30/4/11

CÁI CHẾT BÍ HIỂM CỦA ĐIỆP VIÊN NHỊ TRÙNG ASHRAF MARWAN (1)



London ngày 27.6.2007. Nhà tỉ phú người Ai Cập Ashraf Marwan rơi qua lan can ban công từ căn hộ trên tầng 5 của ông. Người ta thấy xác ông trên vỉa hè. Và cái chết của người được coi là điệp viên xuất sắc nhất trong lịch sử Trung Đông này cũng chìm trong bức màn huyền bí, hệt như cuộc đời phức tạp của ông.

Trong khi Sở Cảnh sát Scotland Yard điều tra cú ngã bí hiểm này, thì báo chí và các blogger trên khắp thế giới đua nhau đặt câu hỏi: Phải chăng một hoặc vài cơ quan tình báo đã tham gia vào cái chết của ông? Và người ta cũng tranh cãi xung quanh một câu hỏi khác: Marwan là điệp viên Israel rất thạo tin hay là một điệp viên nhị trùng trác tuyệt của Ai Cập?

Cái chết của Marwan còn mang luồng sinh khí đến cho cuộc chiến pháp lý lâu dài tại Israel liên quan đến việc tiết lộ bất hợp pháp tên tuổi của ông cho báo chí. Sau khi tìm ra thi thể dập nát của ông tại vỉa hè của khu phố St. James hôm 27.6.2007, đã có nhà báo phải tự vấn: Liệu mình có góp phần vào những sự kiện dẫn đến cái chết của Ashraf Marwan hay không? Cuộc đời của Marwan - câu chuyện trinh thám với hồi hộp và tàn nhẫn tráo trở đan xen liên tục – bắt đầu hình thành từ mùa xuân 1969.

Ông đến London, bề ngoài là để gặp một bác sĩ trên phố Harley tư vấn về căn bệnh dạ dày. Phòng mạch của vị bác sĩ này trước đây đã từng được sử dụng để tổ chức cuộc gặp bí mật giữa Quốc vương Hussein của Jordan và Tổng Giám đốc Văn phòng Thủ tướng Israel. Sau khi được chụp X-quang, Marwan chuyển cho vị bác sĩ tập tài liệu có chứa những văn bản nhà nước của Ai Cập. Ông muốn bác sĩ chuyển tài liệu đó cho Đại sứ quán Israel tại London.

Mossad, cơ quan tình báo Israel xác định những tài liệu đó là thật. Ngay lập tức Mossad cho thành lập một nhóm công tác bao gồm những chuyên gia dạn dày kinh nghiệm cân nhắc những nguy cơ trong việc bắt mối với một tình nguyện viên bỗng dưng mang tới món quà quý giá như vậy. Nếu như anh ta không làm 2 mang mà chỉ là một điệp viên tung tin giả thì sẽ vô cùng khó kiểm soát. Nhưng rồi nhóm này cũng đi đến một quyết định rằng vị thế và những phẩm chất của “tình nguyện viên” này rất xứng đáng để đánh một canh bạc lớn. Họ khám phá ra rằng đó chính là Marwan, con rể của Tổng thống Ai Cập lúc đó là Gamal Abdel Nasser. Anh ta cũng là cầu nối giữa Nasser với các cơ quan tình báo. Chưa đến 30 tuổi, nhưng anh ta có quan hệ thân tín với các nhà lãnh đạo nắm trong tay vận mệnh của Ai Câp.

Ba ngày sau cuộc khám bệnh ở phòng mạch của bác sĩ, Mossad đã liên lạc với Marwan, khi anh đang tản bộ trong cửa hàng Harrods ở London. Cuộc đời điệp viên của anh bắt đầu như vậy.

Đám cưới của Marwan với ái nữ Tổng thống Nasser

Ngay từ đầu, Marwan đã mở “cuộc tấn công”. Ông cung cấp rất nhiều tài liệu mật của Ai Cập, đến nỗi một nhân viên của Mossad phải thốt lên “chúng ta có người ngủ trong giường của Nasser”. Dựa trên những bí mật đó, Israel đã soạn thảo ra một văn bản có tựa đề là “The Concept” (được coi là biểu tượng tín ngưỡng của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự). Hai điểm quan trọng của văn bản này là: 1/Ai Cập sở hữu tên lửa và máy ném bom tầm xa; 2/Nếu các nước Arab đoàn kết trong một liên minh thật sự thì cuộc chiến tranh mới với Israel sẽ không xảy ra.

Quản lý một điệp viên (với những bí danh như “Thiên thần”, “Babylon” hay “Rể”) trở thành một kỹ nghệ thực sự. Để tổ chức những cuộc gặp gỡ mặt đối mặt giữa điệp viên với (thường là) người đứng đầu Mossad, Israel đã mua một căn nhà ai toàn tại London cách không xa Hotel Dorchester. Những thiết bị ghi âm tối tân được lắp trong nhà để ghi lại toàn bộ cuộc trò chuyện. Một đội ngũ thư ký có trách nhiệm gỡ băng thành văn bản để trình lên thủ tướng, tổng chỉ huy quân đội và các quan chức cấp cao khác của Israel. Cứ mỗi lần gặp, Marwan được nhận 50 nghìn bảng Anh. Nhưng số tiền đó chẳng thấm tháp vào đâu so với khoảng 20 triệu USD mà Israel đã chi trong 4 năm hoạt động đầu tiên của Marwan.

Các nhà lãnh đạo Israel coi đó là những khoản chi rất đáng “đồng tiền bát gạo”. Họ biết rõ những điều mà đối thủ của họ đang suy nghĩ. Tháng 4.1973, “Rể” gửi một thông điệp có từ “củ cải”. Đó là mật mã ám chỉ chiến tranh sắp xảy ra. Zvi Zamir, người đứng đầu Mossad lúc đó vội vã rời Tel Aviv bay đến “ngôi nhà an toàn” ở London. “Rể” tiết lộ vào ngày 15.5 Ai Cập và Syria sẽ tiến hành tấn công bất ngờ. Israel khẩn trương tổng động viên hàng vạn quân dự bị và triển khai thêm quân và khí tài đến Sinai và miền bắc Israel. Lệnh báo động kéo dài 3 tháng và tiêu tốn 35 triệu USD. Nhưng đó là lời cảnh báo giả. “Rể” đã sai.

Sáu tháng sau, ngày 15.10.1973, “Rể” lại gửi một thông điệp “củ cải” khác. Zamir được đánh thức vào lúc 2.30 sáng để nhận tin này. Sáng hôm sau, ông đáp chuyến bay đầu tiên của hãng El Al đi London. Syria triển khai xe tăng và tên lửa lên miền bắc, Ai Cập tiến hành tập trận gần Kênh đào Suez. Liên Xô cho sơ tán công dân mình ra khỏi khu vực. Chiều hôm đó, Tướng Eli Zeira, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự, thông báo tại cuộc họp rằng khả năng Ai Cập và Syria phối hợp tấn công là “rất thấp – thậm chí còn thấp hơn cả thấp”. Ít phút trước nửa đêm theo giờ London, “Rể” xuất hiện tại “ngôi nhà an toàn”. Anh ta nói chuyện với Zamir trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ rồi đi.

(Còn tiếp)

Ashraf Marwan (Tiếng Arab: أشرف مروان‎)

- Sinh năm 1944, có bằng tiến sĩ kinh tế tại Anh
- Kết hôn với Mona Gamal Abdel Nasser - con gái Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser .
- Làm gián điệp cho Israel từ 1969 – 1973
- Từng giữ cương vị Chánh văn phòng Tổng thống Anwar Sadat
- Là một trong những nhà công nghiệp hàng đầu của Ai Câp, là đối tác kinh doanh của Mohamed al-Fayed (chủ cửa hàng Harrod’s tại London).
- Một con trai của ông kết hôn với con gái của Chủ tịch Liên đoàn Arab Amr Moussa.
- Chết ngày 27.6.2007.




29/4/11

ĐÁM CƯỚI THẾ KỶ


28/4/11

QUÝ VỊ ĐANG HẠI CON MÌNH



“Tôi chỉ có một số suy nghĩ như sau, cần "Tôn sư - Trọng đạo", đó là quan điểm của bạn đọc N.K.C sau khi đọc bài "Chép phạt: đòn roi vô hình”đăng trên SGTT. Dưới đây là ý kiến của bạn đọc N.K.C.

Tôi không cho rằng cổ xúy cho việc phạt roi, bắt chép phạt là đúng. Nhưng quý vị hãy suy nghĩ việc phạt roi, hay chép phạt cũng chưa hẳn hoàn toàn là phản giáo dục, không mang tính sư phạm.

Quan trọng là người dạy bảo rầy la các em như thế nào, hành động rầy la các em có thái quá, hay hiềm khích cá nhân với các em hay không? Hay chỉ là một chủ tâm tốt cho các em.

Thầy cô cũng là cha mẹ, cũng mong muốn học trò mình nên người. Tôi không phủ nhân có những giáo viên biến chất, có thể có suy nghĩ chèn ép học trò vì lý do nào đó. Nhưng quý vị hãy suy nghĩ xưa kia quý vị học như thế nào, cư xử với thầy cô mình ra sao? Tại sao ông bà ta lại có câu “nghề gõ đầu trẻ”?

Thời buổi hiện nay, cuộc sống vật chất đầy đủ, gia đình ai cũng chỉ có một hoặc hai con, nên việc thương yêu chăm sóc con cái đầy đủ là đúng. Nhưng có một số gia đình chiều chuộng con thái quá, quên đi trách nhiệm giáo dục tư cách đạo đức cho con mình.

Có những phụ huynh luôn cho rằng con mình đúng, luôn bảo vệ cả những thói hư tật xấu của con mình, cuối cùng chính quý vị đang hại con mình. Chính bản thân quý vị, không tôn trọng nhà trường, giáo viên. Quý vị không đồng tình, cảm thấy xốn mắt khi hình ảnh một người thầy, người cô cầm roi phạt học sinh, vậy là sẵn sàng chửi rủa, kiện tụng, thậm chí hăm dọa và đánh cả giáo viên, người mang cái chữ đến cho con mình.

Thậm chí có những bậc phụ huynh thấy con nói chuyện với mình trống không, chửi tục… nhưng cũng không nhắc nhở giáo dục, còn coi đó là niềm hãnh diện. Có những phụ huynh vỗ tay, khi trẻ bập bẹ nói chưa rành, nhưng chửi thề thì quá sỏi. Trong khi nếu thầy cô phạt roi, phạt chép bài thì lên án, cho rằng đó là phản giáo dục.

Ở trong gia đình chính quý vị, để giải quyết mâu thuẫn gia đình, có khi chồng vợ chửi đánh nhau, hay đánh con mình, chửi thề khi giao tiếp... Qua hình ảnh đó, quý vị đã giáo dục gì được cho con quý vị? Quý vị đã làm gương, sống tốt để con mình noi theo được chưa?

Tất cả mọi thứ đều đổ lên đầu giáo viên, nhà trường. Quý vị có khi nào suy nghĩ lại trách nhiệm của mình vứt ở đâu trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho trẻ? Tại sao chúng ta lại quan tâm đến bạo lực học đường, nguyên do xuất phát từ đâu? Vai trò của người lớn, gia đình ở đâu trong vấn nạn đó? Tại sao theo thống kê tội phạm, an ninh trật tự xã hội, đối tượng vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hóa? …

Tôn trọng quyền của trẻ em là đúng, áp dụng phương pháp đổi mới trong giáo dục hoàn toàn chính xác. Nhưng quyền của trẻ em không phải chỉ riêng bản thân của thầy cô, nhà trường tôn trọng mà là toàn xã hội bắt buộc phải tôn trọng. Tiếc là có rất nhiều gia đình không cần biết, vứt luôn vai trò trách nhiệm trong khi bắt người khác phải tôn trọng mình, con mình. Đó là một trong lý do trẻ dần mất nhân cách, đánh lộn, bạo lực với bạn bè, vô lễ với thầy cô...

Có ý kiến còn nói, phạt vạ trong giáo dục là không thể chấp nhận? Tôi cho rằng trong xã hội nào cũng vậy, để quản lý một xã hội tốt thì đôi lúc phải có phạt vạ để giữ kỹ cương. Khó có thể giáo dục một đứa trẻ hư bằng cách năn nỉ.

Xin thưa quý vị, ý của tôi nhiều, nhưng có lẽ cách trình bày chưa trôi chảy, mong quý vị đọc kỹ và bỏ qua những sai sót.

N. K. C (Email: mien_la_ta_yeu_nhau@yahoo.com)

Nguồn:
Đừng đổ lỗi hết cho giáo viên!



NHÀ NƯỚC, NHÂN DÂN, TRÍ THỨC



N. MOISEEV - Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga

Hiện nay không phải chính phủ và nhà nước mà chính là giới trí thức chịu trách nhiệm chính trong nhận thức về tình thế hiện nay, trong việc so sánh đối chiếu những lựa chọn cho sự phát triển. Chính giới trí thức có nhiệm vụ tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra và tại sao lại xảy ra, xem cái gì của quá khứ nên gìn giữ bởi lẽ chủ nghĩa hư vô tổng thể rất nguy hiểm, nó làm cho tầm hồn nhân dân khô héo, khiến cho mọi người trở nên hung bạo, nó tước đoạt mất của họ một trong những đặc tính tuyệt vời nhất của con người là khả năng biết tha thứ. Và trong bối cảnh như vậy chúng ta cần phải xem xét lại một cách có phê phán nhiều luận điểm về đạo đức mà trong suốt ba phần tư thế kỷ đã trở thành những chuẩn mực.

Cũng như nhiều người, tôi cho rằng sự tồn tại vật chất là có trước. Nhưng đó chỉ là luận điểm triết học chung chung. Trong thực tế, yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần gắn liền khăng khít với nhau bằng nhiều mối liên hệ gián tiếp. Và chúng mang tính chất không đơn nghĩa và đôi khi còn mang tính chất mâu thuẫn.

Văn minh và đạo đức hoàn toàn không đồng nghĩa với nhau. Và đồng thời chúng cũng không tách biệt khỏi nhau. Đạo đức là cốt lõi của văn minh. Có thể đồng ý hoặc không đồng ý với điều đó. Nhưng đối với tôi thì đó là định lý, là định đề khởi thuỷ, bởi vì tôi tin tưởng sâu sắc rằng bất cứ một nền văn minh nào nếu đánh mất đạo đức, đánh mất phẩm chất tinh thần của mình hoặc làm suy yếu cơ sở đạo đức thì đều bị thoái hoá và sẽ phải rời khỏi vũ đài lịch sử. Lịch sử đã cung cấp cho chúng ta không ít dẫn chứng để xác nhận điều đó. Chỉ cần nhớ lại lịch sử Cổ La Mã.

Văn minh cũng không đồng nhất với khái niệm "văn hoá". Đó cũng là một trong những cái tạo nên các nền văn minh và chính nó xác định những chuẩn mực trong cách ứng xử của con người. Văn hoá gắn chặt với đạo đức và là một trong những phương thức, có lẽ thậm chí là phương thức quan trọng nhất, để ngăn chặn thói man rợ và sự gây hấn do các bậc tổ tiên xa xưa của chúng ta truyền lại cho chúng ta, và, thật đáng tiếc, đã thâm nhập vào gen di truyền của chúng ta như những quy luật của sinh học xã hội mà tổ tiên là những người tạo nên chúng.

Không bao giờ được quên rằng ông tổ chung của tất cả những người đang sống hiện nay, người Cro-Magnon, về mặt sinh học đã được hình thành cách đây hàng chục nghìn năm, khi họ sống giữa các loài thú rừng hùng mạnh và cấu tạo tâm lý của họ đã hầu như thích nghi với cuộc sống dã thú của những thời kỳ xa xưa ấy. Và sự hoàn thiện của con người đã chấm dứt chính khi đó, ở giai đoạn cuối của thời đại đồ đá cổ đại. Như thế có nghĩa là những đặc điểm tâm lý và sinh lý của con người nằm trong gen di truyền của chúng ta, những cái mà ngày nay chúng ta thừa hưởng, không thể là gì khác mà chính là kết quả của sự thích nghi với những điều kiện của cuộc sống thời kỳ tiền băng hà. Và chúng hoàn toàn không phù hợp với những điều kiện hiện nay của sự siêu hùng mạnh về kỹ thuật, của sự phát triển nhanh như vũ bão những kiến thức trong các lãnh vực rất khác nhau. Con người cần phải biết kịp thời điều chỉnh các quy luật xã hội sinh học vốn đã chi phối cuộc sống ở thời kỳ nguyên thuỷ và hiện nay không còn phù hợp với những điều kiện đã thay đổi của cuộc sống, bằng những quy tắc của sự chung sống, bằng đạo đức mới. Nếu làm khác là sẽ xảy ra tai hoạ, nếu làm khác sẽ xảy ra thảm hoạ! Đó chính là ý nghĩa của giai đoạn mang tính chất xã hội của sự tiến hoá xã hội mà cần phải biết đưa những người săn ma mút vào thời đại nguyên tử. Bởi thế xã hội ngày nay không thể sống thiếu "văn minh tinh thần", thiếu văn hoá, thiếu nghệ thuật, bởi thế con người mới cần đến những quy tắc của cách ứng xử văn minh, những quy tắc này bao gồm toàn bộ những điều cấm kỵ hoặc tabu như chúng được gọi ở buổi bình minh của đời sống văn minh hoặc những chuẩn mực pháp lý và đạo đức như chúng ta quen gọi hiện nay. Và vai trò của tất cả những nhân tố phi kinh tế, mang tính chất "thượng tầng kiến trúc" trong số phận của nhân loại sẽ gia tăng không kém phần nhanh chóng so với sự gia tăng của sự phức tạp trong cuộc sống chúng ta, sự phức tạp vì dung lượng của cái mà chúng ta quen gọi là hạ tầng cơ sở.
***
Văn minh và những bộ phận cấu thành của nó - đạo đức, văn hoá, những quy tắc (những chuẩn mực pháp lý) đảm bảo sự kế thừa của các thế hệ, sự kế thừa của cách ưng xử và nếp tư duy của con người. Đó là ký ức đặc thù của con người, ký ức về kinh nghiệm tích cực mà nhân loại đã tích luỹ được từ những thời đại cổ xưa. Và ký ức này bao giờ cũng mở ngỏ đối với tương lai. Tất cả của cải văn minh không cho chúng ta những chế định chặt chẽ trong khi lựa chọn những hành động của chúng ta. Về phương diện này chúng tác động khác hẳn so với những phản xạ có điều kiện. Nhưng chúng bao giờ cũng là cội nguồn của sự tìm tòi trong việc khắc phục những khó khăn ập đến. Đó là những cái mốc chỉ rõ chiều hướng của chỗ nông trong dòng các sự kiện vốn được gọi là lịch sử.

Văn minh đồng thời cũng là màng lọc, tách sự dối trá đủ loại ra khỏi chân lý mà chúng ta không phải bao giờ cũng biết nhưng rất cần thiết cho con người như khí trời. Dấu hiệu đầu tiên về sự suy đồi của văn minh và sự thoái hoá của nhân dân - đó là sự truyền bá cái giả dối. Trở thành chuẩn mực của xã hội, cái giả dối, giống như bệnh di căn, bắt đầu thâm nhập vào cách ứng xử xã hội và vào ý thức xã hội, làm nó mất đi sức mạnh, niềm hy vọng, tinh thần lạc quan, làm nó mất đi niềm tin vào con người, vào khả năng của nó đối với những hành động tập thể có tính mục đích.

Tôi đã nhiều năm làm việc phân tích những hậu quả có thể xảy ra của chiến tranh hạt nhân. Tôi thử nghĩ rằng chuyện gì có thể xảy ra do những thảm hoạ sinh thái khác. Rút cục ở tôi nảy sinh một quan niệm về mệnh lệnh sinh thái và về người bạn đường không thể thiếu được của nó là mệnh lệnh đạo đức. Và tôi đã đi tới một nhận định rằng sự đoạn tuyệt giữa quá khứ và hiện tại đối với từng dân tộc riêng lẻ cũng như đối với cả loài người là một mối nguy vong không kém phần khủng khiếp như sự huỷ hoại mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên. Những suy nghĩ như vậy buộc tôi phải hiểu, nói đúng hơn là thậm chí buộc tôi phải cảm nhận rằng văn minh, văn hoá, đạo đức là những cấu trúc tế nhị và mỏng manh. Không bao giờ được quên rằng đó là những cái màng mỏng ngăn cản dòng tình cảm sôi sục của con người và đôi khi dường như chỉ cần mình cử động nhẹ là cái dòng đó sẽ cuốn trôi những tấm chắn mỏng manh của văn minh và làm lộ ra cái bản chất nguyên thuỷ của con người.

Văn minh không bao giờ là vô bản sắc. Nó bao giờ cũng có gốc rễ dân tộc và lịch sử sâu sắc - trong ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo và trong những nguyên tắc đạo đức. Nếu những tư tưởng mới và những giáo điều mới không phù hợp với chúng thì những thứ này sẽ bị nhân dân bác bỏ.
***
Người đại diện cho văn hoá là giới trí thức. Nhưng không nên đồng nhất những người lao động trí óc, những người phụng sự văn hoá và giới trí thức. Tôi biết nhiều người ở ta cũng như ở nước ngoài đang nghiên cứu vô tuyến điện tử, đang lập trình hoá, những nghệ nhân xuất sắc, những người có trí tuệ rất đáng kính nhưng đồng thời tôi không dám gọi họ là những nhà trí thức. Ngày nay sự tiến bộ khoa học kỹ thuật đang dần dần xoá nhoà ranh giới giữa những người mặc áo cổ xanh và những người mặc áo cổ trắng. Nếu căn cứ theo lối sống, theo tính chất y phục và theo sự sung túc về mặt vật chất thì những loại người khác nhau bây giờ ít có những nét khác biệt.

Song điều đó hoàn toàn không có nghĩa là số lượng trí thức gia tăng một cách đáng kể, mặc dầu ý nghĩa của nó đối với số phận loài người gia tăng rất nhanh.

Người trí thức là người bao giờ cũng tìm tòi, không bó hẹp trong phạm vi chuyên môn của mình hoặc trong khuôn khổ những lợi ích có tính chất nhóm phái thuần tuý. Người trí thức luôn suy nghĩ đến số phận của dân tộc mình trong sự so sánh đối chiếu với những giá trị toàn nhân loại. Anh ta có khả năng vượt ra khỏi chân trời hạn hẹp của sự hạn chế về nghề nghiệp hoặc lối sống phàm tục. Theo tôi, một trong những người trí thức đầu tiên của Nga mà chúng ta biết tới là đại giáo chủ Avvakum: Vả lại, bất cứ một dân tộc nào bao giờ cũng có những nhà trí thức của mình.

Vào nửa sau thế kỷ XIX ở Nga đã xuất hiện một tầng lớp trí thức khá nổi bật với thế giới tinh thần, với những truyền thống, với chỗ mạnh và chỗ yếu của họ. Gần với tầng lớp này là sự cất cánh bay bổng kỳ diệu của nền văn hoá Nga vốn đã từng cung cấp cho thế giới những nhà văn, những hoạ sĩ, những nhạc sĩ và tất nhiên cả những nhà bác học trứ danh. Trong số trí thức có những người thuộc các đẳng cấp khác nhau: những nhà quý tộc, những quan chức cao cấp, những thương gia, tỷ như Tretjakov hoặc Mamontov. Còn giới trí thức khoa học - kỹ thuật Nga thì đại bộ phận của nó được hình thành từ những lớp người dân chủ bình dân.

Và cho dù gốc gác nhân dân có ăn sâu đến mấy đi nữa thì giới trí thức ở mức độ đáng kể bị tách khỏi nhân dân, giữa nhân dân và họ bao giờ cũng có một rào chắn nhất định. Rào chắn đó không thể không có. Thiên hạ có nhiều loại khác nhau và do bản chất và số phận nên không phải ai cũng có khả năng trừu tượng hoá khỏi những công việc bận bịu hàng ngày để suy nghĩ về cái "không trực tiếp liên quan đến họ". Và trình độ học vấn cũng không phải là đặc tính thừa! Bởi thế cho nên mới nảy sinh sự thoát ly dần dần của người trí thức.

Tuy thế, giới trí thức là máu thịt của nhân dân nước mình. Hơn nữa, sự hưng thịnh chung của văn hoá của dân tộc, lối sống dân tộc, những chuẩn mực tư duy của nó, tính chất của lợi ích và cái chủ yếu là sự bộc lộ tiềm năng về sáng tạo, về tinh thần và đạo đức trước hết phụ thuộc vào giới trí thức. Và tất cả những cái mới và hữu ích, kể cả cảm xúc về cái đẹp, về sự hài hoà, thậm chí nếu nó nảy sinh trong quần chúng nhân dân, đều được truyền bá qua giới trí thức như thấm qua tấm lọc rồi chỉ sau đó mới trở thành sở hữu chung của toàn dân. Vai trò đó của giới trí thức được đặc biệt thấy rõ qua sự tiến hoá của lối sống, của tính cách và những tập quán của nhân dân.

Sự biến mất của giới trí thức hay cuộc loại trừ nó ra khỏi đời sống tinh thần của xã hội - đó là tấn bi kịch của cả dân tộc. Điều đó có thể sẽ kết thúc bằng sự tiêu vong đạo đức của dân tộc đó. Dù sao chăng nữa thì đó là sự rút lui dần dần của dân tộc khỏi tiền đài của lịch sử để lui về phía hậu đài. Việc phục hồi giới trí thức đòi hỏi nhiều thế hệ. Không thể nói đến "việc đào tạo giới trí thức". Sự phát triển của giới trí thức, sự hình thành của nó là một quá trình khác biệt về chất so với việc đào tạo một công nhân lành nghề, một kỹ sư hay một nhà vật lý hạt nhân. Đó là quá trình tự nhiên về sự tự phát triển của dân tộc.

Người ta thường gọi giới trí thức là tầng lớp trung gian vì không xếp được nó vào một giai cấp nào cả. Mặc dù tồn tại những câu nói "giới trí thức tư sản", "giới trí thức vô sản" v.v…, tuy nhiên những cách nói như vậy không mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi lẽ những lợi ích và mục đích của giới trí thức hoàn toàn không gắn với những lợi ích của một giai cấp này hay một giai cấp khác. Có thể dẫn ra nhiều thí dụ khi những người đại diện của cái gọi là giới trí thức quý tộc hay giới trí thức tư sản là những người biểu hiện lợi ích của giai cấp vô sản. Và ngược lại, những người xuất thân từ tầng lớp công nhân có thể đóng vai thầy cãi cho giai cấp tư sản. Việc sản sinh ra giới trí thức - đó là đặc tính của một dân tộc, đặc tính của bản chất xã hội và sinh học của nó, mặc dầu, lẽ dĩ nhiên là mỗi một người trí thức tuỳ thuộc vào tính chất giáo dục của mình và con đường đời của mình phản ánh những quan điểm này hay những quan điểm khác, những truyền thống này hay những truyền thống khác mang tính chất giai cấp, tính chất dân tộc...

Giới trí thức còn có thêm một đặc điểm nữa. Đó là việc nó hướng tới chủ nghĩa quốc tế, đó là tính chất thế giới của nó, nếu có thể nói như vậy. Người trí thức, xét theo bản chất của anh ta, có năng lực suy nghĩ về những vấn đề toàn nhân loại, cho dù anh ta thuộc về một dân tộc nào, theo bất cứ một tín ngưỡng nào, thuộc về bất cứ một đảng phái nào và có bất cứ một màu da nào. Tất nhiên không nên hình dung người trí thức bên ngoài dân tộc, thậm chí nếu anh ta có tự xưng là "công dân của thế giới" đi nữa. Tuy vậy những người trí thức của các nước khác nhau dễ dàng tìm ra được ngôn ngữ chung và lợi ích chung. Tôi đã có dịp nói chuyện với một người Nhật về âm nhạc Nga, với một người Mỹ La-tinh về chủ nghĩa chính thống của đạo Hồi. Chúng tôi rất khoái nhau và nếp tư duy của chúng tôi té ra là khá giống nhau. Dù sao tôi cũng hiểu người trí thức Nhật Bản hơn là hiểu người cán bộ đảng hoặc nhà kinh doanh trẻ tuổi hiện đại!

Trong một trăm năm gần đây trên thế giới chúng ta có nhiều thay đổi, và cuối thế kỷ này hoàn toàn không giống phần đầu của nó. Vai trò của yếu tố trí tuệ trong số phận nhân loại đã gia tăng rất mạnh, do đó vai trò của giới trí thức, ý nghĩa của văn hoá, của yếu tố tinh thần và nhân bản cũng gia tăng.

Nhưng cái chủ yếu nhất mà giới trí thức cuối thế kỷ XX đã hiểu ra, như tôi hy vọng, là không bao giờ có thể tiêu diệt hoàn toàn bất cứ một cái gì: chỉ có sự tiến triển dần dần và rất thận trọng mới có khả năng bảo vệ được một tác phẩm đẹp nhất và mỏng manh nhất của thiên tài nhân loại - đó là văn minh và văn hoá, mà như thế cũng nghĩa là bảo vệ niềm hy vọng về "sự tồn tại của loài người".

Nền văn hoá và khoa học Nga vào những năm 20 và đầu những năm 30 đã bị mất cả một lớp người đại diện ưu tú của nó như: Chichibabin, Ipat'ev, Gamov, Kandinski, Shagal, Benua, Shaljapin, Rakhmaninov và nhiều người khác... Lunacharski, Bukharin và các nhà hoạt động trí óc khác của đảng ở thời tiền Stalin không thể hiểu và cảm nhận được rằng cái khẩu hiệu "Ai hôm nay không hát cùng với chúng ta tức là kẻ đó chống lại chúng ta" mà vào những năm đó từng được căng trên mặt tiền của toà nhà Viện bảo tàng Lenin và việc áp dụng triệt để nó vào cuộc sống - đó là một trong những nguyên nhân sâu xa của sự lạc hậu ngày nay của chúng ta không chỉ vè mặt văn hoá mà cả về mặt công nghệ học so với những nước phát triển!

Có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận chủ nghĩa tiên phong đa dạng và sự "kỳ cục" của những hoạ sĩ và thi sĩ của những năm 20. Họ có thể được ưa chuộng hoặc không được ưa chuộng, và trong số họ có thể có không chỉ những thiên tài lên tiếng ca ngợi tổ quốc mình. Trong số đó chắc chắn cũng sẽ có những kẻ bất tài và những kẻ đầu cơ về "mốt" - tôi sẵn sàng thừa nhận rằng họ nhiều vô thiên lủng. Nhưng đồng thời tôi cũng tin sâu sắc rằng lớp váng bọt đó sẽ nhanh chóng trôi qua. Nhìn chung, tất cả những cái "tiên phong chủ nghĩa" là tiền đề tất yếu của sự đi tìm đường cho sự phát triển hợp lý. Nếu không có những sự tìm tòi như vậy thì xã hội và nền văn hoá của nó nhất định sẽ có lúc bế tắc. Và tiên đoán một cách chính xác xem con đường nào trong số đó sẽ là con đường duy nhất cần thiết cho chúng ta - điều này khó hơn nhiều so với việc đoán trước thời tiết một tháng. Tôi khẳng định điều đó với tư cách là một người chuyên nghiệp biết được rằng tạo ra một sự dự báo như vậy thật khó khăn biết chừng nào!

Rõ ràng là việc đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và kỹ sư giỏi không khó khăn cho lắm. Và ở đây chúng ta khá thành công. Cuộc chiến tranh vệ quốc, thời kỳ khôi phục hậu chiến và lịch sử xây dựng tiềm năng tên lửa hạt nhân đã cho thấy điều đó. Còn sự hình thành các nhà tư tưởng, tức là giới trí thức - những triết gia, như người Pháp ở thế kỷ XVIII đã gọi họ, lại đòi hỏi nhiều thế hệ.
***
Như vậy là giới trí thức là một trong những bảo đảm quan trọng hạng nhất cho sức sống của xã hội. Nhờ có giới trí thức mà xã hội có khả năng đón nhận cái mới và cái chưa được biết đến với cuộc sống chúng ta, có khả năng đem thích nghi với những điều kiện mới không chỉ cơ sở vật chất mà còn cả nếp tư duy và đạo đức. Và mức độ gia tăng sự lạc hậu về kỹ thuật của chúng ta trên ngưỡng cửa của sự biến đổi nhanh chóng về cơ sở công nghệ của sự phát triển xã hội, những khó khăn mà chúng ta gặp trong công cuộc cải tổ cách tư duy, cách nhận thức về yêu cầu công nghệ và về sự cần thiết của đạo đức mới phần nhiều là hậu quả của sự hạ thấp "tiềm năng trí tuệ".

Nhưng cho dù lịch sử của chúng ta có nặng nề đến đâu chăng nữa, cho dù chúng ta phải chịu những tổn thất như thế nào chăng nữa thì mối liên hệ về thời gian không bao giờ bị đứt đoạn. Chúng ta không phải là những anh chàng Ivan vô thừa nhận không nhớ tổ tiên dòng giống của mình. Chúng ta đã giữ gìn mình với tư cách là những người kế thừa nền văn hoá vĩ đại. Và ký ức của nhân dân, ký ức của giới trí thức được bảo tồn nhờ những bậc vĩ nhân như Vernadski hoặc Timofeev, Rezovski nhờ những chiến sĩ đấu tranh quên mình như Sakharov, Losev. Và nhờ nhiều người khác đã duy trì được "những cây nến đã thắp sáng" và chuyển giao cho cuộc chạy tiếp sức. Bây giờ chỉ cần tạo ra bầu không khí để ngọn lửa leo lét lại cháy bùng lên thành một đống lửa, như điều đó đã hơn một lần xảy ra trong lịch sử chúng ta sau những thời kỳ rối loạn. Và về chuyện này giới trí thức phải có trách nhiệm. Tôi muốn hy vọng rằng thay vì cuộc đấu tranh để giành "ghế" mà trong đó giới trí thức đằng nào cũng thất bại, nó sẽ chuyên tâm làm những công việc thực sự là đặc trưng của nó!

Vào những năm gần đây giới trí thức bắt đầu dần dần được phục hồi. Ngọn gió ấm áp đã thổi, sự trói buộc đã được nới lỏng và "sự cựa quậy của trí tuệ" đã bắt đầu. Hiện nay mới chỉ cựa quậy thôi! Còn sự vận động thực sự thì sẽ phải xuất hiện. Nhưng chất đất đã khác rồi. Tôi nghĩ rằng văn hoá nông thôn và cái nền văn minh đặc biệt mà Toynbee từng suy nghĩ, đã vĩnh viễn bị phá huỷ. Đang nảy sinh một cái gì mới. Cái gì từ quá khứ sẽ nhập vào nền văn hoá đó? Đó là những câu hỏi hết sức hóc búa, nhưng cần phải trả lời chúng. Nếu không thì sẽ bắt đầu những cuộc thí nghiệm mới và những sự phá huỷ mới.

Và sau hết, còn một điều cuối cùng. Đang diễn ra sự tiến triển rất nhanh chóng của toàn xã hội. Cuộc luận chiến càng ngày càng gay gắt. Nhưng tôi cảm thấy rằng hiện nay nó còn mang tính chất rất tư biện và trừu tượng. Không thể chỉ nói về cuộc sống của xã hội nói chung. Tổ chức của xã hội, sự ổn định của nó, phúc lợi của nhân dân, những triển vọng được mở ra cho mọi người - tất cả những cái đó gắn bó khăng khít với toàn bộ lịch sử. Và mỗi dân tộc, mỗi nước, thậm chí mỗi khu vực đều có con đường riêng của mình. Tuy nhiên cũng tồn tại những quy luật phát triển chung, nhất là ở thế kỷ chúng ta trước ngưỡng cửa của cuộc khủng hoảng sinh thái, của sự tăng nhanh lực lượng sản xuất và sự tăng cường mạnh mẽ mối quan hệ qua lại của con người.

Đã đến lúc giới trí thức phải thôi là những người "sùng bái phương Tây" và những người "sùng bái Slavo" và cần phải nhìn thẳng vào những đặc điểm thực tế của cuộc sống hiện nay. Đã đến lúc phải khước từ những nguyên tắc của "những không tưởng vĩ đại", khước từ thái độ ngạo mạn chính trị riêng tư hoặc "sự khao khát phục thù" và phải hiểu rằng trên thế giới cũng như trong con sông chảy ở vùng núi có luồng chính và thật bất hạnh cho kẻ bơi lội nào không muốn đi theo luồng nước đó.

Lê Sơn dịch (theo báo "Культура" của Nga)

Nguồn:
Nhà nước, nhân dân, trí thức



25/4/11

NHỮNG BI KỊCH CỦA BÀ TRẦN LỆ XUÂN


Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy

Ngày 24.4, bà Trần Lệ Xuân, là phu nhân của ông Ngô Đình Nhu, đã qua đời tại một bệnh viện ở Rome, Ý, hưởng thọ 87 tuổi. Luật sư Trương Phú Thứ, người chấp bút cho cuốn hồi ký của bà Trần Lệ Xuân, cho biết bà qua đời khi các con và cháu nội ngoại quây quần bên giường bệnh.

Bà Trần Lệ Xuân sinh năm 1924, là quả phụ ông Ngô Đình Nhu (em trai và cố vấn của cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm). Bà có bốn người con, hai trai, hai gái, trong đó trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thủy đã thiệt mạng năm 1968 trong một tai nạn giao thông ở Paris. Bà Trần Lệ Xuân có nguyện vọng cuốn hồi ký của mình chỉ được phát hành sau khi bà qua đời.

Trần Lệ Xuân lớn lên ở Hà Nội, từng theo học Trường Albert Sarraut và đã tốt nghiệp tú tài Pháp. Năm 1943, Trần Lệ Xuân kết hôn với người con trai thứ sáu của dòng họ Ngô Đình là Ngô Đình Nhu và bỏ đạo Phật theo đạo Thiên chúa của gia đình chồng…

Tháng 10.1963, đánh hơi thấy sự thất thế của triều đại Ngô Đình trong con mắt các đồng minh thân cận, Trần Lệ Xuân cùng con gái lớn là Ngô Đình Lệ Thủy đi Mỹ và Rome với dự định sẽ lên tiếng về một âm mưu đảo chính có thể xảy ra.

Ngày 1.11.1963, khi Trần Lệ Xuân và con gái đang ở khách sạn Wilshire Hotel tại khu thượng lưu Beverly Hill (California) thì ở Sài Gòn, đã xảy ra đảo chính và Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu đều bị giết. Tới ngày 15.11.1963, hai mẹ con Trần Lệ Xuân và Lệ Thủy phải lật đật rời khỏi Los Angeles sau khi tức tối tuyên bố: "Tôi không thể cư ngụ ở Mỹ, vì lý do đơn giản chính phủ của họ đã đâm sau lưng tôi".

Trần Lệ Xuân và chiếc áo dài cổ thuyền nổi tiếng

Họa vô đơn chí


Từ đó trở đi là những giai đoạn họa vô đơn chí đối với Trần Lệ Xuân. Vừa nhận được tin chồng và anh em chồng bị giết chưa bao lâu, Trần Lệ Xuân đã phải nhận tin mẹ chồng qua đời ở tuổi hơn 90 tại Huế…

Bốn năm sau, con gái đầu của Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân là Ngô Đình Lệ Thủy cũng bị chết trong một tai nạn giao thông ở Paris.

Sau năm 1963, Trần Lệ Xuân cùng những người con còn lại (lúc đó đều còn bé) chuyển về sinh sống tại Rome trong nhiều năm liền, nơi giám mục Ngô Đình Thục, đang tá túc cho qua ngày đoạn tháng.

Nói một cách công bằng, trong số các anh chị em ruột của Ngô Đình Nhu, hình như chỉ có một mình giám mục Ngô Đình Thục là thông cảm nhất với những điều tiếng và lận đận của cô em dâu. (Người em Ngô Đình Cẩn thì trái lại, không tiếc lời gièm pha chị dâu và có lần đã nói: "Đó là Đát Kỷ của thời nay!").

Có tin cho rằng, chính giám mục Ngô Đình Thục đã chu cấp cho mẹ con Trần Lệ Xuân mọi kinh phí để họ sống ở Rome. Không những thế, ông Ngô Đình Thục còn tài trợ cho ba người con của Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân ăn học đến nơi đến chốn.

Nhưng Ngô Đình Thục cũng chỉ sống ở Ý một thời gian rồi sang Mỹ và để tới ngày 13.12.1984, phải vĩnh biệt cõi trần trong một viện dưỡng lão vì khủng hoảng tinh thần. Cái chết của giám mục Ngô Đình Thục có lẽ là một tổn thất nặng về tình cảm đối với Trần Lệ Xuân.

Trần Lệ Xuân trên bìa tạp chí Time của Mỹ

Tiếp sau cái tang Ngô Đình Thục, Trần Lệ Xuân còn phải sống qua bi kịch cha mẹ bị chính người em ruột lên cơn tâm thần của bà ta giết. Rồi người em út của dòng họ Ngô Đình là Ngô Đình Luyện cũng qua đời vào đầu năm 1990 ở Paris.

Như vậy là Trần Lệ Xuân đã phải chứng kiến tới 10 cái chết của những người họ hàng ruột thịt.

Mai danh ẩn tích

Sau khi Ngô Đình Luyện (người hình như cũng có điều không mấy bằng lòng với cách làm vợ của chị dâu) qua đời, Trần Lệ Xuân đã rời Ý sang Paris cư trú. Có nhiều tin đồn là người đàn bà nhan sắc Trần Lệ Xuân trong mấy chục năm qua đã không chịu ở vậy. Tuy nhiên, không có chứng cứ xác thực về một lần nào đó Trần Lệ Xuân tái giá.

Năm 2002, một luật sư người Việt từ Mỹ sang chơi Paris đã có dịp trực tiếp gặp Trần Lệ Xuân ở Paris và đã ghi lại những điều tai nghe mắt thấy của mình. Theo đó, khi ấy, Trần Lệ Xuân ở một mình trong một căn hộ ở tầng thứ 11 thuộc một tòa nhà mới xây gần tháp Eiffel, nơi cư dân chủ yếu là các nhân viên ngoại giao từ các nước tới làm việc ở thủ đô Pháp.

Đó là một chung cư có những nét kiến trúc đương đại giống như một cái hộp khổng lồ bằng kính, có lẽ đã được tạo dựng từ 30 đến 40 năm. Trần Lệ Xuân sở hữu hai căn hộ liền kề nhau (theo lời Trần Lệ Xuân, tiền mua hai căn hộ là do giám mục Ngô Đình Thục cho. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy: nguồn tiền đó là do một người ẩn danh tặng cho Trần Lệ Xuân).

Trần Lệ Xuân ở một căn hộ, có hai phòng ngủ và một phòng khách; còn căn hộ kia thì cho một nhà ngoại giao Nhật Bản thuê, để có thêm tiền sinh hoạt. Món tiền cho thuê nhà cũng là món lợi tức duy nhất của Trần Lệ Xuân, để có thể đủ tiền sống mà không phải nhờ cậy tới con cái.

Tại Paris, Trần Lệ Xuân sống mai danh ẩn tích đến nỗi nhiều người Việt cư trú lâu năm ở đây và có những mối quan hệ rộng rãi vẫn tưởng bà ta đang ở tít tận bên Ý…

Theo cảm nhận của người khách Việt khi tới thăm Trần Lệ Xuân ở Paris năm 2002, dù xa nhà lâu năm nhưng Trần Lệ Xuân vẫn giữ nguyên giọng nói đặc Huế, không vồn vã nhưng cũng không quá lạnh nhạt. Người đàn bà ở tuổi bát tuần này vẫn trang điểm gương mặt một cách kỹ lưỡng.

Về sức khỏe thì cũng bình thường, không có gì đáng phải phàn nàn, "đi đứng nhanh nhẹn, lưng thẳng, đôi mắt to và sáng". Tuy nhiên, theo nhận xét của ông khách đó, "cái già" cũng vất vưởng đâu đó trên khóe mắt vành môi…

Trần Lệ Xuân và chồng Ngô Đình Nhu

Ba người con của Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân đều đã phương trưởng. Người con trai lớn Ngô Đình Trác từng tốt nghiệp kỹ sư canh nông, lấy vợ người Ý và đã có 4 con (3 trai, 1 gái). Người con trai thứ hai là Ngô Đình Quỳnh, từng tốt nghiệp Trường ESEC (Ecole Superrieur de I'Economie et du Commerc (ESEC, một trường tư đào tạo các chuyên gia kinh tế và tài chính, có học trình chặt chẽ và học phí rất cao). Cô con gái út Ngô Đình Lệ Quyên có bằng tiến sĩ Luật từ Trường Đại học Rome…

Trần Lệ Xuân đã viết được một cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp rồi tự dịch ra tiếng Ý, Anh và Việt Nam. Theo người đàn bà này tâm sự, cuốn hồi ký đó chỉ có thể được công bố sau khi bà ta qua đời.

Nguồn:
Những bi kịch của bà Trần Lệ Xuân



24/4/11

BÀNG QUAN VỚI DANH DỰ



Trước kia chúng ta đã từng có một Trần Bình Trọng thà làm ma nước Nam còn hơn sống cuộc đời ô nhục trong hoa gấm. Một Triệu Thị Trinh dám đạp cơn sóng mạnh chém cá kình chứ quyết không chịu an phận làm tỳ thiếp trong cung vua phủ chúa. Xin đừng đổ thừa vào lòng tin.

Thật giả lẫn lộn

Có lẽ là người Việt hầu hết mọi người đều biết câu: nhân tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vượng thì thế nước mới vượng. Cả xã hội cùng nhìn vào những “tấm gương” của các sỹ phu, các nhà lãnh đạo, những con người này định hướng, dẫn dắt xã hội, cả hành vi và tư tưởng của xã hội cũng sẽ bị họ chi phối.

Ngày nay giới trí thức rất đa dạng, thật giả lẫn lộn. Bằng cấp thời xưa thực tài và được mọi người thừa nhận thì ngày nay nạn bằng cấp giả tràn ngập, trong cả ngành pháp luật, những người đại diện cho pháp quyền. Đáng sợ hơn khi người ta “bình thường hóa” nạn bằng cấp giả.

Có một vị cán bộ đầu ngành văn hóa, thông tin một tỉnh nọ còn cho rằng mình… không may nên mới bị phát hiện bằng cấp giả. Đáng sợ hơn người ta bàng quan, xơ cứng, thơ ơ với liêm sỷ, với danh dự.

Thế nên Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Điện có lý khi muốn nói con người mất phương hướng không biết đi lối nào. Cái tư tưởng dễ dãi, cái bản năng lười biếng của con người lại trỗi dậy mách bảo “người ta thế cả mình cũng phải giống họ”, không chỉ là những người ít học thức mà tôi đã gặp những con người làm nghề trồng người vẫn nói lên những lời như thế.

Bây giờ nói đến đạo Khổng, đạo Nho, nhiều người chê là lạc hậu, nhưng sao không chắt lọc cái tinh hoa để kế thừa. Thời xưa người ra làm quan, làm lãnh đạo, luôn phải trau dồi đạo làm người.

Dạy dỗ bằng chính tấm gương của mình


Vậy định hướng cho xã hội ai sẽ làm? có người cho rằng cứ để tự nó, vì xã hội phát triển chậm nên cứ để 100 năm nó tư khắc đâu vào đấy. Thực là buồn cười vì ý nghĩ ngây thơ này, nhưng tôi chắc chắn với các bạn rằng không ít cha mẹ quan niệm rằng: trẻ con con bé chưa biết gì, cứ để nó lớn nó khắc hiểu, trong khi từ ngàn xưa ông cha ta đã cho rằng “dậy con từ thủa còn thơ”.

Trong quyển “Con cái chúng ta đều giỏi”(Tác giả :Adam Khoo&Gary Lee) để tạo nên những đứa trẻ thông minh, sáng tạo, một trong những quan niêm đúng đắn là cha mẹ trước tiên phải là những người dám chịu trách nhiệm, không đổ thừa cho hoàn cảnh, cho con cái v v …

Ngày xưa trong câu hát ru của các bà mẹ “ Con ơi nhớ lấy câu này: cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Mặc dù bà mẹ ấy có khi không được đến trường nhưng việc dạy con:Trung, hiếu, lễ, tín, nghĩa. Bà mẹ ấy có bao giờ dạy con mình: người ta “cướp ngày” thì việc nhặt vài quả dưa hấu, vài lon bia thì đáng gì ?

Bà mẹ ấy luôn dạy con mình đạo lý của con người “cái gì không do mồ hôi nước mắt mình làm ra thì không bao giờ đụng vào”. Nếu mọi người có cặp mắt nghiêm khắc với chính mình, tôn trọng việc xếp hàng và cương quyết cho ra rìa những kẻ chen ngang thì văn hóa xếp hàng được duy trì và ngay cả người bán cương quyết không bán cho kẻ chen ngang.

Người làm cha làm mẹ thời xưa luôn nhắc nhở cho con cháu tự hào về truyền thống của cha ông rằng cha con, ông con ngày xưa học giỏi, nghĩa khí. Tiếc thay, bây giờ không ít các ba mẹ có học thức, thậm chí có bằng cấp tiến sỹ nhưng họ bảo nhau nhắc nhau :cha ông tôi giàu có, nhiều tiền, lắm của.

Thế nên chả trách người ta tranh nhau làm giàu, làm giàu bằng mọi cách, bất chấp thủ đoạn, bất chấp đạo đức sản xuất và lưu thông những thực phẩm kém chất lượng nguy hại đến sức khỏe của cộng đồng.

Nếu mỗi người đều có ý muốn xây dựng hình ảnh đẹp, đáng tự hào trong mắt bạn bè quốc tế và niềm tự hào dân tộc luôn luôn được kế thừa thì việc đầu tiên bản thân chúng ta là dạy dỗ con cháu mình bằng chính tấm gương của mình không bị cám dỗ về vật chất. Không chờ ngành giáo dục, không chờ các vị lãnh đạo, mà mỗi người Việt nam chúng ta cảm thấy xấu hổ về “định kiến xấu của dư luận về một nhóm người, một cộng đồng” mà chung tay góp sức để vực dậy niềm tự hào về dân tộc chúng ta. Tất cả nhờ vào ý thức của mỗi người chúng ta.

Bây giờ “trồng người”, may ra 100 năm nữa sẽ được hái quả ngọt. Để nguyên khí của quốc gia thêm vững chãi và hưng thịnh chúng ta cần sự góp sức của cả xã hội. Đầu tiên từ gia đình mình, xóm làng mình nhân rộng trên toàn xã hội. Ngành giáo dục và văn hóa, truyền thông vào cuộc thì tốt quá, các vị lãnh đạo cũng vào cuộc thì còn gì bằng.

Trước kia chúng ta đã từng có một Trần Bình Trọng thà làm ma nước Nam còn hơn sống cuộc đời ô nhục trong hoa gấm. Một Triệu Thị Trinh dám đạp cơn sóng mạnh chém cá kình chứ quyết không chịu an phận làm tỳ thiếp trong cung vua phủ chúa. Xin đừng đổ thừa vào lòng tin.

Bích Thủy

Nguồn:
Khi con người bàng quan với danh dự!



23/4/11

DUYÊN DÁNG CUBA


Các nữ chiến sĩ Cuba trong cuộc diễu binh trên Quảng trường Cách mạng
ở La Habana ngày 16.4.2011, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hiron.

Ảnh: Desmond Boylan/Reuters

Diễu binh và diễu hành kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hiron
trên Quảng trường Cách mạng ở La habana ngày 16.4.

Ảnh: Miguel Guzman/Prensa Latina/AP

Bà Mercedes Betancourt xem lại các kỷ vật quân sự của chồng, ông Toribio Pozos - cựu chiến binh tham gia chiến thắng Hiron.
Ảnh: Javier Galeano/AP

Ông Rafael Soldevilla, 74 tuổi, cựu chiến binh tham gia trận Hiron,
tại nhà riêng ở La Habana hôm 19.4.

Ảnh: Javier Galeano/AP

Xích lô chở khách trên phố. Tháng 10 năm ngoái, chính phủ Cuba đã cắt 500 nghìn nhân công trong khu vực kinh tế nhà nước.
Ảnh: Desmond Boylan/Reuters

Một cửa hiệu cắt tóc tư nhân mới mở ở La Habana. Chính phủ Cuba đã cho phép khu vực kinh tế tư nhân hoạt động.
Ảnh: Desmond Boylan/Reuters

Cảnh sát giao thông phạt một người đi xe máy ở La Habana.
Ảnh: Desmond Boylan/Reuters

Ban đêm trên một đường phố ở La Habana.
Cuba vẫn đang phải hứng chịu lệnh cấm vận kinh tế của Washington.

Ảnh: Desmond Boylan/Reuters

Trang trại trồng rau ở ngoại ô La Habana. Cuba bắt đầu cung cấp tín dụng
cho nông dân thuê đất của nhà nước để sản xuất lương thực, thực phẩm.

Ảnh: Desmond Boylan/Reuters

Quầy hàng lưu niệm di động trên đại lộ ven biển El Malecon.
Desmond Boylan/Reuters

Nhà cửa ở La Habana đã lâu không được tu bổ, sửa chữa.
Ảnh: Desmond Boylan/Reuters

Nhà máy chế biến cigar Partagas. Năm 2010 doanh số bán cigar
sang Trung Quốc và Trung Đông tăng 2%.

Ảnh: Desmond Boylan/Reuters

Người mài dao trên đường phố La Habana.
Ảnh: Enrique De La Osa/Reuters

Nhà máy sản xuất cafphê tại La Habana. 5 năm qua Cuba đã đầu tư 9,5 triệu USD
để nâng cấp thiết bị chế biến, nhưng càphê không được mùa khiến
Cuba phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ảnh: Franklin Reyes/AP

Chế biến đường tại tổ hợp “Jesús Rabí” ở Calimeto, Cuba, April 6.
Năm 2010 sản lượng đường của Cuba đạt mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ.
Năm 2011 sẽ có sự tăng trưởng nhẹ.

Ảnh: Javier Galeano/AP

Festival cigar tại La Habana.
Ảnh: Adalberto Roque/AFP/Getty Images

Vịnh Guantanamo, nơi Mỹ vẫn còn duy trì trại giam giữ các "chiến binh kẻ thù".
Ảnh: John Moore/Getty Images

Hình ảnh Che Guevara ở San Jose de las Lajas, ngoại ô La Habana.
Ảnh: Enrique De La Osa/Reuters

Nhà máy điện hạt nhân Jarugua, cách La Habana 208 dặm về phía đông nam.
Dư án được khởi công từ năm 1983, nhưng bị ngừng từ năm 1991
sau sự tan rã của Liên Xô.

Ảnh: Desmond Boylan/Reuters


Ghi chú: "Duyên dáng Cuba" là tên một vở kịch về Chiến thắng Hiron của tác giả Thiết Vũ, đạo diễn Văn Chiêu do Đoàn kịch nói Cửu Long Giang trình diễn cuối thập niên 1970.

Bài viết liên quan:
Ba mươi năm "Duyên dáng Cuba"...

Nguồn
Cuba looks back - and forward



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết