18/4/17

5 NĂM BUÔNG TAY


Đã 5 năm nay mình buông tay với blog này. Nguyên do là do FB đông hơn, vui hơn.

Nhưng rồi đột ngột nhận ra, ở chốn lao xao FB không có góc riêng nào để chiêm nghiệm.

Muốn quay lại đây, nhưng không rõ ở đây còn có bạn bè nào không?

12/6/12

PHẢI CÓ DANH GÌ...



Nhưng bây giờ trở lại với cái danh thiếp. Lâu nay công dân mạng truyền nhau một số danh thiếp khủng. Xuýt xoa truyền. Rinh rích truyền. Sằng sặc truyền. Đúng là danh thiếp khủng. Chi chít chữ. Dày đặc chữ. Chen chúc chữ. Kể cả nới rộng khuôn khổ cũng không đủ chỗ để mà ghi cho hết các chức danh. 

1. Lâu lâu rồi, tôi có lần nhìn thấy cái danh thiếp của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Đơn giản, sơ sài, chẳng có dụng ý thiết kế gì, chắc là anh đặt cơ sở in nào đó in cho đủ cái tên, địa chỉ, số điện thoại, tức là đủ nội dung cho một cái danh thiếp. Người ta in cho thế nào thì anh nhận thế, dùng thế. 

Đấy là lần anh Thiệp và tôi được mời sang Đan Mạch dự một cái liên hoan văn hóa gọi là Hình ảnh châu Á (Image of Asia), sau đó đi tiếp sang Thụy Điển dự Hội chợ sách Quốc tế Gothenburg, thực hiện vài buổi đọc sách trước công chúng. Có một lúc đã xong việc, ngồi chuyện trò hai người với nhau, anh Thiệp đưa cho tôi cái các để khi về Hà Nội còn liên lạc mà gặp lại. Cái các chỉ ghi:

NGUYỄN HUY THIỆP
Nhà văn

Tôi nhìn cái các và nói: Trong này thừa chữ nhà văn. Tôi nghĩ, cái người ta cần thì đã đủ: tên người, số nhà số điện thoại, địa chỉ email. Không cần gì thêm. Người trong giới chỉ nhìn tên, biết đấy là nhà văn. Người không biết đến anh thì có ghi thêm chữ “nhà văn” vào đấy cũng chẳng ý nghĩa gì. Anh Thiệp nghe. Gật gù. Ừ, đúng.

Nhân nói về Nguyễn Huy Thiệp, lan man sang một chuyện liên quan. Tôi quen biết một vài anh em trẻ làm báo, tốt nghiệp báo chí ra hẳn hoi, một lần tôi nhắc đến truyện của Nguyễn Huy Thiệp thì hóa ra các cậu không biết nhà văn danh tiếng là ai. Ngạc nhiên chưa? Ờ, có thể ngạc nhiên với bạn và tôi, nhưng đời sống thì không ngạc nhiên. Đời sống luôn có những điều mà chúng ta không ngờ, và đời sống có thể thiếu những điều mà chúng ta biết, biết rành mạch.

Có lần một nữ phóng viên đi họp báo về, hỏi tôi: Nữ nhà văn XYZ viết gì hả anh? Tôi kể tên một vài tác phẩm của chị, một cây bút rất hoạt ngôn nhưng khi viết thì không hoạt không đặc sắc như khi nói. Nhà báo trẻ tất nhiên là chưa đọc XYZ cho nên mới hỏi như trên. Cô kể: Hôm nay em họp báo ngồi cạnh chị ấy, em hỏi xin lỗi chị là ai, chị ấy giơ một ngón tay, bảo: Bạn đừng giật mình nhé.

Để giữ trật tự, chị ấy lấy bút viết vào sổ tay của chị mấy chữ: nhà văn XYZ, chìa sang cho em xem.

Cô nhà báo trẻ mỉm cười lịch sự. Lịch sự thôi, tất nhiên là cô không có gì phải giật mình. Cô đâu biết chị là ai.

Ảo tưởng. Không chỉ là nữ văn sĩ vừa nhắc mà ngay cả một số cây bút trẻ mới in đôi ba cuốn sách bây giờ cũng luôn ảo tưởng mình đang ở độ xinh thời và văn thời, ý nói là thời mình đang xinh đẹp và thời mình đang nổi bằng văn. Họ quên mất rằng văn chương đang trở thành một chuyên môn hẹp, chỉ có người trong giới và số người đọc văn quan tâm mà thôi. Người sành văn đương đại và chịu khó cập nhật văn chương là giới trí thức trẻ, thậm chí giới làm khoa học tự nhiên. Một nhà văn danh tiếng lắm cũng không thể so sánh với sự nổi tiếng của một người mẫu hoặc một ca sĩ hạng hai. Không so bì và không hề chua chát, đấy là sự thật. Hãy bình thản mà nhìn nhận sự thật này. Nhà văn nên lấy làm hãnh diện về cái danh trầm tĩnh không ồn ào của mình. Nhà văn mà cũng sặc sỡ như một nghệ sĩ biểu diễn thì, thú thật, có một cái gì đó đáng nghi ngại trong văn chương của ông ta.

2. Nhưng bây giờ trở lại với cái danh thiếp. Lâu nay công dân mạng truyền nhau một số danh thiếp khủng. Xuýt xoa truyền. Rinh rích truyền. Sằng sặc truyền. Đúng là danh thiếp khủng. Chi chít chữ. Dày đặc chữ. Chen chúc chữ. Kể cả nới rộng khuôn khổ cũng không đủ chỗ để mà ghi cho hết các chức danh. Một bác sĩ, tiến sĩ, nhà thơ, nhà làm luật. Một nhà khoa học có cả chức danh trong hội đoàn kết các dân tộc và các hội nghệ sĩ, tức là khoa học có dan díu với văn nghệ. Một chức sắc tôn giáo (Nam Mô A Di Đà Phật) đếm ra có đến chín chức danh.

Xin lấy cái danh thiếp số một làm ví dụ. Mỗi chức danh trong cái danh thiếp là nhằm vào các đối tượng sau:
- Chức danh bác sĩ là giơ ra với lực sĩ cử tạ có thể bẻ ngà voi.
- Tiến sĩ là với sinh viên mới nhập học.
- Nhà thơ là với nhà toán học, vật lý học vân vân.
- Nhà làm luật là với người hay lái xe vượt đèn đỏ.

Tức là đối tượng nào cũng nhặt ra được  cho mình trong cái rổ thóc trộn gạo của cô Tấm một hạt có ý nghĩa, hoặc là phản ý nghĩa. Công bằng. Không ai ra về tay trắng.

Trăm bó đuốc cũng bắt được một con ếch. Xả một băng đạn liên thanh sao cũng trúng một viên.

Nhưng mà xáo tung cái đống vừa gạo vừa trấu vừa thóc ấy lên thì cũng oan gia. Người tai biến cần cấp cứu thì chỉ nhìn thấy chữ nhà thơ. Ông cắt đường vượt đèn đỏ thì thấy danh tiến sĩ. Nghĩa là chúng sinh sẽ bị tẩu hỏa nhập ma. Chỉ có chủ nhân danh thiếp là ngồi rung đùi nhấm nháp khoái cảm về sự đa tài đa diện đa năng đa phương tiện của mình. Ông không biết rằng trong cái nồi lẩu kia, người ta chỉ thấy cái ông làm thơ giỏi nhất trong đám bác sĩ, nhà làm luật giỏi nhất trong đám nhà thơ, người chữa bệnh giỏi nhất trong các nhà làm luật… chỉ riêng những danh hiệu ấy bản thân nó đã hàm ý tính thiếu chuyên nghiệp, chưa nói là gây cười, sau đó là gây nghi ngại.

Cái danh thiếp có một chức năng là xã giao. Xã giao gì khi vừa gặp mặt, anh đã tuôn một tràng xối xả, khiến đối tượng tối tăm mặt mũi. Một đòn đánh phủ đầu thị uy. Một đòn cân não nhằm gây ấn tượng khiếp nhược và quy phục hoàn toàn. Có thật thế không? Hay là chỉ gây ra sự nực cười phải kìm nén trong lòng? Xã giao đã biến thành phản xã giao.

Khi làm biên tập, tôi thường gạch những thứ chức danh mà tác giả cố tình ghi trước tên mình: GSTS, NSƯT, nhà văn… Những thứ ấy chỉ có nghĩa khi tiến sĩ nông nghiệp viết bài về nuôi trồng chẳng hạn, để tăng thêm độ tin cậy chuyên môn. Còn giáo sư điều khiển học viết về thơ ca thì cũng chỉ có tính tham khảo, và giáo sư cũng sẽ bình đẳng như một người lái xe viết bài về thơ. Đứng trước người đọc báo, không cần chức danh bằng cấp trái ngành nghề, chỉ cần bài viết có sức thuyết phục.

Cái danh thiếp thực hiện chức năng xã giao thay cho chủ nhân. Khi hai đối tượng giáp mặt, phép lịch sự bao giờ cũng là phải xưng tên mình, trước khi hỏi tên người đối thoại. Vậy ta cũng phải đưa cái các của mình trước, rồi mới mong đối tượng đáp lễ bằng danh thiếp của họ. Nghi thức đối ngoại có khi còn dẫn đến chi tiết này: khi đưa danh thiếp trực tiếp (tức là không phải thông qua thư ký, hay gửi qua bưu điện) người ta gập nhẹ góc trên, bên trái, của danh thiếp, rồi trả nó gần về vị trí cũ.

Băn khoăn: những danh thiếp đầy tràn chức danh chắc không có chỗ để gập góc kiểu này.

Cái danh thiếp đôi khi phải làm những việc lời ít ý nhiều. Sau khi được mời chiêu đãi, ta muốn gửi lời cảm ơn mà không phải viết một bức thư? Đơn giản: gửi một cái danh thiếp của mình qua thư ký, qua người lái xe, qua bưu điện. Ghi vào khoảng trống bên dưới các hai chữ viết tắt: p.r. (pour remercier, xin cảm ơn). Một lời chia buồn từ nơi xa, mà không thể nói lên hết bằng lời? Sẽ là hai chữ viết tắt: p.c. (pour condoléances, để chia buồn). Mà chữ viết tắt theo đúng phép xã giao phải viết bằng bút chì.

Nhắc lại một tí để thấy rằng cái danh thiếp là đại diện cho một con người, là gương mặt của chủ nhân, là danh dự và tính cách của chủ nhân. Danh thiếp giúp cho người ta không nói sai viết sai tên người khác, thà không nhắc tên chứ đã nhắc mà sai tên người ta là điều tối kỵ. Danh thiếp không phải chỉ có một chức năng là phô trương về chủ nhân. Không chỉ tuyên truyền quảng cáo, đánh bóng tên tuổi hoặc pi a. Nhưng ở chỗ này, cách thức xã giao này, là nhằm vào đối ngoại. Còn ta với ta, không khéo lại trở thành một thứ Tây An Nam.

3. Những cái các phải oằn lưng vác đầy chức danh cho chủ, chung quy chỉ tại cái truyền thống phải có danh gì với núi sông. Thời xưa, đi học chỉ có mục tiêu lớn nhất là đỗ đạt làm quan. Đỗ đạt đi cùng với được thăng quan tiến chức, cưỡi ngựa vinh quy. Được vời vào triều, vua biết mặt chúa biết tên.

Vậy mà người có chút danh rồi, có khi vẫn còn mặc cảm, sợ người đời không biết, cứ phải tự pi a tuyên truyền quảng cáo. Không từ bỏ bất cứ một cơ hội nào, không chịu buông tha bất cứ một đối tượng nào. Cái danh thiếp cũng có một cái lý như thế.

Rồi cũng trong một cái cơ chế kiêm nhiệm nhiều, mỗi người kiêm vài ba chức vụ nữa, mỗi người làm hội viên của dăm ba tổ chức đoàn thể. Một thạc sĩ văn hóa quần chúng có thể là ủy viên ban chấp hành một hội hữu nghị, tham gia thêm hội bơi lội và hội nuôi ong, là giám đốc của công ty xuất nhập khẩu thủy sản. Hội hè quần chúng thì ai có hứng có sức cứ việc tham gia, nhiều cũng được. Nhưng công tác quản lý các cơ quan nhà nước thì kiêm nhiệm là hình thức tập quyền thiếu hiệu quả. Đời thiếu gì người có năng lực, nhân tài như lá mùa xuân, khai thác chưa hết, sử dụng chưa hết, động viên chưa hết, sao cứ dồn trút nhiều cương vị, nhiều chức danh cho một người. Hạ cánh an toàn chỗ này thì lập tức cất cánh mạo hiểm ở ngay đường băng bên cạnh. Thời nay, khó mà có những người đa tài như Leonardo da Vinci. Bản thân mỗi ngành lại chia ra làm nhiều nhánh, kiến thức của mỗi ngành mỗi nhánh quá nhiều, đến mức cả đời người chuyên sâu một việc cũng không tiếp nhận và khai thác cho hết được. Đa tài chỉ là một ảo tưởng. Đa tài rất nhiều khi chỉ đồng nghĩa với chuồn chuồn đạp nước khơi khơi. Một thứ ông/bà Biết Tuốt, Mr/Ms. Know-All.

Cái danh thiếp số hai nêu ở trên nhắc nhớ đến chuyện nhà khoa học đã tham gia phát hiện ra một pho tượng cổ bị lãng quên trong một ngôi chùa. Bây giờ bạn hãy đến thăm ngôi chùa ấy mà xem. Một tấm bảng gỗ, chữ viết bằng sơn đỏ, kể rằng ngày ấy tháng ấy chúng tôi đến chùa và phát hiện ra pho tượng này trong chính điện. Lúc ấy không ai biết là tượng của ai, chất liệu gì, được tạo tác theo phương pháp nào. Chúng tôi đã dùng nhiều hình thức khảo cổ, truyền thống và tinh vi hiện đại, để giám định, xác định, khẳng định. Vân vân và vân vân. Nội dung chỉnh. Không có lỗi chính tả.

Chỉ có một điều.

Ở góc dưới tấm bảng, phía bên phải, nhà khoa học đã giắt vào đấy tấm ảnh chân dung của mình. Ảnh ép pờ lát tích hẳn hoi, nhân vật com lê cờ ra vát hẳn hoi. Cười tươi hẳn hoi.

Mỗi tội, cái bảng nội dung không còn chỗ để dán tấm ảnh vào. Nhà khoa học cũng mặc cảm sợ người đời không biết mặt mình. Thế là đành giắt tấm ảnh vào góc. Dưới cùng. Bên phải. Đôi khi gió thổi, cái ảnh ép pờ lát tích rung lật phật.

Bây giờ trở lại ngôi chùa ấy, đọc cái bảng ấy, bạn vẫn thấy tấm ảnh ấy, ở đúng chỗ ấy.
Hồ Anh Thái

16/5/12

CẢ NGÀY TRONG CUỘC HỌP TÔI NGỒI


(Nhân kỷ niệm 102 năm ngày sinh của Olga Berggoltz: 1910 - 2012)

Cả ngày trong cuộc họp tôi ngồi
Rồi biểu quyết, rồi nói điều giả dối
Lời hổ thẹn sao chưa làm tôi chết nổi?
Nỗi chán chường không khiến bạc đầu thêm?

Bước ra đường, tôi ngồi xuống bậc thềm
Nơi tôi được là mình, ngồi thật lâu không nhúc nhích
Qua khe cổng cùng người coi sân chia điếu thuốc
Vào quán chiều chiêu vài ngụm vốt-ka

Nơi tủi cực này có nhiều uất ức được nói ra
Trong câu chuyện của hai phế binh héo hắt
 (Năm Bốn ba từng là hai chàng trai anh dũng nhất
Chiếm lấy Krasnyi Bor - rừng thông đỏ máu rực trời)

Thức tỉnh trong tôi hoài niệm chói ngời
Dĩ vãng hào hùng rũ tro tàn đứng dậy:
Những phạm binh đây như lại đang băng qua bãi mìn bỏng rẫy
Những trinh sát viên quả cảm phi thường

Ai đó được tung hô sau khốc liệt chiến trường
Số còn lại nằm lặng thầm mãi mãi
Máu đổ xuống đất lành không mưu toan lời lãi
 Có hay đâu để chuộc mọi lỗi lầm
 Chưa bao giờ phạm phải với lương tâm!

Khó nhọc thu trí tàn trong cơn giận tím bầm
Qua cơn say tôi kêu lên đau khổ:
“Lũ ngoan đạo kia, ta chán các người đến tận cổ
Và yêu sao ôi bao kẻ tội đồ!”

1948-1949

NGUYỄN THỤY ANH dịch

Nguyễn Thụy Anh là tiến sĩ giáo dục học. Chị là tác giả cuốn sách "Olga Berggoltz của tôi" với nhiều bài thơ của nhà thơ nữ Xôviết này do chính chị dịch.

27/4/12

NGÀY AN BÌNH CUỐI CÙNG


Chị đi công tác ở H. 
Nói thực là chị không muốn đến H. Nơi ấy gắn với một kỷ niệm đau buồn. 
Nếu không có chuyến đi công tác này, thì có lẽ chị sẽ chẳng bao giờ quay trở nơi đây. 
Công việc xong xuôi, đến lúc phải trở về.
Suốt mấy ngày qua, chị vội vã cố làm mọi việc cho xong thật nhanh, nhưng đến lúc này, đột nhiên có cái gì níu kéo chị, khiến chị tần ngần.
Có nên ra về không nhỉ?
Chị ngồi thừ một lúc trong phòng khách sạn, bên chiếc vali nhỏ đã được đóng gói xong. 
Rồi không hiểu có một mệnh lệnh vô hình nào đó khiến chị rút điện thoại và gọi đến phòng vé xin đổi sang chuyến bay cùng giờ vào ngày mai.
Rồi chị gọi  taxi đi ra khu resort ở cách trung tâm thành phố hơn hai chục cây số...
... Chị đến khu resort này cách đây hai năm. Không phải một mình chị, mà cả đại gia đình. Bố mẹ chị. Vợ chồng chị cùng đứa con trai. Hai cô em gái cũng đầy đủ chồng con. 
Hầu như năm nào đại gia đình chị cũng đi nghỉ hè cùng nhau. Mỗi năm một nơi. Ai "bắt được tiền" thì bao toàn bộ, năm nào không ai có may mắn đó thì ba gia đình đóng góp tùy theo sức của mình.
Hai năm trước chị kiếm được một khoản tiền kha khá nhờ mua đi bán lại mấy mảnh đất nên quyết định bao cả nhà đi nghỉ ở khu resort mới xây này.
Hơn chục con người thuê một cái biệt thự  hai tầng 4 phòng có khoảng sân rộng nhìn thẳng ra bãi biển. 
Chị còn nhớ  buổi chiều một ngày trước khi trở về.
Lũ trẻ con mặc đồ bơi, người đen nhẻm, í ới chơi đủ trò, chốc chốc lại chạy ào xuống biển rồi lại chạy lên bờ cãi nhau chí chóe.
Hai ông bà già quanh quẩn trên bậc tam cấp của ngôi biệt thự, thi thoảng lại lớn tiếng quát bọn trẻ.
Ba người đàn ông cọc chèo lôi bia ra uống, bàn đủ chuyện trên giời dưới biển.
Ba người phụ nữ nằm trên đám ghế dài dưới tán ô.
Cô em chị mặt mũi khó đăm đăm. Con này đi nghỉ rồi mà vẫn còn nghĩ về cổ cánh, chứng khoán. Chị nghĩ thế.
Chị gắt: "Thôi em cất cái mặt ấy đi cho chị nhờ".
Cô em thì thào: "Đột nhiên em lại đau quá chị ạ".
Chị hỏi: "Đau gì"? 
Cô trả lời: "Người em khó chịu quá, chẳng nhẽ lại kêu thì mọi người mất vui".
Chị an ủi: "Chắc không có gì đâu em".
Cô em chị bị ung thư vú, đã được phẫu thuật và các bác sĩ nói rằng cô có thể sống thêm một thời gian dài nữa.
Ba người phụ nữ đột ngột im lặng, nắm chặt tay nhau.
Từ đó cho đến lúc rời H. trở về nhà, cô em  vui vẻ, một chuyến đi thật trọn vẹn, nếu như không có thoáng gợn dưới bóng ô mà chỉ có ba người phụ nữ biết với nhau.
Vài tháng sau chuyến đi ấy, cô ra đi, bỏ lại chồng và hai đứa con thơ.
Chị không hình dung ra phải làm thế nào để bù đắp tình cảm cho chúng.
Nhưng nỗi đau vẫn chưa chấm dứt ở đó. Sự ra đi đau đớn của cô con gái út đã quật ngã bà mẹ. Bà qua đời sau cô ít lâu.
... Đó là lần cuối cùng cả đại gia đình chị đi nghỉ cùng nhau. 
Chị trở lại khu resort, nói lễ tân cho chị book cả ngôi biệt thự đó một đêm.
Chàng trai phục vụ xách chiếc vali cho chị đến biệt thự vừa đi vừa hỏi: "Những người khác mấy giờ đến hả chị?".
Chị ầm ừ không trả lời.
Nhận phòng xong, chị leo lên tầng thượng, nhìn xuống dưới. Bậc tam cấp có hai chiếc ghế xa lông nơi bố mẹ chị ngồi. Bà mẹ chốc chốc lại đứng dậy, tay chống nạnh, tay chỉ chỏ quát bọn trẻ con dưới bãi biển.
Chiếc bàn gỗ hình tròn có mấy chiếc ghế gỗ đặt xung quanh, nơi đám đàn ông uống bia, rôm rả chuyện chính trường thế giới.
Mấy chiếc ghế dài đặt ở bãi cát nơi thềm gạch chấm dứt. Ba chị em chị đã nằm trên những chiếc ghế dài đó buôn chuyện.
Tất cả giờ đây vắng tanh. Giờ đây chỉ có một mình chị ở ngôi biệt thự này.
Chị đi xuống dưới, nhẹ nhàng đặt chân xuống nền gạch, rồi chầm chậm bước xuống bãi cát.
Trời tối sầm và mưa đột nhiên rơi ràn rạt. Biển phía trước gầm gừ. Thiên nhiên như muốn quăng quật, nhấc bổng ngôi biệt thự và chị ném ra khoảng không đầy đe dọa kia.
Chị bật khóc. Không phải sợ hãi. Giá mà được chết lúc này. Chị muốn gặp lại họ. Gặp lại em gái và mẹ. Chị muốn được đi cùng họ. 
Chị khóc vì sự vô lý của sinh tử.
Chị khóc vì  bất lực. Chị biết rằng cơn mưa rồi sẽ tan, sẽ chỉ còn chị ở đây một mình và hoang vắng trong cái biệt thự gắn liền với kỷ niệm êm đềm cuối cùng của gia đình.

 

28/1/12

NHÀ DÀNH CHO NGƯỜI CÓ THU NHẬP THẤP ĐÂY...




web stats by statsie


Nhờ một blogger chỉ dẫn, mới biết cái nhà mình được Alexa định giá là 2.433 USD.

Bao nhiêu công xây cất, chăm sóc, dọn dẹp suốt mấy năm qua mà cái bọn Mẽo này nó oánh giá chưa đấy 50 triệu.

Chẳng bằng lương của một em nhân viên ở công ty anh Cả.

Thôi, đã trót xây nhà, thì lại phải tiếp tục ở vậy. Tiền đầu tư sửa nhà còn cao hơn nhiều lần so với tiền mà bọn Alexa trả.

Có ai ra giá cao hơn không?

P/S: Suýt quên, Alexa xếp blog VMC ở hạng 653603.



27/1/12

NÓI THẬT



NGUYỄN NGỌC BÍCH

Làm tốt và nói thật là những điều mà mọi người trông đợi nhau làm. Do đó, chúng được dạy dỗ trong luân lý và khuyến khích trong tôn giáo. Pháp luật không quy định chúng một cách rành rọt; mà chỉ trừng phạt khi chúng gây ra thiệt hại cho xã hội.

Mỗi người trong chúng ta ai cũng cần một sự an tâm trong lòng, một sự ổn định trong cuộc sống và có thể tiên đoán được tương lai càng nhiều càng tốt để tránh cho mình các điều xấu.

Sống trong một tập thể lời nói phải đi đôi với việc làm. Đó là nhu cầu nhân bản.

Do vậy, ngay cả một thành viên mafia, họ có thể nói dối, làm sai với bất cứ ai họ gặp; nhưng khi ở trong phe với nhau thì họ bị cấm làm. Kẻ gian cũng cần sự thật!

Luân lý và tôn giáo khuyến khích, luật pháp chỉ trừng phạt một cách chọn lọc; vậy trong cuộc sống hằng ngày khi luật pháp không buộc thì ta có thể làm ngược lại các điều trên được không?

Nói cách khác có ai hay cái gì trừng phạt khi ta làm khác đi - tức là làm xấu và nói dối - không? Thưa có! Để nhận ra sự trừng phạt này ta phải quay về với chính mình.

Khi ấy ta sẽ nhận ra rằng khi sinh ra ta, tạo hóa đã đặt vào trong ta một “cơ chế trừng phạt nội sinh” mà nó sẽ tác động mỗi khi ta đã làm xấu hoặc nói dối. Cơ chế ấy là: nói dối thì hay quên, nhưng làm xấu thì nhớ mãi!

Nói dối hay quên

Vâng. Một sự việc gì đã xảy ra cho ta, một hành động nào đó ta đã làm, đã trải qua thì nó sẽ mãi mãi nằm lại trong ký ức của ta bằng hình ảnh và bằng cảm xúc. Nó có thể trỗi dậy vào bất cứ lúc nào trong ta, khi ta sống ở trong một hoàn cảnh tương tự. Xin giải thích điều này.

Ở nhà, vào một buổi tối nào đó, bạn rót một ly rượu vang mời vợ, để cảm ơn bạn, nàng đã nói: “Uống rượu của anh, em say nó thì ít, mà say anh thì nhiều!”. Hết sẩy!

Tối hôm qua, bạn cùng cô bồ ruột uống rượu trong một phòng khách sạn ở một khu du lịch biệt lập (hide-away); bạn lại quầy, rót rượu cho cô ấy. Quay lưng lại cô ta, đứng rót rượu, nhìn dòng rượu chảy vào ly, nó có thể gợi lên trong đầu bạn hình ảnh bạn rót rượu cho vợ hôm nào.

Ký ức trỗi dậy trong ta như thế. Nó bất chợt, khi nhiều khi ít, nhưng không thay đổi, vì cái gì đã diễn ra, nó nằm trong trí nhớ của ta. Kể lại việc ấy, tức là nói thật, thì không bao giờ bạn nói khác đi dù có lặp đi lặp lại bao nhiêu lần. Có thể có lần bị sót, nhưng các chi tiết chính - như câu nói của vợ bạn - không bao giờ sai!

Công an dựa vào đặc tính này để tìm xem bạn khai thật hay khai dối. Họ yêu cầu bạn kể đi kể lại vụ việc, hoặc khai lý lịch. Bạn nói dối, bịa ra, tức là nói cái không hề nằm trong ký ức thì khi kể lại lần sau nó sẽ khác với lần trước! Vụ bà chủ tiệm vàng ở Quảng Ngãi bịa chuyện mất vàng vì bị kẻ cướp thôi miên đã bị công an khám phá vì mỗi lần khai bà ấy kể khác nhau.

Làm xấu nhớ mãi

Chúng ta từng nghe ám ảnh, ác mộng… chúng sở dĩ tồn tại là vì ở trong ta có “cơ chế” này! Khi một người đã tự tay làm, hay cố ý làm một việc xấu, và biết hay nhìn thấy hậu quả của việc đó; họ sẽ không bao giờ quên được nó; nó nằm lại trong ký ức họ.

Thí dụ một lần tranh giành nhau lên tàu để chạy trốn. Sau này, khi nhớ lại việc ấy phản ứng tâm lý của ta sẽ khác nhau. Nếu chỉ tranh giành không thôi, thì khi nghĩ lại ta thấy sờ sợ. Và ta nhất định sẽ tránh việc ấy sau này.

Đó là ký ức thoáng hiện, và khi đã quyết định rồi thì ta quên. Tuy nhiên, nếu khi tranh giành, ta đã kéo tay một người ra, cho họ rơi xuống, và nghe thấy tiếng kêu ới của họ; bây giờ mỗi khi nghĩ lại việc ấy, lòng ta áy náy, bứt rứt; không biết người kia đã ra sao và ta có thể tưởng tượng ra nhiều thứ.

Ban ngày mà nghĩ về nó nhiều thì đêm ngủ tiếng kêu kia sẽ vọng lên tai ta. Lúc ấy ta sợ hãi, mồ hôi có thể toát ra. Đó là ám ảnh, là ác mộng. Chẳng những thế, nó còn sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn khi ta ốm đau liệt giường, sa cơ thất vận, không còn dự tính được những ngày giờ sắp tới sẽ làm gì.

Vì tương lai không còn, nên quá khứ trở lại. Lời oán hờn của nạn nhân, khuôn mặt đau đớn của họ hiện lên rành rành trong đầu óc ta. Ta hối hận, ta muốn gặp nạn nhân để xin lỗi; nhưng ốm liệt giường, bị giam cầm và không thể làm được. Sự hối hận gia tăng.

Do đó, nếu có khi nào bạn thấy một người ốm nặng luôn vật vã, hay gắt gỏng với mọi người thì đa số họ là người đang bị sự hối hận dày vò. Cơn đau của thể xác có thể chữa được bằng cách uống thuốc giảm đau; nhưng sự đau đớn trong lòng không chữa được. Nói về cảnh này Kinh thánh dạy: “Được cả thế giới mà mất chính mình thì được ích gì?”.

Ở mức độ nhẹ hơn, một người đã làm một việc xấu, biết mình sai, thì sẽ lo âu trong lòng và sẽ có phản ứng để tạo lập sự cân bằng trong tâm lý. Phản ứng kia cũng “nội sinh”, nên một loạt diễn biến xảy ra.

Trước hết, họ sợ người khác biết; do đó việc đầu tiên là che giấu, là nói dối, là nói tốt về mình. Mặc dù vậy, cũng chưa an tâm nên họ đề phòng. Khi ấy họ trở nên nghi ngờ mọi người “không biết nó có biết không, có vẻ như nó biết…”.

Từ đó người ấy không còn tin ai là thật với mình nữa. Họ đã đánh mất sự hồn nhiên của mình! Do vậy, một người hay nói dối thì luôn luôn nghĩ rằng ai nói gì với mình thì cũng đều nói dối. Suy bụng ta ra bụng người!

Việc làm xấu cũng có thể được gợi lại ở một dạng khác trong ta. Năm ngoái, một hôm mưa to gió lớn, hàng xóm đi vắng, cửa nhà họ bị gió thổi tung ra; cơ hội quá tốt, ông A bèn sang lấy một món đồ mình đã thích từ lâu. Ông ta không ăn trộm vì cửa mở!

Thế nhưng, hôm nay đang đi xe trên đèo Prenn, nghe radio thấy nơi ở của mình bị bão, ông A - tự nhiên - sẽ liên tưởng đến cảnh cũ ngày nào. Và ông ta lo: cửa nhà có bị bung ra không, kẻ trộm có vào không, không biết cái xe Honda để trong nhà có sao không.

Cơn bão nghe nói ở nhà đang diễn ra trong lòng ông ấy! Nó tách ông ta ra khỏi hoàn cảnh thực đang sống. Và nó có thể làm ông ấy bực bội với người bên cạnh vì người sau… đang ngủ!

Tạo hóa đã đặt ra “cơ chế trừng phạt nội sinh”. Đến một tuổi nào đó, sau nhiều gian truân trải qua, ta sẽ thấy làm tốt, nói thật là đúng nhất. Chỉ tiếc rằng thanh niên nghe thấy thế lại bảo “Mấy ông già lẩm cẩm!”. Và tết bèn làm cái công việc phân định ai già, ai trẻ!

Nguồn:
Nói thật



25/1/12

NHỮNG GƯƠNG MẶT TẾT


1. Tôi cực kỳ thích tấm hình này. Cứ như một cảnh trích ra từ phim vậy. Mà quả thực nó rất cinema. Hay cuộc sống vốn dĩ đẹp hơn cả phim ảnh rồi?

Ảnh do Reuters chụp tại một nhà ga đường sắt ở Hefei (Trung Quốc) ngày 6.1 vừa qua trong thời điểm hàng trăm triệu người Trung Quốc về quê đón xuân Nhâm Thìn.


2. Bánh chưng có thể được coi là gương mặt Tết? Đương nhiên, nếu thiếu bánh chưng thì còn gọi gì là Tết Việt Nam nữa? Tôi thích bánh chưng, có thể chén ngay nửa cái.
Hôm 1 Tết, có người bạn thân nhắn tin: Tết ăn ít bánh chưng thôi kẻo tăng cân đấy.
Hehe, nhịn làm sao được bánh chưng?
Ảnh của Khâm/Reuters chụp ở làng Tranh Khúc hôm 14.1.

3. Khuôn mặt hân hoan của những vũ công Indonesia biểu diễn đón chào Năm mới
ở Solo, Trung Java, ngày 15.1.

Ảnh của AP

4. Gương mặt bình thản, nhưng vẫn ẩn chứa chút hồi hộp, lo âu của chị Tseng khi đi siêu âm thai nhi ở bệnh viện Adventist (Đài Loan). Người phụ nữ này sẽ sinh con trong năm Rồng. Nhâm Thìn sẽ là năm mà Châu Á chứng kiến "baby boom" (sự bùng nổ trẻ sơ sinh), vì người ta tin rằng trẻ con tuổi Rồng sẽ thông minh và hơn người.
Ảnh của AP

5. Không nhìn rõ nét mặt của cả người bán lẫn người mua trong tấm hình chụp ở khu phố cổ của Hà Nội trong những ngày giáp Tết. Nhưng không khó lắm để đoán ra tâm trạng của họ.
Ảnh của Bloomberg

6. Chàng trai nấp mặt đằng sau con rồng bằng băng mạ vàng được gắn ngọc trai và kim cương đen là Angelito Araneta Jr. - người được dân Philippines mệnh danh là "Đầu bếp Karat". Con rồng đặc biệt chào mừng năm Nhâm Thìn này có giá 13.863 USD.
Ảnh của Reuters chụp tại Manila (Philippines) hôm 20.1.

7. Múa lửa ở khu phố Tàu tại Manila hôm 22.1.
Ảnh của Getty Image

8. Một đất nước trật tự như Singapore mà cũng có cảnh chen lấn như thế này. Đơn giản là vì người Sing tin rằng ai cắm được hương vào chiếc lư hương tại chùa Quan Âm đúng khoảnh khắc giao thừa thì sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Ảnh Reuters.

9. Bé gái sún răng nhảy múa trong lễ hội sáng mùng Một ở Bắc Kinh.
Ảnh của Getty Images.

10. Trẻ con Bình Nhưỡng vui chơi trên phố hôm mùng Hai Tết. Trên gương mặt của các em không còn bóng dáng của đại tang diễn ra cách đây không lâu.
Ảnh AP


Nguồn:
Lunar New Year 2012



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết