27/2/07

CHIẾN TRANH LẠNH HAY HÒA BÌNH LẠNH?



9h30 sáng Chủ nhật vừa rồi tôi được mời tham gia vào chương trình Thế giới toàn cảnh của Ban Thời sự Đài truyền hình VN phát trên VTV1. Chủ đề của chương trình là "Nga - Mỹ: Bạn hay thù", bình luận xung quanh những tuyên bố gay gắt gần đây của Tổng thống Putin phê phán chính sách một cực của Mỹ.

Một số người có theo dõi và gọi điện chia sẻ những ý kiến mà tôi trao đổi với BTV Úy Thương. Một vài người đề nghị tôi "đăng" lại những nội dung cuộc trò chuyện hôm đó trên blog này. Xin đáp ứng nhu cầu đó và mong những ai quan tâm đến nước Nga cùng tham khảo.

Tại hội nghị an ninh ở Munich (Đức) hôm 10.2, Tổng thống Nga Putin lần đầu tiên đã chỉ trích công khai và gay gắt chính sách đối ngoại của Mỹ. Mấy năm trở lại đây quan hệ Nga và Mỹ nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Nhưng lần này căng thẳng có vẻ như không đơn giản như trước nữa?

Đúng là nếu chỉ nhìn vào lời bình luận của Tổng thống Putin rằng “việc nước Mỹ theo đuổi chính sách ngoại giao một cực trên toàn cầu là cực kỳ nguy hiểm”, rồi lời qua tiếng lại giữa hai bên sau đó, thì có thể thấy rằng sự căng thẳng này là bất bình thường, ẩn chứa những dấu hiệu bất an cho tình hình thế giới năm 2007. Tuy nhiên cũng có thể yên tâm rằng tình hình không đến mức đáng lo ngại. Người phát ngôn Nhà Trắng ngay sau đó đã nhận định rằng không có sự thay đổi nào trong quan hệ giữa Mỹ và Nga và Mỹ vẫn coi Nga là “một đồng minh quan trọng”.

Tuy nhiên, bất cứ một người bình thường nào đều có thể đặt câu hỏi: “Tại sao Tổng thống Nga lại đưa ra bình luận như vậy trong thời điểm này?”. Câu trả lời theo chúng tôi là khá đơn giản. Thời gian qua, chúng ta thấy Nga đã có nhiều động thái chứng tỏ vị thế quan trọng và ảnh hưởng của mình đối với phương Tây và thế giới (chẳng hạn như giành thế chủ động về giá trong cung cấp xăng và khí đốt cung cấp cho Châu Âu). Điều này phản ảnh tính quyết đoán ngày một tăng của Nga như một cường quốc tự tin vào sức mạnh của chính mình.

Như chị đã nói, từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 đến nay, quan hệ Nga – Mỹ luôn có những bất đồng. Và bình luận của ông Putin là bằng chứng cho thấy quan hệ Nga – Mỹ tiếp tục diễn tiến theo hướng đấu tranh như vậy. Nhưng cần khẳng định rằng trong thế giới phẳng hiện nay thì quan hệ tùy thuộc giữa Nga và Mỹ cũng như giữa hai nước này với cộng đồng quốc tế không cho phép họ đẩy quan hệ xấu thêm. Cả hai nước cùng theo đuổi chính sách thực dụng, vừa hợp tác trong những lĩnh vực đem lại lợi ích chung và vừa đấu tranh trên những lĩnh vực mâu thuẫn về lợi ích. Tới đây, chúng ta có thể thấy Nga và Mỹ đấu tranh rất mạnh xung quanh việc cho phép hay không cho phép Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia, hoặc trong vấn đề năng lượng hạt nhân của Iran.

Vậy đây có phải là sự báo hiệu của sự thay đổi về mặt nguyên tắc trong mối quan hệ Nga – Mỹ?

Không, tôi không cho rằng sẽ có sự thay đổi về mặt nguyên tắc trong mối quan hệ này. Việc đấu tranh chống lại thế giới một cực đã được Tổng thống Putin nêu ra từ mấy năm trước trong chuyến thăm Trung Quốc và ký kết quan hệ đối tác chiến lược Nga – Trung. Điều này được nhiều nước trên thế giới ủng hộ để tạo sự cân bằng trong quá trình giải quyết các mối quan hệ của thế giới. Bình luận của Tổng thống Putin là lời tuyên bố không những đối với Mỹ mà đối với cả phương Tây rằng tới đây Nga sẽ là một đối tác cứng rắn hơn: Không dễ dàng nhượng bộ và sẽ đòi hỏi nhiều hơn.

Nga tuyên bố nếu Mỹ triển khai hệ thống tên lửa và radar tại Czech và Ba Lan, thì Nga sẽ rút khỏi hiệp ước cắt giảm các tên lửa tầm trung ký với Mỹ năm 1987. Tuyên bố này có nói lên điều gì không ạ?

Cho đến giờ thì Nga chưa rút khỏi hiệp ước này mà mới chỉ là lời đe dọa sẽ rút khỏi hiệp ước thôi. Nhưng có thể thấy đây là nước cờ mạnh của Nga, hay nói một cách dân dã hơn là “Nga quyết định chơi rắn” khiến cho Mỹ đang cố tháo gỡ những rắc rối một cách khá nhún nhường. Từ các quan chức ngoại giao, các vị chức sắc về an ninh, quốc phòng, cho đến các nghị sĩ của Mỹ đều đồng loạt lên tiếng trấn an Nga rằng hệ thống 10 tên lửa và radar triển khai ở Czech và Ba Lan không nhằm mục tiêu vào Nga. Tuy nhiên phía Nga có lý do chính đáng để lo ngại.

Ngoại trưởng Frank Walter Steinmeier của Đức, nước đang giữ nhiệm kỳ Chủ tịch Liên minh Châu Âu, có ý kiến: “Vì việc triển khai hệ thống tên lửa này gần nước Nga nên sớm hay muộn Mỹ cũng sẽ phải nói chuyện này với Nga”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tom Casey đã phải vội vã thanh minh là Mỹ muốn mọi chuyện minh bạch khi tiến hành làm việc này. Cũng đúng vào dịp này thì vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ lại ngỏ ý sẵn sàng bỏ tu chính án Jackson –Vanik vốn hạn chế quan hệ thương mại Mỹ - Nga bấy lâu nay. Theo ông ta thì đã đến lúc phải hợp tác chặt chẽ và tích cực với Nga.

Bên cạnh đó, Nga còn ngưng việc mua 22 chiếc Boeing trị giá khoảng 2,5 tỉ USD của Mỹ. Tất cả những điều này cho thấy Nga đang giành thế chủ động trong quan hệ với Mỹ, và Nga có khá nhiều con bài để nước này có thể “chơi rắn”.

Liệu quan hệ Nga – Mỹ trong tương lai có quay trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh? Nếu có thì sẽ ảnh hưởng thế nào tới tình hình an ninh thế giới?

Trước hết xin lưu ý năm nay là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ hai Tổng thống Putin. Sang năm cả hai nước đều bước vào năm bầu cử (ở Nga vào tháng Ba và ở Mỹ vào tháng 11). Như vậy chính quyền ở cả hai nước sẽ phải dành ưu tiên cho những vấn đề đối nội.

Chúng ta đều biết rằng ông Putin sẽ không ra ứng cử Tổng thống Nga thêm một nhiệm kỳ nữa. Thời gian gần đây, ông cũng đã có những bổ nhiệm quan trọng trong bộ máy nhân sự, chuẩn bị cho một số nhân vật thân cận như Bộ trưởng Quốc phòng Ivanov, Phó Thủ tướng Medvedev… ra tranh cử. Rõ ràng là bình luận trên của Tổng thống Putin mang tính chất đối nội nhiều hơn. Việc nước Nga khẳng định một vai trò mạnh mẽ và rõ nét hơn trên trường quốc tế tất được dư luận trong nước quan tâm, do vậy mà Đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin cũng sẽ có được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của cử tri. Những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Putin, cũng như của chính phủ Nga là nhằm tạo ra sự hậu thuẫn vững chắc cho một ứng cử viên của chính quyền.

Còn chính quyền của ông Bush thì không gặp thuận lợi như vậy. Dư luận Mỹ đã gây sức ép buộc chính quyền phải xem xét lại chính sách đối với Iraq và tỉ lệ tín nhiệm của chính quyền Bush xuống rất thấp. Có nhiều khả năng Đảng Dân chủ sẽ nắm quyền trong nhiệm kỳ tới. Và như vậy thì những kế hoạch mà chính quyền Cộng hòa chuẩn bị triển khai hôm nay chưa chắc sẽ được chính quyền Dân chủ tiếp tục trong nhiệm kỳ tới, mà cụ thể ở đây là việc triển khai hệ thống tên lửa ở Czech và Ba Lan.

Do vậy theo tôi, quan hệ Nga – Mỹ khó mà quay trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây. Vả lại thế giới không còn hai phe đối đầu như trong thập niên 1970 – 1980, nên chiến tranh lạnh kiểu cũ là không thể có. Có chăng thì sẽ xảy ra cái mà người ta gọi là “hòa bình lạnh”. Hòa bình lạnh sẽ không triệt tiêu hoàn toàn lòng tin, không đẩy thế giới vào cuộc chạy đua vũ trang, không đe dọa hủy diệt lẫn nhau như chiến tranh lạnh, song cũng sẽ khiến thế giới phải phập phồng lo âu theo nhịp đập của những nước lớn.

Xin cảm ơn anh.

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết