Bình chọn theo quan điểm cá nhân của VMC.
Lâm Tới
Ông là tấm gương lớn của một diễn viên nhờ khổ luyện mà vươn tới đỉnh cao sáng tạo trong sự nghiệp. Niềm đam mê điện ảnh cháy bỏng đã biến chàng trai miền Nam chất phác có tấm lưng hơi gù và tật nói lắp thành thần tượng điện ảnh của nhiều thế hệ. Lâm Tới bao giờ cũng lột tả được bản chất tận cùng của nhân vật ở bất cứ vai chính hay vai phụ nào, phản diện hay chính diện. Núi trong “Đường về quê mẹ”, Trần Sùng trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, ông Tám Quyện trong “Mùa gió chướng”, Ba Đô trong “Cánh đồng hoang” là những vai diễn như thế. Lâm Tới diễn tả bản chất xấu trong con người Trần Sùng thật đến nỗi BGK LHP Quốc tế Mátxcơva phải lên tiếng “cảnh báo” về ranh giới trong diễn xuất. Người nghệ sĩ này đã sống một cuộc sống thanh đạm và cống hiến cho nghệ thuật đến tận giây phút cuối cùng.
Thế Anh
Kép đẹp đầu tiên của điện ảnh VN. Tuy là diễn viên kịch, nhưng Thế Anh lại được chọn mặt gửi vàng vai Trung úy Phương của quân đội Sài Gòn trong bộ phim “Nổi gió” của Huy Thành. Chàng trai trắng trẻo thư sinh, có nụ cười tươi rói với chiếc răng khểnh là niềm ao ước của nhiều cô gái trong những năm 1960 – 1970. Thế Anh tiếp tục thành công trong điện ảnh với vai sĩ quan tên lửa trong “Em bé Hà Nội”, Ba Duy trong “Mối tình đầu”, vua Mèo trong “Trở lại Sam Sao”, Trịnh Sâm trong “Đêm hội Long Trì”… Theo quan điểm cá nhân của tôi, thành công nhất của Thế Anh là vai sĩ quan quân đội SG trong phim “Tự thú trước bình minh”. Ông đã diễn tả rất rõ nét tâm trạng hoảng loạn của một kẻ cuồng tín và si tình trên đường chạy trốn khi quân giải phóng sắp tiến vào Nha Trang năm 1975.
Trần Phương
Kép lãng tử đầu tiên của điện ảnh VN. Với vẻ đẹp đầy phong trần và nam tính, Trần Phương đã cạo trọc đầu và chịu đựng những lớp keo dán những lọn tóc giả suốt một năm để hoàn thành vai diễn A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ”. Ông còn lột tả thành công chất anh Hai Nam Bộ trong “Chị Tư Hậu”, mặc dù chưa một ngày sống ở miền nam. Sau này Trần Phương còn thành công xuất sắc trong vai trò đạo diễn với các phim như “Mưa rơi trên thành phố”, “Tội lỗi cuối cùng”, “Hai năm nữa anh về”, “Săn bắt cướp”, “Dòng sông hoa trắng”…
Trịnh Thịnh
Ngôi sao hài đầu tiên của điện ảnh VN. Trịnh Thịnh nổi danh từ các vai diễn trong “Vợ chồng anh Lực”, “Không nơi ẩn nấp”, “Thị trấn yên tĩnh”, “Thằng Bờm”. Sẵn duyên hài, nhưng Trịnh Thịnh không bao giờ khai thác tiếng cười tự nhiên chủ nghĩa, rẻ tiền. Mỗi ánh mắt, cử chỉ, câu nói của các nhân vật thông qua diễn xuất của Trịnh Thịnh truyền cho khán giả mọi ngóc ngách trong đời sống tâm lý nhân vật. Ông thành công trong cả những vai bi như người cha trong “Lời nguyền của dòng sông”. Trịnh Thịnh còn sở hữu một giọng nói sống động có một không hai trong làng điện ảnh.
Đoàn Dũng
Cũng giống như Tuệ Minh, Đoàn Dũng không được lợi thế về dáng vóc hình thể, nhưng được bù lại bằng kỹ thuật diễn xuất siêu hạng. Những chuyển biến tâm lý phức tạp của các vai lính của quân đội SG như Vệ trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, hay người lính điên trong “Trừng phạt” được Đoàn Dũng khắc họa rất rõ nét. Ông còn tạo dựng thành công hình tượng Đề Thám.
Lý Huỳnh
Gương mặt điện ảnh được đông đảo khán giả trong nam ngoài bắc yêu mến. Nguyên là võ sư, Lý Huỳnh mang vào điện ảnh cách diễn xuất thoải mái không bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc nào. Vai diễn ông là Hai Lúa trong “Vùng gió xoáy” thành công đến nỗi tên của nhân vật này trở thành tính từ chỉ tính cách của người dân Nam Bộ.
Nguyễn Chánh Tín
Ngôi sao hành động đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Chánh Tín hội tụ đầy đủ mọi điều kiện để trở thành diễn viên ngôi sao: Cao lớn, đẹp trai, sang trọng, lịch lãm. Vai diễn thành công nhất của Chánh Tín là Nguyễn Thành Luân trong bộ phim nhiều tập “Ván bài lật ngửa”. Anh có cơ hội phô diễn khả năng diễn xuất đa dạng, từ những tình huống đấu trí căng thẳng đến những màn đấu võ ngoạn mục.
Hai vai diễn để đời của Trần Vịnh là Hải trong “Xa và gần” và Lũy trong “Về nơi gió cát”. Cả hai vai này đều có những chuyển biến tâm lý rất phức tạp. Hải có cuộc sống rất giản dị ở miền Bắc trước 1975, nhưng khi trở lại Sài Gòn gặp mẹ là bà chủ Thuận Thành giàu có và quyền lực thì biến đổi hoàn toàn. Lũy trở về làng cát sau giải phóng và phát hiện ra người vợ yêu thương của mình nay đã là vợ của người đứng bên kia chiến tuyến. Những ẩn ức, trăn trở đàn ông được Trần Vịnh diễn tả rất thuyết phục.
Bùi Bài Bình
Tham gia trong nhiều phim, nhưng Bùi Bài Bình chỉ thực sự tỏa sáng trong vai Hòa, người đàn ông làm mẫu vẽ giữ nguyên tâm tính của một cậu bé 13 tuổi sau cú ngã từ cây ổi trong phim “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Sự độc đáo trong tính cách của vai diễn này được Bùi Bài Bình lột tả rất sống động. Và anh đã đoạt giải thưởng diễn xuất khi cuộc đời đã bước vào tuổi xế chiều mãn bóng.
Thương Tín
Diễn viên ăn khách của điện ảnh trong suốt thập niên 1980. Với gương mặt nam tính đầy ấn tượng, Thương Tín thành công trong các vai rất đa dạng, mà nổi bật là Sáu Tâm trong “Biệt động Sài Gòn”. Những truân chuyên trên màn ảnh của Thương Tín cũng chính là mảng đời thực của diễn viên này.
Những diễn viên khác nối dài danh sách này là Huy Công (Ga, Miền đất không cô đơn), Trọng Khôi (Giông tố, Huyền thoại người mẹ), Nguyễn Hữu Mười (Bao giờ cho đến tháng Mười, Làng Vũ Đại ngày ấy), Vũ Đình Thân (Đến hẹn lại lên, Ông cố vấn), Dũng Nhi (Sao Tháng Tám, Mê Thảo thời vang bóng), Bùi Cường (Làng Vũ Đại ngày ấy, Biệt động Sài Gòn); Trần Lực (Chuyện tình bên dòng sông, Người đi tìm dĩ vãng), Đơn Dương (Canh bạc, Ông Hai Cũ, Chung cư, Cỏ lau), Võ Hoài Nam (Vua bãi rác).
Lời giới thiệu đặc biệt:
Lê Công Tuấn Anh
Ảnh: Lâm Tới và Thúy An trong phim "Cánh đồng hoang"
5 comments:
thik nhất vẫn là Lê Công Tuấn Anh
Anh ơi, còn anh Đặng Lưu Việt Bảo, có khuôn mặt rất là "nhan như ngọc" nhé. Anh ấy đóng ma có vài phút trong Bao giờ cho đến tháng Mười mà ấn tượng hơn cả mấy vai trong Đàn chim trở về hay gì nữa mà em quên rồi.
Thời mình còn nhỏ, nghe nói các chị thần tượng Chánh Tín đến nỗi ai cũng có hình Chánh Tín trong túi áo. Lớn lên thấy cái cách thần tượng quá mức này nó hơi nhảm thế nào!
Điện ảnh VN thời mới giải phóng nhiều bộ phim thật sự giá trị. Mình thích Lâm Tới trong 'Cánh đồng hoang'. Rất thật, rất rõ nét, rất cảm động.
Nhưng túm lại, chẳng hiểu sao trong những bộ phim ngày ấy mình thích các nữ diễn viên hơn (trong khi phải thích khác dấu mới đúng chứ nhỉ?). Mình thích Trà Giang trong Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, thích Như Quỳnh trong "Đến hẹn lại lên" ...
@TQ: Ừ, quên mất anh Bảo. Nhưng công bằng mà nói, anh Bảo không có vai nào đóng đinh tên tuổi của anh ấy.
@Lana: Chuẩn bị đọc top 10 nữ diễn viên nhé.
Đăng nhận xét