7/3/07

CÂU CHUYỆN OSHIN (9)


Phần 9
CUỘC GẶP GỠ MONG ĐỢI

Sáng hôm sau, con Tí cố gắng dạy vào đúng 6 giờ sáng. Nó phải để chuông đồng hồ để khỏi quên. Khi nó đánh răng rửa mặt xong chạy ra bếp, thì đã thấy cô chủ đang lúi húi bên bếp rồi. Tóc cô búi cao, để hở cái cổ trắng ngần, trông rất thanh thoát. Nghe tiếng động, cô chủ quay mặt lại và nhìn thẳng vào mặt nó. Nó ngạc nhiên đến sững sờ: Vẻ u sầu và căng thẳng của cô chủ đã biến mất, thay vào đó là gương mặt bình thản, sáng trưng như mặt Đức Mẹ. Nó thành thật thốt lên: “Ối, sao hôm lay ô điẹp thế!”. Cô chủ cười, mắng nó như giữa hai cô cháu chưa bao giờ có chuyện gì xảy ra: “Bố tiên sư nhà chị, chỉ giỏi nịnh!”.

Nó thở phào, hăng hái cầm chổi và cây cọ nhà đi dọn cầu thang. Lôi được đống đồ nghề ra giữa bếp, nó dừng lại và rụt rè hỏi: “Có phải cô sắp đuổi cháu không ạ?”. Câu hỏi bất ngờ của con Oshin khiến chị lúng túng. Chị hỏi lại nó: “Ai bảo cháu thế?”. Nó ấp úng: “Cháu cảm thấy thế ạ. Cô tự lấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, nại còn sắp xếp nại đồ đạc với cả tưới vườn lữa…”. Chị đáp lại khẽ khàng: “Cháu bị ốm thì cô đỡ cháu một tay thôi. Thế hôm nay cháu khỏi rồi à?”. Nghe thấy thế, Tí như trút được gánh nặng. Nó vội vã gật lấy gật để: “Vâng, vâng, cháu thấy khoẻ rồi cô ạ”. Chị nói: “Thế thì đi lau cầu thang đi, rồi tí nữa xuống đây cô bảo”. Con bé sung sướng đáp: “Vâng ạ!”.

Làm xong các việc của buổi sáng, Tí quay lại bếp khi cô chủ đang uống trà. Chú đã đi làm, hai đứa con gái đi học. Cả nhà chỉ còn lại hai cô cháu. Cô chủ mang đồ ăn sáng đặt lên bàn: “Cháu ăn đi”. Nó thấy rưng rưng cảm động. Từ hôm nó về ở đây đến giờ, đây là lần đầu tiên nó được cô chủ dọn thức ăn cho. Nó cúi xuống ăn, rồi ngước lên nhìn cô chủ. Nó thấy cô chăm chú nhìn nó ăn với ánh mắt giống hệt như khi cô nhìn hai đứa con gái của cô ăn. Nó yên tâm cúi xuống ăn nốt.

Đợi nó rửa xong đống bát đĩa, chị gọi: “Tí ra đây cô bảo!”. Nó khép nép ngồi lên chiếc ghế phía bên kia bàn ăn. Chị nói: “Cháu còn nhớ chuyện cô nói với cháu hôm nọ chứ? Chuyện cháu có chửa ấy!”. Nó sợ sệt gật đầu. Chị với tay qua bàn, cầm lấy tay nó, giọng tha thiết: “Cháu biết không, khi cô xin phép bố mẹ cháu, đón cháu ra đây ở, cô đã hứa với bố mẹ cháu là chăm sóc cháu thật cẩn thận và không để bất cứ chuyện gì không hay xảy ra với cháu. Cháu chưa đủ tuổi trưởng thành, mà đã có chửa thế này, cô chú biết ăn nói sao với bố mẹ cháu đây? Như thế là cô có lỗi với bố mẹ cháu lắm đấy. Cho nên bây giờ cháu phải kể hết cho cô nghe, chuyện đã xảy ra thế nào, cháu có chửa với ai để cô chú còn tìm cách giải quyết cho cháu”.

Nó cúi mặt, những giọt nước mắt to tướng rơi xuống mặt bàn, rơi lên tay của hai cô cháu. Nó rút tay ra khỏi tay cô chủ và lau nước mắt. Cô chủ rút tờ giấy ăn chìa cho nó. Nó lí nhí: “Cháu cảm ơn”…

… Quyết định không đi thăm thằng Lẫm được một hôm, Tí thấy bồn chồn không yên. Nó tự xỉ vả: “Sao mày keo kiệt thế, có 3 chục nghìn cũng tiếc?” Nó quyết định phải trở thành người phóng khoáng và sẽ đi thăm thằng Lẫm vào tối thứ Bảy như đã định.

Từ tối thứ Sáu, nó đã xin chú đi thăm một cô bạn oshin khác bị ốm vào tối hôm sau và hứa sẽ về trước 10 giờ. Chú chỉ nói ngắn gọn: “Ừ, cẩn thận, nhớ về đúng giờ!”. Nó lấy 10 số báo Bóng đá của chú, 3 cuốn Hoa học trò của chị cả kèm thêm một bao thuốc lá Vinataba mà nó tự bỏ tiền ra mua để sửa soạn cho chuyến thăm viếng đặc biệt. Ăn tối xong, nó diện bộ quần áo khá đẹp mặc thừa của chị cả và lí nhí xin phép chú. May mà chú chẳng thèm để ý nó mặc đẹp hơn ngày thường.

Nó ra phố và đi ngược lên một đoạn khoảng 200 mét. Sở dĩ nó không muốn gọi xe ôm ở ngõ nhà, vì e các anh xe ôm quen sẽ đàm tiếu với bà hàng nước đến tai ông bà chủ. Nó chọn một người xe ôm tầm 40, chứ không chọn mấy anh thanh niên. “Đi đâu?”, người đàn ông hỏi. Nó chìa mảnh giấy ghi địa chỉ. Người xe ôm đọc, rồi nói: “Đi Mỹ Đình à? Xa đấy, 20 nghìn”. Con bé luống cuống trước cái giá mà người đàn ông nêu: “Người nhà cháu lói nà chỉ có 10 nghìn…” Người đàn ông nhìn nó từ đầu xuống chân dò xét: “Đi một chiều hay hai chiều?”. Nó không hiểu: “Một chiều, hai chiều nà thế lào?”. “Đi một chiều thì 15 nghìn, đi hai chiều vừa đi vừa về thì 20 nghìn”. Con bé mừng rơn: “Cháu đi hai chiều”. Người đàn ông dắt xe từ vỉa hè xuống đường, rồi bảo nó cộc lốc: “Lên đi”.

Nó ngồi lên yên xe và ý tứ ngồi có khoảng cách với lưng của người xe ôm. Hai tay nó bám vào thanh kim loại có bọc cao su ở phía sau yên xe. Chừng hai mươi phút thì chiếc xe cũng chở nó đến những khu biệt thự đã xây thô đang chờ hoàn thiện nằm cách đường Phạm Hùng một quãng đường đất, bụi bay mù mịt. Người xe ôm dừng lại một lần hỏi đường, rẽ thêm vài ba chỗ ngoặt nữa rồi phanh kít trước một ngôi biệt thự đang hoàn thiện dở: “Đến rồi đấy!”.

Con bé leo xuống xe và tiến đến bên cánh cổng sắt mới chỉ sơn chống gỉ. May quá, chuông đã lắp, nó nhấn tay vào nút chuông. Trong nhà có tiếng con trai vọng ra: “Ai đới, đợi tí!”. Đúng là tiếng thằng Lẫm. Con bé vui như mở cờ. Nó quay lại nhìn người xe ôm. Người đàn ông nói: “Vào đi. Nửa tiếng thôi đấy. Không chờ lâu được đâu!”. Thằng Lẫm ra mở cổng. Nhìn thấy con bé, nó ngoác miệng cười: “Tí đấy à? Cứ tưởng đếch đến!"

Vào trong nhà, nó đưa mấy tờ báo và bao thuốc cho thằng Lẫm. Thằng kia nhìn thấy bao thuốc Vinataba thì sáng mắt, đưa lên mũ hít hà: “Gớm, Tí sang thế!”. Lời khen làm con bé vừa ngượng ngùng vừa sung sướng. Thằng Lẫm rót nước từ cái bình nhựa cóc cáy vào cái chén sứt mẻ loang lổ cặn chè: “Tí uống lước”. Con bé đón lấy chén nước chẳng có gì đặc biệt ấy, nhấp một ngụm rồi đặt xuống. Hai đứa nói những câu chuyện không đầu không cuối.

Đại loại con Tí kể cô chủ đi công tác nước ngoài, chú ở nhà nên nó cũng rảnh rang hơn, nên mới có thời gian để đến đây. Thằng Lẫm thì kể bọn con trai đi sang chỗ này xa chợ, mỗi lần được phân công nấu ăn thì phải đi rõ xa để mua rau. Ở đây cũng bụi bậm quá. Chúng nó buồn vì không có báo Bóng đá để đọc, chính vì thế nên “các anh ai cũng nhớ Tí”. Con Tí đủ nhạy cảm để hiểu rằng thằng Lẫm nói “các anh”, tức là nói tới chính bản thân nó.

(Còn nữa)

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết