29/3/07

CÂU CHUYỆN OSHIN (12)



Phần 12
BÊN TRONG NGÔI NHÀ

Chị nhìn nó xót xa. Hóa ra sự thể lại như thế này đây. Con bé xấu xí quê mùa chất phác kia suýt trở thành nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp. Thế mà chị nỡ nghĩ xấu về nó, nỡ nghĩ xấu về chồng. Làm sao chị lại có thể để lọt vào trong óc ý nghĩ rằng chồng chị tư tình với con bé này nhỉ? Sao chị không nghĩ ra là nó có thể bị ảnh hưởng bởi những tác nhân bên ngoài căn nhà yên ấm này của chị chứ? Chị thấy mình thật trơ trẽn. Chị xấu hổ như bị lột trần đặt lên bục công an ở ngã tư đường.

Rồi chị rùng mình khi nghĩ tới hai đứa con của mình. Chúng cũng là con gái. Chúng xinh đẹp, thơm tho. Chúng dễ trở thành miếng mồi ngon cho những con đực thèm khát hơn cả con bé oshin này. Lâu nay, chị vẫn tự hào là người vợ thương chồng người mẹ yêu con. Với quan niệm “nhà của tôi – pháo đài của tôi”, chị đã làm tất cả để bảo vệ gia đình nhỏ bé của mình trong căn nhà này. Nhưng cuộc sống không chỉ gói gọn trong căn nhà. Các con chị hoàn toàn an bình trong căn nhà này, nhưng ở ngoài căn nhà thì sao? Chị có thể đi theo sát các con từng giờ từng phút được không? Ai sẽ là người bảo vệ chúng?

Chị nhớ là chưa bao giờ dạy hai đứa con gái biết phân biệt thế nào là người tốt, thế nào là người xấu; biết cảnh giác trước những lời phỉnh nịnh và từ chối những lời dụ dỗ ngon ngọt. Chết thật, may mà có chuyện này, chị mới mở mắt ra được chút ít. Chị nghĩ thế, nhưng lại tự rủa mình thật đốn mạt. Sao lại có thể rút ra kinh nghiệm từ bài học đau đớn này của con gái người khác? Sao lại để đến khi con Tí suýt mất cả đời con gái trinh trắng, chị mới nhận ra những điều giản đơn như thế.

Khi đưa con Tí về đây, đúng là chị đã không nghĩ rằng nó là một thành viên bình đẳng trong gia đình chị. Dẫu có họ hàng dây mơ rễ má, thì nó cũng chỉ là phận người làm. Có chăng, trong thời buổi hiện đại, đứa người làm này được ăn cùng gia đình ông bà chủ, được mặc quần áo đẹp mà cô chủ nhỏ thải ra và không bị quỵt tiền lương. Còn thì nó vẫn là tôi tớ không hơn không kém.

Chính vì nghĩ thế, nên chị cũng chẳng dậy dỗ con Tí điều gì hơn ngoài kỹ năng làm bếp và dọn dẹp nhà cửa. Nó có đọc báo, xem tivi hay không chị cũng chẳng quan tâm. Thậm chí đôi khi thấy nó chăm chú nghe một bài hát nhạc pop vớ vẩn qua đài, chị cũng cằn nhằn vì khó chịu khi thấy nó lơ đãng công việc. Nó ở đây, trong căn nhà này, và mặc nhiên theo suy nghĩ của chị, nó phải tuyệt giao với thế giới bên ngoài, trừ những lúc đi chợ hay chạy ra đầu ngõ mua những thứ lặt vặt mà người trong nhà yêu cầu.

Nhưng con bé cũng là con người, nó có suy nghĩ, có tình cảm và những mối quan tâm riêng của nó. Dẫu chị có vô tình giam hãm nó trong căn nhà này, thì tinh thần nó, như một nhu cầu tự nhiên vẫn tự thoát ra khỏi chiếc vòng kim cô vô hình. Bằng chứng là nó đã “giao du” với thằng Lẫm và đám thợ xây suốt mấy tháng trời mà chị không hề biết.

Chị đứng lên, đi ra đằng sau lưng ghế nơi con Tí ngồi. Chị cúi xuống ôm lấy nó và siết nhẹ. Tóc con bé không thơm như tóc con chị, da nó không trắng và mịn màng như da con chị, nhưng chị thấy không có sự khác biệt nào giữa nó và các con chị nữa. Con bé cảm động trước tình cảm của cô chủ, vai nó rung lên trong tay chị. Chị an ủi nó: “Thôi, nín đi cháu. Không sao cả. Từ nay, cô sẽ chăm sóc cháu hơn”.

Con bé để im cho chị ôm. Vài phút sau chị buông nó ra và quay lại chỗ của mình. Chị nhìn sâu vào mắt nó: “Lát nữa cô cháu mình đi ra ngoài. Cháu dẫn cô đến chỗ cháu đón xe ôm hôm trước, cô tìm xem gã xe ôm khốn khiếp đó là thằng nào”. Tí lắc đầu nguây nguẩy: “Không ăn thua rồi cô ơi. Cháu đã tìm ló suốt mấy ngày hôm sau. Sáng lào đi chợ cháu cũng đi qua mạn ấy, nhưng không thấy ló đứng ở đấy lữa”. Ờ phải rồi, có thằng nào ngu mới quay trở lại chỗ đó. "Thế cháu có hỏi những người xung quanh ở đấy xem nó là ai không" - chị hỏi. "Không ạ" - con bé ấp úng: "Cháu ngại người ta hỏi cháu hỏi ló để nàm gì, lên cháu không hỏi".

Chị thấy con bé nói đúng, truy tìm gã xe ôm mất nết kia phỏng có ích gì, không khéo lại để cho thiên hạ thêm tò mò nhòm ngó vào việc nhà mình. Đằng nào thì con Tí cũng chưa bị làm sao. Ừ, nhưng tại sao lại chưa bị làm sao? Nó CÓ bị làm sao đấy chứ. Chị nhìn nó nghi ngại. Như hiểu được suy nghĩ của chị, con bé cụp mắt xuống: "Cháu, cháu có gặp ở đấy một người..."

(còn nữa)

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết