3/9/09

PHIÊN ÂM



Hôm nay, cầm trong tay một ấn phẩm mới. Không hẳn mới, xuất bản được vài năm rồi, nhưng vì có anh bạn đồng nghiệp mới chuyển về làm biên tập cho tờ này, nên mới có được số mới nhất trong tay.

Cảm nhận chung là ấn phẩm được trình bày đẹp, cách chọn chủ đề, triển khai bài vở khá chuyên nghiệp, có nhiều cái để đọc.

Nhưng khi thực sự bắt tay vào đọc, thì có cảm giác như nhai một miếng cơm có nhiều sạn.

Tất cả tên người, địa danh bằng tiếng nước ngoài đều được phiên âm.

Mọi người thử xem những ví dụ sau đây để đoán xem họ là ai, hoặc địa danh cụ thể là gì nhé:

- Mau Li
- Be-vơ-li Hin-xơ
- Lu-i Lu-mi-e
- Ua-nơ Brót
- Uy-li-am Uy-lơ
- Cha-lít Đích-ken
- Gioóc-gi Lu-cát
- Xpi-en-bớc
- Uyn-cốt
- Đa-ây-đa
- Péc En-tuýt-xtơn
- Sơ-li Tem-bơn
- Uôn E-li-át Đi-xni
- Giép-phơ Xcôn
- Cha-li-dơ Thê-rôn....

Đọc những tên trên có mệt không các bạn.

Bạn thử cố đoán xem, mình sẽ trúng bao nhiêu phần trăm?

Xin thưa, đó là....

- Mau Li (Mount Lee)
- Be-vơ-li Hin-xơ (Beverly Hills)
- Lu-i Lu-mi-e (Louis Lumiere)
- Ua-nơ Brót (Warner Bros)
- Uy-li-am Uy-lơ (William Wyle)
- Cha-lít Đích-ken (Charles Dickens)
- Gioóc-gi Lu-cát (George Lucas)
- Xpi-en-bớc (Spienberg)
- Uyn-cốt (Wilcox)
- Đa-ây-đa (Daeida)
- Péc En-tuýt-xtơn (Peg Entwistle)
- Sơ-li Tem-bơn (Shirley Temple)
- Uôn E-li-át Đi-xni (Walt Elias Disney)
- Giép-phơ Xcôn (Jeff Skoll)
- Cha-li-dơ Thê-rôn (Charlize Theron) ...

Tôi hỏi anh bạn đồng nghiệp: "Thế những danh từ nổi tiếng mà trẻ con cũng biết như ASEAN, SEA Games cũng phiên âm à?". Anh trả lời: "Vâng, A-sê-an, Xi Gêm!"

Sao biên tập không đề xuất sếp là đừng phiên âm nữa, thời buổi này là thời buổi nào rồi?

- Sếp biết rất rõ anh ạ. Sếp cũng tân tiến lắm. Sếp đã thử rồi. Nhưng được một số thì bị phê kinh quá. Làm báo cho người Việt đọc chứ có phải làm cho người nước ngoài đâu?

Tiếc cho một ấn phẩm công phu.



19 comments:

Titi on lúc 02:45 4 tháng 9, 2009 nói...

Uầy! Làm gì phải tiếc hả anh. Ấn phẩm nào cũng có đối tượng riêng. Cái này chắc là không dành cho thanh niên và trí thức nên phải phiên âm cho dễ đọc mừ :-P

dichthuatviet on lúc 07:48 4 tháng 9, 2009 nói...

Hiện có Báo Nhân Dân trung thành với kiểu phiên âm "chưa hội nhập" này, chắc độc giả sách này cũng là độc giả trung thành của báo Nhân Dân :D. Bác đã gặp các tài liệu viết ngày xưa chưa chứ lắm khi dịch lại báo cáo đấy mất rất nhiều thời gian chỉ vì tên riêng :(

LU on lúc 07:55 4 tháng 9, 2009 nói...

ha ha...coi như có sáng tạo chử nghĩa đáng biểu dương. Thật ra anh chưa hiểu hết í đồ của chủ báo nên nghĩ thế thôi. Đây mới đúng là tờ báo cần cho dân mở mang khai trí, vì vừa đọc vừa động não si nghĩ xem tên đó là gì để dịch qua tiếng Anh, sau đó mới dịch ngược lại bằng tiếng Việt. Hay! có sáng kiến =))

Lan Lan on lúc 08:33 4 tháng 9, 2009 nói...

Ui cứ phiên âm dư lày thì không công bằng cho tiếng Việt của mình. Tên người Việt mình mà bị phiên âm sang tiếng Anh hoặc Pháp như Dung, Pham thành Femme hay gì gì đó thì ngại quá. Tên riêng thì nên để nguyên chứ, còn nếu có phiên âm thì ngày xưa các cụ nhà mình dùng âm tàu đổi sang cơ, nghe ít nhiều lịch sự. Chữ quốc ngữ của mình cùng hệ a b c như Anh, Pháp thì làm rì phải khổ thế!

VMC on lúc 09:35 4 tháng 9, 2009 nói...

Titi: Cái này lại dành cho trí thức, nên mới thấy tiếc.

VMC on lúc 09:41 4 tháng 9, 2009 nói...

DichthuatViet: Tôi rất hiểu những khó khăn của người dịch, vì cũng đã từng làm phiên dịch.
Lu: Cái này không phải sáng tạo.
Nguyen Thi: Các nước dùng hệ chữ cái latin đều tôn trọng để tên nước ngoài theo nguyên gốc, trừ trường hợp các thứ tiếng tượng hình. Tuy nhiên, tên Việt Nam lại có dấu cho nên dù muốn, họ cũng không thể để tên nguyên gốc được.

LU on lúc 09:55 4 tháng 9, 2009 nói...

@ anh : như thế này mà anh lại ko gọi là sáng tạo à. Cái gì đi khác người một chút, weird weird một chút để không bị rơi tỏm vào dòng chảy chính, thì cũng là sáng tạo roài. Chỉ có điều nó weird quá nên người ta tẩy chay thôi mà, cũng nhờ thế mà anh mới thấy nó kì cục nên viết thành bài :D

vutd on lúc 10:57 4 tháng 9, 2009 nói...

Thế mới có cái tên Liên xô là "Đi Dép Lốp"

Còn Tên Lào: "Xin Xin Hẳn Vay Vay Hẳn"

Hồi ông già tôi xem bóng đá "Xi Gêm" phiên âm tên một cầu thủ Cam pu chia là "Không Vắt Chanh" (cũng dễ đọc, dễ nhớ hơn)

Còn bà tôi thì cứ thắc mắc tổng thống gì mà lại có tên là "Ăn Xin"(Nga)

Nhiều cái tên còn củ chuối hơn nhiều, nhưng ko dám "còm men tơ" vì sợ anh "Vi Èm Xi" anh ấy "đè lè tè". :D

Chi_bao ^_^ on lúc 12:21 4 tháng 9, 2009 nói...

Tốt nhất là viết nguyên tên riêng tiếng nước ngoài rồi mở ngoặc ra phiên âm trong ngoặc. thế là dễ hiểu.. vì nhiều độc giả cũng không biết phiên âm tiếng nước ngoài. Cách phiên âm ra cũng là để cho độc giả ghi nhớ được tốt nhất mỗi khi có ai đó hoặc nghe một thông tin về tên riêng trên đài, ti vi...

Lan Lan on lúc 12:43 4 tháng 9, 2009 nói...

VMC: Các thứ tiếng khác vẫn có dấu mừ. Nhưng tên tiếng Việt của mình khi chuyển chỉ bị mất dấu chứ không bị chuyển âm. Pham không bao giờ là Femme cả. Còn tiếng Việt của mình thì chuyển hóa hoàn toàn cả âm lẫn chữ. Rất là không hợp lý. Một bạn Lào sang học ở Việt Nam, được Việt Nam cấp bằng, nếu tên bạn í khi viết ra cũng bị chuyển thì sợ quá. Điều này không xảy ra: tên bạn Lào í vẫn được in theo tiếng Lào trên tấm bằng.
Vậy thì báo viết không có lý do để chuyển hóa hoàn toàn được? Nhất là ngôn ngữ viết càng phải thể hiện sự chuẩn mực, chí ít là tôn trọng nguồn gốc xuất xứ, identity của mỗi tên riêng.

PAN on lúc 16:58 4 tháng 9, 2009 nói...

Ôi! Bác ơi, thế cháu phải gọi bác là bác "Vi-Em-Xi" hay "Vờ-Mờ-Cờ" ạ??? :O

Nặc danh nói...

bác ơi, ấn phẩm này thuộc thể loại gì vậy ? Truyện cười, truyện châm biếm, truyện tào lao, hay là từ điển viết báo...

VMC on lúc 20:40 4 tháng 9, 2009 nói...

Vietutd: Có đè lét te còm men của ai đâu anh Việt Út.
Nguyen Thi: Cũng khó nhỉ? Có ý kiến là nên quy về hết tiếng Anh.
PAN: Kiểu Anh hay kiểu Pháp thì đều là VMC.
Chi Bảo: Nhiêu khê và tốn kém quá, cô bé ạ.
Tuần báo!

Nặc danh nói...

Bài viết hay nhưng quí vị cũng phải thông cảm, vì có những người không đọc được chữ Washington, Montesquieu, Shakespeare,...thì phải làm sao? Người ta phải phiên âm : Móc-cu-ra-đớp, Xà-lỏn-dây-thun-dãn,...cũng đúng thôi!

Chi_bao ^_^ on lúc 22:04 4 tháng 9, 2009 nói...

bạn nặc danh nói đúng đó, cũng phải tính đến trường hợp đó chứ.

Nặc danh nói...

Trên báo chí là phương tiện truyền thông bình dân đã thấy phiên âm là chuyện " ngứa con mắt bên trái".Nhưng tệ hại hơn ; ngay trong trường phổ thông trung học; nơi mà các học sinh phải có một trình độ Anh văn cỡ bằng B ;các cháu vẫn phải hoc các định luật ÔM ; CU LÔNG ;NIUTƠN ... thì quả là "ngứa luôn con mắt bên phải.

Nặc danh nói...

Tôi thấy các vị chỉ đứng về 1 phe thế là không ổn. Cái gì cũng có 2 mặt ưu và nhược. Đâu phải ai cũng đọc được tiếng Anh, và đâu phải ai cũng khôi phục được tiếng Anh khi dịch từ tiếng Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc,...
Chẳng hạn cố dịch giả Pham Mạnh Hùng từng phiên Kvinxlen (tức Queensland) trong "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" dịch qua tiếng Nga. Nhiều dịch giả tiếng Nga vẫn mắc lỗi khi cố khôi phục tiếng Anh: Djonx (Jones), Braun (Brown). Các tên địa danh (hoặc nhân danh thời xưa) trong tiếng Pháp cũng được để nguyên và không đồng nhất với tiếng Anh: Ecosse (Scotland), Galles (Wales), Gregoire (Gregory), Benoit (Benedict), vậy thì theo tiếng nào, và liệu người dịch có thời gian tra cứu và kiến thức để khôi phục hay không?
Một người dịch từ tiếng Đức cũng có xu hướng để nguyên tên tiếng Đức, mà người dịch từ tiếng Anh để nguyên tên tiếng Anh, người dịch từ tiếng Pháp để nguyên tên tiếng Pháp, ví dụ: Genf - Geneva- Genève, Munchen - Munich, Bayern - Bavaria - Bavière,... Vậy thì tiếng Việt là cái thùng rác lổn nhổn các thứ tiếng chứ cũng chẳng thống nhất được khi "để nguyên tên nước ngoài", thậm chí có khi việc khôi phục tên gốc hoặc "để nguyên tên nước ngoài" không khả thi (vì dịch từ tiếng khác) hoặc vượt quá tầm người dịch.
Nếu không phiên âm để đọc cho rõ, thì tôi vẫn thấy BTV truyền hình cứ đọc theo nhau là Mác-xê-đô-ni-a, sai bét. Hoặc có lần người trước vừa đọc Gi-bran-ta, thì người sau tương luôn Ghi-bran-ta, mà đấy toàn loại "tinh hoa" có học mới ngồi trước đài truyền hình. Còn dân thường thì sao?
Bạn tôi là 1 TS ở Tiệp cũ có nói rằng nếu để cho anh ấy viết chữ Sếch-xpia bằng tiếng Anh thì không dám chắc mình viết đúng.

Nặc danh nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
VMC on lúc 09:30 6 tháng 9, 2009 nói...

Xin lỗi bạn Nặc danh, tôi vừa xóa một comment của bạn. Nếu bạn muốn phê phán, hãy để lại danh tính.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết