16/11/06

HỒI ÂM CỦA MỘT QUÃNG BUỒN



NGÔ THỊ KIM CÚC

Trung thực đến đau đớn và dũng cảm như một người tự đốt mình, Lê Vân đã thắp lên ngọn lửa nhỏ để soi rõ không chỉ gương mặt mình mà cả toàn cảnh của một thời quá khứ.

Bởi không chỉ là một diễn viên vơ-đét, cô còn là thành viên trong một gia đình danh tiếng, là công dân của một thế hệ đã trưởng thành trong giai đoạn chuyển tiếp chiến tranh - hòa bình, có cơ hội để trải nghiệm và tỉnh thức một cách sâu sắc trong cả chuyện xã hội lẫn chuyện đời riêng.

Phải đến trang cuối cùng người ta mới nhận ra hết tâm nguyện của người đàn bà - diễn viên này. Thoát ra khỏi những ảo tưởng, đôi khi bộc lộ sự đáo để đàn bà, cô tỉ mẩn lật lại từng quãng đời, nghiền ngẫm và tự thú một cách thành khẩn: "Hai mươi năm là một cuộc vật lộn với cuộc đời và với chính mình chỉ để không bị biến thành một người khác... Có những sự thật, những uẩn khúc cần phải được nói ra... Nó cũng đồng thời là một cơ hội để tôi tự thanh tẩy tâm hồn mình...".

Tự truyện là gì? Là loại văn học tư liệu, qua đó người đọc có thể tìm thấy những thông tin có giá trị lịch sử, bởi nó phải là một sự thật nguyên chất, không cắt xén và càng không có quyền thêm thắt tô vẽ cho một mưu cầu xu phụ hay vị kỷ nào đó. Tự truyện của Lê Vân đáng quý, bởi chẳng có lý do gì khiến người đàn bà gần năm mươi, đang rất hài lòng với hạnh phúc chồng con, lại tự khuấy đảo nội tâm mình lên, bằng những câu chuyện cũ mà nếu không nhắc thì đã chìm hẳn vào quá khứ.

1. Như một đứa con, bé gái - Lê Vân, trong diện tích 24m2 dành cho cả gia đình 5 người, đã tai nghe mắt thấy tất cả những cuộc gấu ó của bố mẹ, thấu tỏ một bi kịch và những sự thật lẽ ra không nên rơi vào đầu óc một đứa trẻ. Lê Vân lớn lên một cách đơn độc với những nhìn nhận chủ quan khó lòng thay đổi trong một tâm hồn non nớt bị tổn thương quá sớm. Góp thêm vào nỗi niềm đó, còn cả bi kịch của mẹ cô, bi kịch của ông ngoại cô, và kể cả của bố cô: Cả ba thế hệ trong gia đình nghệ sĩ này đều chịu những nỗi đau mang tính thời đại...

2. Như một diễn viên, nghệ sĩ múa - Lê Vân nhận ra sự xơ cứng trong môi trường đào tạo, và sau đó là nỗi buồn thiếu vắng công chúng cho sân khấu ba-lê. Chuyển sang đóng phim, diễn viên điện ảnh - Lê Vân càng trưởng thành, càng có điều kiện để khám phá những sự thực không đẹp ẩn kín sau hoạt động nghệ thuật. Cô đã làm việc với những ê-kíp nổi tiếng, dễ dàng đạt được thành công để trở thành ngôi sao một thời. Nhưng danh vọng cũng không bù đắp nổi sự vỡ mộng: "Có một cái gì đó sụp đổ, bục vỡ ở những chiều kích lớn lao hơn... dẫn đến nỗi chán chường vô phương và làm tôi gục ngã hoàn toàn". Và cuối cùng cô đã cắt tóc, bỏ nghề.

3. Như một con người, cô gái trẻ Lê Vân bị chinh phục bởi một người đàn ông thế hệ cha chú. Được khai mở tâm hồn, đồng thời cô cũng rơi vào một bi kịch kéo dài, bởi yêu người đã có gia đình. Tình yêu này tác động vào tính cách cô, khiến cô từng có những hành động không lường trước được, hai lần phản bội những người đàn ông yêu mình hết lòng, mà vì thế cô đã bộc bạch: "Xin các đấng linh thiêng hãy trừng phạt con... Con sẵn sàng đón chịu tất cả những trái đắng do mình gây ra...".

Hơn ai hết, Lê Vân hiểu rõ ý nghĩa của việc đang làm: "Ngay cả điều khủng khiếp nhất là tôi gục ngã trong cảm giác bị trừng phạt thì cũng không kinh sợ bằng việc tôi dung túng cho sự dối trá". Phải chăng vì thế cô đã không hề tìm cách quanh co, né tránh? Qua những gì cô kể, người ta sẽ nhớ rằng, từng có một thời, chúng ta đã sống trong một môi trường như thế, với những điều kiện như thế, đã yêu ghét vui buồn, đã làm khổ mình và làm khổ kẻ khác bởi những sai lầm như thế...

Bùi Mai Hạnh đã đóng góp không nhỏ vào thành công của cuốn tự truyện với tư cách người chấp bút: những ngắt đoạn, những mối nối, những đề từ đều được đặt rất đúng chỗ, rất "nghề". Nó giúp cho câu chuyện xuôi chảy, và đôi chỗ, khiến người đọc phải ngậm ngùi...

Như thương chính mình.

Nguồn: Báo Thanh Niên, ngày 16.11.06

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết