8/11/07

CHÀNG TRAI TRÊN XE BUÝT (9)



... Chuyến tàu đưa cô đi khỏi thành phố xuất hành vào lúc 8 h chiều. Phải gọi là chiều, bởi vì vào giờ đó đầu tháng 7 trời vẫn sáng như ban ngày. Cô đáp chuyến tàu đêm, sáng mai sẽ đến Mátxcơva. Ở đó vài ba ngày, làm nốt thủ tục với bộ phận quản lý sinh viên, nhận vé máy bay rồi lên đường về nhà.

Có 3 người bạn ra tiễn cô, 2 nam một nữ, toàn là những sinh viên năm dưới. Thốt nhiên cô mỉm cười, mình chẳng có người đàn ông nào đưa tiễn cả. Năm trước, cũng có vài anh ngỏ lời với cô. Nhưng cô chẳng mấy rung động. Cánh sinh viên thì trẻ quá. Các anh nghiên cứu sinh thì hầu hết đều đã có vợ con. Hơn nữa quan hệ bên này phần lớn là những liên minh hàng hoá, nên cô không thiết tha.

Đưa hành lý vào kupe xong, cô quay ra bậc thang đầu toa chào những người đi tiễn. Nhạc hành khúc vang rộn ràng khắp sân ga. Một cặp trai gái Nga ôm hôn nhau thắm thiết dưới sân ga. Chàng trai đã bước lên bậc thang rồi, lại nhảy xuống hôn từ biệt người yêu thêm một lần nữa.

Tự nhiên, như một phản xạ, cô đưa mắt nhìn khắp sân ga, dường như tìm kiếm một ai đó, dường như nghĩ rằng đến lúc này, sẽ có một ai đó xuất hiện, như một món quà bất ngờ của số phận dành cho người có thể sắp rời xa thành phố thân yêu này mãi mãi.

Nhưng không có ai đến tiễn cô vào phút chót. Đoàn tàu rùng mình và từ từ lăn bánh. Cô vẫn đứng trên bậc thang đầu toa, mắt nhìn về phía xa. Hai chàng trai và cô gái đứng dưới sân ga vẫy rối rít: "Chúc chị thượng lộ bình an". Cô vẫy tay đáp lại, môi nở một nụ cười héo hắt. Thế là hết những tháng ngày tươi đẹp! Thế là hết thời thanh niên sôi nổi của ta!

Cô cứ đứng ở đó cho đến khi đoàn tàu rời khỏi ga và nhân viên phục vụ toa đóng cửa ở bậc lên xuống và yêu cầu cô trở về chỗ ngồi. Cô đi dọc hành lang, đến trước cửa kupe của mình và ngồi xuống chiếc ghế nhỏ bên cạnh ô cửa kính. Đầu óc trống rỗng...

... Chuyến bay của Aeroflot đưa cô về nước không được suôn sẻ như mong muốn. Đến chặng dựng chân ở Calcutta, khi chuẩn bị cất cánh thực hiện nốt phần còn lại của hành trình, phi hành đoàn phát hiện hỏng hóc, không thể bay tiếp. Hành khách được thông báo phải ở lại đây một ngày chờ máy bay khác đến tiếp viện.

Calcutta tháng 7 nóng như thiêu như đốt. Chiếc xe buýt đưa hành khách từ sân bay về khách sạn trong thành phố có những ô cửa sổ được lắp chấn song như xe chở tù. Khách sạn không đến nỗi nào, nhưng ba hành khách phải ghép chung một phòng vốn chỉ dành cho hai người. Cô ở chung với hai nữ ca sĩ của một đoàn nghệ thuật TP Hồ Chí Minh sang Liên Xô biểu diễn cho các công nhân xuất khẩu lao động.

Mỗi người được phát một phiếu ăn tự chọn cho bữa tối. Ăn xong, hành khách lục tục kéo sang quán bar cạnh đó, nơi có dàn nhạc sống người Ấn đang biểu diễn. Máu nghệ sĩ nổi lên, các diễn viên của chúng ta xông lên mượn sân khấu. Hai cô ca sĩ ở cùng phòng với cô cũng nhảy nhót gào rú. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để có thể được ở một mình, cô lặng lẽ trở về phòng.

Cô thả mình xuống giường, và vùi mặt vào gối. Nhưng cái mùi cay cay nồng nồng không quen từ ga gối sộc vào mũi khiến cô phải quay người lại nhìn lên trần nhà. Hiện trước mắt cô khoảng trần mầu trắng vô nghĩa, mà cô đã nhìn thấy trong căn phòng cô ở ký túc xá vào buổi tối cái hôm Tania nói cho nghe tân binh đi đến Trung Á, tức là sẽ bị điều sang Afghanistan. Chỉ có điều không gian ở đây có thêm tiếng lạch cạch đều đều một cách khó chịu của máy điều hoà không khí.

Cô với tay lấy túi xách và lôi ra ba bức thư của Kolia. Cô gần như đã thuộc lòng những dòng chữ viết trong đó. Nhắm mắt cũng có thể đọc được. Nhưng cô vẫn muốn cầm lấy những bức thư, nhìn thấy những dòng chữ viết tay của Kolia, đọc chúng bằng mắt.

Cô vẫn nhớ cái cảm giác khi đọc bức thư thứ ba. Có một cái gì đó thật bẽ bàng: Anh làm quen với tôi thật ấn tượng, anh khoác lên tâm hồn tôi mối lo âu về số phận của anh, để rồi anh nói rằng anh hối hận đã lôi tôi vào trò chơi của mình.

Hai bức thư đầu, anh ký thật giản dị, “tạm biệt” kèm tên gọi thân mật “Kolia”, nhưng sang bức thứ ba anh ký trịnh trọng “Người luôn nhớ bạn” với đầy đủ họ tên “Nikolai Gorenkov”, giống hệt câu cuối trong bài thơ đoạn tình “Bức thư gửi người đàn bà” của Sergei Esenin.

Phải chăng anh không còn cần tôi nữa. Phải chăng tất cả những gì đã có giữa chúng ta, cho dù là chưa sâu đậm, nhưng cũng đủ làm tôi phải suy nghĩ, trăn trở, chỉ là trò đùa? Nếu như vậy thì, Nikolai Gorenkov, anh quả là người độc ác!

(còn nữa)

Blog counter

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết