13/11/07

VÌ YÊU!



Anh là người đàn ông lãng tử, gặp rất nhiều may mắn, nhưng cũng không vì thế mà ngại đối đầu với thử thách. Anh hơn tôi mươi tuổi. Khi tôi mười mấy thì anh tốt nghiệp đại học đi làm. Ngông nghênh trên cái xe đạp Kursk của Liên Xô, mặc bộ quần áo bụi bụi, mái tóc húi cua, anh gợi hình ảnh một tay anh hùng hảo hán hơn là người làm trong một công ty nhà nước.

Ấy thế nhưng ở công ty anh lại là một nhân viên không thể chê vào đâu. Sếp anh, một ông già ngót nghét sáu chục, trí thức từ thời Pháp, mặt mũi phúc hậu, cứ nói đến anh là khen: "Thằng Khải này giỏi. Nó làm việc nào cũng đến nơi đến chốn, không thể chê vào đâu được."

Rồi anh lấy vợ. Chị học cùng lớp đại học, con nhà có giáo dục, xinh đẹp và nết na. Lấy anh xong, chị sinh con. Chị nghỉ một lèo 3 năm liền ở nhà nuôi con, dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn chờ chồng về.

Xin đi làm được nửa năm, thì cơ quan chị lại đúng đợt tinh giản biên chế. Do mới trong diện thử việc, nên chị phải nghỉ là chuyện đương nhiên. Anh chép miệng: "Ôi dào, em ở nhà luôn đi. Anh làm dấn một tí cũng kiếm thêm được cái lương của em". Chị sung sướng đồng ý.

Và thế là chị ở nhà. Cô cử nhân tâm lý học hài lòng với công việc quẩn quanh của bà nội trợ. Dọn dẹp chán chê, chị say sưa với các trường thiên cải lương truyền hình Nam Mỹ "Người giàu cũng khóc", "Đơn giản tôi là Maria"... Chồng chị chẳng phải lo lắng và đụng tay vào bất cứ công việc nào ở nhà. Anh chỉ việc đi kiếm tiền và mang về cho vợ.

Chị vẫn yêu chồng, vẫn tôn thờ chồng, nhưng hai vợ chồng càng như ngày một xa nhau. Thời gian họ ở bên nhau, nói chuyện với nhau ngày một bị rút ngắn. Rồi đến một ngày kia, vì một lý do nào đó, trong cơn giận dữ chị viết đơn ly dị. Và thật ngạc nhiên, anh đồng ý và ký đánh roẹt một cái. Họ đem nhau ra toà và cuộc hôn nhân yên bình chấm dứt một cách êm thấm. Chị được quyền nuôi con và căn nhà mà hai người đang ở. Anh đồng ý chu cấp cho con và dọn về nhà bố mẹ đẻ.

Trong một buổi tụ tập ở nhà người bạn là hoạ sĩ kiêm nhạc sĩ, anh tình cờ gặp một phụ nữ Việt kiều Pháp đang làm giám đốc cho một tập đoàn Châu Âu có văn phòng đại diện tại Hà Nội. Người phụ nữ ấy không xinh đẹp, nhưng toát lên một vẻ lịch duyệt đầy tri thức. Chị đã trải qua một cuộc hôn nhân với một người đàn ông Pháp, nhưng hai người không có con.

Hai người trao đổi điện thoại và sau vài lần gặp nhau, họ say nhau như bị bỏ bùa. Anh xách đồ đến ở căn hộ của bà giám đốc. Họ sống hạnh phúc như thế 2 năm. Hết hợp đồng, chị Việt kiều phải trở về Pháp và đề nghị anh theo cùng. Anh vui vẻ đồng ý. Họ làm một đám cưới nhỏ ở Hà Nội trước khi về Pháp. Với số tiền dành dụm được trong thời gian ở Việt Nam, kèm thêm khoản tiền tiết kiệm trước đó và vay ngân hàng, chị mua một căn hộ rộng bốn chục mét ở ngoại ô Paris.

Chị vẫn đi làm ở hãng, nhưng mức lương thấp hơn so với thời ở VN, thêm vào đó một phần lương lại phải đem trả cho ngân hàng, nên hai người sống khá tùng tiệm. Một thời gian sau, khi vốn tiếng Pháp khá hơn, anh kiếm được một vài công việc với tư cách freelancer. Lúc đó chị đã ngoài 40 và quyết định có con trước khi quá muộn.

Hai đứa trẻ nối tiếp nhau chào đời trong vòng ba năm. Nhu cầu cho chúng quá lớn. Chị vội vã quay trở lại hãng, dù sao giờ đây chị cũng là lao động chính trong nhà. Chị phải dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị bữa sáng cho chồng con, đáp tàu hoả đến Paris, bận rộn với công việc đến tối mịt, tất bật đáp tàu trở về và chỉ đặt chân đến nhà sau 9h tối.

Anh trở thành bảo mẫu thứ thiệt, cho con ăn, tắm giặt cho chúng, đi siêu thị mua đồ, nấu nướng... Ngay cả khi chúng ốm, thì cũng chỉ mình anh đưa chúng đi khám. Gian nan hơn là mỗi khi được gọi đi làm, anh lại tất bật gói ghém quần áo, thức ăn, tay dắt tay bế hai đứa con đáp tàu đến nhà bà ngoại cách đó gần 30 km từ sáng sớm. Sau đó lại đi 60 km lên Paris thực hiện công việc, rồi lại đáp tàu 60km về đón con, lại đi tiếp 30 km nữa để về đến nhà.

Cuộc sống của anh cứ như cuộc chạy marathon không bao giờ ngừng.

Gặp anh ở Paris năm kia, tôi thấy anh già xọm đi, mái tóc muối tiêu (muối đã nhiều hơn tiêu), đôi mắt như có màn sương. Chẳng thể còn nhận ra chàng lãng tử ngông nghênh hào hoa như xưa nữa.

Hỏi anh có muốn về Hà Nội, hưởng cái nhịp sống chậm rãi ở nhà không, anh cười hiu hắt: "Về thế nào được mà về?"

free hit counters
free hit counters

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết