31/3/11

"VĂN HÓA" BÁO MẠNG



Câu hỏi cho một số bạn phóng viên “văn hoá”

Các bạn ạ, mấy hôm nay hoang mang quá, tôi bèn giở từ điển tiếng Việt ra, thấy có cả thảy năm nghĩa về “văn hoá”:

1. Tổng thể giá trị vật chất tinh thần do con người sáng tạo trong quá trình lịch sử.

2. Những hoạt động của con người nhằm làm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần.

3. Tri thức, kiến thức khoa học.

4. Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh.

5. Nền văn hoá của một thời kỳ lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau.

Tôi hoang mang là vì tất cả các mục có tên gọi là “văn hoá” trên nhiều tờ báo mạng không hề thuộc khoản nào trong năm mục định nghĩa trên.

Nhưng một người quen tôi bảo, sai rồi, thuộc năm mục cả ấy chứ. Đây này:

1. Cung cấp tin diễn viên, ca sĩ mua xe gì, túi gì, thuộc mục một.

2. Cung cấp tin có gì trong váy của ca sĩ, nghệ sĩ; cầu tiêu nhà nghệ sĩ thì thơm hay hôi đến mức nào… thuộc mục hai.

3. Tìm hiểu nghệ sĩ có bơm ngực bơm mông không, công nghệ nào là thuộc mục ba.

4. Cung cấp tin nghệ sĩ lăng mạ nhau, thắc mắc về mức độ “văn minh” của một số ca sĩ, diễn viên… là thuộc mục bốn.

5. Lâu lâu đăng những bài gần như giống hệt nhau mỗi khi có nghệ sĩ lìa đời (mà khi họ còn sống thì không hề có bài nào cho biết họ đang làm gì, sống ra sao) là thuộc mục năm.

Các bạn phóng viên mục văn hoá ơi, một số nghệ sĩ quen biết nói với tôi rằng ngoài chuyện lù mù về định nghĩa “văn hoá” trên báo mạng, còn vấn đề tác nghiệp cũng không biết có thể gọi là “văn hoá” không.

Thí dụ họ đang đứng trên sân khấu hát (ở tư thế là đã cao hơn đầu các bạn), các bạn đứng bên dưới, chĩa ống kính lên thì làm sao mà họ khép chân cho kịp, thế là thành một bài “lộ hàng”.

Họ đang ở trong toilet, phòng thay đồ, các bạn xông vào, chĩa thẳng, họ cũng không khép chân lại kịp (lại cũng thành một bài “lộ hàng” nốt, nhưng có bạn phóng viên còn hỏi ngây thơ, lộ hàng thật hay lộ hàng giả).

Chuyện họ mặc áo hở ngực hay không mặc áo ngực đi ngoài đường, tưởng chỉ có chồng họ thắc mắc thôi, có ai ngờ các bạn lại quan tâm, đứng sau gốc cây quan sát, rồi cho vào cái gọi là bản tin an toàn giao thông.

Họ giận nhau, chửi nhau trên Facebook, trên blog, chơi đùa hay nghiêm trọng, là chuyện riêng của họ, có ngờ đâu các bạn phóng viên đọc hết, chép lại y chang, thành bài – thêm vào dấu chấm hỏi, bảo thế là có thật không, thế là có văn hoá không?

Rồi lúc họ đang bị vợ bỏ, chồng bỏ, mất của…, thấy có người đưa khăn cho chùi nước mắt, họ mủi lòng khai chuyện, làm sao biết được các bạn đi đăng báo, rồi quay lại mắng họ “rẻ tiền”, mắng là showbiz của họ nhiễu loạn.

Tóm lại tác nghiệp như thế thì gọi là gì bây giờ? Du kích? Tổng công kích? Nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, người mẫu... chân yếu tay mềm làm sao đỡ nổi sự nhanh nhẹn và mưu trí của các bạn bây giờ?

Tôi thì nghĩ rằng người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm hành vi của mình. Ai mượn thay đồ không chốt cửa cho phóng viên xông vào làm chi. Ai mượn đi hát mặc váy ngắn lại đứng gần mép sân khấu có phóng viên rình sẵn làm chi. Ai mượn yêu nhau rồi bỏ nhau, chửi nhau như người thường làm chi… Được lăngxê rồi bị vùi dập là hai mặt gắn bó của chữ “nổi tiếng”, không nên khóc lóc nhiều. Nhưng tôi hoang mang đến nỗi phải tra từ điển là vì bản chất mục “văn hoá” trên các báo mạng hoá ra lại toàn những chuyện như thế. Nếu có nói chuyện nước ngoài thì cũng chỉ đến Lady Gaga mặc gì, Britney chở con không cài dây an toàn, bà Beck chườm chân nước đá vì đi giày cao gót…

Hồi trước đại lễ nghìn năm Thăng Long có bàn nên chôn cái gì xuống đất, nghìn năm sau đào lên còn biết văn hoá đời nay. Nếu căn cứ vào những gì các mục “văn hoá” nhiều báo mạng hay nói tới nhất, nên chăng chôn theo một ít áo hở ngực “bạo”, váy xẻ cao “quá táo bạo”, vài bộ ngực “khủng”, cho người đời sau biết cái gì đang bao trùm văn hoá mạng nước nhà.

CH.E

Nguồn:
Câu hỏi cho một số bạn phóng viên “văn hoá”



30/3/11

MẸ ĐI BỘ VÌ CON



Vì sao lại đi bộ ư? Khi mà mọi người đã ra về hết cả? Mẹ có thể nghĩ ra hàng nghìn câu trả lời. Là bởi người mẹ cần bước ra khỏi những tự ti và xấu hổ. Bởi người mẹ cần bước đi để thoát ra khỏi cái vỏ ốc đã âm thầm bao bọc lấy mẹ từ ngày con được chẩn đoán. Vì người mẹ cần bước đi để được cảm nhận mình không lẻ loi, không cô độc. Và trên hết, bởi đi bộ vì con!

Thấm thoắt lại sắp đến tháng 4, sắp tròn một năm kể từ ngày tổ chức buổi Đi bộ vì Con lần thứ nhất.

Mẹ vẫn nhớ đã khóc khi đọc tâm sự của mẹ Dưa trước ngày đi bộ: Xưa mẹ yêu tháng tư vì có hoa loa kèn. Giờ đây, mẹ thêm yêu tháng tư vì có ngày thế giới nhận biết về chứng tự kỷ 2/4, có ngày Đi bộ Vì Con…

Ngày hôm đó, đông lắm. Từ sớm, đã đông lắm rồi. Ai cũng tâm sự là tối qua hầu như thức trắng, ờ, cái cảm giác có khi giống như … đêm trước khi cưới ấy nhỉ. Các bố mẹ đến sớm tờ mờ để bày biện, rà lại công việc, các nhóm tình nguyện viên “ưu tú” đến hỗ trợ hậu cần, nhóm dựng sân khấu của nhà thầu… Một màu da cam tràn đầy không gian dưới tượng đài Vua Lý Thái Tổ, phông màu da cam, áo đồng phục ban tổ chức màu da cam, áo và mũ đồng phục diễu hành cũng đậm màu da cam trên nền trắng… Một mẹ nhanh chân được giao ngay nhiệm vụ mua đồ ăn sáng cho cả nhóm khi trời bắt đầu sáng rõ, rõ đến mức nhìn thấy được những cái dạ dày trống rỗng đang hò la…

Rồi mọi thứ cũng xong xuôi, khai mạc, giao lưu, văn nghệ… Khi đoàn người bắt đầu diễu hành, từng đoàn, từng tốp nối tiếp nhau trải dài trên phố, nhóm mẹ vẫn còn tíu tít với những việc được giao và cả những việc phát sinh. Chỉ cho đến khi tuyên bố bế mạc, đoàn người các tốp người dãn xa dần, cả bọn mới bần thần rồi tự nhiên ôm nhau khóc. Ôi, thành công, sao mà nó thật giản đơn và ngọt ngào!

Rồi có một mẹ dắt tay một bé trai đi tới, ngơ ngác nhìn quanh. Khổ thân, sao mẹ con đến muộn thế, mọi người đã đi bộ và đã về rồi. Ngần ngừ một giây, người mẹ quả quyết mở túi lấy cái áo đồng phục đi bộ ra mặc vào cho hai mẹ con. “Chị chụp giúp em mấy kiểu ảnh nhé!” “Tất nhiên rồi, hai mẹ con cười nào!” Dĩ nhiên, mẹ sẽ cười toét, còn con thì vô tư nhìn đi hướng khác, con … vốn là thế mà, có thể gọi là kém giao tiếp mắt. Cầm lại máy ảnh, người mẹ ngoắc tay con và hai mẹ con bắt đầu đi bộ!

Vì sao lại đi bộ ư? Khi mà mọi người đã ra về hết cả? Mẹ có thể nghĩ ra hàng nghìn câu trả lời. Là bởi người mẹ cần bước ra khỏi những tự ti và xấu hổ. Bởi người mẹ cần bước đi để thoát ra khỏi cái vỏ ốc đã âm thầm bao bọc lấy mẹ từ ngày con được chẩn đoán. Vì người mẹ cần bước đi để được cảm nhận mình không lẻ loi, không cô độc. Và trên hết, bởi đi bộ vì con!

Cũng chẳng dễ dàng lần đầu tiên đưa con đi công khai để tuyên truyền hai chữ tự kỷ. Sự thực con mắc tự kỷ là mười mươi, nhưng lòng người mẹ sao thật nhói đau, lần đầu đưa con đi là thế, nhưng lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ “n” sẽ vẫn cứ thế thôi.

Đầu giờ chiều, cậu Cường gọi điện: vẫn thấy bóng áo mũ da cam trên phố đấy! Cả trên xe buýt cũng nhiều. Cứ mươi mét lại gặp màu da cam. Nhiều thật!

Mẹ con cùng xuống đường.
Hình ảnh từ cuộc đi bộ năm 2010.

Năm nay, mọi việc cũng suôn sẻ hơn phần nào, nhưng cũng luôn chứa đựng sự bất ngờ của nó. Có giây phút chỉ muốn nhảy cẫng lên, lao đến cơ quan hoặc nhà mẹ nào đấy để ôm nhau thật chặt; cũng có lúc thấy lâng lâng; và có những tiếng thở phào… Cuối cùng, mọi thủ tục xin phép và phân công nhân lực các nhóm việc cũng đã xong..

Bố Hiệp vẽ một cái phông thật đẹp, bóng một thằng bé lẻ loi, một tay giơ lên cao, nửa chới với nửa như ngần ngừ, thì các con nhiều khi vẫn thế. Xa xa, con đường uốn cong, hẹp dần, hẹp dần, chạy đi xa mãi. Thằng bé đó thật giống con, về thể chất, con vẫn cứ lớn lên theo năm tháng, trong khi những lựa chọn dần dần nhỏ hơn, nhỏ hơn nữa… Con đường vẫn xa, vẫn uốn lượn, vẫn nửa trong tầm tay và nửa ngoài tầm tay.

Nhưng quan trọng hơn, thằng bé đó đang giơ tay và hướng về phía ánh sáng. Cũng thật giống như con, vẫn ngày ngày học thêm từng điều bé tí teo trong cuộc sống, vẫn cố gắng nhích từng centimetre để hòa nhập với cuộc đời.

Những đứa trẻ tự kỷ trong sáng hơn bao giờ hết, vì các con suy nghĩ thật ngây thơ không chút dối lừa. Những đứa trẻ có thể được ví von là “người ngoài hành tinh” khép kín và cô độc, nhưng mẹ hiểu rằng, có lẽ nhìn bên ngoài con bất đắc dĩ phải tỏ ra như vậy vì con có khác biệt về xử lý thông tin của não ảnh hưởng đến cách hành xử ra ngoài, đơn giản như con khó có thể nhìn vào mắt ai đó muốn bắt chuyện với con vì có lẽ nhìn vào mặt người khác với vô vàn thể hiện cảm xúc thay đổi có thể làm con rối trí, không thể tập trung…

Nhưng sâu thẳm trong lòng, con rất muốn được yêu thương và khát khao được giống mọi người. Có thể nhìn từ ngoài vào, con đúng là “người ngoài hành tinh”, nhưng chắc chắn con là một người ngoài hành tinh rất cố gắng hòa nhập với thế giới này. Con đã và đang cố gắng rất nhiều, cho dù khoảng cách so với mốc chuẩn có tăng lên theo năm tháng. Mẹ con mình đều hướng về ánh sáng, về những hy vọng tốt đẹp nhất cho con.

Năm nay, gam màu chủ đạo đã chuyển sang màu xanh lục và xanh cửu long. Ban tổ chức cũng cố gắng dành một khoản trong ngân sách khiêm tốn để in thật nhiều mũ, đủ cho mỗi người tham gia diễu hành. Màu xanh cũng là màu của hy vọng. Là màu con yêu thích, dù cũng chỉ ngọng ngịu: “màu xenh!”

Mỗi lần nghĩ đến đi bộ, mẹ lại nhớ đến câu này: “Hãy đến và cùng chúng tôi dắt những cánh tay bé nhỏ bước đi trên đường phố. Chúng tôi không đủ sức tạo ra một thế giới thân thiện cho đứa con khuyết tật của mình, nhưng nếu các bạn giúp đỡ và đồng hành, thì điều đó sẽ trở thành có thể.”

Vâng, hãy đến cùng chúng tôi ngày 2/4/2011 tại Quảng trường SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội!


Hà Dương
CLB Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội


Entry liên quan
ÂM THANH VÀ CUỒNG NỘ
24 GIỜ THAY ĐỔI NHẬN THỨC
THƯ CỦA CÔ GIÁO DẠY TRẺ TỰ KỶ
MÁI TRƯỜNG NÀO CHO TRẺ TỰ KỶ?

Tham khảo:
CLB GIA ĐÌNH CÓ TRẺ TỰ KỶ HÀ NỘI
TỰ KỶ CŨNG BÌNH THƯỜNG THÔI, NẾU...
ĐI BỘ VÌ TRẺ TỰ KỶ 2/4/2011



29/3/11

SINH VIÊN HÀN QUỐC KIỂU MỚI (2)


Tại một phòng thi đại học ở Hàn Quốc

Một nghề chuyên môn mới ra đời: làm công tác tuyển sinh

Đại học Quốc gia Seoul, trường đại học công lập trọng điểm của đất nước, là một trong những trường đầu tiên bắt đầu áp dụng cơ chế tuyển sinh mới. "Khi mới bắt đầu, chúng tôi thậm chí còn không có chức danh thích hợp. Chúng tôi được gọi là chuyên gia nghiên cứu," theo lời Lee Seung Yeon, một viên chức của văn phòng tuyển sinh bắt đầu làm việc tại Đại học Quốc gia Seoul từ năm 2001. Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, nhờ sự giúp đỡ của các nhà tư vấn từ ĐH California - Berkeley và ĐH Cornel, các nhà tuyển sinh cùng nhau xây dựng một phương pháp để xem xét tuyển sinh không chỉ dựa trên điểm số hoặc trình độ giáo dục mà còn dựa trên chất lượng chuẩn bị hồ sơ của các thí sinh.

Ngày nay đại học có 24 nhà tuyển sinh và một toà nhà độc lập. Phác thảo về các thiết bị hiện đại trong tương lai được treo tại văn phòng trưởng khoa. Văn phòng điều phối một hệ thống thông tin phức tạp theo ba định hướng tiêu chí trong việc tuyển chọn 3.000 sinh viên hàng năm.

Định hướng tiêu chí chủ đạo cho phép sinh viên thể hiện sức mạnh của mình hơn là yêu cầu họ đạt điểm cao nhất trong mọi môn học. Hầu hết các thí sinh vẫn tham gia làm bài thi vào cao đẳng, nhưng họ được đánh giá dựa vào trình độ, bài giới thiệu tiến cử, các bài luận, và các tài liệu để thể hiện tài năng hoặc mối quan tâm về các lĩnh vực của họ.

Định hướng thứ hai nhằm đa dạng vùng miền bằng việc xem xét các sinh viên với điểm cao nhất ở mỗi trường trung học của Hàn Quốc, và nhà nước khẳng định các sinh viên này sẽ sớm được áp dụng các tiêu chí tuyển sinh mới khác nữa. Và định hướng thứ ba cân nhắc về điểm trung bình theo truyền thống và qua cuộc thi đầu vào của trường đại học. Vậy nên, trong khi một số sinh viên đang tìm kiếm sự xem xét trên những tiêu chí đặc biệt thì những sinh viên khác vẫn đang cặm cụi học suốt ngày đêm để làm sao đạt điểm kiểm tra cao nhất có thể.

Thông qua quá trình mở rộng tiêu chí tuyển sinh, các nhà tuyển sinh nói, họ đã nhận tuyển vào các trường đại học hàng đầu của đất nước những sinh viên vốn không thể được chấp nhận nếu căn cứ theo cơ chế tuyển sinh trước đây. Một số sinh viên gặp khó khăn trong những năm đầu nhưng sau đó lại trở nên thành công, hay một số là những học sinh đầu tiên của một tỉnh trong vòng 30 năm nay vào được nhóm các trường đại học hàng đầu, họ đến từ các trường trung học các tỉnh vùng nông thôn nơi có ít cơ hội tiếp cận với hình thức học phụ đạo tư nhân phổ biến như ở Seoul.

Các trường đại học đã phải giới thiệu hệ thống giảng dạy và các lớp học ở trình độ vừa phải hơn và hệ thống phụ đạo cho những em không theo kịp. Nhưng các nhà tuyển sinh tin rằng họ đang nhận vào nhiều hơn những sinh viên thực sự quan tâm về lĩnh vực của mình thay vì chạy đua theo uy tín bằng cấp. Nuôi trồng phẩm chất tò mò trí tuệ cũng là một ưu tiên hàng đầu mới của các trường đại học, với mong muốn thu hút được các nhà lãnh đạo tiềm năng của tương lai.

Hàn Quốc đang nỗ lực giải quyết điều nghịch lý được thể hiện qua các kỳ thi tầm quốc tế: trong khi kỹ năng của các sinh viên Hàn Quốc được xếp vào hạng cao nhất trên thế giới, các kết quả khảo sát lại chỉ ra rằng, sự hứng thú hay lòng tự tin của họ trong toán học hoặc khoa học là thấp hơn hẳn so với mức trung bình.

"20 hoặc 30 năm trước đây, chúng tôi cần những sinh viên có thể học được một số thứ và bám theo được lối mòn mà các nước tiên tiến tạo ra. Nhưng bây giờ Hàn Quốc đã trưởng thành, và chúng ta không nên chỉ đơn giản đi theo sau những gì người khác đã làm. Chúng ta cần những con người mới với óc sáng tạo mới," nhận định từ Seon Moon Suk, một cán bộ tuyển sinh tại Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Hàn quốc, hay còn gọi là Kaist, tại trường đại học nghiên cứu khoa học công nghệ đầu ngành của quốc gia. Kaist đã sớm mở rộng cơ chế tuyển sinh. Bài kiểm tra đầu vào của trường đã trở thành không bắt buộc từ cách đây hơn một thập niên trước, và các sinh viên được đánh giá dựa trên các cuộc phỏng vấn, điểm số, và các nhận xét đề cử.

Nhiều sinh viên đến từ các trường trung học chuyên, nơi mà họ tập trung vào nghiên cứu và có thể tốt nghiệp sớm một năm và được nhận thẳng vào đại học mà không cần thi đại học.Vào năm 2008, Kaist bắt đầu thuê các chuyên gia tuyển sinh để xây dựng hệ thống mô hình để đánh giá hồ sơ cho các thí sinh từ các trường trung học đại chúng.

Mỗi trường đại học đang thực hiện theo một hệ thống riêng. Một số yêu cầu thi tuyển qua hệ thống thi của quốc gia hay các bài kiểm tra chuẩn hoá khác, như là Toefl; một số trường khác thì không.

Hầu hết các chuyên gia tuyển sinh cho biết họ đang tìm kiếm những sinh viên có thể suy nghĩ độc lập và không phụ thuộc nhiều vào gia sư riêng. Nhiều người tin rằng việc học thêm quá nhiều theo sự hướng dẫn của gia sư gây ra lối học thụ động và chỉ tập trung đối phó với thi cử.

"Chúng tôi muốn gửi một thông điệp mới rằng nếu bạn học hành chăm chỉ ở trường và biết tận dụng lợi thế tại trường của bạn, bạn có thể thành công," khẳng định từ Jung Hee An, một nhà tuyển sinh tại trường Đại học Ewha Womans, nơi mà một phần tư lớp sinh viên năm thứ nhất được lựa chọn căn cứ theo một đợt kiểm tra bao quát toàn diện hơn.

Trong khi các thí sinh đại học làm bài, mẹ của họ sẽ đến chùa cầu cho họ thi tốt.

Tư duy học thuật kiểu cũ vẫn giữ vai trò chủ đạo

Các trường đại học đang yêu cầu các trường trung học công lập cải cách để chuẩn bị cho học sinh một hành trang toàn diện hơn, tạo ra những con người tự lập hơn. Nhưng đây là một đòi hỏi thay đổi quá lớn cho một hệ thống tuyển sinh được xây dựng quanh một kỳ thi sinh tử, trong đó có vai trò tham gia ngày càng tăng của các trường tư. Tại nhiều trường học ở Seoul, các sân thể thao và lớp học vắng tanh sau tiếng chuông cuối cùng, vì tất cả sinh viên vội vã đến với các gia sư riêng hoặc các trường luyện thi, nơi họ chuẩn bị cho kỳ thi vào trường đại học.

Chính phủ đang đẩy mạnh viện trợ cho các trường để thu hút học sinh đến với các hoạt động ngoài giờ. Nhưng trong nỗ lực nhằm cạnh tranh với trường luyện thi và cạnh tranh lẫn nhau (điểm chuẩn các bài thi của từng trường được công bố công khai), nhiều trường công lập đang tập trung nguồn hỗ trợ này vào các môn học chủ đạo như tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh, và toán học, và chấp nhận hi sinh các môn thể thao và mỹ thuật.

Yu Hwa Young, người sẽ bắt đầu học tại trường ĐH Sogang vào tháng ba, nói, cậu ta đã tham gia vào tờ báo ở trường trung học Posung, nhưng ở trường cũng có câu lạc bộ khác để tham gia. Cậu ta cũng tham dự nhiều hoạt động ở các nơi khác. Cậu đăng ký tham gia tại một học viện đặc biệt được thiết kế cho các sinh đăng ký theo các chương trình nghiên cứu về quốc tế. Trong suốt khoá học hai buổi mỗi tuần, cậu ta được nghe bài giảng về các vấn đề quốc tế và kinh tế, và được cho đọc sách giáo trình của Thomas L. Friedman và Noam Chomsky. Khoá đào tạo đã giúp cậu ta hình thành các quan điểm về các vấn đề quốc tế then chốt, và cung cấp cho cậu sự chuẩn bị quý báu cho cuộc phỏng vấn vào trường đại học.

Yu sống ở nước ngoài trong suốt ngững năm học trung học để học tiếng Anh, và cha mẹ của cậu ta cũng thuê gia sư để giúp cậu cải thiện điểm thi Toefl nhiều tháng trước kì thi. Yu cho biết: "Các trường cao đẳng thì nói họ không muốn điểm số cao, nhưng điểm cao vẫn luôn tốt hơn."
Trong khi các trường trung học công lập đang từ từ thay đổi, các trường tư lại nhanh chóng thích nghi với tư duy "chính thống" mới. Một danh mục các dịch vụ tư vấn và các học viện chào mời học sinh các cơ hội tình nguyện miễn phí, các khóa đào tạo chuẩn bị cho các cuộc thi quốc gia được tổ chức nhằm cải thiện hồ sơ đăng ký đại học của học sinh, và cung cấp lời khuyên học sinh nên xây dựng một hồ sơ cá nhân gồm điểm trung bình học kỳ, điểm bài thi, và tham gia các hoạt động như thế nào thì sẽ mang đến thành công.

Sự bùng nổ mới nhất này ở khu vực giáo dục tư nhân đang thổi bùng lời chỉ trích rằng, sự can thiệp của các nhà tuyển sinh đang làm tăng sự bất bình đẳng giàu nghèo thay vì giảm đi, vì những học sinh giàu có sẽ có được sự chuẩn bị đặc biệt hơn.

Tuy nhiên, Yang Hee Neyong, sinh viên trong nhóm dẫn đầu của một trường trung học danh tiếng mức trung bình ở miền trung Hàn Quốc nghĩ rằng hệ thống mới là cơ hội tốt nhất cho một sinh viên như cô để trở nên nổi bật khi đăng lý tai trường đại học Ewha Womans vào năm tới.
Đến từ một gia đình trung lưu ở một thành phố công nghiệp, cách ba tiếng đi từ thủ đô, cô ấy không có cơ hội để học ở nước ngoài hoặc để tham dự một trong những "học viện nổi tiếng của Seoul," như cô nói. Thay vào đó, cô ấy cố gắng đứng đầu lớp học tiếng Anh của mình bằng cách luyện tập ở nhà, với sự giúp đỡ thỉnh thoảng từ gia sư, và bằng cách lắng nghe các bài học trên băng và tự ghi lại giọng nói để thực hành phát âm.

Cô hy vọng sẽ gây ấn tượng với các nhà tuyển sinh nhờ sự đam mê học tiếng Anh, ước mơ trở thành người phiên dịch, và khả năng rèn luyện độc lập của mình. "Tôi nghĩ việc tôi tự học lấy đã thể hiện được tiềm năng của tôi," cô nói.

Để chuẩn bị cho việc vào trường đại học, cô ở lại ở trường cho đến 11h đêm mỗi ngày. Cô nghiên cứu bài thi nhưng cũng viết thơ và các đoạn văn bằng tiếng Anh để chuẩn bị cho các cuộc thi đấu. Ở nhà, cô duy trì một trang blog với các bài học ngữ pháp tiếng Anh hài hước, và cô cũng dịch sách của trẻ em bằng tiếng Anh sang tiếng Triều Tiên. Vào những buổi cuối tuần, khi nhiều bạn bè của cô đi học thêm tại các học viện tư nhân, thì cô làm tình nguyện ở viện dưỡng lão hoặc tự học lấy. Giáo viên của cô duy trì danh mục hồ sơ những thành tích đa dạng của cô và đưa ra những lời góp ý và động viên. Nhưng việc tránh các trường luyện thi trong một hệ thống nơi thứ hạng có vai trò quan trọng làm cho cô cảm thấy lo lắng, "lo lắng rất nhiều," cô nói.

Một buổi tối tháng mười một, cô bé nhìn lướt qua cuốn sách giới thiệu về trường Ewha, về hồ sơ của những sinh viên được tuyển chọn bởi các cán bộ tuyển sinh mới.

Cô bé đọc to những mô tả về các cô gái đã là chủ tịch lớp của họ, có người đã đi những nơi xa xôi trên Thế giới để làm tình nguyện, hoặc có người sáng lập ra câu lạc bộ hoạt động xã hội của riêng họ, và ở lớp học điểm số của những cô gái đó vẫn được duy trì ở mức gần như đứng đầu vì họ đã chăm chỉ đến sớm về muộn học bài hơn mọi học sinh khác. Sau vài phút, vẻ tự tin tươi tắn của Yang biến mất:

"Ôi trời ơi, sao tôi có thể làm được như vậy?"

Tác giả: Michael Alison Chandler
Bài đăng trên tạp chí "The Chronicle of Higher Education"
Người dịch: Phạm Trần Lê

Nguồn:
Hàn Quốc đi tìm một hình mẫu sinh viên kiểu mới



28/3/11

SINH VIÊN HÀN QUỐC KIỂU MỚI (1)


Sinh viên năm trên khích lệ thí sinh làm bài tốt trước khi bước vào phòng thi

“20 hoặc 30 năm trước đây, chúng tôi cần những sinh viên có thể học hỏi được một số thứ và bám theo được lối mòn mà các nước tiên tiến đã tạo ra. Nhưng bây giờ Hàn Quốc đã trưởng thành, và chúng tôi không nên chỉ đơn giản đi theo sau những gì người khác đã làm... Chúng ta cần những con người mới với óc sáng tạo mới.”

Trong khi gần 700.000 sinh viên trường cao đẳng ở Hàn Quốc đang miệt mài gắng sức cho kỳ thi vào đại học vào tháng mười một, thì Yu Hwa Young lại dành cả ngày đi tàu lượn siêu tốc và chụp hình tại Everland, một khu vui chơi giải trí.

"Mọi người đều ghen tị," một sinh viên sắp tốt nghiệp 19 tuổi của trường trung học Posung nói, Yu được miễn kỳ kiểm tra vì đã được nhận vào chương trình nghiên cứu quốc tế tại trường ĐH Sogang, dựa trên bảng điểm với điểm gần như tuyết đối trong bài thi tếng Anh, bài phỏng vấn, và các hoạt động ngoại khoá, ví dụ như tham gia làm báo ở trường và tham gia hội Mô hình Liên Hợp Quốc.

Các bài thi vượt rào then chốt được chuẩn hoá vốn từ lâu là cánh cửa dẫn đến đào tạo giáo dục cấp cao ở Hàn Quốc, nay đã không còn là con đường duy nhất để vào được các trường đại học. Hơn 10% sinh viên mới bắt đầu học vào tháng Ba sắp tới được chọn lựa bởi những cán bộ tuyển sinh kiểu mới, những người đã trải qua khóa đào tạo nhằm đánh giá những phẩm chất khó định lượng, như khả năng lãnh đạo và tư duy độc lập. Thay đổi trong các kỳ tuyển sinh là vấn đề trọng tâm của một loạt các cải cách về chính sách nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của các sinh viên trước đây được đào tạo để ghi nhớ, và triệt để xử lý vấn đề về khối trường tư thục đang làm cho con đường tới các trường đại học ngày càng đắt đỏ.

Lee Ju Ho, Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học, và Công nghệ, nói rằng, tuyển sinh đại học phải cải cách trước khi cải cách mọi lĩnh vực khác. "Mọi bậc cha mẹ thường muốn con của mình được học ở trường tốt nhất có thể. Đó là nguyên nhân dẫn tới hệ quả là văn hóa thi cử của chúng ta," ông nói. "Tất cả các nỗ lực bỏ ra chỉ để nâng cao điểm các bài thi, không phải nhằm phát triển óc sáng tạo hay bất kì khía cạnh tự nhiên nào khác của con người... Đó là thách thức lớn nhất của chúng tôi."

Bộ đã đầu tư 31 triệu đô-la Mỹ, hay 35 - tỉ won, vào năm 2010, tăng gần 2 triệu đô-la Mỹ so với năm 2007, để chi trả tiền lương và chi phí đào tạo cho các nhà tuyển dụng kiểu mới. Hệ thống đã mở rộng đến hơn 100 trường đại học, bao gồm cả một số trường không nhận ngân quỹ của chính phủ.

Các trường đại học ở những quốc gia khác, vốn từ lâu sử dụng cơ chế tuyển dụng dựa nhiều vào thi cử, nay cũng đang nỗ lực cải cách nhằm cải thiện chỗ đứng trên toàn cầu và thu hút các sinh viên ngoại quốc. Các trường đại học đứng đầu của Hồng Kông và đại lục Trung Hoa đang mở rộng các tiêu chí tuyển sinh để khích lệ những phẩm chất như khả năng sáng tạo và tham gia hoạt động cộng đồng. Hiệp hội Quốc gia Tư vấn Tuyến sinh Đại học của Mỹ đã và đang chào đón các du khách đến từ Romania, Ukraina cũng như Hàn Quốc, những người thực sự quan tâm với hệ thống giáo dục linh động hơn này.

Nhưng thay đổi hoàn toàn một nền văn hóa thi cử có hàng thế kỷ ở Hàn Quốc cũng khó khăn không kém nơi nào khác. Các trường học và các gia đình cần thời gian để theo kịp với tư duy mới, trong bối cảnh xã hội vẫn quan niệm rằng chương trình giảng dạy ngoại khóa nghĩa là các lớp toán và tiếng Anh nâng cao, và sự cạnh tranh vào các trường đại học hàng đầu là vô cùng khốc liệt, khiến việc phụ đạo thêm là khó tránh khỏi và sinh viên không có thời gian để làm bất cứ việc gì khác ngoài việc học. Nhiều bậc cha mẹ hoài nghi rằng cải cách định hướng này sẽ chẳng tồn tại nổi sau cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2013.

Tuy thế, các nhà quan sát nói thay đổi mới hình thành đang thúc đẩy những cuộc đối thoại quan trọng ở Hàn Quốc trong một bối cảnh mang tính bản lề. Sinh viên trường trung học cơ sở đang bắt đầu nghĩ về những gì họ có thể làm ngoài việc học. Và các trường cao đẳng đang bắt đầu hỏi, "chúng ta đang cần những hình mẫu thanh niên tài năng gì, và chúng ta sẽ làm cách nào để tìm ra họ?" nhận định từ Chung Kwang Hee nhà nghiên cứu các chính sách tuyển sinh ở Viện Phát triển Kinh tế Hàn Quốc.

Cảnh sát Seoul giúp các thí sinh đại học lạc đường đến điểm thi đúng giờ.

Gốc rễ của việc cải cách

Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc được sự ngưỡng mộ rộng rãi với nỗ lực thành công cứu quốc gia này ra khỏi cảnh nghèo đói sau cuộc chiến tranh Triều Tiên và mang lại sức mạnh cho nền kinh tế lớn thứ 13 của Thế giới chỉ trong sáu thập niên ngắn ngủi. 78% dân số Hàn Quốc mù chữ vào năm 1948 và một phần nhỏ của 1% đạt trình độ giáo dục sau trung học. Ngày nay, Hàn Quốc là một trong số những nước có tỷ lệ mù chữ thấp nhất trên thế giới (2 %) và tỉ lệ hoàn thành các chương trình học hệ cao đẳng khá cao: 58 % người trưởng thành trong độ tuổi từ 25 đến 34 có bằng đào tạo 2 hoặc 4 năm.


Người Hàn Quốc ca tụng những cổ tích về "những con rồng" "nổi lên từ mương rãnh," hoặc những người đạt được thành tựu vĩ đại từ những bước khởi đầu khiêm tốn, thường là nhờ giáo dục. Lee Myung Bak được sinh ra trong một gia đình nghèo và phải làm việc kiếm sống trong suốt thời kỳ học trung học và đại học, trước khi trở thành giám đốc điều hành tại Hyundai và cuối cùng trở thành Tổng thống.


Nhưng nhu cầu quá tải đối với giáo dục đại học cũng đã gây ra cuộc cạnh tranh dữ dội để dành những cơ hội được đào tạo giáo dục tốt nhất. Văn hoá cạnh tranh này đang hình thành nên nền công nghiệp giáo dục tư nhân với ước tính là 19 tỷ đô-la Mỹ, hoặc 21,6 nghìn tỷ won vào năm 2009. Ngày nay, hệ thống giáo dục nổi tiếng của quốc gia này bị đổ lỗi cho hiện tượng sụt giảm tỉ lệ sinh nở, những số liệu về tình trạng tự tử, và hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng sâu hơn.

Nhiều sinh viên có đủ nguồn tài chính đã rời khỏi Hàn Quốc để theo đuổi nền giáo dục cao hơn. Số lượng sinh viên học ở nước ngoài tăng từ 24.000 trong 1985 lên 218.000 vào năm 2007, theo số liệu thống kê của chính phủ, với một phần ba số sinh viên trên đang học tại Bắc Mỹ. Ngày càng nhiều sinh viên còn lại đang rời các trường trung học hoặc trường trung học cơ sở để học tiếng Anh và để dành thời gian chuẩn bị cho việc vào các trường đại học Phương Tây.

"Ngày nay nếu bạn muốn hóa rồng, bạn phải có tiền," Kwon Heok Seung, Phó Trưởng phòng tuyển sinh tại Đại học Quốc gia Seoul nói.


(còn tiếp)


Tác giả: Michael Alison Chandler
Bài đăng trên tạp chí "The Chronicle of Higher Education"
Người dịch: Phạm Trần Lê

Nguồn:
Hàn Quốc đi tìm một hình mẫu sinh viên kiểu mới


27/3/11

BẮC TRIỀU TIÊN TRONG MẮT DU KHÁCH


Anh lính gác trẻ.

Chân dung một nữ quân nhân.

Cựu chiến binh.

Gái ngoan tìm chồng giữa chốn ba quân.

Người Triều Tiên xếp hình rất giỏi.

Đông - tây kết hợp.

Hai vợ chồng chụp ảnh dưới chân dung các vị lãnh tụ.

Súng rất cũ.

Dưới chân tượng đài.

Nhan sắc.

Giờ tan trường.


Chìm dưới cơn mưa.

Tranh cổ động.

Làm nhiệm vụ giữa đại lộ không xe.

Kiểu ảnh kỷ niệm.

Họa sĩ.

Mùa xuân đến.

Trẻ em Triều Tiên được khuyến khích học nhạc.

Một ngày nghỉ lễ.

Học bắn cung

Dắt chó đi dạo.

Nữ cảnh sát giao thông, biểu tượng đẹp của thủ đô Bình Nhưỡng.

Từ ô cửa sổ.

Triều Tiên đã có mạng điện thoại di động.

Trên cả thời trang.


Nguồn:
Северная Корея глазами туриста



"BÓNG NÚI" Ở HÀ NỘI



Chương trình ca nhạc có chủ đề "Bóng núi" - một trong 6 buổi biểu diễn của chuỗi chương trình kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã diễn ra tại Hà Nội đêm 25.3 vừa qua. Khá lâu rồi mới xem một chương trình nghệ thuật "đã" như vậy.

Chương trình khá hoàn hảo, diễn ra hấp dẫn từ đầu đến cuối. Vietnam Net khen là "tinh tế và đẳng cấp" quả không sai. Thử chấm điểm nhé.

Điểm 10 cho Trần Mạnh Tuấn, nghệ sĩ saxophone trong vai trò đạo diễn âm nhạc. Tuấn đã ưu tiên chọn những ca khúc còn ít được biết đến của TCS và thổi màu sắc hiện đại vào các bản hòa âm làm cho nhạc của TCS trở nên gần gũi hơn, nhẹ nhàng hơn, trẻ trung hơn. Một số bản hòa âm rất kịch tính đã tạo được đất phô diễn giọng hát cho Hồng Nhung, Cẩm Vân.

Điểm 10 cho Nguyên Thảo. Cô ca sĩ Đà Lạt này hát Trịnh theo kiểu jazz rất lạ với những đoạn phiêu thực sự gây được dấu ấn trong lòng khán giả. Là người miền nam, nhưng cô phát âm và nhả chữ theo giọng Hà Nội thật điêu luyện.


Điểm 9,5 cho Phạm Hoàng Nam, đạo diễn. Chương trình được kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, với đường dây xuyên suốt là cái nhìn của TCS về thân phận con người, về tình yêu và về "cõi tạm". Tuy nhiên, ở một vài đoạn, những những ảnh trên màn hình (trong hình tượng chiếc lá) vẫn còn rườm rà (như hình trên chẳng hạn).

Điểm 9,5 cho Trịnh Vĩnh Trinh. Lần đầu tiên biểu diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, Trịnh Vĩnh Trinh tỏ ra khá hồi hộp. Nhưng chị đã không phụ lòng khán giả thủ đô khi trình diễn "Nhớ mùa thu Hà Nội" bằng một giọng hát vang, tha thiết và rất nhiều xúc cảm.

Điểm 9,5 cho Đức Tuấn. Có vẻ như Đức Tuấn đang vượt lên trở thành ngôi sao entertaiment theo kiểu Mỹ. Đức Tuấn hát "Con mắt còn lại" kết hợp với vũ điệu rất đẹp, trông không khác gì vừa bước ra từ một vở nhạc kịch của Broadway. Đức Tuấn hát ngày một tinh tế hơn và "ăn" sân khấu hơn.

Điểm 9 cho Uyên Linh. Cô không tỏ ra lép vế so với các ca sĩ đàn anh đàn chị và biết tự tỏa sáng theo cách của mình. Nhưng "Tình xa" dường như là quá sức đối với cô. Uyên Linh cần trưởng thành hơn, "bầm dập" với cuộc sống hơn, thì lúc đó hát mới "ngấm" được.

BONUS:

Nguồn ảnh: VietnamNet, VNMedia


24/3/11

KHÔNG TIẾC THƯƠNG...




Не жалею, не зову, не плачу,
Все пройдет, как с белых яблонь дым.
Увяданья золотом охваченный,
Я не буду больше молодым.

Сергей Есенин, 1921

Không tiếc thương, kêu gọi, khóc than
Sẽ tản hết như khói vườn táo trắng
Màu vàng úa phủ trùm phẳng lặng
Thời trẻ trai không quay lại nữa rồi.

Sergei Esenin, 1921
VMC dịch




23/3/11

PHẢI BỎ CÀ PHÊ THÌ CHA MỚI GẢ CHỒNG



NGỌC ANH

Đề tài nóng bỏng, lời ca hài hước, âm nhạc tuyệt diệu là lý do khiến Cantata “Cà phê” từ khi ra đời đã rất được yêu thích và trình diễn vô số lần. Ngày nay Cantata “Cà phê” vẫn được thu âm và trình diễn thường xuyên trên thế giới. Với tác phẩm này, cái tên Johann Sebastian Bach không chỉ được nhắc đến trong lịch sử thể loại cantata mà còn được nhắc đến trong lịch sử văn hóa cà phê.

"Phải bỏ cà phê thì cha mới gả chồng!” là tối hậu thư mà người cha (Schlendrian) đưa ra cho con gái mình (Lieschen) sau bao ngày khuyên nhủ, đe dọa, cấm đoán con gái uống cà phê bằng nhiều cách nhưng không mang lại kết quả. Việc bỏ uống cà phê với Lieschen thật là khó vì theo lời cô:

“Nếu con không được uống cà phê ba lần một ngày thì trong nỗi dằn vặt, con sẽ quắt queo như miếng thịt dê quay.” Và “vị cà phê mới ngon làm sao, còn ngọt ngào hơn cả hàng ngàn nụ hôn, dịu êm hơn cả rượu nho đen!”

Để tiếp tục được uống cà phê, Lieschen có thể dễ dàng hi sinh thú vui đứng bên cửa sổ ngắm người qua lại, hi sinh chiếc váy thời trang hay những dải ruy-băng làm đẹp mà cha hứa mua cho. Nhưng khi buộc phải lựa chọn giữa cà phê và một vị hôn phu, Lieschen đành ngậm ngùi hứa sẽ bỏ uống cà phê mãi mãi.


Đó là nội dung của bản Cantata “Schweigt stille, plaudert nicht” (Yên lặng nào, hãy ngừng tán gẫu) hay còn gọi là Cantata “Cà phê” của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach. Trong danh mục tác phẩm của Bach, bản cantata này mang ký hiệu BWV. 211 và là một trong những bản cantata thế tục nổi tiếng nhất của ông, cùng với các Cantata “Đi săn” và Cantata “Nông dân”.


Cantata là một thể loại thanh nhạc cổ điển gồm một số tiết mục hoàn thiện như các aria, các đoạn hát nói (recitative) và hợp xướng dựa trên một đề tài. Thể loại cantata có sự gần gũi với thể loại oratorio (thanh xướng kịch). Tuy nhiên khuôn khổ của cantata không lớn bằng và không diễn tả một câu chuyện kịch lớp lang như oratorio.

Trong đời sáng tác của mình, Bach đã soạn một số lượng khổng lồ các tác phẩm ở thể loại cantata. Từ năm 1713 đến 1717, thời kỳ làm nhạc công đàn organ và nhạc sĩ sáng tác tại Weimar, Bach phải soạn mỗi tháng một cantata theo nhiệm vụ. Trong 5 năm đầu mới chuyển đến Leipzig, từ năm 1723 đến 1729, theo yêu cầu của nhà thờ, Bach phải viết cantata cho tất cả các buổi lễ trong năm (khoảng 59 cantata mỗi năm: mỗi tuần một cantata và một số dịp lễ đặc biệt khác).


Điều đặc biệt ở thiên tài của Bach là với khối lượng công việc đồ sộ và cường độ sáng tác nặng nề như vậy nhưng ông vẫn viết nên rất nhiều những kiệt tác trong số những tác phẩm phải ra đời cho kịp lịch trình. Một phần ba trong số khoảng 300 cantata của Bach bị thất lạc nhưng các cantata còn lại cũng đủ cho thấy sức sáng tạo phi thường, sự phát triển và tiếp thu những nhân tố âm nhạc mới từ những thể loại âm nhạc khác nhau, những trường phái và nền âm nhạc khác nhau để tạo nên những tác phẩm cách mạng vượt ra khỏi mục đích và phạm vi tôn giáo ban đầu.

Quy mô dàn nhạc, dàn hợp xướng và những đòi hỏi của Bach về biểu diễn ngày càng vượt ra khỏi khả năng và phạm vi của những buổi lễ thánh. Việc được đãi ngộ không thỏa đáng và một số xung đột về quyền lợi đã khiến Bach thất vọng và ngừng viết cantata cho nhà thờ. Ông bắt đầu chú ý hơn tới các dự án âm nhạc bên ngoài nhà thờ và trở thành giám đốc Hội Âm nhạc Leipzig (Collegium Musicum).

Tọa lạc tại phố Saint-Catherine ở Leipzig, quán cà phê của Gottfried Zimmermann là nơi diễn ra các buổi hòa nhạc hàng tuần của Collegium Musicum (Hội âm nhạc) vào thế kỷ 18. Được Georg Philipp Telemann thành lập và Johann Sebastien Bach chỉ huy từ năm 1729 đến năm 1739, Collegium Musicum đã trình diễn các cantata thế tục, các duet và trio sonata, các tác phẩm cho nhạc cụ độc tấu, các concerto cho violin, harpsichord, oboe… trước toàn khán giả sành nhạc. Vào thời J.S Bach, Leipzig và thành phố lân cận Dresden thu hút đông đảo các nghệ sĩ háo hức gặp gỡ vị trưởng ca đoàn nhà thờ hoặc tham gia vào đời sống âm nhạc sôi động tại thủ đô của người Saxon. Do đó quán cà phê của Zimmerman đã đưa ra một danh mục biểu diễn phong phú và đa dạng: âm nhạc của J.S. Bach và các con; âm nhạc của G. P. Telemann; âm nhạc của những nghệ sĩ bậc thầy và nhà soạn nhạc của Dàn nhạc nhà thờ Dresden cũng như của các nhà soạn nhạc lớn châu Âu – những người mà tác phẩm chủ yếu được lưu hành dưới dạng bản sao chép hoặc chuyển soạn, hay chỉ đơn giản là được các ca sĩ và nghệ sĩ lưu động biểu diễn khi họ ngang qua Leipzig.

Vào các tối thứ Sáu hằng tuần, Hội âm nhạc Leipzig tổ chức hòa nhạc tại quán cà phê Zimmermann, một trong những trung tâm âm nhạc và văn hóa của Leipzig thời đó. Nhiều cantata thế tục của Bach đã ra đời vì mục đích hòa nhạc này và nổi tiếng nhất trong số đó là Cantata “Cà phê”.


Cantata “Cà phê”, với libretto do Christian Friedrich Henrici (bút danh là Picander) viết, gồm 10 tiết mục: hai đoạn hát nói của người dẫn chuyện, hai aria của Schlendrian, hai aria của Lieschen, ba đoạn hát nói của hai cha con và một trio kết thúc tác phẩm.

Theo tài liệu ghi lại, vào khoảng năm 1600, cà phê từ cảng Mocha thuộc Yemen được xuất khẩu sang châu Âu để cung cấp cho những quán cà phê đang bắt đầu rất thịnh hành ở đây. Từ đó cà phê đã dần nhuộm nâu cả châu Âu. Thói nghiện cà phê bị coi là một vấn nạn xã hội ở Leipzig vào thời điểm Cantata “Cà phê” được công diễn lần đầu.

Xung đột lớn giữa chính quyền và thực khách của các quán cà phê ở Đức đã xảy ra từ những năm 1670. Nguyên nhân sâu xa là do lợi nhuận của việc bán cà phê rơi vào tay những người ngoại quốc trong khi lợi nhuận của những người bán bia ở Đức vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lệnh cấm hoàn toàn hay lệnh hạn chế tiêu dùng cà phê đã từng được ban hành nhưng đều bất khả thi. Bởi vì uống cà phê là một chuyện rất “tự nhiên”, đúng như khúc trio kết thúc Cantata “Cà phê” khẳng định:

“Một con mèo không thể ngừng bắt chuột và các cô gái vẫn thủy chung với cà phê. Người mẹ thân thiết với cà phê. Người bà cũng uống cà phê. Vậy ai có thể quở mắng những cô con gái?”






Nguồn:
Phải bỏ cà phê thì cha mới gả chồng



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết