3/11/06

CÂU CHUYỆN OSHIN (4)



TÔI KHÔNG NGỦ VỚI OSHIN
Anh lắc đầu ngao ngán. Dào ôi, tưởng chuyện gì nghiêm trọng, hoá ra chuyện ghen tuông vớ vẩn. Thì ra đêm qua kiếm cớ ngủ riêng là vì nghi ngờ vô căn cứ này đây! Lại cứ tưởng có mối nào ở bển, về nhà chê thằng này, chứ hoá ra lại là ba trò cái trò đàn bà rẻ tiền này à.

Anh rút túi lấy bao Vinataba và châm lửa hút một điếu. Nhưng tại sao nó lại nghĩ mình ngủ với con oshin nhỉ? Sao nó coi thường mình thế nhỉ? Sao nó nghĩ anh có thể rúc vào cái mặt rổ thịt của con oshin được nhỉ? Mặt mũi vợ mình trông cũng sáng láng mà sao tư duy của nó lại bệnh hoạn thế nhỉ?

Càng nghĩ anh càng thấy bực. Vợ chồng đầu gối tay ấp mặn nồng hơn 20 năm nay, thế mà chỉ một thoáng nghi ngờ nó đã nghĩ bậy ngay cho anh. "Đồ chó khốn nạn!" - Anh buột miệng chửi và giận giữ dụi nát điếu thuốc vào chiếc gạt tàn.


Đây là lần đầu tiên anh chửi vợ. Chửi vì cái sự suy nghĩ hồ đồ và nông cạn của nó. Các cụ nói cấm sai: "Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu". Sao nó lại có thể mất niềm tin nhanh thế? Sao nó lại có thể chuyển từ yêu thương sang căm giận chỉ vì sự nghi ngờ? Và tại sao nó lại được phép nghi ngờ chồng - người gần gụi nhất, máu thịt nhất?

Một nỗi xót xa trào lên trong anh. Anh nghiến răng đấm tay xuống mặt bàn. Nghĩ mà giận cho sự nông nổi của đàn bà! Nghĩ mà thương cho sự nông nổi của đàn bà!

Anh thu xếp đồ đạc, xách túi ra khỏi phòng. Ngang qua phòng sếp, anh hé cửa thò đầu vào: "Xin phép anh, tôi nghỉ ba hôm. Nhà tôi có việc!". Chẳng cần biết sếp có đồng ý hay không, anh đóng cửa và đi khỏi cơ quan.

Vừa chạy xe máy, anh vừa ngẫm nghĩ lại những chuyện bất thường của con bé oshin trong ba tháng qua. Đúng là khi chị đi vắng, anh cũng cho nó thoải mái hơn. Khi chị ở nhà, chị nghĩ ra đủ thứ việc để con bé hầu như không ngồi yên được phút nào. Anh thì khác. Nó làm xong việc thì cho nó nghỉ. Nó có thể đọc sách hay xem vô tuyến thì tuỳ. Rỗi rãi, nó lôi đống Hoa học trò mà cô cả lưu giữ ra xem. Vài ba lần nó có xin phép anh đi ra ngoài, nhưng không bao giờ về sau 10 giờ tối.

Anh sà vào hàng nước chè chén đầu phố. Bà hàng nước thấy anh cười đon đả: "Gớm cô ấy về một cái là thấy chú rảng rang ngay nhể. Hôm nay lại có thời gian ra đây uống nước nữa cơ đấy". Anh cũng sởi lởi: "Vâng, 3 tháng gà trống nuôi con mệt quá bà ạ. Mẹ cháu về rồi nên hôm nay đi tung tăng một tí".

Quán nước lúc 10 giờ cũng vắng khách. Bà hàng nước buôn đủ thứ chuyện trong cái phố này. Bà đúng là thông tấn xã vỉa hè! Lựa lúc câu chuyện bập vào chi tiết hợp lý nhất, anh hờ hững hỏi: "Bà ơi, con oshin nhà cháu hay chơi với ai ở phố mình nhỉ?". Bà hàng nước bô lô ba la: "Con này chăm đấy. Xấu như nó thì cũng chỉ chơi với vài ba con oshin các nhà khác thôi. Mấy tháng trước tôi thấy nó cũng thân thân với thằng cu thợ hồ ở cái nhà mới xây bên kia đường".

Ăn thêm cái bánh rán, mua thêm nửa bao thuốc Vinataba, anh có thêm thông tin về thằng cu thợ hồ. Tên nó là Lẫm, 18 tuổi, quê ở Từ Sơn. Gần trưa, anh đảo qua ngôi nhà mới xây, chắp tay sau đít ngắm nghía vẻ thán phục, rồi anh bấm chuông, đon đả chào chủ nhà: "Ngôi nhà của ông xây đẹp quá. Cho tôi tham quan xem bên trong thế nào".

Chủ nhà sướng rơn, dẫn anh đi thăm suốt 5 tầng, giới thiệu từ gỗ lát sàn, cửa sổ eurowindow đến thiết bị vệ sinh Italia. Ở đâu anh cũng tấm tắc: "Thợ xây của ông làm tốt quá". Xem xong, anh nói với chủ nhà: "Chú em tôi đang chuẩn bị làm nhà, ông cho xin địa chỉ nhóm thợ". Quả là không còn sự đánh giá nào cao hơn thế, ông chủ nhà sốt sắng cung cấp đầy đủ những thông tin mà anh cần.


Chiều, anh phóng xe sang Từ Sơn. Tìm đến nhà thằng cu Lẫm hoá ra không khó lắm. Một người phụ nữ ngoài 50 mắt mũi kèm nhèm xưng là mẹ thằng thợ hồ nói với anh rằng thằng Lấm đã đi theo cai đầu dài đi xây dựng tận Quảng Ninh rồi. Bà ta tận tình chỉ nhà tay cai đầu dài ở ngay trong xóm. Anh qua đó và rốt cục cũng biết được chính xác chỗ mà nhóm thợ đang ở.

Hôm sau anh đáp xe khách đi Quảng Ninh. Cả thành phố Hạ Long lổn nhổn như một cái công trường khổng lồ. Đám thợ Từ Sơn đang xây một khách sạn mini để phục vụ du khách Tầu. Anh lờ mờ đoán thằng cu cao ngẳng, đen như củ tam thất có hàng ria mờ trên mép đang đánh vữa chính là thằng cu Lẫm. Khi anh đến gần thì nó lại nhận ra anh trước: "Ơ, chú! Chú đi đâu đới?". Anh cười: "Tao đi tìm mày!".

Đợi thằng bé đánh xong chỗ vữa, khuân hết vào cho cánh thợ xây bên trong, anh xin cho nó nghỉ 10 phút và kéo nó vào quán càphê gần đó. Thằng bé quệt tay vào đít quần, vừa rảo bước theo anh vừa hỏi: "Con oshin nhờ chú đòi mấy quyển sách à?". Anh hỏi: "Sách nào?". Thằng bé đáp: "Ló cho cháu mượn mươi cuốn Hoa học trò. Cháu đang xem. Nhưng lếu ló đòi thì cháu giả nuôn cũng được".

Thằng bé xin anh một cốc nước chanh. Anh nhẩn nha hỏi chuyện nó và xác nhận được thông tin của bà hàng nước: Đúng là nó và con oshin cũng "thân thân" thật. Anh nhìn lại thằng bé và nghĩ thầm sao mà tạo hoá khéo ghép đôi: Một đứa gầy nhẳng như que củi, còn đứa kia thì chẳng khác cái thùng phi di động. Anh hỏi độp một câu như những thằng đàn ông vẫn hay hỏi nhau: "Mày ngủ với con oshin nhà chú đấy à?".

Thằng bé trợn mắt. Nó phun ra một câu rất dân dã: "Chú bảo cháu đ... con đấy á? Cháu đéo chơi nhá! Cháu đi nàm kiếm tiền để mổ nông quặm cho u cháu. Chơi ló, ló bắt đền để cháu chết à. Mà chú đừng no, mịa, con đấy xấu bỏ xừ, cả đám thợ bọn cháu đánh cá đứa lào chơi ló đấy. Nhưng đéo có thằng lào chơi, vì ló xấu!".

Lời tuyên bố của thằng cu thợ hồ khiến anh bối rối. Mẹ kiếp, mất toi cả ngày trời cuối cùng chẳng được tích sự gì.

(còn tiếp)

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết