1/4/10

KỶ NIỆM 1.4 THỜI SINH VIÊN



Năm thứ hai đại học, chúng tôi đón cô giáo dạy tiếng Nga mới. Cô giáo mới không trẻ và xinh đẹp như cô giáo thời năm thứ nhất, mà cũng không phải là người Nga. Cô tên là Kollontai Khabibovna Barlybaeva, đã ngoài 50, người Kazakhstan.

Thầy giáo chủ nhiệm nói, tên cô lấy theo họ của nhà ngoại giao nữ nổi tiếng Alexandra Kollontai của nước Nga Xôviết sau Cách mạng tháng Mười, sau này trở thành nữ đại sứ đầu tiên trên thế giới. Không những thế, cô Kollontai Khabibovna còn là tiến sĩ ngữ văn. Những điều đó làm cả lớp háo hức.


Tuy là người Kazakhstan, nhưng cô Kollontai Khabibovna nói tiếng Nga rất hay. Cô bảo: "Tôi học tiếng Nga như là tiếng nước ngoài, chính vì vậy tôi biết rõ phải dạy tiếng Nga cho người nước ngoài như thế nào. Đặc biệt, tôi cũng là người Châu Á, nên chắc cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc hiểu tâm lý và các lỗi chuyển di tiêu cực của người Việt Nam khi học một thứ tiếng Châu Âu".


Không sôi nổi, không có đột phá về phương pháp giảng dạy, cô Kollotai Khabibovna chinh phục chúng tôi bằng sự giản đơn trong cách giải thích các hiện tượng ngữ pháp, bằng lối tư duy của người Châu Á.

Giáo trình tiếng Nga năm thứ hai của chúng tôi thời đó được đưa vào những trích đoạn từ các tác phẩm nổi tiếng của nền văn học Nga và Xôviết như "Người thầy đầu tiên", "Những bức thư không gửi", "Thép đã tôi thế đấy", "Tuyết"... Chúng tôi vẫn nhớ như in những giờ học đầy cảm xúc với "Người thầy đầu tiên".

Cô Kollontai Khabibovna nói, tuy câu chuyện xảy ra ở Kyrgizia, nhưng cô sinh ra và lớn lên ở nước láng giềng Kazakhstan cũng ở khu vực Trung Á, nên cũng biết những câu chuyện tương tự xảy ra với người thân, bạn bè... Vì thế mà giờ giảng của cô về "Người thầy đầu tiên" càng làm cho câu chuyện của Aitmatov thêm ấn tượng.


1.4 năm đó đúng vào ngày có giờ của cô Kollontai Khabibovna. Cô bước vào lớp, nhìn một lượt và phát hiện ra chỗ của Dũng, anh chàng bí thư chi đoàn học giỏi, bỏ trống. Cô hỏi: "Dũng đâu?". Chúng tôi đáp, Dũng nghỉ học.

"Có việc gì? Dũng bị ốm à?" - cô băn khoăn. "Không ạ!" - chúng tôi nói.
"Vậy thì Dũng đi đâu? Bạn lớp trưởng cho cô biết rõ nguyên nhân" - giọng cô Kollontai Khabibovna đã có chút lo lắng.

Lớp trưởng đứng lên nói: "Thưa cô, bạn Dũng nghỉ để làm đám cưới ạ. Hôm nay bạn ấy lấy vợ!"


Cô Kollontai Khabibovna ngạc nhiên: "Dũng cưới vợ à? Ối trời ơi. Cưới ai?"

Chúng tôi nói một cái tên con gái, tên trường đại học mà cô ấy đang học, giải thích cho cô biết rằng cô dâu học cùng cấp 3 với chú rể.

Cô Kollontai Khabibovna trách: "Sao các em không nói cho cô biết trước. Nếu cô biết thì cô đã có quà tặng bạn ấy".

Chúng tôi phân bua với cô, chính chúng tôi cũng bị bất ngờ, họ cưới vì trót "ăn cơm trước kẻng". Cô lại hỏi "ăn cơm trước kẻng" là gì? Cả lớp nhao nhao giải thích. Khi hiểu ra, cô cười rất tươi: "Như vậy là mừng chứ"! Cả lớp cười khoái trí.

Đột nhiên, cô ngừng lại và hỏi giọng nghi ngờ: "Bạn Dũng cưới vợ, sao cả lớp vẫn ngồi ở đây?". Câu hỏi này quả thật chúng tôi không tính đến.

Đúng rồi, một bạn làm đám cưới, sao cả lớp không ai đi dự. Cả lớp im bặt. Lớp trưởng nói: "Tại, tại đám cưới tổ chức ở thành phố khác cô ạ. Với lại, hôm nay có giờ của cô!".


Cô Kollontai Khabibovna ôm đầu: "Ôi trời, thì các em phải xin nghỉ chứ. Cô sẵn sàng cho các em nghỉ, chúng ta học bù vào buổi khác. Sao một ngày trọng đại thế này của bạn, mà các em lại vắng mặt được? Bây giờ các em đi có được không?"


Tất cả lặng đi. Không ngờ cô giáo lại có ý tốt đến như vậy. Chúng tôi bỗng cảm thấy xấu hổ vì đã "lừa" cô. Cậu lớp trưởng đứng lên, gãi đầu: "Thưa cô, chúng em... chúng em xin lỗi ạ. Chúng em nói dối cô, vì hôm nay là ngày 1.4. Thực ra thì bạn Dũng không cưới ạ. Bạn ấy đang đứng ngoài kia"...


Cô Kollontai Khabibovna nhìn ra cửa. Dũng cười bẽn lẽn đi vào. Cô nhìn cả lớp một lượt, rồi bật cười: "Các em thật tinh quái. Thôi, cô tha lỗi cho các em..."

... Đã 26 năm trôi qua kể từ ngày 1.4 năm đó. Câu chuyện "lừa" cô Kollontai Khabibovna luôn được nhắc lại mỗi lần họp lớp.

Năm ngoái, tôi có dịp đến Uzbekistan. Tự nhiên, rất muốn sang Kazakhstan để tìm xem cô giáo năm xưa thế nào. Nhưng xin visa nhập cảnh không đơn giản. Có lẽ cô năm nay đã xấp xỉ 80. Chẳng biết cô có còn khỏe mạnh không và có còn nhớ tới lũ sinh viên Việt Nam nghịch như quỷ sứ của cô nữa không?


Chú thích: Ảnh một phụ nữ Kazakhstan, không phải ảnh cô Kollontai Khabibovna.

21 comments:

LU on lúc 21:25 1 tháng 4, 2010 nói...

Anh nhắc đến "thép đã tôi thế đấy" làm em nhớ đến nó. Lúc còn bên VN em thích tác phẩm này.

NLVD nói...

Hi hi, chuyện này vui quá. Rất vui.
Mà hồi ấy đã có ngày nói dối rồi. Đúng là dân chuyên ngữ luôn luôn tiếp cận trước mọi thứ.

Lana on lúc 21:31 1 tháng 4, 2010 nói...

Nếu gửi được, thì bài viết này sẽ là một món quà vô cùng ý nghĩa với cô Kollontai.

Titi on lúc 21:49 1 tháng 4, 2010 nói...

Thế năm nay anh có lừa ai được nữa hong, anh?

Hậu Khảo cổ on lúc 21:55 1 tháng 4, 2010 nói...

Chị rất yêu Aimatob, như yêu Pautobxki vậy. Hồi chị học tiếng Nga (để đi Nga, nhưng ko đi được), cô giáo dạy tiếng Nga cứ gọi chị là Natasa :)

Bí Ngô NZ on lúc 22:13 1 tháng 4, 2010 nói...

Hihi anh nhắc đến giáo trình tiếng Nga năm thứ hai lại làm em nhớ đến hồi em học khoa Nga ở trường SPNN. Công nhận giáo trình tiếng Nga ngày xưa rất hay đưa các tác phẩm văn học và nghị luận chính trị vào dạy cho SV. Học năm thứ hai SV có thể thuyết trình vanh vách về các tác phẩm văn học, về Lênin và CMT10, nhưng than ôi, chẳng ai dạy bọn em những hội thoại giao tiếp đơn giản trong cuộc sống, thành thử ra giao tiếp bình thường với ng Nga ko thể giao tiếp nổi, chỉ diễn thuyết được thôi :)).
Gần hai chục năm qua rồi, ko biết bây giờ ở SPNN ng ta dạy SV học tiếng Nga thế nào, có thực tế hơn ngày xưa ko.

Vhlinh on lúc 22:40 1 tháng 4, 2010 nói...

Cô giáo bạn xinh ghê.

Thuy Dam Minh on lúc 23:02 1 tháng 4, 2010 nói...

Mười mấy năm học phổ thông và đại học, anh thân với 2 cô giáo. Nhiều kỉ niệm lắm. Và rất là thương cô. Chia sẻ với em những kỉ niệm đẹp đẽ một thời sinh viên ngày nào!

VMC on lúc 23:11 1 tháng 4, 2010 nói...

@LU: Bây giờ ở bển mà LU nói thích "Thép đã tôi" thì chắc người ta không tin.
@NLVĐ: Đúng rồi, hồi đó ngày nói dối còn manh nha lắm...
@Lana: Vừa lên mạng search tên cô, thấy mấy bản khóa luận tốt nghiệp đại học của sinh viên Kazakhstan do cô hướng dẫn...

VMC on lúc 23:13 1 tháng 4, 2010 nói...

@Titi: Năm nay không được ai lừa. Lúc trưa suýt bị lừa, nhưng nhờ tinh thần cảnh giác cao nên thoát.
@Bí Ngô NZ: Giao tiếp hay không là do mình chứ. Sao lại oán các thầy cô? Bây giờ anh không biết ở đó dạy thế nào.

HwangNguyen on lúc 23:14 1 tháng 4, 2010 nói...

Рассказ студента (google translate)

VMC on lúc 23:15 1 tháng 4, 2010 nói...

@Vhlinh: Ây zà, Bí đọc không kỹ rồi. C đã chú thích rõ không phải ảnh của cô Kollontai... Hehe.
@Thụy: E có đọc cái entry của anh về cô giáo dạy toán ở ĐH. Hình như cô ấy không lấy chồng nhể?
@Hậu: Aitmatov và Pautovsky thì nhiều độc giả VN thích lắm. E cũng thích hai bác ấy.

NLVD nói...

Chị Bí cứ cái gì bé là không đọc đâu.

VMC on lúc 00:13 2 tháng 4, 2010 nói...

@NLVĐ:
Sao D biết về chị Bí tài vậy?

Vhlinh on lúc 08:18 2 tháng 4, 2010 nói...

@VMC, NLVD:

Trời đất, nhận lỗi tắp lự.
Phụ nữ "có tuổi" vậy đó, bắt đầu tránh xa những gì khó khăn đòi hỏi phải lao tâm khổ tứ. He he. Thích NLVD ghê.

Thuy Dam Minh on lúc 09:13 2 tháng 4, 2010 nói...

VMC: Có! Nhưng không ở với nhau em ạ! Anh mới gặp lại cô hôm ở Đền Đô. Cô nghỉ rồi. Nhiều tuổi, nhưng vẫn thế: Tươi tắn, nhiệt tình và phúc hậu!

Lana on lúc 10:24 2 tháng 4, 2010 nói...

VMC nói với Titi, có ĐMT, Nga, Nadia và Lana chứng kiến: "(01/04) năm nay (VMC) không được ai lừa. Lúc trưa suýt bị lừa, nhưng nhờ tinh thần cảnh giác cao nên thoát."

Thuy Dam Minh on lúc 16:38 2 tháng 4, 2010 nói...

Lana: Đúng thế!

Nặc danh nói...

Em cũng nhớ đến cô giáo Việt dạy tiếng Nga hồi đại học. Cô xinh ơi là xinh làm các anh sinh viên là cựu quân nhân không thể tập trung mà học nổi!
Em học 3 năm rưỡi tiếng Nga giờ quên gần như sạch, nhớ mỗi từ Cám ơn, hồi đi Ukraina, lúc nhập cảnh ở cảng Odessa, thấy mấy bác khách Mỹ nói "thank you", mấy cô nhân viên hải quan ở cảng k hiểu, may mà em bật ra được cái câu cám ơn tiếng Nga đó, các cô mỉm cười dịu dàng liền.
Sao thấy các bác trung tuổi ở đó cũng hiền hiền, lành lành, chất phác lắm...

Mai nói...

Kolontaj ... có phải tên "Bà Đại sứ" không cả nhà nhỉ? Cứ láng máng... cả nhà đọc Bà Đại sứ rồi chứ?
Xin phép anh Cường lạc đề chút:)

Yến Đào nói...

Có phải bạn học khoa Đào tạo, Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân không? Mình học khóa 82- 86.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết