30/9/09

BÀI CA THÁNG CHÍN





SEPTEMBER SONG

Music by Kurt Weill
Lyrics by Maxwell Anderson


When I was a young man courting the girls
I played me a waiting game
If a maid refused me with tossing curls
I'd let the old Earth make a couple of whirls
While I plied her with tears in lieu of pearls
And as time came around she came my way
As time came around, she came

When you meet with the young girls early in the Spring
You court them in song and rhyme
They answer with words and a clover ring
But if you could examine the goods they bring
They have little to offer but the songs they sing
And the plentiful waste of time of day
A plentiful waste of time



Oh, it's a long, long while from May to December
But the days grow short when you reach September
When the autumn weather turns the leaves to flame
One hasn't got time for the waiting game

Oh, the days dwindle down to a precious few
September, November
And these few precious days I'll spend with you
These precious days I'll spend with you.




29/9/09

ĐỐI MẶT VỚI BÃO...



Không hiểu giời xui đất khiến thế nào mà tôi viết "Buổi sáng ở Đà Nẵng" đúng một ngày trước khi bão số 9 đến. Trong đó tôi có viết một câu: "Ở Đà Nẵng chỉ ngại mỗi bão, nhưng có phải năm nào cũng có bão to đâu nhỉ?". Thế mà cơn bão số 9 hoành hành suốt ngày hôm nay tại dải đất miền Trung lại có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp nhất trong nửa thế kỷ qua.

Đừng cho là tôi độc miệng nhé!

Một người bạn của tôi đi nghỉ cả tuần qua ở Hội An, ra sân bay Đà Nẵng đáp máy bay trở về Hà Nội vào chiều 28.9. Hãng hàng không JetStar Pacific dự định cất cánh đúng như dự kiến lúc 17h45. Cô check-in xong, ngồi trong nhà chờ nhìn gió hoành hành ngoài đường băng mà ngổn ngang lo âu. Sợ bay! Nhỡ đâu!?

Tôi trấn an: "Nếu họ vẫn dự định bay, thì tức là đủ điều kiện thời tiết để bay, đừng lo".

Nhưng đến 17h30 thì cô reo lên: JetStar báo hủy chuyến rồi. Họ thông báo hành khách lấy lại hành lý. Không phải bay nữa.

Cô đi lấy hành lý. Nhưng xuất hiện một vấn đề mới: Chuyến bay bị hủy vì lý do thời tiết, hãng hàng không không chịu trách nhiệm về chỗ ở cho hành khách. Ở đâu bây giờ khi mà tại Đà Nẵng không quen biết ai? Và thậm chí đã tiêu gần hết tiền để mua đủ thứ đồ ở Hội An, chỉ dành lại mấy trăm nghìn để đi taxi từ Nội Bài về nội thành Hà Nội?

May mắn, cô cũng tìm được một phòng trống tại khách sạn 3 sao. Họ chấp nhận thanh toán qua thẻ: Không những tiền phòng mà cả tiền mua đồ ăn nữa.

Buổi tối, khi gió bão mỗi lúc một mạnh, cô đã có thể yên tâm nhấm nháp món canh chua cá và cơm với cá kho tộ rồi chui vào chăn cuộn tròn. Một bữa ăn ngon, như cô thừa nhận. Và ngủ chắc cũng ngon, sau khi những mối lo âu được cất bỏ.

Sáng nay, cô rón rén đi xuống phòng ăn sáng kiếm ly cà phê thì phát hiện ra phòng đầy nhóc người. Tất cả đều là hành khách của Vietnam Airlines hay JetStar Pacific bị mắc kẹt ở đây. Mọi người vừa ăn uống vừa tám linh tinh chờ qua bão.

Những nhóm toàn đàn ông nước ngoài ngồi đánh bài với nhau. Đặc biệt trong số đó có một bàn toàn tây ba lô, tên nào tên ấy to đùng như voi. Cùng ngồi với họ là một em gái VN tuổi trạc 30, nước da ngăm ngăm, nhìn rất có duyên. Cô nói tiếng Anh khá trôi chảy, vừa đánh bài với mấy anh tây vừa phì phèo điếu thuốc trông rất chiến.

Bạn tôi than: Tiếc quá, tại sao có trình độ ngoại ngữ, có chút nhan sắc mà đi làm chi cái nghề đó. Nhìn mấy thèng khỉ đó thấy mà oải. Em này chắc xuân được chừng vài ba năm là đuổi ruồi không nổi.

Rồi cô phì cười: Chuyện người ta kệ người ta, ở, nhưng chờ bão tan, chẳng có chuyện gì làm, cán nên mới tám chuyện thiên hạ.

Cô tính ra ngoài đường chụp mấy kiểu ảnh đường phố, nhưng nhân viên khách sạn dứt khoát khuyên can. "Chị không được ra, nguy hiểm lắm, cây đổ, tôn bay, dễ chết người như bỡn". Cô đành ngồi lại trong khách sạn, chứng kiến sự lộng hành của bão qua cửa sổ.

Rồi cô nhắn tin: "Hóa ra mắc kẹt ở Đà Nẵng không phải là điều dở. 14 năm nay mới lại phải trải qua cảm giác sống trong bão".

Đầu giờ chiều tâm bão đổ vào Đà Nẵng. Rồi bão ngớt dần.

Người ta ra đường dọn dẹp cây cối đổ và những thứ ngổn ngang mà bão gây ra. Bão qua, nhưng cảm giác về bão thì sẽ còn lại.

Không phải ai cũng trải qua kinh nghiệm đối mặt với bão.

Chú thích: Cây đổ trên đường phố Huế. Ảnh của Hoàng Văn Minh (báo Lao Động)

27/9/09

BUỔI SÁNG Ở ĐÀ NẴNG



Đà Nẵng những ngày này có buổi sáng thật đẹp. Trời lành lạnh, nắng nhẹ, sương mờ...

Biết Đà Nẵng 15 năm nay, tôi thấy Đà Nẵng ngày một đẹp hơn.

Nhớ lần đầu tới thành phố này năm 1994. Những cơn mưa kéo dài vừa đi qua, trời ẩm ướt, đường phố lầy lội. Nhưng ẩn sau đó là một gương mặt dễ thương và dịu dàng. Lạ thật, tôi yêu Đà Nẵng ngay lần đầu gặp gỡ.

Thế rồi kể từ đó, năm nào tôi cũng ghé qua Đà Nẵng vài ba lần. Dẫu nhiều khi chẳng có việc gì, nhưng đi từ TP HCM ra Hà Nội, thể nào cũng đổi lại vé. Chỉ để ở Đà Nẵng vài tiếng, uống cà phê ở cái quán có những tán cây rậm rạp trông ra sông Hàn.

Sự lột xác của con sông ấy chính là sự lột xác của Đà Nẵng.

Hồi 1994, phía bờ bên kia của sông Hàn tối tăm, cỏ lác. Bây giờ thì ở đó cả một thành phố mới với những con đường rộng thẳng tắp rực rỡ ánh điện.

Còn bờ bên này thì biến thành con đường đi dạo sát sông rất quyến rũ.

Những cây cầu qua sông Hàn cũng thật đặc biệt. Cây cầu ở giữa thành phố có thể xoay được, gối đầu lên hai trụ giữa sông mở luồng cho tàu biển ra vào. Cây cầu mới xây dựng ở Cửa Đại sẽ trở thành một biểu tượng mới của thành phố, giống như cầu Cổng vàng đối với San Francisco vậy.

Đà Nẵng có biển, có núi. Thoắt cái có thể vi vu lên Bà Nà hưởng không gian lạnh như ở xứ ôn đới. Thoắt cái cũng có thể chạy ra biển đón ngọn gió mát rượi từ biển thổi vào. Thoắt cái có thể chạy lên bán đảo Sơn Trà tìm một quán hải sản với giá rất mềm. Thoắt cái có thể lên đỉnh đèo Hải Vân phóng tầm mắt ra ngút ngát biển. Thoắt cái có thể chạy cố ra Lăng Cô với vịnh biển đẹp nhức mắt.

Đà Nẵng với những đường phố rộng thênh thang không có kẹt xe, với những vỉa hè sạch không có hàng quán bán rong. Đà Nẵng đủ hiện đại để không cảm thấy bị tách khỏi thế giới, đủ vừa để không bị sợ hãi, đủ đông để cảm nhận hơi ấm, đủ tiện để có thể đáp máy bay đi mọi nơi. Tóm lại, Đà Nẵng là một thành phố vừa vặn, để sống, để làm việc và để tận hưởng cuộc sống.

Ở Đà Nẵng chỉ ngại mỗi bão, nhưng có phải năm nào cũng có bão to đâu nhỉ?

Chắc phải chuyển đến Đà Nẵng để ở thôi!



26/9/09

VIỆT NAM CÓ QUÝ BÀ...



Tôi đã dự định là sẽ không viết một dòng nào trên blog này về cuộc thi Hoa hậu Quý bà Đẹp và Thành đạt Việt Nam 2009 (Mrs. Vietnam 2009), đơn giản là không muốn mang tiếng chê bai chị em của chúng ta. Họ đáng được nâng niu và trân trọng. Nhưng xem chung kết qua truyền hình, nhận một lô message của bạn bè thì đành chia sẻ ra đây mấy dòng cảm tưởng. Mong mọi người thứ lỗi trước nhé.

1. Cuộc thi mất nửa tiếng để dành cho những bài diễn văn mà dường như thiếu chúng thì người ta không thấy được dấu ấn Việt Nam trong đó. Khi các thí sinh thi xong, người ta mong chờ kết quả, thì lại phải "ngốn" thêm một bài diễn văn nữa... Kính mong các nhà tổ chức các cuộc thi hoa hậu (cả quý bà lẫn quý cô) từ nay trở đi bỏ dùm hoặc cắt ngắn cái phần lễ lê thê và không cần thiết này. Nó chứng tỏ VN đang thụt hậu rất xa trong công nghệ tổ chức các cuộc thi sắc đẹp.

2. Không thể tin được Trần Bảo Ngọc, thí sinh sáng giá nhất cuộc thi, bị loại khỏi top 20. Những người xem truyền hình và chat online với tôi đều tin rằng cô là một trong số vài ba, nếu không nói là duy nhất, đủ sắc vóc để đọ với các quý bà 5 châu sẽ đến dự thi Mrs. World tại Việt Nam tới đây. Chắc chắn trường hợp này sẽ được báo chí, nếu không thì cư dân mạng bàn tán xôn xao và đưa ra nhiều suy luận trong những ngày tới.

3. Đúng như lo ngại của nhiều người (trong đó có tôi), màn thi ứng xử của các quý bà trở thành màn khiến người xem thất vọng nhất. Các câu hỏi đặt ra, xin lỗi, thật... chả ra làm sao. Còn các quý bà trả lời như thế nào? Đã đành là lúng túng, mất bình tĩnh, nhưng các câu trả lời đều không có thông tin với những lời lẽ sáo rỗng. Không có bất cứ phát ngôn nào khiến khán phòng phải ồ lên thán phục. Không có bất cứ câu nói nào xứng tầm với vế sau của cuộc thi là "Quý bà thành đạt". Để thành đạt người ta phải trải qua nhiều thử thách và không thể nói năng một cách ngây ngô như vậy. Nói thật là các câu trả lời ứng xử của Quý bà kém xa các em thí sinh còn trẻ về tuổi đời trong các cuộc thi Hoa hậu trước nay do báo Tiền Phong tổ chức.

4. Tóm lại, từ nay chúng ta không nên chê các thí sinh Hoa hậu không biết trả lời ứng xử nữa. Chị, cô, mẹ của các em còn ứng xử chán nữa là.

5. Bài "Hoa hậu Quý bà ca" của bà tiến sĩ quả thật là chán, rất chán. Không nên hát lại ở bất cứ một sự kiện nào nữa.

6. Thể nào cũng có ý kiến cho rằng nên thể tất cho lần thi Hoa hậu Quý bà đầu tiên. Vâng, chắc chắn rồi. Nhưng đây là sự chuẩn bị cho cuộc thi Mrs. World, và với sự chuẩn bị như thế thì... chậc chậc, không biết phải nói thế nào.

7. Người Nga có câu "Cái bánh rán đầu tiên thường lổn nhổn" (Первый блин всегда комом). Thế nên, có thể nói cuộc thi đã "thành công tốt đẹp". Chúc mừng Hoa hậu Quý bà Việt Nam đầu tiên.

Ảnh: Hoàng Thị Yến vui mừng với chiến thắng tại Mrs. Vietnam 2009


23/9/09

CHUYỆN TRONG NGÀY


Hai đạo diễn Trần Ngọc Giàu và Lê Quý Dương

Hôm nay đọc báo lướt mạng thấy có mấy chuyện về văn hóa cầm lòng không đặng:

1. "Giáo viên chưa đạt chuẩn" phải đeo thẻ. Chuyện này xảy ra ở Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Một số giáo viên phải đeo một tấm thẻ có hình ảnh của bản thân với dòng chữ "Giáo viên chưa đạt chuẩn". Không hiểu những người nghĩ ra chiêu đeo thẻ chưa đạt chuẩn này định nhằm mục đích gì? Để cho phụ huynh và học sinh biết giáo viên chưa đạt chuẩn mà tránh, hay muốn hạ nhục họ?

Tham khảo: Bị xúc phạm vì phải đeo thẻ 'Giáo viên chưa chuẩn'

2. Đạo diễn trẻ Lê Quý Dương làm nóng "Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp 2009" khi dùng một chiếc ly đựng bia đập thẳng vào mặt đạo diễn đàn anh là Nghệ sỹ ưu tú Trần Ngọc Giàu. Nghe đâu hai vị đạo diễn có mâu thuẫn từ 11 năm trước, giờ mới có dịp ngồi chung một mâm. Không hiểu nói với nhau thế nào mà dẫn đến sự cố trên. Đạo diễn Trần Ngọc Giàu bị rách mũi phải khâu. Sau đó ông nói với báo chí là ông thấy "tội nghiệp cho Lê Quý Dương". Còn vị đạo diễn trẻ thì viết hẳn một bài dài cho đăng trên báo, giải thích rõ tại sao mình lại đấm người đồng nghiệp, đồng thời ngỏ lời xin lỗi.

Tôi biết Lê Quý Dương có tài, nhưng anh cũng gây nên nhiều cuộc tranh cãi xung quanh những chuyện mà anh cho là các đạo diễn khác "đạo" ý tưởng hay cách dàn dựng của anh. Tôi cũng chưa nói chuyện với Lê Quý Dương bao giờ, nhưng có lần một nữ đồng nghiệp làm bên truyền hình bức xúc kể với tôi chuyện chị cộng tác với anh làm một chương trình nào đó. Chị thì chú trọng hiệu ứng hình ảnh trên truyền hình, anh thì chú trọng hiệu ứng thị giác sân khấu. Hai bên tranh cãi gay gắt và chị và êkip truyền hình bị đạo diễn mắng là "lũ đàn bà và trẻ con".

Dù thế nào, thì tôi thấy hành động đánh đồng nghiệp là không thể biện minh.

Tham khảo:
Đạo diễn Trần Ngọc Giàu bị hành hung
Đạo diễn Trần Ngọc Giàu thấy "tội nghiệp" cho Lê Quý Dương
Lê Quý Dương trần tình cú đấm ĐD Trần Ngọc Giàu



22/9/09

CẢM ƠN



Cảm ơn các bạn đã gửi lời chúc mừng nhân ngày đặc biệt của tôi.

Chúc các bạn mọi sự tốt lành và gặp nhiều may mắn.


21/9/09

NƠI ĐÃ TỪNG LÀ CHỐN LƯU ĐÀY


Lễ khai mạc giải bóng đá cộng đồng Irkutsk 2009

MẢNH ĐẤT LÀNH Ở SIBERIA

Mùa hè bắt đầu muộn ở Irkutsk - thủ phủ của miền đất rộng lớn của nước Nga có tên gọi là Đông Siberia. Đấy là những ngày đầu tháng Bảy, sau mấy tuần liền dai dẳng mưa lạnh, khiến người ta cứ ngỡ năm nay không có mùa hè nữa. Nắng lên, nhiệt độ vọt từ khoảng 10 độ lên 30 độ. Siberia như một cô gái vươn mình thoát khỏi mớ quần áo ấm nặng nề để phô phang những đường nét khêu gợi và quyến rũ trong trang phục mỏng mảnh. Đó cũng là lúc những người Việt ở Irkutsk trở nên bận rộn. Họ thở phào nhẹ nhõm khi hàng hoá nhập về cho mùa hè cuối cùng đã có thể tiêu thụ được.

GIẢI BÓNG ĐÁ THEO CHUẨN FIFA

Ngày 4.7, điện thoại của các anh Nguyễn Đức Dương, Nguyễn Hữu Khôi, Trịnh Văn Tiến, Nguyễn Hữu Trung... liên tục reo. Họ là những thành viên trong ban tổ chức "Giải bóng đá cộng đồng 2009". Đây là năm thứ hai giải này được tổ chức. Giải bóng đá thuộc loại mini, chỉ với bốn đội tham gia (bao gồm 3 đội của những người bán hàng ở các chợ Shanghai (Thượng Hải), Delta, Fortuna và một đội tuyển của sinh viên, nhưng cũng đủ thứ việc phải lo.

Nào là quyên góp tiền để có kinh phí tổ chức giải, nào là lo hậu cần cho các đội tham gia, thậm chí dàn xếp cả việc hai đội tranh giành nhau một cầu thủ giỏi, do anh này có quầy hàng ở chỗ giáp gianh hai chợ.

Chỉ nguyên việc mượn sân thể thao của một trường phổ thông (nơi đã diễn ra giải năm ngoái), cũng đủ nhiêu khê. Những vũng nước mưa còn sót lại trên phải được xử lý bằng cách đổ cát vào. Khi anh em được huy động đến đổ cát, thì bà con người Nga sống trong khu vực lại không hiểu những người Việt này định làm gì với cái sân thể thao của trường học, nên báo để bảo vệ trường ra dừng lại. Lại phải gọi điện cho hiệu trưởng để dàn xếp.

Cúp vàng đây!

Lễ khai mạc giải và trận đấu đầu tiên giữa hai đội Shanghai và Sinh viên đã diễn ra vào chiều 4.7. Dù chỉ là giải bóng đá mini, nhưng cũng có lượt đi lượt về mỗi lượt 6 trận và tính điểm theo điều luật mới nhất của FIFA. Anh Nguyễn Hữu Khôi - một nhân vật nòng cốt, tích cực trong các hoạt động chung của cộng đồng người Việt ở Irkutsk - tâm sự: "Ở đây bà con thì lo làm ăn, sinh viên thì lo học hành, nên giải bóng đá là dịp để gắn kết toàn thể cộng đồng với nhau. Anh sẽ thấy mọi người hưởng ứng sôi nổi lắm".

Irkutsk nằm cạnh Mông Cổ, giao thông không thuận lợi, sách báo tiếng Việt không đến đây, các đoàn nghệ thuật trong nước sang đều không để mắt tới. Những người Việt chỉ còn cách tranh thủ những buổi trời đẹp vào chiều thứ Hai được nghỉ chợ để tụ tập nghỉ ngơi ăn uống bên đập nhà máy thuỷ điện trên bờ sông Angara. Vậy nên, những trận đấu bóng đá thu hút khá đông anh chị em - những người chỉ quen đi chợ từ sáng tới tối.

Nhiều chị có chồng thi đấu mang cả đại gia đình đến sân để cổ vũ. Những cô gái không ngại ngùng la hét ầm ĩ cổ vũ những pha bóng đẹp mắt của cả "đội ta" lẫn "đội địch". 12 trận đấu bóng diễn ra suôn sẻ theo đúng lịch trình và kết thúc với thắng lợi của đội bóng sinh viên.

"Họ quá mạnh, được thi đấu thường xuyên, nên đá tốt hơn anh em chúng tôi suốt ngày phải đầu tắt mặt tối ngoài chợ" - Nguyễn Hữu Trung, đội trưởng đội Shanghai, chia sẻ. Thừa thắng xông lên, "ban tổ chức" quyết định tổ chức trận "siêu cúp" giữa đội tầng 3 ký túc xá (cũ) vô địch giải năm ngoái và đội Sinh viên vô địch giải năm nay. Phần thắng lại một lần nữa về tay đội Sinh viên.

Bữa tiệc liên hoan mừng thắng lợi giải bóng đá diễn ra vào đầu tháng 8 với sự tham gia của đông đảo bà con trong cộng đồng gần 500 người này. Đối thủ trên sân giờ hớn hở cụng ly mừng chiến thắng chung và hẹn gặp nhau ở giải 2010.

TỰ BẢO NHAU LÀM ĂN, SINH SỐNG

Hỏi kỹ thì mới vỡ lẽ là những thành viên nòng cốt trong hoạt động cộng đồng ở đây là không phải là những người trong Ban liên lạc cộng đồng (BLLCĐ) được bà con bầu ra.

Không hiểu vì lý do gì mà BLLCĐ lại hầu như không hoạt động. Một thành viên trong "ban tổ chức giải bóng đá" thẳng thắn chia sẻ: "Irkutsk là địa bàn xa xôi, cách Mátxcơva đến hơn 4 nghìn cây số, nên chúng tôi rất thiếu sự quan tâm của các cơ quan chức năng Việt Nam tại LB Nga. Chúng tôi toàn tự lo, tự bảo ban nhau làm ăn, sinh sống".

Cô gái Nga mặc áo dài trong nhà hàng Việt Nam

Số lượng người Việt ở Irkutsk không nhiều. Tất cả khoảng gần 500 người, trong đó khoảng 320 người bán hàng ở các chợ trong thành phố, 160 người là sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập tại Đại học Kỹ thuật Quốc gia Irkutsk, Đại học Tổng hợp Irkutsk, Đại học Baykal và Đại học Giao thông Quốc gia Irkutsk. Tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, ngoài các thành viên trong ban tổ chức giải bóng đá nêu trên còn có các anh Trần Xuân Thìn, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Trường Sơn, vợ chồng chị Hà - anh Thắng, vợ chồng chị Tâm - anh Lúc.

Bà con tiểu thương người Việt cắm rễ tại Irkutsk có những xuất xứ khác nhau. Anh Dương từng là phiên dịch tiếng Nga có đẳng cấp ở Hải Phòng, rồi sang Nga làm phiên dịch ở một nhà máy tuyển dụng công nhân Việt Nam thời còn Liên Xô. Anh Nguyễn Hữu Khôi, quê Chương Mỹ (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), học công nhân kỹ thuật ở Minsk (Belarus) cuối thập niên 1980... Họ đã trải qua những năm tháng chuyển đổi gian khó cùng nước Nga trong thập niên 1990, để rồi cuối cùng đặt chân lên mảnh đất Irkutsk xa xôi, giá lạnh này và trụ lại đây từ đó đến nay.

"Irkutsk là nơi lưu đày của những người khởi nghĩa Cách mạng Tháng Chạp dưới thời Sa Hoàng. Nay chúng tôi tự "lưu đày" tới đây, âu cũng là cái duyên cái số. Nghe nói đến Irkutsk, Siberia thì ai cũng nghĩ là xa xôi, khắc nghiệt. Nhưng thực ra đây cũng là mảnh đất lành" - anh Dương tâm sự.

Vừa điều hành 2 quán ăn, vừa lo giải quyết quan hệ giữa bà con tiểu thương và chính quyền sở tại, anh Dương vẫn không quên vốn tiếng Nga kỹ thuật rất vững của mình. Anh tổng hợp kinh nghiệm phiên dịch tự tích lũy được trong luận án tiến sĩ "Những từ ẩn dụ kỹ thuật trong tiếng Nga và tiếng Việt", dự tính sẽ bảo vệ cuối năm nay tại Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Irkutsk (trước là Đại học Sư phạm Irkutsk mang tên Hồ Chí Minh).

Một khu chợ "đa sắc tộc" ở Irkutsk

Phần lớn bà con tiểu thương người Việt có quầy hàng tại 3 khu chợ Shanghai, Fortuna và Delta. Trước còn một chợ nữa là Salvoyazh, nay chợ này đã sáp nhập với chợ Shanghai để xây dựng lại thành khu thương mại 100 chỗ trên mặt bằng 500m2. Một số quầy hàng nằm ở khu vực không có mái, sẽ là vấn đề những khi mưa gió, đặc biệt mùa đông tuyết rơi.

Theo quy định của chính quyền Irkutsk, từ nay đến cuối năm, những khu này sẽ phải làm mái hết. Tuy nhiên, một số bà con tiểu thương lại thích không có mái, vì như vậy "có ánh sáng mặt trời, khách hàng dễ xem hàng hoá hơn".

Mùa đông ở Irkutsk nhiệt độ có khi lạnh xuống đến âm 40-45 độ C, mức trung bình là âm 20-25 độ C. Một chị có quầy hàng ở đây nói vui: "Mùa đông có hôm chị em ở đây phải mặc tới 6 cái quần và nhiều tất, trông cứ như phi công vũ trụ". Để kiếm được đồng tiền trên xứ người nhọc nhằn như thế. Cố thì vẫn phải cố, nhưng cũng phải biết giữ gìn sức khoẻ. Nếu không dễ mắc các bệnh như thận, khớp. Không ít phụ nữ đứng bán hàng vài mùa đông đã không còn sinh nở được nữa.

Các chợ ở Irkutsk đều "đa sắc tộc", tính sơ sơ cũng có đến người thuộc 30 quốc tịch làm ăn. Bà con tiểu thương người Việt chấp hành nghiêm túc nhất những quy định của chính quyền Nga. Tất cả đều thuê người Nga bán hàng. Tốn kém thêm một chút, nhưng bù lại người Nga giới thiệu hàng cho khách tốt hơn.

Những năm trước đại bộ phận người Việt ở tập trung tại ký túc xá của Đại học Sư phạm Irkutsk cũ, nhưng năm ngoái hết hạn hợp đồng, trường đòi lại ký túc xá và mỗi người phải lo thuê căn hộ riêng.

"Thuê căn hộ thì rộng rãi thoải mái hơn, trẻ con có chỗ chơi, nhưng có cái lo là chúng nó không được tiếp xúc nhiều bằng tiếng Việt" - anh Khôi tâm sự. Gia đình anh mua được một căn hộ khang trang ở trung tâm thành phố. Không chỉ chăm sóc tốt vợ con, anh còn lo được cho nhiều người trong gia đình nội ngoại, giúp họ có công ăn việc làm và đời sống ổn định. Cháu Đức, con trai thứ hai của anh, sinh ở Irkutsk, chưa về Việt Nam lần nào, đi nhà trẻ với các bạn đồng trang lứa người Nga, nhưng nói tiếng Việt giỏi như tiếng Nga.

Thế hệ người Việt thứ hai ở Irkutsk

Người Việt ở Irkutsk nín thở theo dõi những biến động trong việc đóng cửa chợ Vòm ở Mátxcơva. Họ không có mối quan hệ làm ăn trực tiếp với Chợ Vòm, nên không có gì đáng kể phải lo ngại. Duy chỉ có điều họ e rằng chính sách tương tự có được thể áp dụng sang những địa phương khác của nước Nga. Và mối lo ngại của họ không phải là không có lý. Tối 3.9 vừa qua, khi đông đảo bà cho tiểu thương ở chợ Shanghai đã đóng cửa hàng về nhà thì nghe được tin chợ này sẽ đóng cửa từ ngày 4.9 mà không rõ lý do.

Không kịp nghỉ ngơi, họ lao ngay ra chợ, vội vã tháo dỡ hàng hóa chở về những căn hộ mà họ đang ở. Nhiều người vô cùng hoang mang vì tiền thuê chỗ, tiền thuế... đã nộp hết tháng 9. Những gia đình đã dành dụm mua 2 chỗ ngồi thì đứng trước tình cảnh còn bi đát hơn. Tuy nhiên, sang ngày 4.9 bà con lại nhận được thông tin chợ Shanghai sẽ tiếp tục mở cửa như bình thường. Mọi người được một phen hoảng hồn, cũng có một số thiệt hại nho nhỏ... Nhưng không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra...

Công an Nga thường xuyên kiểm tra giấy tờ của những người đi chợ


***
Mùa hè Siberia đã chấm dứt, nhường chỗ cho mùa thu vàng. Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia vùng Irkutsk thông báo mùa đông năm nay sẽ đến sớm, tuyết có thể rơi ngay trong hạ tuần tháng 9. Những đàn chim di cư bắt đầu lên đường về phương nam tránh mùa đông băng giá rét mướt. Anh Dương tâm sự: "Cứ mỗi lần thu sang, nhìn chim di cư, tôi lại tự hỏi: "Khi nào ta được bay về về phương nam? Hỏi thế nhiều lần mà vẫn chưa có câu trả lời".

Họ vẫn ở lại đây, tại mảnh đất Siberia xa xôi này. Người thì làm việc, người thì học tập... Phía trước là mùa đông khắc nghiệt với những thử thách mà chỉ riêng Siberia mới có.

Nguồn: Mảnh đất lành ở Siberia (LAO ĐỘNG CUỐI TUẦN, 18-20.9.2009)



20/9/09

SỢI TÓC TRONG PHÒNG KHÁCH SẠN



Tôi đi dự một hội thảo ở Hạ Long. Ban tổ chức bố trí cho các đại biểu ăn ở tại khách sạn 4 sao trông thẳng ra vịnh. Nói chung là một khách sạn đẹp ở một vị trí đẹp.

Buổi chiều, khi nhận phòng, tôi phát hiện ra trên sàn phòng vệ sinh, cũng như trên thảm những sợi tóc dài và mảnh. Hóa ra có một người phụ nữ đã ở đây trước mình. Hy vọng là xinh đẹp.

Buổi tối, khi ngồi gõ máy tính trên bàn, tôi lại phát hiện ra một sợi tóc nữa. Chắc vẫn là của vị khách đó. Tôi nhặt hết các sợi tóc và bỏ chúng vào thùng rác. Nhưng rồi bỗng nghĩ, sao cái phòng này lắm tóc thế nhỉ?

Hôm sau, dự xong phiên hội thảo buổi sáng và ăn trưa, tôi trở về phòng. Và lại phát hiện ra những sợi tóc nằm rải rác trong phòng. Chúng cũng giống như những sợi tóc hôm qua.

Ồ, thế này thì không phải tóc của một vị khách nữ nào đó rồi. Chúng chỉ có thể là của ai đó đã vào phòng này, và trong trường hợp đó thì không ai khác ngoài các cô dọn phòng.

Tôi thử tưởng tượng ra một hoàn cảnh thế này. Anh chồng đi dự hội thảo ở một thành phố ven biển. Được một hôm, thì chị vợ xuống chơi (có phòng rồi, khỏi phải trả tiền, nhất cử lưỡng tiện). Khi chị vào phòng thì thấy những sợi tóc dài vương vãi khắp nơi. Người phụ nữ hiển nhiên sẽ đầy hoài nghi về người chồng của mình. Chị có thể lặng lẽ trở về nhà, hoặc làm ầm ĩ ngay tại khách sạn. "Con nào, con nào đã đến đây với anh?!?"

Người đàn ông sẽ thanh minh ra sao? Trên thực tế hoàn toàn không có chuyện gì xảy ra, nhưng tình thì ngay mà lý thì gian...

Một người bạn của tôi đã rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười, khi cũng đón vợ đến khách sạn sau một hôm như vậy. Chị đánh rơi xuống thảm một vật dụng gì đó và cúi xuống nhặt. Nhưng hỡi ôi, trước mắt chị lại hiện lên cả một chiếc vỏ bao đựng condom đã bị xé... Ruột của nó không còn ở đó, chỉ còn chiếc vỏ thôi. Đương nhiên, đó không phải là của anh, mà là của ai đó đã không được người dọn phòng hút bụi hoặc hót đi.

Thế là mất bao nhiêu nước mắt, buồn tủi, giận hờn. Mọi chuyện cũng qua đi, nhưng chắc trong lòng người vợ vẫn còn một vết hằn...

Vậy thì có thể nói gì về cái khách sạn 4 sao này? Nó không xứng đáng với đẳng cấp mà người ta phong cho nó. Dịch vụ của khách sạn là làm hài lòng khách hàng, và không được phép tạo bất cứ một cớ gì để khách hàng của họ bị nghi ngờ và cảm thấy phiền lòng.

Sếp của khách sạn này có lẽ phải trang bị cho các cô dọn phòng loại dầu gội đầu dưỡng tóc tốt nhất, để tóc các cô không bị rụng khi dọn dẹp phòng cho khách ở.

Chú thích: "Tóc" - tác phẩm của Thái Đức Nhã đoạt Huy chương Vàng trong cuộc thi ảnh quốc tế "Trierenbeg Super Circuit 2007" tại Áo.



15/9/09

SIÊU NỊNH



Ngày xửa ngày xưa có một vị quan nổi tiếng không bao giờ nghe phỉnh nịnh. Ai nói gì, chỉ cần hở ra một câu hơi nịnh là ông đã cau mày tỏ vẻ khó chịu và không muốn tiếp chuyện.

Ở kinh thành có một người được mệnh danh là "siêu nịnh", nghe chuyện đó, cả cười: "Ở đời làm gì có người không thích nịnh, chẳng qua là chưa có ai đủ tài để làm được chuyện đó mà thôi".

Người ta nghe "siêu nịnh" nói thế, liền thách ông ta làm sao "nịnh" bằng được vị quan kia. "Siêu nịnh" nhận lời.

Vào một ngày đẹp trời, "siêu nịnh" đến phủ quan và xin yết kiến ông. Quan lịch sự mời ông vào, sai người pha một ấm trà ngon mời "siêu nịnh".

Siêu nịnh uống một ngụm trà, để nó trôi xuống cổ họng, ngồi im nghe vị ngọt của trà rồi trầm trồ: "Thứ trà của ngài thật tuyệt. Nó vừa ngọt vừa thanh, vị của nó đọng lại trong cổ họng thật không có thứ trà nào sánh bằng. Xin hỏi, ngài mua nó ở đâu vậy?"

Vị quan cười: "Trà bình thường, người hầu của tôi tự ướp vào bông sen dưới hồ trong phủ này".

Siêu nịnh xoay xoay chiếc chén sứ trong tay, nheo mắt ngắm nhìn: "Sao ngài khéo chọn chén thưởng lãm trà thế nhỉ? Vỏ chén mỏng tang, sứ trong vắt, hoa văn trang nhã, nhìn từ bên ngoài cứ như những cánh trà bay lượn trên lớp sứ vậy. Dám hỏi, ai biếu cho ngài chiếc chén độc đáo này?"

Vị quan khoát tay: "Có gì độc đáo đâu? Người hầu tôi mua cả lố ngoài chợ. Lát nữa tôi biếu ông một cặp về nhà mà dùng".

Đúng lúc đó một người con gái dung mạo xinh đẹp tuyệt trần bước đến, dâng mời trầu. "Siêu nịnh" trông thấy nàng thấy ngất ngây trời đất quay cuồng: "Ôi chao, người ở đâu mà đẹp đến vậy? Ngài tìm đâu ra thứ tuyệt sắc giai nhân mình hạc xương mai, mày ngài mắt phượng, mặt hoa da phấn, đi như bay trên mặt đất thế ạ?"

Vị quan thủng thẳng: "Ta có cả tá như vậy. Nếu ông muốn, lát ta sẽ cho một đứa theo về hầu".

Cứ thế "siêu nịnh" còn giở nhiều chiêu nữa để nịnh vị quan, xong lần nào cũng bị ông dội nước lạnh vào mặt.

Cuối cùng y rũ áo, quỳ xuống dưới mặt vị quan, giập đầu nói: "Tâu quan lớn, tôi đã gặp nhiều người, từ quan nhỏ đến quan lớn, tất thảy đều thích nịnh. Kẻ vừa nghe nói một lời khen đã vội nở mũi. Kẻ thì phải khen thật tinh vi mới kín đáo tỏ vẻ hài lòng. Chỉ có ngài là miễn dịch với mọi lời nịnh bợ tâng bốc. Ngài thật đúng là danh bất hư truyền, thật đúng là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Xin nhận một lạy này của tôi. Ngài đúng là thành trì vững chãi trước mọi lời phỉnh nịnh".

Vị quan nghe thế giãn mày giãn mặt: "Thế nào, ông đã thấy là ông thất bại chưa?".

"Siêu nịnh" đứng phắt dạy, cả cười: "Tôi thua làm sao được, thưa ngài. Ngài đã chẳng quá sung sướng khi nghe câu nói vừa rồi của tôi sao? Thiên hạ thực ra không biết nịnh ngài đúng chỗ đấy thôi".



14/9/09

NHÀ BÁO TRONG PHIM



Giờ vàng của VTV3 dạo này luân phiên chiếu liền 2 phim về nhà báo. Thứ 2,3,4 chiếu phiên bản Việt hoá "Cô nàng bất đắc dĩ" có em siêu mẫu Vũ Thu Phương đóng vai chính; thứ 5,6 chiếu một bộ phim gì đó của Việt Nam có em á hậu Ngọc Oanh đóng vai chính.

Cả hai phim đều có một cô gái làm sếp ở một cơ quan báo chí (đều là tạp chí), mạnh mẽ, cứng rắn và đều có cảm tình với một anh thợ ảnh.

Các cô gái làm báo trên phim sao mà xinh thế? Xinh đến mức nữ thư ký của một vài tổng biên tập thực sự cũng không thể xinh bằng. Nhưng mà cái nghề báo thì các cô biết mới ngô nghê làm sao. Làm báo như các cô thì sập tiệm từ lâu rồi.

Mấy anh thợ ảnh thì có anh Quang Thịnh đóng trong "Cô nàng bất đắc dĩ" là tương đối giống một tí. Nhưng mà không hiểu sao, đến giờ này anh Quang Thịnh vẫn còn phải đi rửa ảnh ra giấy ảnh để cho nữ Phó TBT thường trực duyệt ảnh cover. Trong khi máy ảnh, máy tính ở cái toà soạn đấy thuộc loại tối tân.

Chắc chắn đấy là lỗi của đạo diễn, nhưng cũng phải thừa nhận rằng nhiếp ảnh gia Quang Thịnh diễn xuất quá tệ.

Hết Quang Thịnh, đến Huy Khánh đóng thế vai người đàn ông chụp ảnh này. Anh diễn xuất khá hơn, nhưng hoàn toàn không giống một phóng viên ảnh. Từ phục trang, hình dáng đến cách thể hiện đều toát lên anh là một cậu công tử có khả năng, được nuông chiều và tự tin về mình.

Còn anh chàng chụp ảnh ở trong cái phim có cô Ngọc Oanh đóng vai chính (xin lỗi cứ phải nhắc tên á hậu, vì không biết tên phim) thì mới tệ làm sao. Chẳng ra cái giống gì!

Nói chung là các phim truyền hình của ta về nhà báo chẳng có phim nào ra hồn. Hình như từ biên kịch, đến đạo diễn, diễn viên đều chẳng chịu thò mặt đến toà báo thực tế một vài ngày xem cái công việc làm báo nó diễn ra như thế nào. Họ cứ mặc sức tưởng tượng và kết quả là các nhà báo trong phim chẳng ra cái giống gì!

Ảnh: Vũ Thu Phương và Quang Thịnh trong phim "Cô nàng bất đắc dĩ"


13/9/09

CHUYỆN BUỒN NGÀY MƯA



Bão nên mưa suốt đêm.

Tôi cứ mong đến sáng trời ngớt mưa, nhưng cơn bão rớt có vẻ như không muốn chứng tỏ rằng nó sắp tàn. Mưa chốc lại rồ lên đổ nước như trút, chốc lại bình thản gõ nhịp trên hàng lan can ban công làm bằng sắt hộp.

Nhưng tôi vẫn phải dậy vào lúc sáng sớm, chọn bộ quần áo màu đen. Sáng nay tôi phải đi đưa tiễn một người.

Bà là mẹ của người bạn thuở còn đại học. Chọn ngày "tam cửu" để từ giã cõi đời, rồi lại đi quãng đường cuối cùng vào một ngày mưa. Người đến đám tang xuýt xoa bảo nhau: "Bà thật có phúc".

Bộ tứ đại học của chúng tôi, chỉ có mặt hai: Tôi và một cô bạn nay đã có con gái học đại học năm thứ hai. Cô bạn thứ hai đi công tác ở TPHCM, cử chồng đến thay. Một anh bạn nữa đã hứa đến, nhưng đến quá giờ hẹn mà vẫn không thấy đâu. Gọi điện thì chắc không nghe máy.

Ba chúng tôi đến chào người quá cố lần cuối. Xong thủ tục, ra ngoài thấy trời vẫn mưa, bèn rủ nhau đi càphê. Vẫn còn sớm, và còn gì đáng làm hơn là ngồi uống càphê trong khu phố cổ Hà Nội vào một buổi sáng thứ Bảy mưa rơi như thế này.

Tôi và chồng cô bạn thứ nhất gọi càphê, cô bạn thứ hai gọi một ly trà nóng. Tôi nhớ, cô bạn này rất chăm học. Suốt 5 năm đại học cô không nghỉ một buổi học nào, bất kể thời tiết mưa bão hay giá rét. Nhà cô ở tận khu tập thể Trương Định mà ngày nào cũng đạp xe lên tận Cầu Giấy để học. Đó quả là một sự phi thường.

Chúng tôi ôn nhiều chuyện, rồi cô bạn đột nhiên hỏi: "Cậu còn nhớ T. không?"

- T ngày xưa là người trong mộng của cậu ấy à? - tôi hỏi lại.

Cô bạn cười: "Người trong mộng cái gì? Hồi học trò, thấy nó đẹp trai, học giỏi, con gái đứa nào chẳng thích?".

Hoá ra sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về, "người trong mộng" của bạn tôi lấy con gái một ông sếp, rồi được nhận vào làm ở một bộ quan trọng, bây giờ đã có hàm vụ phó.

- Mừng cho cậu ấy! - tôi nói.

- Ừ, thì cũng mừng thôi. Nhưng hôm nọ, đi siêu thị tình cờ tớ gặp mẹ của T. Lâu không gặp, nên bác ấy cứ níu lại hỏi han, nói đủ thứ chuyện. Mình hỏi thăm T thì bác ấy im, rồi lau nước mắt. Bác ấy lôi mình vào một cái quán, chắc vì nghĩ rằng mình là chỗ thân thiết của T nên mở hết gan ruột ra.

Bà kể Tết năm vừa rồi, vợ chồng T có đưa con cái về thăm ông bà nội vào mồng Một tết. Sáng mồng Hai, ông bà đi loanh quanh chúc Tết mấy nhà hàng xóm, rồi ông đèo bà đến nhà con trai chơi. Bấm chuông mãi và không thấy ai mở cửa. Đang định về thì thấy con Osin chạy ra, mang theo bánh trái thức ăn. Nó nói: "Chú bảo trưa nay chú phải tiếp khách, ông bà cứ về đi, tối cô chú sẽ xuống".


Ông bà đưa mắt nhìn nhau và cảm thấy tê tái trong lòng. Dắt xe ra ngõ, ông bà thấy một chiếc ôtô đỗ xịch xuống, từ trên xe một người đàn ông bệ vệ bước ra. Đó chính là sếp của con trai bà, mà ông bà đã nhiều lần nhìn thấy trên TV. Vị khách sộp không biết hai ông bà lóm cóm dắt xe đạp kia là bố mẹ của anh chàng dưới quyền đang sửa soạn tiệc khoản đãi mình.

Ông bà không chào vị khách, lặng lẽ đi về. Từ đó cho đến hết Tết, ông bà hầu như không nói với nhau câu nào. Bà không hiểu sao cậu con trai quý của bà lại không thể mời bố mẹ vào nhà, khách đến thì giới thiệu một câu thôi, ông bà cũng đủ hiểu để đi lên gác chơi với cháu chứ không thể ngồi hàn huyên với một ông VIP to như thế.

"Bác biết cái bộ ấy quan trọng, toàn con ông cháu cha làm trong đó. Thằng T nhà bác chỉ có ông bố vợ làm to nhưng nay cũng về hưu rồi, hai bác thì chỉ là viên chức quèn, nên nó ngượng, nó không muốn cho sếp nó biết hai bác. Nó sợ ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp của nó chăng?" - cô bạn tôi nhắc lại lời của bà già phiền muộn.

"Đấy, ai mà nghĩ người có gương mặt thư sinh như T lại có thể cư xử với bố mẹ mình như thế? Hay "ở bầu thì tròn ở ống thì dài", ở cái bộ đấy thì phải như thế?" - cô bạn tôi kết luận bằng một câu nghi vấn.

Bất giác cả ba chúng tôi đều thở dài. Đúng là một câu chuyện buồn trong ngày mưa!

12/9/09

CÁC LÃO LÀNG ĐOẠT GIẢI HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI



Giải thưởng văn học được trông đợi nhất trong năm - Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, đã được công bố ngày 12.9.2009. Giải thưởng ở tất cả các thể loại đều được trao cho những nhân vật gạo cội trên văn đàn Việt Nam như Ma Văn Kháng (ảnh), Nguyên Ngọc và Đỗ Lai Thuý.

Theo thông cáo báo chí của Hội Nhà văn Hà Nội, ba tác phẩm đã nhận đủ số phiếu để được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2009 bao gồm:

- Bút pháp của ham muốn, tập tiểu luận phê bình của Đỗ Lai Thúy, NXB Tri Thức và Trung tâm sách Thủy, 2009 (11/12 phiếu).

- Một mình một ngựa, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, NXB Phụ Nữ, 2009 (9/12 phiếu).

- Nhẫn thạch, tiểu thuyết của Atiq Rahimi (Pháp), bản dịch của Nguyên Ngọc, từ nguyên bản tiếng Pháp, NXB Hội Nhà văn và công ty Nhã Nam, 2009 (9/12 phiếu).

Tập tiểu luận phê bình Bút pháp của ham muốn của Đỗ Lai Thúy được hội đồng đánh giá cao ở việc sử dụng một cách kiên định và nhất quán phương pháp phê bình phân tâm học trong tiếp cận tác phẩm văn học. Thao tác phê bình của Đỗ Lai Thúy, khi được phương pháp thích hợp trợ giúp, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp và sự thông hiểu công việc sáng tạo của đối tượng. Những chân dung và phong cách hiện ra, đặc sắc và khá thấu đáo: từ cổ điển như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Bà Huyện Thanh Quan đến hiện đại như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Cầm.

Phê bình phân tâm học không còn mới mẻ trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, sự trở lại của phương pháp này sau một thời gian gián đoạn, lại khá đậm đặc trong một cuốn sách, đã gây được sự chú ý. Phương pháp phê bình nào cũng có nhược điểm và phiến diện, nhưng cần ủng hộ việc tồn tại đồng thời những phương pháp khác nhau, cần khích lệ thích đáng đối với việc chuyên tâm sử dụng các phương pháp phê bình. Thêm một điều cần ghi nhận: Bút pháp của ham muốn là cuốn sách có văn, sinh động và hấp dẫn, điều không dễ có ở những tập tiểu luận và phê bình văn học.


Tiểu thuyết Một mình một ngựa tiếp tục mạch đề tài về miền núi Tây Bắc là thế mạnh của nhà văn Ma Văn Kháng. Tác phẩm này gợi nhớ bộ tiểu thuyết trường thiên ở giai đoạn đầu sự nghiệp của nhà văn, đã ghi dấu ấn trong dòng văn học về miền núi phía Bắc: Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Trăng non, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn... Ở Một mình một ngựa, bên cạnh những vấn đề tâm huyết được đặt ra như phẩm chất con người cách mạng, bản lĩnh và ý chí con người trước những thử thách hiểm nghèo; thì vấn đề tổ chức và quản lý trong thực tiễn vùng cao cũng được xới lên một cách quyết liệt và thấu hiểu.

Những trang văn thấm đẫm cảnh sắc núi rừng Tây Bắc, những rung động của tình yêu, của tình bạn, tình đồng bào làm cho tác phẩm trở nên dễ đọc và dễ chia sẻ. Tác phẩm không phải là sự đột phá, cũng không mới mẻ so với chính nhà văn Ma Văn Kháng. Nhưng điều được ghi nhận ở đây là sự vững vàng về tay nghề tiểu thuyết, cả trong kỹ thuật và nghệ thuật, và những vấn đề được đặt ra một cách thẳng thắn, không né tránh. Tác phẩm cũng chứng tỏ sức bền của cây bút tiểu thuyết Ma Văn Kháng.

Bản dịch Nhẫn thạch của nhà văn Nguyên Ngọc thực sự đã giúp cho người đọc vượt qua rào cản ngôn ngữ để tiếp cận tác phẩm một cách tự nhiên và thoải mái. Nhà văn người Pháp gốc Afghanistan Atiq Rahimi kể một câu chuyện ở xứ sở gốc gác của mình, câu chuyện vừa lãng mạn vừa dữ dội, vừa hài hước vừa bi thương, hội đủ trong ấy những vấn đề lớn của kiếp nhân sinh. Văn học Âu – Mỹ nhiều năm gần đây được trẻ hóa nhờ một lớp nhà văn nhập cư. Họ dùng ngôn ngữ của quê hương mới để mang đến cho người đọc những nội dung vừa dị biệt vừa đặc sắc của cố hương mình, lại vừa mang tính phổ biến mà cả thế gian có thể chia sẻ được.


Bản dịch Nhẫn thạch được đánh giá tốt nhờ đã chuyển tải có hiệu quả tư tưởng, nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm. Nhà văn Nguyên Ngọc những năm qua đã dịch nhiều sách biên khảo của các nhà dân tộc học nước ngoài và những tập tiểu luận văn học có giá trị, và Hội Nhà văn Hà Nội lần này trao giải cho bản dịch Nhẫn thạch để ghi nhận đóng góp của ông trong lĩnh vực dịch văn học.

Riêng về thể loại thơ, hai tác phẩm được đề cử không nhận được đủ số phiếu quá bán, cũng tức là chưa thuyết phục được hội đồng chung khảo. Hội Nhà văn Hà Nội quyết định để trống giải thưởng ở thể loại thơ và mong chờ sự khởi sắc trong năm tới.

Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội được dư luận đánh giá là giải thưởng có chất lượng nhất, luôn đề cao những tìm tòi mang tính đột phá trong nội dung và cách thể hiện. "Chuyện của thiên tài" của Nguyễn Thế Hoàng Linh, "Gửi VB" của Phan Thị Vàng Anh... là những tác phẩm đoạt giải gây được tiếng vang, cũng như châm ngòi cho những cuộc tranh luận sôi nổi trên văn đàn.

Giải thưởng năm nay có vẻ như muốn khẳng định những giá trị cổ điển...



11/9/09

NGÀY NÀY 8 NĂM TRƯỚC



Mới đó mà 8 năm đã trôi qua... Ngày 11.9.2001.

Sáng đó tôi thức dậy trong một khách sạn ở Arlington (bang Virginia), nằm kề với Washington D.C.

Tôi đến Mỹ đêm 9.9, đáp chuyến bay muộn nhất đến Sân bay Quốc tế Ronald Reagan. Lấy được hành lý, xếp hàng dài dằng dặc chờ taxi rồi leo lên taxi về đến khách sạn ở Arlington thì đã sang ngày 10.9.

Ngày 10.9 không có gì đáng nói.

Ngày 11.9, buổi sáng không có việc gì làm, nên tôi đáp tàu điện ngầm đến thăm tượng đài chiến tranh Việt Nam.

Và ở đó, tôi bắt đầu được chứng kiến thảm hoạ...

Mời mọi người đọc lại "Hoài niệm 11.9 ở Washington"

8 năm đã trôi qua thật nhanh, bao nhiêu chuyện đã xảy ra trên thế giới này trong khoảng thời gian đó.

Nếu không có vụ 11.9, chắc gì ông Bush đã có được thêm một nhiệm kỳ tổng thống?

Và nếu cái nhiệm kỳ thứ 2 của ông Bush không đem lại bao điều chán nản cho nước Mỹ, thì chắc gì Obama đã trở thành nguồn cảm hứng cho nước Mỹ và thế giới như hồi tháng 11 năm ngoái.

11.9 đã làm thay đổi thế giới, thay đổi nhiều cuộc đời.

Có những thứ bị tồi tệ đi.

Nhưng cuộc sống thì vẫn thế, vẫn đẹp, vẫn nhiều thách thức và vẫn đáng sống...



10/9/09

JAZZ MÙA THU



Mùa thu - ngẫu hứng jazz trên piano - Alfonso Gugliucci



Lá thu (Autumn leaves) - Julian "Cannonball" Adderley và Miles Davis



Lá thu (Autaum leaves)- Rataw Boyce độc tấu violon




8/9/09

EM CHỌN SEXY...



Hai hôm trước tôi viết một entry có nhan đề "Thông minh hay sexy?"

Hôm nay thấy trong phần comment một ý kiến rất dài của tác giả nặc danh. Xin phép bạn, tôi post lại lên đây, vì nó xứng đáng là một entry độc lập.

Thông minh hay sexy?

Nhất định rồi, em sẽ chọn sexy. Chứ sao nữa. Anh nghĩ mà xem, có ai bỏ nhiều thời gian đi xem các bà các cô đấu trí đâu, nhưng hết năm này qua tháng khác, họ vẫn giành nhau vé xem hoa hậu. Cả trăm cuộc thi hoa hậu mỗi năm trên toàn thế giới, thế mà chồng em, con em, các cậu các anh của em, các đồng nghiệp nam cơ quan em chẳng ai chán cả, đặc biệt là phần thi áo tắm.

Anh thương em thế nào cũng lại phản bác em, rằng phần thi ứng xử vẫn quyết định đấy thôi. Em lại phải thủ thỉ với anh vậy, ứng xử miễn là không gọi nhầm tên phở Nam Định thành bún riêu Hà Nội là đủ lắm rồi, nhất định không cần hơn. Anh cũng biết rõ rồi còn gì.

Em sẽ chọn sexy, chắc chắn rồi anh ạ. Tần số các đấng mày râu vừa hôn lên đôi môi em vừa thốt lên: "Em thông minh quá" chắc chắn ít hơn cả ngàn lần so với: "Em đẹp quá".

Ra đường, tay em xách laptop, chân ngắn bước vội vàng đến cơ quan để phục vụ sếp của em bằng trí thông minh trời phú chắc chẳng bao giờ làm tim anh rung động đến nghẹt thở bằng một cặp chân thon dài, váy hồng rực rỡ tung bay trong gió, đôi môi hé mở ngọt ngào, ánh mắt quyễn rũ hút hồn anh.

Em sẽ chọn sexy, nhất định là như thế anh ạ.

Còn nếu được anh hiểu và thương hơn nữa mà đổi "Thông minh hay sexy " thành "Thông minh và sexy" thì chắc chắn rồi, em sẽ mua giầy cao gót, sơn bóng móng chân, vuốt chút keo lên mái tóc để nó cũng bồng bềnh tung bay trong gió ,sẽ giảm tranh luận với anh, mặc kệ sếp của em với hàng núi công việc rồi em đàng hoàng khoe cặp chân đã đi gầy cao 9 phân trên chiếc ghế salon đẹp nhất hình chữ VÀ phải không anh.

Thông minh VÀ sexy chắc chắn anh của em hài lòng chứ??? Em cũng hài lòng với giấc mơ của mình lắm anh ạ! Hehe.



6/9/09

THÔNG MINH HAY SEXY?



Ba người đàn ông ăn trưa với 5 người phụ nữ. Trong số đó 1 người đàn ông và 1 người phụ nữ là những người mới, lần đầu tiên nhập hội với những người còn lại. Tất cả đều ở độ tuổi ngoài 40 một tí. Hoá ra hơn 20 năm trước, 6 người trong số này đã từng dự một khoá học cùng nhau.

Người đàn ông dáng chừng là chủ hội giới thiệu với hai người mới.

- Đây là H, một người phụ nữ rất thông minh.

Người phụ nữ tên H giãy nảy: "Đã bảo bao nhiêu lần là đừng giới thiệu tôi thông minh. Tôi có thông minh đâu. Giới thiệu khác đi. Đừng "chơi" nhau như thế!".

Người đàn ông thứ hai lên tiếng: "Thế muốn giới thiệu như thế nào?"

H cười: "Thà cứ giới thiệu là ngốc nghếch còn hơn. Phụ nữ ngốc nghếch đáng yêu, đúng không? Làm phụ nữ thông minh khổ lắm!".

Người đàn ông chủ hội hóm hỉnh: "Phải thông minh lắm mới nhận ra là làm phụ nữ thông minh khổ lắm đấy".

Mấy người phụ nữ còn lại nhao nhao: "Không cần khen xinh. Vì bọn này cũng biết là không xinh lắm. Đấy, đang ngồi mà có một anh lẩm bẩm: "Chân dài thế nhỉ, có phải sướng không?"

Người đàn ông thứ hai cố tình thở dài: "Nhưng có thấy ai chân dài đâu?"

Người phụ nữ tên H nhanh nhẩu: "Thì khen một cái gì đó khác. Chẳng nhẽ bọn tôi không có gì đáng khen à?"

Người đàn ông chủ hội vung tay: "Rồi, đây là bạn H - người có cái miệng, à không, nói thế thô quá, người có khoé miệng rất gợi tình".

H che miệng cười: "Quá đáng, quá đáng!"

Một người phụ nữ hỏi: "Thế tôi thì sao?"

Người đàn ông chủ hội cười: "Bạn à? Bạn thì có đôi tay rất đẹp. Đấy mọi người nhìn xem, ngoài 40 rồi mà tay trắng muốt, trông như tay con gái 18 ấy. Nói toàn bằng tay đấy chứ!"

Người phụ nữ tay đẹp gật đầu: "Đúng, vì mình biết mặt mình không đẹp, trong khi tay đẹp, nên khi nói cứ phải đưa tay lên ngang mặt để khoe cái đẹp mà mình có".

Người phụ nữ có khoé miệng gợi tình kết luận: "Đấy cứ giới thiệu như thế nghe thú vị hơn. Sợ thông minh lắm!".



5/9/09

KHAI GIẢNG TRƯỜNG CON NHÀ GIẦU



Sáng nay có việc phải đi qua một khu chung cư cao cấp. Khu đó có cái trường tiểu học dành cho con nhà giàu. Ngôi trường này đẹp thật, tên Tây nghe sáng choang. Nghe nói học phí mỗi tháng đã lên đến cả nghìn đô.

Trường không cần tiếp thị, PR gì, xây xong, trương biển chiêu sinh đã thấy phụ huynh đến nộp đơn ầm ầm, gạt đi không hết. Bây giờ có cái mốt trường càng xịn, giá học phí càng đắt thì càng dễ chiêu sinh. Ai cũng muốn khoe con tôi học cái trường ấy đấy, học tiếng Anh cùng với tiếng Việt, sang cấp 2 cấp 3 là đã liên thông đi du học tiếp ở nước ngoài rồi.

Học sinh được đưa đến trường bằng ôtô. Không phải là xe buýt, mà là bằng xe hơi. Mỗi chiếc chở một cháu. Bét ra thì cũng là Toyota Vios, cấm có thấy cái Kia Morning, hay Hyundai Gets nào.

Lái xe là những quý ông quý bà tầm 30-40, ăn mặc bóng lộn. Trẻ con thì không khác gì hoàng tử, công chúa. Con trai mặc vest thắt nơ hoặc cravate, tóc vuốt keo; con gái mặc đầm xanh đỏ tím vàng đủ mầu, có vài ba cháu mặc áo dài, mặc dù chưa đủ lớn để có thể mặc đẹp loại trang phục này, son phấn rực rỡ. Các cháu trai cầm hoa, các cháu gái cầm bóng bay (chẳng hiểu sao lại phân biệt như thế)...

Bố mẹ các cháu lái xe vô cùng mất trật tự, xe ở trong không ra được, xe ở ngoài vào cũng không xong. Đoạn đường trước cổng trường tắc nghẽn cả cây số.

Thế rồi có tiếng xe cảnh sát hú còi. Chắc là bác nào đó đến dự lễ khai giảng của các cháu. Bố mẹ những cháu còn chưa vào được trường cuống quýt tít mù, mở cửa xe, dẫn các cậu ấm cô chiêu phục phịch chạy về phía cổng trường.

Có chị đi guốc cao gót không đi nhanh được, có cháu phụng phịu kêu mỏi chân không chịu đi. Tóm lại là một dòng người quen ngồi trong không gian máy lạnh, nay mồ hôi mồ kê nhễ nhại lếch thếch kéo nhau đi vào trường.

Trông cái lễ khai giảng của con nhà giàu mà tự dưng lại đâm ra suy nghĩ. Đầu tư cho một đứa trẻ thế này đi học chắc bằng đầu tư cho 5-7 đứa khác. Để rồi được gì? Có phải đứa nào rồi cũng đi Harvard, Oxford... rồi trở nên thành đạt không? Hay lại ra một lô một lốc em Chã, gà công nghiệp, mê đánh games và mắc bệnh béo phì?

Chở chúng nó đến trường về nhà bằng xe hơi riêng, nhồi chúng nó ăn, làm hết mọi việc chỉ để chúng chơi và học trong cái môi trường vô trùng với thế giới bên ngoài. Kết cục là đại bộ phận "cục cưng" chẳng biết làm gì (thậm chí cả tắm và mặc quần áo), không biết những điều tồn tại ngoài cuộc sống của chúng.

Và đến khi đó, cha mẹ chúng lại tất tả bỏ ra hàng nghìn đô đưa con mình đến những trại hè quân đội để chúng hành xác và học được vài ba kỹ năng sống (ảnh).

Phải chăng đó là bi kịch của người giàu?



4/9/09

CHÀNG TRAI NGA ĐẾN VIỆT NAM TÌM BỐ...


Gienhia tại Hà Nội

Giới thiệu cùng mọi người phóng sự "Con là Gienhia, tìm bố..." của nhà báo Mỹ Hằng, đăng trên báo Lao Động số ra hôm nay (4.9.2009).

22 năm trước. Leningrad. Thành phố của những đêm trắng. Chàng sinh viên người Việt 22 tuổi yêu cô gái Nga 17 tuổi. Một mầm sống thành hình. Nhưng cuộc đời không lãng mạn như những đêm trắng.

Người mẹ trẻ, không thể nuôi nổi con mình, phải đưa con vào trại trẻ mồ côi. Anh sinh viên phải về nước vì một vài lý do. Chưa bao giờ Gienhia được hưởng tình yêu thương của bố mẹ. Rồi một ngày, Gienhia quyết định đi tìm nguồn gốc của mình. Rất tình cờ, Hội Lưu học sinh (LHS) Việt Nam tại Liên Xô khoá 1982 - 1983 biết được câu chuyện của cậu. Những kết nối tất bật, sẻ chia. Và câu chuyện kết thúc có hậu.

Đứa trẻ mang họ mẹ

Tôi là V.Evghenhi A. (tên thân mật là Gienhia) sống tại TP. Saint-Petersburg, tìm bố tôi là N.M.T... Từ năm 1983 đến 1986, bố tôi học tập tại Leningrad. Tại Leningrad, bố tôi và mẹ tôi là Valuk L.A. đã quen nhau, họ yêu nhau và cũng từ tình yêu đó, ngày 17.7.1986, tôi được sinh ra...

Nhưng vì hoàn cảnh lúc bấy giờ, mẹ tôi và bà ngoại tôi là Valuk V.P. đã quyết định từ bỏ tôi, ngày 29.7.1986, họ đưa tôi vào trại trẻ mồ côi với hy vọng ai đó sẽ nhận tôi làm con nuôi. Cha tôi không được hỏi ý kiến về việc đó. Ông tôi và cha tôi lại mong muốn giải quyết theo một cách khác. Nhưng mọi mong muốn của cha tôi và ông tôi không nhận được sự ủng hộ của luật pháp lúc bấy giờ. Khoảng tháng 8.1986, mẹ tôi là Valuk L.A. đã về nước CH Belarus.... Ngày 20.10 năm đó, bố tôi rời Liên Xô bay đi Havana. Theo nguồn tin không chính thức, trong thời gian một năm sau khi chia tay, bố mẹ tôi vẫn thư từ cho nhau...".

Đây là câu chuyện của Gienhia được chính lời cậu kể, trong bức thư gửi tới Đại sứ quán Việt Nam ở Nga ngày 21.12.2008.

Gienhia ra đời mang họ mẹ. Nhưng không còn ký ức nào về mẹ ngoài cái họ ấy. 18 năm sống trong môi trường khắc nghiệt ở trại trẻ mồ côi, Gienhia còn may mắn được vợ chồng người bảo mẫu yêu quý.

Năm 18 tuổi, cậu rời khỏi trại, được nhà nước cấp cho một phòng trong căn hộ chung 2 phòng cho 2 người; từ đó, cậu sống một mình. Gienhia biết mình khác mọi người, nhưng không biết tại sao, không biết cậu một nửa là người Việt. Cho đến khi cậu tìm được bà ngoại và mẹ mình, cậu mới biết mình khác mọi người thế nào. Nhưng ngay cả khi đó, Gienhia một lần nữa bị chối từ:

"Năm 2004, nhờ sự giúp đỡ của những người bạn cũ, tôi đã tìm được bà ngoại tôi. Bà tôi đã gửi cho tôi tấm ảnh chụp bố mẹ tôi và từ đó quan hệ giữa tôi và bà cũng chấm dứt.

Đến năm 2006, nhờ sự giúp đỡ của công an, tôi đã tìm được mẹ tôi, nhưng vì hoàn cảnh cá nhân, mẹ tôi đã có gia đình nên đã từ chối mối quan hệ với tôi".

Gienhia bảo, lúc đó, cậu thấy buồn và thấy hình như cuộc sống bất công với mình quá. Nhưng Gienhia vẫn tự mình cố gắng để trưởng thành:

"Tôi đã có nghề nghiệp, đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Tôi tiếp tục học khoa tại chức Viện Công nghệ, Mô hình và Điều khiển thuộc Trường Tổng hợp Công nghệ và Thiết kế Saint-Petersburg. Năm 2009, tôi bảo vệ tốt nghiệp. Hiện tôi sống tự lập, học tập và làm quản đốc phân xưởng, quản lý trên 30 người. Tôi chưa lập gia đình vì còn cần phải học xong".

Từ những thông tin cùng bức ảnh của mẹ và bà ngoại, Gienhia tiếp tục tìm bố. Thật kỳ lạ, cậu đã nghĩ rằng, cậu tìm bố mẹ để được giúp đỡ bố mẹ, chứ không phải để bố mẹ giúp đỡ cậu. Một thanh niên chưa bao giờ được hưởng tình yêu từ bố mẹ, đã nghĩ như thế, chắc chắn là một chàng trai tốt:

"Năm 2007 trong hồ sơ lưu trữ của trường, chúng tôi đã tìm thấy hồ sơ của bố tôi... Theo luật pháp Liên bang Nga, tôi có quyền quan hệ với những người sinh ra tôi và chúng tôi sẽ tự giải quyết mối quan hệ đó...

Hơn nữa, tôi không cần cha tôi về mặt vật chất và tôi luôn coi cha tôi không hề có lỗi với tôi. Điều quan trọng là tạo nên tình người, trong đó sẽ là tình yêu, sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau...".

Kết nối

Nhưng câu chuyện hoàn chỉnh này có được là sau đó, khi các thành viên của Hội Lưu học sinh biết chuyện và vào cuộc. Bắt đầu hoàn toàn tình cờ. Có ai đó đã vào trang web của chương trình tìm người thân trên kênh 1 Truyền hình Nga có tên: "Đợi anh về" và đọc được mẩu tin tìm bố của Gienhia. Tin nhắn được chuyển tiếp và đưa lên trang web lhsvn.com.vn ngày 21.12.2008.

Hồi âm ngay là những tín hiệu thông cảm, sẻ chia: "Tội nghiệp cho Gienhia quá. Có rất nhiều hoàn cảnh éo le tương tự thế... Tìm bố Gienhia theo bạn bè cũng khoá mình nghĩ chắc không khó lắm. Dù không tìm được cha cho Gienhia, nhưng giá như Gienhia may mắn có dịp được đặt chân tới Việt Nam nhỉ. Anh sẽ thấy đất nước mà mình mang nửa dòng máu là đất nước đáng yêu mến với những con người hồn hậu. Anh sẽ thấy cuộc đời mình không nghiệt ngã thế...".

Các thành viên lhsvn đã học cùng hoặc trên dưới một - hai khoá với bố Gienhia ở Trường Ngoại ngữ Thanh Xuân năm 1982 - 1983, dù sau đó sang Liên Xô mỗi người học một nơi. Câu chuyện của Gienhia làm hình thành ngay một mạng lưới kiếm tìm sôi nổi, bận rộn. Những kết nối từ Hà Nội vào TPHCM, xuống Hải Phòng, sang Mátxcơva tới Saint-Petersburg.

Vài manh mối dần hiện ra. Có những thông tin được đưa lên mạng để đọc chung, có những điều chỉ các anh chị LHS trao đổi riêng để giữ câu chuyện chỉ cho Gienhia và gia đình bố cậu ở Việt Nam. Một vài chi tiết từ bức thư của Gienhia có sự nhầm lẫn, khiến việc tìm kiếm đôi lúc bối rối, chẳng hạn năm 1986, bố Gienhia đã không sang Cuba mà về Việt Nam, trong hồ sơ của trường ghi nhầm chuyến bay Hà Nội thành chuyến bay Havana.

Nhưng chỉ chưa đầy 3 hôm sau, ngày 23.12.2008, các thành viên LHS Việt Nam thông báo đã tìm thấy gia đình bố Gienhia, họ đã chuyển từ quê Hải Phòng vào sống trong TPHCM. Mọi việc diễn ra dồn dập. Một nhóm LHS ở TPHCM đến thăm gia đình bố Gienhia. Thành viên LHS ở Leningrad trực tiếp tìm gặp cậu. Tất cả chỉ trong một tuần. Gienhia đã trở thành người mới của gia đình LHS mà ai cũng quan tâm.

Qua các LHS, Gienhia và ông nội đã liên lạc được với nhau và đều mong sớm gặp mặt. Chính các anh chị LHS đã sắp xếp kế hoạch và giúp đỡ tiền bạc để Gienhia được đi học tiếng Việt và tiếp đó là kế hoạch về thăm ông bà nội và bố. Tin tức về Gienhia được cập nhật thường xuyên trên trang web LHS:

"Gienhia có vẻ ngoan ngoãn và thông minh, chăm chú nghe chuyện, rất muốn tìm gặp xem những người ruột thịt như thế nào. Hiện giờ lương của cậu ta là 18 nghìn ruble (khoảng hơn 600USD), thuộc loại hơi thấp ở Nga bây giờ...".

"Mùng 1 Tết, JK đến tụ tập với bạn bè ở Len (viết tắt của Leningrad) dịp Tết Việt, đã rủ theo Gienhia đi cùng cho cậu biết Tết người Việt".

"Dạo trước, Gienhia chắc mải làm nên ít đi học, thành tích sụt giảm. Hôm nay nói chuyện với cô giáo, cô bảo Gienhia nói bập bẹ được rồi. Đặc biệt là phát âm như người Việt. Chỉ tội cu cậu chắc ít thời gian và không có thực tế nên chậm nhớ từ. Gienhia đang viết bài tốt nghiệp" (15.5.2009).

"Hiện nay, Gienhia có nguyện vọng theo học một trường đại học nào đó, khoa quản lý kinh tế, hệ hàm thụ. Khó khăn ở chỗ lãnh đạo cậu ta không còn nhiệt tình lắm với việc thỉnh thoảng cậu ta xin nghỉ vài ngày đi thi. Vì vậy, ngoài việc tìm trường thích hợp, cậu còn phải tìm việc khác" (6.7.2009).

Gienhia cùng các cô chú cựu lưu học sinh, bạn của bố

Những dòng tin ngắn ngủi, nhưng đều được mọi người mong chờ. Trước khi gặp bố ở Việt Nam, Gienhia cũng đã kịp có bố nuôi, mẹ nuôi người Việt là các cô chú LHS - bạn bố. Gienhia là người may mắn, có những cậu bé, cô bé Nga tìm bố ở Việt Nam đã bị chính người bố quay mặt đi. Và một ngày tháng tám, Gienhia sang Việt Nam gặp bố và ông bà nội, vé máy bay do Hội LHS mua. Chờ đón cậu còn là một suất học bổng đại học do Hội LHS 82 - 83 dành tặng.

Thanh Bình

Gienhia bước ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất một ngày cuối tháng 8.2009. Một thanh niên cao, gầy, gương mặt hiền lành, lặng lẽ. Các LHS ra sân bay đón cậu, cùng với người bác rể. Bố Gienhia, từ 20 năm nay, sức khoẻ không tốt. Ông bà nội cậu thì đã già. Sau này có ai đó nhận xét, nhìn Gienhia thấy vừa trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 23, lại có lúc già hơn hẳn tuổi. Cuộc đời, cho đến lúc trước đó, hẳn đã không dễ dàng với Gienhia. Cho đến giờ, cách phát âm, dùng từ của Gienhia có gì đó rất đặc biệt, phải chăng là do nhiều năm sống trong môi trường dữ dội ở trại trẻ?

Buổi gặp đầu tiên. Ngôi nhà của gia đình bố Gienhia ở ngoại ô TPHCM, rất thoáng và khang trang. Gienhia lễ phép chào ông bà nội. Hai bố con... bắt tay nhau. Cuộc gặp không có nước mắt, không ồn ào, không làm mọi người chứng kiến phải nhói tim như có thể tưởng tượng ra. Giữa họ là 23 năm xa cách, phút đầu gặp lại có thể không quen được ngay. Nhưng kể cả những người lạ cũng có thể nhận ra rằng Gienhia giống bố. Những nét không lẫn đi đâu được. Ông nội Gienhia cũng bảo: Thằng bé đã có nhiều tóc bạc rồi, giống bố nó hồi trẻ. Tóc bạc ấy đã thành biệt danh của bố Gienhia thời sinh viên.

Gia đình không ai nói được tiếng Nga. Chỉ có người bố, nhưng đã quá lâu rồi, nhất là trong điều kiện sức khoẻ hiện nay... Gienhia thì cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh đều mới chỉ bập bẹ. Cậu mang theo quyển từ điển Nga - Việt trong hành lý nhỏ bé của mình.

Rồi mọi người đều mừng rỡ khi thấy bố Gienhia hiểu được những câu hỏi của con trai mình và trả lời bằng tiếng Việt. Tiếng Nga tưởng như đã bị chôn vùi lâu lắm đâu đó trong ký ức anh, dần dần sống dậy. Ai cũng hy vọng, Gienhia sẽ giúp sức khoẻ của bố tốt hơn.

"Cháu không trách bố cháu đâu. Nhưng cháu rất muốn biết sau đó tại sao bố cháu và ông bà không đi tìm cháu?" - Gienhia hỏi ông nội. Người ông, nay đã ngoài 80, trả lời: "Khoảng 2 năm sau khi bố cháu về nước, bố mẹ cháu vẫn thư từ cho nhau. Bố cháu vài lần muốn sang tìm lại hai mẹ con, nhưng lúc ấy điều kiện không cho phép".

Ngôn ngữ không phải là rào cản. Buổi chiều đầu tiên về nhà, Gienhia ngủ được một chút. Rồi hai bố con nói chuyện nhiều hơn. Bố đã nhớ ra tiếng Nga để trả lời con trai mình. Giữa chiều, 3 -4 giờ, là thời điểm trong ngày sức khoẻ của bố tệ nhất và anh thường phải uống thuốc ngủ. Nhưng hôm đó quy luật tệ hại kia đã không lặp lại. Chắc chắn phép màu chính là tình yêu thương.

"Thanh Bình, tên con sẽ là Thanh Bình" - bố nói với cậu con trai "mới". Người bố khi về nước đã có gia đình, hai con anh sống với mẹ ở Hải Phòng. Cả nhà đều tiếc vì cậu con trai vào thăm bố suốt 2 tuần mới trở về Hải Phòng trước khi Gienhia sang có vài ngày, nếu không, anh em đã được gặp nhau.

Bình, giờ phải gọi như thế, được Hội LHS đón ra Hà Nội, được bạn thân của bố năm xưa đưa về Hải Phòng thăm quê, thăm nhà cũ của ông bà nội trước khi quay lại TPHCM để về Nga.

10 ngày rất nhanh, Bình đã rất bận rộn. Hành trang của Bình, lúc đến sân bay, lần đầu tiên đặt chân về quê bố, chỉ là một túi máy ảnh khoác vai và một túi du lịch bé xíu, nhẹ tênh, chắc chỉ đủ vài bộ quần áo và có thể là những dấu hỏi nữa. Thì ngày quay về, chắc vali của Bình quá cân, rất nhiều quà của các cô chú LHS, của gia đình, rất nhiều tình yêu thương và sự ấm áp mà Bình nói lâu lắm cậu không được hưởng.

Bình sẽ học đại học ở Nga rồi sẽ tính tiếp, bà nội đã nói, tuỳ cháu, cháu thích ở Nga cũng được, hay là về đây cho gần với gia đình. Bình đã có một gia đình. Những ngày tháng sắp tới sẽ không còn là sự cô độc. Sẽ như tên cậu, bố đã đặt, là Thanh Bình.

THAM KHẢO:
Con là Gienhia, tìm bố...



 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết