30/12/07

CHÚC MỪNG NĂM MỚI HAPPY NEW YEAR С НОВЫМ ГОДОМ



Chúc một Năm mới với nhiều niềm vui.

Chúc một Năm mới hạnh phúc.

Chúc một Năm mới bình yên.

Chúc người với người được sống trong thế giới của con người.


27/12/07

GIỌNG NÓI



Chị phụ trách mục tâm sự ở một tờ báo.

Những bài viết của chị chẳng mấy quan trọng, chỉ thuật lại những dãi bầy éo le của độc giả và đưa ra một số lời khuyên tuỳ cảnh tuỳ người. Nhưng mục chị phụ trách lại không thể thiếu.

Tốt nghiệp đại học, chị về công tác ở tờ báo này. Sau vài năm làm phóng viên không có mấy thành tích nổi bật, chị được ông tổng biên tập (nay đã quá cố) phân về bộ phận này. Chị vẫn còn nhớ câu nói của ông: "Cháu không có tài viết báo đâu, nhưng cháu có thể hàn gắn được tâm hồn nhiều người đấy, vì cháu có giọng nói rất hay, rất truyền cảm, rất đáng tin cậy. Độc giả sẽ yên tâm khi nghe giọng nói của cháu".

Chị phụ trách mục tâm sự khi mới 30 tuổi, thay một đồng nghiệp nghỉ hưu. Chẳng có kiến thức tâm lý cũng như kinh nghiệm gỡ rối tơ lòng thòng, nhưng chị đành phải nhận vì không dám trái lệnh cấp trên.

Còn nhớ năm đầu tiên làm việc này, nhiều khi nghe điện thoại hay đọc xong thư của độc giả giãi bày những tâm trạng ngổn ngang của họ, chị cũng rối trí không biết phải làm gì. Chị đem chuyện kể cho các chị trong cơ quan, mỗi người góp một ý, rồi chị chọn một cái phù hợp nhất theo quan điểm của chị, viết lại đăng lên báo.

Chị đọc thêm sách chuyên ngành, tham dự các khoá tập huấn và rồi mọi chuyện cũng quen đi. Các hoàn cảnh gia đình thì cũng từa tựa như nhau, nên sau một thời gian chị tự lập ra được những công thức gỡ rối.

Nếu thế thì chẳng có gì để nói. Đúng là nhờ giọng nói nhẹ nhàng, ngọt ngào và chân tình của chị, mà độc giả cứ thoải mái bày tỏ những nỗi niềm của mình. Mục tâm sự của chị hấp dẫn nhờ những chi tiết chân thật và sống động mà độc giả trút cho chị.

Công việc mang lại cho chị những niềm vui mỗi khi giúp được ai đó vượt qua được những thử thách khó khăn trong cuộc sống gia đình, nhưng cũng mang đến cho chị những phiền toái. Không ít đàn ông sau khi nghe chị nói qua điện thoại, quyết đến toà soạn gặp chị để xem người phụ nữ có giọng nói ma mị kia là ai. Có cả những người sau khi gặp chị xong, chẳng muốn gỡ rối chuyện của họ nữa mà quay sang... cưa chị. Mỗi lần như thế, chị lại phải chật vật rút ra khỏi những tình huống dở khóc dở cười.

Anh là một trong số những người như vậy.

Sau 3 lần nghe chị từ chối kiên quyết, anh thở dài và nói: "Vậy chúng ta là bạn nhé. Em cho phép tôi thỉnh thoảng gọi điện cho em, được nghe giọng nói của em, được em cho những lời khuyên...". Chị đồng ý.

Và từ đó, cách vài ngày anh lại gọi điện cho chị. Anh giữ lời hứa của mình, không quấy rối chị, không làm phiền chị bởi những câu chuyện không đầu không cuối. Họ nói chuyện với nhau đúng như những người bạn: chân tình, quan tâm, thẳng thắn, tin cậy.

Rồi tới một ngày, vợ anh phát hiện ra số điện thoại cố định lạ mà anh thường xuyên sử dụng. Người vợ tìm ra địa chỉ của số điện thoại và người mà chồng hay trò chuyện chẳng mấy khó khăn. Đúng là gia đình chị có trục trặc, chồng có nhờ tư vấn thì cũng là bình thường. Nhưng không thể nhờ tư vấn cả năm như thế. Chắc chắn phải có chuyện gì đó đặc biệt hơn với người phụ nữ phụ trách mục tâm sự kia.

Người vợ gọi điện đến đúng số máy đó và sững sờ khi nghe thấy giọng nói thánh thót giàu nữ tính ở phía đầu giây bên kia. Người vợ tự nhận mình là một phụ nữ hiếm muộn, bị chồng ruồng bỏ và xin được gặp để tâm sự và xin lời khuyên. Và nhận được lời đồng ý.

Đúng giờ hẹn, người vợ đến toà soạn và được bác thường trực đưa vào phòng tiếp khách.

Mấy phút sau, cửa phòng khách mở, một phụ nữ to béo, nét mặt chất phác, ăn mặc giản dị, bước vào. Chị gật đầu chào người vợ và pha trà, rót nước. Người vợ đón lấy chén nước trà và thấy người phụ nữ dường như nán lại không chịu đi, bèn rụt rè nói: "Em hẹn gặp chị Bích, phụ trách mục tâm sự".

- Tôi là Bích đây, - người phụ nữ nói.

Người vợ suýt đánh rơi chén nước. Người phụ nữ có giọng nói thánh thót trên điện thoại hoá ra không phải là cô gái xinh đẹp nghiêng nước nghiêng thành, mà là người phụ nữ này đây. Người vợ lắp bắp như kẻ có tội: "Chị... chị là chị Bích ạ?"

- Đúng rồi, - chị nhấp một ngụm trà nheo mắt cười. - Nhiều người ngạc nhiên như bạn lắm. Họ không nghĩ người phụ nữ trông bình thường như tôi lại làm công việc gỡ rối tình cảm...

- Không, không phải ạ. Em... em cứ nghĩ nói hay như chị thì...

- Thì phải xinh đẹp lắm chứ gì? - chị cười hồn hậu. - Có lẽ ông trời thương tôi nên bù đắp cho tôi đấy mà.

Người vợ ôm lấy chị và thổ lộ hết những nghi ngờ của mình. Chị hiểu tại sao chồng chị lại gọi điện nhiều như thế cho người phụ nữ này.

26/12/07

BÁC SĨ TÂN ĐÃ NHÌN THẤY MẶT CON TRAI



Cách đây vài tháng trên blog của tôi có đăng lại thông tin từ báo Thanh Niên về trường hợp bác sĩ Trần Đăng Tân của Trung tâm mắt Bình Định, bị bệnh suy thận, đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.

Người bác sĩ có tấm lòng nhân hậu này bị bạo bệnh ở tuổi đời còn rất : 32. Khi đó vợ anh là chị Trần Thị Bảo Châu đang mang thai ở tháng thứ Tư. Và ước mơ duy nhất của bác sĩ Tân là được sống đến ngày con chào đời, để có thể được trông thấy mặt đứa con thương yêu.

Mấy tháng đã trôi qua và hôm qua, tôi liên lạc lại với anh. Tân vui vẻ đáp: "Tôi cũng đỡ được phần nào rồi anh".

Anh báo cho tôi một tin mừng là vợ anh đã sinh đứa con đầu lòng của hai người. Khỏi phải nói Tân vui mừng như thế nào, vì đó là đứa con trai. Vợ chồng Tân quyết định đặt tên con là Bách, một cái tên rất có ý nghĩa.

Tân đã thực hiện được mong mỏi của mình là được nhìn thấy mặt con. Sau khi vợ sinh, anh vội vã xin phép các y bác sĩ từ TPHCM trở về Bình Định để thực hiện nguyện ước của mình. Sau đó anh lại gấp rút trở lại bệnh viện đề phòng trường hợp bất trắc, vì mỗi tuần anh phải lọc thận 3 lần.

Tân cho hay, sức khoẻ của anh đã tiến triển và giờ đây anh đang chờ đợi ghép thận. Nếu có người hiến thận thì ca phẫu thuật này cần đến 10o triệu. Tuy nhiên, hoàn cảnh của người bác sĩ này rất khó khăn.

Các bạn có thể hỗ trợ tinh thần qua số điện thoại 0906.550.536 phòng 18 số nhà 175 đường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh, hoặc trợ giúp để anh có đủ tiền thực hiện ca phẫu thuật ghép thận.

Số tài khoản của anh: TRẦN ĐĂNG TÂN 0051000124684 Ngân Hàng VIETCOMBANK Quy Nhơn.

Tham khảo bài entry trước của tôi:

http://blog.360.yahoo.com/blog-GLpLgdInbqvRX76WlcviqwIv83N4OypzdIID?p=4344

ĐÊM GIAO THỪA Ở SIBERIA



Chita.

Thành phố ở Siberia xa xôi, mùa đông nhiệt độ có khi xuống đến 40 độ dưới không.

Chị vẫn nhớ rõ ngày cuối năm băng giá cách đây 17 năm. Khi đó chị là cô học sinh cuối cấp của trường phổ thông.

Ngày mùa đông ngắn ngủi chỉ kéo dài có vài tiếng đồng hồ. Phố xá đã lên đèn khi lúc đó đồng hồ mới chỉ 3 giờ chiều. Cô rảo bước trên lớp tuyết dầy, phải về nhà nhanh để giúp mẹ chuẩn bị bữa tiệc giao thừa.

Khi bước vào đơn nguyên của ngôi nhà chung cư cao tầng nơi có căn hộ của gia đình, cô thấy một người lính trẻ đứng ngần ngại ngay trên bậc tam cấp. Người lính nhìn cô đăm đăm và gật đầu chào.

- Anh tìm ai? - cô hỏi?
- Tôi không tìm ai cả. Tôi đóng quân ở doanh trại gần đây. Hôm nay tôi được phép ra ngoài để đón Năm mới. Nhưng lạnh thế này chẳng biết đi đâu. Trở lại doanh trại thì chán quá. - Người lính nhìn thẳng vào mắt cô, nói thành thật.

Anh không bày tỏ ý định gì, nhưng qua lời nói của anh, cô thấy anh đang khát khao một mái nhà, khát khao một bữa tiệc đón giao thừa trong gia đình.
- Thế anh đón giao thừa với gia đình em nhé? Em sống ở tầng 8 nhà này. - cô đề nghị.
- Vâng, nếu em không ngại, - mắt anh sáng lên.
- Không, không có gì ngại cả. Nhà em có bố mẹ và hai anh em. Nhưng anh trai em đi học ở xa, nên có anh, bố mẹ em sẽ vui lắm. - cô nói. Người lính trẻ gật đầu, vui vẻ cùng cô bước vào cầu thang máy lên tầng 8.

Bố mẹ cô quả nhiên rất vui khi có người lính đến đón Năm mới cùng gia đình. Anh ở Ukraina, nước cộng hoà phía tây của Liên Xô, cách Chita hàng chục nghìn kilômét. Người lính trẻ không chỉ đẹp trai, thông minh mà còn hóm hỉnh nữa. Anh dự định sẽ thi vào Đại học Công nghệ sau khi giải ngũ.

Đêm Giao thừa thật đặc biệt. Năm mới 1991 đến cùng với tình yêu nảy nở giữa cô gái và người lính, nhưng đó cũng là năm với những biến động không ai ngờ tới xảy ra ở Liên Xô. Cô và người lính gặp nhau rất nhiều sau đêm Giao thừa ấy và đều hy vọng về một tương lai...

Mùa thu năm đó, sau cuộc đảo chính bất thành ở Mát xcơva, người lính giải ngũ trở về Ukraina, cô thi đỗ vào đại học sư phạm ở thành phố quê hương.

Họ chia tay và sống ở hai đầu đất nước cách nhau hàng vạn cây số.

Nhưng Liên Xô tan rã. Họ trở thành công dân của những nước khác nhau và bị số phận đưa đẩy tới chỗ mất hoàn toàn liên lạc và không còn biết gì về nhau nữa.

Mùa đông năm nay, sau rất nhiều biến cố, gần như đồng thời, họ viết thư cho chương trình truyền hình nổi tiếng "Жди меня" chuyên tìm kiếm người thân, bạn bè của Kênh I truyền hình Nga.

Những người làm chương trình ngạc nhiên khi nhận được hai bức thư này. Họ lập tức liên lạc với từng người. Cô giáo 35 tuổi xinh đẹp khả ái nói: "Học kỳ I sắp kết thúc, học trò chỉ còn phải thi thôi, tôi có thời gian. Tôi sẽ đi Mátxcơva ngay".

Và chị mua vé tầu hoả, lập tức lên đường đi Mátxcơva. Hành trình xuyên Siberia băng giá kéo dài 5 ngày trời.

Người đàn ông năm nay đã 38 tuổi, anh đã bắt đầu hói, nhưng sự trẻ trung toát ra từ ánh mắt và phong thái nhanh nhẹn, tự tin. Nghe tin mừng, anh làm đơn xin nghỉ phép. Lãnh đạo công ty nói: "Cuối năm nhiều việc, anh để sang tháng Giêng hãy nghỉ". Anh nói: "Hoặc cho tôi nghỉ phép ngay ngày mai, hoặc tôi sẽ viết đơn xin nghỉ việc hẳn".

Họ đành đồng ý cho anh nghỉ phép.

Đêm đó người đàn ông đáp tàu từ Ukraina lên Mátxcơva. Hành trình này chỉ kéo dài chưa đầy một ngày.

Sự vội vã của cả hai người cho thấy cái đêm Giao thừa xa lắc ở miền Siberia giá lạnh có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời họ.

Anh đến Mátxcơva trước, đương nhiên.

Người đàn ông đi khắp Mátxcơva tìm mua bằng được những bông hồng vàng hiếm hoi. Anh có mặt tại sân ga trước khi đoàn xuyên Siberia cập bến 15 phút.

Chị ngồi ở toa số 8 - con số trùng với tầng nhà nơi chị ở tại Chita. Chị trang điểm thật đẹp và bồn chồn chờ đợi khi đoàn tàu bắt đầu tiến vào nội đô: "Liệu anh ấy có nhận ra mình không sau từng ấy năm không gặp?"

Khi tàu báo tín hiệu vào ga, chị xách hành lý ra đứng sẵn ở đầu toa.

Tàu dừng lại. Nhân viên đường sắt mở cửa, chị bước xuống đầu tiên.

Dưới sân ga, người đàn ông của chị với bó hồng vàng trên tay, đang đứng chờ. Ánh mắt của anh đăm đăm giống hệt của chàng trai 21 tuổi ngày xưa.

Họ lao vào vòng tay của nhau. Anh áp cặp môi lạnh lẽo và đôi má nóng ấm của chị. Nước mắt chị trào ra. Chỉ giây phút sau chúng đã trở thành những giọt băng long lanh, giống như những giọt nước mắt trên những cánh hồng vàng.

(Diễn nôm từ video clip của chương trình "Жди меня". Những ai biết tiếng Nga có thể xem đoạn băng tại ĐÂY.)

http://www.poisk.vid.ru/?p=2&do=showair&code=386FC321-7277-4CAC-9339-4ADCBF870884


25/12/07

EM-XI ĐÁM CƯỚI



Đã qua rồi thời đám cưới phải có chủ hôn.

Chủ hôn thường là những người đàn ông trung niên hoặc cao niên - một trong số những người thân của cô dâu chú rể. Chủ hộ có nhiệm vụ giới thiệu quan viên hai họ, giới thiệu cô dâu chú rể, căn dặn cặp vợ chồng mới cưới bằng những lời lẽ giản dị, chân tình.

Đám cưới hoành tráng bây giờ là phải có MC (Master of Ceremony).

MC nằm luôn trong dịch vụ trọn gói của nơi tổ chức hôn lễ. Đó thường là những chàng trai bạch diện thư sinh, ăn mặc chải chuốt, biết nói trôi chảy những câu nói đã trở thành công thức, chỉ điền vào chỗ trống ngày giờ, họ tên cô dâu chú rể và bố mẹ của họ. Chẳng có gì khó khăn, chẳng cần trình độ cao siêu gì. Và cứ thế kiếm tiền.

Đi đám cưới bây giờ hãi nhất là phải "ăn" món em-xi.

Vì cứ 10 em-xi thì cả 11 người ăn nói hệt như nhau, oang oang những câu nói khuôn sáo, trống rỗng, vô hồn.

Có em-xi còn học cách nói của các em-xi game show truyền hình, cứ đến cuối câu thì lại kêu tướng lên như bị thọc lét.

Có em-xi lại cố tình nói lơ lớ, từ vừa nói vừa nuốt, ngữ điệu ngang phè phè, nghe như người nước ngoài.

Vô số em-xi "lói lăng níu no" nghe mà phát ngượng.

Đại đa số cô dâu chú rể và quan viên hai họ không hài lòng với màn trình diễn của em-xi, nhưng không còn cơ hội làm lại nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Thế là bên cạnh việc đi ăn cơm bụi giá cao, ngồi bên những người lạ hoắc, người đi ăn cưới còn phải chịu sự vô duyên, vô văn hoá của đại bộ phận em-xi.

Chán lắm thay. Chẳng nhẽ không đi. Nhỉ?

24/12/07

NẾN GIÁNG SINH



Hình như ngọn nến của đời anh
không được chọn đêm này
Nên anh chẳng bao giờ tới được
nơi thánh đường của em.
(Ngô Mai Phong)

23/12/07

CHẾT ĐẸP



- Chào chú, sao online muộn thế?

- Em vừa sở lượn Sài Thành xem dân tình đón Giáng sinh.


- Có gì vui không?


- Rực rỡ, tấp nập, nhộn nhịp, đông vui, nhưng chẳng có gì vui. Chắc là mình bắt đầu già rồi. Ngoài Hà Nội thế nào anh?


- Tôi không đi Giáng sinh 10 năm nay rồi, nên không biết ngoài đường thế nào. Chỉ biết từ đêm qua bắt đầu lạnh. Thấy dễ chịu.


- Đẹp quá nhỉ?


- Ừ, đẹp! Nhưng cũng sắp xô bồ giống Sài Gòn rồi...


- Chán nhỉ? Mấy hôm nay em cứ bị ám ảnh về cái đẹp anh ạ...


- Sao, bị cô nào khác hớp hồn à?


- Đâu, vẫn cô đấy thôi. Nhưng em suy nghĩ về cái đẹp khác. Làm thế nào để chết đẹp?


- Này, có ấm đầu không đấy? Mới ba chục tuổi sao đã nghĩ đến chuyện chết chóc?


- Hề hề, thông minh như anh mà nhiều lúc suy diễn nông cạn quá nhỉ!


- Chú ám chỉ cái gì?


- À, thằng cha sếp em đang chờ một cái chết rất đẹp, mà mãi chẳng được chết.


- Ồ, công ty chú đang ăn nên làm ra. Thằng cha giám đốc nổi như cồn, làm sao mà chết được?


- Thế mà sắp chết đấy. Hắn chết vì làm đúng anh ạ. Nhưng cái vụ làm đúng này lại chọc tức nhiều người quá, nên cấp trên đang định cho hắn nghỉ luôn. Cái chính là hắn đã làm rất nhiều chuyện sai khiến người ta bực mình, nhưng những lần trước chả hiểu chạy chọt thế nào mà đều thoát cả. Nay thì khó thoát rồi.


- Thì hắn lại chạy...


- Chạy cũng được thôi, vấn đề là hắn cũng muốn chết lúc này. Hìhì. Nghe khó hiểu nhỉ? Giới làm ăn trong này đều biết là hắn cũng có một chút tài. Nhưng như thế thì không đủ để đưa công ty đến ngày hôm nay. Cái chính là hắn biết kích động nhiều nhân vật có tài khác cống hiến và trở thành đá lát đường cho hắn. Hắn thoả mãn một số lợi ích của họ, còn họ thì nai lưng ra làm để hắn hưởng vinh quang. Nay thì ai ai người ta cũng biết rõ hắn rồi, chẳng ai chịu hy sinh nữa, nên hắn sắp hết bài. Vì vậy, được chết đẹp vào lúc này thì tốt quá còn gì? Hắn mà cứ ở lại thì làm sao mà có đột phá nào nữa? Hắn thừa biết điều đó, nay lại có cái phốt "làm đúng gặp nạn" này, nên muốn được chết lắm.


- Ra thế...


- Đấy, nếu hắn chết mà công ty tụt dốc thì hắn sẽ nói: "Thấy chưa, không có tôi, mọi việc sẽ tệ hại ngay". Còn nếu công ty lại phát triển, thì hắn lại nói: "Nền tảng của công ty là do tôi xây dựng mà, chỉ có ngu ngốc bất tài thì mới không phát triển được trên nền tảng ấy". Tóm lại, một thời điểm chết quá đẹp anh ạ.

- Chú nói như tiểu thuyết. Mà chuyện chết đẹp này liên quan gì đến chú đâu mà lại cứ bị ám ảnh về nó nhỉ?

- Thì em mơ ước có được cái chết đẹp như thằng chả mà...

22/12/07

MƯA LẠNH ĐÊM ĐÔNG



Còn 5 phút nữa sang một ngày mới thì mưa.

Chợt nhớ một bài thơ của thi hào Nga Alexander Blok

Phố, đêm, đèn đường, hiệu thuốc,
Thế gian vô nghĩa và tẻ sầu
Dù sống thêm một phần tư thế kỷ
Tất cả vẫn thế. Lối thoát chẳng thấy đâu.

Chết tức là lại bắt đầu từ đầu
Tất cả lặp lại như thuở xa xưa
Những gợn nước con kênh lạnh buốt
Đêm, phố, đèn đường, hiệu thuốc.


BỐ ƠI, CON CÓ 1 TRIỆU ĐÔ



Người đầu tiên chiến thắng chương trình AI LÀ TRIỆU PHÚ và giành giải thưởng $1,000,000.

Đó là John Carpenter.


Kết nhất là đoạn anh ý trả lời câu cuối cùng, mặc dù còn nguyên 3 sự trợ giúp nhưng anh ý đã biết kết quả rồi.

Anh ý dùng sự trợ giúp gọi điện cho bố chỉ để thông báo là "Chào bố, thực ra con không cần đến sự trợ giúp của bố, con chỉ muốn báo cho bố biết là con đã giành chiến thắng $1,000,000".


21/12/07

CÂY BÀNG TRỔ LÁ GIỮA MÙA ĐÔNG



Một năm lạ lùng về khí hậu.

Những siêu bão nối đuôi nhau tràn vào biển Đông. Chúng chạy díc dắc như những vũ công Lambada, chẳng biết đường nào mà lần.

Tháng 12 vẫn còn nguy cơ bão. Cũng may cơn bão có tên Việt Nam là Trà Mi đã biến thành áp thấp nhiệt đới và tiêu tan trên Thái Bình dương.

Mưa đá rơi trên đường phố Hà Nội. Nhà tôi tầng ba ngập nước! Mưa to quá, nước không thoát kịp ngoài ban công tràn vào trong nhà!

Nghe nói, sông Hồng cạn kiệt nhất trong vòng 100 năm qua. Cuối tuần trước đưa mấy người bạn từ trong Nam ra đi du ngoạn sông Hồng. Họ không tưởng tượng được sao con sông gầy guộc này có thể gây lũ???

Mùa đông trốn đâu biệt tăm. Mấy trận gió mùa đông bắc mới chỉ lào khào, chưa thấy cái rét tê tái đặc trưng của đất Bắc. Chắc lại phải bắt chước Thảo Phương "vờ như mùa đông đã về"?

Hôm qua, đi trên phố Nguyễn Thái Học bỗng phát hiện ra một cây bàng nẩy lộc. Thường bàng nẩy lộc vào tháng Hai sau Tết kia mà???

Bây giờ mới là tháng Mười Hai dương, mùng hai tháng 11 âm lịch. Vẫn biết năm nay nhuận, đáng lẽ bây giờ đã phải là mồng hai tháng mười hai rồi và chỉ còn 4 tuần nữa là Tết. Nhưng ngay cả thế thì cây bàng cũng không thể nẩy lộc vào lúc này.

Nhưng thời tiết năm nay lạ lùng mà.

Cái gì cũng có thể xảy ra.

20/12/07

CƯỜI MỘT CHÚT



1. Alexander là chuyên gia kinh tế, anh làm việc 57 giờ mỗi tuần. Semen là giám đốc một công ty, anh làm việc nhiều hơn Alexander 7 giờ mỗi tuần. Còn anh da đen, tên Mganga, làm lao công ở trụ sở Hội Chữ thập Đỏ địa phương thì làm mỗi ngày 6 tiếng, được nghỉ trưa 3 giờ mỗi ngày. Hỏi, ai trong số họ là người da đen?

2. Giải pháp chống kẹt xe hữu hiệu: Cho phép uống rượu trong giờ làm việc. Khi đó tất cả đều hài lòng và vui vẻ đi làm bằng xe buýt.

3. Anh là người đàn ông cuối cùng mà em đồng ý qua đêm đấy.
- Thế à? Em bảo những người khác đừng xếp hàng sau lưng anh nhé.

4. Ngân hàng của ông có cho vay bằng lời hứa không?
- Có chứ.
- Nếu tôi không trả thì sao?
- Thì cô sẽ phải xấu hổ khi đứng trước Đấng tối cao.
- Khi nào thì phải làm như vậy.
- Đây, thời hạn trả tiền là ngày 5. Nếu cô không trả thì mùng 6 cô sẽ được đứng trước Đấng tối cao.


5. Nha sĩ:
- Thế là xong rồi. Răng của ông đây.
Bệnh nhân:
- Cảm ơn bác sĩ, còn đây là cái tay nắm trên ghế chữa răng của ông.

6. Anh ơi, hai cái điện thoại này có gì khác nhau ạ?
- À, chúng khác nhau ở chỗ cái này là máy nghe nhạc MP3, còn cái này là máy chụp ảnh.

7. Ông Putin rủ ông Bush đang ở thăm nước Nga đi câu cá.
Hai người buông cần câu. Ông Putin chăm chú nhìn phao.
Ông Bush thì hết đập tay vào má, lại đập tay vào trán, rồi lại đập tay vào cổ.
- Vladimir này, sao ông không bị muỗi đốt thế?
- Muỗi làm sao mà đốt được tôi?


8. Bố hỏi con trai:
- Này con trai, con đã lớn rồi đấy. Con đã chọn được nghề định làm trong tương lai chưa?
- Rồi bố ạ. Con muốn làm người thau bể bơi.
- Thế thôi à?
- Còn nữa ạ. Con muốn làm người làm vườn, thợ sửa ống nước, người giao bánh pissa.
Bố gãi gáy suy nghĩ rồi gọi điện cho vợ:
- Này, em cất cái đĩa DVD ở đâu. Hình như thằng bé xem được rồi đấy...


9. Chuyện cười Cuba:
Một người đàn ông đi trên hè phố và thấy một cô gái vừa khóc vừa nhảy cạnh một quán bar.
- Sao em lại khóc?
- Em khóc vì mẹ em ốm.
- Thế sao em lại nhảy?
- Vì nhạc hay quá anh ạ.

10. Một ngư phủ ở Thanh Hoá bắt được con cá vàng. Cá vàng nài nỉ:
- Người ơi, hãy thả tôi xuống nước, ta sẽ thực hiện ba điều ước của người.
- Điều ước thứ nhất: ta muốn đội tuyển của chúng ta vô địch thế giới. Điều thứ hai ta muốn Pele vĩ đại thừa nhận đội tuyển chúng ta vĩ đại nhất thế giới. Và điều ước thứ ba là cả nước ta phát cuồng lên vì hai điều trên.
Ông vừa dứt lời thì trời đất tối sầm lại. Ông tỉnh lại thì thấy mình đã biến thành người da đen. Xung quanh hàng vạn người da đen nhảy múa và hò hét: "Brazil, Brazil!"

Free counter

19/12/07

PHẨM GIÁ ĐÀN ÔNG



Anh là học sinh giỏi, được chính quyền Việt Nam Cộng hoà cử đi du học ở Hoa Kỳ. Đang học năm thứ ba thì Sài Gòn sụp đổ. May mà ba má anh tình cờ có mặt ở Hoa Kỳ đầu năm 1975, thấy tình hình bất ổn, họ nấn ná ở lại Mỹ. Lúc đầu họ thấy áy náy không yên, nhưng đến khi Sài Gòn thất thủ, thì họ thở phào nhẹ nhõm. Số phận đã run rủi họ tránh khỏi những bất trắc.

Ba má anh không dính dáng gì đến bộ máy chính quyền. Họ chỉ là những trí thức có chút danh tiếng. Miền nam lọt vào tay cộng sản Bắc Việt khiến họ buồn rầu, nhưng rồi cũng phải tất bật thu xếp để bắt đầu một cuộc sống mới nơi đất khách quê người, nên không ai còn thời gian để sầu muộn.

Riêng anh, anh quyết định "delete" mọi ký ức về mảnh đất nơi mà anh đã sinh ra ở bên kia đại dương. Quyết không nghe, không nói, không biết, không vương vấn gì nữa. Ở vào tuổi 20, việc đó hoá ra làm cũng không khó lắm.

Anh luôn khẳng định mình là người Mỹ. Anh lập gia đình với một cô gái gốc Việt cũng có hoàn cảnh tương tự. Họ sinh con, đi làm ở sở Mỹ, sinh sống với người Mỹ, sống cuộc sống Mỹ. Anh quên hết. Và cảm thấy thoải mái với sự lựa chọn của mình.

Thế rồi đến đầu thập niên 1990, tự nhiên anh thấy phải thay đổi môi trường làm việc và xin vào làm cho một công ty Nhật Bản. Một ngày kia, sếp anh từ Tokyo gọi điện sang Mỹ cho anh: "Tran-san, anh là người Việt Nam đúng không?". Anh thờ ơ đáp: "Tôi là công dân Mỹ, thưa ông". "Nhưng anh là người gốc Việt mà. Ngay cả họ tên anh, anh đâu có đổi qua tiếng Mỹ", sếp gặng. "Vâng, tôi đã là người Việt" - anh nhấn mạnh từng chữ.

Hoá ra công ty có một dự án từ thiện ở Việt Nam. Chẳng có ai biết tiếng Việt cả. Mà ở đó người ta nói tiếng Anh không tốt lắm. Tiếng Nhật lại càng không có ai. Sếp muốn anh tham gia vào dự án. Chỉ vài ba lần đi sang đó, chứ không phải là làm dài hạn. Không thể từ chối, anh đành gật đầu đồng ý.

Anh bay từ Mỹ đến Tokyo. Từ Tokyo đến Bangkok, nằm ở đó cả tuần lễ để xin visa vào Việt Nam và cuối cùng lên chiếc máy bay của Vietnam Airlines do Liên Xô sản xuất bay sang Sài Gòn. Khi máy bay bắt đầu hạ độ cao, anh ngó qua cửa sổ nhìn xuống. Những cánh đồng bạt ngàn chằng chịt kênh rạch, những ngôi nhà lúp xúp ken chặt vào nhau. Anh nhắm mắt. Không thấy có bất cứ cảm giác nào. Anh tự thấy hơi kỳ lạ.

Tân Sơn Nhất bé nhỏ, nhếch nhác và quê mùa khiến anh càng thêm tủi. Anh xách hành lý lên chiếc Toyota mà người Nhật mua sẵn cho dự án và đi đến một tỉnh không rõ cách Sài Gòn bao nhiêu cây số, chỉ biết mất đến nửa ngày đường chạy xe qua vài ba cái phà và thấy hết cuộc sống đầy khó khăn của những người phải ở lại.

Nơi anh đến là một trung tâm điều dưỡng dành cho những nạn nhân chiến tranh. Dự án mà công ty anh làm là cung cấp chân giả cho những người lỡ đạp phải mìn, hoặc bị dính bom. Công việc của anh cũng không nặng nhọc lắm, chỉ là dịch những câu hỏi và trả lời giữa chuyên gia chỉnh hình của Nhật với các nạn nhân, nhân viên của trung tâm và các quan chức địa phương. Nói chung, họ đều tử tế và đều tỏ ra biết ơn các chuyên gia Nhật.

Hầu như không ai biết anh là người Việt, người ta gọi anh theo kiểu Nhật là Tran-san. Anh cũng chẳng có ý định tiết lộ điều đó với mọi người. Anh nói tiếng Việt không còn rành nữa, nhiều khi phải căng tai lên để nghe và phán đoán những điều mà người dân miền Trung nói.

Một ngày đã gần tới cuối chuyến đi, lúc anh đang đứng tiểu tiện ở nhà vệ sinh của Trung tâm thì có tiếng lọc cọc đi tới. Một người đàn ông có dáng đi ngật ngưỡng bước đến đứng cạnh anh và lục tục cởi khuy quần làm cái việc mà tất cả đàn ông đều làm. Người đàn ông vừa tiểu vừa ngửa mặt lên trời mắt nhắm nghiền và thở ra một tiếng khoan khoái. Anh nhìn mặt anh ta và có cảm giác sờ sợ về một sự biến thái nào đó.

Người đàn ông đột nhiên nói bằng giọng Sài Gòn khiến anh hiểu rất rõ ràng: "Chu cha, thiệt là sướng!". Anh giật mình hỏi lại: "Ông nói sao?". "Anh hổng thấy sao? Tui đang sướng nè. Lần đầu tiên sau 15 năm tôi được đái... đứng nè!". Anh bất giác nhìn xuống dưới và thấy người đàn ông đang đứng trên đôi chân giả. Những chiếc chân mà công ty anh mang từ Nhật sang và các chuyên gia chỉnh hình chật vật lắp cho từng người trong những ngày qua.

Những người chỉ mất một chân thì dễ hơn. Đằng này, người đàn ông này mất cả hai chân, một bên mất đến cẳng chân, một bên mất đến bắp đùi. 40 tuổi mới chập chững đi lại những bước đi đầu tiên và vẫn còn cần đến một cái gậy để chống. 40 tuổi mới lại được thực hiện cái động tác đặc quyền của đàn ông là... đứng đái.

Thốt nhiên anh thấy vỡ lẽ ra nhiều điều. Anh theo người đàn ông đi nhậu để mừng đôi chân mới. Anh ta dẫn anh về nhà, gặp chị vợ cũng 4 đứa con lít nhít. Nhà họ chẳng có gì ngoài những tiếng cười. Cả nhà coi anh là ân nhân của họ. Và lần đầu tiên sau hơn 15 năm anh mới có lại được cảm giác thân thuộc, cảm giác được là một phần của cái cộng đồng, của mảnh đất mà anh đã bỏ đi.

Cái cảm giác ấy theo anh trở về Tokyo. Anh nói với sếp: "Chương trình từ thiện của ông ở Việt Nam còn kéo dài bao lâu?". Ông nói: "Chúng ta cần mang tới đó 100.000 chân giả. Mỗi chuyến đi chỉ giải quyết được 2.000 trường hợp. Tran-san, anh có thời gian và ý nguyện không? Chúng tôi rất cần anh ở đó". "Tôi đi được", anh đáp ngắn gọn.

Và anh lại trở về. Lần này thì cảm giác xa lạ không còn nữa. Anh muốn mang lại cái niềm vui giản dị và nhỏ nhoi như của người đàn ông kia cho nhiều người khác. Và suốt từ đó đến nay đã hơn 15 năm, anh hầu như không còn rời xa Việt Nam.

18/12/07

RÉT MUỘN



Mùa chuyển lâu rồi mà sao không thấy rét?

Thèm cái lạnh giá rét.

Thèm một buổi sáng sương muối đậm, ra đường không nhìn thấy những gì cách 5m.

Thèm một lần được ngồi bên đống lửa, ăn một củ khoai vùi nóng hổi.

Thèm mùi ngô nướng vương hè phố lúc gần nửa đêm.

Thèm nghe tiếng gió cào trên vách liếp, tiếng gió hú lồng lộn qua thung lũng.

Thèm nhìn giếng nước bốc khói mù mịt vào sáng sớm.

Thèm thấy những bụi cây trĩu sương bên bên đường đi.

Thèm được thấy cái lạnh len lỏi qua quần áo khiến ta rùng mình.

Thèm rét!


17/12/07

LƯƠNG 100 NGHÌN ĐÔ/NĂM



Ăn trưa. Anh bạn là giám đốc kỹ thuật một cty viễn thông nhà nước có điện thoại. Anh trả lời ngay tại bàn ăn, chứng tỏ cuộc điện thoại không có gì bí mật: "Chuyển chỗ làm hả anh? Hắn nói với anh thế à? Theo em thì anh nên đồng ý để hắn chuyển. Vâng, em nghĩ chẳng nơi nào tiếp nhận hắn với mức lương như vậy!".

Cả ba người bạn ngồi cùng bàn ăn đều hỏi: "Ai chuyển đi đâu? Lương bao nhiêu?"

Anh bạn uống một ngụm rượu vang rồi cười khà khà: "Giám đốc công ty của tôi. Bắn tin với Tổng giám đốc là có công ty nước ngoài mời về làm với mức lương 100 nghìn USD/năm".

- Ái chà! - tôi kêu lên. - Mức lương như thế tức là phải làm CEO trong một công ty đa quốc gia đấy!

- Đúng thế. Nhưng vấn đề là chẳng ai thuê hắn với mức lương như thế. Chắc là đòn gió làm reo với sếp Tổng thôi. - anh nhận xét.

- Tại sao? - chúng tôi hỏi.

Anh bạn thủng thắng đáp: Các ông thừa biết trình độ giám đốc của doanh nghiệp nhà nước. Thằng cha ở cty tôi lên được chức vụ giám đốc là nhờ luồn lọt, chạy chọt. Hắn chẳng có tài cán gì. Việc của hắn ở cty là tìm cách tiêu tiền, tức triển khai các đề án mà tổng công ty đã phê duyệt. Ăn phết phẩy, nhặt nhạnh tiền lại quả của đối tác, rồi trích một phần ở đó cống nộp cho các sếp lớn hơn. Có biết gì về kỹ thuật đâu. Thời buổi này chẳng có gì dễ hơn là làm giám đốc ở những công ty nhà nước kiểu như công ty tôi.

- Biết đâu công ty nước ngoài kia cần các mối quan hệ của hắn? - Một người bạn hỏi.

- Đúng là hắn có mối quen biết khá rộng. Có thâm niên biếu xén mà. Nhưng các mối quan hệ chỉ có khi anh đang làm ở vị trí này. Khi rời khỏi vị trí ấy thì các mối quan hệ cũng mất theo. Các công ty nước ngoài không thể vãi tiền cho hắn duy trì các mối quan hệ ấy.

- Trình độ điều hành của hắn thế nào?

- Chẳng thế nào cả. Lịch của hắn như sau: Sáng đánh golf, trưa đi nhậu đến 2-3 giờ chiều. Sau đó về qua công ty ký các văn bản mà các đơn vị trình lên, chợp mắt một tí. Đến 6 giờ tối lại lên xe đi nhậu tiếp đến khoảng 11-12 giờ mới về nhà.

- Tiếng Anh thì sao?

- Phọt phẹt. Biết dăm ba câu chào, hỏi thăm, thời tiết... Tiếng Anh kỹ thuật thì không biết một từ nào. Lâu nay họp hành, tiếp xúc với đối tác toàn qua phiên dịch. Đấy các ông tự rút ra kết luận công ty nước ngoài nào chịu thuê một nhân vật như thế. 1000 đô một tháng chắc cũng không ai thừa tiền để trả. Nhân sự kiểu ấy chỉ làm cho công ty nhà nước thôi. Để còn vơ vét, đục khoét. Hắn dọa sếp Tổng vì mới hay tin sẽ bị điều động đi nơi khác cho hợp với khả năng và trình độ. Chắc ông ấy sẽ đồng ý để cho hắn chuyển thật nhanh. Để xem có chuyển được không?

16/12/07

CHUYẾN VIẾNG THĂM BUỔI SÁNG



Sáng sớm, tôi mở cửa phòng làm việc, pha cho mình một ly cà phê và giở báo ra điểm các tin nóng. Đúng lúc đó thì có tiếng gõ cửa. Tôi lên tiếng mời vào và ngẩng lên: Cửa mở - một người đàn ông ngoài 40 dìu một người đàn ông khoảng 65-68 tuổi nặng nhọc bước vào. Sau khi đỡ người đàn ông già ngồi xuống ghế, người đàn ông trẻ ý tứ bước ra ngoài.

Tôi lịch sự thông báo với ông già rằng tôi chỉ có thể tiếp chuyện ông trong nửa tiếng đồng hồ, vì sau đó tôi có cuộc họp. Ông cười và nói: "Vâng... Tôi sẽ... nói... nhanh thôi". Ông ôm ngực ho và thở hổn hển: "Bước mấy bậc thang... lên đây... mà mệt quá. Lúc nãy... khi anh xe ôm... đưa tôi... đến đây... tôi đã suýt ngất. Phải đứng... trấn tĩnh một lát... rồi mới bước lên đây được".

Tôi hỏi ông muốn uống nước hay cà phê, nhưng ông nặng nhọc lắc đầu.

Rồi ông nói, lần này dường như đã đỡ mệt hơn, nên không còn ngắt quãng nữa. Ông nói ông là thương binh ở Huế. Ông bị thiên đầu thống, nên ra đây chữa bệnh đã được vài tháng. Nhà cửa khó khăn quá. Có bao nhiêu tiền dành dụm được và được bà con hàng xóm, đồng đội cho ông đã tiêu hết trong mấy tháng chữa bệnh. Ông nói ông quen hết các vị lãnh đạo ở cơ quan chủ quản của tôi, họ bảo ông qua đây gặp sếp tôi hoặc tôi. Lần trước ông đã qua mà chẳng gặp ai, hôm nay may quá mới gặp được tôi.

Tôi hỏi: "Bác cần giúp đỡ phải không?". Ông gật đầu xác nhận. Tôi nói: "Vâng, đúng là cơ quan cháu có quỹ từ thiện để giúp những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Bác có thể cho cháu xem giấy tờ tuỳ thân và hồ sơ bệnh án của bác được không?"

Ông đưa cho tôi một tấm thẻ thương binh, giấy plastic bọc ngoài đã bị bong ra. Tên họ đầy đủ, tấm hình cũng là của ông, nhưng không rõ nó được dán vào trước hay sau khi giấy plastic còn nguyên vẹn: " Hồ sơ bệnh án tôi để bên báo An ninh Thế giới anh ạ. Các anh ấy cũng hứa giúp tôi một khoản..."

Tôi nói: "Thế này bác ạ. Cháu giới thiệu bác qua quỹ từ thiện của chúng cháu nhé. Bác sẽ gặp chị T, phụ trách quỹ. Chị ấy sẽ hướng dẫn bác làm các thủ tục cần thiết. Bác thông cảm, quỹ này là tiền của nhân dân đóng góp, nên chắc chắn phải làm các thủ tục".

Người đàn ông thở dài và kể thành thật: "Tôi đã đến gặp chị T rồi. Chị ấy cũng nói như anh". "À, bác đã gặp chị T rồi ạ? Thế thì chị ấy nói đúng đấy. Chúng cháu không thể làm khác được đâu ạ. Nếu cần cháu sẽ gọi sang bên An ninh Thế giới để mượn hồ sơ bên đó".

Ông già lắc đầu: "Phức tạp quá nhỉ? Làm từ thiện mà cũng thủ tục nhiêu khê thế à?".

Lời nói của ông khiến tôi thực sự ái ngại. Tôi quay điện thoại. Người đàn ông hỏi: "Anh gọi đi đâu thế ạ?". - "Cháu gọi cho chị T, để bàn xem có cách nào giúp bác không?". Tôi gọi điện và không để ý đến thái độ của ông già.

Chị T nhấc máy, tôi kể sơ qua về ông già. Chị nói: "Ồ, đến lượt em bị ông ấy mò đến à? Ông ấy đã đến gặp chị và cũng nói hệt như vậy. Nhưng chẳng hề có giấy tờ, hồ sơ bệnh án gì cả. Chị đã bảo là không thể giúp gì được ông ấy. Ông ấy có nói: "Hay là cô giúp tôi tiền để mua vé tầu về Huế?". Chị đồng ý và gọi điện cho người quen để mua vé tầu cho ông ấy bằng tiền túi của chị. Nhưng đúng ngày đúng giờ thì không thấy ông ấy đến ga. Hôm sau ông ấy đến và xin lỗi trong đó lụt, ông không thể về được và nói chị đưa tiền để ông ta đi mua vé. Chị nói: "Hôm nọ bác đã làm cháu mất mấy trăm nghìn rồi. Bác hãy xác định đúng ngày giờ về. Cháu sẽ đặt vé cho bác". Ông ta nói chưa quyết định được ngày về và xin chị ít tiền để sống tạm cho đến khi đó. Chị đưa cho ông ấy 200 nghìn đồng. Anh bảo vệ nói khi ra đến cổng, ông ta nói với người xe ôm chở ông ta đến: "Lại có tiền xài rồi, may quá". Đây là một người ăn xin chuyên nghiệp. Em đừng mủi lòng. Em không được cho một đồng nào hết."

Ra thế. Tôi quay sang nói với ông: "Cháu đã nói chuyện với chị T. Trường hợp của bác cháu không thể giúp được gì hơn. Nếu bác muốn trở lại Huế, thì bác báo cho cháu ngày về, chúng cháu sẽ mua vé tầu cho bác. Vé đó sẽ không chuyển sang thành tiền, cũng như không thể trả lại được. Đây là số điện thoại của cháu, bác hãy thu xếp và báo cho cháu biết".

Ông già cầm lấy tờ giấy có ghi số điện thoại và tần ngần hỏi: "Tôi phải thuê xe ôm chở đến đây, anh có thể cho tôi xin chục nghìn để trả cho anh xe ôm không?". "Được, cháu sẽ đưa bác 20 nghìn". Tôi đưa cho ông ta 20 nghìn và tiễn ra cửa. Người xe ôm đã chờ sẵn ở hành lang và dìu ông ta xuống cầu thang.

Bạn thân mến, nếu một buổi sáng nào đó bạn gặp người đàn ông này, hoặc gặp một người tương tự, thì bạn hãy biết rằng đó chính là một hình thức ăn xin mới, những kẻ ăn xin đó biết dùng mọi cách để tấn công vào lòng trắc ẩn của bạn. Hãy mạnh dạn tiễn họ ra khỏi cửa và thông báo cho thường trực/bảo vệ ở cơ quan (công ty) bạn đừng bao giờ cho những người như vậy vào.

Free web counters

15/12/07

DÂU TÂY



- "Dâu Tây" hết rồi đấy ạ?
- Tuấn không thể quay lại với Sophie!
- Hélène sẽ không để yên, cô ta nhất định sẽ bày trò gì đấy để trả thù.

Nhiều bạn hình như không muốn chấp nhận một cái kết là Tuấn rời Hà Nội trở về nhà với con trai. Cậu sẽ quay lại với Sophie hay chỉ thăm con rồi trở lại Hà Nội tiếp tục sống trong vòng cương toả của Hélène?

Thực sự chưa có kết cục rõ ràng. Vì câu chuyện mới chỉ dừng ở đó và tôi chưa biết Tuấn sẽ xử sự như thế nào. Sophie như các bạn thấy vẫn rất còn yêu Tuấn, cả hai bà mẹ cũng thấy Tuấn quay lại với mẹ con Sophie như là lẽ đương nhiên.

Nhưng Tuấn dường như không phải là người đàn ông có thể làm chủ gia đình. Cậu quen sống trong thế giới "mẫu hệ", được chăm sóc, được quan tâm, được chỉ bảo. Dù có khó chịu thế nào, thì cậu cũng cảm thấy được yên ổn trong vòng tay một người phụ nữ mạnh mẽ như Hélène.

Cá nhân tôi thấy rằng đã có sự chuyển biến trong tính cách của Tuấn. Cậu nhận ra rằng cậu phải sống khác. Cậu sẽ không quay trở lại với Sophie, nhưng sẽ tự giác chia sẻ trách niệm nuôi dạy Tuấn Hoàng. Cậu sẽ rời bỏ Hélène và đi tìm một cuộc sống mới, nơi cậu có thể chủ động tư duy và tự chịu trách nhiệm về các hành vi của mình.

Còn bạn, bạn nghĩ Tuấn sẽ xử sự như thế nào? Hãy chia sẻ suy nghĩ trong comment. Xin cảm ơn.

14/12/07

DÂU TÂY (10)



- Tại sao lại không cần? Cháu hỏi gì mà lạ thế?

- Cháu e rằng mình sẽ có những quyết định sai lầm. - Tuấn rụt rè nói.

- Ồ, cháu có phải quyết định gì đâu nhỉ? Chỉ là gọi điện hỏi thăm xem Sophie sinh con xong thì sức khoẻ như thế nào? Thằng bé được đặt tên là gì? Trông nó có kháu không? Và bất cứ câu nào cháu có thể nghĩ ra...

- Nhưng... cháu không biết Sophie sẽ có phản ứng như thế nào? Liệu cô ta có muốn nghe điện thoại của cháu hay không?

- Cháu cứ gọi thì sẽ biết ngay là Sophie có muốn nghe điện hay không? Sao cháu không thử mà lại cứ phỏng đoán thế?

- Với lại gọi cho Sophie là phá vỡ thoả thuận giữa cháu và Hélène...

Tôi lắc đầu ngao ngán. Không ngờ Tuấn lại có tư duy lạ lùng như vậy. Nó cứ như từ hành tinh khác đến, đang cư xử theo những quy tắc của một nền văn hoá nào đó không thuộc về trái đất này.

- Tuấn, nghe này. Thằng bé là con của cháu. Cháu không có cách nào thoát khỏi nó hết. Cháu cũn không thể rúc đầu xuống cát giống như con đà điểu mỗi khi gặp nguy hiểm. Cháu phải đối mặt với thực tế ấy. Sớm hay muộn thì cháu cũng sẽ phải nói chuyện với Sophie về thằng bé. Theo chú thì càng nói sớm càng tốt.

Tuấn cúi đầu không nói gì. Cậu liên tục rít thuốc. Bàn tay phải liên tục gõ ngón xuống mặt bàn, chứng tỏ đang suy nghĩ mông lung lắm. Tôi nói tiếp:

- Thoả thuận giữa cháu với Hélène rất vô lý. Không thể có chuyện cháu không được dính dáng gì đến mẹ con Sophie. Đó là suy nghĩ rất trẻ con. Đứa bé chào đời, cháu là cha và theo luật pháp cháu phải chu cấp tiền nuôi nó hàng tháng cho đến khi nó 18 tuổi. Rồi nó có thể sẽ ốm đau, bệnh tật, chẳng lẽ lúc đó cháu cũng đứng ở bên ngoài trông vào? Rồi khi nó lớn một chút, nó sẽ có nhu cầu muốn được gặp cha. Lúc đó cháu cũng chạy trốn vì cái thoả thuận vớ vẩn với Hélène à?

Tuấn ngẩng lên nhìn tôi: "Chú nói đúng hết. Nhưng cháu không thể gọi vào lúc này. Cháu sẽ gọi sau vì không thể nói chuyện với Sophie ngay trước mặt chú". Tôi đáp: "Tuỳ cháu. Nhưng đừng nhu nhược. Hãy là người đàn ông. Cuộc sống sẽ có những tình huống khó khăn hơn thế này. Nếu cháu không dám đối mặt thì cháu sẽ chẳng làm được việc gì ra hồn".

Chúng tôi ngồi thêm một lúc nữa, không nói với nhau câu nào, rồi ai trở về nhà nấy.

Trước khi đi ngủ, tôi check hộp thư điện tử và phát hiện ra bức thư của chị: "Tôi vừa đến thăm cháu nội. Nó tuyệt vời lắm ông ạ. Tôi forward 4 tấm ảnh của nó mà Sophie vừa gửi cho tôi. Chắc chắn ông sẽ yêu nó. Hãy giúp tôi thuyết phục Tuấn để nó trở về với gia đình của mình". Tôi thở dài nghĩ bụng: "Không thể liệt được thằng con chị vào dạng nào. Đúng là dở tây dở tầu. Bó tay chấm com".

...Hai ngày trôi qua lặng lẽ, cả mẹ lẫn con trai đều không báo thêm tin gì. Tối hôm đó, tôi nhận được điện thoại của Tuấn: "Chú rảnh không?". Tôi đáp có. Tuấn hỏi tôi có thể đánh xe đưa cậu ra sân bay Nội Bài không. Tôi hỏi: "Cháu đi đâu?". Tuấn nói ngắn gọn: "Về thăm con trai". "OK!" - tôi vui vẻ trả lời.

Tuấn đứng đợi tôi sẵn cùng hai chiếc vali ở tiền sảnh ngôi nhà chung cư mà cậu thuê căn hộ trên tầng 14. Cậu cất vali vào cốp, mở cửa xe ngồi lên ghế trên cạnh tôi và nói: "Cám ơn chú đã đến chở cháu đi. Cháu có thể gọi taxi, nhưng đằng nào cũng phải báo cho chú nên tốt nhất là nhờ chú chở. Chú đừng hỏi gì, cháu sẽ giải thích hết. Tối đó về nhà cháu nhận được thư của mẹ cháu cùng ảnh của con trai. Cháu cứ suy nghĩ mãi về những lời nói của chú. Đúng là cháu không thể trốn tránh được mãi. Hơn nữa cháu muốn ở bên con trai cháu trong những tháng ngày đầu tiên của cuộc đời nó. Một đứa con trai không được lớn lên bên bố thiệt hại nhiều lắm. Cứ lấy ví dụ từ cháu đây này... Cháu chưa thể quyết định gì vào lúc này. Cháu chỉ muốn ở bên cạnh nó thôi. Có thể cháu sẽ quay lại Hà Nội, cũng có thể không..."

Tuấn đáp chuyến bay đêm đi Paris và từ đó sẽ đáp tầu trở về nhà. Đến Nội Bài, cậu bắt tay tôi: "Cháu đi nhé!" và cười. Nụ cười chưa hẳn rạng rỡ nhưng là nụ cười đầu tiên của cậu mà tôi nhìn thấy trong ba ngày qua.


13/12/07

DÂU TÂY (9)



Tuấn đứng lại, cười khẩy: "Ăn cắp à? Từ này có vẻ hợp với cô đấy nhỉ? Cứ việc doạ nhé cưng! Chẳng còn ai có thể làm cho tôi sợ nữa rồi". Nói xong Tuấn lấy xe phóng ra ngoài đường...

Cậu gọi cho tôi: "Chú có rảnh không? Có thể đến quán bar nào đó ngồi với cháu được không? Cháu rất cần lời khuyên của chú". Chưa bao giờ thấy cậu cháu "Tây giả" khẩn khoản như vậy, nên vội vã thay quần áo và phóng đến quán bar mà cậu hẹn.

"Thiên Xứng" nằm ở khu phố cổ, trên một con phố nhỏ không để được ngay cả xe máy trên vỉa hè. Chính vì vậy nên khách ở đây phần lớn là người nước ngoài. Quán được trang trí khá có gu, tường nhà giản dị với những bức ảnh đen trắng của các tài tử điện ảnh thế giới thập niên 1950-1960. Không khí khá tĩnh lặng khiến tôi hài lòng.

Cậu cả ngồi đó nhả khói liên tục như một cái ống bễ. Sau vài tuần không gặp, trông cậu có vẻ phong trần và già giặn với bộ râu quai nón không cạo. Cậu đứng dậy, bắt tay tôi và thở ra ngao ngán: "Yêu đương khổ quá chú ạ. Chết đi cho rảnh". Tôi cười: "Mới chỉ bắt đầu, chưa thấm tháp gì đâu, anh bạn".

Cậu kể liền một mạch những chuyện đã xảy ra với mẹ cậu, với Sophie, Hélène và con trai. Tôi gọi hai ly wishky. "Chúc mừng cháu, được làm cha là sứ mệnh lớn lao. Rất đáng phải nâng cốc". Cậu miễn cưỡng cụng ly và nhấp một ngụm lấy lệ. Tôi ra hiệu: "Uống cạn đi, uống cạn đi. Một dịp hiếm có để uống cạn". Cậu dốc ngược ly wishky vào miệng rồi vớ lấy chai La Vie chiêu một ngụm lớn.

- Chú bảo cháu phải làm gì bây giờ?
- Làm gì à? Chú đâu có biết. Lúc chọn người yêu cháu đâu có hỏi chú, mà đến bây giờ có chuyện mới hỏi?
- Thôi mà, lúc yêu thích lên mọi chuyện đều OK, có gì đâu mà hỏi. Còn bây giờ không hỏi chú thì biết hỏi ai.
- Chú lại cứ nghĩ cháu không bao giờ biết hỏi ý kiến ai.
- Đúng là cháu đã rất tự tin. Nhưng bây giờ cháu thấy bối rối quá.

Cậu cả cúi xuống, dụi điếu thuốc vào gạt tàn. Vai nó rũ xuống, trông thật ảm đạm. Nó thoắt biến thành một đứa trẻ bị tước hết vũ khí tự vệ. Tôi vỗ vai Tuấn: "Nào, hãy mạnh mẽ, chẳng có gì là không giải quyết được. Vấn đề là cháu có muốn giải quyết và quyết tâm làm việc đó hay không?"

- Phải giải quyết chứ. Chẳng nhẽ cứ để mọi việc bế tắc thế này? - Tuấn ngẩng lên nhìn tôi.
- Cháu yêu ai? Sophie hay Hélène. Cháu đã yêu Sophie. Và hình như đang yêu Hélène...
- Sao lại hình như?
- Cháu vừa cãi nhau với cô ta. Những điều cô ta nói khiến cháu bị sốc. Nên cháu đang cấn cá, không biết cháu còn có thể yêu cô ta nữa hay không?
- Chú nói thật, chú không có cảm tình với Hélène...
- Tại sao?
- Tại sao à? Người ta không có cảm tình với nhau nhiều khi không vì nguyên cớ cụ thể nào. Chú không thích Hélène vì cô ta là người thích lấn án , thích áp đặt quan điểm của mình đối với người khác. Có thể cháu thích cô ta vì tính cách của cô ấy lạ, bổ sung cho tính cách của cháu. Nhưng về lâu dài, cô ta sẽ là thảm hoạ đối với người thích an phận như cháu.
- Cháu cũng bắt đầu có cảm giác ấy. Cô ta khác hẳn với Sophie.
- Điều gì khiến cháu chia tay với Sophie?
- Chú biết không, ở bên cạnh Sophie rất tuyệt. Chỉ có mỗi một điều khiến cháu cảm thấy áy náy đó là cô ấy hơn cháu nhiều tuổi quá. Mẹ cháu và những người thân đều phản đối.
- Nhưng họ đâu có sống với Sophie?
- Thì thế, nhưng họ suốt ngày than thở. Gặp ở đâu là phản đối ở đấy. Nghe mà phát chán.
- Cháu đã nhìn thấy con trai cháu chưa?
- Chưa, mẹ cháu vừa gọi điện báo tối nay. Sophie sinh được 3 tuần rồi mà im lặng.
- Sao cháu không gọi cho Sophie?
- Cháu ngại Hélène. Với lại cháu cứ nghĩ phải mươi hôm nữa Sophie mới sinh.
- Thế bây giờ cháu gọi cho Sophie nhé?
- Bây giờ ấy ạ? Có thật cần thiết không?

Ảnh của Corbis
(còn tiếp)

12/12/07

DÂU TÂY (8)



Đầu dây đằng kia vang lên một tiếng cạch khô khốc. Chị dập máy thật mạnh. Tuấn giật mình. Đến lúc này cậu cả mới ý thức được rằng mẹ cậu rất tức giận. Cậu biết đã lỡ lời.

Tiếng vỗ tay lốp bốp vang lên. Tuấn quay lưng lại và phát hiện Hélène đã dậy từ lúc nào. Điếu thuốc cháy dở kẹp giữa ngón trỏ và ngón giữa của tay trái, còn tay phải cô ta đập vào lòng bàn tay trái, thành những tiếng kêu khô khốc. Cô ta nheo cặp mắt nhìn Tuấn đầy khiêu khích: "Khá lắm cưng. Lần đầu tiên em thấy anh quyết liệt. Đúng! Cô ta đã ăn cắp con của anh! Mọi hành động ăn cắp đều phải lên án và những kẻ ăn cắp phải bị khinh ghét!"

Những lời nói không hề giả dối của Hélène khiến Tuấn ớn lạnh. Cậu gầm lên: "Hélène, cô im đi và đừng có can thiệp vào chuyện riêng của tôi!".

Hélène rít một hơi thuốc, rồi giận giữ ném điếu thuốc xuống sàn nhà. Cô ta nghiến răng, giọng nói sin sít: "Chuyện riêng của anh à? Chúng ta đã thoả thuận với nhau thế nào? Anh đã hứa là không dính dáng gì đến mẹ con cô ta cơ mà? Chuyện của anh bây giờ cũng là chuyện của tôi, anh rõ chưa? Tất cả sẽ phải được làm theo đúng như chúng ta đã bàn và thống nhất".

- Đúng là chúng ta đã thoả thuận. Và từ khi mẹ tôi gọi điện báo tin đến giờ, tôi đang cố gắng làm theo cái thoả thuận ấy đấy. Cô không cần phải riết róng lên như thế.

- Tôi phải riết róng. Vì chỉ có riết róng mới bảo vệ được cuộc sống của tôi, cuộc sống của anh - hay còn gọi là cuộc sống của chúng ta.

- Cô bảo vệ tôi à? Nghe này, tôi đã 25 tuổi, tôi đã là thằng đàn ông, tôi đã làm bố và tôi tự bảo vệ được tôi. Tôi không cần thêm một bà mẹ nữa để chỉ bảo tôi phải làm cái này hay cái kia.

- Anh lầm rồi đấy. Đời anh không thể thiếu được những người mẹ. Xa mẹ già, thì phải có mẹ trẻ. Anh biết tử vi của anh chứ? Anh là âm nam, đàn ông âm nam cần đàn bà dương nữ. Tôi là dương nữ đây. Với tôi cuộc đời anh sẽ ổn. Thiếu tôi, cuộc đời anh sẽ chẳng ra cái gì!

- Ồ, hay quá. Thế thì tôi ước ao cho cuộc sống của tôi sẽ chẳng ra cái gì, chứ không phải cuộc sống cứ phải công kênh cô trên đầu thế này.

- Giỏi! Hôm nay cưng ăn nói lập luận thật giỏi. Nghe chừng sống với em từng ấy tháng, cưng tiến bộ nhiều đấy. Em sắp hết vở với cưng rồi. - Hélène đổi giọng và tiến lại ôm lấy cổ Tuấn và cắn nhẹ vào vành tai của cậu. - Cưng, em biết anh đang tức giận. Cưng không bình tĩnh nên nói càn. Ta dừng cuộc tranh luận ở đây. Em chỉ muốn nói rằng em yêu anh và chúng ta đã thoả thuận sẽ loại mẹ con Sophie khỏi cuộc sống của chúng ta từ nay về sau!

- Nếu tôi không loại bỏ được thì sao? - Tuấn hất đầu khỏi cái miệng tô son đỏ chót đang vuốt ve tai anh.

- Được chứ. Anh vừa nói đến từ "ăn cắp". Đó chắc chắn không phải là một hành động hay ho gì!

Tuấn ngao ngán lắc đầu: "Đàn bà như cô thật là khủng khiếp! Tôi không chủ định dùng từ ấy!"

- Không chủ định mà nói ra thì là nói trúng phóc. Là nói đúng bản chất, cưng ạ. - Hélène ngả đầu vào vai Tuấn. Cậu phũ phàng hất đầu Hélène khỏi vai mình: - Cô im đi! Tôi không bao giờ mong muốn một cuộc sống với những áp đặt địa ngục của cô.

Tuấn dợm chân, định đi sang phòng khác, nhưng Hélène gọi giật lại:

- Anh đứng lại đã. Anh không thể đi một cách dễ dàng như thế đâu. Nói để anh hay: Tôi cũng ăn cắp con của anh đấy!

Ảnh của Corbis
(Còn nữa)


11/12/07

DÂU TÂY (7)



Câu hỏi bất ngờ của bà Rubin khiến chị bối rối. Tuấn còn chưa biết nó đã được làm cha. Nhưng xét cho cùng thì đó là sự vô tâm. Đáng lẽ Tuấn phải biết đến thời điểm này thì Sophie đã sinh nở rồi chứ! Ngại ngùng gì? Không còn yêu nhau thì cũng còn là bạn. Người ta đẻ ra đứa con của mình mà nỡ lòng nào làm ngơ. Thật là sự khinh xuất không thể tha thứ. Chị thấy xấu hổ vì điều đó lại xảy ra với chính con trai chị - một người mà chị luôn tự hào là đã kết hợp được những gì ưu việt và tinh tuý nhất trong tính cách của hai nền văn hoá Á- Âu.

- Tôi cũng chưa rõ, thưa bà. Tuấn ký hợp đồng làm việc 2 năm tại Việt Nam. Hàng năm đều quay lại đây nghỉ phép một tháng. Nhưng đó là theo hợp đồng. Tôi sẽ hối thúc Tuấn về thăm con sớm. - chị nói.

- Có lẽ không hối được đâu, bà Nguyễn. Tôi mới chat với Tuấn hôm qua. Văn phòng mới xây dựng cần đi vào nề nếp. Bây giờ lại là cuối năm, rất lắm công việc. Tôi với Tuấn đã thoả thuận là Tuấn sẽ về nghỉ hè sớm hơn, từ tháng 5 sang năm. - Sophie gỡ bí cho chị.

- Thế mà con không nói với mẹ sớm, - bà Rubin quay sang trách con gái.

- Thì con cũng chỉ mới nói chuyện với anh ấy đêm hôm qua. Từ sáng đến giờ mẹ sửa soạn đón bà Nguyễn, có lúc nào rảnh đâu? - Sophie thanh minh.

Chị lặng lẽ ngồi nghe hai mẹ con họ nói chuyện. Có điều gì đó chống chế trong cách nói của Sophie. Chị chủ động nâng ly: "Ly này là để chúc những người phụ nữ. Xin cảm ơn Sophie đã sinh hạ cho tôi một đứa cháu trai tuyệt vời. Xin cảm ơn bà Rubin vì sự đón tiếp chu đáo này!"

- Xin cảm ơn bà vì những món quà mà bà mang đến cho Tuấn Hoàng. Sau này nó sẽ tự hào vì có được một người bà như bà, - Sophie chạm ly với chị

Họ cạn chén.

... Sophie tiễn chị ra xe. Cô chủ động khoác tay chị: "Bà Nguyễn, Tuấn không hề liên lạc với tôi từ khi anh ấy sang Việt Nam đến nay. Tôi cũng muốn để anh ấy biết về Tuấn Hoàng. Tôi có gửi email theo địa chỉ cũ, nhưng không thấy anh ấy hồi âm. Tôi nghĩ Tuấn không còn sử dụng hộp thư ấy nữa. Nếu được thì bà hãy báo cho anh ấy. Tôi sẽ gửi ảnh và video của Hoàng vào email của bà".

Chị gật đầu: "Được, tôi sẽ liên lạc với Tuấn ngay khi về đến nhà. Để tôi đưa cô tấm card có địa chỉ email của tôi. Tôi cũng muốn lưu ảnh và video của Hoàng trong máy tính để xem mỗi khi nhớ nó. Cuối tuần sau tôi lại đến nhé?"

- Vâng. Nhưng bà đừng mang theo quà nữa. Chúng ta là người thân rồi, không cần phải khách sáo thế. - Sophie nói. Hai người đàn bà ôm nhau. Mấy tháng trước họ còn coi nhau như kẻ thù. Lúc đó chị sợ cô ta lấy mất con. Nhưng nay chị còn sợ mất cháu hơn bao giờ hết. Và khi nỗi sợ hãi lên đến đỉnh điểm thì chị vỡ lẽ ra rằng tại sao chị và cô ta không chấp nhận nhau để rồi chẳng ai phải sợ mất ai? Có lẽ Sophie cũng có suy nghĩ tương tự?

Chị ngồi lên xe và quay ra cửa kính phía Sophie. Cô cúi người nhìn chị qua tấm kính và vẫy. Chị vẫy lại rồi cho xe từ từ lăn bánh. Qua gương chiếu hậu, chị thấy hình bóng đơn côi của Sophie mỗi lúc một xa và nhỏ đi trên con đường vắng tanh.

...

- Mẹ chúc mừng con đã được làm cha.

- Sao ạ? Mẹ nói gì?

- Mẹ nói là con-đã-được-làm-cha, - chị nói to hơn và nhấn mạnh từng chữ một. Đầu dây đằng kia lặng đi vài giây. Rồi giọng Tuấn vang lên khẽ khàng hơn: "Sao mẹ biết?"

- Sao mẹ biết à? Mẹ đang định hỏi con là sao con lại không biết đấy? Con chắc chắn đã học sinh học và biết người phụ nữ mang thai 9 tháng 10 ngày. Và con không thể không biết Sophie mang thai từ khi nào? Thế mà con lại thờ ơ khi con trai con chào đời. Mẹ thật xấu hổ vì con vô tâm và vô trách nhiệm, - chị bực tức nói liền một hơi.

- Hình như cô ta sinh sớm đó mẹ. Con cứ nghĩ là phải một tuần hoặc mươi ngày nữa...

- Thế thì mẹ thông báo với con là Sophie đã sinh được ba tuần. Con trai. Trộm vía, bụ bẫm, khoẻ mạnh và rất đẹp. Tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Hoàng Rubin.

- Ồ, thế ạ?

Câu nói của Tuấn làm chị tức giận. Chị thông báo một tin quan trọng như vậy mà Tuấn chỉ nói được ba chữ "Ồ, thế ạ?", cứ như chuyện mà chị kể là của nhà hàng xóm chứ không dính dáng gì đến Tuấn hết.

- Con làm mẹ ngạc nhiên đấy. Mẹ tưởng tượng là con phải nhảy cẫng lên reo hò khi nghe được tin này mới phải?

- Nhảy cẫng reo hò thế nào được mẹ ơi. Hélène đang ngủ ở phòng bên...

- Này, con đừng làm cho mẹ tức thêm nữa nhé. Nó ngủ thì mặc xác nó. Nó thức dậy thì đã làm sao? Liệu nó có chết không nếu như nghe thấy tiếng hò reo hạnh phúc của con?

- Con với Hélène đã thoả thuận là không nói về chuyện này. Mà tại sao mẹ lại nghĩ là con phải hò reo hạnh phúc?

- Tuấn, con định giết mẹ vì sự thờ ơ của con đấy à? Nếu con nhìn thấy thằng bé, thì mẹ tin là con không bao giờ ăn nói hồ đồ như vậy?

- Sao mẹ lại bảo con hồ đồ? Tại sao con lại phải hạnh phúc khi mà cô ta cố tình ăn cắp đứa bé ấy?

- Ăn cắp, thế nào là ăn cắp? Chẳng phải con và Sophie đã yêu nhau hay sao?

- Đúng, đúng là con và cô ta có yêu nhau. Nhưng cô ta đã cố tình có bầu mà không cho con biết. Cô ta đã đánh lừa con, cô ta đã ăn cắp đứa bé...

Ảnh của Corbis
(còn nữa)

Free hitcounter

10/12/07

TỔ QUỐC BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?



С чего начинается родина?

С чего начинается Родина?
С картинки в твоём букваре,
С хороших и верных товарищей,
Живущих в соседнем дворе.
А может, она начинается
С той песни, что пела нам мать,
С того, что в любых испытаниях
У нас никому не отнять.

С чего начинается Родина?
С заветной скамьи у ворот,
С той самой берёзки, что во поле,
Под ветром склоняясь, растёт.
А может, она начинается
С весенней запевки скворца
И с этой дороги просёлочной,
Которой не видно конца.

С чего начинается Родина?
С окошек, горящих вдали.
Со старой отцовской будёновки,
Что где-то в шкафу мы нашли.
А может, она начинается
Со стука вагонных колёс
И клятвы, которую в юности
Ты ей в своём сердце принёс...

С чего начинается Родина?...

Mikhail Lvovich Matusovsky (Nga)

Tổ quốc bắt đầu từ đâu?

Tổ quốc bắt đầu từ đâu?
Từ bức tranh trong quyển sách vỡ lòng ,
Từ những người bạn tốt và trung thành,
Sống trong sân nhà hàng xóm.
Có thể, tổ quốc bắt đầu
Từ bài hát mẹ ru ta khôn lớn,
Từ những điều không ai tước được khỏi ta
Trong bất cứ thử thách nào.

Tổ quốc bắt đầu từ đâu?
Từ chiếc ghế thân thương nơi đầu ngõ,
Từ cây bạch dương mọc ngoài đồng,
Trong gió táp vẫn vươn mình đứng thẳng.
Có thể, tổ quốc bắt đầu
Từ tiếng hót chim sáo khi xuân sang,
Từ con đường đi xuyên qua làng
Không nhìn thấy rõ đầu kia.

Tổ quốc bắt đầu từ đâu?
Từ những ô cửa sổ sáng đèn đằng xa,
Từ chiếc mũ hồng quân của cha thời nội chiến
Ta tình cờ tìm thấy trong góc tủ.
Có thể, tổ quốc bắt đầu
Từ tiếng gõ bánh tầu vào đường ray,
Từ lời thề khi còn trai trẻ
Khắc vào tim yêu tổ quốc suốt đời.

Tổ quốc bắt đầu từ đâu?

(VMC tạm dịch)



Anh có thể chưa đọc bài thơ này, chưa nghe bài hát này, chưa xem video clip mà tôi post lên đây. Anh có thể chẳng bao giờ tự đặt ra một định nghĩa về Tổ quốc, hoặc đặt ra một câu hỏi "ngớ ngẩn": "Tổ quốc bắt đầu từ đâu?".

Nhưng hôm qua anh đã dạy cho con trai anh, cậu bé chưa đầy 10 tuổi, một bài học sống động về tình yêu Tổ quốc.

Hai cha con mặc mỗi người một cái áo phông màu đỏ có hình ngôi sao vàng giữa ngực và đạp xe từ nhà ở quận Hoàng Mai đến chân Cột Cờ Hà Nội.

Ở đó đã có hàng trăm người tụ tập. Họ làm một công việc thật thiêng liêng là bày tỏ tình yêu đối với Tổ quốc.

Con trai anh chưa đủ lớn để hiểu những điều ghi trong câu khẩu hiệu mà nó giơ trước ngực, chưa hiểu được tại sao lại có những người lớn giận dữ như thế. Nhưng nó hiểu rằng nó là một phần của tất cả những người có mặt ở đâyđể đòi quyền đối với một phần không hiện hữu ở đây nhưng lại không thể tách rời khỏi trái tim mỗi người Việt.

Tổ quốc đối với nó như vậy bắt đầu từ đây... từ buổi sáng Chủ nhật 9.12.2007.

Cám ơn anh đã dạy con mình một bài học thật cần thiết và hữu ích.

9/12/07

DÂU TÂY (6)



Chị rùng mình khi nghe câu nói nghiêm trang của Sophie. Phải chăng đây là lúc cô ta trả đũa? Chị vẫn còn nhớ ánh mắt xanh lè của cô ta chiếu vào chị những tia nhìn rát buốt. Không sao, vì sinh linh nhỏ bé đang nằm ngủ yên trong tay chị, vì mối liên kết ruột rà vừa được hình thành cách đây vài phút, chị sẵn sàng hứng chịu những lời nói cay nghiệt và độc địa nhất.

- Khi bà gọi điện cho tôi hôm qua, tôi không thể thổ lộ điều này vì mẹ tôi đứng ngay bên cạnh. Tôi phải nhờ bà điều này và mong bà đồng ý.

- Cô cứ nói, tôi sẽ cố gắng đáp ứng, - chị đáp, cố giấu sự hồi hộp.

- Cũng chẳng có gì nghiêm trọng cả. Tôi chỉ nhờ bà... đừng nói..., - Sophie khó nhọc không nói hết câu. Cô quay mặt ra cửa sổ. Chừng một phút sau cô mới nói được hết ý mình: Tôi chỉ muốn nhờ bà không nói cho mẹ tôi biết, tôi và Tuấn đã chia tay. Hy vọng nãy giờ bà chưa kịp nói chuyện đó với mẹ tôi?

- Không, không, chúng tôi chưa nói chuyện gì cả, - chị vội vã trả lời, trong lòng như cất được gánh nặng vì yêu cầu của Sophie hoá ra lại quá dễ thực hiện.

- Tôi chỉ cho mẹ tôi biết là Tuấn đi làm việc ở Việt Nam. Bà rất quý Tuấn và luôn nghĩ chúng tôi vẫn còn yêu nhau và sẽ có ngày làm lễ cưới.

Chị nắm lấy tay Sophie. Bàn tay của cô thật mềm mại và ấm nóng. Trước mắt chị chẳng còn người phụ nữ ngoài 30 hơn con trai chị 8 tuổi nữa, không còn cái con phù thuỷ mồi chài đứa con trai khờ khạo của chị, mà chỉ còn là một người đàn bà đã yêu, có thể vẫn còn đang yêu và giờ đây phải nuôi con một mình.

Trong lòng chị trào lên một cảm giác xót xa. Sao mà cô ta giống mình đến vậy! Mình cũng phải nuôi con một mình, tất nhiên có điều hơn là khi đó Tuấn đã 6 tuổi và bắt đầu đi học. Chị vẫn còn nhớ thái độ ghẻ lạnh của bà mẹ chồng khi hay tin chị với chồng chia tay nhau. Không một lời động viên, không một lời chia sẻ. Bà coi cái việc con trai bà bỏ vợ là việc đương nhiên, chẳng có điều gì đáng phải quan tâm, chẳng có điều gì đáng phải phàn nàn. Nhưng chị thì sẽ không như vậy.

- Sophie, cô cứ yên tâm. Đó là chuyện riêng của cô. Tôi sẽ không nói gì đâu! - chị xiết chặt bàn tay của Sophie như một lời giao ước. Cô nhìn chị: "Vâng, cám ơn bà".

Bà Rubin trở lại mang theo một ly trà nóng và mấy chiếc bánh bích quy: "Bà Nguyễn, chừng nửa tiếng nữa mời bà xuống ăn cơm cùng chúng tôi nhé. Hoàng tử đẹp của chúng ta chắc sẽ ngủ say tới chiều mới dậy!"

Chị bế thằng bé trong đôi tay đã từng ôm ấp, vuốt ve, chiều chuộng cha nó. 25 năm trước, chị không hình dung cuộc đời chị lại có bước ngoặt giống như ngày hôm nay. Bị chồng ruồng bỏ, chị gửi con cho mẹ đẻ, lặn lội đi làm tiến sĩ ở nước ngoài, rồi may mắn tìm được một công việc phù hợp ở Châu Âu, hối hả trở về đưa con sang.

Dường như sau những bất hạnh, người ta thường gặp may. Công việc suôn sẻ, con trai học giỏi và ngoan, nhà cửa xe cộ có cả, tài khoản trong ngân hàng cũng đủ tiền để chi tiêu. Ở vào tuổi này, khi đã có thời gian thảnh thơi, và nhất là sau khi con trai về nước làm việc, chị cảm thấy trống trải. Bạn bè có người trêu: "Thôi tìm một người đàn ông làm bạn cho đời đỡ hiu quạnh đi". Chị nghĩ đó cũng là một ý hay. Nhưng sự xuất hiện đột ngột của thiên thần nhỏ Tuấn Hoàng khiến chị ngất ngây. Cái khoảng trống trong trái tim chị dường như đã được lấp đầy.

- Sophie, cô có đủ sữa cho con bú chứ? - chị hỏi

- Vâng. Sữa nhiều lắm. Hoàng bú mẹ là chính. Hy vọng nó sẽ là đứa trẻ thông minh.

- Thế thì tốt quá. Phụ nữ phương Tây nhiều người không thích cho con bú vì sợ xấu. Ở Việt Nam thời tôi sinh Tuấn, phụ nữ chúng tôi ai cũng cho con bú cả. Vì thực ra mua sữa hộp hay sữa bột khi đó rất khó khăn.

- Không cho con bú vì sợ xấu đã lạc mốt rồi bà Nguyễn ạ. Giờ đây ai cũng cho con bú hết vì đều muốn có con thông minh. - Sophie cười.

Tuấn Hoàng ngủ im không ọ ẹ gì. Sophie đón lại nó và đặt vào chiếc giường nhỏ có thành cao đặt ở bên cạnh chiếc giường lớn của cô. "Thôi để cho nó ngủ. Mình đi ăn đi, bà Nguyễn", Sophie mời.

Họ xuống tầng dưới. Quà cáp chị mang đến đã được để gọn ghẽ vào một góc. Bữa ăn đã được dọn ra thịnh soạn. Bà Rubin mời chị ngồi vào bàn và nói với con gái: "Bà của Tuấn Hoàng mang đến rất nhiều quà tặng. Khi nó lớn lên, chắc nó sẽ rất hãnh diện vì được những người ruột thịt yêu thương ngay từ những ngày đầu tiên. Mẹ sẽ mở một chai rượu vang để mừng cuộc gặp mặt này".

Ba người phụ nữ nâng ly và cùng uống cạn. Bà Rubin lại nói tiếp: "Tôi tiếp xúc với Tuấn không nhiều, nhưng đặc biệt có cảm tình với cậu ấy. Tuấn rất giàu tình cảm và được giáo dục rất cẩn thận. Chắc chắn đó là công lao của bà. Tôi hy vọng bà sẽ chia sẻ kinh nghiệm với con gái tôi để Tuấn Hoàng cũng được giáo dục như vậy".

Sophie đưa mắt nhìn chị. Chị nói: "Vâng tất nhiên rồi, tôi cũng rất mong muốn như vậy. Xin phép bà và cô cho tôi đến thăm cháu thường xuyên". Bà Rubin cười: "Vâng, tất nhiên. Trong thời gian Sophie còn ở đây thì sẽ vất vả cho bà đấy. Chắc không phải weekend nào bà cũng lặn lội đến đây được. Đợi khi nào Sophie quay trở lại đó đi làm thì bà sẽ có cơ hội thuận tiện hơn". Chị nhủ thầm: "Bà ấy đồng ý thế này là tốt rồi. Weekend nào mình cũng sẽ đến, chắc chỉ có bão tuyết mình mới không thể lái xe được thôi".

Bà Rubin cắt ngang dòng suy nghĩ của chị: "Tôi muốn nâng ly này chúc cho những người đàn ông của chúng ta, đặc biệt là Tuấn và Tuấn Hoàng. Bà Nguyễn này, bao giờ thì Tuấn từ Việt Nam trở về?"

Ảnh của Corbis.
(còn tiếp)
free hit counters
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết