22/2/09

ÔNG BÀ CHỦ ĐI LÀM RẪY



Anh là trưởng phòng trong một cty hoá mỹ phẩm của nhà nước, sản xuất vài ba loại kem đánh răng, xà phòng thơm thời bao cấp người ta hay dùng. Chuyển sang kinh tế thị trường, cty anh lo sợ khi nhìn thấy làn sóng tấn công của hoá mỹ phẩm ngoại. Kiểu này chắc đóng cửa, sập tiệm là cái chắc.

Nhưng chưa kịp chết, thì thấy ông chủ của một tập đoàn hoá mỹ phẩm đa quốc gia lù lù dẫn xác đến, đòi mua toàn bộ nhà máy, công nhân và cả kho sản phẩm sắp sửa đem cho không ai nhận. Nói là mua, nhưng ai bán mà mua? Chúng tôi là công ty nhà nước, phải liên doanh. Ông chủ nước ngoài gật đầu: liên doanh thì liên doanh.

Và họ liên doanh thật. Hai bên đều hài lòng.

Phía nước ngoài nói: Các vị cử cho một người sang liên doanh giữ vị trí Phó Tổng giám đốc. Tiêu chuẩn hàng đầu là phải biết tiếng Anh. Cả bộ sậu của cty nhà nước chỉ có mỗi mình anh biết tiếng Anh. Không cử anh thì cử ai? Thế là từ vị trí trưởng phòng, anh vượt qua các ông các bà giám đốc và phó giám đốc ở cty để giữ vị trí quan trọng trong liên doanh.

Thực ra thì công việc của anh chẳng mấy khó khăn. Sản xuất cái gì, bán hàng ra làm sao, tổ chức mạng lưới bán hàng thế nào, tiếp thị ở đâu... tất tần tật đều được lên kế hoạch tỉ mỉ từ tổng hành dinh của tập đoàn ở nước ngoài. Tổng Giám đốc là người nước ngoài, Phó TGĐ, Giám đốc kinh doanh và một vài vị trí chủ chốt khác cũng do người nước ngoài nắm giữ.

Anh được đưa đến tổng hành dinh để huấn luyện trong vòng ba tháng. Trở về nước, anh được hưởng lương và mọi chế độ đãi ngộ của tập đoàn tương xứng với vị trí mà anh có. Anh có nhà đẹp để ở, có xe hơi xịn đưa đón, đi công tác thì ngồi máy bay khoang hạng thương gia, ở khách sạn 5 sao...

Anh hãnh diện lắm. Những ông to bà lớn ở công ty cũ nhìn anh với ánh mắt ghen tị.

Làm được một thời gian ngắn thì anh vỡ lẽ ra rằng, họ liên doanh với cty anh không phải để phát triển nó mà là để bóp chết nó, tiêu diệt hết những sản phẩm mà cty sản xuất ra, tung ra những dòng sản phẩm mới với thương hiệu mới.

Sau vài ba lần tăng vốn, mà cty anh không thể đào đâu ra tiền để góp vào, cái tỉ lệ ta-tây 51/49 không thể hùng dũng tồn tại mãi và chẳng bao lâu sau tập đoàn đa quốc gia đã nuốt trọn cty của anh. Tất nhiên các nhân vật chủ chốt vẫn có cổ phần, nhưng họ hầu như không còn tiếng nói gì nữa.

Anh thì khác, anh vẫn có vị trí, vẫn có tiếng nói. Và anh giầu lên rất nhiều: Ngôi biệt thự rộng 3 tầng toạ lạc trên một con đường ở trung tâm thành phố với hầm rượu vang độc nhất vô nhị, xe Mercedes đời chót, membership của những câu lạc bộ golf danh tiếng, hai người con học đại học ở nước ngoài...

Tưởng như cuộc sống chẳng còn gì có thể tuyệt vời hơn được nữa.

Sau 15 năm làm Phó Giám đốc của tập đoàn, anh xin về hưu. Mọi người đều ngạc nhiên: Lương đang cao, bổng lộc như thế, sao lại dại dột xin về hưu? Chỉ có anh biết: Thế là đủ.

Anh mua một mảnh đất rộng ở tỉnh kế bên thành phố, xây ngôi nhà một tầng có 4 phòng. Hai vợ chồng dọn về đó ở. Họ đào ao nuôi cá, thả vịt, nuôi gà, trồng rau trồng cây cây quanh nhà. Họ thưởng thức cuộc sống điền viên và dường như quên hết những phiền muộn, bon chen của thế giới bên ngoài.

Bây giờ ai tình cờ đến ngôi biệt thị của anh trong thành phố, sẽ thấy một cô oshin ra mở cửa. Cô dẫn khách vào ngôi nhà sạch như lau như ly, đồ dùng choáng lộn, mời một ly nước mát. Trong nhà còn một cô ôshin nữa. Các cô lo dọn dẹp, tưới hoa, cho cá cảnh ăn. Rảnh thì bật tivi xem phim bộ hoặc nghe cải lương trong căn phòng điều hoà mát rượi.

Hỏi ông chủ đâu, các cô sẽ nói: "Da, thưa ông bà chủ đi làm rẫy".

20/2/09

VIẾT... VỚ VẨN



Chiều Hà Nội mùa này chẳng giống tiết gì. Tự nhiên lại có gió lành lạnh tựa như heo may. Lá vàng rơi khi chớm xuân. Hồ Gươm trong vắt buồn.

Một Hà Nội thật khó định nghĩa.

Cả cái ly cà phê này cũng khó định nghĩa. Khi tôi mua gói càphê bột và đem ra quầy tính tiền, cô thu ngân đột ngột nhìn tôi và mỉm cười:

- Cà phê này chắc phải ngon lắm anh nhỉ?
- Sao em lại nghĩ thế? - tôi hỏi lại.
- Vì em thấy nó đắt quá, - cô hồn nhiên đáp.
- Chắc thế, hy vọng là ngon.

Và bây giờ, tôi ngồi pha càphê từ gói càphê được mặc định là ngon đó. Từng giọt nhỏ thánh thót.
- Dạo này blog viết vớ vẩn, linh tinh quá nhỉ! - giọng của người đối thoại vang lên.
- Cái gì cơ, blog của tôi ấy à? - tôi hỏi.
- Hừm... Anh viết cũng được... - người đối thoại trả lời.
- "Anh viết cũng được"! - tôi nhắc lại câu người đối thoại vừa nói, rồi giải thích: - Người Việt mình nói "cũng được" tức là bình thường, không hay ho gì cho lắm. Nói cho tôi nghe, bài nào vớ vẩn, linh tinh?
- Hàhà, - người đối thoại cảnh giác. - Thôi, nói làm gì? Anh cầu toàn, nói ra anh lại tự ái.
- Tự ái à? Tôi đâu có tính tự ái?
- Ai chẳng có tính tự ái. Nói thế là đủ biết rồi. Chẳng nhẽ lại nói toạc móng heo ra nữa thì anh lại buồn. Người khôn ăn nói nửa chừng...
- À, thế là tôi bị coi là "kẻ dại" đây!

Blog viết vớ vẩn, linh tinh... Đúng quá rồi còn gì? Viết blog có phải là viết trước tác gì đâu. Nghĩ thế nào viết thế. Cho nên nếu có ai nhận xét "viết vớ vẩn, linh tinh" thì có gì sai đâu.

Nhà thơ viết 10 bài thì cũng có dăm ba bài dở. Ca sĩ hát 10 bài thì chắc hẳn cũng có vài bài chẳng nghe được. Blogger cũng thế thôi. Được dăm bảy bài hay trong số mấy trăm entry thì cũng đã là may lắm rồi.

- Càphê thế nào?
- Cũng được!
- "Cũng được" thôi à, thế tức là càphê đắt chưa hẳn đã ngon!


Dù sao cũng cảm ơn người đối thoại. Đừng ngại vì nói thật. Tôi biết bạn nói thật cũng là vì quý tôi thôi mà. Bạn cũng chẳng làm tôi giận, vì tôi biết tôi viết nhiều điều vớ vẩn, linh tinh thật.

Nhưng mà này, tôi sẽ vẫn còn viết vớ vẩn, linh tinh đấy nhé.

18/2/09

NHỚ BẠN CŨ



Học lên cấp 2, tôi chuyển sang một lớp mới toe. Tất cả các bạn lớp 4A của tôi đã chuyển sang học trường mới cho đúng tuyến.

Sang lớp mới, lạ nước lạ cái, tôi co người lại trước cái nhìn soi mói của những bạn mới. Chắc nhờ những lời phê không đến nỗi nào của các thầy cô giáo cũ trong học bạ, mà cô Trang - Giáo viên chủ nhiệm lớp, vẫn cử tôi vào nhóm 5 đội viên của lớp đi dự Đại hội Liên đội của trường.

Tôi nhớ cái đại hội đấy, bởi vì giữa chừng có một anh học lớp 7 (lớp cuối cấp 2 thời đó - năm 1977) bước lên bục xin hát một bài. Và anh ấy cất giọng ca vọng cổ. Đó là lần đầu tiên tôi nghe một người ca vọng cổ live, vì tôi sống ở tận Tuyên Quang - thị xã đèo heo hút gió, cách biên giới với Trung Quốc chưa đầy 200 km và cách miền nam - quê hương của vọng cổ - chặng đường dài gấp 10 lần thế, nên chỉ được nghe vọng cổ qua sóng của đài phát thanh.

Anh ca bài về nụ cười chiến thắng của chị Võ Thị Thắng: "30 năm khổ sai quân thù tuyên án, trước mặt quân thù em vẫn... tươi cười!" (tôi không nhớ đích xác câu vọng cổ này). Ngày đó chúng tôi không biết phải vỗ tay khi người ca cải lương xuống xề, chỉ biết xuýt xoa: "Anh này hát hay quá!". Khi anh ca xong, thì cả hội trường vỗ tay rầm rĩ.

Lũ con gái thì thào hỏi nhau: "Anh này là anh nào?". Sau thì chúng nó cũng vỡ lẽ ra đó là anh Vũ, học lớp 7C, nổi tiếng vì đẹp giai và quậy. Anh được đi Đại hội Đội không phải vì học giỏi, mà là để đến góp vui vài bài...

Sau này còn nghe nhiều chuyện động trời mà Vũ gây ra ở trường. Đấy là so với những năm cuối của thập niên 1970, chứ những trò đó của Vũ mà bây giờ đem ra so sánh với những gì mà đám học sinh lớp 8 lớp 9 hiện nay làm thì chẳng thấm tháp vào đâu.

Tôi thực sự không hợp với lớp 5 mới, nên sang lớp 6, mẹ tôi xin cho tôi chuyển sang trường khác gần nhà hơn. Học đến kỳ 2 năm lớp 6 thì cuộc chiến tranh biên giới xảy ra... Trường tôi đón nhiều thầy cô giáo và học sinh từ biên giới sơ tán về.

Năm 1980, tôi thi đỗ lớp 8 (là lớp 10 ngày nay). Cả thị xã chỉ có một trường cấp 3 (trung học phổ thông), nên tất cả học sinh tốt nghiệp các trường cấp 2 đều phải đến đó học. Tôi được phân về lớp 8B. Ngày đầu tiên đến lớp, tôi không thể tin vào mắt mình: Trong lớp tôi có Vũ!

Thì ra anh ta đã một năm không thi được vào cấp 3, sau đó 1 năm lưu ban, nên mới chịu ngồi chung với bọn đàn em như tôi.

Vũ đầu têu đủ trò nghịch ở lớp tôi. Mà tôi thì lại là bí thư chi đoàn. Tôi phê bình Vũ nặng nề và kết cục là trong một lần tranh cãi ở sân trường Vũ đã thẳng tay thụi vào mặt tôi. Tôi không nói câu nào, nhìn trừng trừng vào mắt Vũ. Vũ cũng nhìn lại chòng chọc. Hai thằng đấu mắt nhau mấy phút đồng hồ.

Hình như sau vụ đó, Vũ hối hận và không cãi vã với tôi nữa. Chi đoàn lớp tôi thành lập đội văn nghệ, đương nhiên Vũ là nhân vật không thể thiếu. Anh nhận lời đóng vai chính trong vở kịch do tôi viết kịch bản. Mà nhân vật đó thì rất giống Vũ ngoài đời, tức là hành trình vươn lên của một học sinh cá biệt. Vở kịch thành công trong hội diễn 26.3 ở trường. Vũ có thêm nhiều fan nữ... Cô lớp phó học tập Thuý xinh đẹp, đóng vai em gái Vũ trong kịch, sau đó hình như phải lòng Vũ.

Tôi với Vũ trở thành bạn. Không phải bạn thân, mà là hai người hiểu nhau, tôn trọng nhau.

Học hết lớp 8, tôi chuyển về Hà Nội với gia đình và học tiếp cấp 3. Tôi vẫn giữ liên lạc qua thư từ với các bạn lớp 8B. Khi đó mặc dù chiến tranh biên giới đã chấm dứt, nhưng tình hình biên giới vẫn căng thẳng. Các bạn báo tin Vũ lên đường nhập ngũ. Sau vài tháng huấn luyện, anh được đưa lên cắm chốt ở một điểm nóng tại huyện vùng cao Thanh Thủy - Hà Giang.

Bẵng đi ít lâu, các bạn báo tin: Vũ đã hy sinh trong một lần tuần tra vì mảnh đạn pháo cối từ bên kia biên giới bắn sang. Tôi lặng người đi. Chàng trai ngang tàng có gương mặt trắng hồng đẹp như thiên thần của lớp tôi đã vĩnh viễn ra đi khi vừa bước qua tuổi 18.

Nghe nói, Vũ chết không trọn thây. Lễ truy điệu anh ở thị xã đầy những vòng hoa trắng. Tất cả con gái lớp tôi đều đội khăn tang.

Nhớ Vũ, nhớ những trò nghịch ngợm của Vũ, nhớ ánh mắt lúc nào cũng thách thức của Vũ và nhất là vẫn nhớ câu vọng cổ xuống xề không được vỗ tay của cậu bé miền rừng núi phía Bắc hát cải lương năm nào...

15/2/09

TRI NHÂN



Lời cảm ơn của nhân vật trong entry "Chữ tín của một con chó".

Anh không chơi blog, nên có thể không biết rằng câu chuyện về con chó của anh đã được viết trên blog của tôi. Câu chuyện có một vài tình tiết khác so với nguyên gốc, nhưng về cơ bản thì là câu chuyện về con chó nhà anh.

Con anh vào blog của tôi, đọc và nhận ra chuyện nhà mình liền báo cho anh.

Anh đọc, và thực sự cảm động vì comment của mọi người.

Anh nhờ tôi gửi bài thơ sau đến những ai đã chia sẻ cảm xúc của mình đối với sự ra đi của người bạn của anh.

Tri nhân

Ai biết ta đang gặp ưu buồn,

nói lời an ủi lúc cô đơn?

Ai cùng ta bước trên đường vắng,

chia sẻ cùng ta những mất còn?


Ai đến với ta lúc ta chờ,

Ai hiểu điều ta vẫn hằng mơ,

Chìa tay mỗi lúc ta cần vịn,

Giúp thuyền ta đi tới bến bờ?


Ai kể được tên những nỗi buồn,

Ai tả hết màu của hoàng hôn,

Ai biết đường đi qua mê lộ,

để tới bên kia của tâm hồn?


Ai khóc cười nghe chuyện của người,

Thương thầm, yêu trộm tháng ngày trôi?

Ai còn nhớ nữa bao miền vắng,

đã đến, từng qua giữa cuộc đời?


Ai giúp ta nguôi những nỗi niềm,

thắp lên ngọn lửa sưởi con tim?

Tri nhân giờ ở nơi nào nhỉ,

để ta vẫn mãi phải kiếm tìm?

LPA

P/S: Anh đã xin được một con chó mới. Nó hãy còn bé và rất hoắng huýt, khiến anh khá mệt nhưng cũng đỡ buồn hơn.

Entry trước:
CHỮ TÍN CỦA MỘT CON CHÓ

14/2/09

THẾ LÀ "HIỀN CÁ SẤU" ĐÃ RA ĐI



Nghệ sĩ ưu tú Phương Thanh, một trong nữ diễn viên xuất sắc nhất của điện ảnh Việt Nam thập niên 1980, đã vĩnh viễn ra đi hôm qua (ngày 13.2) sau 5 ngày hôn mê sâu do xuất huyết não.

Chị thật sự còn trẻ và hình như chưa chuẩn bị gì cho sự ra đi đột ngột như vậy.

Lớp thanh niên mới lớn cách đây một phần tư thế kỷ hẳn sẽ còn nhớ mãi nữ diễn viên tài sắc này trong những vai diễn làm mưa làm gió trên màn bạc thời đó như Hiền "cá sấu" trong "Tội lỗi cuối cùng", Kiều Trinh trong "Bãi biển đời người", Sùng Chinh trong "Lưu lạc và Trở lại Sam Sao", Kiều Oanh trong "Kỷ niệm đồi trăng".

Hiếm có nữ diễn viên nào dám dấn thân và biết hoá thân trọn vẹn vào nhân vật như Phương Thanh. Cô gái điếm đại bàng trong trại giam Hiền "cá sấu", người đàn bà xinh đẹp bí ẩn Kiều Trinh sống trong một ngôi biệt thự ở một đô thị miền Nam sau 1975, vợ vua Mèo Sùng Chinh, nữ ca sĩ vùng mỏ Kiều Oanh... Những người phụ nữ không có gì chung về địa vị xã hội, nghề nghiệp, tính cách, số phận..., sống bằng xương bằng thịt trên màn ảnh qua diễn xuất đa dạng và thuyết phục của Phương Thanh.

Lũ choai choai chúng tôi thời đó coi Phương Thanh là thần tượng của mình. Nhiều đứa sưu tập những tấm ảnh cỡ 9x12 của chị, cắt những bài báo phỏng vấn chị. Chị còn là biểu tượng thời trang với chiếc quần ống "côn" màu trắng và chiếc áo pull rộng màu đỏ rực lửa.

Hiền "cá sấu" chinh phục ngay cả những đầu óc thủ cựu nhất. Phương Thanh đoạt Bông sen vàng về diễn xuất tại LHP VN lần thứ 5 (năm 1980) với vai diễn này. Vào cái thời đỉnh điểm của hiện tượng "xây dựng hình ảnh con người mới xã hội chủ nghĩa" trong văn học nghệ thuật mà hình tượng Hiền "cá sấu" của Phương Thanh lại được tôn vinh quả là chuyện rất hiếm.

Nhưng quả thực không có lý do gì để phủ nhận vai diễn này: Nhân vật độc đáo, hấp dẫn, tính chân thực và logic trong phát triển tính cách, tính nhân bản của cả một hình tượng. Và trên hết là diễn xuất đủ sức lay động lòng người của Phương Thanh. Hiền "cá sấu" thực sự trở thành một nhân vật kinh điển của điện ảnh Việt Nam.

Thật tiếc là gần 20 năm nay, Phương Thanh không còn vai diễn lớn nào. Nhưng với những gì đã có, chị luôn xứng đáng là một trong những nữ diễn viên hàng đầu của điện ảnh Việt Nam.

Tưởng nhớ sự ra đi của một tài danh, chúng ta hãy cùng nghe lại tác phẩm "Đời gọi em biết bao lần" mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết sau khi xem vai diễn bất hủ Hiền "cá sấu" của Phương Thanh.

http://mp3.baamboo.com/search-nhac-music-mp3-xJDhu51pIGfhu41pIGVtIGJp4bq_dCBiYW8gbOG6p24=/1/1/kw-Doi-goi-em-biet-bao-lan.html

2 GƯƠNG MẶT TRONG "NGÀY ĐEN TỐI"



Hôm nay là thứ Sáu ngày 13 (tháng 2 năm 2009).

GƯƠNG MẶT THỨ NHẤT

Chị gọi cho tôi từ hôm qua (tức thứ Năm ngày 12.2) mời tôi đi ăn trưa cùng chị vào hôm nay. Lúc chị gọi, tôi không ý thức được cái việc ăn trưa theo lời mời của chị diễn ra vào thứ Sáu ngày 13. Mở ngoặc đơn: Vả lại người ta mời mình đi ăn trưa mà - đóng ngoặc. Nên cũng chẳng có gì phải suy ngẫm, tính toán. Vì thế nên nhận lời.

Đó là một đồng nghiệp mà tôi chưa bao giờ gặp mặt. Chị là bạn của một ông anh. Cách đây chừng một năm, chị phải triển khai một dự án sau khi đấu tranh dữ dội với các sếp để được phê duyệt.

Khi bắt tay vào việc thì thấy khá nhiều chuyện rắc rối xung quanh chuyện tìm đối tác. Đầu tiên là một tập đoàn hoành tráng với đội bán hàng siêu xinh đẹp và ăn nói ngọt như mía lùi. Dự án mà họ vẽ ra rất hoành tráng và đương nhiên chi phí cho nó cũng vô cùng hoành tráng.

Tìm hiểu kỹ thì mới biết chất lượng công việc của đội ngũ nhân viên thực hiện dự án của cái tập đoàn hoành tráng này lại không hề tương xứng với thương hiệu mà họ dầy công xây dựng bấy lâu nay.

Lại đi tìm đối tác khác. Đủ cả: Chỗ thì liến thoắng về tầm vóc quy mô mà quên đi trách nhiệm bảo hành; chỗ thì chỉ chăm chăm hỏi chị cần gửi giá bao nhiêu mà chẳng cần quan tâm đến chuyện chị sẽ vận hành sao với sản phẩm sau khi hoành thành... Tóm lại chị không muốn chọn ai trong mớ hổ lốn ấy.

Tình cờ anh biết chuyện và khuyên chị nên hỏi tôi xem có thể giới thiệu ai trong số các thí sinh đã đoạt giải "Trí tuệ Việt Nam" hay không.

Chị nói, chị cần những em thực sự giỏi, nắm vững công nghệ, có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc có lương tâm và đặc biệt là không láu cá. Tôi biết có những em như thế, giới thiệu cho chị, thậm chí bảo lãnh rằng chị sẽ hài lòng.

Vui thật, tôi chẳng hề biết chị, chỉ nói chuyện điện thoại với nhau vài lần. Thế mà dám bảo lãnh! Và chị cũng tin vào cái sự bảo lãnh ấy và đồng ý làm việc với đối tác mới (tất nhiên là sau khi đã tiếp xúc và thăm dò đối tác này).

Bây giờ thì dự án đã xong. Chị hài lòng vì những yêu cầu của mình đều được đáp ứng. Và hôm nay, chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên. Lời mời không hẳn là một cử chỉ cảm ơn, đơn giản chỉ là "mình cũng nên gặp nhau sau khi làm được một việc tốt".

Gương mặt chị thật sáng và đầy thiện cảm. Nói chuyện mặt đối mặt với nhau lần đầu mà tự nhiên như đã thân nhau từ lâu. Rất vui vì có thêm một người bạn như chị.

GƯƠNG MẶT THỨ HAI

Có dễ đến mấy tháng tôi mới gặp cậu. Cùng làm việc trong một tòa nhà, nhưng lệch pha thời gian nên anh em cũng ít khi gặp nhau.

Hôm nay tôi khá sửng sốt khi nhìn thấy cậu. Không còn cái vẻ xơ xác, râu ria tua tủa với ánh mắt vô định thường nhật và thay vào đó là sự rạng ngời tỏa ra từ gương mặt đầy đặn, cặp mắt nồng ấm. Và tuyệt nhiên không có mùi của bia rượu.

Cậu đưa xấp ảnh cho tôi: "Em cho anh xem cái này".

Đó là những tấm hình chụp các tác phẩm gốm mà tác giả là những em bé bị khiếm thị: từ những con thú, đồ vật ở xung quanh ta cho đến Tháp Rùa, Thánh Gióng phi ngựa, Hai Bà Trưng cưỡi voi...

"Anh thấy chúng nó giỏi không? Còn đây là chân dung của em" - cậu chỉ vào một chiếc "tác phẩm", mắt ánh lên tự hào.

Tôi nhớ ra là cậu cùng một số giảng viên của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tham gia vào câu lạc bộ dạy làm gốm cho những trẻ em khiếm thị. Có những em bị mù bẩm sinh, có những em nhìn thấy hình khối của đồ vật và người.

"Trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của chúng còn hơn cả người thường anh ạ. Ví dụ như cái tượng Hai Bà Trưng cưỡi voi này. Chúng nó cả đời có biết con voi ra sao đâu. Tiếc quá, hôm đưa sang Thổ Hà để nung, em làm gẫy mất hai cái ngà của con voi và cái gươm của Hai Bà" - cậu xuýt xoa tiếc rẻ.

Cậu dự tính sắp tới sẽ mở một cuộc triển lãm để trưng bày tác phẩm của các em. Nhà tài trợ đã có rồi, địa điểm cũng đã có rồi.

Thì ra cả năm nay cậu đã trầm mình vào công việc đem lại cho cậu niềm vui và khiến cậu thay đổi tất cả.

***

Thứ Sáu ngày 13! Phải may mắn lắm mới được gặp hai gương mặt như thế! Hãy yêu đời và tin người.

Ảnh: Thành, một em trai khiếm thị với tác phẩm "Mặt vui", bức chân dung "tự họa" của chính em (Nguồn: VTC NEWS)

13/2/09

NGHI THỨC TÂM LINH - SỰ BI HÀI CỦA ĐỀN CHÙA VIỆT



Đã nói đến văn hóa lễ hội đền chùa, tất phải nói tới nghi thức tâm linh. Nhưng nghi thức tâm linh tại các đền chùa Việt như thế nào? - "Rặt một sự hổ lốn, ấm ớ, nhếch nhác và bi hài..." - đó là nhận xét của nhà báo Hoàng Hưng - một người vốn để nhiều tâm căn nghiên cứu về văn hóa đền chùa.

"Phật tử" ...tham tiền!

Lễ hội đền chùa và những cuộc hành hương đầu xuân dường như mỗi ngày một mất dần sự tao nhã vốn là bản chất nguyên thủy của truyền thống. Thay vào đó là sự "vón cục" của vô số các nghi thức "tầm phơ" được đẻ ra từ tâm thế của số đông các "Phật tử tham tiền"!

Vãng cảnh đền chùa đầu xuân giờ đây như không phải là tìm về với thế giới thiên nhiên thuần khiết cùng các giá trị tâm linh vốn được xem là nền tảng thiêng liêng nhất của đạo đức cộng đồng, ngược lại, đó như một cuộc chen chúc cầu an, tìm kiếm quyền lực, tiền tài. Và trong cuộc chạy đua này, con người bỗng trở nên kệch cỡm, bé mọn và nhem nhuốc.

Ngay từ cổng đền, các "ông đồ" đã "làm lẩu" cả Hán văn phồn thể, giản thể lẫn chữ quốc ngữ vào những lá sớ một cách vô tội vạ. Việc xin ấn tại một số ngôi đền càng "mông lung" hơn. Ấn trấn trạch: 50 nghìn đồng/nhát. Quan ấn nhiêu khê gấp bội. Các đấng bậc cỡ "công khanh" đến quan đầu tỉnh hoặc xuống thấp hơn cấp xã phường xếp nốt thành dây, nhiều người phải chầu chực thâu đêm nơi cửa thánh. Đầu xuân không kiếm được tấm ấn "âm phù", cả năm lo mất chức hoặc không an vị.

Thôn Bảo Lộc (Nam Định) nơi có một ngôi đền thiêng , các vị mày râu xếp hàng hàng năm chờ đến phiên nhậm chức "thủ từ" mà thời hạn mỗi phiên kéo dài không quá một năm. Các ngôi chùa hiện nay cũng mù mịt cảnh bon chen. Gà luộc, lợn quay, bia rượu bày ngay chính điện. Tiền lẻ nhét cả vào đũng quần Bồ Tát. Ngày đầu năm, sư chùa Phúc Khánh Hà Nội trỏ mặt chúng sinh quát tháo như mắng tà.

Chưa bao giờ đền chùa được khôi phục và xây cất một cách cấp tập như những năm gần đây. Các công trình nhìn chung đều rất đàng hoàng. Nhưng nghi thức vô cùng tạp loạn. Sự tạp loạn do chính tâm thế xuất phát của người cho phép xây dựng cộng thêm óc vụ lợi của một số đông "phật tử tham tiền" cùng các chúng sinh "đi trong đạo mà không hiểu đạo".

"Hôm qua em đi chùa Hương"

Cô V.K.V - một doanh nhân rất thành đạt ở Sài Gòn không đầu xuân năm nào không tới dâng hương tại đền Cửa Ông (Quảng Ninh) và sau đó bay tiếp qua Bangkok (Thái Lan) để chiêm bái Chùa Vàng. "Đối với tôi, đền Đức Ông linh thiêng như một bổn phận. Còn Chùa Vàng Bangkok là niềm yêu mến về không gian thanh tịnh cũng như các nghi thức thờ phượng hết sức giản dị và trang nhã" – cô nói.

Ở đây, mua 20 bath, sẽ nhận được 3 thẻ hương mỗi thẻ dài đúng một gang tay cùng 3 vuông giấy vàng nhũ mỏng tang chỉ dùng để dán nhẹ lên tượng Phật. Hương cháy đủ cho một tuần cầu nguyện; vàng nhũ không đốt nên không bao giờ có cảnh lửa khói bốc, tro bay. Trong chính điện, người ta hành lễ cầu phước bằng một khay xếp những bông sen xanh đặt bên cạnh âu nước tượng trưng cho nước cam lồ. Mỗi chúng sinh cầm một cành sen nhúng vào âu nước và rảy nhẹ lên tóc hoặc lên áo của mình. Xong, đặt cành sen lại vị trí cũ cho người sau và lặng lẽ lui ra.

Một phép cầu nguyện khác là có thể xúc một âu tiền đồng chứa sẵn trong chiếc hòm vuông đặt trước bệ thờ và thiền hành chậm rãi dọc 108 âu đồng nhỏ đặt dưới chân pho tượng Phật nằm, mỗi bước lại thả xuống chiếc âu phía dưới một đồng tiền kèm theo lời khấn nguyện. Kết thúc nghi thức này, việc công quả cho chùa có thể bỏ tiền vào một chiếc hòm đặt khiêm nhã nơi góc điện, tùy tâm thí chủ.

Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, Sri Lanka - những quốc gia có hệ thống đền chùa dày đặc, các nghi thức văn hóa lễ hội càng nghiêm cẩn, linh thiêng. Ngay lễ hội cưới trái cây cho trẻ em ở lứa tuổi đồng ấu ở Nepal vào dịp đầu xuân hàng năm vô cùng rực rỡ, ồn ào nhưng không hề hỗn tạp.

Không phải đền chùa Việt thiếu không gian thiên nhiên và các nghi lễ văn hóa thanh tịnh nghìn năm rất đáng tự hào. "Hôm qua em đi chùa Hương..." Câu thơ của Nguyễn Nhược Pháp chính là hình ảnh tao nhã, chân xác của một quá khứ không xa. Tiếc thay, những gì đẹp đẽ nhất của một nền văn hóa lễ hội giàu bản sắc Việt đang có nguy cơ mai một. Sự mai một bắt nguồn từ chính tâm thế mê lầm của chúng sinh đương đại.

NGÔ MAI PHONG

11/2/09

SAMSARA - CÕI TA BÀ



Khó có một tình yêu nào đẹp hơn tình yêu giữa Tashi và Pema. Họ yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên.

Vì nàng, mà chàng đã bỏ dở con đường tu hành, sau 3 năm 3 tháng 3 tuần 3 ngày ngồi thiền trong một hang núi.


Vì nàng, mà chàng đã lý sự với vị cao tăng rằng ngay chính Tất Đạt Đa cũng từng phải nếm trải mùi đời trước khi quay trở lại hành đạo và đắc đạo.


Tashi lặng lẽ bỏ thiền viện để xuống núi, tắm mình trong con sông đời, rồi tìm đến ngôi làng, nơi chàng đã đến chúc phúc tại hội mùa và bắt gặp ánh mắt kỳ lạ của Pema.

Mối tình của họ trôi đi như trong mơ. Nhưng thực tại lại không phải là mơ. Những vất vả của đời sống, những trở ngại và cạm bẫy nối tiếp nhau xuất hiện, khiến Tashi thấy rằng đường trần đối với chàng thật nặng gánh.


Và giống như năm nào rời bỏ thiền viện xuống núi, chàng lặng lẽ bỏ nhà ra đi trong đêm, để lại người vợ trẻ cùng đứa con trai. Chàng tìm đến con sông xưa, rửa sạch bụi trần để quay lại thiền viện.


Nhưng những ràng buộc của đời người trần tục không cho phép chàng tiếp tục con đường của Tất Đạt Đa.

Một cái kết thật khó nhận biết. "Làm sao để ngăn một giọt nước khỏi bị bốc hơi? Hãy ném nó xuống biển?" Biển là ở đâu? Thiền viện hay ngôi nhà nơi vợ con Tashi đang chờ?

Quá nhiều điều được gói ghém trong bộ phim dài gần 2 giờ đồng hồ của đạo diễn gốc Ấn Nalin Pan. Nhưng điều đáng kể là tất thảy đều được gói ghém gọn ghẽ và cuốn hút.


Một bộ phim về người tu hành, nhưng đủ cả hỉ nộ ái ố, bạo lực và tình dục... Tất cả diễn ra trong khung cảnh đẹp một cách hoang sơ kỳ lạ của Tây Tạng trên nền nhạc huyền bí và quyến rũ.


Rất đáng xem trong dịp lễ tình nhân.


SAMSARA

(Phim hợp tác Pháp/Đức/Italia)

Diễn viên: Shawn Ku, Christy Chung (Chung Lệ Đề), Neelesha BaVora, Lhakpa Tsering, Tenzin Tashi

Đạo diễn: Nalin Pan

Kịch bản: Nalin Pan, Tim Baker

Quay phim: Rali Raltschev

Âm nhạc: Cyril Morin

GIẢI THƯỞNG:
BEST FILM, Melbourne International Film Festival 2002
BEST FEATURE FILM, Brisbane International Film Festival 2002
BEST FEATURE FILM, Faces of Love Film Festival Russia 2002
OFFICIAL SELECTION, Toronto Film Festival 2001
OFFICIAL SELECTION, Sundance Film Festival 2002
OFFICIAL SELECTION, Auckland & Wellington Film Festivals 2002

9/2/09

TEST CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ CHUẨN TRẺ 5 TUỔI



Dư luận mấy hôm nay xôn xao về dự thảo 125 chỉ số đánh giá chuẩn phát triển ở trẻ 5 tuổi. Các ông bố bà mẹ trong cơ quan cũng bàn tán sôi nổi về chuyện này. Không ít người thử test xem các hoàng tử công chúa của họ có đúng là trẻ 5 tuổi thật không và đã xảy ra không ít chuyện nực cười.

Sau đây là một số chuyện mà bố mẹ các cháu kể:

1. Nhảy xuống từ độ cao 40 cm và tiếp đất an toàn
- Con thử nhảy xuống đất xem nào?
- Con ứ nhảy đâu, mẹ bảo không được làm bẩn quần áo.
- Nhưng bố cho phép con nhảy mà.
- Ứ đâu, cái hố này toàn cát bẩn. Bố cho con nhảy từ bàn xuống nền nhà còn sạch hơn.

2. Trèo lên và xuống được ít nhất 5 bậc thang luân phiên từng chân
- Con đi lên gác với bố nhé.
- Lên làm gì hả bố? Có được ăn gì không?
- À, đi với bố lên gác, bê mâm ngũ quả xuống. Con thích ăn gì thì bố cho.
- Không đâu, trên đấy có ma, con lên sợ lắm.

3. Nói được họ và tên, địa chỉ nhà hoặc số điện thoại, tên bố, mẹ của mình
- Nào, nói cho bố mẹ biết con tên là gì?
- Con tên là Nê Hoàng Nâm ạ.
- Lê Hoàng Lâm chứ?
- Không phải, bác Tươi (oshin) bảo là Nê Hoàng Nâm thì mới đúng.
- Thế bố mẹ tên là gì?
- Bố tên Chí mẹ tên Lở ạ.
- Ơ, sao lại nói thế?
- Bác Tươi toàn gọi bố là anh Chí, mẹ là chị Lở.
- Hmm. Thế số điện thoại nhà mình như thế nào?
- 1080 ạ.

4. Biết đề xuất những trò chơi và hoạt động thể hiện sở thích của cá nhân
- Con yêu, con thử nói cho mẹ biết con thích trò chơi nào nhất?
- Xờ ti ạ.

5. Biết mình là trai hay gái và có ứng xử phù hợp
- Nào, con là trai hay gái í nhỉ?
- Con trai là có chim, còn con gái là không có chim hả mẹ?
- Đúng rồi.
- Thế thì con là con trai nạc!
- Sao lại con trai nạc?
- Vì chim con toàn thịt nạc.
- Chim toàn thịt nạc là thế nào?
- Bác Tươi mỗi lần tắm cho con toàn bảo: Gớm, chim thằng này toàn thịt nạc.

6. Nhận biết và không tự ý sử dụng những đồ vật gây nguy hiểm
- Con có biết những đồ vật gây nguy hiểm không?
- Có ạ. Không được leo thang này, không được cho tay vào ổ cắm điện này, không được đứng cạnh bếp này...
- Còn gì nữa?
- Không được mở máy tính này.
- Sao máy tính lại nguy hiểm?
- Con không biết, bố bảo là cái máy tính nguy hiểm. Hôm nọ con đứng gần bố đang xem Internet, bố bảo là đi chỗ khác chơi, vì đứng gần máy tính là nguy hiểm.

7. Hát đúng giai điệu những bài hát đơn giản
- Ở trường cô có dạy con bài hát nào mới không?
- Không, toàn bài cũ bố ạ.
- Thế con biết bài nào hát cho bố nghe.
- Con hát bài "Cô gái xấu xí" nhé:
"...Tôi và em kết đôi bạn thân
Thì yêu thế nào, thì yêu làm sao?
Bạn thân thế thôi
Người thân thế thôi
Em xinh hay xấu không cần
Tôi nhìn em vẫn thật gần
Em và tôi thành đôi bạn thân không rời
Em và tôi một đôi..."

Ai còn chuyện gì vui xung quanh vụ này thì đóng góp trong comment.

THAM KHẢO
TRẺ 5 TUỔI PHẢI BIẾT MÌNH LÀ TRAI HAY GÁI - LAO ĐỘNG

6/2/09

TRUNG QUỐC BỊ CHIA NHỎ VÀO 2050?



Nhà phân tích chính trị hàng đầu của Mỹ, ông George Friedman, Giám đốc Viện Stratfor dự đoán một số diễn biến trên thế giới trong thế kỷ 21 như sau:

- 2009: Chủ nghĩa khủng bố sẽ buộc phải đoạn tuyệt với mục tiêu thành lập đế chế Hồi giáo trên toàn bộ lãnh thổ Châu Âu và Châu Á. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết cục này là không có nguồn tài chính.


- 2015: Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) khôi phục trên lãnh thổ nước Nga. Thế giới bước vào cuộc chiến tranh lạnh thứ 2 giữa Mỹ và Liên Xô.


- 2030: Hoa Kỳ đối mặt với nguy cơ giảm tỉ suất sinh. Nước này sẽ cho nhập cư ồ ạt từ Mỹ Latinh. Đến năm 2090 người nhập cư sẽ chiếm phần áp đảo ở những bang tây nam, vốn trước đây là lãnh thổ của Mexico.

- 2050: Trung Quốc sẽ chia thành nhiều nước nhỏ do bị áp lực từ kinh tế suy giảm và cuộc cạnh tranh giữa các tỉnh.


- 2050: Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành cường quốc, bảo vệ cho lục địa Âu - Á khỏi nguy cơ xâm lược của Mỹ.


- 2050: Nổ ra chiến tranh thế giới thứ ba trong... vũ trụ. Nhật Bản tấn công vào các trung tâm điều khiển của Mỹ trên quỹ đạo, giống như trận Trân Châu Cảng trước kia. Mỹ sẽ nắm phần thắng.


- Nửa cuối thế kỷ 21: Nước Mỹ quay trở lại thời hoàng kim.

Không rõ bác này dự đoán về Việt Nam như thế nào.


Bản đồ về tầm ảnh hưởng Thổ Nhĩ Kỳ như một cường quốc vào năm 2050.

Ngứa tay làm thử cái IQ Test, và đây là kết quả:

Free IQ Test

Free-IQTest.net - Free IQ Test

4/2/09

KHI CHẤT VIỆT TRONG NGƯỜI KHÔNG CHẾT



Chương Trần

Cái chất Việt trong tôi đã không chết như mình tưởng, nó chỉ ngủ yên để chờ cơ hội được đánh thức. Chuyến trở về Việt Nam đến với tôi thật bất ngờ.

Năm 1992, tôi trở lại Việt Nam sau gần 20 năm rời quê hương định cư ở Mỹ theo đề nghị của người bạn thân đang quá tâm huyết và cần sự hỗ trợ của bạn bè cho một dự án trợ giúp người khuyết tật trong nước. Không ngờ, chuyến đi đó là khởi đầu cho một bước ngoặt mới, buộc tôi “làm quen” với Việt Nam.

Chuyến trở về Việt Nam đến với tôi thật bất ngờ. Trước đó tôi có đóng góp vào các tổ chức từ thiện xã hội ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thật sự hoạt động trực tiếp. Câu chuyện của anh Trần Văn Ca - Chủ tịch Hội Hỗ trợ người khuyết tật VN- bạn tôi, về hoàn cảnh khó khăn của những người khuyết tật trong nước đã thuyết phục tôi đi cùng anh trong một chuyến khảo sát 3-4 ngày tại TPHCM và Cần thơ. Thật sự, quyết định đi phần lớn là vì anh Ca, hơn là để về thăm quê hương, du lịch, hoặc để làm được cái gì đó, vì lúc đó tôi cũng không biết Việt Nam ra sao, cần gì, mình làm được gì.

Lần đầu về Việt Nam, tôi về với tâm trạng của một người đi làm việc, thực hiện lời hứa với một người bạn thân. Tôi ngủ suốt chuyến bay từ Đài Loan về Việt Nam. Máy bay hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất tôi mới thức dậy, đi thẳng về khách sạn, không có mấy cảm xúc, chỉ muốn đi cho xong để về sớm lo công việc còn bề bộn bên nhà. Nhà ở đây tức là Mỹ.

Ngày hôm sau trên đường về Cần Thơ tôi mới bắt đầu nhận dạng được một số hình ảnh quen thuộc, nhưng khi đến Trung tâm chỉnh hình Cần Thơ thì tôi mới thật sự bị sốc trước cái cảnh hàng trăm người đang đợi đoàn chúng tôi để được nhận nhưng cặp chân giả. Ba ngày làm việc tại Cần Thơ đã thuyết phục tôi ít nhất là ở đây còn nhiều việc xã hội cần phải làm.

Sau vài tháng tôi lại có cơ hội trở lại Việt Nam để chuẩn bị cho một cuộc khảo sát kinh tế cho Ngân hàng Thế giới. Lần này tôi có dịp đi khảo sát trên 20 tỉnh thành cả nước. Dần dà tôi bắt đầu thấy cái đẹp của luỹ tre làng, của cánh đồng lúa, của những cổng làng xưa cổ. Cái chất Việt trong tôi đã không chết như mình tưởng, nó chỉ ngủ yên để chờ cơ hội được đánh thức. Và khi đã sống lại thì rõ ràng mình không thể chối cãi được mình là ai.

Lớn lên ở Nha Trang với nhiều kỷ niệm tuổi thơ, tôi vẫn thường nghĩ về bãi biển, về thành phố hiền hoà này, nơi tôi còn nhiều người bạn thân của thời niên thiếu. Nhưng chỉ nghĩ đến thôi, chứ chẳng hề có hy vọng ngày nào đó lại được trở về. Ngày trở lại Nha Trang tôi thật sự như người trong mơ. Quá nhiều cái mình tưởng đã mất vĩnh viễn này lại hiện ra trước mắt. Nhìn xuống mặt biển lung linh khi máy bay sắp đáp, tôi lập tức nhớ lại cái cảm giác của gió biển, của hàng cây xanh, của cát biển Nha Trang và cái nắng dễ chịu ngay cả trong những ngày hè. Nha Trang của tôi đây rồi! Đây là nơi tôi cảm thấy thật sự dễ chịu với thiên nhiên và con người, và cứ nghĩ nó đương nhiên là của mình, chỉ vì mình yêu nó.

Công việc cũng cho tôi có dịp biết thêm nhiều vùng đất khác của đất nước. Mấy tháng lặn lội vùng sâu vùng xa tìm hiểu cuộc sống của người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long thật sự làm tôi ngỡ ngàng. Nhưng anh Ba Sung, dì Bảy, chú Tư Hiền sống tận trong trong rẫy của miền Tây, những người nông dân nghèo (có thu nhập dưới mức độ nghèo theo tiêu chuẩn 1USD/ngày của LHQ), nhưng rộng rãi, thẳng tính, chân chất, tốt bụng đến độ bất ngờ cho một người mới đến.

Mỗi khi nhớ đến họ, tôi nghĩ đến một tiềm năng cực kỳ to lớn của miền Tây, từ tài nguyên thiên nhiên màu mỡ, dồi dào, phong phú, đến con người, những con người chịu cực chịu khó, cầu thị, đáng yêu. Nếu được tiếp sức đầy đủ với một hạ tầng cơ sở vật chất và xã hội tốt hơn, con người của miền Tây sẽ còn được phát huy tiến xa hơn nữa, góp phần cực lớn vào sự phồn vinh của đất nước.

Chưa được biết đất Bắc lúc mới về nước, nhưng sáu năm sống và công tác đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu đậm về con người và văn hoá của nơi đó. Lớn lên với những giai phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh..., tôi đã “thấy” mưa phùn của tiết đông, của “mùa thu Hà Nội...”, những buổi chiều bên Hồ Gươm trong trí tưởng tượng của mình.

Cho nên đối với tôi, Hà Nội đã không cho tôi một cảm giác xa lạ mà như là một cuộc tái ngộ thú vị. Những ngôi chùa cổ, mùa lễ hội của làng quê là những nét văn hoá của đất nước trước đây hoàn toàn mới lạ với tôi. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã biết nó và nghĩ về nó như là một phần của cái vốn văn hoá mình.

Về mặt công việc, Việt Nam đã cho tôi nhiều thách thức cũng như thành quả có thể tự hào. Nhưng công việc thì ở đâu có thể có được. Cái gắn bó với một đất nước, một con người không phải từ đó, mà thật sự là những cái mà tôi đã cảm được và xem nó như là một phần đời của mình.

Đó là những cái đã có sẵn trong “máu” của mình. Đó là những cái giúp mình nhận dạng được mình là ai và mình thuộc về đâu. Đó là những cái có thể cho là của mình mà không ai tước đoạt được. Đó là những cái không thuộc về phạm trù quyền công dân, mà là cái hạnh phúc của người con dân có được cái may mắn về nhà, tìm lại quê hương.

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết