15/11/06

"LÊ VÂN YÊU VÀ SỐNG" - ĐÚNG NGHĨA TỰ TRUYỆN



Hồ Anh Thái

Cuốn tự truyện “Lê Vân yêu và sống” đã nhận được nhiều lời khen và sự đồng cảm. Đồng thời nữ nghệ sĩ cũng nhận được những ý kiến trái ngược. Chính là những ý kiến phản ứng này càng chứng tỏ một điều: Lê Vân yêu và sống là một cuốn tự truyện thực sự.

Sao lại thế? Bởi lẽ, lâu nay ta thường đọc những hồi ký hoặc tự truyện chỉ kể lại những điều tốt đẹp của chính mình, của bạn bè người thân mình. Một thứ sirô ngòn ngọt, các đối tượng được nhắc tên khi đọc xong đều thở phào, đều đẹp lòng như vừa nhìn vào một cái gương nịnh mặt. Những hồi ký không né tránh như của Vũ Bằng, Tô Hoài... trở thành của hiếm. Bây giờ, tự truyện của Lê Vân có thể bổ sung vào danh sách của hiếm như vậy.

Phẩm chất quan trọng bậc nhất của tự truyện là sự thẳng thắn, trung thực. Sử dụng việc viết tự truyện vào mục đích tô vẽ cho mình, thanh toán với người với đời... là thất bại. May mắn, nữ nghệ sĩ được trời phú cho bản tính thẳng thắn, thẳng thắn đến nghiệt ngã. Ngay thẳng đến mức nói điều gì là nói cho tận gan ruột, đến mức không chỉ chính chị sẽ ở vào thế bất lợi, mà kể cả viết về cuốn sách của chị như thế này cũng có thể hứng chịu sự bất bình.

Lê Vân chia sẻ với độc giả những đau xót, cay đắng về nghề, về đồng nghiệp, về tình yêu. Chị không ngần ngại mổ xẻ chính mình, không do dự bộc lộ mặt trái của vinh quang (cứ tưởng đến với chị một cách tự nhiên, nhẹ bỗng), không ngập ngừng chỉ ra những khúc quanh của quản lý nhà nước, quản lý văn nghệ. Thế thì vì lẽ gì ta lại muốn chị tránh mổ xẻ gia cảnh của chính mình? Tâm lý phương Đông, nói gì thì nói nhưng cứ phi tránh gia đình mình ra, nếu không muốn bị độc giả dán những cái mác là "ác", là "bạc". Một nửa cái bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không còn là sự thật nữa, Lê Vân tâm niệm như vậy.

Chính ở chỗ này, người viết tự truyện phải lựa chọn hai lối đi: Một là phải kể cho bằng hết. Trung thực không phải là nói hết mọi điều, nhưng đã nói đến cái gì là phải nói cho bằng hết. Hai là chọn sự im lặng, không viết. Rất nhiều người có danh đã chọn con đường thứ ba: viết một nửa sự thật, chỉ kể lại những gì đèm đẹp mà thôi. Như vậy mới thấy để viết được tự truyện, người ta cần can đảm.

Nghe thì tưởng đơn giản, nhưng làm được không dễ. Đời sống nhiều giả dối lừa lọc quá đi, hít thở mãi cái không khí ô nhiễm bụi và khói xăng mà thành quen, người ta cũng bụi bặm lem nhem lúc nào không biết. Quen đi nhờn đi trong môi trường ấy, Lê Vân hoàn toàn có thể tự an ủi: mình từng là ngôi sao điện ảnh hàng đầu, là ngôi sao ba lê của nhà hát, mình đã may mắn được làm việc với những đạo diễn quan trọng, đóng những vai quan trọng, mình là người vừa có nhan sắc vừa có tri thức, vừa tài vừa tâm... Nhưng chị đã nghĩ ngược lại. Có quá khắc nghiệt không? Có đỏng đảnh ra vẻ ta đây hay không?

Kinh nghiệm sống của mỗi người là hữu hạn. Mỗi cuốn tiểu thuyết đích thực cho ta thêm một kinh nghiệm sống. Mỗi cuốn tự truyện đích thực cho ta cơ hội được sống thêm một cuộc đời bằng xương bằng thịt. Điều này làm nên phẩm chất quan trọng nữa của tự truyện. Cuốn sách vì vậy phải tái hiện cho được tính cách của nhân vật có thật. Ta thấy được gì ở Lê Vân? Những ưu điểm của bản thân trước mắt người đời đều được chính chị vạch ra mặt trái của nó. Nhược điểm của thẳng thắn là sự khô khan, cứ như là "cứng lòng". Nhược điểm của lòng tự trọng là những phân vân ngập ngừng và tự tra tấn mình. Nhược điểm của sự nhạy cảm là chìm đắm trong đau xót và dễ bị tổn thương.

Cũng là một hành vi một câu nói đó thôi, người đời chưa đau thì chị đã đau và di chứng nhiều năm sau còn hằn vết. Nhược điểm của việc lý tưởng hóa đời sống là sự ngây thơ "cứ như giả vờ", lý tưởng hóa nghệ thuật đến mức không thực sự cảm nhận được vinh quang của mình, mà hờ hững, coi đó chưa phải là nghệ thuật thực sự, rồi dẫn đến việc xuống tóc, tuyệt giao với nghệ thuật. Chắc là có những nghệ sĩ đích thực chia sẻ với chị sự "vỡ ra" này, sự "bàng hoàng tỉnh mộng" này. Còn nếu ngộ nhận về bản thân và về nghề chắc sẽ cho là chị "ngạo mạn, đỏng đảnh, vờ vĩnh"...

Thay cho việc thu nhận thêm một kinh nghiệm sống từ tự truyện, phần nhiều thiên hạ có xu hướng áp đặt quan niệm sống của mình (vốn đầy rẫy thành kiến, định kiến) và đòi hỏi người kể chuyện "giá mà" cứ nương theo một khuôn mẫu chung, dễ được xã hội chấp nhận. Thay cho việc mở lòng ra đón nhận, rồi tự phân tích lý giải ngay cả những ca hy hữu nhất, thì thiên hạ dễ sa vào phán xét từ góc độ cũng rất cá nhân, cũng rất hẹp. Cách tiếp nhận ấy là tự làm nghèo kinh nghiệm và hiểu biết của mình, tự thu hẹp khả năng cảm thông chia sẻ, gây ra một chuỗi hiểu lầm tiếp theo và cả những ngộ nhận về chuẩn mực. Thêm nữa, một số cách phán xét trên mặt báo có khi còn đạt đến độ khiếm nhã theo kiểu lời đàm tiếu (sao dễ đẻ thế mà không chịu đẻ với người chồng thứ hai? Có phải là để tự do?...). Đôi khi người ta quên rằng bài phê bình một cuốn tự truyện (bình luận về đời một con người có thật) khác với việc phê bình một cuốn tiểu thuyết.

Đó là những phản ứng mà một cuốn tự truyện đã và sẽ thu nhận được. Một Lê Vân sau bao nhiêu trải nghiệm chỉ toát lên một ao ước: được sống bình thường. Không chọn sống với vinh quang có thật nhưng thực ra là phù du, không muốn bươn chải với đời như một người đàn ông mà chỉ muốn làm người đàn bà của gia đình, người đàn bà thực sự. Dường như sau nhiều trả giá, chị cũng đang đạt được điều đó. Cuốn sách đời chị được Bùi Mai Hạnh thể hiện thành một tự truyện đúng nghĩa. Từ chuyện đời một con người, độc giả có thể nhìn thấy hình bóng cả một thời cuộc.

Nguồn: Người Đại biểu Nhân dân, 6-11-2006

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết