10/11/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (10)



Hà Nội đón cô trở về với không khí nóng ẩm, mồ hôi lúc nào cũng rịn trên da, gây một cảm giác nhớp nháp khó chịu. Những đường phố đầy bụi nóng như rang. Mùa hè chỉ ngồi yên một chỗ mà ngồi thở cũng đủ mệt, chứ đừng nói làm gì.

Nhưng dù sao cũng về đến Hà Nội và đang ở nhà. Điều đó khiến cô nguôi ngoai phần nào. Cô cũng quên cái đêm giận dữ ở Calcutta. Cô nghĩ chẳng qua Kolia muốn cô hãy quên anh đi, không cần vương vấn bận tâm làm gì nữa, nên mới viết như vậy.

Một trong những bức thư đầu tiên cô viết cho bạn bè, thầy cô giáo và những người thân quen ở Liên Xô, gửi ông bà Gorenkov. Cô viết, cô đã về đến nhà bình an vô sự. Cô sẽ nghỉ ngơi mấy tháng rồi tìm việc làm. Cô nhờ ông bà nếu có thư Kolia viết cho cô gửi về đó, thì hãy chuyển sang Việt Nam cho cô.

Vài tuần sau cô nhận được thư trả lời. Người viết là ông Gorenkov. Ông thông báo, từ hôm cô về đến nay, gia đình ông không nhận được thêm thư nào của Kolia. Có lẽ anh đã được điều sang Afghnistan. Mặc dù vợ chồng ông rất lo lắng, song luôn hy vọng Kolia sẽ trở về. Ông sẽ chuyển lời hỏi thăm của cô tới con trai và mong muốn cô thường xuyên liên lạc với gia đình. "Đối với hai bác, con như là con gái trong nhà. Con đã xuất hiện trong nhà bác từ khá lâu và hai bác đều rất yêu quý con".

Cô viết thư trả lời, rằng cô sẽ duy trì liên lạc thường xuyên với ông bà. Cô thú thực: "Ngoài hai bác ra, cháu chẳng còn biết hỏi qua ai tin tức về Kolia". Ba tháng đầu tiên, cô viết khá chăm chỉ. Nhưng đến tháng 10, cô xin được việc làm, trở nên bận rộn thì việc viết lách có thưa dần. Cô cũng giải thích lý do và mong ông bà Gorenkov thông cảm.

Cô chuyển sang quan tâm đến thời sự quốc tế. Hầu như không chịu bỏ chương trình thời sự nào của Đài truyền hình trung ương phát lúc 19 giờ hàng ngày. Bản tin quốc tế thu qua trạm vệ tinh mặt đất "Hoa sen" được cô chú ý hơn cả. Bố cô tấm tắc khen: "Đi Liên Xô về có khác, bản lĩnh chính trị vững hẳn!"

Nhưng ông đâu có biết rằng cô chỉ quan tâm đến tình hình chiến sự ở Afghanistan. Thời đó báo chí ít, truyền hình có đưa tin chiến sự, thì cũng đa phần là chiến thắng của quân tình nguyện Xôviết trong các cuộc giao tranh với lực lượng mujahideen. Đó cũng là thời điểm Liên Xô bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan.

Cứ mỗi lần có đợt rút quân, là cô lại chầu trực bên máy thu hình, căng mắt nhìn những người lính ngồi trên xe tăng đi qua biên giới, hay những cảnh đón tiếp rơi nước mắt những người con trở về trên đất Liên Xô, để xem có gương mặt của Kolia hay không? Nhưng cô không một lần thấy gương mặt đã gặp gần 2 năm trước.

Cô tự nhủ thầm, lính Liên Xô hàng vạn người, làm sao truyền hình quay được hết. Mà nếu có quay được, thì gương mặt Kolia hẳn cũng đã đổi khác sau những sương gió đạn bom của chiến tranh, làm sao cô còn nhận ra?

Ngày 15.2.1989, những đơn vị cuối cùng của quân đội Liên Xô rút khỏi Afghnistan. Mặc dù không vẫn không nhìn ra Kolia trong số những gương mặt vừa sung sướng vừa thất thần của những người lính được bỏ lại sau lưng mảnh đất chết chóc, nhưng cô vẫn rất vui. Cô viết thư cho ông bà Gorenkov: "Cháu rất vui vì tất cả những người lính đã trở về. Cháu hy vọng sớm nhận được tin vui về Kolia".

Nhưng cô lại không tính được rằng đến lúc đó, Kolia đã nhập ngũ được 2 năm 7 tháng, nhiều hơn 7 tháng so với thời hạn. Lẽ ra anh đã phải gửi thư cho cô từ lâu. Hai tuần sau, cô nhận được thư của ông Gorenkov: "Đúng là vui thật. Cuối cùng thì cuộc chiến tranh khốn kiếp đó đã chấm dứt. Hai bác đang chờ Kolia trở về".

Bẵng đi một thời gian không có thư, đến mùa thu cô nhận được một tấm bưu thiếp với dòng chữ: "Cháu còn ở địa chỉ này không. Báo lại để bác gửi bưu phẩm". Cô vội vã trả lời: "Vâng, cháu vẫn ở địa chỉ cũ".

Một tháng sau, cô nhận được giấy báo lên Bưu điện Bờ Hồ nhận bưu phẩm. Người nhân viên bưu điện hỏi lạnh lùng: "Chị có biết ai gửi bưu phẩm cho chị không?". Cô đáp: "Có, bố mẹ nuôi của tôi". "Người nước ngoài à?" - "Vâng, người Nga"!

(còn nữa)

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết