31/5/11

KHÔNG THỂ PHÁT ĐIÊN


Phát điên trước một đời sống luôn biến động, trước một xã hội có quá nhiều hiểm nguy rình rập là điều rất dễ xảy ra. Làm sao để có thể sống bình an giữa muôn vàn bất trắc mới là điều khó.

“Nóng!” là từ diễn tả TP.HCM chính xác nhất trong thời gian này. Nóng khi vật giá vụt tăng không kiểm soát nổi. Nóng với các thông tin thời sự từ vỉa hè đến... phòng họp Quốc hội.

Nóng với các nguy cơ thiên tai đang rình rập... Và cộng thêm cái nóng của mùa Hè đang đến gần thì con người dễ “phát điên” cũng là điều dễ hiểu. Nhưng chả nhẽ chúng ta cứ để mặc cho mình phát điên?

An tự tâm

Là lời khuyên xem ra rất cũ, nhưng thực tế lại luôn luôn đúng. Tâm an không có nghĩa là ta phải năng ngồi thiền, năng đi chùa, năng cầu nguyện, mà tâm chỉ an khi lòng ta luôn tràn đầy những điều tốt đẹp.

Những điều tốt đẹp ấy ở đâu ra? Là do ta nghĩ ra, ta thực hiện và bồi dưỡng, vun đắp cho cuộc sống của mình và của những người xung quanh.

Tâm an khi ta đừng luôn nhìn cuộc sống với một chiếc kính lúp, mà thỉnh thoảng nên thay bằng chiếc kính vạn hoa lấp lánh sắc màu. Dù cuộc sống có trần trụi đến đâu, có khắc nghiệt đến đâu thì tự mỗi người chúng ta cần tự tạo cho mình một nguồn vui sống.

Trao đi những điều tốt đẹp là chúng ta đã mang đến niềm vui cho chính mình.

Tâm an là khi ta tràn đầy năng lượng sống, ta tích cực làm việc, tích cực yêu thương, tích cực tận hưởng. Làm việc để biết ta có ích. Yêu thương để biết ta còn rung động. Tận hưởng để biết ta xứng đáng.

Sự “biết” này mang lại những năng lượng cần thiết để một con người sống cả đời. Năng lượng là bệ phóng. Nếu năng lượng tràn đầy, ta dễ dàng vượt qua mọi chướng ngại vật.

Mỗi giờ một chút vui

Không phải “mỗi ngày chọn một niềm vui” như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà là mỗi giờ. Như thế chúng ta mới có thể không phát điên. Hãy đón nhận mỗi khoảnh khắc chúng ta đang sống, đang thở, đang làm việc, đang yêu... và biến vài điều thành một chút vui.

Không vui hân hoan, không vui tưng bừng thì cũng vui chút chút như sóng gợn. Thế cũng đủ để tâm hồn lắng dịu trước mọi đua chen.

Tôi vào công viên, gặp nhiều người đi bộ, họ vui trong từng bước chân đi, trong từng giọt mồ hôi. Tôi ra chợ, gặp những người đi chợ, họ vui trong từng mớ rau, con cá khi nghĩ đến mâm cơm gia đình.

Tôi vào một quán bia, gặp những cái chạm ly, thấy niềm vui trong câu chuyện phiếm lẫn không phiếm. Tôi vào một mái ấm, gặp nhiều mảnh đời bất hạnh, tôi thấy họ vui khi được sẻ chia, nâng đỡ...

Ở đâu cũng có niềm vui. Nhưng để cân bằng niềm vui của mình, chia sẻ niềm vui của mình với những người xung quanh mới là điều cực kỳ quan trọng.

Cân bằng và chia sẻ niềm vui như anh H. Tuấn (Giám đốc một xưởng may ở Bình Dương) cũng là điều không mấy ai có thể nghĩ thấu đáo:

“Khi tôi chạm ly với bạn bè, tôi vui. Nhưng bà xã ở nhà liệu có vui không khi tôi chạm đến khuya. Thế nên tôi cân bằng niềm vui này bằng tin nhắn: “Vợ ơi, anh uống tí chút với bạn. Anh sẽ tranh thủ về sớm. Vợ đừng giận anh nhé”. Thế là dù vợ tôi có kém vui đi nữa thì tôi cũng an tâm”.

Chúng ta không thể phát điên. Chúng ta chỉ có thể tự vui sống với năng lượng của chính mình được tiếp nhận từ mọi thứ xung quanh. Chúng ta không thể phát điên bởi chúng ta biết thanh lọc cuộc sống.

Thanh lọc bằng sự lựa chọn, bằng sự gom góp niềm vui, sự bình yên ở mọi nơi, mọi lúc, mọi giây, mọi phút như chị N. Bình (kế toán trưởng Công ty X, TP.HCM):

“Tôi thấy cuộc sống đáng yêu từ nụ cười của con trai, từ bộ quần áo đẹp của cô bạn, từ lời khen của nhân viên... Tại sao lại phải suy nghĩ quá nhiều về các bất trắc của cuộc sống trong khi nó chưa đến. Tôi trân trọng và yêu quý những giây phút hiện tại”.

HOÀI NHÂN

Nguồn:
Không thể phát điên


30/5/11

TRUNG QUỐC CÒN MUỐN BẮT NẠT ASEAN THÊM NỮA


Hôm qua (29.5), thượng nghị sĩ Philippines, bà Miriam Defensor-Santiago (ảnh trên), một chuyên gia về luật quốc tế nhận định, dường như Trung Quốc sẽ còn gia tăng các hoạt động “bắt nạt” các nước có cùng tranh chấp ở Trường Sa. Đồng thời, bà cũng cảnh báo ASEAN về việc bị lép vế nếu tiến hành hợp tác ở khu vực này.

Theo bà Santiago, thời gian tới Trung Quốc sẽ luôn cố thực hiện các hành động bắt nạt Philippines và các nước ASEAN, nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ ở khu vực quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV).

Trước một siêu cường như Trung Quốc, chính phủ Philippines cần phải thận trọng và khôn ngoan hơn nữa trong việc đàm phán với nước lớn này.

“Trung Quốc, trên thực tế đang cố gắng và bắt nạt chúng ta và cả các nước khác ở ASEAN”, bà Miriam Defensor-Santiago, cựu chủ tịch ủy ban Thượng nghị viện về quan hệ đối ngoại Philippines nói.

Trong số 6 nước và lãnh thổ đang có tranh chấp ở Trường Sa (cùng với Philippines, Malaysia, Đài Loan, Brunei và Việt Nam), Trung Quốc được xem là nước lớn nhất về diện tích, dân số và cả về khả năng quân sự.

Đường "lưỡi bò" nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông

Bà thượng nghị sĩ nhấn mạnh: “Chúng ta không thể dựa vào các nước khác để bảo vệ chủ quyền của mình với Trung Quốc. Ví dụ như Mỹ, họ cũng cẩn trọng vì cũng có lợi ích để bảo vệ. Đó là nguyên tắc của quan hệ quốc tế”.

Đáng chú ý, bà Santiago cảnh báo chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino về việc ký kết thỏa thuận chung về khai thác dầu và các mỏ tự nhiên trong nỗ lực “dàn xếp” tranh chấp ở Trường Sa. Trung Quốc có thể nắm đằng chuôi khi Philippines không thực hiện được việc khai thác dầu vì thiếu khả năng và thiết bị. Và kết cục, Philippines có thể trở thành nước vệ tinh của Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi nhắc đến khả năng Trung Quốc chiếm trọn biển Đông, bà Santiago phủ nhận việc này. Nếu Trung Quốc kiểm soát được nguồn dầu khí và tài nguyên dưới lòng biển Đông, sẽ gây nên sự mất cân xứng về phân bố quyền lực trên thế giới. Đó là điều Mỹ và các nước châu Âu sẽ không để xảy ra.

Nguồn:
Trung Quốc còn muốn bắt nạt ASEAN thêm nữa
Tham khảo:
TRUNG QUỐC XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN SÁT BIÊN GIỚI VIỆT NAM
CÂU CHUYỆN "CÁI LƯỠI BÒ"
TÀI LIỆU QUÝ KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI TRƯỜNG SA VÀ HOÀNG SA
TRUNG QUỐC PHẢI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
HẢI QUÂN VIỆT NAM BẢO VỆ VÙNG LÃNH HẢI VIỆT NAM


29/5/11

HẢI QUÂN VIỆT NAM BẢO VỆ VÙNG LÃNH HẢI VIỆT NAM



Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.

Trong buổi họp báo quốc tế chiều 29.5 tại Hà Nội về việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 (thuộc tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN) ngày 26.5, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định, hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Nói về vụ việc hôm 26.5, bà Nga cho biết, Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việt Nam trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Hành động này của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế, vi phạm Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Trước sự quan tâm của báo chí quốc tế về vai trò của hải quân Việt Nam trong việc bảo vệ các tàu ở biển Đông, bà Nguyễn Phương Nga nói, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Duy Chiến, phó chủ nhiệm Uỷ ban biên giới quốc gia Việt Nam cho biết, việc Trung Quốc hiện nay tìm cách để thực hiện đường yêu sách 9 đoạn (đường lưỡi bò) ở biển Đông thực tế đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban biên giới khẳng định, một điều rất rõ ràng là đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế nào cả. Đường lưỡi bò cũng trái với Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc mà Trung Quốc cũng là một thành viên. Yêu sách này đã xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, và bị nhiều nước phản đối.

Trả lời câu hỏi về việc người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho rằng “Việt Nam tiến hành thăm dò dầu khí ở vùng biển do Trung Quốc quản lý đã làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc. Việc tàu hải giám Trung Quốc thực hiện với tàu Việt Nam là hoạt động giám sát và chấp pháp ở vùng biển do Trung Quốc quản lý. Trung Quốc luôn nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông”, bà Nguyễn Phương Nga nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam bác bỏ luận điệu phát biểu này”.

Bà Nga nói, cần phải làm rõ một số điểm như sau, trước hết, khu vực mà Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý theo công ước Luật biển quốc tế năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực do Trung Quốc quản lý. Phía Trung Quốc đang cố tình làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp.

Cũng theo người phát ngôn, Việt Nam luôn tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Tuy nhiên cũng cần nói rõ rằng, không có nhận thức chung nào nói rằng Trung Quốc có quyền cản trở các hoạt động của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chính hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức của lãnh đạo cấp cao hai nước. Điểm thứ ba, Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông.

Phó tổng giám đốc tập đoàn PVN, ông Đỗ Văn Hậu cho biết, tàu hải giám Trung Quốc đã gây hai loại thiệt hại cho tàu Bình Minh 02. Thứ nhất là hỏng các phương tiện thiết bị khảo sát địa chấn, cắt đứt cáp địa chấn, làm hỏng hệ thống tín hiệu, thu tín hiệu của tàu Bình Minh 02. Và thiệt hại quan trọng hơn cả là PVN phải dừng hoạt động hai ngày để loại bỏ thiết bị hỏng và thay thiết bị mới, sửa chữa thiết bị. Sau đó PVN cũng phải dành nhiều thời gian nữa để sửa chữa thiết bị bị hỏng. “Chúng tôi đang đánh giá mức độ thiệt hại và sẽ có báo cáo chi tiết”, ông Hậu nói.

Trả lời về việc Trung Quốc đã từng can thiệp vào công tác của PVN, ông Hậu nói, hoạt động dầu khí trên thềm lục địa của chúng ta trải dài từ phía bắc Vịnh Bắc Bộ cho tới mũi Cà Mau. Và Trung Quốc đã nhiều lần vi phạm nằm ở khu vực chúng ta gọi là nhạy cảm. Các hoạt động này bao gồm khảo sát địa chấn, khảo sát địa chất công trình, hoạt động khoan, và nhiều hoạt động này đã bị tàu Trung Quốc vào gần để quấy nhiễu và đã từng có trường hợp cắt cáp. Tất cả các trường hợp này đều được các cơ quan chính quyền Việt Nam đưa ra phản đối mạnh mẽ với Trung Quốc.

Đối với Petro Việt Nam, ngoài thiệt hại ra, Tập đoàn đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác, nhà đầu tư nước ngoài tại vùng thềm lục địa Việt Nam, kể cả ở khu vực PVN đang khảo sát hôm 26.5. Chắc chắn sự kiện này cũng làm ảnh hưởng đến chủ trương, tâm lý và hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài. “Tuy nhiên tôi khẳng định tất cả nhà đầu tư nước ngoài biết rằng các hoạt động dầu khí của PVN và của họ trên những khu vực đã ký kết là nằm trong vùng Việt Nam có chủ quyền”, ông Hậu khẳng định.

Việt Anh (ghi)

TÀU ĐÁNH CÁ TRUNG QUỐC THƯỜNG VÀO VÙNG BIỂN QUẢNG BÌNH

SGTT.VN - Ngày 29.5, đại tá Dương Ngọc Bội, phó chính uỷ bộ đội biên phòng Quảng Bình cho biết thời gian gần đây tàu đánh cá Trung Quốc thường xâm phạm lãnh hải Việt Nam tại vùng biển Quảng Bình.

Từ nguồn tin cơ sở các tổ đội đoàn kết trên biển cũng như các đồn biên phòng ven biển, đại tá Dương Ngọc Bội cho biết ngày 30.4 có 4 tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam cách cửa Roòn 40 hải lý về phía đông. Ngày 4.5 có 3 tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển Việt Nam cách cửa sông Gianh khoảng 25 hải lý về hướng đông. Ngày 23.5 có 2 tàu đánh cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam khi vào sâu vùng biển Quảng Bình, cách cửa biển Nhật Lệ khoảng 20 hải lý.

Vào ngày 27.4, Hải đội 2 bộ đội biên phòng Quảng Bình nhận được nguồn tin của ngư dân phản ánh, có một số tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá cá trái phép trong vùng biển nước ta thuộc địa phận vùng biển Quảng Bình. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Quảng Bình điều tàu BP 071202 thuộc hải đội 2 xuất kích. Đến toạ độ 17 độ 36 phút kinh đông, 106 độ 58 phút vĩ độ bắc thuộc địa phận vùng biển Quảng Bình, phát hiện có 3 tàu, 8 thuyền câu mang ký hiệu Trung Quốc cùng 18 ngư dân đang đánh bắt cá trái phép. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm của tàu và ngư dân Trung Quốc, xét thấy mức độ sự việc, tổ công tác đã phóng thích người và phương tiện ra khỏi lãnh hải nước ta. Trước đó một tuần, hải đội 2 bộ đội biên phòng Quảng Bình cũng đã lập biên bản phóng thích 2 tàu khác và xua đuổi khỏi vùng biển Quảng Bình 3 tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc.

Quốc Nam

Nguồn:
Tàu đánh cá Trung Quốc thường vào vùng biển Quảng Bình
Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết
Tham khảo:
TRUNG QUỐC XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN SÁT BIÊN GIỚI VIỆT NAM
CÂU CHUYỆN "CÁI LƯỠI BÒ"
TÀI LIỆU QUÝ KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI TRƯỜNG SA VÀ HOÀNG SA
TRUNG QUỐC PHẢI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI



28/5/11

TRUNG QUỐC PHẢI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI


Cáp thăm dò của tàu địa chấn Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc
trắng trợn xâm phạm chủ quyền Việt Nam phá hoại.
Ảnh: TTXVN.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Quan chức Ngoại giao Việt Nam xác định tàu Bình Minh 02 đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã bị ba tàu Hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò sáng 26/5. Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12 độ 48 phút 25 giây Bắc và 111 độ 26 phút 48 giây Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.

Sáng qua, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Cùng ngày hôm qua, ông Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc PetroVietnam (PVN), đơn vị chủ quản của công ty sở hữu tàu Bình Minh 02, khẳng định việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong lãnh hải của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN.

PVN cho biết ngay sau khi bị phá hoại, tàu Bình Minh 02 đã được sửa chữa tại chỗ và trở lại hoạt động bình thường.

Vụ phá hoại xảy ra vào lúc 5h5 ngày 26/5, rađa tàu địa chấn Bình Minh 02 đã phát hiện có tàu lạ đang chuyển động rất nhanh về phía khu vực khảo sát. Sau đó 5 phút thì phát hiện tiếp hai tàu nữa đi từ phía ngoài vào. Đó là ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy thẳng vào khu vực khảo sát mà không có cảnh báo.

Trên cơ sở tốc độ di chuyển của tàu hải giám Trung Quốc, tàu Bình Minh thấy có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thiết bị của tàu nên đã quyết định hạ thấp thiết bị để tránh thiệt hại.

Vào lúc 5h58, tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thời gian gần đây phía Trung Quốc đã có những hành động và tuyên bố liên quan đến Biển Đông mà Việt Nam kiên quyết phản đối. Hôm 16/5, Trung Quốc loan tin đã mở rộng dịch vụ điện thoại di động, phủ sóng khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc công bố một tài liệu trong đó tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, in một số bản đồ có vẽ “đường lưỡi bò”, nêu kế hoạch triển khai tự thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa và mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng Biển Đông; tăng cường tàu ngư chính đi lại trong khu vực Hoàng Sa của Việt Nam.

Những tuyên bố và hành động này đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, đi ngược Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đồng. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phản đối và yêu cầu chấm dứt ngay và không tái diễn các hành động tương tự.


Lực lượng Hải giám của Trung Quốc

Trung Quốc đang mở rộng quy mô hoạt động của cơ quan Giám sát hàng hải. Đây là một trong 5 tổ chức hành pháp liên quan đến bờ biển ở nước này.

Theo Strategy Pages, một trang tin chuyên về quân sự, các cơ quan hành pháp biển của Trung Quốc gồm: Tuần duyên - lực lượng quân sự tuần tra bờ biển; Ủy ban an toàn hàng hải - chịu trách nhiệm tìm kiếm và giải cứu ven biển; Ngư chính - quản lý các hoạt động đánh cá; Hải quan - giám sát ngăn chặn buôn lậu; và Hải giám. Hải giám chính là cơ quan có ba con tàu đã quấy rối hoạt động của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam hôm 26/5.

Hải giám (Marine Surveillance) là tổ chức được thành lập mới đây nhất, năm 1998. Đó thực chất là lực lượng cảnh sát của Cục Hải dương Trung Quốc, chịu trách nhiệm các vùng nước không thuộc lãnh thổ lãnh hải Trung Quốc, ở những nơi mà Trung Quốc đơn phương tự cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Hải giám cũng là cơ quan thực thi luật môi trường của Trung Quốc tại các vùng duyên hải.

Theo trang tin trên, chương trình mở rộng lực lượng của Hải giám sẽ tăng quân số từ 9.000 lên 10.000 người, mua thêm 36 tàu tuần tra. Cơ quan này hiện có 300 tàu và 10 máy bay. Ngoài ra, Hải giám cũng thu thập và điều phối dữ liệu từ các hoạt động của tổ chức tại 10 thành phố lớn và 170 đơn vị hành chính khác ở vùng vùng duyên hải.

Chương trình tăng cường lực lượng của Hải giám Trung Quốc chủ yếu nhằm vào nơi mà Trung Quốc tuyên bố là EEZ. Theo luật quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế là khu vực 200 hải lý tính từ đất liền.

Hiện nay trên Biển Đông, Trung Quốc có các tuyên bố đơn phương về chủ quyền và các quyền liên quan mà không được các nước láng giềng công nhận.

Trung Quốc đã cử các tàu thuộc lực lượng Ngư chính và Hải giám hoạt động ở Biển Đông trong thời gian qua. Hôm 26/5, tàu hải giám của nước này đã cố tình cắt dây cáp của một tàu Việt Nam đang hoạt động bình thường trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam. Hà Nội ngay lập tức gửi công hàm phản đối, yêu cầu không để tái diễn các vi phạm, và đòi bổi thường thiệt hại cho Việt Nam trong sự việc này.


Nguồn:
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại
Tìm hiểu lực lượng Hải giám của Trung Quốc
Tham khảo:
TRUNG QUỐC XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN SÁT BIÊN GIỚI VIỆT NAM
CÂU CHUYỆN "CÁI LƯỠI BÒ"
TÀI LIỆU QUÝ KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI TRƯỜNG SA VÀ HOÀNG SA

TÀU TRUNG QUỐC NGANG NGƯỢC VI PHẠM LÃNH HẢI VIỆT NAM


Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam
và cắt cáp của tàu Bình Minh 02. Ảnh: TTXVN.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN) Đỗ Văn Hậu cho biết sáng 26/5, các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải thuộc chủ quyền của VN, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN.

Ông Hậu cho biết thực hiện kế hoạch PVN đã phê duyệt chương trình thăm dò khai thác dầu khí năm 2011, doanh nghiệp thành viên - Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, một thành viên của PVN, đã cử tàu địa chấn Bình Minh 02 triển khai khảo sát địa chấn tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 ở thềm lục địa miền Trung của Việt Nam.

Cả 4 lô này đều nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tàu địa chấn Bình Minh 02 đã khảo sát hai đợt tại đây, đợt 1 vào năm 2010 và đợt 2 bắt đầu từ ngày 17/3/2011. Quá trình khảo sát những ngày vừa qua được tiến hành trôi chảy và tàu Bình Minh đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, vào lúc 5h5 ngày 26/5, rađa tàu địa chấn Bình Minh 02 đã phát hiện có tàu lạ đang chuyển động rất nhanh về phía khu vực khảo sát. Sau đó 5 phút thì phát hiện tiếp 2 tàu nữa đi từ phía ngoài vào. Đó là ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy thẳng vào khu vực khảo sát mà không có cảnh báo.

Trên cơ sở tốc độ di chuyển của tàu hải giám Trung Quốc, tàu Bình Minh thấy có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thiết bị của tàu nên đã quyết định hạ thấp thiết bị để tránh thiệt hại.

Vào lúc 5h58, tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ông Hậu cho biết thêm ba tàu Hải giám Trung Quốc đã làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động bình thường của tàu địa chấn Bình Minh 02. Sau đó tiếp tục uy hiếp tàu Bình Minh 02 và thông báo là tàu Bình Minh đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng tàu Bình Minh của PVN cương quyết bác bỏ luận điệu của tàu hải giám Trung Quốc và khẳng định rằng tàu Bình Minh đang nằm trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm lãnh hải của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, việc tiếp tục công việc ngay lúc đó của tàu Bình Minh 02 vẫn bị ba tàu Hải giám Trung Quốc cản trở cho tới 9h sáng 26/5 khi 3 tàu này rời khỏi khu vực khảo sát.

Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26/5 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa.

Dưới sự chỉ đạo của PVN và Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, tàu Bình Minh 02 đã sửa chữa thiết bị tại chỗ và tới 6h sáng 27/5, tàu Bình Minh 02 đã trở lại hoạt động.

Phó tổng giám đốc PVN khẳng định việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong lãnh hải của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN.

PVN đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hành động cản trở hoạt động của PVN. Đồng thời hỗ trợ PVN thực hiện nhiệm vụ thăm dò, khai thác của mình.

Tập đoàn PVN cũng khẳng định các công việc khảo sát địa chấn ở khu vực này sẽ được tiến hành bình thường vì đây là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. PVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để bảo đảm cho hoạt động của tàu Bình Minh 02 được hiệu quả, an toàn.

Tàu địa chấn Bình Minh 02 được PVN đầu tư trang bị từ năm 2008 và đã tiến hành các đợt khảo sát trên vùng thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

(Theo TTXVN)

Nguồn:
Tàu Trung Quốc ngang ngược vi phạm lãnh hải Việt Nam



26/5/11

CẬU BÉ "ĐỒNG QUÊ" ĐĂNG QUANG AMERICAN IDOL



Thí sinh 18 tuổi Scotty McCreery đến từ bang Bắc Carolina đã đăng quang tại cuộc thi American Idol mùa thứ 10 sau khi chiến thắng thí sinh 17 tuổi Lauren Alaina.

Scotty (sinh ngày 9.10.1993) chơi cho đội bóng chày trường trung học và thường kiếm thêm ở tiệm tạp hóa gần nhà tại thị trấn Garner đã chiếm trọn trái tim của các fan American Idol khắp nước Mỹ bằng ngoại hình dễ nhìn, sự điềm tĩnh toát lên đầy vẻ tự tin và chất giọng baritone đặc trưng của dòng nhạc đồng quê.

Bắt đầu mùa American Idol bằng buổi thử giọng ở Milwaukee, Scotty dần chiếm được cảm tình của ban giám khảo và các fan qua từng vòng đấu. Chiến thắng của Scotty trước cô gái Lauren Alaina (sinh ngày 8.11.1994) trong đêm chung kết cho thấy sự thống trị của các giọng ca nam tại American Idol mấy mùa qua. Trước Scotty là David Cook, Kris Allen, Lee DeWyze giành chiến thắng ở các mùa 2008, 2009 và 2010.

Scotty cũng bước vào lịch sử với tư cách là thí sinh trẻ thứ hai thắng giải. Anh chia sẻ vinh quang này với Jordin Sparks, nữ thí sinh thắng giải năm 2007.

American Idol 2011 cũng lần đầu tiên chứng kiến hai thí sinh lọt vào đêm chung kết cuối cùng là hai thí sinh thuộc dòng nhạc đồng quê, khiến cho nhiều người cảm tưởng đây là cuộc thi “Nashville Star” tìm kiếm ngôi sao nhạc đồng quê chứ không “American Idol”. Rất lý tưởng cho các fan nhạc đồng quê nhưng không lý tưởng cho các fan mê dòng nhạc khác. Nhưng rating người xem truyền hình đêm chung kết cuối cùng vẫn rất cao: hơn 20 triệu người.

Riêng sau đêm chung kết cuối cùng, đã có 122,4 triệu lượt tin nhắn gửi về tổng đài để bầu chọn cho một trong hai thí sinh (trong khi dân số Mỹ là 308 triệu người). Tính cả mùa American Idol 2011, có 730 triệu lượt tin nhắn bầu chọn cho các thí sinh, thiết lập kỷ lục mới cho American Idol.

American Idol mùa thứ 10 bắt đầu vào 19.1.2011 và kết thúc vào 25.5.2011. Cuộc thi trở nên “bi” về cuối khi có tin đối thủ của Scotty là Lauren bị mất giọng trước đêm chung kết. Người bị loại ở vòng trước là nữ thí sinh Haley Reinhart được yêu cầu chuẩn bị để thay thế cho Lauren, điều chưa có tiền lệ trong 10 mùa American Idol.

Tuy nhiên, Lauren, cô gái đến từ bang Georgia đã được điều trị kịp thời trước đêm diễn ở nhà hát Nokia Theatre tại Los Angeles. Cô hát 3 bài và thậm chí còn khỏe hơn Scotty nhưng lá phiếu của các fan trên khắp nước Mỹ bỏ cho Scotty nhiều hơn để “cậu trai nhà bên” giành chiến thắng.

Đ.Hiệp (SGTT)

Nguồn:
American Idol 2011: Thí sinh nhạc đồng quê Scotty McCreery đăng quang


BONUS: CÁC BÀI HÁT SCOTTY TRÌNH BÀY TRONG ĐÊM CHUNG KẾT




P/S: Cách đây 3 tháng, hôm 19.2.2011, khi American Idol chọn top 40 thí sinh, tôi đã viết entry NHỮNG GIỌNG HÁT ẤN TƯỢNG TẠI AMERICAN IDOL 2011, dự báo 5 giọng hát có khả năng lọt sâu vào các vòng thi tiếp theo, bao gồm: Casey Abrams, Clint Jun Gamboa, Jacob Lusk, Scotty McCreery và James Durbin.

Ngoại trừ Clint Jun Gamboa lọt tiếp vào top 24 và chỉ chịu dừng lại trước top 12,
cả 4 ca sĩ Casey Abrams, Jacob Lusk, James Durbin và Scotty McCreery đều tiến rất sâu vào các buổi biểu diễn cuối cùng của American Idol.

Casey Abrams, ca sĩ mà tôi yêu thích nhất, lọt vào top 6.
Jacob Lusk, giọng ca mà tôi đánh giá cao nhất, lọt vào top 5.
James Durbin, lọt vào top 4.
Và Scotty McCreery, một giọng hát trầm cực kỳ ấn tượng, đã đoạt giải quán quân American Idol mùa thứ 10.

American Idol 2011 là mùa có nhiều thí sinh tài năng nhất.

NHỮNG GIỌNG HÁT ẤN TƯỢNG TẠI AMERICAN IDOL 2011
CHÀNG TRAI TỰ KỶ CHINH PHỤC AMERICAN IDOL


23/5/11

THƯ GỬI MẸ CỦA CÔ GÁI MUỐN LÀM SINGLE MOM



Gửi mẹ, người đang sống ở đất nước Angola thuộc châu Phi xa xôi.

Như mẹ biết rõ hơn ai hết, năm nay con 29 tuổi. Mỗi năm cứ đến tết, con lại vò đầu bứt tai vì ai cũng “tua” đi tua lại câu: bao giờ được ăn cỗ đến mức con thậm chí không còn chỗ dành cho sự ngán ngẩm. Hết dì, cô, cậu đến mẹ. Năm nay mẹ không ăn tết ở nhà, con bớt đi được một lời giục giã. Cuộc đời con được đong đếm bằng bao niềm vui trong công việc, bạn bè và cả hẹn hò, ấy thế mà sao với mọi người, chỉ có hạnh phúc với một đám cưới và một ông chồng mới được tính là hạnh phúc?

Mà mẹ nhé, việc tất cả các cô gái Việt Nam bị “tẩy não” là: các mối quan hệ yêu đương chỉ được tính là nghiêm túc khi anh chàng kia cũng có cùng “tham vọng” với mình, tức là lúc nào cũng phải nhăm nhe cầu hôn và rước mình làm vợ. Thế nên lúc nào chưa đạt được đến trình độ ấy, chúng con thường bị trùm lên một vẻ ngoài vô cùng “desperate” – mong đợi một điều gì đó quan trọng với mình đến mòn mỏi thân xác. Cứ như là tất cả việc được sinh ra, được học hành, biết cách điệu đà và diện giày cao gót… chỉ là phục vụ cho việc sau này lấy được một tấm chồng vậy. Trong một buổi tiệc, con đã buồn ngủ lắm rồi, ngáp ngắn ngáp dài trong khi lũ bạn vẫn nhảy nhót xung quanh, một anh chàng tiến đến và nói giọng thông cảm: “You will be fine” – Rồi em sẽ ổn thôi! Mẹ ơi, con hoàn toàn ổn, dù con trông có vẻ không giống như vậy.

Bây giờ con kể mẹ nghe một chút chuyện yêu đương của con cho mẹ lạc quan hơn nhé. Như người ta nói: biển có rất là nhiều cá. Con gái mẹ không phải là týp cắm đầu lo làm việc, không để ý được gì xung quanh, cũng không hề đang bị sống ở một ngôi làng heo hút, thiếu đàn ông. Con kiếm tiền chỉ để phục vụ cho mục đích mua sắm và làm đẹp.

Thành phố nhộn nhịp nơi con sinh sống, chỉ cần đến một quán càphê cho bữa trưa, là con có thể gặp ít nhất ba anh chàng long lanh rất tiềm năng trở thành con rể của mẹ. Buổi tối con đeo những đôi hoa tai lóng lánh, ăn tối trong một nhà hàng dùng nhiều đến khăn ăn, dao nĩa, với một ly rượu vang trắng. Rồi con sẽ cập bến một buổi tiệc hay show ca nhạc, nhảy nhót đến toát mồ hôi thay cho việc tập thể dục, rồi thu đồ đạc, về nhà đi ngủ để sáng hôm sau thức dậy đi làm tiếp.

Có rất nhiều đàn ông tốt và đẹp trai cũng sống trong nhịp sống này của con. Anh người Pháp gần đây nhất là một ví dụ. Thông minh và biết chiều chuộng lắm, cũng đòi lấy con làm vợ đấy, nhưng mà nóng vội quá nên con phải phanh lại cho bớt bồng bột.

Con cũng dắt về nhà vài anh chàng cho mẹ xem mặt rồi còn gì. Mặc dù sau này con phải công nhận rằng đấy là quyết định sai lầm, vì khi chuyện không thành, mẹ thường quay sang tiếc rẻ và dằn vặt con gái mình. Nói thế nào nhỉ, thực ra đó cũng đều là những mối quan hệ nghiêm túc cả. Chỉ có điều, chưa phải là những chàng trai con đã thực sự chọn lựa. Cho nên bây giờ con quyết định: tuyệt đối bí mật chuyện yêu đương trước khi sự việc thực sự ngã ngũ.

Gần đây con gặp vài cậu bạn cùng lớp đại học. Khi con chào hỏi: đang yêu ai, thì các cậu nhìn con chòng chọc và nói ráo hoảnh: đã cưới được ba năm và ly dị rồi. Rồi thì con nhìn xung quanh – quả thật là có quá nhiều những cuộc hôn nhân tan vỡ. Ngay cả chuyện mẹ đi làm chuyên gia ở châu Phi nhé, mọi người đều bật ra câu hỏi đầu tiên: thế bố mẹ bỏ nhau à?

Có lẽ thay vì ở tuổi của con, những cặp đôi nên biết cách “giữ bí mật trước khi sự việc thực sự ngã ngũ”, thì có lẽ đã tặc lưỡi: hãy có một đám cưới (vì cha và mẹ em luôn muốn như vậy). Một người đàn ông đứng tuổi con gặp trong một chuyến tàu Nha Trang, cũng đã thở dài qua làn khói thuốc: Đừng nhìn xung quanh mà lập gia đình!

Con biết mẹ sốt ruột lắm rồi, nhưng nếu con không chọn được người đàn ông mình thực sự yêu, con sẽ không tặc lưỡi đâu mẹ ạ.

Bây giờ đến một phần quan trọng hơn. Thực ra chuyện lấy chồng chỉ là vấn đề thời gian. Con nghĩ cái câu “Con gái có thì” mà mẹ hay nói, quả là có đúng, nhưng không phải với mục đích dành cho đàn ông mẹ ạ. Đàn ông như những chuyến xe buýt, bị lỡ thì đợi thêm mấy phút nữa, chuyến kia lại tới ngay ấy mà (con trích nguyên văn ngạn ngữ của Tây).

Nhưng một em bé thì không đợi được. Con đã đọc rất nhiều về chuyện phụ nữ sinh con sau 30 tuổi không an toàn chút nào. Mà con thì, có thể chưa nghĩ ngay đến chuyện có chồng, nhưng có con – lại là một niềm hạnh phúc, con tin là của tất cả mọi phụ nữ trên đời này.

Xung quanh con, cũng có nhiều những bà mẹ đơn thân – những người chọn làm mẹ, thay vì làm vợ trước. Các chị ấy vẫn thường tìm cách “tiền trảm hậu tấu” với gia đình. Con nhớ một chị bạn đột nhiên huỷ chuyến du lịch ở Mỹ như đã dự định từ trước, đột nhiên thuê nhà ở riêng… Rồi mấy tháng sau, chị mới tiết lộ mình có em bé. Chị để dành tiền và chuyển nhà cho hàng xóm đỡ dị nghị. Rồi mẹ chị cũng đến sống cho đến tận lúc chị có thể mang em bé về nhà. Việc này đâu rồi lại vào đó, không đến nỗi là không lên kế hoạch được.

Con không “anti” đám cưới và vẫn có người yêu đều đặn. Nhưng nếu trong năm tới, nếu con chưa yêu ai, đủ để cưới họ, có lẽ con sẽ trở thành một sing-mom mẹ nhé. Mẹ chuẩn bị tiền nuôi cháu từ bây giờ đi là vừa ạ!
Con yêu mẹ!

P/S: Chỉ hai ngày sau, người viết thư nhận được thư trả lời của mẹ.
Thư viết: … “Con đừng đùa như thế. Mẹ sợ lắm. Chào con”.
Vậy là câu chuyện của hai mẹ con tôi chưa thể chấm dứt.

THÙY MINH

Nguồn:
Nếu con muốn trở thành single mom?



22/5/11

SỰ CHỊU ĐỰNG CỦA NGƯỜI VỢ



Phần Dominique Strauss-Kahn đã coi như phần nào "yên", được tại ngoại hầu tra tuy là tù giam lỏng, ngồi chờ các luật sư của mình bóp óc tìm cách bào chữa sao cho nhẹ tội. Bây giờ mọi ống kính quay về rình "người đàn bà đáng thương nhất thế giới" trong những ngày này và sắp tới: Anne Sinclair, vợ của Strauss-Kahn.

Vai trò của Anne trong vụ án Strauss-Kahn

Là khuôn mặt được mọi người dân Pháp biết và yêu mến, ngày 20.5, Anne Sinclair đã lên trang nhất của hầu hết báo Pháp và một số báo ngoại, bởi vì số phận Anne gắn mật thiết với Strauss-Kahn, khiến dân Pháp đam mê. Báo Le Monde cho rằng đây chắc chắn là cơn khủng hoảng nghiêm trọng nhất bà phải đối phó... Có báo còn bỏ cả hình ảnh Liên hoan điện ảnh Cannes để đưa Anne lên trang nhất, hay dành cả 6 trang để viết về cuộc đời bà. Trước thảm kịch một tháng, người ta đã tưởng tượng Anne trong vai trò phu nhân số 1 của Pháp. Tờ New York Times cũng ghi chép dài dòng về con đường lập thân của Anne với nhiều lời khen: đẹp, nhà báo tài năng, con nhà giàu sụ, mẹ của các con thành đạt, bây giờ lại rơi vào danh sách những người đàn bà phải chịu đựng các phanh phui bẩn thỉu...

Cho đến giờ, cựu ký giả nữ của mục "7 trên 7" danh tiếng đề cập rất ít về vụ việc này và sống nhờ nhà bạn để tránh phó nhòm luôn rình rập trước nhà mình, không thể cố thủ trong sự im lặng thận trọng lâu dài nữa, bởi sự làm chứng của bà sẽ cho phép bồi thẩm đoàn và ông toà hình dung được về con người thực của Strauss-Kahn. Dày kinh nghiệm truyền thanh, truyền hình cũng như trên mạng, sự can thiệp của Anne Sinclair cho phép lập lại hình ảnh con người bình thường cho Strauss-Kahn và đối đầu với trò "siêu truyền thông" bất lợi trong vụ việc. Ngày 21.5, bà Anne đã gom 5 triệu USD tiền cổ phiếu từ việc bán nhà ở Washington đóng vào khoản thế chân bảo lãnh tại ngoại cho ông chồng, nâng tổng số tiền thế chân này lên 6 triệu USD. Số tiền này được xem là một trong những khoản tiền thế chân tại ngoại lớn nhất trong lịch sử xét xử của Mỹ.

Không ai có thể nói chính xác chuyện gì đã xảy ra giữa Strauss-Kahn và cô làm phòng trong thời gian từ 12 giờ đến 12 giờ 29 ngày 14.5, phải đợi lời tuyên bố chính thức của Strauss-Kahn mà cho đến nay chưa biết. Từ hôm đầu tiên vụ việc, Anne đã khẳng định rằng đây là một cú dàn dựng. Niềm tin đó dựa vào 20 năm hôn nhân, hình ảnh hai vợ chồng luôn hợp nhất qua nhiều sóng gió, nên Anne sẽ mang lại cho chồng sự nâng đỡ quan trọng. Sự chân thật của Anne, được củng cố bằng tính chuyên nghiệp hoàn hảo, có thể sẽ làm công chúng Mỹ không hề biết bà từng là ký giả rung cảm.


Thân thế người vợ thứ ba của Strauss-Kahn

Sinh năm 1948 ở New York, cháu của Paul Rosenberg (nhà buôn hàng nghệ thuật Do Thái), và con duy nhất của Robert Schwartz (mà Sinclair là bí danh thời kháng chiến, truyền lại cho con gái), Anne được hưởng gia tài kếch sù. Cử nhân luật, Anne tốt nghiệp Sciences-Po Paris. Ly dị với nhà báo truyền thanh Ivan Levai, bà hành nghề nhà báo từ đầu những năm 70, là ngôi sao của màn ảnh nhỏ những năm 90, và được tôn vinh là có tay nghề thành thạo, Anne lập danh cho mình qua chương trình "7 sur 7" của TF1 trong suốt 13 năm.

Bà gặp Strauss-Kahn năm 1989 và tái giá 2 năm sau, đã mang lại cho chồng sự thoải mái vật chất và mở ra cho ông địa chỉ của nhiều chính trị gia và nhà trí thức, kết quả của những năm làm việc nghiêm chỉnh. Đặc biệt năm 1991 đó, Anne Sinclair được Thị trưởng Pháp chọn làm hiện thân cho Marianne (biểu tượng của nước Pháp), nên lễ cưới thân mật được diễn ra dưới bức tượng bán thân của chính cô dâu. Tám năm sau khi Strauss-Kahn làm bộ trưởng Kinh tế, Anne giải nghệ, đóng vai người đàn bà sát cánh trong sự nghiệp của chồng.

Năm 1999, Strauss-Kahn từ chức bộ trưởng Kinh tế sau vụ việc Mnef (*), Anne ở đó nâng đỡ chồng mặc dù có sự nghi ngờ, và việc ông từ chức vội vàng. Hai năm sau mới được thanh minh. Gần 10 năm sau, bà lại hỗ trợ chồng trong vụ lem nhem tình ái với Piroska Nagy. Dù bị lừa, bà vẫn viết trong blog của mình là "chúng tôi vẫn yêu nhau như ngày đầu". Từ nhiều tháng nay, trên blog, Anne đã phát tán nhiều câu ngắn về cuộc bầu cử tổng thống 2012, nâng đỡ tham vọng của chồng. Bây giờ bằng sức lực và lòng tin thẳng thắn, vững chãi của mình, bà sẽ "nhân tính hoá" lại Strauss-Kahn đang bị xem là tội phạm.

Nguy hiểm của truyền thông

Điều buồn cười là bây giờ Strauss-Kahn ngã xuống, nhiều bà lại lên tiếng đã từng bị ông quấy nhiễu. Riêng trường hợp nhà văn Tristane Banon, người kể đã từng là nạn nhân của Strauss-Kahn năm 2002, thì cũng có nguồn tin rằng trong một quyển sách có đoạn cô phỏng vấn Strauss-Kahn, sau bị Strauss-Kahn cho người liên hệ với NXB rút bỏ, Tristane Banon thề sẽ trả thù. Còn các phương tiện truyền thông thì càng ngày càng nguy hiểm, họ tuyên bố nhanh quá, giật gân quá. Họ đã kiểm chứng để biết đâu là sự thực chưa? Tờ Libération đã tự làm kiểm điểm trên trang nhất - chủ biên Nicolas Demorand viết trong “Tính dục, truyền thông và tranh cãi”: “Dù phải lội ngược dòng thời đại và ngược lại các thúc đẩy đó đây, Libération tiếp tục nguyên tắc đầu tiên, là tôn trọng đời tư của quý ông, quý bà chính trị gia. Đó là nguyên tắc đạo đức giả đối với một số người, nhưng nó là chính yếu”.

Trong khi tờ New York Times chê truyền thông Pháp là theo “luật im lặng”, là trộn lẫn các thể loại, là quan hệ loạn luân giữa truyền thông và chính trị.

Từ mấy hôm nay, Twitter hay Les Guignols (**) đều đem vụ Strauss-Kahn ra giễu cợt. Báo Le Canard enchainé (Con vịt bị buộc) chơi chữ, đổi khẩu hiệu “Election, ... piège à cons” (Bầu cử là cái bẫy cho bọn ngu) thời bạo động tháng 5.1968 thành “Erection, piège à cons” (Cương dương là cái bẫy cho bọn ngu).

Bernard Henri Lévy, bạn Strauss-Kahn từ 30 năm, cho rằng những người cứ nói “biết từ lâu” rồi, mà lựa lúc Strauss-Kahn sụp xuống đất, mới mở gói ra, là đáng tởm. Giữa thông tin và đại chúng hoá đời sống chính trị, ranh giới rất mong manh. Nhưng điều 9 luật dân sự không có chỗ cho sự diễn dịch tùy tiện: “mọi người đều có quyền được tôn trọng đời tư”.

Với Strauss-Kahn, sự nghiệp đã nằm sau lưng. Chỉ tội cho Anne, nhiều việc nhiêu khê chỉ mới bắt đầu. Người ta chờ đợi sự can thiệp xứng đáng của bà.

Xuân Sương (Paris, 5.2011)


(*) Vụ MNEF (Mutuelle Nationale des Etudiants de France, quỹ bảo hiểm xã hội của sinh viên Pháp): Strauss-Kahn bị quy kết lấy tiền quỹ do tạo công việc ảo.

(**) Les Guignols de l’info, thường gọi tắt Les Guignols, là chương trình tivi trào phúng với hình con rối, phát trên Canal+ từ 1988. Mô phỏng tin tức truyền hình, đây là chương trình biếm họa thế giới chính trị, và nói chung, xã hội Pháp cũng như thế giới hiện tại.

Nguồn:
Nỗi chịu đựng của vợ cựu tổng giám đốc IMF



21/5/11

PHẬT ĐẢN (VESAK) 2011


Phật Đản là ngày kỷ niệm Đức Phật Đản sinh tại vườn Lâm-tì-ni, năm 624 TCN, diễn ra vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm. Theo truyền thống Phật giáo Đông Á ngày này chỉ là ngày kỉ niệm Phật Đản sinh; tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp (Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn).

Trước năm 1959 các nước Đông Á, thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Nhưng Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo, Sri Lanka, 25 tháng 5 đến 8 tháng 6 năm 1950, 26 nước là thành viên thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch.


Tại Indonesia, lễ Phật Đản có quy mô lớn được tổ chức ở quần thể chùa Borobudur Mahayana (ảnh trên), biến nơi đây thành điểm đến hút khách nhất quốc gia vạn đảo trong dịp này. Ảnh: Lloyd Young


Các nhà sư tại lễ Phật đản ở Chùa Wat Dharmmakaya,
tỉnh Pathum Thani, Thái Lan.

Ảnh: Damir Sagolj/Reuters

Các nhà sư rửa tượng Phật nằm ở chùa Dhammadipa Arama,
thành phố Malang, tỉnh đông Java, chuẩn bị cho lễ Phật đản.
Ảnh: Aman Rochman/AFP/Getty Images

Phật tử tung hoa lên tượng Phật ở chùa tại Ahmedabad, miền tây Ấn Độ.
Amit Dave/Reuters

Các nhà sư đến nơi làm lễ ở Borobudur.
Ảnh: Ulet Ifansasti/Getty Images

Borobudur trong đêm Phật đản.
Ảnh: Ulet Ifansasti/Getty Images

Một nhà sư tại Borobudur trong ngày Phật đản.
Ảnh: Ulet Ifansasti/Getty Images

Trăng rằm tại Borobudur.
Ảnh: Ulet Ifansasti/Getty Images

Khung cảnh lễ Phật đản tại Colombo, Sri Lanka.
Ảnh: Lakruwan Wanniatachchi/AFP/Getty Images

Phật tử đến chùa dự lễ Phật đản ở Colombo, Sri Lanka.
Ảnh: Dinuka Liyanawatte/Reuters

Phật tử Thái dự lễ Phật đản tại Chùa Wat Dharmmakaya ở tỉnh Pathum Thani.
Ảnh: Damir Sagolj/Reuters

Một nhà sư Thái dùng máy bộ đàm hướng dẫn Phật tử đến dự lễ Phật đản
tại Chùa Wat Dharmmakaya.
Ảnh: Damir Sagolj/Reuters


Chùa Wat Dharmmakaya, tỉnh Pathum Thani trong đêm lễ Phật đản.
Damir Sagolj/Reuters

Phật tử cúng tiến cho các nhà sư khất thực ở Magelang, trung Java, Indonesia
Ảnh: Dwi Oblo/Reuters


Các nhà sư Bangladesh khất thực trong ngày Phật đản ở thủ đô Colombo.
Ảnh: Eranga Jayawardena/Associated Press

Sư phát hoa cho Phật tử trên đường từ chùa Mendut đến chùa Borobudur.
Ảnh: Ulet Ifansasti/Getty Images

Các nhà sư tại lễ Phật đản ở trung tâm thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Ảnh: Damir Sagolj/Reuters

Phật tử làm lễ tại Borobudur trong đêm Phật đản.
Ảnh: Ulet Ifansasti/Getty Images

Một phụ nữ Hồi giáo (phải) cùng các Phật tử thả đèn trời
ở quần thể chùa Borobudur, Magelang, Indonesia.

Ảnh: Ulet Ifansasti/Getty Images

Đèn trời bay lên cùng những nguyện ước tốt lành.
Ảnh: Ulet Ifansasti/Getty Images

Nguồn:
Vesak Day 2011



20/5/11

CHÚT TỬ TẾ TRONG THỜI BÃO GIÁ



MẠC ĐẠI

Chiều nào cũng vậy, vừa ra khỏi cổng trường mầm non là cô con gái nhỏ kéo tay tôi về phía xe bán cá viên chiên như thể đó là một phần thưởng nó xứng đáng được nhận sau một ngày miệt mài học tập. Chủ xe cá viên chiên là một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, ông bối rối nhìn tôi, rồi nở nụ cười gượng gạo vẻ như cảm thấy mình phạm phải lỗi lầm gì đó:

“Chú em ơi, tui không muốn chuyện khó chịu này xảy ra, nhưng mà... bữa nay cái gì cũng lên giá hết trơn, nên tui cũng phải bấm bụng lên theo, nếu không thì lỗ vốn”. Đúng là bão giá đang quét qua cuộc sống của chúng ta, thổi vào mọi ngõ ngách, không chừa cả trước cổng trường mầm non.

Tôi mua cho con gái một que cá viên chiên giá bốn ngàn đồng, mọi bữa chỉ có ba ngàn. Người đàn ông cảm ơn rối rít, chắc là do tôi không càu nhàu gì. Tôi đang miên man nghĩ về chuyện bão giá thì con gái tôi cắt ngang dòng suy nghĩ: “Ba ơi, bữa nay que cá viên chiên có đến năm viên chứ không phải bốn như hôm qua”.

Tôi quay lại nhìn, trên môi người đàn ông vẫn còn nguyên nụ cười của người mắc lỗi, dù ông hoàn toàn vô tội. Tự dưng tôi thấy ấm lòng đến lạ. Vật giá tăng, người bán hàng rong không thể không tăng giá món hàng mình bán, nhưng rồi cảm thấy không yên lòng nên ráng thêm một viên vào que cá.

Một ngàn, một viên cá chiên đối với nhiều người có thể không đáng gì, nhưng tôi nghĩ người đàn ông chất phác kia chắc hẳn đã phải đắn đo, suy tính rất nhiều trước khi thêm một viên vào que cá.

Buổi tối, tôi đem chuyện ông bán cá viên chiên kể cho vợ nghe. Vợ tôi dường như được khai thông những ấm ức trong lòng, bèn tuôn ra một tràng: nào là bó rau muống từ bốn ngàn tăng lên tám ngàn đồng, rồi từ cà chua đến dưa leo, từ rau nhút đến cải xanh, từ quả ớt bé tí đến bao gạo to đùng, tất tần tật mọi thứ đều tăng giá.

Mà không phải chỉ tăng độ khoảng 11 hay 13% như báo chí đưa tin, hình như là tăng cao hơn con số này nhiều. Tôi vốn rất vô tư, ít quan tâm đến chuyện giá cả, ấy thế mà mấy ngày nay cũng để ý làm những phép so sánh nho nhỏ.

Hình như cái “phân khúc thị trường” (cụm từ tôi học lóm được, chẳng biết dùng trong ngữ cảnh này có đúng không) thiết yếu nhất, liên quan đến bữa cơm hằng ngày của rất nhiều người dân lao động, đang nóng lên từng ngày.

Tôi thầm nghĩ, tại sao cơn bão ác nghiệt này không thổi vào những thứ xa xỉ chỉ phục vụ cho một số ít người, như: xe hơi (đặc biệt là những loại xe đắt tiền), các loại hàng hiệu mà các đại gia, “chân dài”, các “sao” thường vung tiền mua sắm thoải mái, mà cứ nhằm vào những thứ thiết yếu đối với đời sống của công nhân, viên chức, sinh viên, những người thuộc tầng lớp có thu nhập thấp trong xã hội.

Người bán hàng xén ngay góc chung cư nơi tôi ở cũng thở dài thườn thượt: “Không lẽ tui nghỉ bán, chứ càng bán càng lỗ nặng vì mới lấy hàng hôm trước, hôm sau thiếu lấy thêm giá lại tăng lên nữa rồi”.

Có lần tôi thấy hai cô sinh viên ghé lại mua hàng, cứ tần ngần mãi rồi cuối cùng đành chọn những thứ rẻ nhất, với hy vọng tiết kiệm được phần nào những đồng tiền ít ỏi do cha mẹ chắt chiu gửi vào từ miền Trung bão lũ.

Bà bán hàng chép miệng, lắc đầu thương cảm rồi thêm cho hai cô vài cọng rau. Tình người thể hiện qua mấy cọng rau thêm vào ấy chắc hẳn sẽ làm người nhận cảm thấy ấm lòng và người chứng kiến như tôi muốn ứa nước mắt.

Đó là hai câu chuyện nói lên lương tâm của người bán hàng mà tôi chứng kiến. Hy vọng còn nhiều câu chuyện tử tế tương tự vẫn diễn ra giữa những người lao động nghèo, trong những ngày cơn bão giá đang thổi qua cuộc sống vốn đã rất nhọc nhằn của họ.

Nguồn:
Chút tử tế trong thời bão giá



19/5/11

DOMINIQUE STRAUSS-KAHN: TỪ "THIÊN ĐƯỜNG" XUỐNG THẲNG "ĐỊA NGỤC"


Quá trình rơi xuống địa ngục của ông Dominique Strauss-Kahn, một trong những nhân vật sáng chói nhất trên chính trường nước Pháp, một trong những nhân vật có thế lực nhất toàn cầu, chỉ mới bắt đầu.

Bị còng hai tay sau lưng và bị hai cảnh sát xốc nách đi, rồi bây giờ bị tống giam với những cáo buộc nặng nề về cưỡng bức tình dục, Dominique Strauss-Kahn, một trong những nhân vật sáng chói nhất trên chính trường nước Pháp, một trong những nhân vật có thế lực nhất toàn cầu, đã rơi xuống tận đáy, tiêu tan hoàn toàn tham vọng trở thành Tổng thống tương lai của nước Pháp.

Rơi xuống địa ngục

Cho tới ngày 16.5, các luật sư của cựu bộ trưởng Kinh tế Pháp vẫn hy vọng là ông sẽ được tại ngoại trong thời gian điều tra và trong thời gian đó, họ sẽ tìm ra đủ bằng chứng để minh oan cho ông. Đó cũng là hy vọng của gia đình, của Đảng Xã hội Pháp và dư luận Pháp nói chung, bởi vì vụ này đang làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh nước Pháp.

Nhưng trước đề nghị nộp tiền bảo lãnh 1 triệu USD, nữ thẩm phán Melissa Jackson vẫn giữ thái độ kiên quyết, ra lệnh tống giam ông Dominique Strauss-Kahn, khởi đầu cho một thủ tục tố tụng hình sự chắc chắn sẽ kéo dài.

Cho dù cuối cùng có được trắng án thì công danh sự nghiệp của Dominique Strauss-Kahn coi như chấm dứt ở đây.

Năm nay 62 tuổi, ông Dominique Strauss Kahn, một kinh tế gia lỗi lạc, đã góp phần nâng cao uy tín của quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kể từ khi ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của định chế này năm 2007, một chức vụ coi như ngang hàng với các nguyên thủ quốc gia trên thế giới.

Với trình độ, kinh nghiệm nhiều lần làm bộ trưởng của ông, từ nhiều tháng qua, Dominique Strauss-Kahn vẫn được đa số dân Pháp xem là một trong những ứng cử viên Tổng thống có khả năng giải quyết các vấn nạn của nước Pháp, đặc biệt là thất nghiệp.

Trong nội bộ Đảng Xã hội, đảng đối lập cánh tả, tuy có nhiều nhân vật khác sẽ tham gia bầu cử sơ bộ chọn người đại diện cho Đảng ra tranh cử Tổng thống năm 2012, nhưng trước khi xảy ra vụ New York, mọi người coi như đã chấp nhận ông Dominique Strauss-Kahn như là ứng cử viên đương nhiên, bởi vì chỉ có ông mới chắc chắn đánh bại được ứng cử viên cánh hữu Nicolas Sarkozy.

Nay, bàn cờ chính trị phải được sắp lại, với viễn cảnh là Đảng Xã hội sẽ lại để tuột mất cơ hội giành chiếc ghế lãnh đạo tối cao.

Rơi xuống tận đáy như vậy, chính là vì tổng giám đốc IMF vẫn có một điểm yếu, đó là phụ nữ, điều mà chính bản thân ông vẫn thừa nhận.

Từ nhiều năm qua, thói trăng hoa của ông không còn là chuyện bí mật đối với giới báo chí Pháp, nhưng hầu như không ai nói đến trên mặt báo, với lý do không muốn đụng chạm đến đời tư của các chính trị gia.

Nhưng ngay cả khi đã sang Washington làm việc, tại một quốc gia rất kỵ những vụ bê bối tình dục, ông Dominique Strauss-Kahn vẫn “ngựa quen đường cũ”. Ông lại dan díu với nhân viên cấp dưới, một nữ kinh tế gia người Hungary và suýt nữa đã bị mất chức vì vụ này. Vào lúc đó, người vợ thứ ba của ông, bà Anne Sinclair, một nhà báo nổi tiếng của Pháp, đã công khai tuyên bố tha thứ cho chồng. Lần này, sau khi ông Dominique Strauss-Kahn bị bắt ở New York ngày 14.5, bà Anne Sinclair cũng đã tuyên bố “không tin chút nào” những lời cáo buộc đối với chồng bà.

Nhưng vụ New York không phải chỉ là cuộc tình vụng trộm qua đêm, mà là một vụ án hình sự nghiêm trọng, vì với những tội danh bị cáo buộc, cựu Bộ trưởng Pháp có thể lãnh án tổng cộng đến tới 74 năm tù.

Quá trình rơi xuống địa ngục của ông Dominique Strauss-Kahn chỉ mới bắt đầu.

Ông Strauss-Kahn bị phân biệt đối xử?

Việc cảnh sát Mỹ để cho ống kính toàn thế giới chụp và quay cảnh ông Dominique Strauss-Kahn bị còng hai tay dẫn đi hôm 15.5 đã gây sốc dư luận Pháp, nhất là vì luật pháp của Pháp không cho phép điều này. Ngày 17.5, nhiều nhân vật trong Đảng Xã hội cánh tả đã nhất loạt chỉ trích hệ thống tư pháp Mỹ. Nhưng dù muốn hay không, thì vị tổng giám đốc IMF này sẽ được xử theo luật pháp Mỹ.

Cựu bộ trưởng Văn hóa Pháp Jack Lang đã mô tả việc đối xử của Mỹ với ông Strauss-Kahn là một "vụ phân biệt chủng tộc” đầy kinh dị và khiêu khích, đáng ghê tởm. Còn Segolene Royal, người đã đánh bại ông Strauss-Kahn để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Xã hội năm 2006, nói rằng người Mỹ cần phải nhớ rằng ông Kahn là vô tội cho đến khi được chứng minh có tội.


Thị trưởng TP New York, Michael Bloomberg đã bảo vệ việc cảnh sát thành phố công khai dẫn giải ông Dominique Strauss-Kahn với hai bàn tay bị còng sau lưng trước các nhà báo. Việc này khiến một số chính trị gia Pháp lên tiếng phẫn nộ.

"Tôi nghĩ rằng điều đó là nhục nhã, nhưng nếu bạn không muốn việc này thì không nên phạm tội'', ông Bloomberg nói. Ông cũng cho rằng hệ thống tư pháp của Mỹ luôn công khai làm việc nơi công cộng để mọi người có thể nhìn thấy thủ phạm.

Ông Bloomberg khẳng định: "Điều đáng buồn là bị buộc tội, tuy nhiên xã hội cần phải nhìn vào đó để làm gương và qua đó chúng ta cần phải cẩn thận hơn trong mọi hành động'.

"Tôi từ chức để lấy lại thanh danh"

Ngày 19.5, đúng như dự báo của giới quan sát, sau khi bị áp lực từ nhiều phía, tổng giám đốc quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn (DSK) đã gửi thư thông báo từ chức đến ban điều hành IMF. Nhưng ông này vẫn mạnh miệng tuyên bố mình vô tội.

Ông giải thích: “Việc tôi từ chức nhằm không tổn hại danh tiếng của định chế tài chính mà tôi đã gắn bó và đặt nhiều cống hiến tâm huyết. Tôi muốn tập trung dành thời gian và công sức để chứng minh sự vô tội và lấy lại thanh danh. Tôi rất kiên định với những lý lẽ chống lại tất cả các cáo buộc nhắm vào tôi".

DSK bày tỏ “nỗi buồn vô hạn và niềm may mắn là vẫn nhận được sự khích lệ từ người vợ (hiện đã bay đến Mỹ) cùng các con.

Trong khi đó, luật sư Shawn P. Naunton của ông đang xúc tiến các thủ tục cần thiết tại Tòa án tối cao New York để thân chủ được tại ngoại hầu tra. Số tiền thế chân dự kiến là 1 triệu USD tiền mặt, đi kèm các điều kiện: ông bị giới hạn tại nhà con gái ở Manhattan, với thiết bị giám sát điện tử và giao nộp tất cả các giấy tờ tùy thân để "đảm bảo không rời khỏi phạm vi triệu tập của tòa án".

Trước đó, thẩm phán tòa án hình sự Manhattan đã từ chối yêu cầu được tại ngoại của bị cáo. Trong bản kháng cáo lên Tòa án tối cao tiểu bang, luật sư mô tả DSK là "một người chồng và người cha có trách nhiệm, một nhà ngoại giao, luật sư, chính trị gia, nhà kinh tế và giáo sư, được vị nể và không có tiền án".


Các nhà phân tích dự báo, cho dù có thoát án tù, sự nghiệp và tương lai chính trị của DSK cũng “đi tong” sau vụ này.

Việc ông DSK tự nguyện từ chức là điều không tránh khỏi. Vì nếu thẩm phán New York tiếp tục từ chối cho ông được tại ngoại hầu tra, ban điều hành IMF cũng sẽ cách chức ông ta. Lý do được một quan chức giấu tên của định chế này tiết lộ rằng: “ông DSK không thể lãnh đạo IMF từ nhà giam, hoặc xa trụ sở chính của Washington”.

Jean-Francois Cope, tổng thư ký đảng cánh hữu cầm quyền UMP nói: "Tôi không thấy DSK còn đủ tư cách để thực hiện vai trò điều hành IMF. Tổ chức này nên cân nhắc người thay thế ông ta trong những ngày tới".

Trong khi đó, bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner bình luận rằng: "DSK không còn thích hợp ở vị trí điều hành IMF".

Cùng lúc, bộ trưởng Tài chính Áo lên tiếng đề nghị DSK nên tự trọng và từ chức vì lợi ích của định chế tài chính này.

DSK hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Rikers Island trong tình trạng canh gác cẩn mật 24/24. Đề phòng trường hợp ông nghĩ quẩn và tự sát, cứ 15 - 30 phút sẽ có người kiểm tra buồng giam. Ông được phép đi ra ngoài buồng giam một giờ/ngày. Do đang chờ ra tòa ngày 20.5, ông không phải mặc áo tù như các tù nhân khác, nhưng phải mang giày không thắt dây.

Trước ngày 20.5, một bồi thẩm đoàn nhân dân gồm từ 16 -23 người sẽ họp kín để quyết định có chính thức truy tố ông DSK hay không.

Một nguồn tin cho biết, các luật sư của DSK đã chuyển hướng bào chữa, xác nhận rằng thân chủ của họ và cô dọn phòng khách sạn có quan hệ tình dục, nhưng là quan hệ có thỏa thuận, chứ không phải cưỡng bức như cáo buộc.

Đáng lưu ý, cách đây không lâu, DSK đã từng dự báo rằng ông có thể bị đối thủ chính trị trong cuộc chạy đua bầu cử tổng thống Pháp giăng bẫy mỹ nhân kế. Ông đã đưa ra giả thuyết rằng đối thủ của mình dàn xếp một phụ nữ nào đó nhận tiền cả triệu euro để dựng lên kịch bản “bị hiếp dâm”.

Nguồn:
Từ nhân vật sáng chói rơi xuống địa ngục vì phụ nữ
Tổng giám đốc IMF: "Tôi từ chức để lấy lại thanh danh"



18/5/11

ĐI QUA NỖI NHỚ...



Post giúp một người bạn không có blog...

...Tôi đi qua nỗi nhớ nước Anh bằng sự ám ảnh về tiếng đàn piano của người nghệ sĩ đường phố. Trong một ngày đông lạnh giá với làn không khí nhẹ bẫng, trong suốt, vấn vít vài sợi nắng, tiếng đàn thánh thót cứ vương vào tim tôi một nỗi đau mơ hồ, nhè nhẹ. Người nghệ sĩ già ngả mình đàn, đàn mãi và cảm xúc tuôn trào trên mỗi ngón tay ông đã làm bao con tim khách vãng lai thổn thức.

Cả vùng không gian dường như rộng ra, sâu hơn và thời gian như lắng lại, từng giọt, từng giọt…


Ấy là tiếng đàn tôi đã nghe ở York, thành phố nhỏ cổ kính mộng mơ. Khi đó, tôi đã biết, không gian này, tiếng đàn này sẽ gieo vào lòng tôi nỗi nhớ khi vô tình, nó chạm vào nỗi cô đơn êm dịu trong tôi.

Nếu có dịp đi qua nhiều thành phố của nước Anh, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nghệ sĩ đứng biểu diễn nhiệt tình và say sưa trên đường phố và đó đã trở thành một phần hình ảnh của đất nước này… Không phải lần đầu tiên đón năm mới nơi đất khách nhưng Noel ở London, dù ông già Tuyết có hiện diện ít hơn so với một số nước châu Âu khác nhưng những bản nhạc vui nhộn được tấu lên bởi các nghệ sĩ đường phố đã làm vui chân khách vãng lai khi đón năm mới nơi xứ lạ.

Đường phố London càng lúc càng vắng khi đồng hồ nhích dần đến con số 12. Người đi lại lúc này hầu như chỉ là khách ngoại quốc bởi Noel là dịp sum họp gia đình. Và chúng tôi dường như là những người khách cuối cùng rời bến tàu điện ngầm. Những người bản xứ còn đủ bình tĩnh nán lại không ai khác, chính là những người nghệ sĩ đường phố và một trong những nơi được họ chọn biểu diễn nhiều nhất là các bến tàu điện ngầm.

Trong thanh âm rộn ràng đón chào năm mới, chợt tiếng violin réo rắt ở một góc underground làm tôi dừng bước. Tiếng violin gợi buồn về kỷ niệm, về chốn xưa khiến tôi rưng rưng nhớ nhà. Lẳng lặng bỏ vài đồng xu vào chiếc mũ, tôi nhìn người nghệ sĩ mỉm cười và ông cũng nhìn tôi, cười thân thiện. Ở xứ lạ, giữa hai con người xa lạ nhưng trong một khoảng khắc ngắn ngủi, âm nhạc đã là một sợi dây kết nối cảm xúc vô hình…

Vâng, tôi nhớ nước Anh, nhớ Endinburgh... Tôi là người may mắn vì được có mặt, có thể, chỉ là một lần duy nhất, đắm mình trong không gian mê hoặc nửa hư nửa thực của thủ đô Scotland. Vẫn còn đây, cảm giác huyền hoặc khi vào thăm lâu đài cổ Endinburgh, vẫn còn đây, trên môi, ngất ngây hương vị Scotch whisky nồng say, và vẫn còn đây, cảm giác phiêu bồng khi vừa thả bước trên những con đường lát đá vừa lắng nghe tiếng kèn dìu dặt của những người nghệ sĩ mặc váy Scotland đứng say sưa biểu diễn ở các con phố cổ.

Chính họ là người giới thiệu tuyệt vời cho nét văn hoá đặc sắc của Scotland và làm tròn đầy thêm cảm giác đây là một chốn riêng đặc biệt của thế giới, chỉ đến nơi này mới có, riêng Scotland mới có.


Âm nhạc đường phố cũng là một trong rất nhiều âm thanh quen thuộc của đời sống hàng ngày ở thành phố Bristol. Trong những hôm mưa lạnh ẩm ướt hay những ngày đẹp trời, nắng vàng rực rỡ, tiếng nhạc len lỏi vào tâm tư xúc cảm và như những sợi dây rất mảnh, kéo tôi gần hơn đến với tâm hồn nước Anh: dù buồn, vui, dù đau đớn nhớ nhung hay hân hoan hạnh phúc thì mình hãy sống trọn vẹn giây phút ấy, là chính mình giây phút ấy, chẳng có gì phải âu lo.

Những bản nhạc được tấu lên như vốn dĩ tự nhiên vẫn là như thế nhưng đó lại là tiếng lòng yêu đời thiết tha của người nghệ sĩ dù cho cuộc sống có khó khăn… Phải thế chăng mà nó ám ảnh, nó trở thành nỗi nhớ mơ hồ nhưng dai dẳng trong tôi.

Những đêm không ngủ, trong thinh không tĩnh mịch, nghe tiếng piano của ai từ xa vọng lại, lòng chợt se thắt trong một cảm giác thân thuộc mà biết rằng nó đã xa xôi…

BONUS:




 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết