30/4/10

NỬA THẾ KỶ CỦA BẠN



Hôm nay là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của bạn - một trong những người bạn thân nhất của tôi.

Thế mà đã thấm thoát 2 thập niên chúng ta biết nhau. Đầu tiên, cứ ngỡ mình chẳng thể làm bạn, vì chúng ta quá khác nhau: Tuổi tác, quan niệm sống, văn hóa... Nhưng dần dà, tôi thấy những sự khác biệt đó là chính là điều khiến chúng ta trở nên thân thiết với nhau.


Bạn thường nói: Cả nước Việt Nam kỷ niệm ngày sinh của bạn. Thế mà chúng ta vẫn chưa một lần ngồi với nhau trong lễ sinh nhật của bạn, hoặc lễ sinh nhật của tôi. Nhưng đối với chúng ta thì điều đó không thực sự là quan trọng.


Những dâu bể trong cuộc đời bạn là những khó khăn mà bất kỳ một người thông minh, mạnh mẽ và biết sống tự trọng đều phải trải qua. Đã có những thời khắc tưởng chừng như bạn đã phải ngã khuyụ, nhưng rồi bạn đã vượt qua. Không vượt qua một cách bình thường, mà với bản lĩnh và luôn tỏ rõ nhân phẩm của mình.


Tôi cũng đã từng phải đối mặt với khó khăn và cứ mỗi lần như thế tôi luôn nhận được từ bạn những lời động viên chân thành, những lời tư vấn sáng suốt. Tôi thích những lời bênh vực tôi đầy cảm tính, thiên lệch và điên rồ của bạn. Phải thế chứ, mình là bạn mà!


Tôi chỉ không thích sự yếu đuối của bạn mỗi khi lụy tình. Khi đó, bạn như không còn là chính bạn nữa. Bạn biết hết những điểm xấu của người tình, nhưng bạn chẳng bao giờ nỡ buông tay. Ngay cả sau những lần bạn đã tự thề với mình rằng không còn lần tha thứ nào nữa, rằng bạn phải tự giải phóng mình, phải yêu bản thân mình hơn bất cứ một điều gì khác, thì rồi cuối cùng bạn vẫn tặc lưỡi: Sẽ chia tay vào một dịp khác.


Bạn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 50 của mình. Tin tôi đi, cuộc đời phía trước vẫn còn đầy những ngọt ngào mà trải qua biết bao gian truân bạn hoàn toàn xứng đáng được hưởng. Cầu mong bạn hãy yêu bản thân mình hơn. Để được hạnh phúc hơn.


Bạn đã hơn một lần nói với tôi rằng: Bạn yêu tôi. Và nếu vặn ngược lại được thời gian và làm lại cuộc đời, bạn sẽ chẳng để cho tôi chạy thoát.. Tôi biết, trong mỗi câu chuyện đùa, bao giờ cũng có một phần đùa. Cảm ơn bạn rất nhiều về điều đó.

Tôi cũng yêu bạn.




29/4/10

BÍ ẨN TRONG CƠ THỂ NGƯỜI


Tế bào hồng cầu

Búi huyết

Đầu sợi tóc bị chẻ

Gai vị giác trên lưỡi

Cao răng

Lông nhung ở ruột non

Mạch máu thần kinh thị giác

Nơron thần kinh

Phế nang phổi

Tế bào lông tai

Tế bào phổi bị ung thư

Tế bào trứng

Tinh trùng trên bề mặt tế bào trứng

Hợp tử trứng và tinh trùng

Phôi người sau 6 ngày hình thành

Nguồn:Yaplakal

28/4/10

TÍNH XẤU KHI ĐI DU LỊCH



Một người Đức đã kiện hãng lữ hành ra tòa án Dusseldorf đòi hãng này bồi thường thiệt hại cho kỳ nghỉ không trọn vẹn của ông ta. Ông chọn dịch vụ của hãng này để đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả đều khiến ông hài lòng: từ máy bay, khách sạn, phòng ở cho đến thái độ phục vụ của nhân viên và thức ăn. Thế thì còn gì phải phàn nàn?


Hóa ra những du khách người Nga ở chung khách sạn đã khiến ông phiền muộn. Trong lá đơn gửi tòa, ông viết “không thể chịu đựng được cách hành xử thô lỗ” của những người này.


Nhưng thương thay, tòa án Dusseldorf chẳng những đã bác đơn của người Đức lịch thiệp này, mà còn khuyên ông ta nên chăm đi nước ngoài nghỉ ngơi hơn và tăng cường tiếp xúc với du khách từ những nước khác để khỏi phải viết những tờ đơn “không có cơ sở và thiếu khách quan”.

Tuy nhiên, nhận xét của tòa chưa hẳn đã chính xác.

Theo kết quả thăm dò dư luận mà người tham dự chính là các du khách, thì cả người Nga lẫn người Đức đều có mặt trong top 5 du khách khó chịu nhất, cùng với người Anh, người Pháp và người Đan Mạch. Người Nga mà ở chung với người Đức thì thật chẳng khác nào “kẻ cắp bà già” gặp nhau: ghét nhau, không chịu đựng được nhau là phải.

Website nổi tiếng RealHolidayReports.com mô tả hình ảnh khó chịu của du khách Nga (loại giầu mới nổi) như thế này: “Đó là người đàn ông trung niên ăn mặc kiểu cách đi cùng vợ hoặc người tình trẻ hơn khoảng 20 tuổi. Việc ưa thích là biển thủ ghế ở bãi tắm đem cất vào phòng để đảm bảo sáng sau có chỗ phơi nắng dù dậy muộn mấy đi chăng nữa; mang vào phòng ở vô số thức ăn cứ thể như tích trữ cho ngày tận thế”.

Loại khách này có thái độ khó chịu và lỗ mãng với những người ở cùng khác sạn; trong bể bơi thì hết ợ lại nói bậy. Nhưng lụôn luôn tìm mọi cơ hội để khoe của: những người phụ nữ thừa ký luôn đeo trên mình hàng kilogram vàng và đủ thứ trang sức đá quý khác. “Nhưng người này không biết cư xử trong xã hội lịch sự” – Harry Hewitt, chuyên gia người Anh về du lịch nhận xét.

Nhưng các hãng lữ hành và chủ khách sạn lại rất thích du khách Nga vì lối chi tiêu rộng rãi của họ.

Các hãng lữ hàng và chủ khách sạn cũng biết rất rõ sự kỵ dơ của du khách và thường không xếp họ ở chung với nhau. Ví dụ: người Nga không ở chung với người Đức; người Italia không ở chung với người Anh; người Thụy Điển không ở chung với người Pháp.

Người "ta" đi du lịch thì bộc lộ những gì?

Có lẽ họ cũng có đủ những tính xấu kiểu nhà giàu mới nổi của người Nga.

Họ còn nói to, khạc nhổ giống người Trung Quốc.

Họ còn nhiều đặc tính riêng nữa: Phí phạm thức ăn tại các nhà hàng buffet; nhồi nhét hàng chục người già trẻ lớn bé vào một phòng để tiết kiệm tiền; ít khi boa cho nhân viên phục vụ; để nguyên cả quần áo (bộ đồ) nhảy xuống hồ bơi; ngậm tăm khi đi bát phố; biển thủ khăn tắm, vỏ gối đẹp, dép đi trong phòng của khách sạn...

Du khách ta ngại nhất là chạm mặt với người nhà mình trong cùng một khách sạn, còn ở cùng người nước khác thì vô tư đi.

Ưu điểm duy nhất của du khách ta là không bao giờ kiện hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng dù dịch vụ có tồi thế nào đi chăng nữa.

Ai biết thêm tính nào hay của du khách nhà ta thì viết trong comment nhé.


27/4/10

VƯƠN LÊN



Anh gọi điện giọng không giấu nổi vui mừng:

- Nè, em còn nhớ Thu Hiền không?

Thu Hiền, cái tên phụ nữ rất phổ biến khiến tôi không xác định được ngay ai là người quen chung của cả anh và tôi. Thấy tôi ngập ngừng, anh nói luôn: "Cô bé ở Nha Trang thi vào Đại học Y khoa Huế cách đây gần 10 năm đó, nhớ chưa?"

Anh nhắc tới đây thì tôi nhớ...

Anh là người gốc Huế, sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, sau đó đi học đại học, làm việc và sinh sống tại Sài Gòn. Một lần về Nha Trang, anh được nghe kể một câu chuyện cảm động. Có một cô bé nhà nghèo, học giỏi. Cô nghèo tới mức phải mượn sách của bạn ôn thi. Thế mà thi đỗ vào Đại học Y khoa Huế. Nhưng cô không đủ tiền để trả học phí (hồi đó là 1,2 triệu/năm học). Người cha đạp xích lô, tích cóp mà không đủ tiền đóng học phí cho con. Cô bé cũng lần hồi làm thêm, nhưng do bị hỏng một mắt từ bé, nên cũng không thể trang trải mọi chi phí và có nguy cơ phải bỏ học.

Khi đó anh hỏi: "Báo em có thể lên tiếng giúp cô bé được không? Nó phải bỏ học thì uổng quá. Anh cũng sẽ góp phần".

Phóng viên ở Nha Trang đã đến gặp cô bé và viết một bài ngắn về câu chuyện của cô. Khá nhiều độc giả cảm kích và đã gửi tiền qua báo giúp cô.

Bẵng đi một thời gian dài, chúng tôi không hay tin về cô. Điều đó cũng có thể có nghĩa rằng mọi việc đối với cô đều đã êm đẹp.

Anh cũng quên câu chuyện đó. Bởi anh không chỉ đồng cảm và giúp đỡ một mình cô...

Cách đây không lâu, anh viết một cuốn sách, được báo chí giới thiệu. Rồi trong hộp thư điện tử của anh xuất hiện một bức thư điện tử:

"Thưa chú,
Rất vui vì con tìm được ra chú. Con là Thu Hiền, cô sinh viên nghèo ở Nha Trang đây. Năm 2001, con thi đậu vào Đại học Y khoa Huế và chú đã giúp đỡ con tiền bạc để được nhập học, chú đã nhớ ra chưa?
Sau 6 năm học đại học, con đã ra trường và vào TP Hồ Chí Minh học tiếp chuyên khoa sản phụ khoa ở Bệnh viện Từ Dũ 2 năm. Giờ con làm việc tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, con sống ở Q.11, TP HCM. Công việc của con cũng tạm ổn định, cuộc sống riêng cũng bình thường.
Con rất muốn gặp lại ân nhân của mình.
Kính chúc chú và gia đình gặp nhiều sức khỏe, hạnh phúc".

Kèm theo bức thư, cô gửi hai tấm hình mà cha con cô mới chụp. Gương mặt hai người rạng rỡ và hạnh phúc.

... Anh còn kể rằng đầu năm 2002, nhân có chuyến đi qua Huế, anh đã ghé vào Đại học Y thăm cô sinh viên. Cô bé đến gặp anh rụt rè với một cái bọc lớn: "Thưa chú, chú và các độc giả của báo đã giúp con rất nhiều. Tổng số tiền con nhận được là hơn 20 triệu. Con chỉ xin nhận đủ phần tiền đóng học phí theo quy định của trường. Phần còn lại con gởi chú để chú giúp đỡ những người khác".

Sự chân thành của cô bé khiến anh rưng rưng. Anh nói: "Con à, đây là tiền của con. Con toàn quyền sử dụng. Con hãy giữ lấy xem trong trường con hay những người xung quanh con có ai cần giúp thì con giúp. Còn chú, nếu gặp những hoàn cảnh khác, chú sẽ tìm cách khác để giúp đỡ họ".

- Cô bé đúng là một người kỳ diệu. Đến Huế lần đó, anh mới biết mặt cô bé. Đó là một gương mặt rất sáng. Thoáng nhìn cũng biết đó là con người đầy ý chí, nghị lực và khao khát vươn lên! - anh kể.

- Anh đã gặp lại cô ấy chưa?

- Rồi. Anh đang cùng cô bác sĩ trẻ này bàn bế hoạch xây dựng bệnh viện phụ sản cho một địa phương hẻo lánh ở miền Nam đây. Cô ấy khát khao được đền đáp tình cảm mà mọi người đã dành cho từ gần 10 năm trước!

25/4/10

GIỌT NƯỚC MẮT ĐÀN ÔNG



Hai người đàn ông ngồi nhâm nhi cà phê vừa tán gẫu. Nhạc trong quán bỗng dìu dặt:

Em sẽ không đến bên anh lúc anh buồn

Nỗi buồn nào rồi cũng qua đi

Lời an ủi sẽ trở thành vô nghĩa

Em không đến đâu nếu anh lạnh giá

bởi trái tim dẫu có bừng lên như lửa,

rồi cũng có ngày lửa tàn

Em không thể theo bước chân lang thang
Khi anh cô đơn một mình trên phố vắng

Bởi tình yêu không giản đơn là những nụ cười

Nên em không đến đâu nếu anh đang hạnh phúc

Chỉ khi nào

Chỉ khi nào người đàn ông trong anh bật khóc

Em sẽ đến để thấm ướt những gịot tâm hồn
trên đôi mắt của anh (*).


Người đàn ông trẻ, tầm ngoài 30, nghe đến đây thì khoát tay gọi chủ quán, giọng bực bội: "Tắt, tắt ngay. Thay nhạc khác!"


Người kia, tầm ngoại tứ tuần nhướng mày: "Sao lại tắt, hay đấy chứ, nghe hết xem thế nào!"


"Hay cái gì mà hay. Nhảm nhí!" - người đàn ông trẻ lầu bầu.


"Sao lại nhảm nhí?" - người đàn ông kia hỏi lại.

- Lạ thật, đến anh mà cũng không thấy gì sao? Những lời thương hại của đàn bà: Tôi không thèm đến với anh. Chỉ khi nào anh khóc tôi mới đến... Mà đàn ông thì có bao giờ khóc? Anh có bao giờ khóc không?

- Anh ấy à? Chú hỏi lạ. Khóc chứ! - người đàn ông xoa cằm cười nhẹ.


- Sao anh phải khóc? Khi nào, vì lẽ gì? - người đàn ông trẻ hỏi dồn dập.


- Vì những khi chợt thấy mình hoàn toàn bất lực, hoặc đau đớn vì một vết thương xưa cũ nào đó, cũng có khi khóc vì nhớ lại một kỷ niệm đẹp đã qua không bao giờ trở lại nữa..., - người đàn ông trung niên trầm ngâm.


- Anh có bao giờ khóc vì thất tình không?


- Anh nói rồi, khi đau đớn vì một vết thương nào đó. - Người đàn ông hơn tuổi thở dài.


- Anh nói là vì một vết thương xưa cũ nào đó. - Người đàn ông trẻ vặn lại.

- Chà chà, cậu bắt bẻ anh quá. Ý anh cũng muốn nói là vết thương vào thời điểm nào đó trong quá khứ cũng từng là vết thương mới... Còn cậu thì sao? Có thật cậu không bao giờ khóc? Hay cậu vừa mới khóc vì thất tình và không muốn cái bài hát mà cậu cho là quái gở kia làm tổn thương cậu một lần nữa.

- Em đầu hàng anh. Nhưng quả thật không ai nhìn thấy em khóc, không ai biết rằng em đã khóc. Cho nên bài hát kia vô lý. Làm sao "cô ta" biết được người đàn ông khóc để mà đến cơ chứ? - người đàn ông trẻ gay gắt.


- Tin anh đi, phụ nữ họ tinh lắm. Nếu cậu khóc thì người ta biết đấy. Vấn đề là nếu người ta yêu cậu, thì người ta sẽ biết cậu khóc...

- Thế ạ? Thế thì chắc chắn là không phải chuyện của em rồi. Bởi vì không có ai đến hết, anh ạ...

____

(*) Em sẽ đến. Nhạc: Lương Hải; Thơ: Nguyễn Lam Điền



24/4/10

LẰN RANH TRẮNG MONG MANH



Anh bắt đầu câu chuyện với một chủ đề đang được thảo luận rôm rả trên các blog: "vợ và người tình". Hãy lấy vợ là người Nam và có người tình là người Bắc. Chớ có bao giờ làm ngược lại.

Ngồi trên xe đi đến chỗ hẹn, anh bảo: "Này thôi, giờ còn ngồi trên xe anh nói chuyện này, mà lát nữa xuống xe anh sẽ không nói nữa. Nếu được làm lại, anh sẽ không bao giờ lấy vợ. Sợ lắm rồi."

Kể cũng lạ. Anh - người đàn ông thành đạt, có một gia đình yên ấm. Người vợ luôn được anh dành cho những lời ngưỡng mộ chân thành. Chị luôn tôn trọng công việc của chồng, tự do của chồng, bạn bè của chồng, không bao giờ can thiệp vào công việc của chồng.

Chị là người Bắc. Hiếm có người phụ nữ miền Bắc nào như chị.

Nhưng phải chăng cái sự thoải mái, giành toàn quyền cho chồng tự kiểm soát bản thân mình như một lằn ranh trắng mỏng manh tồn tại một nơi nào đó trong anh khiến anh không dám vượt qua?



23/4/10

KHOẢNG TỐI CỦA NHÀ THỜ



Nhân Đức Giám mục Bruges (Bỉ) 73 tuổi đột ngột tuyên bố từ chức ngày hôm nay (23.4) vì "trót lạm dụng tình dục một cậu bé" từ 25 năm trước, chợt nhớ tới "Tội ác của Cha Amaro" (El Crimen Del Padre Amaro).

Ai dám đặt một cái tít táo tợn như vậy cho một bộ phim chỉ ra mặt trái của nhà thờ? Xin thưa, đó là tác phẩm của đạo diễn người Mexico nổi tiếng Carlos Carrera.

Cha Amaro còn rất trẻ, mới chỉ ngoài 20 một chút. Tốt nghiệp trường dòng, cha (thôi gọi là chàng cho lãng mạn), được cử đến một thị trấn heo hút làm cha xứ trong một nhà thờ để thay thế Đức Cha Benito. Khi đến thị trấn vùng biên này, chàng phát hiện ra rằng cuộc đời của một nhà tu hành không hề xám xịt như chàng vẫn tưởng khi còn ngồi trên ghế trường dòng. Chàng phát hiện ra những điều khủng khiếp, và cả những điều tuyệt diệu.

Điều khủng khiếp đầu tiên là vụ cướp giữa ban ngày ban mặt ngay trên chiếc xe buýt mà chàng đi từ thủ đô về nơi phụng sự Đức Chúa. Chàng thấy bất lực, khi Chúa không phải là đấng toàn năng giúp những người dân hiền lành ngồi trên xe buýt tránh được cảnh bị trấn lột tới đồng tiền cuối cùng.

Điều khủng khiếp thứ hai, chàng phát hiện ra rằng Cha Benito không hề là người cao đạo như chàng tưởng. Ông có tình nhân là người đàn bà đang ở tuổi hồi xuân nóng bỏng.

Điều khủng khiếp thứ ba là vị thị trưởng khả kính nơi Cha Benito vẫn thường ăn tối lại chính là kẻ tiếp tay cho bọn tội phạm rửa tiền. Và Cha Benito cũng dính dáng đến công việc nhơ nhớp này.

Nhưng cái thị trấn ấy bất ngờ lại bừng sáng khi chàng nhìn thấy Amelia, thiếu nữ 16 tuổi – cô con gái xinh đẹp của người tình Cha Benito. Họ lao vào nhau như sinh ra để cho nhau vậy.

Nhưng vị ngọt của trái cấm kéo dài không lâu. Chàng linh mục hoảng hốt khi hay tin người yêu có bầu. Họ vội vã tìm một thầy lang chuyên nạo thai lậu. Và kết cục bi thảm đã đến...


Cha Amaro do diễn viên Mexico Gael García Bernal thủ diễn. Tài năng của GGB trong phim này đã khiến anh trở thành ngôi sao điện ảnh tầm cỡ thế giới, mở đường đến với những vai diễn trong các bộ phim nổi tiếng khác như Nhật ký xe máy (về những năm tháng tuổi trẻ của Che Guevara), Nền giáo dục tồi tệ...

Phim đoạt 19 giải thưởng, trong đó có giải Quả cầu Vàng cho phim nước ngoài hay nhất năm 2003, được đề cử Oscar phim nước ngoài hay nhất.

Một bộ phim rất đáng xem, cho thấy thế giới nhà thờ cũng có những khoảng sáng tối như chính đời sống trần tục.

Điểm đặc biệt là phim được chuyển thể từ tiểu thuyết O Crime do Padre Amaro do nhà văn Bồ Đào Nha thế kỷ José Maria de Eça de Queiroz viết năm 1875. Carlos Carrera dàn dựng nó trong bối cảnh hiện đại ở Mexico đầu thế kỷ 21.

Tức là những khoảng tối trong nhà thờ vẫn thế, từ nhiều thế kỷ qua.

P/S: Một cô bạn của tôi theo đạo mượn bộ phim này và nhất định không chịu trả lại, lý do là “Cha Amaro đẹp quá”.




22/4/10

BẢN ÁN OAN NGHIỆT CỦA BÁC SĨ



Tuần trước, khi đang bận rộn với chuyến công tác ở một nơi mà kiếm chỗ vô Internet khó như ở VN thời cách đây 13 năm, thì nhận được email. Đệ tử của đồng nghiệp thảng thốt thông báo: "Nè anh, em báo một tin không vui. Anh Ba bị ung thư dạ dày, sáng thứ Hai tới sẽ nhập viện để phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày. Hiện đang kiểm tra xem có di căn đến bộ phận nào nữa không?".

Trời đất, sao các đồng nghiệp của tôi dạo này nhiều người mắc ung thư quá vậy? Mấy hôm trước, tán chuyện với anh chưa thấy nhắc đến ung thư ung thiếc gì. Anh chỉ nói là đau bao tử. Tôi hơi ngạc nhiên, anh đâu có rượu chè gì? "Tại tui ăn cay nhiều quá đó mà" - anh cười rổn rảng.

Chỉ kịp nhắn cho cậu đệ tử rằng nói anh Ba đừng lo quá. Cứ bình tĩnh đã...

Anh Ba vượt mấy trăm cây số để vô Sài Gòn làm xét nghiệm ở cái bệnh viện lớn nhất thành phố. Kiểm tra xem cái bao tử thế nào, nhưng sau khi làm một lô xét nghiệm, bác sĩ phán xanh rờn rằng ung thư. Nghe mà xanh rờn hết cả mặt. Cắt toàn bộ bao tử thì sống thế nào đây? Lại còn di căn nữa, như vậy có lẽ cầm chắc cái chết trong tay.

Nhưng trong lúc rối trí như vậy, anh Ba vẫn còn kịp sáng suốt nghĩ ra nên thử lại xét nghiệm ở một bệnh viện khác xem thế nào. Lần này anh chạy đến một bệnh viện tư. Tại đây họ thực hiện 2 lần nội soi, một lần thử máu, nhưng thật ngạc nhiên là không thấy dấu hiệu nào của ung thư cả.

Sau mấy ngày mất ăn mất ngủ vì bóng ma của căn bệnh ung thư ám ảnh, anh rơi vào một trạng thái khác: mông lung không biết đường nào mà lần.

Sực nhớ một vị sếp cũ có con trai làm bác sĩ ở Bệnh viện ung bướu, anh Ba vội vã cầu viện.

Sáng sau, chàng bác sĩ đưa anh tới cơ sở chuyên khoa về ung bướu thuộc loại lớn nhất cả nước này. Ở đó sau một hồi khám xét, vị bác sĩ đầu ngành cất cho anh gánh nặng: "Theo tôi, anh chỉ bị loét dạ dày, chứ không bị ung thư. Tuy nhiên..."

Anh chưa kịp vui mừng thì đã lại tiếp tục hồi hộp vì hai chữ "tuy nhiên" đó. Vị bác sĩ nói: tuy nhiên cũng không thể làm ngơ trước cái kết quả xét nghiệm của BV lớn kia được. Phải làm sinh thiết thì mới kết luận rõ ràng được.

Anh đồng ý làm sinh thiết.

Và chiều nay, kết quả sinh thiết đã có: Bệnh viện Ung bướu TP HCM kết luận anh Ba bị loét dạ dày mãn tính. Không có dấu hiệu của K.

Anh trở lại bệnh viện đầu tiên. Bác sĩ ở đó bảo lưu kết quả: Tôi nói anh bị ung thư là anh bị ung thư.

Anh hiểu: Ít ai chịu nhận sai sót của mình. Nhưng bác sĩ gì mà kỳ vậy? Lương tâm, đạo đức nghề nghiệp để đâu? Sao bệnh nhân chỉ bị loét dạ dày, có thể chữa được cho lành thì lại cứ quyết đè ra mổ cắt toàn bộ là sao?

Anh kể: "Nhiều chuyện mắc cười lắm. Xung quanh cái vụ tui đi khám này chắc viết được thiên phóng sự nhiều kỳ quá. Ai đời, cứ cho là tôi bị ung thư bao tử đi, thế mà bác sĩ ở cái BV lớn ấy kê cho tui cái toa thuốc uống mỗi ngày 15 viên Aspirin! Thật hết biết!"

Nghe chuyện của anh, thấy ngậm ngùi. May mà anh còn khá giả đôi chút và đủ tỉnh táo để đi khám thêm ở 2 bệnh viện nữa, mới tránh được cái "bản án tử hình" oan nghiệt kia. Chứ nếu bệnh nhân nghèo thì không biết phải làm thế nào?


21/4/10

HOA ANH ĐÀO THÁNG TƯ



Tháng Tư ở Tokyo đã là vào cuối mùa hoa anh đào (sakura). Nhưng trời mưa và thời tiết đột ngột trở lạnh khiến anh đào níu giữ được vẻ đẹp nhung tuyết của mình và vẫn làm ngẩn ngơ mọi mắt nhìn.














Hoa Anh đào (桜 花見)



11/4/10

MỘT CÁI NHÌN KHÁC VỀ "TƯƠI MÁT"



Trước thập niên 1970, Nhật Bản cấm ngặt tất cả các loại sách, tạp chí, tranh ảnh, băng đĩa có nội dung khiêu dâm. Nhưng đến năm 1972 thì lệnh cấm này được hủy bỏ, thậm chí bỏ cả những hạn chế về độ tuổi đối với loại “văn hóa phẩm” này – điều mà nhiều nước Tây Âu vẫn còn duy trì.

Đương nhiên, khi lệnh cấm được dỡ bỏ, thì các nhà sản xuất lao ngay vào thị trường mầu mỡ này. Hiện nay mỗi năm Nhật Bản sản xuất khoảng 14 nghìn phim “người lớn”, trong khi Mỹ chỉ sản xuất khoảng 2.500 phim. Gần 50% học sinh nam và 20% học sinh nữ của các lớp trung học cuối cầm thường xuyên đọc “truyện tranh mát”.

Điều này đã ảnh hưởng thế nào đến thống kê các tội ác liên quan đến tình dục?

Trong giai đoạn 1972 – 1995: số lượng vụ hiếp dâm giảm một nửa. Đặc biệt giảm mạnh số vụ cưỡng dâm tập thể và cưỡng dâm do người vị thành niên thực hiện. Năm 1972, người vị thành niên thực hiện đến 33% số vụ hiếp dâm, nhưng đến năm 1995 chỉ còn 18%.

Số các vụ phạm tội khác liên quan đến tình dục cũng giảm đáng kể, tỉ lệ người vị thành niên trong số tội phạm thậm chí giảm đến 85%. Số vụ tấn công các bé gái dưới 13 tuổi giảm một nửa, từ 8,3% xuống còn 4%.

Số các vụ tội phạm không liên quan đến tình dục trong thời gian trên cũng giảm (giảm 40% số vụ giết người, giảm 60% số vụ tấn công). Tuy nhiên các chỉ số về độ tuổi tội và nạn nhân thì vẫn không thay đổi.

Thống kê trên rất giống với thực trạng ở Đan Mạch, Thụy Điển, Đức – những nước cho phép lưu hành các loại ấn phẩm cũng như các sản phẩm nghe – nhìn “tươi mát”.

Đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng những kẻ thực hiện các tội phạm liên quan đến tình dục đều là những người đàn ông được giáo dục theo quan điểm bảo thủ, sống trong môi trường bị đè nén về tình dục hoặc tuân thủ theo những nguyên tắc đạo đức khắc nghiệt.

Nếu người ta được giải tỏa những bức xúc về sinh lý, thì tỉ lệ tội phạm liên quan đến tình dục cũng giảm đi.

Nguồn: LiveJournal


9/4/10

TÁC HẠI CỦA MA TÚY




Gương mặt của những con nghiện ma túy bị cảnh sát trưởng hạt Multnomah (bang Oregon) tạm giữ. Những tấm hình được chụp vào thời điểm các con nghiện mới sử dụng ma túy (trái) và sau một khoảng thời gian nào đó (phải). Psychostimulant methamphetamine đã tàn phá gương mặt họ.

Methamphetamine là cocain của con nhà nghèo vì giá rẻ. Chỉ cần một cái bếp nhỏ cũng có thể chế biến được thứ ma túy này. Đối với những kẻ buôn bán ma túy, thì họ không cần phải vượt biên mới kiếm được hàng mà có thể chế biến dễ dàng ở khắp mọi nơi. Điều đó khiến methamphetamine lan rộng khắp thế giới.

Nó có những tên gọi khác nhau: pha lê, băng, bùn... Nhưng phần lớn người ta gọi nó là met – viết tắt của từ methamphetamine. Nó mạnh hơn và rẻ hơn cocain, tác động của một liều kéo dài từ 6-12 giờ.

Mỗi năm, thế giới sản xuất khoảng 600 tấn methamphetamine.

















Nguồn: Livejournal.Ru


 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết