9/3/11

HÃY LÀM TỪ THIỆN VĂN HÓA



Điểm lại tin tức ở mục văn hoá trong nước nổi bật tuần qua trên một số báo, thấy có:

– Uyên Linh được đề cử giải Cống hiến thế là được hay không?

– Phim nhái Giao lộ định mệnh được đem ra mổ xẻ có xứng tham gia Cánh diều vàng hay xứng bị loại;

– Boysband một thời sắp đến Việt Nam, làm sao tránh cho các anh không bị xây xước vì trận mưa hoa;

– Giải Bài hát Việt, ca sĩ hát xong mất ví mất điện thoại...

Văn hoá xứ mình sao nhiều tiêu cực thế nhỉ? Không phải. Những cái này không phải văn hoá. Đáng ra chỉ là giải trí thôi chứ? Vậy sao nó đều chiếm hết đất của phần văn hoá được nhỉ?

Quay lại tuần trước, tháng trước, rồi bao nhiêu năm nay, thấy “tình hình văn hoá” mà chúng ta đang bàn nếu không là “tình hình” lễ hội, liên hoan… thì sẽ là “tình hình” phim ảnh, ca nhạc, diễn viên, ca sĩ, người mẫu… Những cái này, báo nước ngoài để hẳn trong mục “Giải trí” hay cùng lắm thì “Nghệ thuật”, còn chúng ta thì cho nó nằm chung (và nằm trên cùng) cái gọi là “Văn hoá”. Còn những việc, những người làm nên cái nền văn hoá thì ở đâu? Cũng có, nhưng lâu lâu được xuất hiện, với những tít bài kiểu “Đã khuất một cây cổ thụ/ngọn cờ đầu/một bóng mát”…

Thấy con cháu chúng ta đang sống lai nửa người nửa máy, nửa Tây nửa Tàu nửa ta, thấy cái gọi là “văn hoá nền” đang bị sụp, chúng ta cứ ra sức hô hào bảo vệ văn hoá, phát huy văn hoá. Hô xong rồi đứng loay hoay, cứ như một dòng họ lo sợ mất gốc nhưng lại không dám dành ra một góc trong nhà để làm bàn thờ.

Nhưng của đáng tội, cái gọi là tin văn hoá “xịn” của nước mình đọc cứ như tin về nhà thờ họ, với bát nhang không bao giờ thấy nóng.

Nhưng đành thế, cho dù các bản tin văn hoá của ta sẽ toàn những tin kiểu: giáo sư X đang nghiên cứu về đề tài Y, nhạc sĩ Y đang viết giao hưởng Z... thì có vẻ không hấp dẫn gì thật. Nhưng nghĩ kỹ, các báo cũng nên có một góc, một trang, một mục, cho cái giới ấy chứ? Thử cho một mục nhỏ thôi, để chỉ đưa toàn tin về cái giới gọi là các nhà văn hoá ấy, xem họ có thực sự làm việc không hay chỉ ăn theo cái danh cũ? Hay là họ đang làm việc mà chúng ta bỏ rơi họ về mặt thông tin?

Cứ đưa tin các nhà văn hoá đang làm gì đi, rồi dần dần các nhà ấy mới không thấy mình bị bỏ rơi bởi mình già, mình xấu, mình không mặc được váy ngắn… rồi biết đâu nhờ vậy mà họ thêm sức lực mà cống hiến, mà xây nền tiếp (cho chúng ta tha hồ mà phá).

Nhớ đấy, đừng bắt họ đứng cạnh Uyên Linh hay Giao lộ định mệnh; càng không nên bắt họ đứng cạnh Backstreet Boys, mà cho họ một góc, họ đọc về nhau ĐANG LÀM GÌ, ĐANG NGHĨ GÌ, để họ biết vẫn còn một cộng đồng đó đang sống, đang làm việc. Thí dụ như thầy Bùi Văn Nam Sơn đang dạy triết không công tại nhà, mỗi tuần hai buổi; nhà văn, nhà giáo dục Phạm Toàn đang làm bộ sách về giáo dục; nhà văn Nguyên Ngọc đang chuẩn bị cho mùa tuyển sinh… Nghe chán quá? Nhưng phải có, với cái giới ấy, tin tức ấy cũng hấp dẫn như giá vàng đối với chúng ta vậy.

Báo giấy nhà nghèo, ít đất thì đưa ít thôi. Báo mạng thì đất đai bao la, lâu nay chuyên kinh doanh các loại sao, các loại vòng hờ hững, lộ, kín… vậy chắc cũng đủ giàu rồi, giờ coi như rủ nhau làm từ thiện đi – gọi là từ thiện văn hoá.

Đó sẽ là một miếng đất nhỏ, các báo nên cắn răng xẻo ra để trồng bóng mát thay vì trồng “hoa độc” mãi, rồi các bạn sẽ thấy, việc các bạn làm không phải việc nhỏ đâu. Hãy để các nhà làm văn hoá thực thụ lên tinh thần. Họ lên tinh thần thì con cháu chúng ta được nhờ. Đừng để đến tình trạng như bây giờ, nhắc đến biểu tượng văn hoá của Việt Nam là mọi người nghĩ ngay đến một con rùa đang bị lở.

CH.E

Nguồn:
Hãy làm từ thiện văn hoá



5 comments:

Lana on lúc 08:44 10 tháng 3, 2011 nói...

Vâng đúng, tỉ lệ số bài viết về văn hóa (culture) thật sự quá quá ít so với các bài về thế giới giải trí (entertaiment).
Cũng phải công nhận là truyền thông mình định hướng thị hiếu quá ít so với thỏa mãn thi hiếu.

À, có báo Sài gòn tiếp thị Online là mục 'Văn hóa' và 'Lối sống' khá hay. Lana thích 2 mục này.

Thuy Dam Minh on lúc 09:05 10 tháng 3, 2011 nói...

Có vụ làm từ thiện văn hoá, chắc anh ủng hộ một tay quá!

Titi on lúc 11:28 10 tháng 3, 2011 nói...

Cộng đồng nghiên cứu Văn hóa ở VN là thảm nhất thật. Toàn người rất giỏi và kiên nhẫn, hàng chục năm trời lục lọi, tìm lại, khơi gợi, chắt lọc ra những gì thú vị của văn hóa gốc rồi kiên nhẫn viết sách hòng để con cháu sau này có cái mà ngẫm về cội nguồn. Nhưng nhà nước thì bủn xỉn, quản lí thì thờ ơ, nhân dân thì mải cơm áo gạo tiền... Túm lại những nhà nghiên cứu thường phải đơn thương độc mã, chiến đấu với cả một xã hội đang quay cuồng vì kim tiền. Cũng may, họ biết tự biến những việc làm ý nghĩa của mình thành động lực sống, dù là sống lay lắt nhưng tràn đầy kiêu hãnh.
Hôm rồi em làm phóng sự về những thăng trầm của dân ca Việt nam, thấy tâm đắc câu này của GSTS Tô NGọc Thanh : truyền thống không làm ra tiền, nhưng truyền thống giúp ta biết mình là ai trong thế giới này.
Đáng tiếc, nhiều người chả cần biết họ là ai vì có biết tự vấn bao giờ đâu :-(

Titi on lúc 11:40 10 tháng 3, 2011 nói...

@DMT; Anh có tấm lòng thật đáng quí. Để em mách anh một địa chỉ cần từ thiện văn hóa nhé. Đó là một nhóm ca trù trẻ, toàn người rất trẻ nhưng từ chối nghe nhạc trẻ mà hàng ngày vượt hàng chục cây số về Hải Dương học ca trù. Vì nghệ nhân 90 tuổi rồi, không học nhanh là nghệ nhân chết, là mang theo tất cả những bài hay nhất, cổ nhất về thế giới bên kia. Các em trong nhóm này thường phải mượn địa điểm để tổ chức trình diễn, vừa là duy trì một thói quen rất sang trọng của người Hà nội, vừa là để nâng cao trình độ của các em, nhưng vì không có tiền nên toàn bị các đình làng từ chối sau vài buổi miễn phí. Hic hic...
Nếu nhóm này có một nguồn kinh phí ổn định, ít nhất sẽ có chỗ biểu diễn ổn định và đàng hoàng học hành duy trì nghệ thuật của cha ông.

Thái Anh on lúc 11:49 10 tháng 3, 2011 nói...

- Mấy tin về hòa nhạc chẳng bao giờ đủ view để được... nhuận bút chứ chưa nói là từ thiện đâu ạ :(

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết