Ngày 11.1.1999 tại Mạo Khê, Quảng Ninh đã xảy ra vụ nổ khí hầm lò khiến 16 công nhân bị tử nạn. Đây là tai nạn mỏ gây thiệt hại lớn nhất về người trong ngành công nghiệp than của VN. Nhóm phóng viên báo Lao Động được cử đến hiện trường. Hôm nay tình cờ đọc lại bài báo này, post lên đây để mọi người cùng đọc.
ĐẠI TANG Ở MẠO KHÊ
Tai nạn lớn nhất trong lịch sử ngành than kể từ khi chúng ta tiếp quản ngành này năm 1954 đến nay đã xảy ra sáng sớm ngày 11.1. Những thông tin ban đầu cho hay, 16 công nhân mỏ hy sinh, gần một chục người khác bị thương, trong đó có ba người bị thương nặng đang ở trong tình trạng nguy kịch. “Thảm hoạ của ngành chúng tôi” - Chủ tịch Công đoàn Tổng Cty Thanh VN Trần Khoa Thư rơm rớm nước mắt nói.
Ánh chớp số phận
11.1 là ngày đầu tuần. Đối với anh Nguyễn Mạnh Điền, công nhân thuộc đơn vị khai thác 8 (KT8), thì buổi sáng thứ Hai định mệnh này chẳng có gì đặc biệt. Cánh thợ KT5, KT8, Đá 4 vui vẻ xuống hầm như mọi lần. Hai ngày nghỉ cuối tuần khiến họ có nhiều chuyện để nói. Lúc đó là hơn 8 giờ sáng. Nguyễn Mạnh Điền đang cùng bạn bè ở trung tâm vỉa 8, phía trước anh chừng 100 mét là thợ thử khí, thợ của KT5, KT8. Bỗng nhiên Điền thấy một ánh chớp loé sáng từ phía đó và người anh bỗng nhẹ bẫng. “Rát và nóng quá!” – Đó là điều cuối cùng mà Điền cảm thấy trước khi không biết gì nữa. Điền tỉnh dậy đau ê ẩm, anh thấy mình đang được các công nhân trong đội thông gió cấp cứu của mỏ chuyển ra ngoài. Lúc ấy đã là 10 giờ sáng. Điền đau đớn hiểu ra rằng một tai nạn khủng khiếp đã giáng xuống đầu những người thợ mỏ và nhiều người bạn của anh đã tử nạn, trong đó có cả người anh vợ của anh là Phạm Thế Mến, 38 tuổi, ông chủ một gia đình với hai đứa con thơ: một cháu trai 13 tuổi và một cháu gái 6 tuổi.
Ánh chớp số phận ấy đã cướp đi sinh mạng của 16 công nhân làm các công việc khác nhau: thử khí lò, thông gió lò, vận tải lò, cơ điện lò. Đông nhất là những người làm công việc chống cuốc lò. Người nhiều tuổi nhất trong số họ là 45, trẻ nhất mới 30. Ánh chớp nghiệt ngã đã khiến 16 người phụ nữ trở thành goá bụa trong nháy mắt và cũng khiến 26 đứa trẻ bị mồ côi cha. Chưa bao giờ vùng mỏ Mạo Khê lại phải đối mặt với những mất mát lớn đến như vậy.
Địa điểm chính xác của nơi xảy ra vụ nổ là lò thượng – nhánh của đường lò âm 25 (ở độ sâu 25m so với mực nước biển), vỉa 9 đông của mỏ than Mạo Khê. Chỗ này là một gương lò vừa kết thúc giai đoạn xây dựng cơ bản và đang chuẩn bị khai thác. Áp lực khí nổ cực lớn, gây chấn động toàn bộ đường lò âm 25 dài đến 1.200 mét. Những người có mặt tại hiện trường sau vụ nổ cho hay, hai quạt gió công suất 11 KW/chiếc đặt ở hai đầu đường lò này đều bị cong queo. Những chiếc ống dẫn không khí bằng vải bạt phun sơn rách tinh tươm. Chiếc goòng 3 tấn rưỡi bị hất tung đi một chỗ khác. Tất cả những thợ mỏ hy sinh đều bị bóc hết quần áo và da.
Ông Nguyễn Đăng Doanh, chủ nhiệm Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Thuỵ Điển ở thị trấn Uông Bí, người có mặt tại hiện trường ít giờ sau khi tai nạn xảy ra nói: “Hãy thử tưởng tượng thế này: Những người công nhân giống như những viên đạn bị bắn khỏi nòng đại bác”. Họ tử nạn vì một trong ba nguyên nhân sau đây (hoặc vì hai trong ba số đó, hoặc cả ba): do nhiệt độ quá cao, do áp suất quá lớn, và do va chạm.
Cứu nạn
Đội thông gió cấp cứu của mỏ than Mạo Khê đã có mặt ngay tại hiện trường khi biết tin. Không được trang bị mặt nạ phòng độc và ý thức được nồng độ metan trong hầm lò còn rất lớn, nhưng họ vẫn dũng cảm tiến đến nơi nổ khí, đưa những người còn sống sót và những người đã hy sinh ra ngoài. Kết quả là 4 công nhân của đội thông gió cấp cứu, trong đó có đội trưởng - kỹ sư Nguyễn Hồng Sơn bị ngạt. Khi nhóm cứu hộ của Trung tâm cấp cứu mỏ thuộc Tổng Công ty Than đến nơi, thì nhiệm vụ của họ chỉ còn lại là cấp cứu những người đi cấp cứu.
“Tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy thi thể của anh em được đưa ra” - Chủ tịch Công đoàn Mỏ than Mạo Khê Lưu Công Tường nói với nhóm phóng viên báo Lao Động. Trong cuộc đời 38 năm làm thợ mỏ của mình, ông Tường chưa bao giờ nhìn thấy một thảm cảnh xót xa như vậy. Các công nhân hy sinh (ông Tường luôn tâm niệm như thế, bởi với người thợ mỏ “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”) không ai còn quần áo lành lặn. Da và tóc cháy hết, chỉ trừ phần hông vì có hai lần quần và đôi chân đi ủng cao su. Bụi than phủ đầy cơ thể họ. Cũng còn may là không có ai bị cháy đến mức không thể nhận diện được.
Thi thể của 16 công nhân hy sinh được các bạn bè và đồng nghiệp đưa đi tắm tại chính những nhà tắm mà họ vẫn sử dụng sau ca làm việc. Sau đó, họ được mặc quần áo mới, đội một chiếc mũ mềm để che phần tóc bị cháy. Mỗi người được đi hai đôi tất mới: một đôi đi vào hai bàn tay, vì những ngón tay co quắp không thể xỏ được vào bất kỳ loại găng tay nào.
Thử tìm nguyên nhân
Theo quy định an toàn lao động thì trước khi bắt đầu một ca làm việc, các công nhân thử khí bao giờ cũng là những người tiên phong đi vào trong lò. Họ có trách nhiệm kiểm tra xem nồng độ khí metan (CH4) ở đó có ở mức an toàn hay không. Nếu nồng độ khí CH4 ở dưới mức 0,3% thì mới tiến hành sản xuất được. Ông Lê Văn Sinh, Trưởng nhóm cứu hộ thuộc Trung tâm Cấp cứu Mỏ (Tổng Cty Than VN) cho biết nồng độ khí CH4 đo được vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 11.1 là 9%, gấp gần 30 lần mức cho phép. Cũng theo ông Sinh, thì khi CH4 ở nồng độ 2% nếu có tia lửa sẽ xảy ra cháy. Còn khi nồng độ trên 4%, nếu có tia lửa sẽ phát ra nổ. Mà chỉ cần đá chạm vào nhau, hay choòng chạm vào đá cũng đủ phát ra tia lửa dẫn đến nguy cơ trên. Ông Sinh không loại trừ khả năng tia lửa đã phát ra từ sự va chạm của hai loại dụng cụ bằng sắt mà các thợ mỏ mang theo.
Nhưng tại sao một lượng khí metan lớn như vậy lại tích tụ trong hầm lò sáng 11.1, thì lại là một câu hỏi lớn mà các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra và chúng tôi chưa thu thập được những thông tin xác thực để cung cấp cho bạn đọc. Theo quy định chung của Tổng Cty Than, công nhân các mỏ đều được nghỉ hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Trong hai ngày này, hệ thống thông gió vẫn phải làm việc để không gây ra tích tụ lớn lượng khí có hại. Theo tìm hiểu sơ bộ từ những người có trách nhiệm của mỏ than Mạo Khê, hệ thống thông gió này vẫn hoạt động bình thường trong hai ngày 9 và 10.1.
Qua tiếp xúc với một số công nhân lò ở Mạo Khê, chúng tôi thấy có một điều đáng tiếc. Lẽ ra chỉ khi các công nhân thử khí kết thúc công việc của mình, công nhân thuộc các nhiệm vụ khác mới được vào lò. Nhưng buổi sáng 11.1, một số công nhân chống cuốc lò đã đi cùng một lúc với công nhân thử khí. Giá như họ đợi thêm một chút, thì thiệt hại đã không lớn như vậy.
Đưa tiễn lúc nửa đêm
Thi thể của các công nhân hy sinh được đưa về nhà xác của Bệnh viện mỏ than Mạo Khê và đến 5 giờ chiều khi các giám định viên pháp y kết thúc công việc, họ mới được trao trả cho người thân. Nhưng đó cũng chỉ là với những người có gia đình ở gần. Một vài người còn phải chờ đến đêm. Vũ Duy Luyện đã là người phải chờ đợi lâu nhất. Anh công nhân sơ cấp cơ điện lò này năm nay 34 tuổi và có mặt tại Mạo Khê từ tháng 5.1986. Anh sống trong khi tập thể Quang Trung cùng vơi cánh thợ lò độc thân. Gia đình anh lại ở tận xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Vợ anh, chị Phạm Thị Loan làm cho xí nghiệp thuỷ nông huyện. Anh có hai con trai: cháu lớn 5 tuổi, cháu bé chưa đầy 1 tuổi. Đứa trẻ này chưa được đưa vào hồ sơ cán bộ của anh lưu trữ tại Mỏ.
Mỏ than Mạo Khê đã cho người về quê Luyện thông báo cho gia đình anh. Không những chỉ đối với Luyện, mà tất cả các công nhân hy sinh khác đều được lo vô cùng chu đáo. Mỏ đã trích ngay cho mỗi gia đình nạn nhân 10 triệu đồng để lo ma chay. 16 đám tang một lúc khiến cho sự bối rối tăng lên bội phần. Mỏ kêu gọi tất cả các công ty than cho xe cộ đến để đưa công nhân hy sinh về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng chưa kịp huy động, thì các công ty than khác đã cho xe cho người mang tiền đến chia sẽ nỗi đau đớn cùng Mạo Khê. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, Tổng Cty Than VN và Công đoàn Tổng Cty đã có mặt tại Mạo Khê suốt từ trưa 11.1 đến nay. Nhà máy xi măng Hoàng Thạch láng giềng, tuy không thuộc ngành dọc, cũng sang chia sẻ và giúp đỡ tương tự.
Trong hơn 6 giờ chờ đợi, Luyện đã không hề cô đơn. Hơn 100 con người đã từng làm việc với anh ngồi bên ngoài túc trực. Mãi đến 23 giờ 15 phút ngày 11.1, bố đẻ và vợ của Luyện mới đến nơi. Ông đề nghị Chủ tịch Công đoàn Lưu Công Tường liệm Luyện tại Mạo Khê và xin được đưa con trai về mai táng ở nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Chị Loan sau một hồi say xe, mới vật vã đau đớn vì cái chết bất ngờ và thương tâm của chồng. Chị phải khẩn khoản lắm mới được xem khuôn mặt bị cháy nham nhở của chồng một lần cuối.
Chiếc xe chở Luyện về quê hương chuyển bánh đúng vào lúc 12 giờ đêm. Thời tiết ở Mạo Khê hôm đó thật khắc nghiệt: nhiệt độ hạ xuống 6 độ C, mưa lạnh rơi ràn rạt, gió thổi lồng lộng gây ra những chuỗi âm thanh u u rợn người. Mặc dù những người thợ lò khẳng định rằng thời tiết chẳng liên quan gì đến nguyên nhân vụ nổ, chúng tôi vẫn như cảm thấy trời đất cùng khóc than cho họ. Lúc Luyện đi, gió lại lồng lên giận dữ. Dường như các linh hồn chưa được siêu thoát.
Đăng trên Lao Động, thứ Tư, ngày 13.1.1999