25/11/06

CÂU CHUYỆN OSHIN (7)



KHI TÌNH PHÍ QUÁ ĐẮT
Khắc khoải trong tâm trạng của đứa con gái lần đầu được yêu khoảng mươi hôm, thì nó nhận được điện thoại. Tất nhiên, nó bao giờ chẳng là người đầu tiên nhận điện thoại ở ngôi nhà này, nhưng nó chỉ được nói: "Alô!... Cô (chú) gặp ai ạ? Vâng, cô (chú) đợi một lát".

Bao giờ cũng chỉ được nói đúng ba câu như thế. Nó vẫn ước ao có ai quen thân gọi đến để nó được nói đến câu thứ tư, thứ năm, hoặc để "nấu cháo" rủ rỉ cả tiếng đồng hồ như chị cả. Nhưng chẳng có ai gọi điện cho nó cả. Nó nhớ ra là có cho ai số điện thoại bao giờ đâu. Với lại thân phận oshin như nó, nói chuyện điện thoại có khi bà chủ lại chửi cho ấy chứ.

Cũng bởi vì bà chủ đi công tác vắng tận 3 tháng, nên nó mới dám đưa số điện thoại nhà cho thằng Lẫm. Mà nó cũng không có cách nào khác. Nếu không nó có thể chẳng bao giờ gặp lại thằng Lẫm. Nên nó đành phải liều. Nó mong điện thoại thằng Lẫm, nhưng cũng sợ. Sợ nhỡ có ai phát hiện ra, sợ không biết phải nói những câu khác sau ba câu quen thuộc như thế nào?

Sau tiếng alô cố gắng nói nhẹ nhàng theo cách bà chủ dậy, nó nghe tiếng "Anô" cụt lủn giọng đàn ông vang lên khác hẳn với những giọng đã gọi đến ngôi nhà này. Nó hỏi: "Chú gặp ai ạ?". Giọng đằng kia hỏi lại: "Tí đấy à?". Tim nó nhảy lên, chiếc ống nghe nó áp bên tai suýt rơi xuống. Nó nhận ra giọng thằng Lẫm. Nó nói lạc cả giọng: "Ờ, Tí đây!".

Nó nhớn nhác nhìn quanh. May quá, chú đang chăm con bé ở đâu đó trên tầng hai. Còn chị cả thì chắc lại chúi đầu vào Internet rồi. Nó cảm thấy yên tâm hơn. Thằng Lẫm hỏi: "Tí ăn cơm chưa?". Nó đáp: "Vừa ăn xong. Thế anh ăn cơm chưa?". Thằng kia đáp đã ăn rồi. Đến đây thì Tí tịt, không biết phải nói gì tiếp. Văn hoá điện thoại của nó chỉ có ba câu, hơn nữa đầu óc nó quay cuồng vì cú điện thoại quá bất ngờ nên nó không biết phải nói gì.

May quá, thằng Lẫm đã phá vỡ sự im lặng: "Lày, sách tớ đọc xong rồi nhá. Nhưng đếch biết phải trả như thế lào. Tớ phải ở đây một mình trông cái nhà nhà lày. Các anh về quê gặt mùa rồi. Mấy hôm lữa mới nên". Con bé hỏi thằng Lẫm ở đâu. Hoá ra thằng Lẫm vẫn ở Hà Nội, cai đầu dài của nó nhận hoàn thiện một căn nhà đã xây thô. Từ chỗ thằng Lẫm làm đến nhà cô chú khoảng 5 cây số.

Con bé nhẩm tính rất nhanh, chưa bao giờ nó tính nhanh đến thế. Bà chủ đi vắng, nó cũng ít việc. Thằng Lẫm lại ở đằng kia có một mình. Thật đúng là cơ hội có một không ai. Nó sẽ đi thăm thằng Lẫm. Nó vội vã nói: "Để em qua lấy nhá". Thằng kia hỏi: "Biết đếch đường mà đi?". Nó bảo: "Anh ở phố nào. Cho em địa chỉ, em đi xe ôm đến".

Không hiểu giời xui đất khiến thế nào mà một lần nữa nó lại đưa ra giải pháp rất nhanh. Đúng là chỉ có đi xe ôm thì nó mới có thể đến được chỗ thằng Lẫm, chứ Hà Nội nó có biết đường đâu. Thằng kia đọc địa chỉ cho con bé ghi và nhắn thêm: "Nhớ mang cho tớ mấy tờ bóng đá nhá. À mà núc lào đến đới?".

Con bé điểm nhanh lịch trong đầu. Tối thứ Bảy. Không phải vì nó muốn giống các cặp tình nhân đi chơi vào thứ Bảy, mà bởi vì tối đó chị cả không có nhà, còn chú thì chúi đầu xem bóng đá trên VTV3. Tóm lại sẽ không ai để ý tới nó hết.

Câu chuyện điện thoại chỉ kéo dài trong khoảng 1 phút, nhưng sao con bé thấy như nó nói chuyện cả tiếng đồng hồ với thằng Lẫm. Hai đứa trao đổi những lời lẽ rời rạc và cụt lủn, thế mà nó có cảm giác thật dễ chịu, hay hơn những lời mà chúng đã trao đổi mỗi khi con bé cho đồ ăn trên phố.

Hồi hộp chờ đến ngày thứ Bảy, con bé chợt nhớ ra rằng nó có thể sẽ mất đến vài chục nghìn để đi xe ôm. Bét ra cũng phải 10 nghìn đi, 10 nghìn về, vị chi nó mất 2 chục nghìn. Một số tiền không nhỏ buộc nó phải cân nhắc. Nó biết đi xe bíp (nó không nói được từ "buýt") sẽ rẻ hơn, nhưng nó không biết phải lên xuống bến nào.

Thôi chả đi nữa, nó nghĩ bụng. Nhưng đầu óc nó lại hiện lên hình ảnh nụ cười lấp loáng của thằng Lẫm trên phố. Thôi đi gặp anh ấy một tí, nó tặc lưỡi. Nhưng lại tốn đến 2 chục nghìn, số tiền hơn cả một tiền công một ngày làm việc của nó. Thôi đếch đi nữa, có phải chỉ mất 2 chục thôi đâu, lại tốn thêm vài nghìn mua quà cho thằng kia nữa. Thôi, tốn kém quá. Nó quyết định chấm dứt cuộc phiêu lưu tình ái ở đây.

(Còn nữa)

22/11/06

CON TRẺ SỚM QUEN VỚI "PHONG BÌ"



Một đứa cháu hàng xóm đang học lớp 2 về nhà rành rọt kể với tôi sau khi đi dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo VN ở trường về: “Hôm nay mẹ cháu phải chuẩn bị 3 cái phong bì cho các cô, mỗi cái những 100.000đ đấy. Nhưng vẫn ít hơn mẹ bạn Tú Anh. Bạn ý bảo mẹ bạn phải chuẩn bị tới 5 cái, cho cả cô hiệu trưởng và cô hiệu phó nữa cơ!”

Nghe chuyện này, tôi cứ thấy băn khoăn mãi. Từ vài năm nay, cùng những bó hoa, những món quà đơn giản mà các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh giành tặng cho các thầy cô giáo với tất cả tình cảm chân thành giành cho những người “đưa đò” tận tuỵ trong Ngày Nhà giáo VN, như một luật bất thành văn, còn có một món quà nhỏ không thể thiếu được gửi kèm theo - nhưng đôi khi là vật quan trọng nhất - chính là những chiếc phong bì.

Mà điều đáng nói là tình trạng này lại diễn ra khá phổ biến ở cấp tiểu học, từ những lớp học nhỏ nhất. Và vô tình, các em nhỏ khi mới vừa bước chân vào trường học đã phải làm quen ngay với một thói quen rất thực dụng của người lớn: Đó là đưa phong bì.

Nhiều bậc phụ huynh vì ngại cô giáo, lại sợ cô từ chối nên đã đưa phong bì cho con trẻ cùng với những bó hoá để cô giáo khó từ chối “tình cảm chân thành” của trẻ nhỏ. Thế là, dù chỉ mới vài tuổi đầu, con trẻ đã có một khái niệm, một cái nhìn hết sức rõ ràng, rành rẽ về chuyện đưa - nhận phong bì cũng như giá trị và sức nặng của những chiếc phong bì như đứa cháu hàng xóm của tôi.

Và thói quen về một lối sống thực dụng, dùng đồng tiền để giải quyết mọi công việc sẽ ngấm vào đầu óc non nớt, ngây thơ của các cháu và nhanh chóng trở thành một phần tính cách của các cháu. Thậm chí, đã có nhiều cháu đã thẳng thừng tuyên bố trước các bạn: “Cuối năm nay chắc chắn tớ sẽ được học sinh giỏi vì mẹ tớ bảo phong bì của tớ “nặng” nhất!”.

Có thể xuất phát từ việc một vài gia đình khá giả muốn có lời “cảm ơn” đặc biệt trước sự dạy dỗ, chăm sóc tận tình của thầy, cô dành cho con cái mình. Thế nhưng, chẳng ai bảo ai, dần dần, nạn “phong bì” trong trường học lan nhanh như vết dầu loang bởi gia đình nào cũng nghĩ rằng nếu mình mà không có phong bì cho thầy, cô thì con cái mình sẽ phải chịu thiệt thòi hơn các bạn khác. Trong khi đó, từ đáy lòng mình, có thể nhiều thầy cô giáo đều luôn coi tất cả học sinh như nhau, đều dành cho các cháu một sự chăm sóc, một tình yêu thương như nhau mà thôi!

Ngày xưa, khi chúng tôi đi học, thầy cô với học trò thân thiết như cha mẹ với con cái. Trò có thể tâm sự với thầy cô, xin ý kiến của thầy cô về những vấn đề bên ngoài lớp học, những điều mà đối với cha mẹ, các trò không thể hoặc không dám nói. Thậm chí nhiều thầy cô còn sẵn sàng đóng tiền học, giúp đỡ cho những học sinh nghèo.

Mối quan hệ thầy – trò như vậy hết sức trong sáng, không bị vết gợn bởi nạn “phong bì” xen vào nên nó tồn tại thực sự bền lâu và vững chắc. Tôi cũng rất mong muốn con cháu mình sau này sẽ không vì cái “phong bì” mà quên mất những tình cảm quý giá thiêng liêng, sự trân trọng tình nghĩa thầy – trò như lớp học trò chúng tôi thuở xưa.

Nguồn: Blog của Mr. Moon

20/11/06

NHUNG LỤA vs HẠNH PHÚC



Thanh niên ở các nước đang phát triển ít nhất cảm thấy hạnh phúc gấp đôi so với những người bạn cùng trang lứa ở các nước phát triển. Thăm dò toàn cầu của kênh truyền hình ca nhạc MTV Networks International (MTVNI) công bố ngày 20.11 cho hay.

Cuộc thăm dò được MTVNI tiến hành trong 6 tháng với 5.400 thanh niên (trong độ tuổi từ 16 đến 34) ở 14 nước: Argentina, Brazil, Trung Quốc, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Nam Phi, Thuỵ Điển, Anh và Mỹ. Nội dung mà MTVNI hỏi là thanh niên quan niệm như thế nào về an toàn, họ có hoà nhập với xã hội không và họ nghĩ gì về tương lai.

Một kết quả khiến người ta phải giật mình là chỉ có 43% người được hỏi trả lời rằng họ cảm thấy hài lòng với cuộc đời của mình, trong đó thanh niên Ấn Độ cảm thấy hạnh phúc nhất, còn thanh niên Nhật Bản cảm thấy họ thật khốn khổ. Chỉ có 8% thanh niên nước này thích thú với cảnh nhung lụa.

Căn cứ vào kết quả thăm dò của MTVNI thì không chỉ có thanh niên Nhật Bản phải chịu cảnh bi đát, mà thanh niên ở những nước phát triển khác cũng có suy nghĩ tương tự. Anh và Mỹ, hai trong số những nước phát triển nhất thế giới, chưa đầy 30% thanh niên cho biết họ cảm thấy hạnh phúc.

"Tại những nước đang phát triển, kinh tế đang có đà tăng trưởng, bạn có thể thấy một cách logic là nơi đó phải có tinh thần lạc quan và cảm giác tích cực” – ông Bill Roedy, Giám đốc MTVNI, nhận xét.

Những nguyên nhân khiến thanh niên các nước phát triển không hạnh phúc xuất phát từ mối lo lắng về công ăn việc làm và áp lực phải thành công. Tâm thế chung của họ là tinh thần bi quan.

Ở Nhật Bản thanh thiếu niên đều phải chạy đua với việc học tập để lọt được vào các trường đại học danh tiếng, rồi từ đó mới có được việc làm tử tế. Khi đã có việc làm thì họ lại phải tiếp tục chạy đua để có được thành công và không bị mất việc.

Ngược lại, cuộc sống của thanh niên ở các nước đang phát triển không được đầy đủ như thanh niên các nước phát triển, nhưng họ lại có được niềm tin và sự lạc quan vào một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Sau Ấn Độ, Trung Quốc là nước có tỷ lệ thanh niên lạc quan rất cao với 84%. Tiếp theo đó là các nước Argentina và Nam Phi, với 75% thanh niên hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Thuỵ Điển (một trong những nước đứng đầu thế giới về thu nhập bình quân đầu người và có mạng lưới an sinh xã hội tốt nhất thế giới) và Brazil (nơi bạo lực trong thanh niên khá cao), là hai nước đứng chót danh sách với tỉ lệ thanh niên hạnh phúc rất thấp.

Tại các nước phát triển, thanh niên đặc biệt bi quan về tiến trình toàn cầu hoá. Có đến 95% thanh niên Đức nghĩ rằng toàn cầu hoá sẽ thiêu trụi nền văn hoá của họ. Trong khi đó thanh niên tại các nước đang phát triển lại có thái độ cởi mở hơn đối với toàn cầu hoá. Họ cũng lạc quan hơn về viễn cảnh kinh tế và tự hào hơn về dân tộc của họ.

Theo bản báo cáo của MTVNI, một trong những trào lưu mà họ phát hiện ra trong giới trẻ đó là thanh niên ngày một được tiếp xúc với báo chí nhiều hơn, nhưng họ lại cảm thấy bất an hơn, bởi họ không có kỹ năng nhận thức để diễn giải những nguy cơ thực.

Tại Anh, hơn 80% thanh niên cho rằng hai điều mà họ sợ nhất là khủng bố và bị ung thư. Khủng bố tuy mơ hồ nhưng là nguy cơ thực, còn ung thư tuy tồn tại thực tế nhưng không phải ai cũng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này.

19/11/06

BÁC HU MẶC ÁO DÀI ĐẸP NHẤT



Bà con thấy bác Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) mặc áo dài có đẹp không?

Những người đàn ông quyền lực nhất thế giới. Họ mặc áo dài Việt Nam với triết lý Việt: Quân tử, hoa sen và chữ nhân.

Tôi thực sự thích hình ảnh bà Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo trong tà áo dài màu hồng. Trông bà thật đẹp như một phụ nữ Việt Nam nho nhã và thanh tao.

Áo dài Việt Nam lâu nay gắn liền với vẻ đẹp thướt tha của người phụ nữ Việt. APEC đã khiến cả thế giới phải biết đến áo dài như một biểu tượng của quyền lực với dấu ấn văn hoá Việt.

Vậy tại sao đàn ông Việt không sắm cho mình ít nhất một chiếc áo dài như vậy?

Để mặc trong những dịp thật trang trọng, để tôn vinh văn hoá và triết lý Việt mỗi nơi có dấu chân của một người con mang dòng máu Việt?

Nếu bạn là đàn ông, bạn có mặc áo dài không?

Nếu bạn là phụ nữ, bạn có đồng ý để những người đàn ông thân yêu nhất của bạn mặc áo dài không?


17/11/06

BÒ SƯỚNG HƠN NGƯỜI



Trưa nay tôi có bữa ăn khá thú vị với một vị khách Nhật tại nhà hàng Ren ở 8A phố Hàng Cháo.

Mọi người nói chuyện trên giời dưới biển: từ chính trị đến kinh tế, từ văn hoá đến manga (chuyện tranh Nhật Bản). Tôi phát hiện ra trong phát ngôn tiếng Nhật của vị khách khả kính nhất (có vị trí cao, tuy tuổi mới ngoài 40 một tí) rất nhiều từ tiếng Anh. Nào là hightech, IT park, nào là arrange, jumbo jet, national identity... Vị khách cho biết pha từ tiếng Anh vào ngôn ngữ Nhật đã không còn là mốt nữa, mà là hiện tượng phổ biến và mọi người chấp nhận. Ngay cả bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Shinzo Abe mới đây cũng rất nhiều từ tiếng Anh.

Các vị khách Việt Nam ồ lên. Thôi từ nay không chỉ OK, byebye, hi, wow, mà còn có thể dùng nhiều từ tiếng Anh khác mà không phải lo là lai căng nữa. Tiếng Nhật tượng hình còn pha trộn tiếng Anh, nữa là tiếng mình đã được latinh hoá.

Câu chuyện giữa người Việt và người Nhật rất sôi nổi. Tóm lại có 2 chuyện vui vui kể ra đây hầu mọi người.

Câu chuyện thứ nhất

Một anh người Pháp có vợ là người Việt. Anh này rất thích xem truyện tranh. Khi anh sang Việt Nam nghỉ hè, chị vợ có nhờ một anh bạn người Việt take care. Anh này đưa tay người Pháp đi ăn. Hai người giao tiếp bằng tiếng Anh.

Cuối bữa ăn, anh người Việt nói: "Ông thưởng thức món xoài VN nhé". Anh Pháp gật đầu, ăn uống no nê rồi chia tay. Vài ngày sau, anh người Việt nhận được thư của chị vợ anh Pháp. Chị viết: "Chồng em rất hài lòng về sự đón tiếp của anh ở Hà Nội. Anh ấy còn cảm động là anh biết anh ấy thích chuyện tranh. Nhưng sao anh hứa tặng chuyện tranh VN cho anh ấy mà lại không đưa?"

Anh người Việt ngồi ngẩn ra: "Mình hứa tặng thằng Pháp truyện tranh hồi nào nhỉ". Nghĩ một lúc thì anh phát hiện ra, anh mời người Pháp ăn xoài "mango", nhưng trong đầu anh Pháp lúc nào cũng chỉ có "manga" (truyện tranh), nên bé cái nhầm.

Câu chuyện thứ hai

Ở Nhật Bản có loại bò nuôi cho thịt ngon rất nổi tiếng là bò Kobe. Con bò này được nghe nhạc giao hưởng, được uống bia. Và tuyệt nhất là nó được mát xa để cho thịt ngon. Vị khách Nhật khả kính của tôi nói vài năm trước ông không dám tự đi ăn món này, vì giá quá đắt. Ông chỉ đi nếu có vị đàn anh nào đó rộng rãi bao.

Có lần các ông ăn thịt của con bò đã chiến thắng trong một cuộc đua với giá lên đến 700 USD/suất. Con bò oai hùng như thế, nên chủ nhà hàng mang đến cả ảnh của nó và giấy chứng nhận nó đã đoạt giải. Tôi hỏi: "Thế những thực khách ăn con bò ấy có được cấp giấy chứng nhận không?". Vị khách cười: "Không, tôi thấy hối hận vì đã chén thịt vị anh hùng!"

Một người Nhật trẻ hơn thở dài, ở bên Nhật anh ở trong căn hộ bé tí. Đi làm bằng tầu hoả, lúc nào cũng tất bật. Làm hùng hục từ sáng sớm đến tối muộn. Tóm lại chẳng có lúc nào được nghe nhạc cổ điển. Bia thì cũng chẳng có lúc nào để uống. Còn mát xa thì tuyệt nhiên không hề biết đến: "Tóm lại, con bò Kobe còn sướng hơn tôi - Tokyo man!".

Từ 6 tháng nay anh ở Hà Nội. Một mình sống trong ngôi biệt thự 3 tầng rộng mệnh mông trên Hồ Tây. Giao hưởng được nghe live ở Nhà hát Lớn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Tetsuji Honna. Bia thì vô tư, từ Tiger, Heineken, Halida, Hà Nội đến bia tươi Đức, bia tươi Tiệp. Còn mát xa thì... vô biên. "Thịt tôi giờ chắc ngon lắm. Hanoi man mà!" - người Nhật trẻ kết luận.

16/11/06

HOA HẬU, HOA VƯƠNG KHIẾM THÍNH



Chàng trai và cô gái trong ảnh là ai mà đẹp đẽ và xinh xắn vậy?

Đấy là hai người đã đoạt giải Hoa hậu và Hoa vương thiếu niên khiếm thính toàn nước Mỹ năm 2001. Trông họ như vừa thắng lợi ở một cuộc thi siêu mẫu.

Nhưng tại sao tôi lại đề cập vấn đề này???

Sáng nay, khi vừa đến cơ quan và tự pha cho mình cốc càphê hoà tan, tôi nghe tiếng gõ cửa rụt rè. Cửa mở và bước vào phòng là nữ biên tập viên mới chuyển về ban.

Cô nhìn tôi ánh mắt buồn rười rượi: "Em có thể gặp anh một lát được không?"

Tôi mời cô ngồi. Và chỉ vừa ngồi xuống phía bàn đối diện, cô đã gục xuống góc nức nở. Tôi đẩy hộp khăn giấy về phía cô. Vừa lau nước mắt, cô vừa nghẹn ngào kể: Hoá ra đứa con bé bỏng 10 tháng tuổi của cô bị khiếm thính bẩm sinh.

Đó là một đứa bé xinh xắn, hiếu động, lúc nào cũng cười khanh khách. Mười tháng nó cũng bi bô với bố mẹ, nhưng tất nhiên chưa biết nói. Vợ chồng cô sinh nghi, khi thấy nó hầu như không phản ứng với âm thanh, chỉ phản ứng với những gì diễn ra trong tầm mắt.

Hôm qua vợ chồng cô đem con đến Viện tai mũi họng trung ương. Ở đó, bằng các dụng cụ đo thính giác, các bác sĩ đã phát hiện ra sự thật.

Trời đất như quay cuồng và đổ sập trước mắt cô. Đứa bé xinh xắn kia đang phải đối mặt với nguy cơ là không thể nói được. Cô truy tìm nguyên nhân và tự buộc tội mình. Khi cô có thai 15 tuần, cô đã bị sốt phát ban, nhưng cô chủ quan cho đó là rubella, không ảnh hưởng gì. Cô nức nở: "Tại em, tại em hết!"

Theo tôi cô không nên tự kết tội mình như vậy. Sống trong bầu không khí bị ô nhiễm của đô thị hiện đại, thiếu gì điều có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của một bào thai. Đứa trẻ bị khiếm thính đúng là điều đáng buồn, điều mà chắc chắn không một bậc cha mẹ nào mong muốn.

Nhưng cuộc sống không phải đến đó là chấm hết. Khoa học hiện đại có thể tạo ra những phép mầu. Với máy trợ thính đeo sớm, khả năng nói được của cháu bé không phải ngoài tầm với. Nhưng vợ chồng cô sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả. Tôi chia sẻ với cô và mong gia đình cô sẽ vượt qua thử thách nghiệt ngã của số phận.

Hồi học phổ thông, tôi có một cô bạn thân cũng có em trai bị khiếm thính bẩm sinh. Đó là một cậu bé rất đẹp, khoẻ mạnh và thông minh. Nó là niềm tự hào của cả gia đình vì học rất giỏi. Nó có thể đọc môi người đối thoại. Chỉ có điều tình tình nó đôi khi hơi cục, vì không được người khác hiểu đầy đủ. Giờ đây, nó đã lớn, đã lập gia đình và đã có một đứa con xinh xắn, không hề bị khiếm thính.

Hy vọng đứa con của đồng nghiệp tôi, do được phát hiện sớm, sẽ có thể nói được. Chúc cháu một tương lai tươi sáng và đẹp đẽ. Và nếu có một ngày nào đó, cháu đứng trên bục cao nhận một giải thưởng, thì chắc hẳn chúng ta sẽ chẳng hề ngạc nhiên.

Nửa ngày sau khi post bài này lên blog, tôi nhận được tin nhắn sau từ một blogger:

Em có biết một vài người thực việc thực đã chữa được bệnh câm điếc bẩm sinh nhờ một phương pháp dân gian. Nhưng không hiểu chị đồng nghiệp của anh có tin tưởng không.Cứ thử xem thế nào, có bệnh thì vái tứ phương phải không anh?
Đó là phương pháp Dưỡng sinh tâm thể ạ
Địa chỉ: 48 Trần Duy Hưng ĐT:7841296
Anh cho em gửi lời hỏi thăm đến chị ấy!

Bạn TL thân mến, tôi post tin nhắn này của bạn lên đây với hy vọng rằng, nó có thể giúp được cả những người khác. Tôi đã chuyển thông tin quý báu này của bạn đến người đồng nghiệp của tôi. Cô ấy rất xúc động và gửi lời cảm ơn bạn.

HỒI ÂM CỦA MỘT QUÃNG BUỒN



NGÔ THỊ KIM CÚC

Trung thực đến đau đớn và dũng cảm như một người tự đốt mình, Lê Vân đã thắp lên ngọn lửa nhỏ để soi rõ không chỉ gương mặt mình mà cả toàn cảnh của một thời quá khứ.

Bởi không chỉ là một diễn viên vơ-đét, cô còn là thành viên trong một gia đình danh tiếng, là công dân của một thế hệ đã trưởng thành trong giai đoạn chuyển tiếp chiến tranh - hòa bình, có cơ hội để trải nghiệm và tỉnh thức một cách sâu sắc trong cả chuyện xã hội lẫn chuyện đời riêng.

Phải đến trang cuối cùng người ta mới nhận ra hết tâm nguyện của người đàn bà - diễn viên này. Thoát ra khỏi những ảo tưởng, đôi khi bộc lộ sự đáo để đàn bà, cô tỉ mẩn lật lại từng quãng đời, nghiền ngẫm và tự thú một cách thành khẩn: "Hai mươi năm là một cuộc vật lộn với cuộc đời và với chính mình chỉ để không bị biến thành một người khác... Có những sự thật, những uẩn khúc cần phải được nói ra... Nó cũng đồng thời là một cơ hội để tôi tự thanh tẩy tâm hồn mình...".

Tự truyện là gì? Là loại văn học tư liệu, qua đó người đọc có thể tìm thấy những thông tin có giá trị lịch sử, bởi nó phải là một sự thật nguyên chất, không cắt xén và càng không có quyền thêm thắt tô vẽ cho một mưu cầu xu phụ hay vị kỷ nào đó. Tự truyện của Lê Vân đáng quý, bởi chẳng có lý do gì khiến người đàn bà gần năm mươi, đang rất hài lòng với hạnh phúc chồng con, lại tự khuấy đảo nội tâm mình lên, bằng những câu chuyện cũ mà nếu không nhắc thì đã chìm hẳn vào quá khứ.

1. Như một đứa con, bé gái - Lê Vân, trong diện tích 24m2 dành cho cả gia đình 5 người, đã tai nghe mắt thấy tất cả những cuộc gấu ó của bố mẹ, thấu tỏ một bi kịch và những sự thật lẽ ra không nên rơi vào đầu óc một đứa trẻ. Lê Vân lớn lên một cách đơn độc với những nhìn nhận chủ quan khó lòng thay đổi trong một tâm hồn non nớt bị tổn thương quá sớm. Góp thêm vào nỗi niềm đó, còn cả bi kịch của mẹ cô, bi kịch của ông ngoại cô, và kể cả của bố cô: Cả ba thế hệ trong gia đình nghệ sĩ này đều chịu những nỗi đau mang tính thời đại...

2. Như một diễn viên, nghệ sĩ múa - Lê Vân nhận ra sự xơ cứng trong môi trường đào tạo, và sau đó là nỗi buồn thiếu vắng công chúng cho sân khấu ba-lê. Chuyển sang đóng phim, diễn viên điện ảnh - Lê Vân càng trưởng thành, càng có điều kiện để khám phá những sự thực không đẹp ẩn kín sau hoạt động nghệ thuật. Cô đã làm việc với những ê-kíp nổi tiếng, dễ dàng đạt được thành công để trở thành ngôi sao một thời. Nhưng danh vọng cũng không bù đắp nổi sự vỡ mộng: "Có một cái gì đó sụp đổ, bục vỡ ở những chiều kích lớn lao hơn... dẫn đến nỗi chán chường vô phương và làm tôi gục ngã hoàn toàn". Và cuối cùng cô đã cắt tóc, bỏ nghề.

3. Như một con người, cô gái trẻ Lê Vân bị chinh phục bởi một người đàn ông thế hệ cha chú. Được khai mở tâm hồn, đồng thời cô cũng rơi vào một bi kịch kéo dài, bởi yêu người đã có gia đình. Tình yêu này tác động vào tính cách cô, khiến cô từng có những hành động không lường trước được, hai lần phản bội những người đàn ông yêu mình hết lòng, mà vì thế cô đã bộc bạch: "Xin các đấng linh thiêng hãy trừng phạt con... Con sẵn sàng đón chịu tất cả những trái đắng do mình gây ra...".

Hơn ai hết, Lê Vân hiểu rõ ý nghĩa của việc đang làm: "Ngay cả điều khủng khiếp nhất là tôi gục ngã trong cảm giác bị trừng phạt thì cũng không kinh sợ bằng việc tôi dung túng cho sự dối trá". Phải chăng vì thế cô đã không hề tìm cách quanh co, né tránh? Qua những gì cô kể, người ta sẽ nhớ rằng, từng có một thời, chúng ta đã sống trong một môi trường như thế, với những điều kiện như thế, đã yêu ghét vui buồn, đã làm khổ mình và làm khổ kẻ khác bởi những sai lầm như thế...

Bùi Mai Hạnh đã đóng góp không nhỏ vào thành công của cuốn tự truyện với tư cách người chấp bút: những ngắt đoạn, những mối nối, những đề từ đều được đặt rất đúng chỗ, rất "nghề". Nó giúp cho câu chuyện xuôi chảy, và đôi chỗ, khiến người đọc phải ngậm ngùi...

Như thương chính mình.

Nguồn: Báo Thanh Niên, ngày 16.11.06

15/11/06

"LÊ VÂN YÊU VÀ SỐNG" - ĐÚNG NGHĨA TỰ TRUYỆN



Hồ Anh Thái

Cuốn tự truyện “Lê Vân yêu và sống” đã nhận được nhiều lời khen và sự đồng cảm. Đồng thời nữ nghệ sĩ cũng nhận được những ý kiến trái ngược. Chính là những ý kiến phản ứng này càng chứng tỏ một điều: Lê Vân yêu và sống là một cuốn tự truyện thực sự.

Sao lại thế? Bởi lẽ, lâu nay ta thường đọc những hồi ký hoặc tự truyện chỉ kể lại những điều tốt đẹp của chính mình, của bạn bè người thân mình. Một thứ sirô ngòn ngọt, các đối tượng được nhắc tên khi đọc xong đều thở phào, đều đẹp lòng như vừa nhìn vào một cái gương nịnh mặt. Những hồi ký không né tránh như của Vũ Bằng, Tô Hoài... trở thành của hiếm. Bây giờ, tự truyện của Lê Vân có thể bổ sung vào danh sách của hiếm như vậy.

Phẩm chất quan trọng bậc nhất của tự truyện là sự thẳng thắn, trung thực. Sử dụng việc viết tự truyện vào mục đích tô vẽ cho mình, thanh toán với người với đời... là thất bại. May mắn, nữ nghệ sĩ được trời phú cho bản tính thẳng thắn, thẳng thắn đến nghiệt ngã. Ngay thẳng đến mức nói điều gì là nói cho tận gan ruột, đến mức không chỉ chính chị sẽ ở vào thế bất lợi, mà kể cả viết về cuốn sách của chị như thế này cũng có thể hứng chịu sự bất bình.

Lê Vân chia sẻ với độc giả những đau xót, cay đắng về nghề, về đồng nghiệp, về tình yêu. Chị không ngần ngại mổ xẻ chính mình, không do dự bộc lộ mặt trái của vinh quang (cứ tưởng đến với chị một cách tự nhiên, nhẹ bỗng), không ngập ngừng chỉ ra những khúc quanh của quản lý nhà nước, quản lý văn nghệ. Thế thì vì lẽ gì ta lại muốn chị tránh mổ xẻ gia cảnh của chính mình? Tâm lý phương Đông, nói gì thì nói nhưng cứ phi tránh gia đình mình ra, nếu không muốn bị độc giả dán những cái mác là "ác", là "bạc". Một nửa cái bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không còn là sự thật nữa, Lê Vân tâm niệm như vậy.

Chính ở chỗ này, người viết tự truyện phải lựa chọn hai lối đi: Một là phải kể cho bằng hết. Trung thực không phải là nói hết mọi điều, nhưng đã nói đến cái gì là phải nói cho bằng hết. Hai là chọn sự im lặng, không viết. Rất nhiều người có danh đã chọn con đường thứ ba: viết một nửa sự thật, chỉ kể lại những gì đèm đẹp mà thôi. Như vậy mới thấy để viết được tự truyện, người ta cần can đảm.

Nghe thì tưởng đơn giản, nhưng làm được không dễ. Đời sống nhiều giả dối lừa lọc quá đi, hít thở mãi cái không khí ô nhiễm bụi và khói xăng mà thành quen, người ta cũng bụi bặm lem nhem lúc nào không biết. Quen đi nhờn đi trong môi trường ấy, Lê Vân hoàn toàn có thể tự an ủi: mình từng là ngôi sao điện ảnh hàng đầu, là ngôi sao ba lê của nhà hát, mình đã may mắn được làm việc với những đạo diễn quan trọng, đóng những vai quan trọng, mình là người vừa có nhan sắc vừa có tri thức, vừa tài vừa tâm... Nhưng chị đã nghĩ ngược lại. Có quá khắc nghiệt không? Có đỏng đảnh ra vẻ ta đây hay không?

Kinh nghiệm sống của mỗi người là hữu hạn. Mỗi cuốn tiểu thuyết đích thực cho ta thêm một kinh nghiệm sống. Mỗi cuốn tự truyện đích thực cho ta cơ hội được sống thêm một cuộc đời bằng xương bằng thịt. Điều này làm nên phẩm chất quan trọng nữa của tự truyện. Cuốn sách vì vậy phải tái hiện cho được tính cách của nhân vật có thật. Ta thấy được gì ở Lê Vân? Những ưu điểm của bản thân trước mắt người đời đều được chính chị vạch ra mặt trái của nó. Nhược điểm của thẳng thắn là sự khô khan, cứ như là "cứng lòng". Nhược điểm của lòng tự trọng là những phân vân ngập ngừng và tự tra tấn mình. Nhược điểm của sự nhạy cảm là chìm đắm trong đau xót và dễ bị tổn thương.

Cũng là một hành vi một câu nói đó thôi, người đời chưa đau thì chị đã đau và di chứng nhiều năm sau còn hằn vết. Nhược điểm của việc lý tưởng hóa đời sống là sự ngây thơ "cứ như giả vờ", lý tưởng hóa nghệ thuật đến mức không thực sự cảm nhận được vinh quang của mình, mà hờ hững, coi đó chưa phải là nghệ thuật thực sự, rồi dẫn đến việc xuống tóc, tuyệt giao với nghệ thuật. Chắc là có những nghệ sĩ đích thực chia sẻ với chị sự "vỡ ra" này, sự "bàng hoàng tỉnh mộng" này. Còn nếu ngộ nhận về bản thân và về nghề chắc sẽ cho là chị "ngạo mạn, đỏng đảnh, vờ vĩnh"...

Thay cho việc thu nhận thêm một kinh nghiệm sống từ tự truyện, phần nhiều thiên hạ có xu hướng áp đặt quan niệm sống của mình (vốn đầy rẫy thành kiến, định kiến) và đòi hỏi người kể chuyện "giá mà" cứ nương theo một khuôn mẫu chung, dễ được xã hội chấp nhận. Thay cho việc mở lòng ra đón nhận, rồi tự phân tích lý giải ngay cả những ca hy hữu nhất, thì thiên hạ dễ sa vào phán xét từ góc độ cũng rất cá nhân, cũng rất hẹp. Cách tiếp nhận ấy là tự làm nghèo kinh nghiệm và hiểu biết của mình, tự thu hẹp khả năng cảm thông chia sẻ, gây ra một chuỗi hiểu lầm tiếp theo và cả những ngộ nhận về chuẩn mực. Thêm nữa, một số cách phán xét trên mặt báo có khi còn đạt đến độ khiếm nhã theo kiểu lời đàm tiếu (sao dễ đẻ thế mà không chịu đẻ với người chồng thứ hai? Có phải là để tự do?...). Đôi khi người ta quên rằng bài phê bình một cuốn tự truyện (bình luận về đời một con người có thật) khác với việc phê bình một cuốn tiểu thuyết.

Đó là những phản ứng mà một cuốn tự truyện đã và sẽ thu nhận được. Một Lê Vân sau bao nhiêu trải nghiệm chỉ toát lên một ao ước: được sống bình thường. Không chọn sống với vinh quang có thật nhưng thực ra là phù du, không muốn bươn chải với đời như một người đàn ông mà chỉ muốn làm người đàn bà của gia đình, người đàn bà thực sự. Dường như sau nhiều trả giá, chị cũng đang đạt được điều đó. Cuốn sách đời chị được Bùi Mai Hạnh thể hiện thành một tự truyện đúng nghĩa. Từ chuyện đời một con người, độc giả có thể nhìn thấy hình bóng cả một thời cuộc.

Nguồn: Người Đại biểu Nhân dân, 6-11-2006

14/11/06

CÂU CHUYỆN OSHIN (6)



KẾ HOẠCH CUA GIAI

Con bé Oshin lên kế hoạch cua thằng Lẫm thợ hồ. Chị cả bảo: "Phải chinh phục bọn đàn ông qua dạ dầy". Con bé nghe câu đấy và không hiểu lắm. Chị cả dí ngón tay vào trán nó: "Con ngu, tức là phải có của ngon vật lạ tọng vào miệng bọn đàn ông thì mới được việc, hiểu chưa?". "Được việc gì hả chị?" - nó thật thà hỏi lại. "Thì tức là được việc. Tức là no bụng thì chúng nó mới có sức đưa mình đi chơi" - chị cả đáp.

Nói thế thì nó hiểu. Hôm sau, đi chợ, nó lấy từ ngân khố của nó 1 nghìn đồng, mua một cái bắp ngô luộc để trên miệng làn. Nó căn đường để sao cho khi nó đi ngang qua ngôi nhà đang xây cũng đúng vào lúc thằng Lẫm đang đánh vữa bên hè đường. Trước đó nó đã quen và chào thằng Lẫm rồi, nên chúng không còn lạ nhau nữa. Hôm nay, khi đến gần thằng Lẫm, nó nhoẻn miệng cười đon đả: "Em chào anh, gớm anh khoẻ quá".

Câu nói chẳng ra chào chẳng ra khen, khiến thằng Lẫm ngoác miệng ra cười. Hàm răng trắng bóc của nó lấp lánh trên gương mặt rám nắng làm con bé ngẩn ngơ. "Anh này xinh giai quá" - nó nghĩ thầm. Không bỏ lỡ cơ hội, nó lấy cái bắp ngô, chìa cho thằng Lẫm: "Này cho anh cái này". Thằng Lẫm sáng mắt khi trông thấy cái bắp ngô, nó chùi tay vào đít quần, cầm ngay món quà: "Xin nhá".

Cho quà xong, con bé đi ngay. Nó cũng ngại đứng lâu trên hè phố sẽ bị bà hàng nước bên kia đường để ý buôn chuyện với cô chủ. Con bé không ngờ thằng Lẫm lại nhận quà ngay, mà không cảnh vẻ gì. Nó ngẫm ra chị cả nói đúng. Bọn đàn ông cứ có cái tọng vào dạ dầy là thích. Nó lấy làm khoái chí vì chiêu đầu đã diễn ra suôn sẻ.

Từ hôm đấy trở đi, nó luôn có món gì đó cho thằng Lẫm. Lúc thì cái bánh rán, lúc thì thanh kẹo lạc, khi lại củ khoai luộc, khi thì 2 điếu Vina. Tóm lại là mọi "của ngon vật lạ" chỉ có giá trong khoảng 1 nghìn đồng và xoay vòng trong những thứ ấy. Ngẫm ra một tháng con bé tốn tình phí khoảng 30 nghìn đồng. "Cũng tốn phết!", nó nghĩ vậy, nhưng cứ thấy thằng kia cười thì nó không thấy tiếc tiền nữa.

Thằng Lẫm thành phản xạ có điều kiện. Sáng nào nó cũng hoạch định công việc để có mặt trên hè phố vào tầm 8 giờ rưỡi để nhận quà của con bé và cười trả ơn. Nó thích thái độ của con bé, nhưng hoàn toàn không có cảm giác rung động gì. Bọn thợ xây chỉ sau ba buổi chàng nàng tặng quà nhau là đã kháo chuyện con bé Oshin phải lòng thằng Lẫm. Nhưng thằng Lẫm cứng cỏi chống chế: "Lày, em đéo yêu ló nhá. Em coi ló như em gái. Ló ngoan, nhưng xấu bỏ mẹ, có anh lào thích thì cứ việc!".

Bọn thợ xây trêu được vài ba hôm, nhưng thấy thằng Lẫm không đỏ mặt, không lúng túng, nên chán. Kể từ đó con bé oshin tránh được đàm tiếu của cánh thợ xây. Cũng chính vì vậy, mà chuyện nó phải lòng thằng Lẫm không lan rộng trong phố.

Chăm sóc thằng Lẫm qua đường dạ dầy ít hôm, nó chuyển qua chinh phục bằng văn hoá. Nó lấy các cuốn Hoa học trò chị cả đưa trong công cuộc khai phá kiến thức giới tính cho nó kèm theo tờ Bóng đá mà chú đọc xong đưa cho thằng Lẫm. Nó dặn thằng kia Hoa học trò thì phải trả, còn Bóng đá thì không cần. Đằng nào chú đọc xong rồi cũng vứt, nó phải dọn cho đỡ chật nhà. Chính tờ Bóng đá dù có chậm một hôm vẫn góp phần khiến cả đám thợ xây đâm ra quý con bé.

Tóm lại kế hoạch cua thằng Lẫm của con bé oshin "thành công rực rỡ". Theo cảm nhận của nó căn cứ vào thái độ của cả đám đàn ông vào lúc 8 giờ rưỡi hàng sáng, thì không những thằng Lẫm mê nó, mà cả cánh thợ xây cũng vậy.

Nhưng kế hoạch của con bé suýt thất bại vì đúng lúc đấy thì ngôi nhà được xây dựng xong và cả đám thợ xây phải chuyển đi công trường khác. Con bé biết tin này một hôm trước khi bọn thợ chuyển đi. Nó thủ ba cuốn Hoa học trò hot nhất và cài vào trong đó số điện thoại nhà cô chú. Nó dúi vào tay thằng Lẫm và nói: "Nhớ trả nhé, khi nào đọc xong thì gọi điện. Có số điện thoại trong ấy".

Xong nó chạy về nhà.Thế là từ nay hàng ngày nó không được nhìn thấy nụ cười ngoác miệng của thằng Lẫm nữa, không được mua quà sáng cho "anh ấy" nữa... Nó cảm thấy bâng khuâng và buồn. Nhưng không phải buồn chán, mà là một nỗi buồn nôn nao nó chưa trải qua bao giờ.

Từ hôm đó nó chờ điện thoại của thằng Lẫm. Vẫn biết thằng này đọc rất chậm, cả tuần mới hết một cuốn, nhưng nó vẫn chờ điện thoại. Sáng sáng khi nó đi qua ngôi nhà giờ đây đã tươm tất và có người dọn về ở, nó lại đi chậm lại. Nó ước mong nhìn thấy thằng thợ hồ đứng đó cười lóng lánh trong ánh nắng sớm.

(Còn nữa)

6/11/06

CÂU CHUYỆN OSHIN (5)



CHỈ TẠI HOA HỌC TRÒ?

Lời nói của cô chủ về việc nó có bầu khiến con bé oshin hoang mang. Tại sao lại nhanh thế nhỉ? Chỉ một lần mà cũng có bầu được ư?

3 năm trước, khi mới đặt chân đến ngôi nhà này, nó vẫn chỉ là đứa trẻ nhà quê gầy gò. Nó nhớ lần đầu tiên được chị cả nhờ đi mua băng Diana, nó ngớ ra không hiểu chị cần mua gì. Nó hỏi lại: “Chị bảo em mua băng gì?”. Chị cả gắt: “Băng vệ sinh, thế mày chưa bao giờ dùng à?” Nó bảo: “Chưa.”. Chị cả cười khúc khích: “Mày cứ ra chỗ đấy, bảo như thế, người ta sẽ bán ngay. Nhớ lấy loại có cánh nhé”.

Nửa năm sau thì chính nó cũng cần đến Diana. Trong thâm tâm nó rất biết ơn chị cả, vì nhờ cô mà nó được chuẩn bị cho việc trở thành con gái. Sau lần đi mua băng có cánh ấy, chị cả tìm được quyển Hoa học trò giải thích rõ về chuyện ấy và đưa cho nó ngâm cứu. Đọc xong nó mới biết là con gái ở quê hay ở thành phố đều trải qua chuyện ấy. Thế mà nó cứ ngỡ là chỉ con gái thành phố mới dùng mặt hàng này, giống như son phấn vậy. Nếu cứ ở quê, thì chắc chẳng ai hướng dẫn giải thích gì cho nó về sự biến đổi lịch sử trong cơ thể này.

Cô cả còn khai phá cho nó nhiều thứ nữa về vấn đề giới tính. Cũng chỉ là qua những bài viết trên Hoa học trò thôi. Nó lý giải được tại sao cơ thể nó thay đổi (từ gầy gò ba mấy cân sang béo tốt sáu chục ký); “nguyệt san” là gì, tại sao mặt nó có mụn và tại sao nó lại cứ hướng mắt tới đàn ông con trai khi thấy họ ngoài đường.

Trong một cuốn Hoa học trò, nó thấy người ta viết rằng bọn con trai có đèn dầu và cái đèn dầu rất ngỗ nghịch, nếu không cẩn thận thì dầu có thể chảy ra ngoài. Nó không hỏi chị cả về chuyện này, mà quyết định tự tìm hiểu. Hôm sau nó ra đường và để ý xem đàn ông con trai cất cái đèn dầu của mình ở đâu. Nhưng nó thấy ai cũng rảnh rang và hình như không ai có vẻ cầm đèn dầu theo người, ngoại trừ điện thoại di động và ví.

Không tìm được câu trả lời, nó đành phải đem chuyện hỏi chị cả. Cô kia ôm bụng cười lăn lộn trên giường đến nửa tiếng đồng hồ. Cô chỉ chịu dừng lại khi thấy rằng nếu cứ tiếp tục thì cô có thể bị đứt ruột. Cô nằm cuộn tôm và nấc như mới khóc một trận thoả thuê vậy. Con bé oshin ngồi khép nép bên cạnh giường, bối rối nhìn cô chủ nhỏ.

Lát sau cô chủ cũng lấy lại được bình tĩnh. Cô kéo tay oshin đến bên bàn máy tính, lách tách trên bàn phím một hồi. Rồi trên màn hình hiện ra hình ảnh người đàn ông phương Tây không một mảnh vải trên người. Đây là lần đầu tiên Oshin nhà ta được mục kích cảnh này. Nó đỏ bừng mặt, mắt ngượng nghịu nhìn xuống mặt bàn.

Cô chủ nhỏ đập vào tay nó: “Nhìn đây cơ mà. Đây này cái đèn dầu là cái này này. Báo chí phải viết lịch sự, nên họ mới gọi chệch đi là “cái đèn dầu”. Chắc mày biết bọn con trai dùng cái này để làm gì rồi đúng không? Dùng để đi tè. Ở nhà quê, thể nào mà chẳng thấy bọn con trai 10 tuổi còn tồng ngồng đi chăn trâu!”.

Quả là con bé đã từng thấy bọn con trai chăn trâu tè bằng đèn dầu thật. Nó tưởng nếu lịch sự thì cứ gọi bằng cu, hay chim chứ, ai lại gọi là đèn dầu. Nhưng mà không sao, ở thành phố có nhiều thứ lạ, tốt nhất là hãy chấp nhận như tiền đề mà chẳng cần hỏi hay giải thích gì cả.

Nhưng hoá ra là chức năng của cái đèn dầu không chỉ đơn giản có như vậy. Sau đó chị cả còn thụ giáo cho nó những kiến thức khác nữa. Thỉnh thoảng khi rỗi rãi ở nhà, chị cả lại gọi nó vào phòng. Hai chị em đóng chặt cửa và chị cả lại bật máy tính giải thích cho nó chi tiết hơn về quan hệ nam - nữ.

Vấn đề này nó tiếp xúc khá nhanh, chẳng cần chị cả phải giải thích đến lần thứ hai. Cô cả cảnh báo nó: “Khi nào mày có bạn trai thì phải cẩn thận, kẻo dính bầu thì chết. Mày mà dính bầu là mẹ tao đuổi ngay mày về quê đấy. Cho nên, nếu có bạn trai thì mày phải dùng cái này nhé!”.

Chị cả lấy trong túi ra một cái bao hình vuông xinh xắn. Thỉnh thoảng con bé Oshin cũng nhìn thấy những cái tương tự trong phòng ông bà chủ khi dọn dẹp, nhưng không biết chúng dùng vào việc gì nên nó cũng không hỏi. Chị cả giải thích chi tiết cho nó cách sử dụng và công dụng của cái vật xinh xắn đó. Nó ngờ nghệch hỏi: “Sao chị biết”. Chị cả cười: “Con này ngốc thế. Thì xem trên Internet đây này. Còn người thật việc thật thì nhờ bạn trai tao”.

Nó “à” một tiếng. Bạn trai của cô chủ nhỏ học cùng trường, đâu hơn hai ba khoá gì đó. Trông cũng khớ trai. Hoá ra chị cả không bao giờ nhờ nó đi mua cái vật dụng nhỏ xinh xắn ấy, chắc là do có anh kia cung cấp. Chị cả bảo: “Này, tao cho mày một cái phòng thân nhé. Cấm chỉ, tuyệt đối không được hé răng nói với mẹ tao là tao có và cho mày đấy nhé!”

Học hết lý thuyết, nhưng không được thực hành, nên nó cũng cảm thấy bức bối. Làm sao để “người thật việc thật” như chị cả nhể? Trước hết phải có bạn trai đã. Cái đầu óc non nớt của nó rà soát toàn bộ khu vực và thích thú phát hiện ra anh chàng Lẫm thợ hồ ở đầu phố là đối tượng thích hợp để làm bạn trai của nó.

(còn tiếp)

3/11/06

CÂU CHUYỆN OSHIN (4)



TÔI KHÔNG NGỦ VỚI OSHIN
Anh lắc đầu ngao ngán. Dào ôi, tưởng chuyện gì nghiêm trọng, hoá ra chuyện ghen tuông vớ vẩn. Thì ra đêm qua kiếm cớ ngủ riêng là vì nghi ngờ vô căn cứ này đây! Lại cứ tưởng có mối nào ở bển, về nhà chê thằng này, chứ hoá ra lại là ba trò cái trò đàn bà rẻ tiền này à.

Anh rút túi lấy bao Vinataba và châm lửa hút một điếu. Nhưng tại sao nó lại nghĩ mình ngủ với con oshin nhỉ? Sao nó coi thường mình thế nhỉ? Sao nó nghĩ anh có thể rúc vào cái mặt rổ thịt của con oshin được nhỉ? Mặt mũi vợ mình trông cũng sáng láng mà sao tư duy của nó lại bệnh hoạn thế nhỉ?

Càng nghĩ anh càng thấy bực. Vợ chồng đầu gối tay ấp mặn nồng hơn 20 năm nay, thế mà chỉ một thoáng nghi ngờ nó đã nghĩ bậy ngay cho anh. "Đồ chó khốn nạn!" - Anh buột miệng chửi và giận giữ dụi nát điếu thuốc vào chiếc gạt tàn.


Đây là lần đầu tiên anh chửi vợ. Chửi vì cái sự suy nghĩ hồ đồ và nông cạn của nó. Các cụ nói cấm sai: "Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu". Sao nó lại có thể mất niềm tin nhanh thế? Sao nó lại có thể chuyển từ yêu thương sang căm giận chỉ vì sự nghi ngờ? Và tại sao nó lại được phép nghi ngờ chồng - người gần gụi nhất, máu thịt nhất?

Một nỗi xót xa trào lên trong anh. Anh nghiến răng đấm tay xuống mặt bàn. Nghĩ mà giận cho sự nông nổi của đàn bà! Nghĩ mà thương cho sự nông nổi của đàn bà!

Anh thu xếp đồ đạc, xách túi ra khỏi phòng. Ngang qua phòng sếp, anh hé cửa thò đầu vào: "Xin phép anh, tôi nghỉ ba hôm. Nhà tôi có việc!". Chẳng cần biết sếp có đồng ý hay không, anh đóng cửa và đi khỏi cơ quan.

Vừa chạy xe máy, anh vừa ngẫm nghĩ lại những chuyện bất thường của con bé oshin trong ba tháng qua. Đúng là khi chị đi vắng, anh cũng cho nó thoải mái hơn. Khi chị ở nhà, chị nghĩ ra đủ thứ việc để con bé hầu như không ngồi yên được phút nào. Anh thì khác. Nó làm xong việc thì cho nó nghỉ. Nó có thể đọc sách hay xem vô tuyến thì tuỳ. Rỗi rãi, nó lôi đống Hoa học trò mà cô cả lưu giữ ra xem. Vài ba lần nó có xin phép anh đi ra ngoài, nhưng không bao giờ về sau 10 giờ tối.

Anh sà vào hàng nước chè chén đầu phố. Bà hàng nước thấy anh cười đon đả: "Gớm cô ấy về một cái là thấy chú rảng rang ngay nhể. Hôm nay lại có thời gian ra đây uống nước nữa cơ đấy". Anh cũng sởi lởi: "Vâng, 3 tháng gà trống nuôi con mệt quá bà ạ. Mẹ cháu về rồi nên hôm nay đi tung tăng một tí".

Quán nước lúc 10 giờ cũng vắng khách. Bà hàng nước buôn đủ thứ chuyện trong cái phố này. Bà đúng là thông tấn xã vỉa hè! Lựa lúc câu chuyện bập vào chi tiết hợp lý nhất, anh hờ hững hỏi: "Bà ơi, con oshin nhà cháu hay chơi với ai ở phố mình nhỉ?". Bà hàng nước bô lô ba la: "Con này chăm đấy. Xấu như nó thì cũng chỉ chơi với vài ba con oshin các nhà khác thôi. Mấy tháng trước tôi thấy nó cũng thân thân với thằng cu thợ hồ ở cái nhà mới xây bên kia đường".

Ăn thêm cái bánh rán, mua thêm nửa bao thuốc Vinataba, anh có thêm thông tin về thằng cu thợ hồ. Tên nó là Lẫm, 18 tuổi, quê ở Từ Sơn. Gần trưa, anh đảo qua ngôi nhà mới xây, chắp tay sau đít ngắm nghía vẻ thán phục, rồi anh bấm chuông, đon đả chào chủ nhà: "Ngôi nhà của ông xây đẹp quá. Cho tôi tham quan xem bên trong thế nào".

Chủ nhà sướng rơn, dẫn anh đi thăm suốt 5 tầng, giới thiệu từ gỗ lát sàn, cửa sổ eurowindow đến thiết bị vệ sinh Italia. Ở đâu anh cũng tấm tắc: "Thợ xây của ông làm tốt quá". Xem xong, anh nói với chủ nhà: "Chú em tôi đang chuẩn bị làm nhà, ông cho xin địa chỉ nhóm thợ". Quả là không còn sự đánh giá nào cao hơn thế, ông chủ nhà sốt sắng cung cấp đầy đủ những thông tin mà anh cần.


Chiều, anh phóng xe sang Từ Sơn. Tìm đến nhà thằng cu Lẫm hoá ra không khó lắm. Một người phụ nữ ngoài 50 mắt mũi kèm nhèm xưng là mẹ thằng thợ hồ nói với anh rằng thằng Lấm đã đi theo cai đầu dài đi xây dựng tận Quảng Ninh rồi. Bà ta tận tình chỉ nhà tay cai đầu dài ở ngay trong xóm. Anh qua đó và rốt cục cũng biết được chính xác chỗ mà nhóm thợ đang ở.

Hôm sau anh đáp xe khách đi Quảng Ninh. Cả thành phố Hạ Long lổn nhổn như một cái công trường khổng lồ. Đám thợ Từ Sơn đang xây một khách sạn mini để phục vụ du khách Tầu. Anh lờ mờ đoán thằng cu cao ngẳng, đen như củ tam thất có hàng ria mờ trên mép đang đánh vữa chính là thằng cu Lẫm. Khi anh đến gần thì nó lại nhận ra anh trước: "Ơ, chú! Chú đi đâu đới?". Anh cười: "Tao đi tìm mày!".

Đợi thằng bé đánh xong chỗ vữa, khuân hết vào cho cánh thợ xây bên trong, anh xin cho nó nghỉ 10 phút và kéo nó vào quán càphê gần đó. Thằng bé quệt tay vào đít quần, vừa rảo bước theo anh vừa hỏi: "Con oshin nhờ chú đòi mấy quyển sách à?". Anh hỏi: "Sách nào?". Thằng bé đáp: "Ló cho cháu mượn mươi cuốn Hoa học trò. Cháu đang xem. Nhưng lếu ló đòi thì cháu giả nuôn cũng được".

Thằng bé xin anh một cốc nước chanh. Anh nhẩn nha hỏi chuyện nó và xác nhận được thông tin của bà hàng nước: Đúng là nó và con oshin cũng "thân thân" thật. Anh nhìn lại thằng bé và nghĩ thầm sao mà tạo hoá khéo ghép đôi: Một đứa gầy nhẳng như que củi, còn đứa kia thì chẳng khác cái thùng phi di động. Anh hỏi độp một câu như những thằng đàn ông vẫn hay hỏi nhau: "Mày ngủ với con oshin nhà chú đấy à?".

Thằng bé trợn mắt. Nó phun ra một câu rất dân dã: "Chú bảo cháu đ... con đấy á? Cháu đéo chơi nhá! Cháu đi nàm kiếm tiền để mổ nông quặm cho u cháu. Chơi ló, ló bắt đền để cháu chết à. Mà chú đừng no, mịa, con đấy xấu bỏ xừ, cả đám thợ bọn cháu đánh cá đứa lào chơi ló đấy. Nhưng đéo có thằng lào chơi, vì ló xấu!".

Lời tuyên bố của thằng cu thợ hồ khiến anh bối rối. Mẹ kiếp, mất toi cả ngày trời cuối cùng chẳng được tích sự gì.

(còn tiếp)

1/11/06

CÂU CHUYỆN OSHIN (3)



CÚ ĐIỆN THOẠI NGHIÊM TRỌNG
Chị đưa con bé về nhà trong tâm trạng bải hoải. Càng nghĩ chị càng thấy cay đắng. Chị xinh đẹp, giỏi giang, 45 tuổi rồi mà vẫn còn nhiều người theo đuổi. Đâu phải người thường, toàn những giám đốc, doanh nhân giàu có, sành điệu, nhưng chị lại mê chất lãng tử nơi anh. Biết chồng mình cũng có cô này, cô khác để ý, song chị cũng mặc. Vả lại, anh chưa một lần khiến chị nghi ngờ là ngoại tình. Nguyên nhân sâu xa khiến chị chung tình với chồng đến giờ này là chị yêu chồng, cộng vào đó là cảm giác an tâm về cuộc hôn nhân của hai người. Vậy mà...

Khi hai cô cháu đã về đến nhà. Chị pha hai cốc trà Dihma dâu và gọi con bé đến ngồi ở bàn ăn trong bếp. Chị cười thầm chua chát: Mình ngồi uống trà tay đôi với nó, thành chị em rồi đây. Người giúp việc trở thành ngang hành với bà chủ rồi đây.

Chị nhắm mắt hình dung cảnh con bé oshin xấu xí mặc quần áo cũ của con gái chị quằn quại trên giường của vợ chồng chị. Không, cũng có thể là trên giường nó. Nhưng dù thế nào thì cái giường của chị của trở nên ô uế, khi anh ta lăn từ giường của nó trở lại giường của chị. Từ nay chị sẽ không bao giờ ngủ trên cái giường ấy nữa.

Chị mở mắt và thấy con bé oshin nhìn chị sợ sệt, chắc chưa bao giờ thấy cô chủ nghiêm nghị như vậy. Uống một hớp trà, chị nhìn thẳng vào mắt nó, nói bằng giọng bình thản của người lớn:

- Cháu có biết cháu bị làm sao không?

- Dạ, không ạ. - Sự nghiêm túc của cô chủ khiến đứa oshin quên từ phủ định "đếch" mà nó hay dùng.

- Cháu nghe này! Để cô nói cho cháu biết: Cháu có chửa. Tức là cháu sắp có con. Cháu sắp làm mẹ! - Chị dằn từng tiếng và dùng từ "chửa", chứ không phải "có bầu", "có mang" để con bé đỡ hiểu lầm.

- Sao ạ? - Con bé mở to mắt kinh ngạc nhìn chị, rồi đột ngột khóc rống lên. Nó không bù lu bù loa như hôm qua, mà chỉ rống lên như con thú bị chọc tiết. Chị không ngăn nó nữa, để mặc cho nó khóc, tiếp tục uống nốt cốc trà. Khi nó đã nguôi nguôi, chị hỏi giọng lạnh lùng và quyền uy:

- Bố đứa bé là ai?

Con bé quệt nước mắt, nhìn trộm chị rồi gục mặt xuống bàn. Vai nó rung lên nức nở. Chị vỗ vai nó:

- Thôi, khỏi cần mày phải nói.

Chị đứng dậy đi ra phòng khách. Đêm mất ngủ đã giúp chị hoạch định rõ ràng đường đi nước bước. Giờ đây khi việc có bầu của con bé đã được khẳng định, chị sẽ phải nói chuyện với chồng.

Trước nay chưa bao giờ vợ chồng chị phải đối mặt với một vấn đề phức tạp và quan trọng đến như vậy. Do chưa có kinh nghiệm giải quyết, nên chị không biết phải bắt đầu câu chuyện thế nào. Nếu mặt đối mặt, e rằng chị sẽ không đủ dũng cảm để nói. Nên chị đã quyết định gọi điện thoại cho anh.


Anh nhấc máy sau hai hồi chuông. Dường như anh đoán biết chắc chắn đây là cú điện thoại của chị, nên câu đầu tiên anh nói là: "Em à?". Chị đáp: "Vâng". Anh hỏi ngay: "Ở nhà có chuyện gì à?" Câu hỏi làm chị tức điên lên. Anh ta đã chuẩn bị tư tưởng sẵn rồi đây. Cục tức ào lên cổ họng, khiến chị gần như không nói được. Nhưng chị cố trấn tĩnh.

Chị nhủ thầm: "Bình tĩnh nào, bình tĩnh nào". Chị hít một hơi rất sâu rồi nói: "Chắc anh đã biết cả rồi phải không?" Anh hỏi lại: "Em bảo anh biết chuyện gì?". Chị nói: "Chuyện oshin nhà mình có chửa". Chị cũng vẫn dùng đúng từ ấy, để tránh anh hiểu lầm.


Đầu dây đằng kia lặng ngắt. Chị như nghe thấy cả tiếng quạt trần đang quay trong phòng anh. Rồi chị thấy tiếng anh khô khốc: "Em nói sao?". Tiếng cười đắc thắng của con rắn ghen tuông đang bò len lỏi trong tim chị vang lên. Biết ngay mà, cấm có sai! Thằng đàn ông nào cũng ngu ngốc không chịu nghĩ đến hậu quả khi ăn vụng. Chị không ngờ thằng chồng chị cũng ngu như lũ đàn ông còn lại.

Chị nói vào ống nghe giọng không còn chút màu sắc nào: "Anh nghe rõ rồi đấy. Nó có chửa. Hai tháng. Nó chẳng cảm mạo thương hàn gì hết. Nó nôn ọe và chê cơm vì nó ốm nghén. Hai tháng. Anh hiểu chưa?"


- Thế nó chửa với ai? - tiếng chồng như từ thế giới bên kia vọng lại. Câu hỏi thật bất ngờ vì chính chị không nghĩ anh lại vô liêm sỉ đến mức có thể đặt ra câu hỏi ấy. Giọt nước làm tràn li. Thế là hết. Hết mọi yêu thương. Hết mọi chịu đựng.

Chị cười gằn: "Anh lại còn hỏi tôi câu ấy à? Chính tôi cũng đang muốn hỏi anh đây. Ba tháng nay tôi vắng nhà làm sao tôi biết được cái bí mật vĩ đại ấy. Anh ở nhà, anh phải biết con oshin có chửa với ai chứ. Nếu anh không biết, thì hãy hỏi lại chính anh ấy". Nói xong, chị cúp máy.

(Còn tiếp)

CIMARON CHẠY MẤT DÉP



Thật mừng hết biết, siêu bão "Cimaron" (Bò rừng theo tiếng Phillippines) đêm qua đã đột ngột chuyển hướng. Nó không đâm vào ven biển miền Trung của Việt Nam nữa mà nhằm hướng Hồng Kông thẳng tiến. Theo dự kiến thì sáng thứ 7 nó sẽ đổ bộ vào Hương Cảng. Sau đó đến sáng Chủ nhật nó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đến lúc đó sẽ quay lại bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc và có thể sẽ mon men vào Quảng Ninh một tí.

Thế là cả nước, đặc biệt là bà con ta ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, Quảng Ngãi thở phào nhẹ nhõm vì thoát khỏi anh siêu bão này. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Chắc vài ngày nay ai cũng canh cánh lo cho miền Trung. Tháng trước vừa phải chịu trận với Xangsane, tháng này lại lo bị "bò rừng" húc. Mà con này là bò điên, chứ không phải bò bình thường. May quá, may quá! Thật đúng là trời thương.

Hôm qua, rất nhiều phóng viên đã đồ đạc lỉnh kỉnh bay vào Đà Nẵng để đón bò. Sáng nay nghe tin nó chuyển qua Hồng Kông, không thèm vào Đà Nẵng nữa mà lại thấy vui... Sửa soạn đồ đạc ra sân bay về lại Hà Nội, một anh nhắn tin cho tôi: "Thấy báo chí mang máy móc đổ xô ra bờ biền nghênh tiếp, Cimaron sợ quá chạy mất dép!" Một anh khác thì hài hước hơn: "Bão đi luôn vì có người ra đưa phong bì từ ngoài khơi rồi".

Hè hè. Thôi cứ AQ như thế cũng được. Miễn tránh được con bò rừng này là được roài.
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết