31/12/06

TIN KHÔNG VUI KHI TIỄN BIỆT NĂM CŨ



Vẫn biết người ta sẽ hành quyết ông, nhưng không ngờ mọi việc lại diễn ra một cách chóng vánh và vội vã như vậy.

Hơn một năm trước, thế giới văn minh đã đồng loạt chỉ trích việc anh thanh niên người Australia gốc Việt Nguyễn Tường Vân bị treo cổ tại nhà tù Changi của Singapore.

Họ bày tỏ sự ghê sợ trước việc duy trì một phương thức man mợ của thời trung cổ trong thời đại @. Ngụ ý điều đó đã lỗi mốt.

Nhưng sáng sớm hôm nay, khi chỉ còn chưa đầy 48 giờ nữa thế giới bước sang một năm mới, thì cái hình thức hành quyết man rợ ấy lại được đem ra áp dụng với một nhà cựu lãnh đạo quốc gia.


Lần này thì bản án được hoan nghênh. Bởi chính những người đã từng lên án một năm trước đây.


Có thể ông Saddam đã là nhà độc tài, đã từng sát hại người có chủ ý. Nhưng cách hành xử trong tù, thái độ đàng hoàng tại các phiên tòa, và nhất lại sự hiên ngang trước khi chết đáng để cho người đời phải tôn trọng.


Nên tôi không thích cái cách gọi xách mé, trống không "Saddam" của một vài tờ báo điện tử.


Cái chết của một con người, dù tốt hay xấu, không bao giờ là tin vui. Cái chết của ông
Saddam ở xa lắc xa lơ đối với những người chẳng có liên quan gì như tôi như bạn cũng chẳng phải là tin buồn.

Đó là một tin không vui khi tiễn biệt Năm cũ.


Câu chuyện của ông đã khép lại. Thế giới có thể tốt hơn mà cũng có thể sẽ vẫn như thế.
Nhưng dù sao cũng mong ông được mai táng bởi bàn tay của những người thân và được an nghỉ trên mảnh đất quê hương.

25/12/06

THỬ LÀM NGƯỜI MỚI GIÀU (2)



Kỳ II: TÀO THÁO CHỜ HOA ĐẠI

Tóm lại là giá cả trên cái thực đơn rất giật mình. Nhưng đâm lao thì phải theo lao. Với lại, người chủ trì kiêm chủ chi cũng không đến nỗi thiếu tiền, nên chúng tôi vẫn dũng cảm tiến lên. Đặt món ăn xong, tất cả hồi hộp chờ được thưởng thức những món ngon xứng đáng đồng tiền bát gạo.

Một anh bồi khác mang rượu vang ra, phô diễn những dụng cụ hoàn hảo bao gồm xô đựng đá ngâm rượu, giá để xô... Chàng lại xỏ găng tay trắng và bắt đầu nghi lễ mở rượu. Tất cả đều khuôn mẫu và chuẩn mực. Cái ly uống rượu vang ở đây có lẽ thuộc loại chuẩn nhất Việt Nam, đủ trong để thực khách kiểm tra được độ sánh; đủ rộng để hít hà được mùi vị của vang.

Rồi thức ăn cũng được bê ra. Những đôi tay bồi bàn trong găng trắng đặt chúng xuống bàn. Đến đây thì bắt đầu có cảm giác như lọt vào bệnh viện. Sạch quá, trắng quá, chỗ nào cũng găng tay... Không rõ người ta sợ khách bị lây bệnh, hay sợ các anh bồi bị lây bệnh từ khách. Khác bệnh viện ở chỗ không có cái khẩu trang.

Thành thực mà nói, những món ăn ở đây không hẳn là xuất sắc. Chúng không có gì khác lạ, cũng chẳng đặc biệt hơn hoặc có gì thực sự độc đáo. Những món ăn không quốc tịch! Những món ăn mà bất cứ một nhà hàng 3-4 sao nào cũng có thể nấu được.

Cá nhân tôi thì thấy: cũng giống như ở các khách sạn sang trọng các món ăn ở đây có điểm thực sự khác biệt: Tên của chúng trên thực đơn được ghi bằng tiếng nước ngoài rất chuẩn, khó tìm thấy lỗi chính tả nào.

"Ai bảo khách sạn 5 sao nấu ngon hơn quán ăn vỉa hè. Cứ thử vào ăn ở tất cả các khách sạn 5 sao của Sài Gòn, Hà Nội mà xem!" - người chủ trì kiêm chủ chi nói. Anh bạn thứ hai của tôi hùa vào: "Đúng thế, đến chỗ 5-6 sao là thưởng thức khung cảnh, chất lượng phục vụ và thể hiện đẳng cấp bản thân thôi".

Trong lúc hai người kia tranh luận về độ ngon của các món ăn, tôi tranh thủ khám phá tiếp nhà hàng. Toàn bộ tầng hai (lầu 1) chỉ có bàn ăn, nhà vệ sinh ở cả tầng 1 (trệt). Anh bồi giơ bàn tay đeo găng trắng chỉ đường cho tôi đi xuống chiếc cầu thang trải thảm đỏ, giống như cầu thang ở cảnh cuối của phim Titanic.

Ồ, nhà vệ sinh (rest room) có lẽ là nơi tôi cảm thấy ưng ý nhất trong ngôi nhà này. Nó được thiết kế thật sáng sủa và mạch lạc. Không còn những bức tường mầu sẫm với những tấm rèm nặng trịch gây cảm giác bức bối nữa.

Khi tôi đang ngắm cái rest room thì cửa phòng toillet bật mở và một thực khách bước ra. Đúng lúc ấy xuất hiện người lao công. Anh ta nói: "Xin anh đợi cho một phút" rồi hối hả đi vào bên trong lúi húi làm gì đó, rồi quay ra, cúi người: "Mời anh vào ạ".

Tò mò tôi đi vào trong và nghĩ thầm: "Họ thật cẩn thận, vệ sinh lại bồn cầu trước khi có người khác sử dụng". Tôi cúi xuống nhìn bồn cầu. Nó đúng là rất sạch. Và lạ chưa kìa, trên mặt nước trong vắt nhởn nhơ đôi ba cánh hoa đại (hoa sứ) vàng nhạt, tinh khiết. Sự ngạc nhiên khiến tôi cười phá lên trong nhà vệ sinh như một thằng điên. Chao ôi, còn dịch vụ nào de lux hơn thế này nữa không???

Giá xử có ai đó bị Tào Tháo đuổi. Liệu anh ta (chị ta) có thể đủ kiên nhẫn đợi người lao công rón rén bỏ hoa đại vào bồn cầu rồi mới chạy ào vào để dốc bầu tâm sự hay không?

Những cánh hoa đại tinh khiết. Thật bất công khi để chúng bị dòng nước cuốn trôi theo những thứ chất thải bẩn thỉu. Nhưng vinh quang thay những cánh hoa đại, chúng hy sinh để tạo nên đẳng cấp của dịch vụ.

Mất hơn hai tiếng đồng hồ để thử làm người mới giàu, mới thấy làm người mới giàu thật chẳng đơn giản. Mới thấy rằng mình vẫn còn cần được tự do, cần sự phóng khoáng. Mới thấy rằng làm người mới giàu tức là tự trói buộc mình vào các xiềng xích vô hình mà những nhà hàng kiểu này chính là nơi bán những xiềng xích ấy với giá cắt cổ.

22/12/06

THỬ LÀM NGƯỜI MỚI GIÀU (1)



KỲ I: MUỐN ĂN THÌ PHẢI CHỜ

Nghe nói nhà hàng ấy đẹp lắm, bon gout lắm, dành cho dân thượng lưu của thành phố, tôi bỗng nảy ý định tò mò muốn đến đó một lần xem thế nào. Ý tưởng ấy được hai người bạn tán thưởng. Nhân mới trúng đậm nhờ cổ phiếu tăng, một người bạn quyết định dốc hầu bao chiêu đãi cả bọn. Mừng quá, thế là tất cả hăm hở kêu taxi đi.

Nhà hàng là một ngôi biệt thự Pháp nằm trên một trong những đường phố đẹp nhất ở trung tâm Sài thành. Nó được thiết kế theo concept đóng, xung quanh được bao bọc bằng hàng rào xây cao như các đại sứ quán. Một chiếc cổng gỗ bề thế lúc nào cũng đóng im ỉm. Đóng nhưng có nghĩa là mở đấy. Muốn vào thì phải bấm chuông.

Nào thì bấm chuông. Cánh cổng mở và người phục vụ mặc đồng phục rất đẹp (còn sang hơn cả thực khách) cúi chào và nhã nhặn hỏi: "Dạ thưa, các anh có đặt trước không ạ?". "Không" - cả ba chúng tôi đồng thanh đáp. Người phục vụ nhìn chúng tôi ái ngại: "Thế ạ, em sợ không còn chỗ. Mời các anh cứ vào đã, để em hỏi lại".

Cánh cổng mở rộng hơn một chút để ba chúng tôi lách vào. Người phục vụ trở lại vọng gác lễ tân ngay sát cổng, quay điện thoại và thì thầm gì đó vào ống nghe. Chừng đôi phút sau, cô ta quay lại phía chúng tôi và nói: "Dạ thưa, do các anh không đặt trước, nên mong các anh vui lòng chờ để chúng em thu xếp ạ!"

Chúng tôi thở phào: May quá, chẳng nhẽ vào đến đây rồi còn phải đi về thì xui quá! Một chàng trai mặc complet đen, thắt nơ trắng theo phong cách thời trang thuộc địa của phim “Đông Dương” chìa tay mời chúng tôi đi vào phía trong.

Khu biệt thự quả là đẹp, nó vẫn giữ được dáng vẻ thuộc địa ngày xưa với không gian rất rộng xung quanh. Một lạch nước dài nối từ cổng chính vào chiếc sân gạch khá rộng. Lạch nước chắc lấy cảm hứng từ đền Taj Mahal (Ấn Độ) được Việt Nam hoá bằng cách thả bèo xanh theo suốt chiều dài của bốn cạnh.

Một chiếc salon lớn bằng da màu trắng rất đẹp để trên khoảng sân gạch. Nó thật ăn nhập với màu ngà của ngôi nhà và theo thiển ý của tôi thì sự hiện diện của nó ở đây nhằm trang trí hơn là để ngồi. Và để làm khổ nhân viên nữa! Thời tiết Sài Gòn sáng nắng chiều mưa, chắc ngày nào họ cũng phải khiêng ra khiêng vào cái salon đẹp đẽ này.

Chúng tôi đi dạo trên con đường nhỏ gắn những tấm đá trắng làm lối đi, ngắm nghía khu vườn thượng uyển đẹp đẽ. Trong suốt khoảng 20 phút ngồi chờ, không thấy có thêm khách ra vào ngôi biệt thự này. Cuối cùng một nhân viên phục vụ khác cũng xuất hiện và lịch sự mời chúng tôi lên lầu.

Cảm giác choáng ngợp bắt đầu ngay khi ta bước qua bậc tam cấp để vào bên trong toà biệt thự. Tường nhà sơn mầu sẫm sang trọng, những tấm rèm cửa nặng chịch màu bordeau có hoạ tiết và tua vàng rất cầu kỳ. Trên tường treo phiên bản những tác phẩm hội hoạ nổi tiếng. Chỉ có điều chúng treo với mật độ khá dày, nên chẳng có bức nào có đủ không gian để cựa quậy và toả sáng.

Phòng ăn chính ở tầng 2 (lầu 1).Các loại bàn ghế mà những ông hoàng bà chúa Châu Âu từng ngồi đều có ở đây cả. Những chiếc đèn chùm đồ sộ. Trong số mươi bàn ăn thì chỉ ba bàn có khách. Sát cửa sổ là hai người đàn ông Châu Âu, dẫy bàn dài bên này là một gia đình Việt Nam khoảng 6-7 người có cả trẻ con, ở góc kia là 3 thương gia Nhật Bản. Thêm chúng tôi là bàn thứ 4. Vẫn còn đến 6 bàn trống. Thế mà họ lại nói không có bàn là thế nào nhỉ?

Maitre’D Table (dịch tiếp viên trưởng hay bồi trưởng?) dẫn chúng tôi đến chiếc bàn giữa phòng. Tình cờ ngửa cổ nhìn trần, anh bạn tôi phát hiện ra chiếc dầm nặng chịch ở ngay trên đầu, liền đề nghị “Cho chúng tôi ngồi bàn khác”. Maitre’D Table ngần ngại: “Bàn này cũng đẹp chứ ạ. Chính giữa phòng!”. Anh bạn tôi lắc đầu: “Ăn ở đây cứ có cảm giác cái dầm này đè xuống đầu!”. Maitre’D Table miễn cưỡng: “Vậy mời các anh qua bàn kia!”.

Chiếc bàn được phủ khăn rất sang. Trên bàn dao nĩa trắng tinh cùng 7 loại ly khác nhau. Vừa mới ngồi xuống đã thấy một bồi đẩy bàn phục vụ bằng inox sáng loáng có bánh xe đến. Anh ta lấy đôi găng tay trắng muốt xỏ vào bàn tay và bắt đầu... dẹp bớt 5 loại ly. Ơ đã đặt đồ uống đâu mà anh ta biết ly nào cần để lại nhỉ? Hoá ra ly ở đây để khách thưởng lãm cho choáng thôi. Chứ khách Anamite vào thì bồi biết ngay là uống rượu gì rồi.

Chiếc menu thật tương xứng với độ lux của nhà hàng. Giá cả được ghi ngay bên cạnh tên của từng món ăn bằng ngoại tệ mạnh là tiền đô và chẳng có món nào dưới 25 đô Mỹ. Món chính từ 50 đến 80 đô. Thịt bò nhập khẩu 120 đô. Rẻ nhất là trà Việt Nam thì cũng 7 đô một cốc. Ăn chơi tốn kém, ngại gì!

(còn tiếp)
Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ

19/12/06

CHỊ EM TA BỊ ĐEM BÁN TẠI CÁC TIỆM CÀPHÊ MALAYSIA



Ông Michael Chong và bích chương in hình các cô dâu Việt được đem chào hàng cho đàn ông Malaysia tại các tiệm cà phê.

Báo “The Star” của Malaysia số ra ngày 19.12 đăng bài “Men 'buy' Viet wives off bridal parades in small-town coffeeshops” của ký giả Jo Teh. Dịch sơ qua để mọi người tham khảo và lên tiếng.

KUALA LUMPUR: Kết hôn với một cô gái Việt Nam ở Malaysia không còn thực hiện thông qua đường gửi thư đặt hàng thông thường nữa, mà theo cách bán-ngay-tại-chỗ. Các cô gái Việt trẻ trung và hấp dẫn được dẫn ra trình diện tại các tiệm cà phê, hay nhà của người môi giới tại một số thị trấn để các chú rể tương lai lựa chọn và ký hợp đồng ngay tại đó.

Ông Datuk Michael Chong, người đứng đầu Văn phòng Dịch vụ công và khiếu nại MCA mô tả thực tế này là “kinh tởm và vô đạo đức”. “Những người môi giới luôn thu khoản tiền khổng lồ để cung cấp cho đàn ông bản địa các cô gái để họ chọn thông qua những người loan tin, tờ rơi và bích chương in hình và sơ lược tiểu sử của các cô gái” – ông Chong nói với báo The Star.

“Những người môi giới đã đơn giản hoá quá trình bằng cách đến thẳng người mua. Việc đưa các cô gái ra trình diện rồi bán họ cho những người đàn ông bản địa độc thân hoặc đã ly dị chủ yếu diễn ra ở những khu vực nông dân vốn đã có nhiều người Việt như Triang và Jerantut ở Pahang” – ông Chong nói. “Họ sẽ không gặp khó khăn như khi chọn các cô gái qua ảnh, hay bay sang Việt Nam để gặp gỡ rồi bay về để đăng ký kết hôn. Thực tế “mua vợ” trình diện tại các tiệm càphê tiết kiệm được thời gian và người mua tiềm năng được trực tiếp nhìn ngắm các cô gái”.

Các cô gái được trả giá ngay tại chỗ và được các đức ông chồng đưa đi ngay với tư cách vợ. Theo ông Chong, thì “giá niêm yết” giao động từ 20 đến 30 nghìn RM. “Các cô xinh và gợi cảm thì được giá cao hơn” – ông Chông nói và khẳng định rằng cảnh tượng này thật chẳng có gì khác so với việc mua bán nô lệ. “Thật kinh tởm và là nỗi nhục cho dân tộc chúng ta. Phụ nữ phải được đối xử bình đẳng và không có lý do nào để họ trình diện và “bán” theo cách như vậy. Hoàn toàn không có sự tôn trọng phụ nữ”.

Ông Chong cho biết chính quyền không đủ thẩm quyền để chấm dứt hoạt động của những người môi giới vô liêm xỉ này bởi đại đa số đều có đăng ký kinh doanh. “Họ chỉ cần trả 50 RM để đăng ký công ty và bắt tay vào làm ăn. Chúng tôi không thể bắt họ dừng kiếm tiền bằng cách bán các cô gái nước ngoài để kết hôn. Nhưng chúng tôi sẽ cấm họ đưa các cô gái ra trình diện”, ông Chong nói và bổ sung nếu các cô dâu Việt Nam còn được đem ra trình diện, ông sẽ thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam.

“Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam cần phải biết người nước họ đang bị đem bán cho đàn ông bản địa theo cách thức như vậy. Khi đó giới chức Việt Nam sẽ phải để mắt tới những người môi giới vào Việt Nam để “tuyển mộ” các cô gái” – ông Chong nhận xét. Phần lớn các cô gái đều xuất thân từ các gia đình nghèo và muốn kết hôn với đàn ông Malaysia để có cuộc sống tốt hơn. Ông Chong cho hay, nhiều cô chân thành kết hôn với đàn ông bản địa và hy vọng tình yêu sẽ lớn lên theo thời gian. Nhưng cũng có những trường hợp các cô chỉ cần tiền, hoặc bị chồng ngược đãi.

Theo ông Chong, thì một người môi giới cho ông hay đa phần đàn ông đều độc thân, đã ly dị, giầu có hoặc già. Một số người đáng tuổi cha của các cô gái. Không ít cô dâu mua tại chỗ đã bỏ trốn sau kết hôn. “Một số cô đã bị những ông già giàu có mua, họ chẳng cần gì hơn ngoài tình dục. Sau khi các cô bỏ trốn, họ khiếu nại rằng họ bị những người môi giới lừa và đòi trả lại tiền” – ông Chong kể và đề nghị những người đàn ông muốn cưới phụ nữ nước ngoài nên cẩn trọng hơn và cân nhắc kỹ hậu quả.

Theo ông Chong, phần lớn đàn ông lấy vợ Việt Nam cho rằng họ phải cậy nhờ dịch vụ môi giới vì bị các cô gái bản địa từ chối.

http://thestar.com.my/news/story.asp?file=/2006/12/19/nation/16359959&sec=nation

LỘN CỔ TẦNG 2



Sau khi tham khảo ý kiến mọi người, tôi xin giải thích các cụm từ của thời bao cấp nêu trong entry trước.

- LỘN CỔ TẦNG 2. Áo sơ mi thường được mặc đến khi sờn hết cả cổ áo. Nhưng đến lúc đó nó cũng chưa được vứt đi. Chiếc cổ được đem lộn mặt sờn vào trong, đưa mặt trong ra ngoài. Dịch vụ "lộn cổ" có thể được thực hiện ở tiệm may, tiệm sửa quần áo, hoặc ở một gia đình. Trong trường hợp này, nhà làm dịch vụ "lộn cổ" ngự ở tầng 2 của ngôi nhà.

- BÍCH (TÍCH) KÊ GỐI MÔNG: Quần dùng lâu dễ bị sờn hoặc rách ở mông, đầu gối. Người thợ may sẽ dùng một miếng vải đồng màu, đặt vào phía trong rồi may chỉ theo hình xoáy trôn ốc. Chiếc quần trở nên lành lặn và được sử dụng tiếp.

- GIẶT LÀ NHUỘM. Câu này chủ yếu gây khó hiểu đối với người miền Nam. Nó quảng cáo 3 dịch vụ khác nhau gồm giặt, là (ủi) và nhuộm. Là trong trường hợp này không phải là là, mà là là (ủi). Phức tạp quá (he he).

- GIA CÔNG QUY GAI QUY XỐP. Gia công nói theo ngôn ngữ hiện đại là "outsource". Còn quy gai quy xốp là hai loại bánh (sang trọng) mà thời bao cấp chỉ được ăn vào dịp lễ Tết hoặc cưới xin. Nhưng không phải nơi nào cũng bán các loại bánh này. Thế là nảy sinh ra những lò nướng bánh. Người nào có đủ các nguyên vật liệu như bột mỳ, trứng, bơ, đường, sữa, vanilla... thì mang đến cơ sở nướng bánh, họ sẽ gia công cho quy gai, quy xốp.

- XAY BỘT TRẺ EM. Câu này thì không khó hiểu lắm.

Bổ sung một số cụm từ hay mà mọi người đề xuất:
- THU MUA NÔNG (LÔNG) SẢN PHỤ: Khuê đề xuất
- VÁ 9 XĂM LỐP: Metalari đề xuất
- CỬA HÀNG CHẤT ĐỐT THANH NIÊN: Quỳnh Vy đề xuất
- ĐỔI BÚN: Viettory đề xuất
- HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT THƯƠNG BINH: Myselfvn đề xuất

18/12/06

TỪ NGỮ THỜI BAO CẤP



Hàng chục triệu trai thanh gái lịch chẳng bao giờ biết đến những nối khổ thời bao cấp. Chẳng biết chuyện xếp hàng mua gạo (ảnh), mua dầu, mua rau muống. Chẳng biết chuyện lội hồ hái rau, vớt bèo, nấu cám nuôi lợn...

Thôi ôn nghèo kể khổ làm gì? Thời bao cấp có khối chuyện vui. Ít nhất là từ ngữ. Xin kể ra đây mọi người cùng cười cho vui...

Thời bao cấp, đi ra đường ta sẽ gặp những tấm biển quảng cáo dịch vụ như thế này... Đố mọi người biết là gì?

- LỘN CỔ TẦNG 2. Có phải là từ tầng hai ngã lộn cổ xuống đất?

- BÍCH KÊ GỐI MÔNG. Cái gì? Sao lại kê gối và mông? Thế còn bích là gì?

- GIẶT LÀ NHUỘM. Sao giặt lại có thể là nhuộm được nhỉ?

- GIA CÔNG QUY GAI QUY XỐP. Gia công thì rõ rồi. Nhưng quy gai, quy xốp là gì?

- XAY BỘT TRẺ EM. Oái, cho trẻ em vào cối xay ra thành bột à?

Đố mọi người biết những cụm từ trên có nghĩa như thế nào?

Ai biết thêm những cụm từ nào đặc trưng của thời bao cấp thì viết vào comment nhá.

17/12/06

40 TUỔI VẪN LÀ CON TRAI BÉ BỎNG



Chuông điện thoại vang lên vào lúc 3 giờ 45 phút sáng Chủ nhật. Quái quỉ thật, ai gọi vào giờ này nhỉ? Trời rét, chẳng muốn với tay ra lấy điện thoại một chút nào. Nhưng chuông điện thoại vang lên dai dẳng. Phải nghe thôi, chẳng ai gọi vào lúc đêm hôm khuya khoắt thế này mà không có lý do chính đáng.

- Allo, - tôi nghe thấy chính giọng mình vang lên khê nồng và không một chút thiện cảm.
- Allo, anh Vũ phải không? Có phải anh Vũ không? - giọng tiếng Nga già nua của một phụ nữ xa lạ vang lên. Không phải giọng Svetlana - cô giáo dạy văn học yêu quý của tôi, không phải giọng của Elena - nữ cộng tác viên thân thiết ở Mátxcơva!
- Vâng. Tôi nghe đây, - sự hồi hộp trước một tin bất thường đã khiến tôi tỉnh ngủ hẳn.

- Anh Vũ ơi, tôi có việc cần sự giúp đỡ của anh. Tôi là Anna Pavlovna, mẹ của Alexandr, ở Leningrad đây. Cách đây 10 ngày, con trai tôi nói nó đi Hà Nội một tuần để giải quyết công việc. Nay đã 10 ngày trôi qua. Chuyến bay Hà Nội - Mát xcơva có vào ngày thứ 6, lẽ ra thứ Bảy nó phải về đến nhà. Nhưng tôi đợi đến tận giờ này mà vẫn không thấy nó về. Tôi linh cảm có chuyện chẳng lành.

Alexandr là bạn học cùng trường của tôi từ thời ở Liên Xô. À, đúng rồi, đầu tuần qua, Alex có gọi điện cho tôi. Anh nói sẽ bay từ Bangkok sang TPHCM để xem lại lần chót tính khả thi trong dự án đầu tư ở phía nam và hẹn sẽ gọi điện lại cho tôi khi đi thực địa trở về vào thứ Năm.

Ở đầu dây đằng kia, giọng mẹ Alex đã nghẹn ngào, rồi đầy nước mắt: "Lần nào đi công tác, nó cũng gọi điện cho tôi. Nhưng trong suốt chuyến đi lần này nó không hề gọi điện lần nào. Tôi gọi vào số di động của nó thì nó tắt máy. Anh có biết nó ở đâu không?".

Tôi nói: "Bác Anna Pavlovna ạ. Alex có sang Việt Nam, nhưng mà đến TP Hồ Chí Minh, chứ không phải Hà Nội. Anh ấy cũng không đáp máy bay thẳng từ Mát xcơva sang Hà Nội, mà quá cảnh ở Bangkok để vào TP HCM. Anh ấy đã sang Việt Nam và hôm thứ Ba có nói chuyện với cháu qua điện thoại".

Bà ngắt lời tôi: "Anh nói chuyện với nó hôm nào?"

- Hôm thứ Ba, bác ạ. Nhưng cháu không nghe rõ anh ấy lắm, vì sóng điện thoại không tốt. Đại loại anh ấy bảo sẽ nói chuyện chi tiết hơn vào thứ Năm khi anh ấy quay lại TPHCM. Nhưng anh ấy không gọi. Cháu có gọi điện tối thứ Năm, nhưng anh ấy tắt máy. Bác đừng lo. Mọi chuyện có lẽ đều bình thường".

- Không bình thường đâu, anh Vũ ơi, - bà Anna Petrovna rền rĩ. - Nó không gọi cho tôi, cũng không gọi cho anh. Thế tức là không bình thường. Anh tìm nó hộ tôi với. Lần trước nó sang Việt Nam, tôi nghe nói nó ở Khách sạn Caravelle Sài Gòn. Anh thử hỏi ở đó xem thế nào?

- Vâng, cháu sẽ hỏi. Nhưng bác ơi, bây giờ là gần 4 giờ sáng. Cháu không thể làm được gì lúc này. Sáng mai cháu sẽ hỏi và báo lại cho bác.

- Ồ, ở Việt Nam đã gần 4 giờ sáng rồi sao? Tôi xin lỗi đã quấy quả giấc ngủ của anh. Bên này mới gần 12 giờ đêm. Thế sáng mai anh hỏi giúp tôi nhé. Tôi sẽ ở nhà chờ điện thoại của anh, không đi đâu cả.

Bà hỏi tôi có số điện thoại của bà chưa. "Có rồi ạ" - tôi đáp. Số của bà hiển thị trong máy điện thoại di động của tôi. Bà xin lỗi và một lần nữa khẩn khoản nhờ tôi giúp trước khi cúp máy.

Làm sao mà ngủ được nữa sau cú điện thoại lo âu như vậy? Tôi chưa một lần gặp bà Anna Petrovna. Suốt thời gian tôi học ở Minsk, bà luôn ở Leningrad, thành phố cách đó gần nghìn kilômét. Thời tôi ở đó, cũng chưa một lần nói chuyện với bà. Thế mà bà biết số điện thoại của tôi, chắc hẳn bà đã yêu cầu Alex đưa cho bà tất cả đầu mối liên lạc ở những nơi anh đi công tác.

Không những thế, bà lại biết cả cái cách gọi tôi bằng họ thay cho tên (chỉ những người bạn nước ngoài khá thân mới gọi tôi theo cách ấy cho dễ phát âm), lại nói "Leningrad" thay vì "Saint Peterburg" để một người biết nước Nga từ thời Liên Xô như tôi có thể định vị được ngay người gọi mà không bị bối rối, chứng tỏ bà sáng suốt ngay cả trong lúc rối trí nhất.

Hơn 40 tuổi, sự đổ vỡ gia đình riêng của Alex có lẽ đã khiến quan hệ giữa mẹ và con trai (vốn khá lỏng lẻo ở Châu Âu khi con cái trưởng thành) trở nên gắn bó như vậy. Không thấy Alex nói về mẹ mình, nên tôi không hiểu quan hệ giữa hai người như thế nào. Bà nói đến "linh cảm của người mẹ". Hình như người mẹ nào cũng có điều kỳ diệu ấy và linh cảm thường ít khi lừa dối người mẹ.

Tôi thấy thực sự lo âu. ..

Sáng Chủ nhật, tôi gọi cho KS Caravelle, vất vả đánh vần tên họ phiên âm từ tiếng Nga của Alex cho nhân viên lễ tân. Cô ta tra cả tên, cả họ, cả quốc tịch, nhưng không tìm thấy ai có tên họ như vậy trong danh sách khách.

Tôi đành gọi cho nhân viên cty Việt Nam đối tác của Alex. Chị báo cho tôi, anh đã rời khỏi TPHCM hôm thứ Sáu, trên chuyến bay sang Bangkok.

Tôi gọi điện cho bà Anna Petrovna. Bà nhấc máy ngay sau hồi chuông thứ nhất, cứ như bà chỉ có một việc là ngồi sẵn đó để chờ điện thoại của tôi. "Allo, anh Vũ phải không? Anh có tìm được Alex không?"

- Thế này bác Anna Petrovna ạ, cháu được biết là chuyến đi của Alex đến VN đã kết thúc tốt đẹp. Không có chuyện gì xảy ra với anh ấy cả. Alex đã rời khỏi TP HCM hôm thứ Sáu, sang Bangkok. Bên ấy chắc không có roaming với Nga, nên bác không gọi điện thoại được. Bác đừng lo, cháu nghĩ mọi chuyện đều tốt đẹp thôi. - Tôi không biết từ "roaming" tiếng Nga là gì, nhưng cứ nói để bà yên lòng.

- Thế à? Nó đang ở Bangkok à? Anh Vũ này, chắc là làm việc mệt mỏi quá, nó quyết định nghỉ ngơi vài ngày ở bên đó nhỉ? Thôi ít ra thì cũng biết được nó đang ở đâu.

- Vâng. Chắc là Alex nghỉ weekend ở đó bác à. Cháu nghĩ là tối nay (Chủ nhật) anh ấy sẽ lên máy bay về Mátxcơva và ngày mai sẽ về đến nhà, - tôi nói.

- Ừ. Tôi cũng hy vọng thế. Cám ơn anh rất nhiều. Thế bao giờ anh Vũ qua Leningrad thì đến nhà tôi chơi nhé. Xin lỗi đã làm phiền anh đêm qua. Tôi cám ơn anh.

Thực ra tôi chẳng làm gì giúp được bà. Bà đã tự trấn an mình. Tình yêu của người mẹ đã tự nhủ rằng đứa con trai đã ngoài 40 hãy còn bé bỏng của bà mệt mỏi và cần nghỉ cuối tuần ở Bangkok. Tình yêu ấy thật vĩ đại! Tôi ghen tị với Alex. Mong rằng anh luôn trở về nhà an toàn.

9/12/06

PUNK VÀ GÁI ĐIẾM



Bữa ăn trưa thứ Bảy ở nhà hàng BaanThai rõ ngon. Lâu lắm cả bọn mới lại đi ăn đồ Thái. Vị cay của canh tôm và curry thịt bò nấu với cà pháo thật hợp với tiết trời lạnh gió mùa đông bắc Hà Thành. Cả bọn xuýt xoa khen ngon và ca ngợi nhau đặt đồ ăn rõ khéo. Tất cả các đĩa đều hết mà lại không bị quá no. Ehè, chuyển sang tráng miệng nào.

- Xin lỗi các anh các chị, hôm nay nhà em không có đét-xe vì người nấu các món chè Thái hôm nay nghỉ ốm ạ. - cô gái Việt lụng thụng trong đồ sà rông Thái bẽn lẽn nói. Chán quá. Thế là đành phải hoãn cái sự sung sướng lại. Đúng lúc ấy thì điện thoại của nhà tạo mẫu vang lên.

- Allo! À Hòa đấy à. Ừ, chị có mang cho em đây. Chị đang ngồi với mấy người bạn ở nhà hàng BaanThai. Chỗ nào ấy à? Đợi chị lát nhá? Đây địa chỉ như thế nào ấy anh nhỉ?... Ờ, em đến đầu phố Chả Cá. Số 3B nhé. Đi sâu vào trong ấy.

Đành gọi món trà ngồi đợi cô nàng Hòa này vậy. Nhà tạo mẫu nói: "Con bé này là khách hàng của em. Cô nàng funny lắm. Lát nó đến anh sẽ thấy!"

10 phút sau nàng đến. Nàng xô cửa ào vào. Đó là một cô gái khá xinh đẹp, tóc nhuộm màu vàng nhạt. Nàng mặc quần jeans, đi giày bốt cao đến ngang ống chân, áo jacket đồng màu với tóc có cổ lông màu nâu nhạt. Tóm lại là rất sành điệu. "Ối, iem chào các anh các chị" - cô láu táu nói.

Tôi suýt há mồm ngạc nhiên, khi nghe giọng nàng, may mà kìm lại được. Một giọng quê còn khá thuần khiết vang lên. Nhìn ánh mắt nàng vui lấp lánh khi thấy hai cô bạn, tôi hiểu rằng nàng không giả giọng nói đùa. Đi sau nàng là một anh tây cao lớn, trắng nhợt nhạt - màu trắng khó chịu của con lợn cạo, không mấy giống với da người.

Nhà tạo mẫu chìa má cho chàng tây hôn: "Ái chà, má anh lạnh quá". Chàng tây nghiêng người đáp: "It's very cold outside". Tôi được giới thiệu đấy là Louis, chồng của Hòa. "Bọn em ăn gì chưa? Ngồi luôn đây ăn nhá" - bạn tôi đề nghị.

Hòa đảo mắt nhìn bàn ăn rất nhanh. Nàng hiểu rằng bữa trưa của bọn người ngồi đây đã chấm dứt rồi: "Thôi, ngồi với các anh chị một nhát thôi. Lát nữa bọn iem phải ăn ở chỗ khác. Cho iem chai La Vie, còn cho anh Louis chai bia nhé". Nước và bia được mang ra rất chóng vánh.

"Đâu, chị mang cho iem đâu?" - Hòa tỏ ra nóng vội. Nhà tạo mốt lấy từ trong túi đầm ra một thỏi son: "Đây, màu đen hẳn hoi nhé. Mới tinh 100%". Hòa vồ lấy: "Ôi tuyệêt quá. Chị mua ở đâu đấy chị? Bao nhiêu tiền để iem gửi". Nhà tạo mẫu lắc đầu: "Em cứ giữ mà dùng. Cái này người ta tặng chị. Chị cũng không dùng đến đâu?"

Hòa ríu rít giục chồng chìa tay cho nàng bôi thử. Màu son hiện lên làn da trắng nhợt bóng đậm như một vết mực tàu. Ánh mắt xám nhạt của chàng chợt lóe lên: "Right, it's that I need" (Đúng rồi, đây chính là thứ tôi cần).

Tôi thoáng rùng mình. Hóa ra thỏi son đen là cho chàng tây cao lớn vô sắc này, chứ không phải cho cô nàng An Nam tóc hoe vàng kia. "You know I also need a chain" - chàng bổ sung. Nhà tạo mẫu hỏi lại: "A chain? Golden chain?". "No a metal chain that you lock up things" - chàng tây đáp.

Nhà tạo mẫu thoáng chau mày. Hòa giải thích: "Không phải dây chuyềền vàng đâu chị ơi. Cái dây xích. Lúc đầu iem cũng tởng là dây chuyêền. Sau đi ngoài đường, thấy người dắt chió đi tiè, anh ấy chỉ: "Đấy cái chain kia kìa". Iem mới vỡ lẽ ra là cái dây xích. Thôi cái này để iem ra Bát Đàn, Thuốc Bắc mua được rồi".

Tôi ngồi im, không hiểu hai vợ chồng ta tây với nhà tạo mẫu nói chuyện gì. Nhà tạo mẫu đành giải thích: "Hai vợ chồng Louis tối nay đi dự tiệc hóa trang người nước ngoài tổ chức với nhau. Đề bài là chữ P. Tức là cải trang thành bất cứ thứ gì trong tiếng Anh bắt đầu bằng chữ P. Giải nhất hóa trang ấn tượng là 5 nghìn đô".

- Thế anh định hóa trang thành ai? - tôi hỏi.

- Punk! - Louis đáp. - I wear black lipstick. I dye my hair to red and blue colors. I also wear a metal chain (
Fan nhạc rock. Tôi tô môi son đen, nhuộm tóc nửa xanh nửa đỏ. Tôi còn đeo một cái xích sắt nữa).

- Hòa định làm chim công (peacock) à? - Nhà tạo mẫu hỏi.
- Vâng. Peacock với Punk. Chị bảo thế có được giải không? - Hòa hỏi.

- No. You'd better be a prostitute (
Không em làm con điếm thì tốt hơn!), - Louis bình thản nói.

Nhà tạo mẫu cười, xua tay: - No, no prostitute. Khiếp quá! Ai lại hóa trang làm gái điếm bao giờ?

Hòa có vẻ ngơ ngác: - Cái gì, Louis bảo cái gì? Gái điếm tiếng Anh là gì? Cũng bắt đầu từ chữ P à?

Louis thì tỏ ra nghiêm túc: "Punk and Prostitute are better option. Remember $5.000 award!" (Fan nhạc rock với gái điếm là phương án tốt hơn. Giải thưởng 5 nghìn đô đấy!).

Câu chuyện đến đấy thì Louis uống hết chai bia. Hai vợ chồng ta tây đứng dậy xin phép ra về, không quên cảm ơn thỏi son đen và chai bia miễn phí. Không được ăn đét-xe Thái lại được thưởng thức món "tráng miệng" tây này. Của đáng tội, uống được chai bia, mặt Louis cũng có sinh khí hơn một chút. Cách đây 15 phút khi anh ta bước vào cửa, tôi cứ ngỡ anh ta là cái xác chết. Cứ để như thế đến bữa tiệc hóa trang có khi lại được giải nhất cũng nên.

Tóm lại là thế này. Hòa không phải là cave lấy tây. Cô ăn chơi sành điệu, nhưng không phải loại gái hư hỏng và điểm được nhất là không giấu đi cái gốc gác quê kệch của mình. Thế là tốt hơn khối kẻ vừa chạy lên thành phố được vài năm đã cố tình tìm mọi cách xóa sạch mọi dấu tích quê mùa.

Còn Louis cách đây ba năm nhận được một hợp đồng thời vụ cho một cơ quan Châu Âu ở Hà Nội. Chàng biết vẽ một chút, chơi DJ một chút, đánh đàn trong ban nhạc jazz một chút. Nhiều tài lẻ nhưng không đủ giỏi cái gì. Hợp đồng hết, nhưng vẫn thích ở VN, nên xoay đủ thứ nghề. Gặp Hòa, hai người lấy nhau. Nói chung là hợp. Hòa chẳng làm gì, còn chàng kia thì kiếm tiền bằng mấy cái tài lẻ của mình. Cũng đủ ăn và enjoy life.

Mà hình như họ kiếm sống cả bằng cách giật giải thưởng ở những party hóa trang kiểu này. Ồ, nếu thế thì punk và prostitute quả đúng là phương án tốt hơn thật. Chắc là họ sẽ hóa trang thành fan nhạc rock và gái điếm thôi.

6/12/06

LẤY CHỒNG HÀN QUỐC



Chuyện vợ con của đàn ông trai tráng Hàn Quốc (HQ) đã trở thành chuyện quốc gia đại sự. Tỉ lệ sinh nở thấp, mất cân bằng giới tính do truyền thống trọng nam kinh nữ, khiến phụ nữ thiếu trầm trọng. Đàn ông ở nông thôn, các vùng địa hình hiểm trở, hẻo lánh càng khó kiếm vợ. Dịch vụ tìm vợ ngoại cho đàn ông Hàn do vậy mà nở rộ. Nghe nói có đến 1/5 đàn ông Hàn có vợ ngoại quốc.

Đội ngũ các cô dâu ngoại rất đa quốc tịch. Đứng đầu là người Trung Quốc (đa số là người gốc Hàn), tiếp đến là người Philippines. Cô dâu Việt Nam xếp thứ ba (đa phần là từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ). Sau đó là người Mông Cổ, Uzbekistan và mới đây là cả các cô gái Khmer nữa.

Vân, một nghiên cứu sinh ở Đại học Quốc gia Seoul, nói với tôi: Không hiểu sao dịch vụ mai mối hôn nhân của họ khi giới thiệu các cô gái Việt thì lại nhấn mạnh yếu tố "trinh nữ". Các cô dâu tương lai từ những nước khác chỉ được gọi đơn giản là "cô gái" thôi.

Chính sự nhấn mạnh "trinh nữ" mang đậm chất thương mại này đã khiến nhiều người Việt phẫn nộ, xuống đường biểu tình, đòi dỡ bỏ dòng chữ "trinh nữ" ra khỏi quảng cáo của các công ty môi giới. Và nhiều công ty đã phải nhượng bộ.


Một quan chức ở Bộ Ngoại giao HQ nói: Các cô dâu Việt Nam được ưa chuộng, vì họ có nhiều phẩm chất tốt do ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo như tôn trọng gia đình nhà chồng, chịu thương chịu khó, thích hợp nhanh với hoàn cảnh Hàn Quốc và đảm đương được những công việc đồng áng (mà họ cũng đã quen làm ở quê hương).

Một vị khác ở Quỹ văn hóa HQ thì cho rằng ngoài những điều nêu trên, phụ nữ Việt Nam khá giống với phụ nữ HQ, nên con cái họ sinh ra không khác biệt với con cái của những cặp vợ chồng Hàn - Hàn. Chính vì vậy mà chúng không bị phân biệt đối xử trong cộng đồng. Đó cũng chính là ưu thế tại sao đàn ông Hàn chọn phụ nữ Việt.

HQ sẽ có hàng vạn đứa trẻ lai từ những cặp vợ chồng Hàn - Việt. Chúng có thể thừa hưởng những phẩm chất tốt từ cha mẹ, nhưng cũng có thể sẽ trở thành nạn nhân của những mâu thuẫn do xung đột văn hóa, lối sống và tư duy. Chính vì vậy mà Chính phủ HQ đã lăng xê một chương trình giúp đỡ các cô dâu nước ngoài hòa nhập vào đời sống HQ, dạy cho họ tiếng Hàn, tư vấn y tế và pháp luật để họ có thể sống tự tin và thoải mái.


Vân nói, nếu phụ nữ Việt sang đây toàn tâm toàn ý vì gia đình thì sớm muộn họ cũng được đền đáp thôi, vì đa phần đàn ông Hàn đều hiền lành chăm chỉ. Nhưng cũng không ít cô muốn thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn ở Việt Nam, lấy chồng được vài tháng rồi tìm cách bỏ trốn, buôn bán sinh nhai và cặp bồ với các nam tu nghiệp sinh người Việt.


Ngẫm lại thấy lời Vân cũng có lý. Cách đây 3 năm tôi đã gặp một cặp vợ chồng Việt - Hàn hạnh phúc ở Jeju - đảo cực nam HQ.


Hyun Seung-jun là một chàng trai Hàn hiền lành, chất phác mà tôi gặp cuối năm 2003. 33 tuổi, anh làm thợ điện tại một cảng cá của một làng chài nhỏ ở Jeju. Cuộc sống của anh sẽ trôi đi một cách bằng lặng, nếu như không có Internet.


Năm 2000, chàng trai ở cái nơi đèo heo hút gió này quyết định nhờ hãng môi giới hôn nhân tìm vợ cho mình. Người ta giới thiệu cho anh một cô gái Việt Nam có tên là Trần Thị Thu Bê, quê ở ấp Bùng Binh, xã Đông Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.


Chỉ khi vừa nhận được ảnh của Thu Bê gửi qua email, trái tim Seung-jun đã đập rộn lên một cách khác thường. Tháng 11.2001 anh bay đến TPHCM để gặp Thu Bê. Đám cưới được tổ chức ngày 25.11 cùng năm và sau đó Thu Bê theo chồng về Jeju. Đến cuối năm 2003 họ đã có một đứa con gái 11 tháng và đang chờ đứa con thứ hai chào đời vào khoảng tháng 5.2004.


Seung-jun khoe ảnh vợ con một cách kiêu hãnh (ảnh). Gặp được người khách Việt Nam, Seung-jun vui như được gặp người nhà. Anh móc túi lấy điện thoại di động, bấm về nhà và dúi vào tay tôi: "Anh nói chuyện với vợ tôi. Cả năm nay cô ấy không được nghe tiếng Việt".


Quả nhiên, tiếng Việt thân thương (mặc dù là giọng Bắc) khiến Thu Bê cảm động nghẹn ngào. Chị nhớ lại hồi mới sang, tiếng Hàn mới chỉ biết đôi ba chữ, lúc nào cũng thấy nhớ nhà. Nhưng may mà có người chồng hiền lành, tử tế, rất mực thương yêu vợ, nên chị cũng cảm thấy đỡ tủi.


Khi được hỏi: "Em có hạnh phúc không?", Thu Bê cười vang: "Em sướng như bà hoàng vậy, anh à! Có con rồi lại càng vui hơn!". Nói vậy thôi, chứ Thu Bê lúc nào cũng nhớ nhà, mặc dù được gia đình đằng chồng đối đãi tử tế.

Nhưng chắc là phải Tết 2005, chị mới về Việt Nam thăm ba má được. Phải đợi đứa con thứ hai của chị cứng cáp đã. Cả gia đình nhỏ bé ở Jeju của chị cũng sẽ về Việt Nam. "Chồng em đòi đi theo. Ảnh kiên quyết không cho em đi một mình" - giọng Thu Bê rổn rảng.


Cả đảo Jeju khi đó chỉ có hai người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn. Lúc mới qua, họ còn liên lạc được với nhau. Sau đó ai cũng bận rộn với cuộc sống riêng, nên họ hầu như đã bặt tin.


Đảo Jeju nổi tiếng với những hàng rào đá (tiếng địa phương gọi là batdam) chạy dài, cao chừng 0,5 đến 1m. Điều kỳ lạ là batdam hình thành từ những tảng đá xếp chồng lên nhau, không hề có một chút phụ gia gắn kết nào. Bề mặt thô nháp của những phiến đá núi lửa đã liên kết chúng lại với nhau.

Batdam đứng rất vững trước gió, vì những lỗ hổng tạo ra giữa các phiến đá có thể tiêu tán mọi sinh lực của gió. Người dân Jeju cũng giống như những phiến đá ấy. Họ đã liên kết để tạo lên một thiên đường du lịch trên hòn đảo này.


Chia tay với Seung-jun, không hiểu sao trong óc tôi cứ hiện lên hình ảnh Seung-jun mang một hòn đá lạ đến lắp vào hàng rào đá nhà mình. Viên đá ấy chẳng phải đá núi lửa, song nó cũng đã gắng gỏi dính kết vào những viên đá khác bằng những mối liên kết vô hình.

Cầu mong cho hàng rào đá nhà anh bền vững. Cầu mong cho căn nhà của anh luôn lặng gió.

5/12/06

10 ĐIỀU THÚ VỊ Ở HÀN QUỐC



Tôi vừa đi Hàn Quốc về. Đây là chuyến đi thứ ba rồi, nhưng trước không có blog, nên bây giờ mới mạo muội tổng hợp vài điều thú vị mắt thấy tai nghe chia sẻ cùng mọi người.

1. Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc cho rằng họ có 6-7 nghìn năm lịch sử. Bảo tàng trưng bày cả một dàn hàng chục chiếc trống đồng, hàng chục pho tượng Phật nhìn hoa cả mắt. Theo bảo tàng này thì ba nước có truyền thống làm đồ gốm tốt nhất và có giá trị nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.

2. Dân Hàn sính đồ nội. Từ ôtô cho đến nồi cơm điện (đương nhiên cả kimchi nữa), tất tần tật đều là hàng Made in Korea. Vẫn thấy quảng cáo và bầy bán hàng ngoại, nhưng chắc là để cho dân ngoại dùng.

3. Dân Hàn cực kỳ sạch sẽ, không có ai xả rác ra đường. Quán ăn tinh tươm, không thấy khăn giấy lau miệng trắng cả nền nhà như ở ta.

4. Đa số con gái xứ Hàn đều xinh đẹp: cao ráo, thanh mảnh, da trắng, mắt hai mí. Một cô người Việt tiết lộ, mắt hai mí đều sửa từ mắt một mí đấy. Nhưng mà sửa rất khéo, trông không dài dại như mấy sao cải lương nhà ta.

5. Phụ nữ Hàn rất chăm trang điểm. Từ gái văn phòng đến bà sồn sồn bán hàng ngoài chợ cá, ai cũng tóc nâu môi trầm. Các bà các cô bán cá, ngồi cả ngày ngoài trời, đội mũ xùm xụp, nhưng môi tô rất đỏ, mặt đánh phấn rất trắng.

6. Các nữ sinh trung học rất sexy: váy đồng phục cực ngắn. Trời giá rét âm vài ba độ, mà em nào cũng để trần một đoạn chân dài cả gang tay. Lúc đầu tưởng các em có đi tất màu da, nhưng nhìn kỹ thì hoá ra là chân trần. Ăn chơi không quản giá rét. Choáng!

7. Đàn ông Hàn ăn mặc y chang như nhau: complet màu đen sọc trắng, bên ngoài khoác áo choàng dài màu đen. Có khác chăng là khác về hoạ tiết và màu sắc cravate. Nhưng đàn ông Hàn đi ô (dù) rất điệu: mặt ngoài màu đen hoặc xanh thẫm, mặt trong màu xám bạc.

8. Dân Hàn cũng workaholic (nghiện việc) giống dân Nhật. Khá nhiều người làm việc thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu, thứ Sáu và thứ Sáu.

9. Dân Hàn hết giờ làm việc đi nhậu hết mình. Nghe nói là khi đã nhậu rồi thì cũng vui tới bến luôn. Tầm từ 9 giờ đêm đến 2 giờ sáng ra đường thấy ối anh đi đứng liêu xiêu, gọi điện lè nhè. Vui lắm.

10. Thanh niên Hàn Quốc chẳng mấy chú ý đến chuyện thống nhất đất nước. Chính quyền lo lắng sau 10-15 năm nữa mà không thống nhất đất nước, thì cơ hội sẽ càng rời xa, vì thanh niên Hàn Quốc sẽ không còn cảm thấy gắn bó với những người anh em phía bắc nữa.

Ai đã đi Hàn Quốc, có điều gì bổ sung thì viết vào comment nhé. Thanks!

free hit counters
free hit counters

25/11/06

CÂU CHUYỆN OSHIN (7)



KHI TÌNH PHÍ QUÁ ĐẮT
Khắc khoải trong tâm trạng của đứa con gái lần đầu được yêu khoảng mươi hôm, thì nó nhận được điện thoại. Tất nhiên, nó bao giờ chẳng là người đầu tiên nhận điện thoại ở ngôi nhà này, nhưng nó chỉ được nói: "Alô!... Cô (chú) gặp ai ạ? Vâng, cô (chú) đợi một lát".

Bao giờ cũng chỉ được nói đúng ba câu như thế. Nó vẫn ước ao có ai quen thân gọi đến để nó được nói đến câu thứ tư, thứ năm, hoặc để "nấu cháo" rủ rỉ cả tiếng đồng hồ như chị cả. Nhưng chẳng có ai gọi điện cho nó cả. Nó nhớ ra là có cho ai số điện thoại bao giờ đâu. Với lại thân phận oshin như nó, nói chuyện điện thoại có khi bà chủ lại chửi cho ấy chứ.

Cũng bởi vì bà chủ đi công tác vắng tận 3 tháng, nên nó mới dám đưa số điện thoại nhà cho thằng Lẫm. Mà nó cũng không có cách nào khác. Nếu không nó có thể chẳng bao giờ gặp lại thằng Lẫm. Nên nó đành phải liều. Nó mong điện thoại thằng Lẫm, nhưng cũng sợ. Sợ nhỡ có ai phát hiện ra, sợ không biết phải nói những câu khác sau ba câu quen thuộc như thế nào?

Sau tiếng alô cố gắng nói nhẹ nhàng theo cách bà chủ dậy, nó nghe tiếng "Anô" cụt lủn giọng đàn ông vang lên khác hẳn với những giọng đã gọi đến ngôi nhà này. Nó hỏi: "Chú gặp ai ạ?". Giọng đằng kia hỏi lại: "Tí đấy à?". Tim nó nhảy lên, chiếc ống nghe nó áp bên tai suýt rơi xuống. Nó nhận ra giọng thằng Lẫm. Nó nói lạc cả giọng: "Ờ, Tí đây!".

Nó nhớn nhác nhìn quanh. May quá, chú đang chăm con bé ở đâu đó trên tầng hai. Còn chị cả thì chắc lại chúi đầu vào Internet rồi. Nó cảm thấy yên tâm hơn. Thằng Lẫm hỏi: "Tí ăn cơm chưa?". Nó đáp: "Vừa ăn xong. Thế anh ăn cơm chưa?". Thằng kia đáp đã ăn rồi. Đến đây thì Tí tịt, không biết phải nói gì tiếp. Văn hoá điện thoại của nó chỉ có ba câu, hơn nữa đầu óc nó quay cuồng vì cú điện thoại quá bất ngờ nên nó không biết phải nói gì.

May quá, thằng Lẫm đã phá vỡ sự im lặng: "Lày, sách tớ đọc xong rồi nhá. Nhưng đếch biết phải trả như thế lào. Tớ phải ở đây một mình trông cái nhà nhà lày. Các anh về quê gặt mùa rồi. Mấy hôm lữa mới nên". Con bé hỏi thằng Lẫm ở đâu. Hoá ra thằng Lẫm vẫn ở Hà Nội, cai đầu dài của nó nhận hoàn thiện một căn nhà đã xây thô. Từ chỗ thằng Lẫm làm đến nhà cô chú khoảng 5 cây số.

Con bé nhẩm tính rất nhanh, chưa bao giờ nó tính nhanh đến thế. Bà chủ đi vắng, nó cũng ít việc. Thằng Lẫm lại ở đằng kia có một mình. Thật đúng là cơ hội có một không ai. Nó sẽ đi thăm thằng Lẫm. Nó vội vã nói: "Để em qua lấy nhá". Thằng kia hỏi: "Biết đếch đường mà đi?". Nó bảo: "Anh ở phố nào. Cho em địa chỉ, em đi xe ôm đến".

Không hiểu giời xui đất khiến thế nào mà một lần nữa nó lại đưa ra giải pháp rất nhanh. Đúng là chỉ có đi xe ôm thì nó mới có thể đến được chỗ thằng Lẫm, chứ Hà Nội nó có biết đường đâu. Thằng kia đọc địa chỉ cho con bé ghi và nhắn thêm: "Nhớ mang cho tớ mấy tờ bóng đá nhá. À mà núc lào đến đới?".

Con bé điểm nhanh lịch trong đầu. Tối thứ Bảy. Không phải vì nó muốn giống các cặp tình nhân đi chơi vào thứ Bảy, mà bởi vì tối đó chị cả không có nhà, còn chú thì chúi đầu xem bóng đá trên VTV3. Tóm lại sẽ không ai để ý tới nó hết.

Câu chuyện điện thoại chỉ kéo dài trong khoảng 1 phút, nhưng sao con bé thấy như nó nói chuyện cả tiếng đồng hồ với thằng Lẫm. Hai đứa trao đổi những lời lẽ rời rạc và cụt lủn, thế mà nó có cảm giác thật dễ chịu, hay hơn những lời mà chúng đã trao đổi mỗi khi con bé cho đồ ăn trên phố.

Hồi hộp chờ đến ngày thứ Bảy, con bé chợt nhớ ra rằng nó có thể sẽ mất đến vài chục nghìn để đi xe ôm. Bét ra cũng phải 10 nghìn đi, 10 nghìn về, vị chi nó mất 2 chục nghìn. Một số tiền không nhỏ buộc nó phải cân nhắc. Nó biết đi xe bíp (nó không nói được từ "buýt") sẽ rẻ hơn, nhưng nó không biết phải lên xuống bến nào.

Thôi chả đi nữa, nó nghĩ bụng. Nhưng đầu óc nó lại hiện lên hình ảnh nụ cười lấp loáng của thằng Lẫm trên phố. Thôi đi gặp anh ấy một tí, nó tặc lưỡi. Nhưng lại tốn đến 2 chục nghìn, số tiền hơn cả một tiền công một ngày làm việc của nó. Thôi đếch đi nữa, có phải chỉ mất 2 chục thôi đâu, lại tốn thêm vài nghìn mua quà cho thằng kia nữa. Thôi, tốn kém quá. Nó quyết định chấm dứt cuộc phiêu lưu tình ái ở đây.

(Còn nữa)

22/11/06

CON TRẺ SỚM QUEN VỚI "PHONG BÌ"



Một đứa cháu hàng xóm đang học lớp 2 về nhà rành rọt kể với tôi sau khi đi dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo VN ở trường về: “Hôm nay mẹ cháu phải chuẩn bị 3 cái phong bì cho các cô, mỗi cái những 100.000đ đấy. Nhưng vẫn ít hơn mẹ bạn Tú Anh. Bạn ý bảo mẹ bạn phải chuẩn bị tới 5 cái, cho cả cô hiệu trưởng và cô hiệu phó nữa cơ!”

Nghe chuyện này, tôi cứ thấy băn khoăn mãi. Từ vài năm nay, cùng những bó hoa, những món quà đơn giản mà các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh giành tặng cho các thầy cô giáo với tất cả tình cảm chân thành giành cho những người “đưa đò” tận tuỵ trong Ngày Nhà giáo VN, như một luật bất thành văn, còn có một món quà nhỏ không thể thiếu được gửi kèm theo - nhưng đôi khi là vật quan trọng nhất - chính là những chiếc phong bì.

Mà điều đáng nói là tình trạng này lại diễn ra khá phổ biến ở cấp tiểu học, từ những lớp học nhỏ nhất. Và vô tình, các em nhỏ khi mới vừa bước chân vào trường học đã phải làm quen ngay với một thói quen rất thực dụng của người lớn: Đó là đưa phong bì.

Nhiều bậc phụ huynh vì ngại cô giáo, lại sợ cô từ chối nên đã đưa phong bì cho con trẻ cùng với những bó hoá để cô giáo khó từ chối “tình cảm chân thành” của trẻ nhỏ. Thế là, dù chỉ mới vài tuổi đầu, con trẻ đã có một khái niệm, một cái nhìn hết sức rõ ràng, rành rẽ về chuyện đưa - nhận phong bì cũng như giá trị và sức nặng của những chiếc phong bì như đứa cháu hàng xóm của tôi.

Và thói quen về một lối sống thực dụng, dùng đồng tiền để giải quyết mọi công việc sẽ ngấm vào đầu óc non nớt, ngây thơ của các cháu và nhanh chóng trở thành một phần tính cách của các cháu. Thậm chí, đã có nhiều cháu đã thẳng thừng tuyên bố trước các bạn: “Cuối năm nay chắc chắn tớ sẽ được học sinh giỏi vì mẹ tớ bảo phong bì của tớ “nặng” nhất!”.

Có thể xuất phát từ việc một vài gia đình khá giả muốn có lời “cảm ơn” đặc biệt trước sự dạy dỗ, chăm sóc tận tình của thầy, cô dành cho con cái mình. Thế nhưng, chẳng ai bảo ai, dần dần, nạn “phong bì” trong trường học lan nhanh như vết dầu loang bởi gia đình nào cũng nghĩ rằng nếu mình mà không có phong bì cho thầy, cô thì con cái mình sẽ phải chịu thiệt thòi hơn các bạn khác. Trong khi đó, từ đáy lòng mình, có thể nhiều thầy cô giáo đều luôn coi tất cả học sinh như nhau, đều dành cho các cháu một sự chăm sóc, một tình yêu thương như nhau mà thôi!

Ngày xưa, khi chúng tôi đi học, thầy cô với học trò thân thiết như cha mẹ với con cái. Trò có thể tâm sự với thầy cô, xin ý kiến của thầy cô về những vấn đề bên ngoài lớp học, những điều mà đối với cha mẹ, các trò không thể hoặc không dám nói. Thậm chí nhiều thầy cô còn sẵn sàng đóng tiền học, giúp đỡ cho những học sinh nghèo.

Mối quan hệ thầy – trò như vậy hết sức trong sáng, không bị vết gợn bởi nạn “phong bì” xen vào nên nó tồn tại thực sự bền lâu và vững chắc. Tôi cũng rất mong muốn con cháu mình sau này sẽ không vì cái “phong bì” mà quên mất những tình cảm quý giá thiêng liêng, sự trân trọng tình nghĩa thầy – trò như lớp học trò chúng tôi thuở xưa.

Nguồn: Blog của Mr. Moon

20/11/06

NHUNG LỤA vs HẠNH PHÚC



Thanh niên ở các nước đang phát triển ít nhất cảm thấy hạnh phúc gấp đôi so với những người bạn cùng trang lứa ở các nước phát triển. Thăm dò toàn cầu của kênh truyền hình ca nhạc MTV Networks International (MTVNI) công bố ngày 20.11 cho hay.

Cuộc thăm dò được MTVNI tiến hành trong 6 tháng với 5.400 thanh niên (trong độ tuổi từ 16 đến 34) ở 14 nước: Argentina, Brazil, Trung Quốc, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Nam Phi, Thuỵ Điển, Anh và Mỹ. Nội dung mà MTVNI hỏi là thanh niên quan niệm như thế nào về an toàn, họ có hoà nhập với xã hội không và họ nghĩ gì về tương lai.

Một kết quả khiến người ta phải giật mình là chỉ có 43% người được hỏi trả lời rằng họ cảm thấy hài lòng với cuộc đời của mình, trong đó thanh niên Ấn Độ cảm thấy hạnh phúc nhất, còn thanh niên Nhật Bản cảm thấy họ thật khốn khổ. Chỉ có 8% thanh niên nước này thích thú với cảnh nhung lụa.

Căn cứ vào kết quả thăm dò của MTVNI thì không chỉ có thanh niên Nhật Bản phải chịu cảnh bi đát, mà thanh niên ở những nước phát triển khác cũng có suy nghĩ tương tự. Anh và Mỹ, hai trong số những nước phát triển nhất thế giới, chưa đầy 30% thanh niên cho biết họ cảm thấy hạnh phúc.

"Tại những nước đang phát triển, kinh tế đang có đà tăng trưởng, bạn có thể thấy một cách logic là nơi đó phải có tinh thần lạc quan và cảm giác tích cực” – ông Bill Roedy, Giám đốc MTVNI, nhận xét.

Những nguyên nhân khiến thanh niên các nước phát triển không hạnh phúc xuất phát từ mối lo lắng về công ăn việc làm và áp lực phải thành công. Tâm thế chung của họ là tinh thần bi quan.

Ở Nhật Bản thanh thiếu niên đều phải chạy đua với việc học tập để lọt được vào các trường đại học danh tiếng, rồi từ đó mới có được việc làm tử tế. Khi đã có việc làm thì họ lại phải tiếp tục chạy đua để có được thành công và không bị mất việc.

Ngược lại, cuộc sống của thanh niên ở các nước đang phát triển không được đầy đủ như thanh niên các nước phát triển, nhưng họ lại có được niềm tin và sự lạc quan vào một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Sau Ấn Độ, Trung Quốc là nước có tỷ lệ thanh niên lạc quan rất cao với 84%. Tiếp theo đó là các nước Argentina và Nam Phi, với 75% thanh niên hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Thuỵ Điển (một trong những nước đứng đầu thế giới về thu nhập bình quân đầu người và có mạng lưới an sinh xã hội tốt nhất thế giới) và Brazil (nơi bạo lực trong thanh niên khá cao), là hai nước đứng chót danh sách với tỉ lệ thanh niên hạnh phúc rất thấp.

Tại các nước phát triển, thanh niên đặc biệt bi quan về tiến trình toàn cầu hoá. Có đến 95% thanh niên Đức nghĩ rằng toàn cầu hoá sẽ thiêu trụi nền văn hoá của họ. Trong khi đó thanh niên tại các nước đang phát triển lại có thái độ cởi mở hơn đối với toàn cầu hoá. Họ cũng lạc quan hơn về viễn cảnh kinh tế và tự hào hơn về dân tộc của họ.

Theo bản báo cáo của MTVNI, một trong những trào lưu mà họ phát hiện ra trong giới trẻ đó là thanh niên ngày một được tiếp xúc với báo chí nhiều hơn, nhưng họ lại cảm thấy bất an hơn, bởi họ không có kỹ năng nhận thức để diễn giải những nguy cơ thực.

Tại Anh, hơn 80% thanh niên cho rằng hai điều mà họ sợ nhất là khủng bố và bị ung thư. Khủng bố tuy mơ hồ nhưng là nguy cơ thực, còn ung thư tuy tồn tại thực tế nhưng không phải ai cũng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này.

19/11/06

BÁC HU MẶC ÁO DÀI ĐẸP NHẤT



Bà con thấy bác Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) mặc áo dài có đẹp không?

Những người đàn ông quyền lực nhất thế giới. Họ mặc áo dài Việt Nam với triết lý Việt: Quân tử, hoa sen và chữ nhân.

Tôi thực sự thích hình ảnh bà Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo trong tà áo dài màu hồng. Trông bà thật đẹp như một phụ nữ Việt Nam nho nhã và thanh tao.

Áo dài Việt Nam lâu nay gắn liền với vẻ đẹp thướt tha của người phụ nữ Việt. APEC đã khiến cả thế giới phải biết đến áo dài như một biểu tượng của quyền lực với dấu ấn văn hoá Việt.

Vậy tại sao đàn ông Việt không sắm cho mình ít nhất một chiếc áo dài như vậy?

Để mặc trong những dịp thật trang trọng, để tôn vinh văn hoá và triết lý Việt mỗi nơi có dấu chân của một người con mang dòng máu Việt?

Nếu bạn là đàn ông, bạn có mặc áo dài không?

Nếu bạn là phụ nữ, bạn có đồng ý để những người đàn ông thân yêu nhất của bạn mặc áo dài không?


17/11/06

BÒ SƯỚNG HƠN NGƯỜI



Trưa nay tôi có bữa ăn khá thú vị với một vị khách Nhật tại nhà hàng Ren ở 8A phố Hàng Cháo.

Mọi người nói chuyện trên giời dưới biển: từ chính trị đến kinh tế, từ văn hoá đến manga (chuyện tranh Nhật Bản). Tôi phát hiện ra trong phát ngôn tiếng Nhật của vị khách khả kính nhất (có vị trí cao, tuy tuổi mới ngoài 40 một tí) rất nhiều từ tiếng Anh. Nào là hightech, IT park, nào là arrange, jumbo jet, national identity... Vị khách cho biết pha từ tiếng Anh vào ngôn ngữ Nhật đã không còn là mốt nữa, mà là hiện tượng phổ biến và mọi người chấp nhận. Ngay cả bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Shinzo Abe mới đây cũng rất nhiều từ tiếng Anh.

Các vị khách Việt Nam ồ lên. Thôi từ nay không chỉ OK, byebye, hi, wow, mà còn có thể dùng nhiều từ tiếng Anh khác mà không phải lo là lai căng nữa. Tiếng Nhật tượng hình còn pha trộn tiếng Anh, nữa là tiếng mình đã được latinh hoá.

Câu chuyện giữa người Việt và người Nhật rất sôi nổi. Tóm lại có 2 chuyện vui vui kể ra đây hầu mọi người.

Câu chuyện thứ nhất

Một anh người Pháp có vợ là người Việt. Anh này rất thích xem truyện tranh. Khi anh sang Việt Nam nghỉ hè, chị vợ có nhờ một anh bạn người Việt take care. Anh này đưa tay người Pháp đi ăn. Hai người giao tiếp bằng tiếng Anh.

Cuối bữa ăn, anh người Việt nói: "Ông thưởng thức món xoài VN nhé". Anh Pháp gật đầu, ăn uống no nê rồi chia tay. Vài ngày sau, anh người Việt nhận được thư của chị vợ anh Pháp. Chị viết: "Chồng em rất hài lòng về sự đón tiếp của anh ở Hà Nội. Anh ấy còn cảm động là anh biết anh ấy thích chuyện tranh. Nhưng sao anh hứa tặng chuyện tranh VN cho anh ấy mà lại không đưa?"

Anh người Việt ngồi ngẩn ra: "Mình hứa tặng thằng Pháp truyện tranh hồi nào nhỉ". Nghĩ một lúc thì anh phát hiện ra, anh mời người Pháp ăn xoài "mango", nhưng trong đầu anh Pháp lúc nào cũng chỉ có "manga" (truyện tranh), nên bé cái nhầm.

Câu chuyện thứ hai

Ở Nhật Bản có loại bò nuôi cho thịt ngon rất nổi tiếng là bò Kobe. Con bò này được nghe nhạc giao hưởng, được uống bia. Và tuyệt nhất là nó được mát xa để cho thịt ngon. Vị khách Nhật khả kính của tôi nói vài năm trước ông không dám tự đi ăn món này, vì giá quá đắt. Ông chỉ đi nếu có vị đàn anh nào đó rộng rãi bao.

Có lần các ông ăn thịt của con bò đã chiến thắng trong một cuộc đua với giá lên đến 700 USD/suất. Con bò oai hùng như thế, nên chủ nhà hàng mang đến cả ảnh của nó và giấy chứng nhận nó đã đoạt giải. Tôi hỏi: "Thế những thực khách ăn con bò ấy có được cấp giấy chứng nhận không?". Vị khách cười: "Không, tôi thấy hối hận vì đã chén thịt vị anh hùng!"

Một người Nhật trẻ hơn thở dài, ở bên Nhật anh ở trong căn hộ bé tí. Đi làm bằng tầu hoả, lúc nào cũng tất bật. Làm hùng hục từ sáng sớm đến tối muộn. Tóm lại chẳng có lúc nào được nghe nhạc cổ điển. Bia thì cũng chẳng có lúc nào để uống. Còn mát xa thì tuyệt nhiên không hề biết đến: "Tóm lại, con bò Kobe còn sướng hơn tôi - Tokyo man!".

Từ 6 tháng nay anh ở Hà Nội. Một mình sống trong ngôi biệt thự 3 tầng rộng mệnh mông trên Hồ Tây. Giao hưởng được nghe live ở Nhà hát Lớn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Tetsuji Honna. Bia thì vô tư, từ Tiger, Heineken, Halida, Hà Nội đến bia tươi Đức, bia tươi Tiệp. Còn mát xa thì... vô biên. "Thịt tôi giờ chắc ngon lắm. Hanoi man mà!" - người Nhật trẻ kết luận.

16/11/06

HOA HẬU, HOA VƯƠNG KHIẾM THÍNH



Chàng trai và cô gái trong ảnh là ai mà đẹp đẽ và xinh xắn vậy?

Đấy là hai người đã đoạt giải Hoa hậu và Hoa vương thiếu niên khiếm thính toàn nước Mỹ năm 2001. Trông họ như vừa thắng lợi ở một cuộc thi siêu mẫu.

Nhưng tại sao tôi lại đề cập vấn đề này???

Sáng nay, khi vừa đến cơ quan và tự pha cho mình cốc càphê hoà tan, tôi nghe tiếng gõ cửa rụt rè. Cửa mở và bước vào phòng là nữ biên tập viên mới chuyển về ban.

Cô nhìn tôi ánh mắt buồn rười rượi: "Em có thể gặp anh một lát được không?"

Tôi mời cô ngồi. Và chỉ vừa ngồi xuống phía bàn đối diện, cô đã gục xuống góc nức nở. Tôi đẩy hộp khăn giấy về phía cô. Vừa lau nước mắt, cô vừa nghẹn ngào kể: Hoá ra đứa con bé bỏng 10 tháng tuổi của cô bị khiếm thính bẩm sinh.

Đó là một đứa bé xinh xắn, hiếu động, lúc nào cũng cười khanh khách. Mười tháng nó cũng bi bô với bố mẹ, nhưng tất nhiên chưa biết nói. Vợ chồng cô sinh nghi, khi thấy nó hầu như không phản ứng với âm thanh, chỉ phản ứng với những gì diễn ra trong tầm mắt.

Hôm qua vợ chồng cô đem con đến Viện tai mũi họng trung ương. Ở đó, bằng các dụng cụ đo thính giác, các bác sĩ đã phát hiện ra sự thật.

Trời đất như quay cuồng và đổ sập trước mắt cô. Đứa bé xinh xắn kia đang phải đối mặt với nguy cơ là không thể nói được. Cô truy tìm nguyên nhân và tự buộc tội mình. Khi cô có thai 15 tuần, cô đã bị sốt phát ban, nhưng cô chủ quan cho đó là rubella, không ảnh hưởng gì. Cô nức nở: "Tại em, tại em hết!"

Theo tôi cô không nên tự kết tội mình như vậy. Sống trong bầu không khí bị ô nhiễm của đô thị hiện đại, thiếu gì điều có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của một bào thai. Đứa trẻ bị khiếm thính đúng là điều đáng buồn, điều mà chắc chắn không một bậc cha mẹ nào mong muốn.

Nhưng cuộc sống không phải đến đó là chấm hết. Khoa học hiện đại có thể tạo ra những phép mầu. Với máy trợ thính đeo sớm, khả năng nói được của cháu bé không phải ngoài tầm với. Nhưng vợ chồng cô sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả. Tôi chia sẻ với cô và mong gia đình cô sẽ vượt qua thử thách nghiệt ngã của số phận.

Hồi học phổ thông, tôi có một cô bạn thân cũng có em trai bị khiếm thính bẩm sinh. Đó là một cậu bé rất đẹp, khoẻ mạnh và thông minh. Nó là niềm tự hào của cả gia đình vì học rất giỏi. Nó có thể đọc môi người đối thoại. Chỉ có điều tình tình nó đôi khi hơi cục, vì không được người khác hiểu đầy đủ. Giờ đây, nó đã lớn, đã lập gia đình và đã có một đứa con xinh xắn, không hề bị khiếm thính.

Hy vọng đứa con của đồng nghiệp tôi, do được phát hiện sớm, sẽ có thể nói được. Chúc cháu một tương lai tươi sáng và đẹp đẽ. Và nếu có một ngày nào đó, cháu đứng trên bục cao nhận một giải thưởng, thì chắc hẳn chúng ta sẽ chẳng hề ngạc nhiên.

Nửa ngày sau khi post bài này lên blog, tôi nhận được tin nhắn sau từ một blogger:

Em có biết một vài người thực việc thực đã chữa được bệnh câm điếc bẩm sinh nhờ một phương pháp dân gian. Nhưng không hiểu chị đồng nghiệp của anh có tin tưởng không.Cứ thử xem thế nào, có bệnh thì vái tứ phương phải không anh?
Đó là phương pháp Dưỡng sinh tâm thể ạ
Địa chỉ: 48 Trần Duy Hưng ĐT:7841296
Anh cho em gửi lời hỏi thăm đến chị ấy!

Bạn TL thân mến, tôi post tin nhắn này của bạn lên đây với hy vọng rằng, nó có thể giúp được cả những người khác. Tôi đã chuyển thông tin quý báu này của bạn đến người đồng nghiệp của tôi. Cô ấy rất xúc động và gửi lời cảm ơn bạn.

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết