16/8/06

Duyên Hà Nội



Thật khó trả lời ngay nếu như có người ngoại quốc nào đó đột ngột hỏi: “Bạn thấy tự hào nhất về điều gì của Hà Nội?”

Rất khó lựa chọn.

Không thể tráng lệ như Paris, mặc dù có ai đó ví Hà Nội có dáng dấp của kinh đô ánh sáng, không êm đềm thơ mộng như Praha, không rực rỡ như Singapore, không ồn ào như Hồng Kông, nhưng cũng lại không xô bồ như Bangkok. Hà Nội không giống ai và hình như cũng chẳng để cho ai giống mình.

Ông Kazuyoshi Yamaguchi, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Văn hoá Nhật Bản tại Hà Nội, có lần nói: “Đến Hà Nội, tôi như có cảm giác quay trở lại thời thơ ấu”. NSND Liên Xô Eduard Gratch, cây vĩ cầm kiệt xuất thế giới, thổ lộ: “Hà Nội gợi tôi nhớ đến những tháng ngày êm đềm ở Liên Xô”. Còn Philippe Laplanche, một người Pháp thì tâm sự: “Hà Nội là hình ảnh đã qua của Paris”.

Tại sao ba con người thuộc ba nền văn hoá khác nhau ấy lại có thể cùng thấy một hình bóng gợi nhớ đến quá khứ xa xưa của họ trong gương mặt Hà Nội hôm nay?

Điều đó thật khó giải thích.

Hà Nội hình như có một cái duyên ngầm nào đó ẩn chứa trong từng căn nhà, từng đường phố, từng gốc cây và từng con người. Cái duyên ngầm này tồn tại một cách hữu cơ, không chia cắt tạo nên một tổng thể khó giải thích và có sức dẫn dụ.

Anh Trần Sỹ Chương, một Việt kiều ở Mỹ kể về một ông bạn Mỹ của anh đặt chân lần đầu lên Sài Gòn và yêu ngay thành phố phương nam ấm áp này. Đối với ông, Sài Gòn đã gần như là tận cùng của mọi sự khám phá ở Việt Nam. Nhưng sau một lần tặc lưỡi thử ra xem Hà Nội thế nào, ông bỗng nhiên mê Hà Nội như điếu đổ.

Ngay cả trong sự hỗn độn giao thông trên đường phố Hà Nội, theo ông, cũng tồn tại những quy luật riêng nào đó. “Như 10 sân bóng đá giao nhau” là cách mô tả đầy hình ảnh của ông về giao thông Hà Nội. Ông này giải thích về sự mê hoặc của Hà Nội trong ba tính từ: Exotic (kỳ ảo), Erotic (gợi tình) và Addictive (gây nghiện), tạo nên “nguyên tắc 2E-1A” mà ông dùng để thuyết phục hãy một lần thăm Hà Nội, khi gặp ai đó có ý định đi Việt Nam.

Hình như mỗi con người đang ở trong lòng Hà Nội đều rất mơ hồ về những động cơ khiến họ yêu Hà Nội. Chỉ đến khi xa Hà Nội, thì nỗi nhớ mới ùa về và “vạch mặt chỉ tên” rõ ràng những điều khiến họ nhớ thành phố một cách quay quắt. Có thể đó chỉ đơn giản là tiếng rao bán tào phớ khê nồng của một người dân nhập cư. Có thể đó chỉ là một mùi hương không xác định khi gió thu lồng lộng thổi trên những con đường rải đầy nắng. Và cũng có thể đó là cái rét cắt da cắt thịt không ở đâu có.

Cảm nhận về duyên Hà Nội cũng mơ hồ như vậy. Nó tồn tại ở khắp nơi, rất hiện hữu, nhưng cũng thật khó nắm bắt. Đó chính là điều làm cho ai cũng có thể soi thấy mình trong Hà Nội và cũng biến Hà Nội thành một nơi khác hoàn toàn với bất cứ một thành phố nào trên thế giới.

Duyên Hà Nội có thể gọi là sản vật vô giá của thiên nhiên, lịch sử, truyền thống, văn hoá và tâm hồn Việt. Một thứ không dễ gầy dựng và cũng không dễ đánh mất.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết