30/9/06

HÀ NỘI, CON THUYỀN, PHÙ SA (1)



Tiểu luận về Hà Nội của HỒ ANH THÁI

Đôi khi tôi tự hỏi cái ngày Lý Công Uẩn đến vùng bờ bãi phù sa ven sông Hồng, thấy những ráng mây vàng như một con rồng bay vút lên, chính ngày đầu tiên ấy ông đã ngắm con rồng Thăng Long trên mình ngựa hay trên thuyền?

Hình ảnh một con thuyền có lẽ hợp hơn với người đầu tiên đến chọn đất xây dựng nên Thăng Long. Không loại trừ sự tô vẽ của người đời rằng ông ngồi hùng dũng trên một thớt voi hoặc một con ngựa chiến. Nhưng dải đất phù sa nâu đỏ ven dòng sông cũng đỏ đòi người đến khám phá ra nó phải cưỡi trên một con thuyền đè trên đầu sóng. Những hồ nước khắp trên đất Thăng Long cũng muốn rằng người đầu tiên đến đây phải có một con thuyền. Phải là thuyền cơ. Mãi đến thời Hồ Quý Ly, như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh miêu tả, cả vùng Thăng Long vẫn còn mênh mông hồ nước. Phương tiện phổ biến và an toàn vẫn là thuyền. Những con thuyền chập chờn luồn lách trong sương, qua lau sậy, mang chở trên đó bao nhiêu nỗi niềm, cả những mưu đồ bá vương.

Phải là thuyền. Sông dài bãi rộng. Trên bến dưới thuyền. Chài lưới. Canh tác lúa nước. Buôn bán vùng kẻ chợ. Người ấy cảnh ấy kéo dài ra đến một nghìn năm, đến bây giờ. Người bây giờ ngồi mà hình dung cứ tự đoán chắc với mình rằng Lý Công Uẩn ngày đầu đến đây bằng thuyền.

Chắc là thế. Bằng thuyền.

***

NGƯỜI HÀ NỘI GỐC (*)

Có lần tôi ngồi nghe chuyện nhà văn Tô Hoài, cũng là một nhà Hà Nội học trực nghiệm đáng tin cậy. Nhân chuyện người Hà Nội gốc, ông nói rằng hiếm có lắm, Hà Nội gốc họa chăng chỉ có mấy anh chàng đánh cá ven sông Tô Lịch.

Ừ nhỉ, ngay như nhà văn Tô Hoài đấy thôi. Ông vẫn được coi là một nhà văn hiếm hoi người Hà Nội còn lại với chúng ta từ đầu thế kỷ trước, nhưng mà trước năm 1945 vùng Nghĩa Đô quê ngoại ông hằng đi về vẫn còn thuộc tỉnh Hà Đông. Hà Nội khi ấy chỉ là một mảnh bé xíu của nội thành Hà Nội bây giờ.

Hà Nội gốc bây giờ tạm chấp nhận tiêu chuẩn có ba đời sinh ra ở Hà Nội. Ông nội tôi sinh ra ở đây, cha tôi sinh ra ở nơi đây, và tôi nữa sinh ra ở nơi đây. Thế thì tôi là người Hà Nội, cho dù những năm chiến tranh ly tán, cha mẹ tôi có phải bỏ Hà Nội dắt dìu nhau đi kháng chiến chống Pháp, cho dù những năm chống Mỹ có phải bồng bế tôi đi sơ tán về miền quê. Cho dù gốc gác tôi ở Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên, hay từ những tỉnh đồng bằng Bắc bộ không xa. Hay từ những nơi thật xa Nam bộ.

Nghe thế thì hiểu rằng Hà Nội gốc ba đời ở móng chân vẫn còn giắt bùn sông Hồng. Đầu thế kỷ XX vùng phố cổ bây giờ nước sông Hồng vẫn còn mấp mé liếm vào bến đỗ, rồi theo thời gian mới dùng dằng rút dần ra xa. Người Hà Nội gốc khi ấy vẫn phải làm nghề chài lưới. Bà buôn vẫn phải lăn xả xuống bến lội bùn lấy hàng lên. Ông đồ ông ký sao cũng có lúc phải lội nước lên thuyền hoặc lội qua bãi sông ngập nước mà về nhà. Hà Nội gốc mà móng chân vẫn giắt bùn là như vậy. Lá ngọc cành vàng, danh gia vọng tộc thật là một huyễn tưởng mong manh.

Thế thì người Hà Nội là những ai? Cũng như mọi thủ đô trên thế giới này thôi. Chưa đến London cứ tưởng người London nói tiếng Anh theo "kiểu thủ đô" rất chuẩn. Chưa đến Paris cứ tưởng người Paris chỉ toàn người sinh trưởng ở thủ đô hoa lệ. Những đô thị ở nước Mỹ thì khỏi nói, New York, Chicago, San Francisco, Los Angeles... Tất cả đều là những tụ điểm tập hợp dân tứ chiếng hay người tứ xứ cũng vậy. Khó mà tìm ra ở họ một mẫu số chung.

Hà Nội có lẽ cũng vậy thôi. Gốc gác ba đời ít ỏi đã nói ở trên. Đa số người Hà Nội bây giờ là "ngoại kiều". Những Thanh kiều, Nghệ kiều từ miền Trung ra. Từ Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình lên. Từ phương Nam tập kết đến. Tinh hoa gốc rễ hun đúc ở đây. Tinh hoa từ mọi miền mang tới, giao kết hợp chủng mà tạo nên người Hà Nội. Lâu dần cứ cái gì thanh lịch, hào hoa, cao nhã, tinh tế... thì mặc nhiên đều được coi là của người Hà Nội. Chẳng cần phải rạch ròi phân định "của tôi trả tôi" làm gì.

Người Hà Nội là người sống trên dải đất ven sông Hồng. Người Hà Nội cũng là người Việt tới tận từng phân vuông vậy.

***

(còn tiếp)

(*): Đầu đề này là do VMC đặt.

Ảnh của Bác sĩ Charles-Edouard Hocquard giai đoạn 1884 - 1885.

29/9/06

THƯ GỬI TRẦN TUYÊN



Tp. Hồ Chí Minh 6/9

Cháu Trần Tuyên thân yêu,

Bác viết cho cháu sau khi đọc bài báo viết về cháu của chú Mạnh Cường trên báo Lao Động sáng 6/9/06.

Bác nguyên là một giáo viên (đã nghỉ hưu), có 2 con đã trưởng thành, trong đó có một con trai. Bác có tới 5 thứ bệnh, trong đó có 1 bệnh hiểm nghèo là ung thư vú, bác cũng đã từng cận kề với cái chết.

Được đọc bài báo viết về cháu, bác rất yêu thương và quý trọng cháu (Với tấm lòng của một người mẹ mà).

Bác rất yêu thương con trai bác, mặc dầu năm nay anh ấy đã 39 tuổi đã là giám đốc một công ty liên doanh, nhưng với bác vẫn là bé bỏng và tràn ngập một tình yêu thương, nên bác rất thông cảm tình yêu thương của cháu đối với bố mẹ và ngược lại – tình cảm của bố mẹ đối với cháu.

Bác cũng đã qua thời thanh niên sôi nổi, đầy nhiệt huyết và hoài bão, ước mơ, nên bác cũng đồng cảm với lòng yêu đời, yêu cuộc sống của cháu.

Bác cũng đã và đang chịu đựng những đau đớn và khó chịu của bệnh tật, nên bác cũng chia sẻ với cháu những khó khăn mà cháu đã và đang phải trải qua.

Bác muốn nói với cháu rằng: Cháu đã và đang sống những ngày hạnh phúc.

Cháu đã có những ý nghĩ, tình cảm và việc làm tốt đẹp. Cháu nghĩ đến mọi người và mong mang những điều tốt lành đến cho mọi người. Cháu cũng xứng đáng được hưởng những tình cảm yêu thương và quý trọng của mọi người dành cho cháu.

Bác cảm ơn cháu, cháu đã động viên bác, làm cho bác yêu đời hơn, sống đẹp hơn.

Chúc và mong cháu hạnh phúc, khả năng 50/50, nhưng hy vọng phần 50 lớn hơn sẽ thuộc về cháu.

Chúc mừng bố mẹ cháu đã sinh thành ra cậu con trai rất đáng yêu.

Bác,
Nguyễn Minh Nguyệt
43R/26 Hồ Văn Huê, p.9, Quận Phú Nhuận
TP Hồ Chí Minh
ĐT: (08) 8476 651

Blog của Tuyên

28/9/06

TA Ở XỨ NGƯỜI (3)


Những câu chuyện mắt thấy tai nghe về người Việt chúng ta trong những lần ra nước ngoài...

Tóm tắt kỳ 1, 2: Tháng 7.1994 tôi cùng 4 đồng nghiệp đi Thái Lan dự một hội nghị khu vực. Ông H lần đầu tiên đi nước ngoài, mang theo lối suy nghĩ và những thói quen cố hữu. Trong đoàn còn có hai nhân vật khả kính khác là ông T và ông C. Hai ông lén đi xem sex show ở phố ăn chơi Patpong và lớ ngớ trở thành gà cho đám macô.


CHĂN CON CÔNG Ở SÂN BAY DON MUANG


Nhân vật thứ tư trong chuyến đi là ông P. Ông có dáng vóc nhỏ thó, luôn ăn mặc gọn gàng áo bỏ trong quần tại bất cứ sự kiện nào: từ hội nghị, bữa tiệc chính thức cho tới chuyến picnic tới Pattaya.

Ông P hầu như không nói câu gì trong suốt chuyến đi. Chẳng bực mình trước những trò ầm ĩ của ông H, cũng chẳng thèm đếm xỉa tới một vài hành động khoe mẽ và chảnh mà hai ông T và C đôi khi bộc lộ một cách khéo léo. Ai bảo đi đâu thì ông đi đấy, chẳng trầm trồ bình luận cũng chẳng để ý hỏi han. Ông cứ lặng lẽ đi về như một cái bóng và trở thành dấu hỏi to đùng đối với tôi: Sao ông lại có thể làm báo được nhỉ?

Ông P với ông H ở chung một phòng. Thật là một cặp hoàn hảo, tôi nghĩ bụng. Ông H nói liên hồi kỳ trận, còn ông P thì im như thóc cả ngày. Đến cười ông cũng lười. Chỉ có một lần tôi thấy gương mặt ông bày tỏ sắc thái tình cảm, ấy là một lần ăn trưa xong, mọi người lên xe thì ông chạy vào toilette. Ông ở trong ấy khá lâu và khi tất tả chạy ra thì gương mặt ông có vẻ hốt hoảng, chắc sợ xe đi mất. Ai mà dám đi khi chưa có ông chứ!

Tôi thấy ông V với ông P có một điểm chung là đã về đến khách sạn rồi thì cấm cung luôn. Sau đêm bị trấn lột, ông T và ông C tăng cường rủ mọi người đi ra ngoài, lúc thì đi uống nước, lúc thì đi shopping (khi đó tôi không hề biết là hai ông rút kinh nghiệm, không dám đi ăn mảnh nữa, mà chỉ nghĩ rằng hai ông đã gặp hết người thân ở Bangkok rồi nên giờ đây dành thời gian cho anh em trong đoàn). Tuy nhiên, lần nào ông P và ông H cũng từ chối lời mời của ông T, khiến ông bực mình: "Mịa, bọn này sang đây chỉ chúi mũi vào cái toilette trong phòng khách sạn!".

Nhưng đó là sai lầm của cả ba chúng tôi. Ông P, ông H chẳng hề ở trong phòng. Các ông đi mua bán. Theo lời ông H kể thì bà vợ ông P đã giao cho ông ấy một danh sách dài dằng dặc vật dụng cần mua ở Bangkok, từ máy say sinh tố cho đến kem dưỡng da Con én. Nhân viên khách sạn 5 sao Imperial Queen's Park không hiểu sao cái ông khách nhỏ thó với dáng đi liêu xiêu ấy lại đi mua bán mỗi ngày vài ba bận và lần nào về cũng khệ nệ túi to túi nhỏ.

Ngày về đã đến. Phía Thái cho hẳn một chiếc minibuýt 12 chỗ chở 5 nhà báo Việt Nam ra sân bay. Đồ đạc của ông P chiếm đến 1/2 hành lý của cả đoàn. Kinh quá. Điều này khiến tất cả ngỡ ngàng. Ông T hỏi: "Ông mua đồ lúc nào mà nhiều thế". Ông H oang oang: "Thì các ông đi chơi, còn ông P và tôi đi mua đồ!". Hành lý cho vào gầm băng sau của xe xong, tất cả ngồi vào xe, ông P là người lên cuối cùng. Và ông khiến tất cả chúng tôi há mồm khi xách theo một chiếc chăn con công của Trung Quốc được xếp gọn gàng trong túi nhựa có quai xách đàng hoàng. Loại chăn này bán đầy ở Hàng Ngang Hàng Đào, nhưng đắt hơn khoảng 50 nghìn đồng.

Đến sân bay Don Muang, tôi mạnh chân khoẻ tay nên chất đống hành lý lên xe đẩy. Các ông chỉ còn xách những thứ lặt vặt. Ông P thì tuy bé nhỏ, nhưng lại tung tăng bên cạnh chiếc chăn choe choét, nên nổi bật trong dòng người xếp hàng làm check-in. Ông T khéo léo lánh xa ông P, coi như không quen biết để đỡ ngượng.

Nhưng cũng chẳng tránh xa được mãi. Đến trước cửa vào phòng cách ly, anh bạn Thái đề nghị: "Ta chụp chung kiểu ảnh trước khi chia tay nhé!". Ông T ông C miễn cưỡng đứng thành hành ngang với mọi người và cười. Ông P khiêm tốn đứng ngoài rìa. Chiếc chăn đỏ chót của ông trở thành điểm son trong tấm ảnh mà giờ đây tôi vẫn giữ.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa hết. Trước khi vào phòng cách ly tất cả phải đi qua máy phát hiện kim loại. Túi chăn con công của ông P bỗng phát tín hiệu, khiến nhân viên an ninh yêu cầu ông phải mở ra. Ông luống cuống mở và trước con mắt sững sờ của 4 nhà báo Việt Nam và các nhân viên an ninh Thái, trong đó có hẳn một cái nồi cơm điện.

Cả ông T, ông C, lẫn tôi đều không thể hiểu được ông P đã nhét nồi cơm điện vào trong tấm chăn con công như thế nào mà cái túi nhựa bọc bên ngoài không hề bị rách. Có lẽ đó mãi mãi là điều bí mật của riêng ông, bởi
lúc sau vội lên máy bay ông không thể trình diễn lại kỹ năng đó, nên các nhân viên an ninh Thái phải đưa cho ông một cái túi khác để đựng nồi cơm điện.

27/9/06

TA Ở XỨ NGƯỜI (2)



Những câu chuyện mắt thấy tai nghe về người Việt chúng ta trong những lần ra nước ngoài...

Tóm tắt kỳ 1: Tháng 7.1994 tôi cùng 4 đồng nghiệp đi Thái Lan dự một hội nghị khu vực. Ông H lần đầu tiên đi nước ngoài, mang theo lối suy nghĩ và những thói quen cố hữu. Trong đoàn còn có hai nhân vật khả kính khác. Và sau đây là câu chuyện của họ.


CUỘC DU NGOẠN ĐẮT GIÁ Ở PATPONG

Ông T chính là nhân vật ngót nghét 60 mà tôi đề cập trong entry trước. Ông là cây bút lừng lẫy trong địa hạt kinh tế, nên chuyến đi Thái Lan chẳng phải là chuyến xuất ngoại đầu tiên. Ông sắp về hưu, do vậy cơ quan dành ưu ái này cho ông. Tuy chẳng biết gì về quan hệ quốc tế, nhưng ông vẫn vui vẻ nhận lời. Vì cao tuổi nhất, lại uy tín nhất, nên ông được 4 chúng tôi bầu làm trưởng đoàn.

Ít hơn ông T gần chục tuổi, ông C là gương mặt đang lên của báo giới Sài Gòn. Trông ông đàng hoàng, ăn mặc chải chuốt và từ cơ thể luôn toát ra mùi dầu gió rất không hợp mũi với người Bắc. Mặc dù không thích cái mùi ấy, nhưng tôi lại có cảm tình với ông C, vì ông tỏ ra gần gũi và cởi mở theo đúng phong cách Nam Bộ.

Cả ông T và ông C đều không thích ông H. Đương nhiên rồi. Giữa họ là cả một khoảng cách về học thức, tư duy, vị trí và lối sống. Song sau ngày đầu khó chịu với kiểu hành xử tự nhiên chủ nghĩa của ông H, cả hai ông đều tỏ ra bao dung. Ông T thì không thèm chấp, còn ông C thì không coi đó là vấn đề. Người Nam Bộ vốn suy nghĩ đơn giản.

Sau bữa tối ngày thứ 2, anh bạn Thái hỏi: "Các vị có muốn thưởng ngoạn Bangkok by night không?". Ông H hào hứng nhất: "Có. Sang đến đây mà không đi thì phí". Ông T nhìn ông C: "Cậu thấy thế nào? Đi chứ". Ông C trả lời: "Dạ!". Dạ tức là OK. Thế là đi. Người Thái nói với lái xe: "Chở chúng tôi đến Patpong".

Hic, Patpong quả là hấp dẫn: Cả khu chợ trời khổng lồ bán đủ thứ trên trời dưới biển, lẫn cả mấy cái soi (hẻm) với các quán bar tươi mát. Anh bạn Thái dẫn chúng tôi vào một soi, nơi những tiệm go-go bar điện đóm nhấp nháy mời chào. Những tay macô trẻ măng tóc vuốt keo bóng mượt, mặc sơmi trắng thắt cravate chỉnh tề, giúi tay từng người đàn ông đi qua những tờ rơi in hình các cô gái trong tình trạng cực kỳ thiếu vải: "15 đô, nếu chỉ nhìn và uống một ly bia"!

Có một toan tính nào đó lướt rất nhanh trên trán ông T. Nhưng ông không nói thêm gì nữa.

Anh chàng người Thái đương nhiên không dẫn chúng tôi vào bên trong. Anh là nhân viên chính phủ, chứ không phải tour guide. Đưa chúng tôi đến đây là quá với phận sự của anh rồi. Anh bảo: "Các vị cứ đợi, thỉnh thoảng họ lại kéo riđô che cửa cho người đi qua nhìn vào bên trong đấy. Tha hồ mà ngắm". Quả nhiên, vài phút sau một chàng macô kéo rèm và bên trong hiện ra quang cảnh cực kỳ kích động: Những cô gái hầu như khoả thân uốn éo trên chiếc bục cao bên cạnh những cột inox bóng loáng.

Tất cả chỉ kéo dài trong vòng 15 giây, đủ để chúng tôi chép miệng tiếc rẻ. Người Thái cười: "Thôi, đã 9 giờ rồi. Tôi phải đưa quý vị về khách sạn". Chúng tôi khó nhọc lách qua biển người chật ních trong con soi nhỏ ra đường Silom lên xe về khách sạn. Dọc đường đi chẳng ai nói với nhau câu nào.

Khoảng 10h xe mới về được đến Khách sạn Imperial Queen's Park nơi chúng tôi ở. Tôi ở cùng phòng với ông T. Khi tôi đang mải mê ngắm nhìn khung cảnh Bangkok ban đêm từ tầng 22, thì có chuông điện thoại. Ông T nghe máy và nói: "Vâng, tôi xuống ngay đây". Rồi ông quay sang tôi: "Mấy anh bạn chú bên thương vụ đang đợi dưới lobby, chú xuống gặp họ một lát". Tôi đi tắm và lát sau chìm vào giấc ngủ.

Khá lâu sau, tôi nghe tiếng lục cục. Tôi cựa mình mở mắt thì thấy ông T đang lúi húi bên chiếc vali của ông. "Chú đấy ạ?" - tôi hỏi. Không quay lại, ông đáp: "Ừ!". Ông đóng vali để vào chỗ cũ rồi lặng lẽ đi ra.

Tôi sẽ chẳng thể nào biết được chuyện gì đã xảy ra với ông T, nếu sau đó 2 năm không tình cờ gặp lại ông ở đám cưới một người bạn. Lúc này ông đã về hưu, đã trở thành một người bình thường. Hai chú cháu ngồi cùng bàn và cùng nhớ lại ông H và những kỷ niệm ở Bangkok. Đột ngột, ông hỏi: "Mày có biết cái đêm chú về mở vali là chú đi đâu không?". Tôi nói không. Quả thực tôi vẫn đinh ninh ông đi gặp mấy "anh bạn thương vụ". Hoá ra lại chẳng phải như vậy.

Cú điện thoại lúc sau 10h đêm chính là từ ông C. Hai ông thống nhất với nhau quay trở lại Patpong ngay đêm đó và dàn cảnh gọi điện để khỏi phải mang tôi theo. Hêhê, vì hai ông có tiền, tự nhiên lại bao thêm tôi làm gì???

Ông T xuống lobby thì ông C đã đợi sẵn ở đó. Hai ông vẫy taxi và đi đến đúng cái quán go-go bar ghi trong tờ rơi. Bọn macô đón hai ông như những ông hoàng. Các cô gái xúm vào. Ông C dõng dạc nói: "Nô gơn. Xi ôn li" (No girls, see only). Tay macô hỏi: "Beer?". Ông C lần này không nói "dạ" nữa, mà nói OK! Ông thừa hiểu: Dạ là đối nội, còn OK mới là đối ngoại.

Hai ông nhấm nháp ly bia mát lạnh, thích thú theo dõi các màn múa kích động của các cô gái, nhưng cố giữ im lặng chứ không ồ à như đám du khách phàm tục ngả ngớn xung quanh. Các cô gái cũng chẳng thèm để ý đến hai ông nữa, họ không đến nỗi thiếu khách. Hai ông không dám uống thả phanh, mà chỉ cho phép mỗi người thêm một ly.

Gần 1 giờ sáng, khi quán đã bắt đầu vãn khách, hai ông kêu bồi đến tính tiền để ra về và suýt bổ ngửa khi thấy cái bill cho vụ "ăn phở ngó" + 4 ly bia và vài ba gói đậu phộng có tổng là 150 USD.

Nhưng mà hai ông đã tính nhẩm rồi nên chỉ mang theo 50 USD.

Với vốn tiếng Anh hạn chế, ông C cố gắng giải thích rằng chiểu theo quảng cáo trong tờ rơi, các ông chỉ phải trả 50 USD.

Bọn macô lột 50 đô đó và kiên quyết bắt các ông đưa thêm. Phải trả đủ!
Hai ông lộn hết túi quần túi áo mà chúng vẫn không chịu.

Bọn chúng chỉ vào ông T: Du gô hô ten, măn ni! (Thằng này về khách sạn lấy tiền), chỉ vào ông C: Du stây hia (Thằng này ở đây). Vẻ đàng hoàng thường ngày của ông C biến mất, ông gần như mất hết nhuệ khí. Ít ra vào lúc đấy ông T vẫn còn giữ được bình tĩnh và ngoan ngoãn gật đầu. Một tay macô áp tải ông T lên taxi về tận khách sạn và chờ ở dưới.

Lấy được tiền, ông T lộn trở lại Patpong giải thoát cho ông C. Ông cú nhất là thẳng macô bắt ông tự trả tiền cho cuốc taxi, chứ nhất định không chịu chi.

Ông T kết luận: "Sau này chú mới biết là cứ thấy ai lớ ngớ, không biết tiếng Anh là chúng nó đều thịt kiểu ấy. Giá hôm đấy cho cả mày đi cùng thì có khi lại không mất 100 đô!".

Tôi cười tít mắt: "Hè hè, ai bảo chú ăn mảnh! Nhưng mà biết thế nào? Nhỡ đâu lại mất 200 thì sao. Có mỗi chú có ngoại tệ, chứ cháu lấy đâu ra!!!".

(còn tiếp)

26/9/06

TA Ở XỨ NGƯỜI (1)



Những câu chuyện mắt thấy tai nghe về người Việt chúng ta trong những lần ra nước ngoài...

THÁI LAN 7 - 1994

Tháng Bảy năm 1994, lần đầu tiên tôi được cử ra nước ngoài để hành nghề trước thềm một hội nghị cấp khu vực.
Đi cùng tôi là 4 đồng nghiệp nữa. Nước đến là Thái Lan.

Thời ấy, nhà ta vẫn cử người đi theo dạng giải quyết chính sách, chế độ. Bốn bác kia đều ở tuổi trên 50, trong đó có một bác đã ngấp nghé lục tuần. Cả đời cống hiến, đi nước ngoài một lần để biết đó biết đây, về hưu khỏi tiếc. Đương nhiên, cả bốn bác đều thuộc diện có sao có vạch. Chỉ có mỗi tôi là U30. Chỉ có mỗi tôi là chẳng sao chẳng vạch.

BANGKOK KHÔNG CÓ XE LADA

Xin bắt đầu câu chuyện từ ông H. Ông trưởng thành từ anh thông tin viên cho đài truyền thanh huyện, từng là thợ mộc rất giỏi trước khi chuyển sang nghề báo. Tôi chẳng thể nào biết được nghề nghiệp cũ của ông, nếu không có vụ khai CV. Do không biết tiếng Anh nên ông nhờ tôi khai giúp. Ở cái mục nghề nghiệp, ông nói: "Nghề cũ hay hiện nay hả cậu? Nghề hiện nay thì họ biết tỏng rồi còn hỏi làm gì? Còn nghề cũ thì trước đây tớ làm thợ mộc"! Và ông khoe có lần đã bị tràng hay đục gì đó giáng vào tay, khiến một cánh tay bị tật, không dài được bằng tay kia.

Sân bay Nội Bài hồi đó còn là cái nhà cấp 4 thấp lè tè. Ô tô UAZ của cơ quan chở tôi ra sân bay một mình. Ra đến nơi thấy ông H được đoàn bầu thê tử đông đảo đưa tiễn, trong đó cả bà mẹ 80 mắt mũi kèm nhèm. Ô hay, đi Thái Lan có một tuần việc gì mà phải huy động đến nửa huyện đi tiễn thế nhỉ? Ông H cười: "Cả nhà chưa ai nhìn thấy sân bay với cái tàu bay, nên tiện thể cho đi để biết".

Sau màn chia tay bịn rịn của ông H (bà mẹ lấy khăn mặt chấm mắt, không rõ xúc động mà khóc hay do cặp mắt kèm nhèm), chúng tôi lên máy bay và hai tiếng đồng hồ sau đã được nghe "Vén khẩm tù Bèng coọc!" (Welcome to Bangkok).

Ông H quả là nhà báo danh bất hư truyền. Chỉ sang đến ngày thứ 2 ở Bangkok, ông đã oang oang thông báo phát kiến cực kỳ độc đáo: "Ơ, ở đây chẳng có cái xe Lada nào nhỉ???" Báo hại những người khác phải ra sức giải thích rằng đây là nước tư bản, rằng Liên Xô không bán xe sang đây, nhưng ông vẫn làu bàu: "Biết thế, nhưng mà ít nhất cũng phải có vài chiếc chứ???" Cha mẹ ơi, không có trạm dịch vụ bảo dưỡng, thì có các vàng dân Bangkok cũng chẳng dám đi xe Lada.

Trưa phía Thái dẫn đi ăn. Lịch sự hỏi uống gì, ý chủ yếu là chọn gì trong số nước suối, hoặc Coca, hoặc Pepsi, hoặc 7up. Ông H quả quyết: "Tôi uống bia", khiến anh bạn Thái ngạc nhiên: "Chiều nay ông còn làm việc cơ mà?". Ông H hề hề: "Ở Hà Nội, trưa nào tôi cũng uống bia". Rõ ràng thói quen Hà Nội của ông mới là tiêu chuẩn. Người ta đành chiều ông.

Ăn xong thì cũng đã 1h30. Buổi làm việc tiếp theo diễn ra vào lúc 3h. Lên xe, ông H ra lệnh: "Cho tôi về khách sạn". Anh bạn Thái sửng sốt: "Về khách sạn làm gì?". Ông H đáp: "Tôi cần ngủ trưa". Anh bạn Thái giải thích: "Bangkok kẹt xe. Từ đây về khách sạn mất cả tiếng đồng hồ, chúng ta sẽ không kịp dự cuộc họp sau". Một đồng nghiệp chép miệng: "Ông cứ ngủ tạm trên xe vậy". Ông H xoa bụng, ợ một tiếng rõ to rồi nói: "Chán nhể, ở Hà Nội hôm nào tôi cũng phải ngủ trưa". Rồi ông ngủ thật.

5 ngày sau cứ diễn ra với nhịp độ như thế. Trưa nào ông cũng đòi uống bia, rồi gục đầu ngáy như sấm trên xe, khiến tất cả những người Việt khác đều ngượng. Nhưng ngủ trên xe, dẫu đệm êm, điều hoà mát lạnh cũng không thể bằng ngả lưng trên cái bài làm việc trong bureau của ông ở Hà Nội. Đến ngày thứ tư, ông than thở: "Khổ quá, ở Tây (Thái Lan cũng là Tây với ông rồi) mà cứ thế này thì khổ quá. Ở Hà Nội tôi chẳng khổ thế này!".

Thế rồi cũng đến ngày trở về Hà Nội. Lên máy bay, lớ vớ thế nào tôi lại ngồi cạnh ông H. Tôi ngồi ghế giữa, còn ông H ngồi ghế sát lối đi. Trong cùng sát cửa sổ là một anh Tây béo mập. Ông H cứ liếc nhìn ông Tây, áy náy điều gì đó mà mãi sau tôi mới lý giải được.

Khi tiếp viên yêu cầu thắt giây an toàn, thấy tôi loay hoay, ông H đập vai: "Thắt làm quái gì. Máy bay mà rơi thì đằng nào cũng tan xương nát thịt". Sau vài lần nhắc nhở, thấy ông kiên quyết không thắt, một tiếp viên nam người Thái cao to lực lưỡng phải đích thân thắt dây an toàn cho ông.

Máy bay cất cánh. Ông H cứ nhấp nhổm: "Không biết dưới kia thế nào nhể?". Tôi bảo: "Anh ngồi yên đi!". Nhưng câu nói của tôi như đổ dầu vào lửa. Ông H đột ngột tháo dây an toàn và đứng dậy, vươn người qua ghế tôi, dí sát mặt vào cửa kính của ông Tây để thưởng ngoạn cú cất cánh ngoạn mục của máy bay Boeing. Ông reo lên hân hoan: "Mịa, sân bay Bangkok đẹp thật ông ạ!".

Hai tiếp viên vội vã chạy đến, kéo ông H ra khỏi ô cửa và ấn ông ngồi xuống. Tiếp viên nam lại thắt dây an toàn "trói" nghiến ông vào ghế ngồi. Ông H ơ ơ nhưng rồi cũng chịu ngồi im. Dẫu sao thì ông cũng đã thực hiện được khát vọng nhìn xuống phía dưới của mình. Ông đung đưa đôi chân, lim dim cặp mắt, từ cổ họng phát ra giai điệu gì đó đầy khoan khoái.

(còn tiếp)

25/9/06

SÔNG CẠN



Truyện ngắn của HỒ ANH THÁI

Sau gần một thập niên thay đổi phong cách với những tác phẩm hiện thực khắc nghiệt và bút pháp trào phúng chua chát, nhà văn Hồ Anh Thái đột ngột quay lại với phong cách lãng mạn cổ điển đã được độc giả vô cùng thích thú trong các tác phẩm lấy cảm hứng từ Ấn Độ. Tuần trước báo Văn Nghệ đã đăng "Sông cạn" - sáng tác mới nhất của anh. Truyện ngắn này khiến tôi ngỡ ngàng vì không thấy có khoảng dừng 10 năm giữa hai phong cách sáng tác của anh. Một câu chuyện đậm chất huyền thoại, có xen lẫn phong cách báo chí. Xin giới thiệu cùng các bạn.

SÔNG CẠN


Đêm cuối cùng.

Những giờ khắc cuối cùng cạn dần theo đĩa đèn dầu. Cả kinh thành đã chọn sáng sớm ngày mai là thời điểm thất thủ.

Thất thủ. Toàn bộ tướng lĩnh binh sĩ, toàn bộ đàn ông trong thành sẽ mở cổng thành xông ra quyết tử. Toàn bộ phụ nữ và trẻ em trong thành sẽ nhảy vào giàn thiêu. Một cuộc tự sát tập thể.

Jauhar. Đấy là cuộc tự sát tập thể của những người đàn bà khi cha chồng anh em trai của họ không giữ được thành. Kẻ thù giết sạch những dũng sĩ và tiến vào trong thành. Nhưng thành quách sẽ không còn một bóng đàn bà trẻ em. Chỉ có những giàn thiêu cực lớn khói lửa ngút trời. Jauhar. Phụ nữ của giới dũng sĩ Rajput tuân thủ chế độ một vợ một chồng. Chồng chết thì vợ góa chết theo trên giàn hỏa táng để bảo toàn phẩm hạnh. Đấy cũng là cách giảm bớt gánh nặng cho cộng đồng. Cộng đồng sẽ không phải khó khăn phiền phức với những người góa phụ còn trẻ mà không đi bước nữa. Đó là chưa kể họ có thể rơi vào tay quân thù.

Thành Chittor ở gần sa mạc miền tây Ấn Độ. Ba lần thành bị thất thủ. Ba lần đàn ông bị tàn sát tập thể. Ba lần đàn bà tự sát tập thể. Đẳng cấp dũng sĩ Rajput quyết tử trong chiến trận chứ không chịu bị bắt làm tù binh. Một khi họ chết thì đàn bà chỉ chọn cách chết theo như ta đã biết. Lần thứ nhất là năm 1303. Lần thứ hai năm 1535. Lần thứ ba 1568.

Chuyện đang kể là lần bi thảm nhất. Năm 1535.

Nàng Manju đi dựng giàn thiêu suốt ngày hôm ấy. Toàn bộ đám đàn bà và trẻ em đi dựng giàn thiêu. Thêm mấy đại đội dũng sĩ đến hỗ trợ. Giàn thiêu dựng quanh hồ nước chu vi hơn một cây số. Tất cả gỗ cây gỗ súc gỗ tấm trong thành. Tất cả đồ gỗ trong thành. Giường tủ bàn ghế cửa chính cửa sổ. Khuân ra tháo ra dỡ ra. Mang ra đến giàn thiêu thì được chặt được bẻ được xếp lại. Giàn cao hơn mặt đất gần một mét, có bậc gỗ để leo lên. Dài hai mươi mét. Rộng mười mét. Có cả trăm cái giàn thiêu như thế vây quanh hồ nước. Sẵn sàng.

Manju trở về nhà đã gần mười giờ đêm. Nàng mở rương quần áo tìm trang phục cho mình ngày mai. Nàng chọn tấm sari màu trắng. Phụ nữ Ấn Độ mặc màu trắng trong đám tang chồng. Ngày mai toàn bộ phụ nữ trẻ em đều mặc màu trắng. Nàng tìm tấm áo choàng cho chồng. Ngày mai toàn bộ tướng sĩ đều mặc áo choàng màu vàng nghệ. Màu biểu tượng trí dũng và hy sinh của các dũng sĩ Rajput. Màu tượng trưng cho lửa, lửa lại hỏa thiêu tất cả những gì ô uế. Màu vàng vì vậy là sự trong sạch kiêu hùng.

Không ai ngờ tấm áo choàng của đàn ông trong nhà, chỉ dùng vào những dịp lễ trọng, giờ lại phi lôi ra từ đáy rương sửa soạn cho lần xả thân cuối cùng. Đàn bà trong tất cả các nhà đêm nay đều đang lấy áo choàng ra. Áo của cha của chồng của chú của bác của anh của em. áo màu lửa. Ngày mai những tấm áo này sẽ nhuộm máu. Lửa và máu.

Đã muộn. Nhưng Manju không được nghỉ. Đêm nay kinh thành nào có ai được nghỉ. Manju giở tấm áo choàng ra thì mới nhớ. Cái miếng rách trên lưng áo chồng, nàng đã định vá lại ngay từ ngày ấy, thế mà nàng đã quên. Giờ thì miếng rách vẫn còn đấy trong ánh đèn leo lét.

Không tìm thấy kim chỉ. Chắc là hộp kim chỉ lăn lóc đâu đấy sau một ngày khuân vác đồ gỗ và giật tung những cánh cửa. Mười chín tuổi, mới lấy chồng hai năm, chưa con cái, nàng không phải bận rộn vá may như những người đàn bà khác. Kim chỉ lâu rồi nàng cũng không nhớ nó ở chỗ nào.

- Trong nhà có kim chỉ không?

Nàng qua nhà chị hàng xóm thì thầm. Bên ấy đàn ông cũng lên hết vọng gác mặt thành. Chồng nàng cũng lên vọng gác rồi. Chàng chỉ huy đại đội của mình đêm nay canh gác, đề phòng kẻ thù bên ngoài thành tấn công bất ngờ trước buổi sáng. Thành thất thủ theo đúng giờ chủ động của các dũng sĩ. Thành không chịu thất thủ vì bị tấn công bất ngờ.

Chị hàng xóm thận trọng tìm khắp nhà. Không gây tiếng động. Ba đứa trẻ nhà chị mệt mỏi đã thiếp đi. Ngày hôm nay chúng theo người lớn đi dựng giàn thiêu. Nhưng chúng không biết ngày mai mình phải chết. Người lớn nói dối chúng giàn thiêu để cúng tế. Mệt mỏi làm chúng ngả người là ngủ ngay. Giấc ngủ như mọi đêm. Mẹ chúng thì vẫn loay hoay lục tìm kim chỉ trong nhà. Không tìm thấy.

- Trong nhà có kim chỉ không?

Manju lại chạy sang nhà khác.

Cô hàng xóm lấy chồng mới được một năm. Bụng mang dạ chửa. Cô đang áp cho mấy cái bánh bột mì chappati và nấu bát xúp đậu xanh. Bữa ăn cuối cùng. Lát nữa chồng cô sẽ ghé về chốc lát. Tất cả đều đang đói. Thành bị vây hãm hơn một tháng rồi. Vũ khí cạn kiệt. Lương thực cạn kiệt. Lý do nhà vua ra lệnh chọn ngày mai thất thủ. Còn tinh thần đủ cho dũng sĩ Rajput chiến đấu hàng năm trời.

Cô hàng xóm bụng chửa cũng không tìm thấy gì trong nhà.

Manju đi sang nhà khác.

Đêm đầy sao. Khí lạnh từ sa mạc tràn sang bao bọc cả kinh thành trên đỉnh núi.

Thành. Đứng ở chân núi giờ này ngước mắt nhìn lên thành Chittor, ta sẽ tin đây chính là Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc. Những bức tường thành chạy ngoằn ngoèo từ núi này sang núi khác. Như là bất tận. Lửa lập lòe những vọng gác trên tường thành. Như là bình thường.

Kẻ thù bên ngoài thành biết là bên trong đã nguy khốn lắm rồi, nhưng không biết rằng trong thành đã chọn sáng ngày mai.

Manju không lên mặt thành. Chồng nàng ở trên ấy, nhưng đêm khuya thế này khó tìm, như hưởng đến quân lệnh quân luật. Nàng biết dù thế nào từ giờ đến sáng chồng nàng cũng về nhà để lấy tấm áo choàng. Tất cả đàn ông sẽ về nhà để lấy áo choàng.

Áo choàng. Một vết rách. Sau đám cưới kéo dài hơn một tuần, thông thường cô dâu chú rể đều kiệt sức. Các loại lễ nghi. Các thủ tục phi làm. Các nhân vật khác nhau phi tiếp. Tập tục. Kết thúc một tuần đám cưới, dâu rể đều hao mòn, có người đứng không vững. Manju và Ravi thì không. Họ quất ngựa chạy dọc theo tường thành xuống núi. Họ lao ra khỏi thành hướng về phía sa mạc. Cát vàng đến tận chân trời. Một dòng sông thiêng cổ đại đã lạc lối vào sa mạc này rồi hoàn toàn biến mất.

Sông Sarasvati. Chỉ còn lưu lại trong những truyền thuyết. Chỉ còn lại cái tên. Sarasvati là tên vợ Thần Sáng Tạo Brahma. Nữ Thần Tri Thức, Nữ Thần Thơ Ca Nhạc Họa. Các bậc trí gi thờ thần. Các tài tử văn nhân thờ thần. Ai muốn con cái có học thì thờ thần. Người ta lấy tên thần đặt cho con gái mình.

Cặp vợ chồng mới cưới dừng ngựa trong một ốc đảo. Cái nóng mặt trời lúc này sánh sao được cái nóng của chính họ. Lại nữa, ốc đảo có cây xanh cũng dịu mát. Hai người hy vọng tìm ra dấu tích của dòng sông ngu ngơ lạc lối vào sa mạc. Sông đã thành sông cạn. Sông cạn đã hoàn toàn mất tích. Hàng nghìn năm rồi còn gì. Có khi nó đang nằm im dưới ốc đảo này, dưới cát kia, dưới đám xưng rồng kia. Nữ Thần Tri Thức đang im lặng khuất mặt, như tri thức đích thực hiếm khi ồn ào lộ diện phô trưng.

Họ đã nằm xuống bên cạnh đám xương rồng từ lúc nào. Có một hàng rào xương rồng bỗng trở nên cao hơn tầm nằm của hai người, che khuất họ trong lòng ốc đảo. Lúc này thì có một dòng sông ào ạt trào dâng.

Đi tìm một dòng sông đã mất. Kỷ niệm không bao giờ quên trong đời cặp vợ chồng. Chỉ có một sự cố. Tấm áo choàng dũng sĩ của Ravi bị gai xương rồng cào rách một miếng. Cơn cuồng hoan bên đám xưng rồng gây ra vết rách.

Manju ân hận đã quên suốt hai năm nay không vá lại áo cho chồng. Lại phải đúng vào cái đêm cuối cùng này số phận bắt nàng nhận ra lỗi của mình.

Nàng quay về nhà thì thấy Ravi đã về từ lúc nào.

Vợ chồng son. Ưu thế là vào lúc nửa đêm như thế này họ có thể cùng ra khỏi nhà mà không vướng bận. Đi. Lần này thành đang bị vây hãm, không thể quất ngựa ra khỏi thành được. Nhưng vẫn biết bên ngoài thành kia là mênh mông tự do. Mênh mông sa mạc. Hai người có thể cảm thấy sa mạc trong khí lạnh từ đó tràn về. Cảm thấy sa mạc trong mùi cát. Và một con sông nằm lặng lẽ dưới tầng tầng lớp lớp cát và cát.

Cặp vợ chồng đổ xuống trong một vườn cây gần chợ. Chốn tấp nập ban ngày bây giờ không một bóng người. Dưới một gốc cây vô ưu cổ thụ. Đêm cuối cùng. Không biết có phải là đêm ân ái cuối cùng của các cặp vợ chồng hay không. Tranh thủ một lần cuối. Những dũng sĩ luân phiên cắt nhau trực, tranh thủ ghé về nhà. Những người vợ đêm ấy không ngủ. Tất cả đều ngồi chờ chồng về. ám nh về cái chết tập thể ngày mai liệu có đem lại cho họ hưng phấn vào lúc này hay không.

Manju bật lên một tiếng kêu. Nàng vẫn thường bật lên một tiếng vào lúc ấy. Lần này cũng là tiếng bật ra từ cực cảm. Nhưng lời lẽ thì như buột mồm. Như bị ám ảnh.

- Trong thành đêm nay không nhà nào có kim chỉ.

Buột miệng. Rồi nàng nhắc cho chồng nhớ về tấm áo choàng bị rách. Nhưng họ không còn nhiều thời gian nữa. Không thể chạy qua tất cả các nhà hỏi xin kim chỉ. Không thể quấy rầy tất cả những cặp vợ chồng tráng sĩ. Người ta đang ở bên nhau những giờ phút cuối cùng.

Sáng tinh mơ hai vợ chồng chia tay. Ravi trở lại với đại đội của chàng đang tập hợp trong cổng thành. Manju đi qua các nhà đôn đốc những người đàn bà gọi con cái dậy. Từng đoàn người trang phục màu trắng đi ra phía hồ. Đông người mà rất yên lặng. Như là họ đi viếng một đám tang của ai khác. Các giàn thiêu được chia theo phường theo cụm theo tổ. Những gia đình hàng xóm láng giềng chung nhau một giàn thiêu. Tự lo lấy gỗ lấy dầu lấy lửa cho giàn thiêu của mình.

Manju được phân công đứng quan sát trên tháp cao và đánh tín hiệu nổi lửa.

Đúng giờ. Không còn một tia hy vọng sẽ lật ngược thế trận. Không một hy vọng vào phép lạ che chở của Thần Bảo Vệ Vishnu. Không có một điều lành nào bất ngờ đến vào phút cuối. Vị tiểu vương ra lệnh quyết tử. Chính ngài ngồi trên một con tuấn mã dẫn đầu. Vị tể tướng cùng bao nhiêu tướng lĩnh của ngài đều dẫn đầu. Tất cả hơn ba vạn binh lính. Tất cả đều áo choàng màu vàng nghệ.

Một tiếng súng thần công nổ vang. Hiệu lệnh cho đoàn tướng lĩnh. Cổng thành lừng lững mở ra nhanh chưa từng thấy. Người ta đã tra dầu vào các bản lề và chuẩn bị chu đáo từ hôm trước. Cánh cửa nặng cả tấn mở như được giật phắt ra.

Một tiếng gầm của đoàn quân quyết tử. Hơn ba vạn người trên lưng ngựa lao từ trong thành ra. Cuộc huyết chiến mặt giáp mặt với đoàn quân Hồi giáo của vua Bahadur Shah. Từ trên tháp cao, Manju thấy những dũng sĩ áo choàng lửa lao ra khỏi thành, nhanh chóng lan ra tỏa ra tràn ra phình ra. Trùm lấp lên đội hình địch. Một dòng sông màu vàng.

Binh khí va nhau. Gào thét. Tên bay vun vút. Những ngọn giáo xé gió cắm phập vào mục tiêu. Những nhát chém nhát xả. Cho đến khi không còn thấy dòng sông màu vàng nữa. Nó đã bị lực lượng quân thù đông gấp bội xẻ nhỏ ra, làm cho tan tác. Vương vãi khắp bãi chiến trường.

Giờ mới đến lúc của đám đàn bà đang chờ đợi trên những giàn thiêu. Giờ mới thực sự tuyệt vọng. Cánh đàn ông của họ đều chết hết ngoài kia. Không còn ai bảo vệ họ nữa. Từ trên tháp cao, Manju gi hai tay lên cao. Sẵn sàng chưa. Chị hàng xóm ở bên dưới gi cao một tay ra hiệu lại. Chúng tôi đã sẵn sàng. Manju quật nhanh hai tay xuống. Hiệu lệnh nổi lửa.

Những người đàn bà được phân công trực bên cạnh giàn thiêu lập tức vồ lấy những thùng dầu đặt sẵn ở cạnh đó. Họ vừa chạy quanh giàn thiêu vừa xối dầu vào những súc gỗ. Dầu tích trữ từ các kho nhiên liệu đã được đưa hết ra. Thứ bơ tinh khiết cất từ sữa, vốn dùng để đốt đèn cúng tế trong các nghi lễ thiêng.

Dội hết dầu thì họ châm lửa. Manju nhìn thấy chị hàng xóm bịt mắt bịt mũi hai đứa nhỏ đứng cạnh. Hình như có đứa khóc ngằn ngặt ho sặc sụa vì lửa khói. Những người đàn bà lập tức bịt mồm lũ trẻ và giữ chặt không cho chúng làm rối loạn đội hình. Trên giàn thiêu cũng phải trật tự. Bản thân những người đàn bà thì nhắm mắt lẩm nhẩm cầu nguyện. Cũng có thể là những câu mantra thần chú. Tiếng lầm rầm nổi lên lan ra. Chỉ chốc lát đã vang vọng khắp quanh hồ nước. Vang khắp thành.

Manju rời tháp cao chạy xuống. Nàng thoáng thấy từ bên ngoài bắt đầu có những toán binh lính địch phi ngựa lao vào trong thành. Nàng chạy xuống đến chân tường thành thì cũng là lúc một tiểu đội kỵ binh đang phi về phía giàn thiêu. Nàng vén cao tấm sari cho nó khỏi quấn vào chân mà chạy. Chạy và vấp ngã. Nàng phi chết trên giàn thiêu. Lửa sẽ hủy diệt và tiêu tan mọi uế tạp và ô nhục của cõi trần. Lửa thanh lọc cho con người. Nàng không thể chết vì những bàn tay nhơ bẩn. Nàng chạy. Vấp. Ngã. Rồi chồm dậy chạy tiếp.

Một kỵ binh lướt nhẹ tới áp sát nàng. Chỉ còn dăm bước chân nữa là đến giàn lửa. Gã kỵ binh cúi xuống túm được mép sari vắt trên vai Manju. Nàng vẫn chạy. Sáu mét vải quấn quanh người nàng gỡ dần ra trong khi nàng vừa chạy vừa quay như một con quay. Đám lính tráng xâm lăng đã thành công như vậy với nhiều đàn bà con gái bị chúng tóm được. Túm chặt lấy mép sari mà kéo. Tấm sari gỡ dần ra cho đến lúc hết sáu mét vải, người đàn bà rơi vào thế hầu như khỏa thân. Phản ứng tự nhiên của họ là phi chạy ngược trở lại. Ngược trở lại tức là tự nộp mạng.

Manju không nộp mạng. Cả thân hình thiếu phụ quay tròn. Quay tít. Hướng về phía giàn thiêu. Tấm sari gỡ ra thoăn thoắt. Dứt ra khỏi người nàng. Một tòa thiên nhiên ngọc ngà vụt thoát ra khỏi tấm sari. Một bóng trắng hồng bay vào giàn lửa.

Kịp lúc con ngựa hí lên hoảng loạn, tung bổng hai vó trước dựng đứng lên. Nó bị bức tường lửa hất ngược trở lại.

Năm 1535 ông vua Bahadur Shah từ vùng Gujarat đến vây hãm thành Chittor cho đến khi quân trong thành phi chịu thất thủ. Thảm họa lớn nhất trong lịch sử xảy ra với những dũng sĩ đẳng cấp Rajput. 32.000 dũng sĩ mở cổng thành lao ra cảm tử, trong khi 13.000 phụ nữ và trẻ em tự sát trên một giàn thiêu tập thể.

Trên bãi chiến trường bên ngoài tường thành, viên tướng của vua Bahadur phi ngựa lướt qua những cánh quân Rajput nằm la liệt trong vũng máu. Khí hậu sa mạc ngay từ sáng sớm đã nắng nồng. Máu vừa đổ ra đã tanh. Từng đàn kền kền khổng lồ đã bay lượn đen đặc sửa soạn đáp xuống. Từng đàn quạ lượn lờ chờ đợi bay ở trên cao. Viên tướng nhìn thấy Ravi. Chàng trúng một mũi giáo từ phía trước ngực, xuyên thấu ra sau lưng. Chàng ngã từ trên ngựa xuống trong tư thế ngồi gập về trước, như đang ôm lấy cây giáo. Lạ nhỉ, viên tướng nghĩ, mũi giáo xuyên qua chỗ này nhưng lại xé rách áo ở chỗ khác.

Thì đúng là như vậy. Mũi giáo xuyên qua lưng chàng Ravi, ngay bên cạnh cái vết rách khiến đêm qua cặp vợ chồng phi bận tâm.

Nhưng bây giờ nó chẳng còn nghĩa lý gì.

CHỮ V CỦA TUYÊN



Một tuần mới lại đến. Tuần đầu tiên sau khi tôi bước qua ngưỡng cửa 40. Lời chúc mừng sinh nhật (có lẽ là cuối cùng) đến từ Tuyên.

Tôi vừa có ý mong, vừa có ý không, bởi vì tôi biết Tuyên đang phải đối mặt với thử thách cam go. Nhưng cuối cùng message của Tuyên cũng xuất hiện, khiến tôi trào nước mắt: "Thằng em giai ở xa chúc mừng sinh nhật anh nhé. Mấy ngày vừa rồi em không thể lên mạng, chắc bác cũng hiểu cho em nhỉ? Cầu chúc cho người anh lớn của em luôn gặp được mọi điều mà anh hằng mong. Cám ơn anh nhiều lắm". Ngược lại, anh phải cám ơn em! Cám ơn em vì em đã mang lại nghị lực sống cho mọi người! Cám ơn em vì em đã cho tất cả mọi người thấy cuộc sống quý giá như thế nào và có ý nghĩa như thế nào! Cám ơn em vì em đã chứng minh rằng con người ta luôn cần lạc quan ngay cả trong những thời khắc cam go nhất!
Và cám ơn em vì rất nhiều những điều mà bản thân mỗi người tự thấy hữu ích khi đọc blog của em!

Tuyên Cuội của chúng ta đã lên blog trở lại tối 24.9, tay vẫn run rẩy sau một tuần điều trị tăng cường.

Cuội HK vẫn lạc quan như thế, với nụ cười trên môi và chữ V (Victory - Chiến thắng) trên tay.

Tuyên đã mang đến cho tôi niềm lạc quan mới.

Chúng ta hãy cùng lạc quan. Chắc chắn Tuyên sẽ chiến thắng và trở về.

Blog của Tuyên

23/9/06

BÌNH LIÊU



Thơ Ngô Mai Phong

BÌNH LIÊU (*)

Ruộng bậc thang trùng trùng
Những ngấn cổ phì nhiêu tràn từ đỉnh núi xuống
Bình Liêu vàng man dã

Tôi nằm thẳng căng trên cỏ
Tiễn biệt đám mây mùa thu đi sứ
Dưới thung kia
Dòng sông sôi sục réo
Lũ bò đực đang quần nhau vì một con cái non tơ
Những thiếu nữ ngũ sắc
Bắp chân đỏ tía búp chuối rừng
Khánh bạc ngân nga vó ngựa
Ru trái tim không sinh diệt của tôi

Ôi, khối đá mồ côi
Mềm mại như làn da báo lửa
Đất thơm quá mùi hương hồi
Thứ tặng vật không cầm nắm được
Tôi phát hiện ra chùm mua gầy gò
Tím đau thương bên lạch nước trong suốt
Tôi đã yêu cùng kiệt
Rửa tội cho tôi là loài hoa không chịu mọc trong vườn

Tôi, cánh chim suốt đời bay một mình
Và phút này mỏi mệt
Đáp xuống cánh đồng tràn ngập nắng cao nguyên
Cánh đồng không em
Không cả giấc mơ buồn...

____
(*) Bình Liêu: Một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh

Ảnh từ Internet của Adrienne Adam

CẢM ƠN!



Xin chào tất cả mọi người,

Hôm qua là một ngày rất đặc biệt đối với tôi, nguyên nhân thì các bạn đều biết rồi.

Nhưng hạnh phúc nhất là lần đầu tiên nhận được những lời chúc mừng của các blogger, gồm những người đã biết mặt, những người mới biết tên, và cả những người chưa biết mặt chưa biết tên.

Các bạn đã khiến cho 22.9.2006 của tôi thực sự là một ngày đặc biệt. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì những tình cảm chân thành mà các bạn đã dành cho tôi.

Xin cảm ơn các bạn và mong rằng blogging sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta sinh động hơn, có ý nghĩa hơn.

22/9/06

I'M 40!



I'm 40!

Hôm qua nhận được mấy cái message chúc mừng tròn 40. Nghĩ cũng hơi tức vì mình chưa già đến thế.

Sáng nay thì 40 thật, nên chẳng còn thấy tức tối gì.

Từ sáng đã bị cơn lũ message nhấn chìm. Qua điện thoại di động, qua blog, qua email. Cám ơn tất cả mọi người.

Mình không già đi một tuổi, mà là già đi một thập kỷ. Từ nay được gọi là U50. Nghe cũng khiếp nhỉ?

Nhớ ngày nào cách đây 20 năm, mới ở Nga về, cả lũ sinh viên K17G sau đó là K17D tụ tập ở nhà mình. Bọn con gái trang điểm đẹp để chụp hình đen trắng, nghe nhạc Nga từ cái máy quay đĩa nhựa và chiêu đãi nhau bằng món bánh rán tẩm đường.

Thế mà 20 năm đã trôi qua. Vèo một cái trong chớp mắt. May mắn là toàn bộ đám bạn bè từ phổ thông đến đại học đều vẫn còn nguyên vẹn và sống không đến nỗi nào.

Ngày cuối cùng ở tuổi 39 mình đã giải quyết được một số khúc mắc. Có lẽ đó là món quà có ý nghĩa mà mình tự tặng mình, để bước sang tuổi mới với một tâm thế mới, không còn vướng bận những uẩn khúc buồn bực tích tụ trong thời gian qua.

Ồ, chẳng dám nói rằng sẽ lật sang một trang mới. Nhưng sau 4 thập niên sống ở trên đời mình thấy rằng tốt bao nhiêu cũng là chưa đủ; học bao nhiêu cũng là chưa đủ, tôn trọng và yêu thương mọi người bao nhiêu cũng là chưa đủ. Từ nay sẽ phải bao dung hơn, cố gắng làm những điều tốt cho mọi người nhiều hơn (tất nhiên trong giới hạn khả năng cho phép).

Đừng sợ tuổi 40. I'm 40 and I feel great!

21/9/06

THU HÀ NỘI, NHỚ SÀI GÒN



Hôm nay dậy sớm, đi làm sớm. Hà Nội đang vào tiết mạnh thu. Một buổi sáng mát mẻ và trong vắt. Những buổi sáng đẹp như thế không phải lúc nào cũng có, mà tiếc thay chúng càng ngày càng ít đi. Phần vì khí hậu thay đổi, phần vì cuộc sống trở nên bận rộn, sáng nào cũng ào ào vội vã đi làm, còn đâu tâm trạng để mà thưởng thức một buổi sáng đẹp nữa!

Nhưng hôm nay thì có. Cũng chỉ vì đột nhiên dậy sớm. Đi làm sớm và có thời gian. Tự cho mình ghé vào tiệm càphê "Nắng Sài gòn" trên đường Nguyễn Chí Thanh. Cái quán này mình chẳng thích. Nó ồn ào quá, bóng bẩy quá, nhạc to quá và tóm lại nói một cách nôm na là "Sài gòn quá". Nhưng bù lại, nó có mấy hàng ghế kê ở terrace nhìn ra đường khá phù hợp với khung cảnh một buổi sáng đẹp như hôm nay.

Có lẽ mình là một trong những vị khách đầu tiên của quán trong ngày, nên chọn được vị trí đẹp. Có khách, quán nổi nhạc. Nhạc Modern Talking từ thập niên 90. Hơi ồn, nhưng thôi, phong cách Sài Gòn mà. Mình cũng quen với Sài Gòn sau 3 tháng sống ở đó, nên không còn dị ứng như trước. Chọn một ly càphê đen đá, chọn thêm một bát hủ tíu cho nó đúng với cái không khí Nắng Sài gòn này.

Đúng lúc ấy thì nhận được tin nhắn của một người bạn từ Sài Gòn: "Hà Nội mùa thu chắc đẹp lắm? Nhớ bạn quá". Ô, mọi sự thật tình cờ. Và bỗng nhiên, mình thấy nhớ Sài Gòn. Nó khác hẳn nỗi nhớ Hà Nội mỗi khi mình ở xa. Lại mượn lời một ông nhạc sĩ Sài Gòn thì đó là "nỗi nhớ dịu êm". Sài Gòn chẳng có gì khiến người ta nhớ một cách quay quắt. Nhưng nó cũng đủ để mình, một fan Hà Nội bảo thủ, phải nhớ đến. Có lẽ không phải vì khung cảnh, hay vẻ đẹp này nọ. Bất cứ một thành phố nào chỉ đẹp khi ở đó ta cảm nhận được hơi ấm. Và hơi ấm thì chỉ có thể toát ra từ con người.

Nỗi nhớ Sài Gòn, vì thế đối với mình là nỗi nhớ đối với những con người cụ thể. Họ đã dành cho mình nhừng tình cảm tốt đẹp trong ba tháng sống ở thành phố nắng và mưa triền miên đó. Dẫu rằng trong 90 ngày ở SG cũng có những ngày khó khăn và thử thách nhất trong cuộc đời mình, mình phải đối mặt với những con người thật khủng khiếp, song những tình cảm nhân hậu vẫn vượt lên trên. Giờ đây khi thử thách đã đi qua và mình ngồi nhớ lại, thì những gương mặt quái ác kia trở nên thật nhạt nhoà, không đủ sức ngăn chặn cái cảm giác hơi sến: nhớ Sài Gòn.

Chưa có thu nào nhớ về Sài Gòn. Ngày cuối cùng trước ngưỡng cửa 20x2, mình đột nhiên nhớ Sài Gòn. Thế cũng là một điều may. Một dấu hiệu biến chuyển mới. Hy vọng thế.

20/9/06

NHÀ BÁO TỐNG TIỀN - CÂU CHUYỆN ĐAU LÒNG



Bài từ blog của trithuc

Trưa, đang chuẩn bị ăn cơm lành mạnh thì hai cuộc gọi đến. Rung hết cả bàn ngồi. Đang nghe cuộc này thì có tín hiệu cuộc nữa. Thông tin đến thật bất ngờ (nhưng có lẽ không khó hiểu lắm, với mình và với cả nhiều người cùng trường, cùng khoá nữa): H.S bị công an bắt, vì tội tống tiền doanh nghiệp, tiền đô hẳn hoi, lại tới cả 5 con số nữa. Kinh hãi quá!

Cảm giác đầu tiên là đớn đau, xót xa; dù đã lâu mình không gặp H.S, đã lâu chẳng liên hệ gì, dù chỉ là qua điện thoại. Nhưng ít ra thì cũng là đồng nghiệp, là học cùng lớp, cùng trường. Hồi còn học, S còn là lớp trưởng nữa chứ. Mình còn nhớ như in, ngày đầu nhập học, thấy S. (lớn tuổi hơn mình nhiều) đứng trên bục giảng hẳn hoi, phổ biến công tác lớp, nội quy sinh hoạt... mà thấy vô cùng đáng nể. Lúc ấy, mình chỉ mong rằng một ngày nào đó, sẽ được nói chuyện với S. là đã thấy xa vời vợi rồi. Tất nhiên, học hành rồi, nghề nghiệp rồi (mình viết bài từ trong trường, chủ yếu để kiếm... nhuận bút tiêu thêm thôi), cũng lớn lên rồi thì chuyện của ban đầu bỡ ngỡ cũng qua đi thôi. Nhưng mình (và có lẽ nhiều người khác nữa) nhận ra một điều rằng, con đường sống không gặp nhau. Thế nên ít liên hệ. Cũng chẳng có tư cách gì mà khuyên nhủ...

Cũng hơn 10 năm ra trường rồi. Cũng có nhiều người cùng khoá thay đổi lắm rồi, dù ít liên hệ với nhau nhưng thông tin thì không thiếu thốn lắm. Lên chức có. Nghề nghiệp thăng tiến cũng nhiều. Cũng còn có những người vất vả, lận đận... Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh mà. Thực sự thì cũng ít người có cơ hội giúp đỡ nhau.

Cũng hơn 10 năm ra trường rồi. Hơn một thập kỷ. Quãng thời gian ấy, có thể rất ngắn trong đời một con người; nhưng cũng có thể nó đã dài dằng dặc rồi. Quãng thời gian ấy, có thể chúng ta đã học được nhiều thứ, cũng có thể chúng ta đã mất mát đi quá nhiều mà không hề hay biết. Hơn một thập kỷ rồi, nay nghe tin S. bị bắt vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp (mình không hề muốn nói vi phạm pháp luật, vì đạo đức nghề nghiệp với nhà báo lớn lắm). Mông lung quá. Mấy người bạn cũng bảo, chỉ thương cho vợ con S. Giờ thì biết làm sao đây, sẽ bươn chải với cuộc sống thường nhật thế nào đây? Gặp bạn bè sẽ thế nào đây, cho dù chẳng ai nỡ động chạm đến chuyện mất mát ấy. Chắc chắn, cô phát thanh viên của buổi tối thời sự 19h hôm nay cũng chẳng hề muốn đọc cái tin thê thảm ấy. Cô ấy cũng cùng khoá, cùng trường mà... Nhưng công việc phải thế thôi...

Hơn một thập kỷ rồi, sao buồn thế S. ơi?

Nhưng tại sao lại như thế cơ chứ? Thiếu gì cách để sống bằng sức lao động chân chính đâu, dù xã hội này quả thực vẫn còn đầy chuyện trái ngang, bê bối. Nhưng tại sao lại ra nông nỗi này cơ chứ? Liệu có phải mình S. có đủ hồ sơ tội phạm mà đi doạ nạt, tống tiền không? Liệu có ai đó "bơm" hồ sơ, và giật giây để S. đi làm cái việc đớn hèn ấy không? Sao thế nhỉ? Sẽ chẳng thể đi đến ngọn nguồn sự việc được đâu, bởi mình (và nhiều người khác nữa) từ lâu rồi có biết S. (cũng như nhiều người khác nữa) sống và làm việc thế nào đâu mà đòi hỏi quan tâm, đòi hỏi mủi lòng thương cảm?! Ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm! Câu ấy quen quá, luật quá; nhưng có lẽ đến hôm nay, mình mới thấy là nó đầy vị đắng... Hãy cố gắng đứng dậy và làm lại S. nhé, cho dù tuổi đời cũng chẳng còn trẻ nữa đâu... Con đường đúng không bao giờ là dễ đi cả; nhưng cũng không bao giờ chối bỏ những người hướng thiện cả. Ngày mai luôn luôn là một ngày mới!

Muốn viết nhiều quá, nhưng lại sợ càng đau thêm. Thôi, đành phải nói một câu thật sách vở (nhưng ý nghĩa lắm đấy, không xám xịt đâu): Hãy bán cơ bắp và trí tuệ mình với giá cao nhất, nhưng đừng bao giờ bán trái tim và linh hồn mình cho quỷ dữ nhé...

19/9/06

CÔ GÁI NGA TÌM CHA VIỆT NAM



Tình cờ tôi xem một chương trình truyền hình Nga trên kênh ORT và nghe được lời khẩn cầu rất cảm động của một cô gái người Nga năm nay 20 tuổi. Cô đi tìm người cha Việt Nam mà cô chưa hề gặp mặt.

Thông điệp của cô như sau:

"Tên tôi là Pavlenko Alena Viktorovna. Tôi đi tìm cha tên là Nguyễn Thành Công. Tôi chưa bao giờ được gặp cha. Khi còn là sinh viên, cha tôi đến thực tập tại thành phố Okha (Оха). Đó là giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11.1986. Cha tôi quen mẹ tôi là Vasyaeva Lyudmila Anatolievna qua bà tôi là Valentina Ilinichna. Bà tôi làm việc tại khách sạn, nơi cha tôi và nhóm sinh viên 26 người nghỉ tại đó. Trưởng đoàn tên là Tiến. Họ là sinh viên một trường đại học ở Mátxcơva.

Khi hai người quen nhau thì mẹ tôi đã ly hôn và có một con trai 6 tuổi tên là Viktor. Hết thời gian thực tập, cha tôi quay về Mát xcơva và có biết việc mẹ tôi đã mang thai tôi. Tuy nhiên, cha tôi đã không giúp đỡ gì. Thời gian đầu họ có trao đổi thư từ với nhau, cha tôi còn gửi cả bưu phẩm cho mẹ tôi. Sau đó, mẹ tôi nghĩ rằng cứ liên lạc như thế thì cũng chẳng ích gì, nên cắt đứt liên lạc. Tôi biết là cha tôi sau đó về sống tại Hà Nội một thời gian rồi chuyển đi nơi khác".

Cô gái vẫn còn giữ tấm ảnh của người cha Việt Nam (ảnh). Có thể ông đã có gia đình, nhưng mong mỏi của cô là được một lần gặp mặt cha mình, cũng như biết thêm về cội nguồn của mình. Bạn nào có thông tin về cha cô gái, xin hãy để lại trong comment của tôi. Xin cảm ơn.

18/9/06

ĐỐI THOẠI 06 - THẤT BẠI HAY ĐỘT PHÁ?



Một tuần trôi qua, đến giờ này chắc chắn cũng đã có những phản hồi kha khá về Đối thoại 06, cả trên mặt báo lẫn trên các diễn đàn, có điều là phản hồi không thực sự nhiều và có ý nghĩa. Thường thì mọi người sẽ nói về một vài bài họ thích, cảm nhận thông thường v.v... Tất nhiên là có ý kiến Hà Trần thất bại thảm hại nữa.

Thực ra tình hình này chắc chắn đã được Hà Trần dự đoán trước, thú thật là tôi cũng không dám hỏi chị xem tình hình doanh số thế nào, chắc chắn đây là một vụ làm ăn khá phiêu lưu, người mua sẽ chỉ là những fan trung thành hoặc những người quan tâm thực sự, chứ không thể tạo ra một cú đột phá nào trên thị trường, gây chấn động dư luận thì lại càng không. Trong tâm lý của người nghe nhạc VN, nói chung là có nhiều rào cản do sự quan tâm của quần chúng đến âm nhạc là không nhiều, không chiếm phần quan trọng trong đời sống , ngay cả giới trẻ cũng vậy, Nokia N91/N93 quan trọng hơn. Vậy thì thực ra đĩa nhạc này là như thế nào, thành công đến đâu, chưa được ở những mục tiêu nào? Thử cùng điểm qua một chút xem sao.

Mục đích của Hà Trần qua đĩa nhạc này là gì? Qua trao đổi với chị thì Hà Trần cũng có nói rằng Đối thoại 06 mới chỉ là một bước đệm mà thôi. Quan điểm này là hết sức đúng đắn. Rõ ràng Đối thoại 06 là một cái rất lạ tai với những người đã yêu mến chị từ những đĩa nhạc đầu tiên và đặc biệt là qua Nhật thực. Và bản thân nó cũng khó chinh phục hoàn toàn được một lượng (cũng không nhỏ) những thính giả electronic music vì còn hơi tham hiệu ứng, khoe reverb và nhất là chưa có sự dung hoà 100% giữa nền nhạc điện tử và giai điệu của bài hát (tất nhiên, phối khi do nghệ sĩ Trần Thanh Phương đảm nhận trong Đối thoại 06 là rất tuyệt nhưng vẫn còn khoảng cách nhất định đối với người nghe electronic, vì sao thì tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau). Tuy nhiên nó là một cuộc làm quen của Hà Trần với những thính giả mới và hướng lớp khán giả cũ vào quỹ đạo mới. Về điểm này, Đối thoại 06 thành công.

Bản chất của đĩa nhạc này là gì? Về phong cách mới của Đối thoại 06, tôi đã từng đề cập đến tại đây [link] sau khi nghe 2 bài demo tại myspace music. Với trip-hop, những nghệ sĩ của dòng nhạc này có xu hướng đi thiên về phần sáng tác và phối nhạc, khoe khả năng của mình tại đó nhiều hơn là phần trau chuốt giọng hát (tất nhiên mặt này cũng không thể nói là không quan trọng được, giọng hát của Beth Gibbons , Bjork hay Émile Simon luôn là những đặc trưng riêng), và thính giả cũng sẽ đánh giá theo hướng như vậy. Với Đối Thoại 06, vấn đề có hơi khác, Hà Trần của chúng ta là một ca sĩ vì vậy phần hát của chị phải được ưu tiên hàng đầu, và chúng ta khi nghe nhạc của chị cũng sẽ chú ý đến cách chị làm chủ giọng hát của mình đầu tiên.

Mục tiêu này là hoàn toàn hợp lý nhưng nó cũng sẽ đưa đến những hạn chế, đó chính là sự tương thích giữa bài hát mà chị chọn cho giọng hát của mình với phần phối khí trong đĩa này. Nếu như nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Xinh Xô phù hợp với electronic, thì những bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến lại không vì những giai điệu đó rất thuần Việt (cũng là một hiện tượng như vậy với Đường xa vạn dặm của nhạc sĩ Quốc Trung). Cái sự hợp hay không này là một thứ hết sức trừu tượng, giải quyết nó như thế nào để không quá Tây mà vẫn giữ được phong cách thì thú thật tôi không thể biết được, có lẽ mọi thứ đã nằm trong kế hoach của Hà Trần.

Hà Trần có nói rằng, cấu trúc của album này chị xác định rất rõ ràng, lớp thứ nhất là những bài hát có giai điệu nuột nà dễ vào như Giấc mơ lạ, Bình nguyên xa vắng, lớp thứ hai sẽ là những bài hát phức tạp hơn trong giai điệu và thể hiện như Lữ khách Sông Hồng, Nước Sâu (Deep water) và lớp thứ 3 chính là định hướng cho album tiếp theo là 2 bản instrumental Tiếng gọiWithout, những tác phẩm chung của Hà Trần và chồng - anh Ben Doan (nếu quan tâm, hãy ghé vào đây để nghe các tác phẩm của anh và các bạn whodatmusic, nhạc chillout rất được). Như vậy, rất có thể album tiếp theo sẽ là album mà Hà Trần sẽ lùi lại một chút, giữ vai trò thể hiện các sáng tác của chồng ? Ý kiến của tôi nghe cũng có vẻ được phỏng ạ ?

Có một điều mà tôi luôn ủng hộ Hà Trần đó là chị muốn hát những thứ nhạc giống như chị vẫn nghe, giống như gout âm nhạc của chị và đây là album đầu tiên chị làm như vậy, chỉ riêng ý đồ đó đã thật đáng trân trọng chứ chưa nói đến chuyện chị đã lao động như thế nào để hoàn thành album này (nói thật lòng, trước đây tôi không thể tin Hà Trần nghe nhạc jazz vì những album từ ngày chị ở VN chẳng có một cái gì là jazz trong đó cả). Thậm chí, giờ đây chị có thể làm một album hoàn toàn không thấy cái tính chất Việt (chắc chắn sẽ bị dè bỉu như một Tóc Ngắn ít lạ tai hơn rất nhiều thủa nào) ,tôi cũng vẫn sẽ ủng hộ nhiệt tình, vì nếu như tất cả các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ làm được như vậy, âm nhạc Việt Nam mới có thể phát triển toàn diện, có chiều sâu thực sự và không đi ngoài dòng chảy của âm nhạc thế giới.

Hãy bỏ đi thói hoài cổ, dè bỉu cái mới, thói quen cóp nhặt ... tất cả những cái đó chỉ có thể đem nấu lẩu mà thôi. Như trường hợp 2 album của 2 ban nhạc nu metal SmallfireMicrowave chẳng hạn, đa số rockfan nói rằng Microwave hay hơn, tuy nhiên những người nghe khó tính hơn sẽ nói rằng Ngược dòng của Smallfire mới là thành công nghệ thuật đích thực vì những tính chất nu metal rõ ràng, không pha trộn quá nhiều, khoe đựoc kỹ thuật chơi nhạc mà đồng thời vẫn sáng tạo ra được một thứ gì đó rất Việt Nam và đặc biệt, không ai chơi lại,hát lại được ngoài Smallfire. Và thật vui cho các rockfan khi Hà Trần nói rằng, chị chia sẻ quan điểm đó.

Bài lấy từ blog của YoutaM. Chàng trai này năm nay 22 tuổi có biệt danh là Bi, đang là sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội. Viết văn từ hồi học cấp II. Tôi có ấn tượng tốt về lối suy nghĩ già dặn, tư duy mạch lạc và phân tích sâu sắc của Bi. Điêù này thể hiện rất rõ trong bài viết trên. Nói thêm: Bi đã từng là chủ quán bán CD, nên rất sành nhạc và đã có nhiều bài viết trên RockVision.

17/9/06

THI SĨ HAY DỊ NHÂN?



Bài viết dưới đây tôi post lại từ blog của một đồng nghiệp.

Hôm nay, đọc báo thấy nhắc đến nhà thơ tên C, tự dưng nhớ lại hai ấn tượng xấu về nhân vật này.

Ấn tượng thứ nhất là do người khác kể. Bà chị chồng mình là người phụ nữ rất đẹp. Vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết nên nhiều người mê. Bà ấy ra đường là ối anh mải nhìn đâm phải cột đèn như chơi. Phải nghe nhiều lời ong bướm đến là khó chịu nhưng rồi thời gian trôi, buộc phải quen với những tình huống và những lời trêu ghẹo nên bà chị chồng tôi cũng ko để ý và bận tâm nhiều như trước. Nhưng có lẽ để lại ấn tượng bực mình nhất về sự hâm mộ thái quá chính là từ ông nhà thơ C này.

Hôm ấy, lâu rùi, bà chị chồng tôi kể là đang ở trên xe buýt. Cũng có vài chàng trai ngoái nhìn chị, nhưng họ đều chỉ nhìn một lúc rồi thôi. Thế mà có ông, trông xấu xí, bẩn bẩn, lùn tịt lại cứ ngó chị chăm chăm. Chị quay đi hướng nào thì người đó lại cố tiến về hướng đó để tiếp tục chiếu tướng chị. Chị đánh liều nhìn lại ông ta thì thấy, ối giừi ưi, người đâu nhìn gì mà hai hốc mắt như muốn lòi hẳn ra ngoài. Khiếp quá, hãi quá, chị phải ngoảnh mặt ngay đi và xuống xe khi chưa tới bến cần xuống. Chị còn nói, suốt đời chị ko bao giờ quên cảm giác muốn nôn oẹ khi trông thấy bản mặt lúc ấy của nhà thơ này.

Ấn tượng thứ hai là chính tui được trải nghiệm. Đó là trong một bàn tiệc với thầy giáo và bạn học của tui. Ông C là nhân vật ko có trong dự kiến nhưng vì nể thầy nên chúng tui cũng vui vẻ ngồi cùng. Tui là người thích thơ, tuy ít đọc thơ ông, nhưng vì chẳng biết nói gì hơn tôi đành xã giao vài câu và ngồi nghe ông đọc tràng giang đại hải thơ của ông ta. Thấy tui có vẻ lắng nghe, ông C lại còn buông vài lời tán tỉnh: "Em đẹp, xinh ơi là xinh..." Tôi nghe thấy mấy câu này thì bắt đầu chán. Hết cả muốn nghe thơ lẫn thẩn nhưng vẫn phải cười tươi dù lúc ấy chỉ muốn xin phép ra về.

Trò chuyện đến hồi biết chúng tôi đều là dân truyền hình, vừa làm xong chương trình Huyền thoại Trường Sơn, bỗng ông C đứng phắt lên chỉ tay vào một anh bạn tui là đạo diễn chương trình nói :

- Chúng bay là lũ hậu sinh ăn cháo đái bát. Làm chương trình như c... Làm như thế là bôi tro chát trấu vào chúng tao, vào đồng đội tao, những người đã chết, hoặc gần chết mà chúng mày đem ra hót như thế à? ...

Đại khái là ông C chửi anh bạn tui ghê lắm. Toàn văng những câu tục tằn, bẩn thỉu nhất ra để chửi. Chửi văng hết cả nước bọt, chửi tất cả lãnh đạo cao nhất của Đài TH đến những người chẳng liên quan là khán giả hôm đó. Lạ là cả bàn tiệc cứ ngồi nghe chửi mà ko có ai nói gì. Tôi nóng mũi quá, ko chịu được nữa, dại dột tuôn vài câu :

- Thôi anh C ơi, hôm nay là ngày vui, anh đừng xúc động quá thế.

Thế là mục tiêu của ông C từ anh bạn tui chuyển sang tui. Vợ của ông C thấy chồng mất kiểm soát mà ko làm gì được cứ ghé tai tui nói: "Thôi em đừng chấp, anh ấy hay cảm tính thế lắm". Tui mấy lần định vặc lại nhưng cứ bị bà vợ HNC khéo léo can nên thôi. Đành chường cái mặt ra cho anh ta chửi. Nhưng con jun xéo lắm cũng phải oằn. Tui đứng lên, cũng chỉ vào mặt ông C tuôn:

- Anh là cái gì mà lên mặt nói về nỗi đau với chúng tôi. Mình anh biết đau à? Anh đau bằng chúng tôi chưa? Chẳng qua là tham gia vài trận đánh, bị vài phát súng xước da là cùng chứ gì. Anh có biết nhà tui có 3 người chết trong đợt Quảng Trị đó ko? Hai chú ruột tui trực tiếp chiến đấu và hy sinh mất xác, giờ vẫn ko biết nằm ở đâu. Ông tui, nghe tin dữ, nhồi máu cơ tim mà chết đột ngột, ko một lời trăng trối. Nhà tui có 3 người đàn ông đẹp nhất, khoẻ nhất, đáng yêu nhất đều ra đi vì chiến tranh, bao khó khăn cực nhọc dồn vào người ở lại. Đau mà phải nén chịu để đi tiếp. Nhà anh có gì đau hơn ko?

Ông C đỏ mặt nín tịt. Tui xách túi ra thẳng cổng. Về.

Hình như cái anh nhà thơ này bị cho là toàn giả vờ điên cho nó có vẻ nghệ sĩ chứ nghệ sĩ gì mà thô bỉ thế nhỉ. Tui cũng biết khá nhiều nghệ sĩ, họ có thể là đồng bóng, đanh đá, điên khùng, lập dị, chửi bậy như hát hay... nhưng tất cả đều không thô lỗ một cách bẩn thỉu như thế. Hay đây là một dạng tính cách nghệ sĩ mới: Nhân danh cái đẹp mà cho phép mình thô bỉ với người khác????

16/9/06

CHUYỆN BUỒN TỪ CÁC NHẠC SĨ



Họ không phải là hai nhạc sĩ bình thường, mà là hai nhạc sĩ đàn anh có tên tuổi của nền âm nhạc Việt Nam. Một ông là Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Bằng (ảnh), từng cầm đũa chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia, giám đốc Nhạc viện Hà Nội, từng nắm chiếc ghế Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN hai khoá liền. Một ông là Giáo sư Vĩnh Cát, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Cả hai ông đều sống trong môi trường âm nhạc sang trọng đỉnh cao. Nhưng khi trở thành đối tượng xét thưởng của những giải thưởng quốc gia, thì...

Câu chuyện nhạc sĩ Vĩnh Cát tố cáo nhạc sĩ Trọng Bằng đạo nhạc đã ầm ĩ trên báo chí từ hai tháng nay. Số là ông Bằng được Hội Nhạc sĩ đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông Vĩnh Cát cũng được Hội Nhạc sĩ đề cử Giải thưởng Nhà nước (cần nói thêm là Giải thưởng Hồ Chí Minh cao hơn và danh giá hơn so với Giải thưởng Nhà nước). Nhưng khi sang đến khâu xét thưởng ở Hội đồng Trung ương, thì tên nhạc sĩ Vĩnh Cát không còn trong danh sách nữa, trong khi nhạc sĩ Trọng Bằng thì vẫn còn.

Và thế là "chiến sự" nổ ra. Bốn nhạc sĩ: Vĩnh Cát, Nguyễn Đức Toàn, Doãn Nho và Huy Thục đã cùng ký đơn, tố cáo nhạc sĩ Trọng Bằng "đạo nhạc", không xứng đáng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cụ thể khúc "Chào mừng" trong giao hưởng thơ "Người về mang tới niềm vui" của ông vay mượn từ Giao hưởng số 5 của nhạc sĩ Nga Shostakovich. Chuyện đạo nhạc hay không rất khó nói, đòi hỏi phải có Hội đồng gồm những chuyên gia giỏi, làm việc công tâm thì mới chỉ ra được. Nhưng nhạc chỉ là một cái cớ. Nhạc sĩ Vĩnh Cát nói ông Trọng Bằng "kiêu ngạo, hợm mình" không dừng lại được. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn thì nói: "Tôi buộc phải đánh cái chất kiêu ngạo, chất “vua” trong một con người”.

Câu chuyện lình xình này khiến cả người trong giới lẫn dư luận ngán ngẩm. Không hiểu sao các vị đỉnh cao sang trọng như thế mà lại chịu hạ mình trở thành chủ đề đàm tiếu, như kiểu báo chí lá cải đàm tiếu một số nhạc sĩ thị trường chép y chang nhạc Nhật, nhạc Thái cách đây vài năm. Vụ việc trở nên kịch tính hơn khi Hội nhạc sĩ nhảy vào cuộc và ra văn bản số 70 ngày 21.7.2006 phê phán 4 nhạc sĩ trên, đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ nhạc sĩ Trọng Bằng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhưng 4 nhạc sĩ kia đâu có chịu tự dưng lại bị chính Hội nhà đánh vì tội thiếu thận trọng, thiếu thiện chí, áp đặt, qui chụp. Họ phản đối mạnh mẽ. Và thế là ngày 14.9, lãnh đạo Hội phải họp lại dưới sự chủ toạ của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Ông là người trẻ nhất vì mới trên dưới 50, trong khi các vị kia đều 7-8 chục và là bạn một thời của cha ông là nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Nhà báo Dương Thị của Tiền Phong mô tả: Trong một cuộc khá nghiêm trọng như thế này, từ đầu đến cuối ông (Đỗ Hồng Quân) đều xưng “cháu” lễ phép, đại loại như: “Chú Nho có ý kiến gì ạ. Đến lượt chú Toàn ạ”!!!

Phiên họp đã diễn ra trong không khí như thế, và cuối cùng đưa ra kết luận rút lại văn bản số 70 kia. Tức là Hội không phê phán 4 nhạc sĩ nữa, và cũng không tích cực ủng hộ nhạc sĩ Trọng Bằng vào giải thưởng Hồ Chí Minh nữa. Nhưng ông Trọng Bằng cũng xin rút khỏi danh sách đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhà báo Y Trang của Lao Động cho hay, ông Bằng đã được ông hàng xóm là GS Đặng Vũ Khiêu, người thâm trầm, trải đời, tuổi ngót trăm năm đã khuyên ông rằng: "Thời buổi còn lộn xộn lắm, đừng sa đà vào những chuyện tranh cãi ấy, tốt nhất là xin thôi...".

Như thế, phía ông Bằng đã xuống thang. Âu cũng là cách xử thế hợp lý ở đời. Còn phía ông Cát thì sao? Nhà báo Y Trang tường thuật là "ông có vẻ hồ hởi, dường như một gánh nặng đã trút được khỏi ông". Còn nhà báo Dương Thị thì cho hay: "Ông đề nghị bổ sung tên ông vào danh sách xét tặng Giải thưởng Nhà nước (với lý do: rất xứng đáng)". Y Trang thuật lại lời của ông Cát: "Cứ muốn cái tay trái (hàm ý nói việc sáng tác) phải dài hơn cả tay phải (ý rằng nghề của Trọng Bằng là chỉ huy dàn nhạc). Và đương nhiên là (ông Bằng) không xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh".

Câu chuyện các nhạc sĩ cao cấp (tạm gọi là thế) tố cáo nhau chắc chưa chấm dứt ở đây. Chắc chẳng có gì đau đớn hơn chuyện một Giám đốc Nhạc viện Quốc gia, Nhạc trưởng, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ bị đồng nghiệp tố cáo đạo nhạc. Dư luận cũng nói những ông đi tố cáo cũng hành xử không được đẹp đẽ cho lắm. Rồi thì dư luận lại cũng đổ lỗi cho Hội Nhạc sĩ là không có chính kiến, hôm nay theo đuôi ông này, ngày mai theo đuôi bà kia. Lại có vị bảo: Do công tác phê bình lý luận âm nhạc kém, nên mới để xảy ra chuyện lình xình này.

Tóm lại, câu chuyện này là cả một mớ bòng bong. Ban đầu nó xuất phát từ lòng tị hiềm, nhưng khi bung bét ra thì cũng hé lộ một vài sự thật. Hiềm nỗi, sự thật bao giờ cũng cay đắng. Và cũng thật trớ trêu, sự thật kéo theo cả những hài kịch rơi nước mắt.

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết