20/2/10

LỜI XIN LỖI



Sáng sớm ngày nghỉ Tết cuối cùng, muốn ngủ nướng, nhưng đã trót hứa với em biên tập viên của VTC, nên đành dậy sớm, ăn mặc tử tế để đến đài.

Khi đến nơi, thấy trước cổng đài có một nhóm đàn ông đứng nói chuyện. Hình như họ đang chờ ai đó đến. Họ nhìn tôi từ đầu đến chân dò xét, rồi trao đổi những câu gì đó. Rõ ràng tôi không phải là người mà họ mong đợi.

Khi tôi ngang qua họ, một thanh niên ăn mặc đẹp (thường phục), đeo tai nghe, giữ chiếc iPod trong tay, hỏi: "Anh đến gặp ai?". Tôi nghĩ anh ta đang nói chuyện với những người xung quanh nên đi tiếp. Anh ta tiến lên đi song song và hỏi lại: "Anh đến gặp ai?"

À, hóa ra là cậu chàng hỏi tôi đây. Tôi quay sang: "Nếu em muốn nói chuyện với anh thì bỏ tai nghe ra". Cậu ta nói: "Em vẫn nghe được" và hỏi lại: "Anh đến làm chương trình gì?"

Hay thật, nhân viên bảo vệ ở một đài truyền hình cấp quốc gia mà ăn nói như vậy với khách đến đài. Tôi nghiêm giọng. "Nếu em là bảo vệ của đài, thì phải bỏ tai nghe ra. Còn không, anh cho rằng em là người đứng đây chơi, chứ không phải là đứng làm việc. Và muốn hỏi người khác thì phải chào. Đây mới là cổng đài, chưa phải phòng thường trực."


Cậu ta bỏ một tai nghe ra và nhắc lại câu hỏi cũ. Tôi trả lời tôi đến đây làm ai, gặp gì. Cậu nói: "Vậy anh gọi BTV xuống đón anh lên".

Lạy chúa tôi. Tôi nghĩ cậu hỏi như vậy để gọi người giúp, không ngờ cậu lại bảo tôi phải gọi. Việc đó tôi đã làm từ khi bước xuống xe rồi. Nên tôi quay đi và không nói thêm gì với cậu nữa.


Quả thực, tôi không hiểu, khi được tuyển vào vị trí thường trực ở đài này, cậu có được huấn luyện những kỹ năng ứng xử tối thiểu hay không?


... Làm xong chương trình, tôi trở về nhà. Đến một ngã tư, tôi dừng lại trước đèn đỏ, thì chiếc taxi đi sau đâm sầm vào đuôi xe.

Tôi mở cửa xuống xe và tiến lại phía người lái xe taxi đang tần ngần đứng nhìn vào đuôi xe của tôi: "Tết nhất vội đi đâu mà đi nhanh thế em?"


Chàng trai rụt rè: "Em xin lỗi".


Tôi nhìn vào đuôi xe của tôi. Vài vết xước, không hư hại gì. Cậu ngập ngừng: "Anh cho em xin".


Tôi nhìn lại cậu. Gày gò, thanh mảnh, trang phục xoàng xĩnh. Rõ là một anh chàng nhập cư.


Lại nhớ hôm trước Tết, cũng tại một ngã tư, tôi đã dừng trước đèn đỏ, thì một cô gái xinh đẹp đi xe máy đâm thẳng vào đầu xe phía phải, làm vỡ mí đèn. Cô đứng trừng mắt nhìn tôi, như thể tôi là thủ phạm khiến cô đâm phải.

Tôi hỏi cô: "Em định cùng anh đưa xe đến garage và trả tiền sửa phải không?". Nghe thế, cô mới phóng xe máy đi. Vẫn không nói gì.


Cách đây hơn nửa năm, vào một tối trời mưa, ở ngã tư Thái Hà, một bác đại tá đi xe máy, phanh gấp cũng đâm vào đuôi xe của tôi làm vỡ đèn trái. Bác ấy lùi lại một chút, rồi phóng đi như không có chuyện gì xảy ra.


Xe tôi có bảo hiểm, tôi chẳng cần họ phải trả tiền, nhưng ít ra họ cũng phải nói lời xin lỗi vì những điều mà họ gây ra chứ nhỉ? Cô gái xinh đẹp, bác đại tá hẳn không phải là những người ít học.


Còn chàng trai nhập cư này...

Tôi chìa tay bắt tay cậu: "Thôi không sao, đi cẩn thận em nhé"
.




37 comments:

Lana on lúc 18:35 20 tháng 2, 2010 nói...

Lana rất thích entry này của VMC.
Những câu chuyện hàng ngày mang thông điệp. Cứ tự nghĩ ai cũng nên đọc được những câu chuyện như thế. Rồi lại tự hỏi: Mình cứ tin đọc là học, nhưng giả sử cậu bảo vệ, cô gái xinh đẹp và ông đại tá kia mà đọc liệu có cho chữ trôi tuồn tuột đi không nhỉ?
Sợ là những người cần đọc lại 'không biết đọc', nên những chuyện như VMC gặp sẽ không bao giờ hết.

Nguyễn Xuân Diện on lúc 18:36 20 tháng 2, 2010 nói...

Hôm trước tôi vào Tp Hồ Chí Minh công tác, có đến thăm một số gia đình. Con, cháu họ khi thấy tôi đều khoanh tay "Con chào chú (bác)", rất ngoan, rất nền nếp. Các bậc phụ huynh cho biết, ngày trước (1975), trẻ con nhà ai cũng thế. Giờ thì chỉ những nhà nền nếp mới giữ được!
Mới hay, việc dạy người là rất khó!

Nặc danh nói...

Hì hì hì. Đầu năm mới, được đọc một entry dễ thương của anh Cường - một bài viết có hàm ý nói tốt cho dân nhập cư (có đúng thế không nhỉ?).

Nghĩ xa nghĩ gần, thấy chán cho cách dạy con của người Hà Nội. Không thiếu gì nhà có con gái lớn lồng ngồng ngườiluôn lúi húi nấu cơm là bố mẹ, con trai lớn thì không bao giờ có ý nghĩ giúp người lớn cọ WC, lau nhà... (dù nhà không/ chưa có người giúp việc). Vấn đề không phải là những chàng trai cô gái ấy lười biếng, mà chỉ vì họ không được bố mẹ dạy là phải biết đỡ đần, hỗ trợ người khác trong mọi tình huống.

Trở lại câu chuyện của anh Cường, tôi cho rằng trong chuyện này, cô gái trẻ, ông đại tá không thốt lên được lời xin lỗi không phải vì họ là những người không biết nói lời xin lỗi. Đơn giản chỉ vì họ không được trang bị cho mình quan điểm sống: cố gắng không làm phiền người khác. Do đó khi họ mang đến rắc rối cho người khác, họ không hề biết. Câu xin lỗi vì thế không thể bật ra.

Nghệ Nghệ

L2C on lúc 20:37 20 tháng 2, 2010 nói...

Câu xin lỗi của anh chàng nhập cư dễ thương đến bác VMC còn động đậy. Vậy mà sao bây giờ một số bố mẹ bỏ qua không dạy con hai từ này thì phải. Nhiều lúc ra ngoài đường, trẻ con cư xử không phải với mình, nhìn sang bố mẹ chúng đợi câu nhắc xin lỗi mà dài cổ. Hay họ sợ câu xin lỗi làm giảm giá trị bản thân nhỉ.

Thuy Dam Minh on lúc 20:42 20 tháng 2, 2010 nói...

Cái vụ bị đụng xe thì anh gặp thường xuyên. Phải ghi nhận rằng phần lớn dân tình chưa biết phải trái gì cũng sẽ gây sự ngay. Có lẽ, họ nghĩ như vậy sẽ khỏa lấp đi lỗi của mình. Ít khi mình được xin lỗi tử tế lắm. Tuy nhiên, cũng có lần xúc động. Một đôi trai gái phóng như bay, và làm gẫy gập cả gương của anh lúc đang đỗ chờ đèn đỏ. Cả cô cậu ấy vội vàng cười toe toét xin lỗi. Mình mất tí tiền, tí công làm lại, cũng đỡ thấy bực mình.
Còn vụ ở Đài thì anh phải thông báo cho em biết như thế này: Cái VTC ấy, cả phóng viên lẫn hội bảo vệ đều rất hay xử sự như thế. Họ hẹn mình, rồi cho mình leo cây cả nửa tiếng mà lúc gặp mình chẳng thèm nói một lời, mặc dù họ mời mình đến. Chán lắm! Tất nhiên, anh không có ý nói hầu hết mọi người ở VTC là như thế!

lvu on lúc 20:45 20 tháng 2, 2010 nói...

Có lẽ ai cũng nên bày tỏ ý kiến của mình khi gặp những người thiếu kỹ năng giao tiếp/ thiếu văn hóa như anh bảo vệ này.

Gặp cảnh sát hay nhân viên nhà nước thấy nó còn tệ hại đến cỡ nào.

Mai nói...

Mình cũng thích bài này!

Unknown on lúc 21:16 20 tháng 2, 2010 nói...

Hehe, thương con Camry của anh C quá à, qua năm mới trầy trụa tùm lum :D
Chuyện ở đây không phải là nhập cư hay HN, cái đơn giản là có quá nhiều người sống ko có trách nhiệm, tự trọng và không coi người khác ra gì thôi. Còn cái gọi là "cố gắng ko làm phiền người khác" như ai đó cmmt ở trên nghe chừng xa xỉ quá :P.
Em thấy sự dạy dỗ cũng là tương đối thôi. Sống trong 1 xh lộn nhộn, thiếu chuẩn mực, người được dạy dỗ tốt đôi khi cũng hóa lưu manh. Gần mực thì đen mà. Tại sao rất nhiều người Việt cứ ra nước ngoài thì ý thức tốt, về nước mình thì ko thể ko bon chen, chộp giật :-<

Unknown on lúc 21:17 20 tháng 2, 2010 nói...

À mà bây h anh C mới thấu hiểu và cảm thương đám PV trẻ bọn em nhé, đi làm khốn khổ khốn nạn với các bạn bảo vệ :((

Titi on lúc 22:42 20 tháng 2, 2010 nói...

Ui, bàn về văn hóa công cộng ở VN thì đến hồi nào mới kết được đây? Hu hu...

@Dứa: ừ, bên chị bảo vệ cũng như tướng cả lượt. Đến tổng giám đốc quên mang thẻ còn không được vào cơ quan cơ mừ :-P

HwangNguyen on lúc 22:52 20 tháng 2, 2010 nói...

To Mr VMC:
Trích lời của Nặc Danh (cô gái trẻ, ông đại tá không thốt lên được lời xin lỗi không phải vì họ là những người không biết nói lời xin lỗi)

Xét cho cùng thì không thể Võ Đoán bất cứ điều gì. Bởi vì không phải là người trong cuộc, cho nên rất có khả năng vướng vào trường hợp mà bài viết "Bà lão bán báo" của Đàm Minh Thụy, hay bài "Nhà Thổ" của Lu đề cập.

Câu "Nhân vô thập toàn" có lẽ rất đắc dụng trong những trường hợp như thế này.

Phán xét là một việc khó.

LU on lúc 23:31 20 tháng 2, 2010 nói...

Ở nơi em đang ở thì nói chuyện hơi bị to nơi công cộng, đi lướt qua người khác mà quên nói câu "excuse me", chạy dành lên trước mà không chịu xếp hàng đợi theo thứ tự, v..v... điều bị xem là --> "người đến từ hành tinh lạ".

MC3 on lúc 23:41 20 tháng 2, 2010 nói...

Chuyện thường ngày ở HN các bác ơi. Có câu: gặp bụt mặc áo cà sa, gặp ma mặc áo giấy. Xin lỗi mọi người, chứ cô gái đấy, dù có xinh cỡ trời, ko nói 1 lời tử tế hả (nếu cô ta sai lè) mình rút chìa khóa xe máy ngay.

Vhlinh on lúc 00:09 21 tháng 2, 2010 nói...

@VMC: Không phải lái xe taxi nào cũng giỏi nói lời xin lỗi như thế này, mặc dù họ chạy xe rất ẩu. Mình là sợ nhất taxi đấy, chỉ thích cái nhẹ nhàng của chủ xe Camry thôi
Liên quan đến cô gái và bác đại tá thì do ở VN mình kỳ lắm, bất cứ vụ đụng xe nào thì lỗi luôn được gán cho phương tiện cao cấp hơn, luật chẳng có ý nghĩa gì. Tâm lý đám đông dường như cũng nghiêng theo cách tư duy này.
@MC3: MC3 nói thật không đấy??? Khéo rút chìa khóa để làm qquen thì có.

Nặc danh nói...

Từ nước ngoài về cái cảm nhận đầu tiên của tôi là hình như người Việt mình không có thói quen nói lời xin lỗi cám ơn :-( Thói quen này không phụ thuộc người có học hay không mà chắc nó ảnh hưởng bởi nền giáo dục, xã hội,... Các bạn có hay thấy ông bà bố mẹ xin lỗi con cái, giáo viên xin lỗi học trò không?

doanh on lúc 05:56 21 tháng 2, 2010 nói...

Hay bác ạ. Em quan tâm đến nhập cư, nhưng khó mà khái quát được nhập cư thì nói xin lỗi, cái còn lại (2 vị kia không rõ nhập cư hay không) thì không thèm xin lỗi. Việc định vị 3 người: 1 nhập cư, 1 cô gái trẻ đẹp, 1 bác đại tá, dù có thể là thật, khiến người khác đọc bị suy diễn theo tính đại diện của họ. Đó vẫn là cách mà báo chí vẫn làm.

Vụ VTC thì em cũng có kinh nghiệm tương tự. Cậu đó luôn đeo tai nghe. Em đến 3 lần, đi thẳng vào trong nói chuyện với receptionist thôi.

Nhưng đúng như chị Titi nói, dù sao đến VTC vẫn thấy open hơn, họ không có cái cổng quá hẹp phải đi qua dưới mắt nhìn soi mói của tổ bảo vệ thanh niên làm theo lời Bác ở VTV, ngay cả khi mình có giấy tờ liên hệ công tác đầy đủ. Họ thích cách có người quen dắt vào hơn. Cái này rất Triết học ở chỗ tư cách của anh không mấy đáng tin cậy, nếu anh không quen biết ai cả.

Lana on lúc 08:23 21 tháng 2, 2010 nói...

Dứa viết: "Sự dạy dỗ là tương đối...Tại sao rất nhiều người Việt cứ ra nước ngoài thì ý thức tốt, về nước mình thì ko thể ko bon chen, chộp giật". Tớ không đồng ý lắm câu này Dứa à. Sự giáo dục luôn có ý nghĩa rất quan trọng (thậm chí là cái cốt) dù đúng là xã hội xung quanh cũng có ảnh hưởng không ít.
Lại đặt vấn đề theo cách này: Cũng trong XH lộn nhộn (VN mình nhé), vẫn có không ít người xử xự thanh lịch (VMC và anh tài xế ở trên là một ví dụ), và người Việt sống ở nước ngoài vẫn có phần không nhỏ 'luồn lách, chụp giựt' khó chấp nhận đến đáng khinh.
Tớ kể chuyện này nhé: Ở Úc, ngoài trợ cấp thất nghiệp, những người làm cha, mẹ đơn thân thì được hưởng những trợ cấp ưu ái hơn từ chính phủ. Và thế là có không ít các cặp vợ chồng không làm sao nhưng ly hôn giả (ly hôn để nhận trợ cấp, nhưng vẫn sống với nhau), đến nỗi chính quyền nhiều khi đi kiểm tra xem cặp ly hôn có sống chung không, nếu bị phát hiện ly hôn giả (cheating) sẽ bị phạt.
Đối với tụi Tây, trước chuyện đó họ chỉ có thể lắc đầu. Đúng thật là không còn gì để nói: Tại sao lại đem cái thiêng liêng là gắn kết hôn nhân của mình để đêm đổi lấy tiền trợ cấp chứ? Mà lại là đổi bằng cách lừa dối (cheating)!

Cho nên tớ nghĩ thế này, XH trong lành thì ít cái xấu để con người bị ảnh hưởng, XH lộn nhộn thì việc giáo dục nhân cách, văn hóa cho mỗi cá nhân lại càng quan trọng hơn rất nhiều - để biết chọn lọc, phân biệt. Thêm nữa, ở các nước tiên tiến, nếu bạn 'nhập' vào các trường học phổ thông, bạn sẽ thấy việc dạy các em cách suy nghĩ, cách sống, cách xử xự là một phần lớn trong nội dung dạy của nhà trường. Họ gắn việc giáo dục nhân cách cho các em vào mọi hoạt động, mỗi ngày. Các em trở nên những con người của họ văn minh cũng nhờ giáo dục nhiều lắm.

Titi on lúc 08:32 21 tháng 2, 2010 nói...

@Nặc danh vừa ở bển về: tớ thường xuyên xin lỗi bé nhà tớ, kể cả khi mẹ có lỗi thật lẫn lỗi do trí tưởng tượng của bé suy ra.

Hè...đơn giản là vì tớ muốn bé coi việc xin lỗi là tự nhiên, tất nhiên nếu mình có lỗi.

Phức tạp hơn là tớ muốn bé ý thức từ nhỏ rằng con người có thể mắc lỗi, được quyền mắc lỗi, nhưng khi nhận ra là mình đã mắc lỗi thì thừa nhận lỗi lầm thật nhanh, thật giản dị trước tiên bằng câu xin lỗi thôi :-)

Lana nói...

@VMC: VMC ơi Lana xin phép bản quyền đưa bài này về LHSVN nhé.

Titi on lúc 08:41 21 tháng 2, 2010 nói...

@Gấu: ngay cả khi mình có giấy tờ liên hệ công tác đầy đủ. Họ thích cách có người quen dắt vào hơn. Cái này rất Triết học ở chỗ tư cách của anh không mấy đáng tin cậy, nếu anh không quen biết ai cả.
Nâng cao quan điểm hay quá, nhưng thực sự chị nghĩ họ (bảo vệ ấy) lo lắng rằng em đi loăng quăng trong Đài vừa rộng, vừa lắt léo khéo lạc mất thôi :-P Nếu em là cộng tác viên lâu năm, có thẻ ra vào thì họ không bắt bẻ thế nữa đâu :-)

Đi sâu vào mí anh bảo vệ trong Đài em í mà. Tất cả không hẳn là do yếu văn hóa mà còn là vì trình độ chuyên môn, kiểm soát kém, sợ trách nhiệm cho nên phải hoạnh họe nhiều ....cho chắc :-D Mặc kệ người kia khó chịu, ta cứ phải đảm bảo không bị trừ lương cái đã :-P

Nặc danh nói...

- Anh ơi, đằng nào thì anh cũng đáp lại lời bạn bảo vệ rồi, sao còn yêu cầu bạn ấy bỏ tai nghe trong khi bạn ấy vẫn nghe được? Em đang thử hình dung là nếu anh bảo với bạn ấy "Chào bạn, tôi là VMC, đến gặp BTV ABC làm chương trình XYZ. XIN LỖI, tôi có thể vào được không? CÁM ƠN bạn" thì câu chuyện trong cái entry này sẽ thế nào.
- Bạn bảo vệ không có kỹ năng của một người làm nhiệm vụ đón tiếp thì có gì mà phải thắc mắc ạ? Ở những nơi an ninh nghiêm ngặt hơn thì bảo vệ còn không nói câu nào ấy chứ.
- Việc phải có người trong cơ quan xuống tận cổng dẫn vào đâu phải là cá biệt ạ? Em biết nhiều nơi áp dụng việc này như là một biện pháp an ninh và phải thực hiện nghiêm ngặt đấy chứ.
- Có bạn chê nhân viên nhà nước, nhiều người đang bàn luận ở đây cũng là nhân viên nhà nước. Các anh chị có biết cảm giác nhân dân khi gặp anh chị thì thấy thế nào không ạ? Khi đi qua cổng cơ quan, các anh chị có hay chào các bạn bảo vệ không?
- Không hiểu lắm ý bạn Gauxx. Nhưng mình nghĩ khái quát về người nhập cư (hay dán cho người nhập cư), bao gồm từ những nguời làm việc ở số 1 Hùng Vương đến những người ở phía bên kia sông ngày ngày qua cầu vào Hà Nội, chắc là một việc khó, và ít mang tính thực tiễn (khi mà ít nhất 1/3 người Hà Nội là người nơi khác đến).
- Việc không nói cảm ơn hay xin lỗi như ở người nước ngoài cũng không hẳn đã là điều xấu đâu ạ, vì mỗi nơi có một nền văn hóa. Vì cứ yêu cầu thế rồi mấy bạn đi Thái đi Nhật về lại chê người Việt không biết chắp tay, cúi đầu chào khách?
- Anh VMC đi xe ô tô trên đường Hà Nội, chiếm đường nhiều, người khác đi xe máy va vào anh, cho dù họ đang vội, theo thiển nghĩ của em, anh nói một câu xin lỗi cũng dễ thương dù anh không mảnh khảnh!
- Cuối cùng, em xin lỗi đã viết rất nhiều ở đây và cảm ơn những ai đã đọc.

Titi on lúc 09:12 21 tháng 2, 2010 nói...

Bạn nặc danh trên phản biện hay lắm. Cơ mừ bạn nên nhớ, nguyên tắc văn hóa ứng xử trước tiên phải được thực thi từ "chủ nhà" trước, chứ không ai bắt khách phải lịch sự còn mình thì lúi xùi ra sao thì ra nhé. Còn va phải nhau trên đường thì ai xin lỗi trước cũng còn phải phụ thuộc tâm trạng người bị đâm xem anh ta có đang vui hay đang lo lắng không nữa cơ. Nếu mình vui, mình cũng có thể xin lỗi người kia lắm cho dù mình là người bị đâm. Cơ mừ nếu mình đang vội, đang lo việc khác thì khó lắm í :-(

Unknown on lúc 09:17 21 tháng 2, 2010 nói...

Bon chen cmmt cái cmmt trên của bạn nặc danh trên nhé, hy vọng anh C và bạn ko giận em lanh chanh :D
_ Về việc nói anh C đi ô tô là chiếm đường nhiều của người khác và có ai va vào anh C thì anh C phải xin lỗi nó buồn cười quá :)).
_ Chuyện cảm ơn và xin lỗi không phải là văn hóa mỗi nước, nó là thứ lịch sự văn minh tối thiểu và với mức phát triển như ở thời đại hiện nay con người ta nên coi nó là đương nhiên phải có.
_ Việc có người từ cơ quan xuống dẫn vào từ cổng là đúng nguyên tắc bình thường. Nhưng nếu đúng nguyên tắc hơn nữa thì anh bảo vệ phải mặc đồng phục, ngồi đúng vị trí của anh ta, hướng dẫn khách để xe và gọi dt lên cho nhân viên của cơ quan xuống đón (chứ ko phải là nói người khác gọi người xuống đón). Anh bv ko phải được thuê để nghe ipod trong giờ.

Unknown on lúc 09:27 21 tháng 2, 2010 nói...

Về chuyện giáo dục ko phải tất cả như em nói và chị Lana ko đồng tình, em chỉ muốn diễn giải ý như sau. Chắc chị Lana đã có con và hiểu rằng, cùng 1 nền giáo dục, nhưng 2 đứa con của chị có thể hành xử khác nhau hoàn toàn. Thậm chí ở nhiều gia đình khác, cùng 1 nền giáo dục, có thể nói là tốt, những đứa con vẫn khác nhau hẳn về nghị lực sống, cách hành xử, quan điểm về tiền bạc, và cả vấn đề đạo đức nữa....

Nói như thế ko phải là ừ thì ko đề cao giáo dục. Nhưng em nghĩ nhiều người cứ mở miệng ra là đổ tội cho giáo dục là rất không đúng. Chẳng nhẽ cô gái và cả ông đại tá già kia ko được dạy dỗ ư, ai mà biết được. Con người ta phát triển nhân cách là cả 1 quá trình tổng hòa sự hấp thu nền gd của gia đình, nhà trường và cả ảnh hưởng của xã hội, và cả tự thân người đó có tinh thần hoàn thiện bản thân ra sao. Trong đó, em nghĩ, xã hội xung quanh ảnh hưởng rất lớn đến mỗi cá nhân. 1 đứa trẻ được bố nó và cô giáo dạy đừng vượt đèn đỏ con nhé, nhưng nó đi ra đường thấy ai cũng vượt mà cả xh coi đó là chuyện bt, liệu nó có thấy cần phải giữ tự trọng khi làm 1 việc ai cũng thấy bt hay ko. Đến khi lớn nó đi làm, việc phủi trách nhiệm lại càng dễ dàng khi sếp nó, những người quanh nó làm việc đó 1 cách điêu luyện....

Cho nên khi phán xét ai đó, đừng phán xét họ là con nhà ai, có giáo dục hay ko, quê đâu. Hãy nhìn vào chính con người đó mà thôi. Một người cư xử thiếu văn hóa là người đó đã sống thất bại rồi .

Thày bói mù on lúc 09:31 21 tháng 2, 2010 nói...

Chuyện về nét thanh lịch của Người Hà Nội gốc.

Một đại biểu quốc hội người Hà Nội gốc, khi đang lưu thông trên đường phố Hà Nội thì gặp đèn đỏ và ông dừng xe lại ngay trước vạch vôi dành cho người đi bộ (Cực kỳ đúng luật). Gần như ngay tức thì xe của ông bị một chiếc xe đi sau đâm sầm vào, mới quay đầu lại xem chuyện gì xảy ra. Ông liền bị đôi trai thanh gái lịch mắng xối xả: "đồ thần kinh, đang đi dừng lại làm gì!", sửng sốt và kinh ngạc về hành vi này nhưng ông chỉ nhẹ nhàng nói: "Bác làm đúng theo luật giao thông, các cháu gây tai nạn cho xe của bác, vậy mà lại còn nói..." Mới chỉ nói đến đấy cặp đôi kia đã cất giọng: "Đồ nhà quê", "Lão già hâm".
- Còn nhiều ví dụ tương tự lắm.

@ TiTi: Em đã đúng khi dạy và làm gương cho con của em về văn minh xin lỗi, đây là điều hay của các nước tiến bộ, em là một trong số rất ít người Việt làm được diều này, hay đấy!

@ Nặc danh (Từ nước ngoài về cái cảm nhận đầu tiên của tôi): Điều bạn nói là đúng, thực ra người Việt mình có một hình thức xin lỗi, đó là tỏ dấu hiệu làm lành và thái độ biết lỗi(ví dụ như cười trừ,...,) những lời xin lỗi và hành động nhận lỗi trực tiếp gần như không xảy ra. Một thứ văn hóa lai Tàu Khựa ấu trĩ.

doanh on lúc 10:03 21 tháng 2, 2010 nói...

@Titi: hì hì, nói tốt cho bổn đài nhá chị :-) Em không phải CTV lâu năm, nếu có thẻ ra vào thì khỏi nói rồi. Ý em đơn giản là khi mình mang giấy giới thiệu và CMND đến Đài, xin gặp người abc, rất là mất thời gian và bị nghi ngờ, soi xét, căn vặn, chờ đợi. Nên lần sau có giấy tờ mà phải cất đi, để kêu người quen dắt vô cho lẹ.

@Nặc danh trên: ý bạn nói đúng là ý tớ đó. Tớ cũng nhấn mạnh là không khái quát được. Góp ý của tớ là đối với tác giả, vì có comment ở trên đã hỏi phải chăng anh VMC nói tốt cho dân nhập cư. Đây: "Cô gái xinh đẹp, bác đại tá hẳn không phải là những người ít học. Còn chàng trai nhập cư này..."

Tớ không cần biết mục đích của bác VMC, nhưng về việc viết, khi đặt ra so sánh đó, sẽ dẫn đến một sự định vị xã hội khái quát cho 3 nhân vật. Bóc nó ra sẽ thấy những định kiến bên trong: cô gái trẻ đẹp chắc phải có học, cô ta phải đàng hoàng lịch sự chứ, tương tự là ông đại tá. Còn anh chàng kia, đã lái taxi, lại nhập cư - chắc là ít hoc rồi, ít học thì chắc là phải xử sự kém, vậy mà ngược lại...

Ngoài ra, còn có hàm ý ngầm về giáo dục (có nhiều học mà không bằng ít học). Đây là tư duy đề cao giáo dục học đường, cấp bậc (có học mà thế à, đại tá mà thế à)...

Vì bác VMC là nhà báo, nên tớ mổ xẻ tí nhân ngày CN rảnh rang cho vui thôi. Tớ thấy chi tiết này không ổn lắm: "Cách đây hơn nửa năm, vào một tối trời mưa, ở ngã tư Thái Hà, một bác đại tá đi xe máy..." Làm thế nào để nhận diện 1 bác đại tá? Nhờ quân hàm? Trời tối, lại mưa, thủ phạm mặc áo mưa, tác giả ngồi trong xe ô tô, khi bị tông xe thì ông kia lủi cái rồi bỏ đi luôn. Sao biết đại tá hay vậy? Đại tá đi xe máy đã là của hiếm, lại đi lúc tối trời, mưa, mà vẫn để cho bác VMC nhận ra đại tá? Trừ khi là người quen thôi. Xác suất nhận diện là rất hạn chế, nên việc gọi cấp bậc ông ta vào bài viết là kém thuyết phục.

Tớ vẫn khen bài viết hay, không phải vì mọi chi tiết đều tốt và đúng. Mà vì nó có tiềm năng để bàn tán rông dài.

VMC on lúc 10:44 21 tháng 2, 2010 nói...

@Gauxx:
- Cái quân hàm đại tá là anh nhìn thấy hẳn hoi. Anh mở kính xe để xem, thì bác ấy đi ngang qua. Trời mưa nhỏ, bác ấy không mặc áo mưa, nên thấy rõ cái quân hàm. Mặt bác ấy thản nhiên như không.

Titi on lúc 10:53 21 tháng 2, 2010 nói...

@Gấu: em cứ nói xấu nhà Đài thoải mái. CHị còn nói xấu nó thường xuyên hơn em cơ. Cơ mừ trong tốt có xấu, trong xấu có tốt, thế nó mới đau đầu chớ Hè hè...
@VMC: mắt anh tinh thật đấy. Cho phép em gọi là mắt cú vọ nhé :-D

VMC on lúc 10:54 21 tháng 2, 2010 nói...

@Nặc danh:
Mặc dù em Dứa đã lanh chanh hồi đáp comment của bạn (cảm ơn em Dứa), nhưng tôi muốn bổ sung một vài điều.
- Khi đến cơ quan khác, Tôi luôn sẵn lòng giới thiệu mình và mục đích mình đến, nhưng phải là ở phòng thường trực. Nếu bạn đến VTC thì sẽ thấy trước khi bước vào phòng thường trực có cái bãi để xe. Bạn bảo vệ đứng ở khu vực bãi để xe, trong bộ dạng ấy, và hỏi tôi, nên tôi không nghĩ rằng bạn ấy đang thực hiện công vụ.
- Ở những nơi an ninh nghiêm ngặt, bảo vệ mặc sắc phục, nếu mặc thường phục họ hẳn không có dáng vẻ như đang nghe nhạc.
- Gọi người xuống cổng đón đúng là không cá biệt, vì trong trường hợp của tôi, tôi đã gọi cho BTV ngay sau khi xuống xe (trước khi gặp bạn bảo vệ).
- Không biết những người khác thế nào, riêng tôi luôn chào người bảo vệ ở các cơ quan khi đến và khi ra về, trừ phi họ quay mặt đi chỗ khác.
- Nếu bạn đọc kỹ, sẽ thấy những vụ va chạm đều xảy ra ở ngã tư, khi tôi đã dừng xe trước đèn đỏ rồi. Do vậy tôi không thể xin lỗi cô gái và bác đại tá, những người do không làm chủ được tốc độ, hay vì một lý do nào đó, đâm vào xe của tôi.
-

Lana on lúc 11:16 21 tháng 2, 2010 nói...

@Dứa: Giáo dục đối với văn hóa, dân trí... là chủ đề rất hay và rất nhiều điều để nói, nhưng có lẽ ở đây mình bàn đến vậy đủ rồi nhỉ?
Lana rất, rất thích câu này của Dứa: "Một người cư xử thiếu văn hóa là người đó đã sống thất bại rồi."

@Bạn nặc danh phản biện: Phản biện của bạn hay vì làm cho diễn đàn sôi động hơn. Nhưng vì nhiều kết luận bạn đưa 'thái cực' quá nên sẽ gây phản hồi. Ví như cá nhân tớ, đến những chỗ cần liên hệ và có cổng bảo vệ, tớ luôn sẵn sàng chào bảo vệ. Có gì đâu mà quan cách nhỉ?
Chuyện đi xe ô tô đi đúng đường, đúng luật nhưng vì cồng kềnh chiếm chỗ thì 'nên' xin lỗi xe máy đi sai va vào mình, nghe quá kỳ cục. Tớ bỗng so sánh với người giàu, vì có nhiều tiền gây lòng tham, nên phải xin lỗi kẻ ăn trộm :(

Titi on lúc 14:29 21 tháng 2, 2010 nói...

Trước kia, em cũng hay khó chịu với các kiểu vô văn hóa của vô số người như anh viết. Nhưng từ ngày học được ở sư phụ em câu này : "người ta xấu người ta chịu, mình luôn phải đẹp trước đã con ạ" thì em thấy đỡ bức xúc hẳn. Nhưng nói thế không có nghĩa là em dung thứ cái xấu. Câu đó ẩn ý rằng ai ai, sớm muộn gì cũng phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, những người vô văn hóa sẽ phải tự chịu trách nhiệm và nhận hậu quả từ việc làm thiếu ý thức của họ .

Vân Lam nói...

1. Hôm nay bọn em đã nán lại xem hết chương trình phỏng vấn anh rồi mới khởi hành lên HN. :D Trông anh sao mà không già đi một tí nào nhỉ? Thậm chí có phần phong độ hơn xưa. Bọ cạp nhà em ghen tị lắm. :D

2. Em đồng ý với cmt của bạn Dứa! :)

Nga nói...

1. Hình như các sếp, lãnh đạo của Mr. VMC (báo chí,...) cũng không biết, không muốn, không cần,... xin lỗi thì còn nói gì đến mấy cô bé xinh đẹp, vài người (kẻ) già quân đội...
2. Biết đâu, mấy người trên ở HN thì xa lạ với từ "xin lỗi" và cướp hoa mỗi năm, nếu vào Sài Gòn chẳng hạn thì có thể khá lên chăng, he he.
3. Khi đến gần đèn xanh đỏ mà muốn dừng thì có thể nhá chân phanh vài cái cho đèn phanh chớp & tắt vài lần và / hoặc lắp thêm nhấp nháy (khi đạp phanh) cho mấy chú taxi, em xe máy... để ý tí chăng ?

Thuy Dam Minh on lúc 08:51 22 tháng 2, 2010 nói...

Lana, Dứa và các bạn: Có một ý này, mình rất đồng ý với Lana. Đó là nhiều người Việt ở nước ngoài thì họ rất là nghiêm túc, tự giác và văn minh. Thậm chí, ngay cả ở trong nước mà làm việc trong môi trường có người nước ngoài họ cũng thế. Nhưng thật là kỳ lạ, cứ hễ đi ra đường, đến những nơi công cộng là họ rất tệ: Đi muộn, về sớm. Hẹn nhưng sai hẹn, trễ giờ. Va chạm người khác thì k bao giờ nói được một lời tử tế. Làm việc thì bài bây.
Vì sao vậy? Mình nghĩ là do ý thức thôi. Tức là cái ý thức sùng bái ngoại quốc, sợ người nước ngoài, coi thường người Việt ấy.
Hic! Không biết mình nói thế có quá đáng không nữa!

Unknown on lúc 10:22 22 tháng 2, 2010 nói...

Ôi anh Thụy, em nghĩ ko hẳn là người Việt sùng bái người nn đâu, mà là trong mt công việc vớ vẩn là bị đuổi, hoặc bị nhìn với anh mắt coi thường thì người ta buộc phải điều chỉnh. Còn với người Việt thì làm việc xấu xí vãn là việc thường, cả trăm người cũng xấu như mình, cần rì phải tự trọng :P.
Mà nếu có sợ hãi, sùng bái người NN thật, thì mình nên ngồi nghĩ xem, giá mà có "thế lực" nào đó ở VN khiến người Việt sợ hãi, sùng bái mà bớt xấu xí như thế. Pháp luật nghiêm minh chẳng hạn :P
Cmmt nốt (lần này nhảy chồm hỗm vào nhà anh C nhiều quá, em vào nốt lần này rồi em ra :D) với cái cmmt của bạn /anh/chị Nga ở trên: Em thực sự phát ốm lên với những người cứ hở ra là HN thế này, SG thế kia (vâng, phải dùng từ phát ốm). Cực kỳ vô nghĩa, ở đâu cũng có người tốt, người xấu, người thế này, người thế kia.

Còn về việc khi phanh xe oto, đèn ở đuôi xe bao giờ chẳng sáng lên. Kẻ nào vô ý tông phải đuôi xe người khác, 1 là ko chú ý đi đường, 2 là đang bon chen cố phóng nhanh để vượt đèn đỏ.

Nặc danh nói...

Xin lỗi là đã phản biện hơi “thái cực”, cám ơn anh VMC và tất cả mọi người đã phản hồi ạ.

ntd nói...

Bài viết này của anh VMC đã tạo ra một cuộc tranh luận rất thú vị, xin cám ơn anh VMC. Vấn đề câu cám ơn xin lỗi nghe có vè nhỏ nhưng nó là thói quen cơ bản trong quan hệ của con người, không phân biệt đẳng cấp giầu nghèo, cũng như câu chào vậy. Thành ra khi đến cơ quan bạn có chào người gác cổng hay quét dọn cũng phải là chuyện bình thường. Trong cuộc sống chỉ cần câu cám ơn xin lỗi đúng lúc đúng chỗ là sẽ giải quyết được nhiều việc.
Tôi không đồng ý với bạn Nặc danh cho rằng khi anh bảo vệ đã trả lời anh VMC dù vẫn đeo tai nghe là được rồi. Theo tôi đây là một sự không tôn trọng người khác.
@Thuy Dam Minh: tôi không nghĩ là người Việt mình sùng bái người nuóc ngoài mà sợ thì đúng hơn, mà tại sao sợ thì tôi cũng không giải thích được. Theo tôi môi trường xã hội, nơi làm việc tác động rất nhiều đến cách ứng sử. Khi bạn ngồi trong nhóm không nói tục chửi bậy thì nếu bạn có thốt ra câu nói tục chắc bạn cũng thấy ngượng mồm.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết