Shenandoah mùa này tuyệt đẹp với những ngọn đồi bát úp vàng rực rỡ trong nắng thu. Đây là vùng đất nông nghiệp phì nhiêu với những nông trại trù phú về trồng trọt và chăn nuôi gia súc.
Trăm năm mới có một lầnHai vợ chồng ông bà Philip và Catherine Wentworth là chủ một nông trại như vậy. Ngày 28.10 họ thu xếp công việc trong buổi sáng, ăn trưa thật nhanh rồi lái xe đến Trung tâm Hội nghị của Đại học James Madison ở Harrisonburg, đô thị chính của thung lũng có hơn 4 vạn dân.
"Chúng tôi muốn chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử, bởi đây là lần đầu tiên trong hơn 100 năm qua, một ứng cử viên tổng thống đến vận động tranh cử ở thung lũng Shenandoah này" - ông Philip nói. Hai vợ chồng kiên nhẫn đứng trong dòng người xếp hàng dài đến gần 2km chờ đến lượt kiểm tra an ninh vào bên trong trung tâm hội nghị dưới thời tiết khá lạnh.
Hôm nay cử tri Harrisonburg nói chung và cử tri thung lũng Shenandoah nói riêng có cơ hội nhìn thấy ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama bằng xương bằng thịt. Ông thực hiện chuyến đi thứ 9 tới bang Virginia, và chỉ riêng trong ngày 28.10, sau Harrisonburg ông sẽ tới Norfolk, thành phố phía đông của Virginia. Khoảng cách giữa hai điểm là gần 400km.Với 13 phiếu đại cử tri, Virginia là bang quan trọng đối với các ứng cử viên trong việc giành được 270 phiếu cần thiết để trở thành tổng thống mới của nước Mỹ. Trong lịch sử 44 năm gần đây, Virginia luôn dành chiến thắng cho các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa. Nhưng tình hình năm nay đã đổi khác, kết quả thăm dò dư luận mới nhất do báo Washington Post tiến hành cho thấy có đến 54% cử tri Virginia ủng hộ Obama và chỉ có 44% ủng hộ McCain.
Tuy nhiên ở Shenandoah, theo kết quả thăm dò dư luận ngày 22.10 của báo Richmond Times-Dispatch, thì ông McCain dẫn trước với 57%, trong khi Obama chỉ được 35% và có đến 9% chưa rõ sẽ bỏ phiếu cho ai.
"Chúng tôi đã bỏ phiếu cho ông W. Bush trong cuộc bầu cử lần trước. Nhưng chúng tôi đã quá thất vọng vì tình hình ngày một tồi tệ. Vợ chồng tôi muốn bầu cho Obama, nhưng phải tận mắt xem ông ấy như thế nào rồi mới quyết định" - bà Chatherine nói. Họ nằm trong con số 9% và là đối tượng cử tri mà cả ông Obama lẫn ông McCain đang nỗ lực lôi kéo trong tuần cuối cùng trước bầu cử.
Vạn lẻ một người
Khán phòng của Trung tâm Hội nghị Đại học James Madison có 7.156 chỗ ngồi. Sau khi qua cửa kiểm soát an ninh dành cho báo chí, tôi vào bên trong lúc 3 giờ 15 phút chiều. Khi đó cử tri đã đến gần nửa hội trường, nhiều thanh niên có mặt ở đây từ 8 giờ sáng. Đến gần 4 giờ chiều, hội trường đã được lấp đầy. Lucianno, phóng viên hãng tin Ansa (Italia) nói: "Tôi đi dự nhiều cuộc vận động tranh cử của cả Obama lẫn McCain, ở đâu Obama cũng thu hút được kín khán phòng, trong khi McCain có cử tọa thưa thớt hơn". Ước tính khoảng 10 nghìn người có mặt tại đây.
4 giờ 15 phút, ban tổ chức địa phương bắt đầu tiến hành các thủ tục như cầu Chúa, hát quốc ca và kêu gọi mọi người đi bỏ phiếu.
4 giờ 27 phút, đám đông một vạn người bắt đầu hô to: "Obama, Obama, Obama!".
Ba phút sau, các nhân viên truyền thông ném những tấm biển hình chữ nhật bằng bìa cáctông một mặt in logo chiến dịch tranh cử của Obama và Biden, mặt kia in khẩu hiệu tranh cử của họ là "Change We Need" (Chúng ta cần thay đổi) cho đám đông thanh niên đứng ngay dưới khán đài nơi Obama sẽ diễn thuyết. Họ hào hứng tranh nhau tấm biển đó. Riêng những người ngồi trên khán đài phía sau lưng Obama thì mỗi người đều có một tấm để tạo hiệu quả hình ảnh đối với các ống kính máy quay truyền hình.
4 giờ 48 phút, Timothy Kaine, Thống đốc bang Virginia cùng Mark Warner, ứng cử viên Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ bang Virginia, xuất hiện trong tiếng hò reo của cử tọa. Đáp lại lời của ông Kaine: "Chúng ta chưa bao giờ bầu cho một ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ từ năm 1964 đến nay", đám đông đồng thanh hô: "Yes, we can! Yes, we can!" (Chúng ta có thể).
Ông Warner nói: "Sau đúng một tuần nữa, chúng ta cần một nhà lãnh đạo đưa tất cả chúng ta quay trở lại con đường đúng. Obama là người thích hợp trở thành người lãnh đạo của chúng ta".
Warner nói xong câu đấy vào lúc 4 giờ 55 phút. Và Obama xuất hiện trong bộ complet màu đen, cravate màu xám bạc, tươi cười giơ cao tay vẫy giữa các vệ sĩ và đám tùy tùng. 10 nghìn cử tọa đứng lên, vỗ tay rào rào và la hét đầy phấn khích. Vị Thượng nghị sĩ bang Illinois này có gương mặt thiện cảm, phong thái nhẹ nhàng, giọng nói truyền cảm và ấm áp.
Ông mở đầu bài diễn thuyết với ba con số: 8 năm, 21 tháng và 1 tuần. 8 năm đó là thời gian với những chính sách của chính quyền Bush dẫn đến tình hình kinh tế xã hội nước Mỹ xuống mức thấp như hiện nay; 21 tháng với những nỗ lực tranh cử không mệt mỏi của ông với mong muốn tạo được sự thay đổi cho nước Mỹ; 1 tuần là thời gian từ nay đến thời điểm quyết định - ngày bầu cử. "Chúng ta cần thay đổi và làm được điều đó, tôi cần sự trợ giúp của các bạn" - Obama nhấn mạnh. Và đám đông lại đồng thanh: "Yes, we can! Yes, we can!".
Obama nói đùa, ứng cử viên tổng thống lần trước đến Harrisonburg trong cuộc bầu cử năm 1860 là Stephen Douglas, nhưng người thắng cử lại là Abaraham Linncoln. Việc một người có tên là Barak Obama, ứng cử viên Tổng thống Mỹ đến thăm là bằng chứng về sự tiến bộ ở bang này.
Obama kêu gọi các cử tri củng hộ ông ở thung lũng Shanandoah vốn lâu nay là hậu phương của Đảng Cộng hòa hãy tiếp tục đi gõ cửa từng nhà thuyết phục họ bỏ phiếu cho ông từ nay cho đến ngày bầu cử. Một trong những điểm then chốt mà ông công kích ông McCain trong cuộc diễn thuyết này là kế hoạch y tế của đối thủ, khi nhận xét rằng "đó là chính sách cực đoan", và kết nối McCain với những chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Bush.
Obama giải thích rõ hơn về chính sách thuế của mình, điều mà đại bộ phận cử tri quan tâm. Đặc biệt, ông nhắc tới anh thợ sửa chữa đường ống nước có biệt danh "Joe the Plumber" (tên thật là Samuel Wurzelbacher, một người lập cả website và đi vận động tranh cử cho ƯCV McCain): "Nếu bạn làm ra dưới 250 nghìn USD một năm (bao gồm 98% doanh nghiệp nhỏ và 99.9% thợ sửa chữa đường ống nước), bạn sẽ không thấy thuế của bạn tăng thêm một xu nào".
Tôi gặp lại ông bà Philip và Catherine Wentworth. Họ đứng ở khán đài bên phải ngay sát khu báo chí tác nghiệp. Trả lời câu hỏi cảm tưởng của họ về ông Obama như thế nào, ông Philip nói: "Ông ấy thông minh, đánh giá tình hình hợp lý hơn".
Bà Catherine nhận xét: "Ông ấy rất có duyên và hấp dẫn". "Vậy ông bà sẽ bỏ phiếu cho ông Obama chứ?" - tôi hỏi. Ông Philip cười, đáp: "Tôi sẽ trả lời anh sau khi cuộc diễn thuyết kết thúc".
Từ khu vực dành riêng cho báo chí nhìn lên thấy tất cả khán giả đều đứng, chăm chú lắng nghe. Họ thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi, màu da. Thanh niên có vẻ như chiếm đa số, vì dù sao đây cũng là hội trường của một trường đại học. Hai chị phụ nữ, một chị có bầu khá to, chị kia bế cô con gái nhỏ, cố đưa nó lên cao để nhìn thấy Obama; 5 cô sinh viên mặc áo phông màu xanh da trời - màu biểu tượng cho chiến dịch tranh cử của Obama-Biden, áo mỗi cô in một chữ cái to thành ra tên của Obama; một cụ bà da đen nước mắt chảy dài một bên má; một thanh niên da màu mải mê ghi hình...
Không ít người tàn tật cũng đến dự. 5 hàng ghế dành cho người khiếm thính được xếp ở vị trí rất dễ quan sát người diễn thuyết. Họ sẽ đọc môi Obama để hiểu những lời phát biểu của ông.
Trên bục, Obama tiếp tục nói: "Chúng ta cần một chính phủ tốt hơn. Các bạn đầu tư vào nước Mỹ và nước Mỹ đầu tư vào các bạn" - một vạn con người lại rào rào vỗ tay tán thưởng. Công bằng mà nói, bài diễn thuyết hôm nay của Obama có vài đoạn lặp lại những bài đã diễn thuyết ở các nơi khác. Chẳng hạn việc người phụ nữ gửi email cho ông nói rằng cần 10 nghìn USD để chữa bệnh cho người thân đã được ông đề cập trong cuộc diễn thuyết ngay ngày hôm trước ở một bang khác và được phát sóng truyền hình. Nhưng cử tọa dường như không để ý đến điều đó. Chi tiết xúc động ấy cũng tác động mạnh vào lòng đa cảm của người Mỹ.Bài diễn thuyết của Obama kéo dài khoảng 40 phút. Ông chấm dứt trong sự vỗ tay vang dội của cử tọa. Obama quay đi tất cả các hướng, tươi cười giơ tay vẫy tất cả mọi người trong khán phòng. Rồi ông lần lượt bắt tay những người ủng hộ đứng gần nhất quanh bục diễn thuyết. Các vệ sĩ vất vả mở đường cho ông, căng thẳng quan sát để xử lý biến cố có thể xảy ra. Obama không bỏ sót một cánh tay nào trong tầm với của mình.
5 giờ 45 phút, nghĩa là đúng 50 phút kể từ khi xuất hiện, Obama rời khán phòng.
Thung lũng đổi màu
Tôi chật vật trong dòng người ùa ra phía cửa quay lại vị trí cũ để tìm ông bà Philip và Catherine Wentworth, nhưng họ không còn ở đấy nữa. Không rõ quan điểm của họ thế nào, nhưng căn cứ thái độ và thiện cảm mà họ dành cho ông thì có thể thấy họ cũng đang cần sự thay đổi.
Tôi hỏi ý kiến một vài người đang rời khỏi hội trường. Chị Loureen nói: "Thay đổi sẽ xảy ra nếu ông ấy nắm được quyền lực và tôi nghĩ là ông ấy sẽ (nắm được quyền lực)". Ông Randel bộc lộ: "Ông ấy đang cố gắng đoàn kết mọi người, ông truyền cảm hứng về một tinh thần dân tộc mà tôi chưa hề có bao giờ".
Thung lũng Shenandoah có đổi màu từ ủng hộ Cộng hòa sang ủng hộ Dân chủ hay không, phải đợi đến ngày 5.11 mới rõ.
(Bài đăng trên báo Lao Động, ngày 30.10.2008)
0 comments:
Đăng nhận xét