22 năm trước. Leningrad. Thành phố của những đêm trắng. Chàng sinh viên người Việt 22 tuổi yêu cô gái Nga 17 tuổi. Một mầm sống thành hình. Nhưng cuộc đời không lãng mạn như những đêm trắng.
Người mẹ trẻ, không thể nuôi nổi con mình, phải đưa con vào trại trẻ mồ côi. Anh sinh viên phải về nước vì một vài lý do. Chưa bao giờ Gienhia được hưởng tình yêu thương của bố mẹ. Rồi một ngày, Gienhia quyết định đi tìm nguồn gốc của mình. Rất tình cờ, Hội Lưu học sinh (LHS) Việt Nam tại Liên Xô khoá 1982 - 1983 biết được câu chuyện của cậu. Những kết nối tất bật, sẻ chia. Và câu chuyện kết thúc có hậu.
Đứa trẻ mang họ mẹ
Tôi là V.Evghenhi A. (tên thân mật là Gienhia) sống tại TP. Saint-Petersburg, tìm bố tôi là N.M.T... Từ năm 1983 đến 1986, bố tôi học tập tại Leningrad. Tại Leningrad, bố tôi và mẹ tôi là Valuk L.A. đã quen nhau, họ yêu nhau và cũng từ tình yêu đó, ngày 17.7.1986, tôi được sinh ra...
Nhưng vì hoàn cảnh lúc bấy giờ, mẹ tôi và bà ngoại tôi là Valuk V.P. đã quyết định từ bỏ tôi, ngày 29.7.1986, họ đưa tôi vào trại trẻ mồ côi với hy vọng ai đó sẽ nhận tôi làm con nuôi. Cha tôi không được hỏi ý kiến về việc đó. Ông tôi và cha tôi lại mong muốn giải quyết theo một cách khác. Nhưng mọi mong muốn của cha tôi và ông tôi không nhận được sự ủng hộ của luật pháp lúc bấy giờ. Khoảng tháng 8.1986, mẹ tôi là Valuk L.A. đã về nước CH Belarus.... Ngày 20.10 năm đó, bố tôi rời Liên Xô bay đi Havana. Theo nguồn tin không chính thức, trong thời gian một năm sau khi chia tay, bố mẹ tôi vẫn thư từ cho nhau...".
Đây là câu chuyện của Gienhia được chính lời cậu kể, trong bức thư gửi tới Đại sứ quán Việt Nam ở Nga ngày 21.12.2008.
Gienhia ra đời mang họ mẹ. Nhưng không còn ký ức nào về mẹ ngoài cái họ ấy. 18 năm sống trong môi trường khắc nghiệt ở trại trẻ mồ côi, Gienhia còn may mắn được vợ chồng người bảo mẫu yêu quý.
Năm 18 tuổi, cậu rời khỏi trại, được nhà nước cấp cho một phòng trong căn hộ chung 2 phòng cho 2 người; từ đó, cậu sống một mình. Gienhia biết mình khác mọi người, nhưng không biết tại sao, không biết cậu một nửa là người Việt. Cho đến khi cậu tìm được bà ngoại và mẹ mình, cậu mới biết mình khác mọi người thế nào. Nhưng ngay cả khi đó, Gienhia một lần nữa bị chối từ:
"Năm 2004, nhờ sự giúp đỡ của những người bạn cũ, tôi đã tìm được bà ngoại tôi. Bà tôi đã gửi cho tôi tấm ảnh chụp bố mẹ tôi và từ đó quan hệ giữa tôi và bà cũng chấm dứt.
Đến năm 2006, nhờ sự giúp đỡ của công an, tôi đã tìm được mẹ tôi, nhưng vì hoàn cảnh cá nhân, mẹ tôi đã có gia đình nên đã từ chối mối quan hệ với tôi".
Gienhia bảo, lúc đó, cậu thấy buồn và thấy hình như cuộc sống bất công với mình quá. Nhưng Gienhia vẫn tự mình cố gắng để trưởng thành:
"Tôi đã có nghề nghiệp, đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Tôi tiếp tục học khoa tại chức Viện Công nghệ, Mô hình và Điều khiển thuộc Trường Tổng hợp Công nghệ và Thiết kế Saint-Petersburg. Năm 2009, tôi bảo vệ tốt nghiệp. Hiện tôi sống tự lập, học tập và làm quản đốc phân xưởng, quản lý trên 30 người. Tôi chưa lập gia đình vì còn cần phải học xong".
Từ những thông tin cùng bức ảnh của mẹ và bà ngoại, Gienhia tiếp tục tìm bố. Thật kỳ lạ, cậu đã nghĩ rằng, cậu tìm bố mẹ để được giúp đỡ bố mẹ, chứ không phải để bố mẹ giúp đỡ cậu. Một thanh niên chưa bao giờ được hưởng tình yêu từ bố mẹ, đã nghĩ như thế, chắc chắn là một chàng trai tốt:
"Năm 2007 trong hồ sơ lưu trữ của trường, chúng tôi đã tìm thấy hồ sơ của bố tôi... Theo luật pháp Liên bang Nga, tôi có quyền quan hệ với những người sinh ra tôi và chúng tôi sẽ tự giải quyết mối quan hệ đó...
Hơn nữa, tôi không cần cha tôi về mặt vật chất và tôi luôn coi cha tôi không hề có lỗi với tôi. Điều quan trọng là tạo nên tình người, trong đó sẽ là tình yêu, sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau...".
Kết nối
Nhưng câu chuyện hoàn chỉnh này có được là sau đó, khi các thành viên của Hội Lưu học sinh biết chuyện và vào cuộc. Bắt đầu hoàn toàn tình cờ. Có ai đó đã vào trang web của chương trình tìm người thân trên kênh 1 Truyền hình Nga có tên: "Đợi anh về" và đọc được mẩu tin tìm bố của Gienhia. Tin nhắn được chuyển tiếp và đưa lên trang web lhsvn.com.vn ngày 21.12.2008.
Hồi âm ngay là những tín hiệu thông cảm, sẻ chia: "Tội nghiệp cho Gienhia quá. Có rất nhiều hoàn cảnh éo le tương tự thế... Tìm bố Gienhia theo bạn bè cũng khoá mình nghĩ chắc không khó lắm. Dù không tìm được cha cho Gienhia, nhưng giá như Gienhia may mắn có dịp được đặt chân tới Việt Nam nhỉ. Anh sẽ thấy đất nước mà mình mang nửa dòng máu là đất nước đáng yêu mến với những con người hồn hậu. Anh sẽ thấy cuộc đời mình không nghiệt ngã thế...".
Các thành viên lhsvn đã học cùng hoặc trên dưới một - hai khoá với bố Gienhia ở Trường Ngoại ngữ Thanh Xuân năm 1982 - 1983, dù sau đó sang Liên Xô mỗi người học một nơi. Câu chuyện của Gienhia làm hình thành ngay một mạng lưới kiếm tìm sôi nổi, bận rộn. Những kết nối từ Hà Nội vào TPHCM, xuống Hải Phòng, sang Mátxcơva tới Saint-Petersburg.
Vài manh mối dần hiện ra. Có những thông tin được đưa lên mạng để đọc chung, có những điều chỉ các anh chị LHS trao đổi riêng để giữ câu chuyện chỉ cho Gienhia và gia đình bố cậu ở Việt Nam. Một vài chi tiết từ bức thư của Gienhia có sự nhầm lẫn, khiến việc tìm kiếm đôi lúc bối rối, chẳng hạn năm 1986, bố Gienhia đã không sang Cuba mà về Việt Nam, trong hồ sơ của trường ghi nhầm chuyến bay Hà Nội thành chuyến bay Havana.
Nhưng chỉ chưa đầy 3 hôm sau, ngày 23.12.2008, các thành viên LHS Việt Nam thông báo đã tìm thấy gia đình bố Gienhia, họ đã chuyển từ quê Hải Phòng vào sống trong TPHCM. Mọi việc diễn ra dồn dập. Một nhóm LHS ở TPHCM đến thăm gia đình bố Gienhia. Thành viên LHS ở Leningrad trực tiếp tìm gặp cậu. Tất cả chỉ trong một tuần. Gienhia đã trở thành người mới của gia đình LHS mà ai cũng quan tâm.
Qua các LHS, Gienhia và ông nội đã liên lạc được với nhau và đều mong sớm gặp mặt. Chính các anh chị LHS đã sắp xếp kế hoạch và giúp đỡ tiền bạc để Gienhia được đi học tiếng Việt và tiếp đó là kế hoạch về thăm ông bà nội và bố. Tin tức về Gienhia được cập nhật thường xuyên trên trang web LHS:
"Gienhia có vẻ ngoan ngoãn và thông minh, chăm chú nghe chuyện, rất muốn tìm gặp xem những người ruột thịt như thế nào. Hiện giờ lương của cậu ta là 18 nghìn ruble (khoảng hơn 600USD), thuộc loại hơi thấp ở Nga bây giờ...".
"Mùng 1 Tết, JK đến tụ tập với bạn bè ở Len (viết tắt của Leningrad) dịp Tết Việt, đã rủ theo Gienhia đi cùng cho cậu biết Tết người Việt".
"Dạo trước, Gienhia chắc mải làm nên ít đi học, thành tích sụt giảm. Hôm nay nói chuyện với cô giáo, cô bảo Gienhia nói bập bẹ được rồi. Đặc biệt là phát âm như người Việt. Chỉ tội cu cậu chắc ít thời gian và không có thực tế nên chậm nhớ từ. Gienhia đang viết bài tốt nghiệp" (15.5.2009).
"Hiện nay, Gienhia có nguyện vọng theo học một trường đại học nào đó, khoa quản lý kinh tế, hệ hàm thụ. Khó khăn ở chỗ lãnh đạo cậu ta không còn nhiệt tình lắm với việc thỉnh thoảng cậu ta xin nghỉ vài ngày đi thi. Vì vậy, ngoài việc tìm trường thích hợp, cậu còn phải tìm việc khác" (6.7.2009).
Những dòng tin ngắn ngủi, nhưng đều được mọi người mong chờ. Trước khi gặp bố ở Việt Nam, Gienhia cũng đã kịp có bố nuôi, mẹ nuôi người Việt là các cô chú LHS - bạn bố. Gienhia là người may mắn, có những cậu bé, cô bé Nga tìm bố ở Việt Nam đã bị chính người bố quay mặt đi. Và một ngày tháng tám, Gienhia sang Việt Nam gặp bố và ông bà nội, vé máy bay do Hội LHS mua. Chờ đón cậu còn là một suất học bổng đại học do Hội LHS 82 - 83 dành tặng.
Thanh Bình
Gienhia bước ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất một ngày cuối tháng 8.2009. Một thanh niên cao, gầy, gương mặt hiền lành, lặng lẽ. Các LHS ra sân bay đón cậu, cùng với người bác rể. Bố Gienhia, từ 20 năm nay, sức khoẻ không tốt. Ông bà nội cậu thì đã già. Sau này có ai đó nhận xét, nhìn Gienhia thấy vừa trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 23, lại có lúc già hơn hẳn tuổi. Cuộc đời, cho đến lúc trước đó, hẳn đã không dễ dàng với Gienhia. Cho đến giờ, cách phát âm, dùng từ của Gienhia có gì đó rất đặc biệt, phải chăng là do nhiều năm sống trong môi trường dữ dội ở trại trẻ?
Buổi gặp đầu tiên. Ngôi nhà của gia đình bố Gienhia ở ngoại ô TPHCM, rất thoáng và khang trang. Gienhia lễ phép chào ông bà nội. Hai bố con... bắt tay nhau. Cuộc gặp không có nước mắt, không ồn ào, không làm mọi người chứng kiến phải nhói tim như có thể tưởng tượng ra. Giữa họ là 23 năm xa cách, phút đầu gặp lại có thể không quen được ngay. Nhưng kể cả những người lạ cũng có thể nhận ra rằng Gienhia giống bố. Những nét không lẫn đi đâu được. Ông nội Gienhia cũng bảo: Thằng bé đã có nhiều tóc bạc rồi, giống bố nó hồi trẻ. Tóc bạc ấy đã thành biệt danh của bố Gienhia thời sinh viên.
Gia đình không ai nói được tiếng Nga. Chỉ có người bố, nhưng đã quá lâu rồi, nhất là trong điều kiện sức khoẻ hiện nay... Gienhia thì cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh đều mới chỉ bập bẹ. Cậu mang theo quyển từ điển Nga - Việt trong hành lý nhỏ bé của mình.
Rồi mọi người đều mừng rỡ khi thấy bố Gienhia hiểu được những câu hỏi của con trai mình và trả lời bằng tiếng Việt. Tiếng Nga tưởng như đã bị chôn vùi lâu lắm đâu đó trong ký ức anh, dần dần sống dậy. Ai cũng hy vọng, Gienhia sẽ giúp sức khoẻ của bố tốt hơn.
"Cháu không trách bố cháu đâu. Nhưng cháu rất muốn biết sau đó tại sao bố cháu và ông bà không đi tìm cháu?" - Gienhia hỏi ông nội. Người ông, nay đã ngoài 80, trả lời: "Khoảng 2 năm sau khi bố cháu về nước, bố mẹ cháu vẫn thư từ cho nhau. Bố cháu vài lần muốn sang tìm lại hai mẹ con, nhưng lúc ấy điều kiện không cho phép".
Ngôn ngữ không phải là rào cản. Buổi chiều đầu tiên về nhà, Gienhia ngủ được một chút. Rồi hai bố con nói chuyện nhiều hơn. Bố đã nhớ ra tiếng Nga để trả lời con trai mình. Giữa chiều, 3 -4 giờ, là thời điểm trong ngày sức khoẻ của bố tệ nhất và anh thường phải uống thuốc ngủ. Nhưng hôm đó quy luật tệ hại kia đã không lặp lại. Chắc chắn phép màu chính là tình yêu thương.
"Thanh Bình, tên con sẽ là Thanh Bình" - bố nói với cậu con trai "mới". Người bố khi về nước đã có gia đình, hai con anh sống với mẹ ở Hải Phòng. Cả nhà đều tiếc vì cậu con trai vào thăm bố suốt 2 tuần mới trở về Hải Phòng trước khi Gienhia sang có vài ngày, nếu không, anh em đã được gặp nhau.
Bình, giờ phải gọi như thế, được Hội LHS đón ra Hà Nội, được bạn thân của bố năm xưa đưa về Hải Phòng thăm quê, thăm nhà cũ của ông bà nội trước khi quay lại TPHCM để về Nga.
10 ngày rất nhanh, Bình đã rất bận rộn. Hành trang của Bình, lúc đến sân bay, lần đầu tiên đặt chân về quê bố, chỉ là một túi máy ảnh khoác vai và một túi du lịch bé xíu, nhẹ tênh, chắc chỉ đủ vài bộ quần áo và có thể là những dấu hỏi nữa. Thì ngày quay về, chắc vali của Bình quá cân, rất nhiều quà của các cô chú LHS, của gia đình, rất nhiều tình yêu thương và sự ấm áp mà Bình nói lâu lắm cậu không được hưởng.
Bình sẽ học đại học ở Nga rồi sẽ tính tiếp, bà nội đã nói, tuỳ cháu, cháu thích ở Nga cũng được, hay là về đây cho gần với gia đình. Bình đã có một gia đình. Những ngày tháng sắp tới sẽ không còn là sự cô độc. Sẽ như tên cậu, bố đã đặt, là Thanh Bình.
Con là Gienhia, tìm bố...
18 comments:
Câu chuyện này đọc cảm động. Chẳng hiểu sao mỗi lần nghe những vấn đề này thì em lại cứ muốn mang mấy bà mẹ hư đi dìm lồng heo trấn nước cho chết.
Em không kì thị phụ nữ, nhưng nói thật là phụ nữ mang tiếng bề ngoài đại diện cho cái đẹp, cái dịu dàng thế thôi, thực chất lòng họ ko bao dung mà lại mang đầy tính phản trắc. Họ giống như cái văn hóa Mỹ cà tưng và xô bồ. Hôm nay nó có thể ngọt ngào nói năng lịch sự, nhưng ngày mai đụng chuyện nó lôi ra police coi như chưa từng quen biết.
Không ai là perfect cả, ai cũng có lúc lầm lẫn trong đời. Nhưng người đàn ông trong họ ko có máu dã man, họ vẫn còn trách nhiệm những với những hậu quả đã gây ra. Còn phụ nữ thì ôi thôi tệ ơi là bạc. Nếu thử một lần mang tiền ra mà nhử họ sẽ thấy ngay là cái đức tính "đáng quí" của họ.
Môi trường làm việc đủ loại đờn ông đờn bà cho em thấy rõ là đàn ông họ có trách nhiệm với những việc họ làm hơn, mấy bà thì cứ đổ lỗi tứ lung tung, nói nhiều hơn là làm, máy nói mở hết công sức cả ngày.
Không hiểu sao họ bỏ con thế mà họ ko đau lòng nhỉ? một đứa trẻ mà sống dựa vào tình thương của bá tánh, lớn lên nó đủ nghị lực nên người là điều hiếm thấy lắm. Vì đa số nó hận cha, hận mẹ, hận xã hội rồi từ đó có suy nghĩ và sự phát triển tính cách tiêu cực.
Thật ra tòa án lương tâm trên thế giới này nên cho ra một đạo luật, là cắt hẳn đi buồng trứng của những bà mẹ này, chỉ để lại bộ phận gây giống cho họ vui đùa qua ngày tháng thôi. Ai thích ném đá em thì cứ ném, nhưng đụng đến vấn đề mẹ ị ra xong roài bỏ con là em ghét cực!
Bài hay và cảm động quá. Cám ơn bác.
Hix... Cảm động quá!! Thế vai trò của bà mẹ Nga kia chỉ có bi nhiu đó thôi ạ? Quá đáng thật!!!
Cảm động quá, anh ạ
@LU: đàn ông hay đàn bà gì cũng có người này người kia thôi (mặc dù cá nhân vẫn thích đàn ông hơn ở chỗ họ không lắm mồm và nhiều chuyện, ít cái kiểu ghen tị nhỏ nhặt....)
@VCM: Câu chuyện cảm động này lại không cho mình cảm giác lạc quan lắm. Mình chỉ mong tình cảm ấm áp của ngày hội ngộ vẫn được tiếp tục duy trì để bù đắp những thiệt thòi của cuộc đời mà chàng trai trẻ này sớm trải qua. Cái thực sự cảm động là truyền thống giàu lòng nhân ái của người Việt mình, mà trong trường hợp này là của những anh chị LHS.
2 bố mẹ này sao lại đem con bỏ chợ thế :| tàn bạo
Khâm phục cậu bé quá. Trải qua toàn lãng quên và bỏ rơi mà cậu vẫn không oán trách, vẫn giữ được tình cảm tích cực với người thân. Sức mạnh của cậu ấy từ đâu mà ra nếu không phải từ trái tim chỉ biết yêu và sẵn lòng tha thứ.
@Lu: đúng là người mẹ đó đã phạm lỗi với sinh linh bà đẻ ra. Nhưng Lu hãy bớt giận mà mừng rằng, sinh linh ấy đã vượt qua được tất cả, tha thứ cho tất cả và đó mới là điều đáng ghi dấu ấn trong mỗi chúng ta. Mình tin là mọi phụ nữ đều yêu con một cách bản năng. Nhưng phụ nữ yếu đuối nên hay sợ hãi, chính vì thế mà việc giáo dục của gia đình và xã hội cần phải cho họ cái quyền được sống mạnh mẽ, không bị định kiến này nọ. Có thế, phụ nữ mới có thêm cơ hội để hoàn thành trách nhiệm làm mẹ một cách tự nhiên và hạnh phúc. Tất cả tương lai của một xã hội phụ thuộc vào những công dân tương lai. Vì vậy, càng tránh cho phụ nữ bị áp lực bao nhiêu, những công dân mà họ sẽ dâng cho đời, cho xã hội càng mạnh khoẻ và đẹp đẽ bấy nhiêu. Ngược lại, những người phụ nữ càng bị động, càng bị kìm kẹp sẽ chỉ càng sinh ra những công dân yếu ớt và bị động mà thôi.
Về mặt nào đó. mình lại thấy may mắn khi cậu bé kia không phải chịu sự giáo dục của một bà mẹ hèn nhát :-)
(NLVD) - Ngày hôm qua em đọc bài báo này không hiểu sao cứ nghĩ số phận những cậu bé tương tự thế này là diễn nôm của bài Tiếng sếu kêu trên kia, dù em không biết lời bài hát của Vitas đó nói gì.
@ chị sui : Lu không giận vì họ ko liên quan chi tới Lu, Lu chỉ khinh thường họ thôi chị sui ợ. Lu đã chứng kiến tận mắt vài trường hợp xảy ra ngay trong nhà của Lu nên từ đó Lu khi dễ đàn bà. Có bà chồng vừa chết trận vội đi lảnh tiền tử xong, thì bỏ ngày hai đứa con tại cô nhi viện biến mất tiêu. Đứa lớn nhất mới có 7 tuổi, cả hai đứa ngồi khóc lóc níu kéo áo những người chung quanh xin trả ba mẹ lại cho chúng nó. Ông kụ nhà Lu đã kí giấy mang cả hai về nhận làm con nuôi.
Rồi có đứa chỉ mới có hơn tháng tuổi bà mẹ nặn xong vất ngang hông bệnh viện Từ Dũ, kiến nó bu lại chích đỏ cả người khóc la um tỏi. Bà cô Lu đi chợ thấy thế vác về cũng đưa cho ông kụ nhà Lu nuôi đến tận bây giờ.
Cái này ko phải là tại xã hội o ép chèn ép họ đâu sui ạ. Có nhiều bà mẹ vẫn hi sinh cả đời ở vậy lo con mà? chỉ là bản chất vô tâm, thích hưởng thụ, trốn trách nhiệm, và ham tiền nên họ đã xử như thế!
@Lu: thế Lu có thấy bà mẹ nào ở các nước tiên tiến làm như thế chưa? Trừ phi bị tâm thần, còn lại, các bà mẹ ở các nước tiên tiến đều rất chủ động và được hỗ trợ sinh nở kể cả khi không có chồng :-)
@ chị sui : thế là ko công bằng nhen chị sui, ham vui xong trách nhiệm cứ trút vào xã hội à? trăm tội đều đổ lên xã hội hết thì sẽ ko ai có í thức trách nhiệm nữa, vì vui vẻ đi có gì ta gán cho tại hoàn cảnh tại xã hội nó làm ta phải thế. Cứ gây án đi có gì xã hội chịu tội hết. Lâu dần hình thành nên một lớp người sống thiếu ý thức với bản thân, gia đình và cộng đồng chung quanh họ chị sui ợ.
@Lu không hỉu ý mình ròi. Cũng tại mình nói tắt quá. Có nhớ mình đã nói trong entry trước của anh C, sai lầm của phụ nữ với con trẻ nói chung, kể cả việc bỏ con hay nuôi mà không đúng cách, là một đề tài rất lớn, nếu tranh luận thì phải cần nhiều thời gian và phải có trình tự và theo từng góc nhìn rồi túm quần, sâu chuỗi lại hàng quyển sách mới hết. Đề tài này không chỉ là vấn đề gia đình hay trách nhiệm của cá nhân người nào, dòng tộc nào mà nó là hệ quả của lối tư duy nhìn xa trông rộng hay không về tương lai của một đất nước, chiến lược phát triển xã hội và thậm chí là chiến lược bá chủ hoặc nhược tiểu của một quốc gia. Chị sui may mắn được bit chút chút về vấn đề này nên mới có kiểu giáo dục Tí rất khác 1 người mẹ Việt nam bình thường . Hè hè...tuy nhiên chị sui mới ở giai đoạn thực hành, chưa đúc kết được thành lý thuyết đâu :-D Chỉ biết rằng đó là phươgn pháp giáo dục kết hợp của châu Á và Mỹ, mà hình như Lu chính là người từng được hưởng sự kết hợp giáo dục rất hay này rồi :-)
chị sui là khác với mấy bà mẹ hư Lu nói ở vấn đề này roài. Mấy bà này con còn không nhận, lấy cái giè mừ giáo mí lại dục sui ơi. Tự Lu thấy chúng nó lúc bị mẹ bỏ cứ ngồi khóc tu tu cả ngày, năm này sang năm khác, nên Lu bực mình ghét mí mệ cà chứn í thôi :D
Tất nhiên là khác.
Ngoài những nữ xấu tính như Lu thấy thì còn nhiều trường hợp phụ nữ Việt hoàn toàn bị động trong vai trò làm mẹ. Xã hội mình, gia đình việt nam mình đã dạy phụ nữ phải hy sinh nhường nhịn, tần tảo chịu khó nhưng lại không dạy phụ nữ phải bit tự hào trong thiên chức, không bit tự bảo vệ cả mình và con, cũng như không chính thức cho họ cái quyền được làm mẹ một mình. Hệ quả là rất nhiều bà mẹ chỉ biết đẻ mà không biết nuôi, thậm chí là xấu hổ khi phải làm mẹ, để rồi phải từ bỏ con, hoặc không thể chịu nổi áp lực nuôi con một mình mà quay lại ngược đãi trẻ. Vô vàn hệ quả từ những phụ nữ như vậy Lu à :(
Bài này nói về một phụ nữ Nga bỏ con. Cô ấy có lẽ cũng là một lỗ hổng trong giáo dục phụ nữ về thiên chức ở Nga.
@Titi: Cô gái này mới có 17 tuổi khi sinh con. Nên thể tất cho cô ấy khi phải từ chối con lúc mới sinh. Nhưng sau đó khi nó đã lớn và tìm đến mà cô ấy vẫn từ chối thì không còn thể tất được nữa...
Lana đồng ý với VMC ở điểm này - không thể thể tất được một người phụ nữ (trưởng thành) từ chối con.
Nhân cách và 'thái độ sống' của mỗi con người là kết hợp của 3 yếu tố: di truyền, ảnh hưởng giáo dục + nếp sống trong gia đình, và ảnh hưởng từ nền văn hóa + môi trường xã hội. Trong trường hợp này Lana đồng ý với Titi phần lớn là sản phẩm của sự thiếu giáo dục. Còn nhớ khi Lana nhỏ, mỗi khi có câu chuyện mẹ bỏ con, mẹ hay nói: Đến con mèo con chó nó còn đi đâu tha con đi đấy.
Mấy chục năm rồi không còn ở ngôi nhà có vườn, có đàn gà, có mèo, có chó Tô, nhưng hình ảnh gà mẹ xù lông ra để giữ ấm, dang hết cỡ đôi cánh thành mái nhà cho cả đám gà con lít nhít chen chúc chui phía dưới tránh mưa, lạnh; cảnh con mèo càm con nó trong miệng tha trên xà nhà đổi ổ mỗi khi có hơi người lạ; hay con chó Tô, bình thường hiền lành, bỗng trở nên dữ tợn khác thường khi gười lạ đến gần đám con nó...Tất cả vẫn rõ nguyên trong đầu Lana đến bây giờ.
Vì thế, những hiện tượng như người mẹ kia, với Lana là ...không còn từ nào để nói.
Có thể người mẹ của Thanh Bình có nỗi đau riêng. Chỉ đến khi nào mà chúng ta nghe / thấy hay có thông tin gì đấy về cô ấy thì, may ra, mới có thể suy luận, đánh giá điều nào đó.
Theo mình, vấn đề quan trọng hiện nay là cuộc sống hiện tại của cậu bé. Và tương lai của Bình. Từ một bức thư, một mách nước bất kì (ví dụ làm sao cậu nói tiếng Việt tốt,...) giúp ích cho cậu đều được welcome.
Đăng nhận xét