Bình chọn của VMC theo quan điểm cá nhân.
1. Trà Giang: Chị luôn luôn xứng đáng là nữ diễn viên số một của điện ảnh Việt Nam mà không cần tranh cãi. Luôn đầu tư sáng tạo và lao động nghệ thuật nghiêm túc, chị là nữ diễn viên điện ảnh có nhiều vai diễn để đời nhất. Đó là chị Tư Hậu trong phim “Chị Tư Hậu” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, chị Dịu trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” của đạo diễn Hải Ninh, chị Nhân trong “Ngày lễ thánh”, chị Hương trong “Huyền thoại mẹ” (hai phim này đều của đạo diễn Bạch Diệp). Không chịu lặp lại mình, Trà Giang biết truyền cho nhân vật những cảm xúc sống động nhất, chân thực nhất. Chị là nữ diễn viên đầu tiên đoạt giải thưởng diễn xuất tại LHP quốc tế.
2. Lê Vân: Nữ diễn viên có vẻ đẹp thuần Việt sang trọng. Chị có khả năng hoá thân vào những nhân vật vô cùng khác nhau: từ chị Dậu nghèo khổ lam lũ phải bán con bán chó trong phim “Chị Dậu” của Phạm Văn Khoa, đến cô tiểu thư khuê các của ông chủ tư sản trong “Tự thú trước bình minh” của Phạm Kỳ Nam; từ người đàn bà mưu mô trong phủ chúa Trịnh trong “Đêm hội Long Trì” của Hải Ninh đến cô Việt kiều truân chuyên trong “Thương nhớ đồng quê” của Đặng Nhật Minh. Ở bất cứ vai diễn nào, Lê Vân cũng hoá thân trọn vẹn vào nhân vật.
3. Như Quỳnh: Khó tìm thấy mối liên hệ nào giữa cô Nết với kiếp sống lầm than ở một ngôi làng Kinh Bắc trước năm 1945 với Diễm Hương - cô sinh viên Sài Gòn tài sắc có thân phận bị vùi dập trong những năm đầu của thập niên 1970. Cả hai nhân vật ấy đều do Như Quỳnh thể hiện. Chị có một cuộc đời nghệ thuật thật dài với danh sách vai diễn phong phú chưa hề chấm dứt. Vai diễn mẹ Pao trong phim “Chuyện của Pao” của đạo diễn Quang Hải mang lại cho chị giải diễn xuất vai nữ phụ tại Cánh diều Vàng 2005 cho thấy sức sáng tạo của người diễn viên ngoài 50 này chưa hề vơi cạn. Chị là gương mặt không thể thiếu trong đại đa số dự án phim hợp tác với nước ngoài quay tại Việt Nam.
4. Phương Thanh: Nổi bật với vai Hiền cá sấu trong “Tội lỗi cuối cùng” của đạo diễn Trần Phương cuối thập niên 1970, Phương Thanh có biệt danh là “đôi mắt biết nói”. Để đóng vai cô gái điếm hoàn lương, Phương Thanh đã phải đi thực tế ở trại phục hồi nhân phẩm, đụng độ với các đàn chị khét tiếng. Đầu thập niên 1980, Phương Thanh làm mưa làm gió trên màn ảnh trong các bộ phim như: “Mưa rơi trên thành phố”, “Bãi biển đời người”, “Trở lại Sam Sao”, “Ai giận ai thương”, “Kỷ niệm đồi trăng”…
5. Thuỵ Vân: Thuỵ Vân đóng phim không nhiều. Tuy nhiên chị lại toả sáng rực rỡ trong số những vai diễn ít ỏi ấy. Đó là chị Vân trong “Nổi gió” của đạo diễn Huy Thành năm 1963. Hình ảnh người phụ nữ mong manh đi giữa hai hàng lê tuốt trần, nhẹ nhàng và cương quyết khuyên nhủ các binh sĩ trong quân đội Sài Gòn bỏ súng gây ấn tượng sâu sắc đối với nhiều khán giả ở miền Bắc thời đó. Hơn 20 năm sau, chị tái ngộ với đạo diễn Huy Thành trong phim “Xa và gần”. Lần này chị đóng vai nhà tư sản Thuận Thành, sẵn sàng hy sinh chồng con và không từ thủ đoàn nào để bảo vệ tài sản.
6. Tuệ Minh: Nữ diễn viên có những sáng tạo vô cùng độc đáo trong diễn xuất. Không có lợi thế sắc vóc, nhưng Tuệ Minh luôn tạo ra những khoảnh khắc diễn xuất cực kỳ sống động trong những vai diễn rất ngắn. Đó là cô bán gạo trong “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh, sơ Khuyên cuồng tín trong “Ngày lễ thánh” của Bạch Diệp, cô Thương bị bắn chết khi đang bơi thuyền trên sông Bến Hải trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” của Hải Ninh. Chị cũng là một trong số ít nữ diễn viên thành công trên cả màn ảnh và sân khấu, mà ví dụ điển hình là vai cô Phượng trong kịch “Cách mạng” của Nguyễn Khải. Tuệ Minh còn là "phù thuỷ" về đài từ. Chị nói được tất cả các phương ngữ và bắt chước tài tình giọng từ trẻ con đến bà già.
7. Minh Châu: Nữ diễn viên duy nhất đoạt giải diễn xuất trong hai kỳ LHP Việt Nam liên tiếp. Đó là vai Nguyệt trong “Cô gái trên sông” của đạo diễn Đặng Nhật Minh và Liên trong “Người đàn bà nghịch cát” của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Với lợi thế là đôi mắt to đầy biểu cảm, Minh Châu có khả năng thể hiện những xúc cảm tinh tế nhất của nhân vật. Chị là diễn viên biết kết hợp tốt giữa khả năng biểu cảm thiên bẩm và kỹ thuật diễn xuất thượng thặng.
8. Thanh Quý: Thuộc mẫu diễn viên có thể thành công trong nhiều loại vai khác nhau. Xem các phim Thanh Quý đóng, có cảm giác chị làm phim rất nhàn, dường như sinh ra để đóng phim vậy. Đọng lại trong lòng khán giả là cô Vân bốc đồng trong “Chuyến xe bão táp” và “Những người đã gặp”; cô Thim trong sáng trong “Cha và con”, người vợ không chung thuỷ trong “Tình yêu và khoảng cách”, nữ điệp báo trải qua những thăng trầm của hai cuộc chiến trong “Người đàn bà bị săn đuổi”, người thiếu phụ khao khát nhục cảm trong "Ngõ đàn bà"...
9. Hương Xuân: Xuất hiện rất không ồn ào trong vai một phụ nữ bị số phận run rủi trở thành vợ của hai người đàn ông ở hai bờ chiến tuyến trong “Về nơi gió cát” của đạo diễn Huy Thành, Hương Xuân đã thuyết phục được những khán giả khó tính nhất tin rằng tình cảm mà nhân vật của chị dành cho hai người đàn ông là có thực.
10. Thuỳ Liên: Chị là gương mặt điện ảnh phía Nam đầu tiên chiếm trọn cảm tình của khán giả miền bắc sau giải phóng với các vai diễn đậm chất Nam Bộ trong “Mùa gió chướng”, “Vùng gió xoáy”… Sau này chị còn vào rất ngọt vai nữ bác sĩ người Hà Nội trong phim “Cuộc gặp gỡ bất ngờ”.
Sau top 10 này, không thể không kể đến những nữ diễn viên đã ghi dấu ấn khá sâu đậm trong lòng khán giả như Đức Hoàn, Mai Châu, Thanh Tú, Minh Đức, Hoàng Cúc, Thẩm Thuý Hằng, Thuý An, Thu Hà, Bích Liên, Ngọc Hiệp, Mai Hoa, Hồng Ánh… Còn bạn, bạn bổ sung diễn viên nào và tại sao?
Kỳ tới: 10 nam diễn viên xuất sắc của điện ảnh Việt Nam
0 comments:
Đăng nhận xét