Nghe chuyện này, tôi cứ thấy băn khoăn mãi. Từ vài năm nay, cùng những bó hoa, những món quà đơn giản mà các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh giành tặng cho các thầy cô giáo với tất cả tình cảm chân thành giành cho những người “đưa đò” tận tuỵ trong Ngày Nhà giáo VN, như một luật bất thành văn, còn có một món quà nhỏ không thể thiếu được gửi kèm theo - nhưng đôi khi là vật quan trọng nhất - chính là những chiếc phong bì.
Mà điều đáng nói là tình trạng này lại diễn ra khá phổ biến ở cấp tiểu học, từ những lớp học nhỏ nhất. Và vô tình, các em nhỏ khi mới vừa bước chân vào trường học đã phải làm quen ngay với một thói quen rất thực dụng của người lớn: Đó là đưa phong bì.
Nhiều bậc phụ huynh vì ngại cô giáo, lại sợ cô từ chối nên đã đưa phong bì cho con trẻ cùng với những bó hoá để cô giáo khó từ chối “tình cảm chân thành” của trẻ nhỏ. Thế là, dù chỉ mới vài tuổi đầu, con trẻ đã có một khái niệm, một cái nhìn hết sức rõ ràng, rành rẽ về chuyện đưa - nhận phong bì cũng như giá trị và sức nặng của những chiếc phong bì như đứa cháu hàng xóm của tôi.
Và thói quen về một lối sống thực dụng, dùng đồng tiền để giải quyết mọi công việc sẽ ngấm vào đầu óc non nớt, ngây thơ của các cháu và nhanh chóng trở thành một phần tính cách của các cháu. Thậm chí, đã có nhiều cháu đã thẳng thừng tuyên bố trước các bạn: “Cuối năm nay chắc chắn tớ sẽ được học sinh giỏi vì mẹ tớ bảo phong bì của tớ “nặng” nhất!”.
Có thể xuất phát từ việc một vài gia đình khá giả muốn có lời “cảm ơn” đặc biệt trước sự dạy dỗ, chăm sóc tận tình của thầy, cô dành cho con cái mình. Thế nhưng, chẳng ai bảo ai, dần dần, nạn “phong bì” trong trường học lan nhanh như vết dầu loang bởi gia đình nào cũng nghĩ rằng nếu mình mà không có phong bì cho thầy, cô thì con cái mình sẽ phải chịu thiệt thòi hơn các bạn khác. Trong khi đó, từ đáy lòng mình, có thể nhiều thầy cô giáo đều luôn coi tất cả học sinh như nhau, đều dành cho các cháu một sự chăm sóc, một tình yêu thương như nhau mà thôi!
Ngày xưa, khi chúng tôi đi học, thầy cô với học trò thân thiết như cha mẹ với con cái. Trò có thể tâm sự với thầy cô, xin ý kiến của thầy cô về những vấn đề bên ngoài lớp học, những điều mà đối với cha mẹ, các trò không thể hoặc không dám nói. Thậm chí nhiều thầy cô còn sẵn sàng đóng tiền học, giúp đỡ cho những học sinh nghèo.
Mối quan hệ thầy – trò như vậy hết sức trong sáng, không bị vết gợn bởi nạn “phong bì” xen vào nên nó tồn tại thực sự bền lâu và vững chắc. Tôi cũng rất mong muốn con cháu mình sau này sẽ không vì cái “phong bì” mà quên mất những tình cảm quý giá thiêng liêng, sự trân trọng tình nghĩa thầy – trò như lớp học trò chúng tôi thuở xưa.
Nguồn: Blog của Mr. Moon
0 comments:
Đăng nhận xét