tay phát tờ rơi cho cử tri. Một nam cử tri da đen tầm 25 tuổi, thấy tôi bước vào thì cười và nói: “Anh thật may mắn, đến đúng vào giờ vàng, không phải xếp hàng”.
Ông William Hand, 66 tuổi, cử tri da trắng hãnh diện đứng để nhân viên bầu cử gắn miếng dán có dòng chữ “I voted” (Tôi đã bỏ phiếu) lên ngực chiếc áo khoác dính nhiều nước mưa. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Lao Động: “Cảm tưởng của ông về cuộc bầu cử như thế nào?”, ông nói: “Tôi thấy có 3 điều hay, thứ nhất: không khí ở phòng bỏ phiếu nhộn nhịp, thứ hai: tỉ lệ cử tri đi bầu cao; thứ ba: tôi cảm thấy rất hài lòng”. Ông Hand đã phục vụ trong Hải quân Mỹ và tham chiến tại Việt Nam trong những năm 1963-1964. “Tôi đã thấy chiến tranh và tôi không bao giờ bỏ phiếu cho những ai gây chiến” – ông nói.
Trong ngày bầu cử các trường học đều nghỉ, nhiều trường được sử dụng làm phòng bỏ phiếu. Trường Trung học Deep Run của quận Henrico (nơi bà Palin đến vận động tranh cử đêm 1.10) dành khu tập thể thao làm nơi bỏ phiếu. Henrico là nơi sinh sống của nhiều cử tri gốc Việt. Ông Dương Dinh, 48 tuổi, Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Richmond, là một trong những tình nguyện viên làm việc tại phòng bỏ phiếu này. Công việc của ông Dinh là trợ giúp những cử tri gốc Việt và cử tri gốc Á hạn chế tiếng Anh, hoặc không thạo kỹ thuật, thực hiện đúng sự lựa chọn mà họ mong muốn. Bên cạnh đó ông còn tham gia giúp lấy thăm dò ý kiến cử tri cho Quỹ Bảo vệ pháp lý và Giáo dục của người Mỹ gốc Á.
“Tôi làm tình nguyện viên trong mấy cuộc bầu cử gần đây. Văn phòng bảo hiểm của tôi còn phân công một nhân viên chở những cử tri cao tuổi từ nhà họ đến phòng bỏ phiếu. Chỉ cần họ gọi điện báo chỗ ở là chúng tôi sẽ đáp ứng ngay” – ông Dinh cho hay. Đến 12h30, đã có hơn 100 cử tri gốc Á đồng ý trả lời vào phiếu thăm dò sau khi bỏ phiếu xong. Người phụ trách điểm thăm dò này cho hay 70% trong số đó bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Barack Obama: “Đây là khu vực tập trung đông cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa, nhưng tỉ lệ trên cho thấy cử tri gốc Á đã ngả sang ủng hộ cho Đảng Dân chủ”.
Phòng bỏ phiếu ở Trường Trung học Midlothian quận Chesterfield (nằm cách Trường Deep Run 33 km) vào lúc 14 giờ khá nhộn nhịp. Ngay lối vào, tình nguyện viên của hai đảng phát cho cử tri những mẫu phiếu in sẵn bầu cho ứng cử viên của họ (tổng thống, phó tổng thống, thượng nghị sĩ, thị trưởng…) . Phiếu mầu hồng dành dành cho cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa, phiếu màu xanh da trời dành cho cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ. Eric Lin, tình nguyện viên tại phòng bỏ phiếu này, chỉ tay vào khoảng 50 cử tri đang xếp hàng, cho hay: “Đây là hàng ngắn nhất mà tôi thấy từ sáng tới giờ. Khoảng 5 giờ chiều trở đi, tức là sau giờ làm, cử tri sẽ đến nhiều hơn và sẽ phải xếp hàng rất dài”.
“Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ. Cử tri da đen đã được thấy sự công bằng đối với mình khi một người Mỹ gốc Phi trở thành ứng cử viên tổng thống được nhiều cử tri mong đợi nhất. Trong một thập niên qua, số cử tri gốc Á ở bang Virginia đã tăng gấp đôi lên 365 nghìn người. Họ mới chỉ lo làm ăn mà chưa quan tâm đến việc làm thế nào để tiếng nói của mình được nghe thấy. Chúng tôi mong muốn sau cuộc bầu cử lịch sử này, tiếng nói của cử tri gốc Á cũng sẽ được chú ý” – ông Eric Liang Jensen, Chủ tịch Liên minh người Mỹ Châu Á – Thái bình dương của Virginia, nói với phóng viên báo Lao Động.
Bầu cử công nghệ cao
Hầu hết phòng bỏ phiếu ở bang Virginia đều được trang bị các máy bầu cử công nghệ cao. Phòng bỏ phiếu ở Trường TH Deep Run được trang bị máy bầu bằng màn hình cảm ứng. Cử tri dùng ngón tay để bấm vào những ô ghi tên ứng cử viên mà mình ủng hộ. Màn hình được đặt ngang tầm tay trong những phòng nhỏ, giống như phòng đặt máy điện thoại công cộng ngoài đường phố. Màn hình để ngang tầm tay. Sau khi cử tri lựa chọn 1 cặp trong số 6 liên danh trong danh sách, trên màn hình hiện lên tên cặp ứng cử viên mà họ bầu và hỏi lại xem có đúng cử tri muốn bầu cho liên danh đó không. Nếu cử tri trả lời đúng, thì trên màn hình mới hiện ra nút “Vote”. Nhấn vào nút đó, cử tri thực hiện xong quyền công dân của mình.
Cách bầu cử này tỏ ra hiệu quả, vì nó không gây nhầm lẫn như bỏ phiếu bằng giấy, hoặc đục lỗ. Sự lựa chọn của cử tri được ghi nhớ và chuyển ngay về trung tâm xử lý, khiến việc kiểm phiếu được thực hiện đầy đủ và chính xác. Trong mỗi phòng đặt máy bỏ phiếu đều dán tài liệu hướng dẫn bỏ phiếu để cử tri có thể thao tác chính xác. Những người không thạo kỹ thuật và tiếng Anh có thể nhận sự trợ giúp từ người thân, bạn bè hoặc tình nguyện viên (tuy nhiên những người này phải đăng ký đầy đủ họ tên, địa chỉ và phải cam kết giúp cử tri một cách vô tư, không lợi dụng cơ hội để bỏ phiếu theo ý của mình).
Một nữ cử tri gốc Việt ngoài 40 tuổi (đề nghị không nêu tên), bỏ phiếu tại Trường TH Deep Run vào giờ nghỉ trưa cho hay: “Chồng tôi đến bầu, thấy cử tri khá vắng nên gọi tôi đến bầu ngay để khỏi phải xếp hàng. Lần đầu tiên bỏ phiếu bằng cách này tôi thấy rất dễ dàng và thuận lợi”. Khi được hỏi bầu cho ai, chị nói: “Gia đình tôi đã thống nhất từ trước là bỏ phiếu cho Obama, chúng tôi thấy đã đến lúc nước Mỹ cần thay đổi”.
Không có “hiệu ứng Bradley”
Michael Paul Williams, 50 tuổi, người Mỹ gốc Phi, gọi đêm 4.11 là “Big Night” (đêm lớn). Cùng một số người bạn cả da trắng lẫn da mầu, anh ngồi trong quán Irish Pub ở nội thành Richmond uống bia và xem truyền hình trực tiếp kết quả kiểm phiếu trên kênh CBS6. “Đêm lớn” bắt đầu từ 8 giờ tối, McCain giành được chiến thắng trước với 18 phiếu đại cử tri, trong khi Obama mới chỉ được 3 phiếu.’
Williams lo ngại sẽ xảy ra “hiệu ứng Bradley”. Năm 1982, Thị trưởng Los Angeles lúc đó là người Mỹ gốc Phi Tom Bradley tranh cử Thống đốc bang California cùng một ứng cử viên da trắng. Thăm dò dư luận trong cử tri da trắng cho thấy ông Bradley sẽ thắng. Tuy nhiên đa số cử tri da trắng đã nói dối khi trả lời thăm dò dư luận, vì ngại bị mang tiếng là kỳ thị chủng tộc. Kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Bradley thua cử chỉ với chênh lệch 1% số phiếu (tức 100 nghìn cử tri).
Klaus, người bạn da trắng gốc Đức của Williams, cho rằng “hiệu ứng Bradley” sẽ không lắp lại, vì một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ đó và nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều. “Obama là một ứng cử viên đặc biệt, nhiều cử tri da trắng ủng hộ ông ấy thật sự, chứ không chỉ nói trên đầu lưỡi”.
Không khí lo ngại phần nào được xua đi khi có tin Obama giành được 21 phiếu đại cử tri ở Pennsylvania, bang mà phe Cộng hòa bỏ rất nhiều nỗ lực để giành giật, nâng số phiếu đại cử tri mà Obama thu được lên 175. Kênh CBS6 phát cảnh hàng vạn người ủng hộ Obama hò reo phấn khích tại công viên Grant Park ở trung tâm Chicago. Williams vui mừng: “Phải thế chứ”!
Tuy nhiên, bang “chiến địa” Virginia, nơi họ đang sinh sống, lại cho thấy cuộc đua sít sao nhất trong số các bang của nước Mỹ: Obama và McCain giành nhau từng phiếu một, kết quả cập nhật 5 phút một cho thấy họ đều thu được xấp xỉ 50% phiếu. Lúc 10h10, Obama nhỉnh lên 50% với 13 nghìn phiếu nhiều hơn. Đến thời điểm này, Obama đã giành được 202 phiếu đại cử tri, bỏ xa McCain với 80 phiếu. Mặc dù Obama chiến thắng dễ dàng tại các bang thân thiện với Đảng Dân chủ với tỉ lệ phiếu cao trên 60% tại Vermont, New York, Connecticut, Massachusetts và Maryland, song tổng số phiếu phổ thông mà ông thu được cũng chỉ hơn McCain có 1,012 triệu phiếu, tức 1% phiếu bầu.
30 phút sau số phiếu đại cử tri của ông McCain tăng lên 114, trong khi ông Obama vẫn giữ nguyên. Nhưng Williams nói chắc như đinh đóng cột: “Sẽ không có hiệu ứng Bradley trong “đêm lớn” này”. 20 phút sau, Obama có thêm 18 phiếu. 10h58 phút, cả nhóm bạn của Williams trong quán Irish Bar đứng dậy vỗ tay khi hay tin Obama đã chinh phục được bang chiến địa Virginia của họ. Với 51% số phiếu thu được, lần đầu tiên sau 44 năm một ứng cử viên Đảng Dân chủ giành chiến thắng tại bang được coi là hậu phương của Đảng Cộng hòa. Chỉ 2 phút sau, các kết quả kiểm phiếu của các bang California, Washington, Oregon được cập nhật, ông Obama chiến thắng ở cả 3 bang này, giành được 324 phiếu đại cử tri.
Nước mắt long lanh trên mắt Williams. Mong ước “Chúng ta cần thay đổi” trong hành trình 21 tháng tranh cử của Barack Obama, mong ước của hàng triệu người Mỹ, trong đó có những người như Williams về sự bình đẳng thực sự giữa các mầu da đã trở thành hiện thực. Nước Mỹ lật một trang lịch sử mới: Vị Tổng thống da đen đầu tiên và là vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã được bầu ra.
0 comments:
Đăng nhận xét