Cuộc thăm dò được MTVNI tiến hành trong 6 tháng với 5.400 thanh niên (trong độ tuổi từ 16 đến 34) ở 14 nước: Argentina, Brazil, Trung Quốc, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Nam Phi, Thuỵ Điển, Anh và Mỹ. Nội dung mà MTVNI hỏi là thanh niên quan niệm như thế nào về an toàn, họ có hoà nhập với xã hội không và họ nghĩ gì về tương lai.
Một kết quả khiến người ta phải giật mình là chỉ có 43% người được hỏi trả lời rằng họ cảm thấy hài lòng với cuộc đời của mình, trong đó thanh niên Ấn Độ cảm thấy hạnh phúc nhất, còn thanh niên Nhật Bản cảm thấy họ thật khốn khổ. Chỉ có 8% thanh niên nước này thích thú với cảnh nhung lụa.
Căn cứ vào kết quả thăm dò của MTVNI thì không chỉ có thanh niên Nhật Bản phải chịu cảnh bi đát, mà thanh niên ở những nước phát triển khác cũng có suy nghĩ tương tự. Anh và Mỹ, hai trong số những nước phát triển nhất thế giới, chưa đầy 30% thanh niên cho biết họ cảm thấy hạnh phúc.
"Tại những nước đang phát triển, kinh tế đang có đà tăng trưởng, bạn có thể thấy một cách logic là nơi đó phải có tinh thần lạc quan và cảm giác tích cực” – ông Bill Roedy, Giám đốc MTVNI, nhận xét.
Những nguyên nhân khiến thanh niên các nước phát triển không hạnh phúc xuất phát từ mối lo lắng về công ăn việc làm và áp lực phải thành công. Tâm thế chung của họ là tinh thần bi quan.
Ở Nhật Bản thanh thiếu niên đều phải chạy đua với việc học tập để lọt được vào các trường đại học danh tiếng, rồi từ đó mới có được việc làm tử tế. Khi đã có việc làm thì họ lại phải tiếp tục chạy đua để có được thành công và không bị mất việc.
Ngược lại, cuộc sống của thanh niên ở các nước đang phát triển không được đầy đủ như thanh niên các nước phát triển, nhưng họ lại có được niềm tin và sự lạc quan vào một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Sau Ấn Độ, Trung Quốc là nước có tỷ lệ thanh niên lạc quan rất cao với 84%. Tiếp theo đó là các nước Argentina và Nam Phi, với 75% thanh niên hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Thuỵ Điển (một trong những nước đứng đầu thế giới về thu nhập bình quân đầu người và có mạng lưới an sinh xã hội tốt nhất thế giới) và Brazil (nơi bạo lực trong thanh niên khá cao), là hai nước đứng chót danh sách với tỉ lệ thanh niên hạnh phúc rất thấp.
Tại các nước phát triển, thanh niên đặc biệt bi quan về tiến trình toàn cầu hoá. Có đến 95% thanh niên Đức nghĩ rằng toàn cầu hoá sẽ thiêu trụi nền văn hoá của họ. Trong khi đó thanh niên tại các nước đang phát triển lại có thái độ cởi mở hơn đối với toàn cầu hoá. Họ cũng lạc quan hơn về viễn cảnh kinh tế và tự hào hơn về dân tộc của họ.
Theo bản báo cáo của MTVNI, một trong những trào lưu mà họ phát hiện ra trong giới trẻ đó là thanh niên ngày một được tiếp xúc với báo chí nhiều hơn, nhưng họ lại cảm thấy bất an hơn, bởi họ không có kỹ năng nhận thức để diễn giải những nguy cơ thực.
0 comments:
Đăng nhận xét