Và ngay cả tôi không là thành viên AMPAS, tôi cũng vẫn trao giải Oscar của tôi cho Babel.
Tôi còn trao Oscar đạo diễn xuất sắc nhất cho đạo diễn Mexico Gonzalez Inarritu, Oscar nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho nữ diễn viên Nhật 24 tuổi Rinko Kikuchi, các Oscar cho kịch bản nguyên gốc hay nhất, quay phim xuất sắc nhất và nhạc nền hay nhất.
Lý do vì sao ư? Phim lý giải thật tuyệt diệu những mối quan hệ ràng buộc chồng chéo giữa những người hoàn toàn xa lạ ở những đất nước cách xa nhau trong một thế giới phẳng.
Xin mời tham khảo bài bình luận phim "Babel" của Viettory, một chàng trai có khả năng viết bài phân tích phim như một nhà phê bình thực thụ.
Trong Kinh Cựu Ước, sự sụp đổ của toà tháp Babel (Babylon) là biểu tượng cho sự chia rẽ của các chủng người trên trái đất. Lấy cảm hứng từ điển tích này, bộ phim Babel đã ra đời.
Nội dung phim là sự kết hợp của 3 câu chuyện độc lập: Một cặp vợ chồng người Mỹ du lịch đến Morroco trong nỗ lực hàn gắn những mâu thuẫn ảnh hưởng đến hôn nhân của họ; Một bảo mẫu phải lén đưa 2 đứa trẻ mình chăm sóc về Mexico để ăn cưới con trai; Một cô gái Nhật câm điếc (ảnh) luôn mặc cảm với dị tật của mình nhưng vẫn khao khát được yêu thương.
Mặc dù không đề cập đến toà tháp hay sự tàn lụi của nó, nhưng bộ phim đã lột tả rất thành công những hố sâu ngăn cách trong lòng thế giới của loài người.
Câu chuyện thứ nhất là nỗ lực hàn gắn những rạn nứt trong cuộc sống gia đình của một cặp vợ chồng người Mỹ trên chuyến du lịch đến đất nước Morroco xa xôi. Tại đây, người vợ không may bị trúng đạn của hai cậu bé địa phương nghịch súng. Chính phủ Mỹ nghi ngờ đây là hoạt động khủng bố, và sự lo ngại mang tính chính trị thái quá này đã trì hoãn quá trình cấp cứu người vợ đang ở giữa hoang mạc trong tình trạng nguy kịch.
Câu chuyện thứ hai là sự bất đắc dĩ của một bảo mẫu người Mexico (nhập cư trái phép vào Mỹ) khi phải đưa hai đứa trẻ mình chăm sóc về quê ăn cưới con trai mà chưa được sự chấp thuận của bố mẹ chúng. Mọi việc trở nên rắc rối khi bà qua biên giới và bị cảnh sát truy đuổi. Trong cuộc trốn chạy đó, bà đã để lạc cả hai đứa trẻ giữa sa mạc khắc nghiệt.
Câu chuyện thứ ba diễn ra tại thành phố Tokyo, một thành phố luôn ồn ào, náo nhiệt. Thế nhưng đặc tính đó lại không hề ảnh hưởng đến một cô gái mắc tật câm điếc bẩm sinh. Như bao cô gái trẻ khác, cô cũng khao khát được yêu thương, chăm sóc, thế nhưng cô lại bị cô lập khỏi thế giới sôi nổi tràn đầy âm thanh xung quanh. Cô mặc cảm với thiếu sót của mình và bị ám ảnh bởi việc sẽ nhảy ra khỏi ban công của toà nhà cao tầng nơi cô đang sống.
Sự ngăn cách rõ rệt nhất đến từ chính ý thức chủ quan của con người. Những thiếu hụt về nhận thức, những quy kết nóng vội, những sợ hãi không đáng có… đã làm sụp đổ những ngọn Babel vô hình, đã nới rộng những hố sâu giữa các chủng người.
Cũng đã có những nỗ lực lấp đầy khoảng cách đó: như hành động giúp đỡ tận tình của gia đình người hướng dẫn viên du lịch đối với hoàn cảnh éo le của đôi vợ chồng người Mỹ, hay những cố gắng đến tuyệt vọng của người bảo mẫu khi tìm đường đưa bọn trẻ ra khỏi hoang mạc… thế nhưng những nỗ lực đó trở nên quá nhỏ bé khi đem so với những khác biệt quá lớn mà bộ phim đã xây dựng nên, và đó cũng chính là những gì đang thực sự diễn ra trong thế giới loài người hiện nay.
Sự chia rẽ còn xuất hiện trong phạm vi của một cộng đồng, giữa những người có cùng chủng tộc. Điều này được lột tả rõ nét nhất bằng mặc cảm của cô gái câm điếc đối với cuộc sống xung quanh mình. Cô hoàn toàn lạc lõng trong một thành phố đông đúc như Tokyo, những người thực sự thương yêu cô thì hoặc đã chết như mẹ cô, hoặc không có nhiều thời gian dành cho con cái như bố cô. Còn đa số những người bình thường khác chỉ muốn chơi bời hay tò mò về cơ thể tràn đầy nhựa sống của cô.
Babel đã được đạo diễn Alejandro González Iñárritu thực hiện một cách rất chân thực, chính sự chân thực đó đã dẫn người xem trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, tạo nên những hiệu quả rất rõ rệt. Trường đoạn cảm động nhất trong phim là cảnh người chồng giúp vợ mình đi tiểu. Trong hoàn cảnh rất đời ấy, họ đã dốc hết bầu tâm sự, điều mà cả hai người đã không thể làm được trước đó, để tháo gỡ những mâu thuẫn đang âm ỷ gặm nhấm hôn nhân của mình.
Trường đoạn cô gái tội nghiệp trút bỏ hết quần áo trước mặt một nhân viên cảnh sát mà cô có cảm tình cũng chứa đựng thật nhiều cảm xúc. Tôi đã không có được cảm giác giải trí trước cảnh phim trần trụi đó, những gì cảm nhận được chỉ có thể như một lưỡi dao cứa sâu vào lòng trước khao khát được yêu thương của cô gái tội nghiệp. Đạo diễn đã rất tài tình khi gieo được vào đầu người xem cảm giác nhất định cô sẽ lao ra khỏi ban công phòng mình nếu bị từ chối. Thật may, nút thắt bi kịch này đã được tháo bỏ đầy nhân văn và có hậu.
Thực ra ba câu chuyện trong bộ phim không hoàn toàn độc lập với nhau. Bố cô gái câm điếc là người đã tặng khẩu súng trường cho một thợ săn Morroco, để rồi chính khẩu súng này đã gây nên thảm hoạ cho đôi vợ chồng người Mỹ, bố mẹ của hai đứa trẻ bị lạc ở hoang mạc Mexico.
Tôi cho rằng sợi dây liên hệ này không đơn thuần chỉ để mang lại sự bất ngờ thú vị cho người xem. Phải chăng đây chính là những gì sót lại của một thời loài người đã từng đoàn kết nhau lại để xây nên toà tháp Babel nổi tiếng, để rồi sự sụp đổ của nó đã dẫn đến sự chia rẽ? Và liệu đây có phải là niềm hy vọng về một lần tái hợp nữa trong tương lai?
Cùng với 4 bộ phim khác: The Letters from Iwo Jima, Little Miss Sunshine, The Queen và The Departed, Babel cũng được đề cử cho hạng mục Oscar phim hay nhất năm nay. Đó là phần thưởng xứng đáng cho đạo diễn Alejandro González Iñárritu và ê kíp làm phim của mình. Tôi đã may mắn được xem cả 5 bộ phim đề cử và có niềm tin rằng Babel sẽ bước lên bục cao nhất.
0 comments:
Đăng nhận xét