18/7/09

DUYÊN THẦM HAY LÀ MA THUẬT BỊ GIẤU KÍN?



Sang thế kỷ 21, Việt Nam bắt đầu khai thác thế mạnh du lịch mà thiên nhiên ưu đãi. Không phải đất nước nào cũng có 3.200 km bờ biển với những vịnh biển và bãi biển mà người ta ngỡ rằng thiên đàng nơi hạ giới, những hang động bí ẩn và kỳ thú, những ngôi chùa nhuốm màu huyền thoại.

Và ngành du lịch Việt Nam cũng biết tư duy rằng phải làm du lịch một cách bài bản hẳn hoi.

Khi thế giới bước sang thiên niên kỷ mới, người ta thấy xuất hiện chiến dịch quảng bá đầu tiên cho du lịch Việt Nam với tên gọi khá độc đáo: "Vietnam - destination for the new milenium" (Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới". Poster là một cô gái tóc ngắn đội nón trắng có nụ cười rạng rỡ. Nghe nói người mẫu là một nữ diễn viên của một đoàn nghệ thuật miền Trung. Hình ảnh của cô tràn ngập trong nam ngoài bắc và ra cả nước ngoài, nhưng nghe đâu cô chỉ được trả một khoản thù lao rất ít ỏi.



Cái tên quả là khá hay. Bực bội vì người ta cứ hỏi: "Chiến tranh ở nước ông đã chấm dứt chưa?", Thứ trưởng Ngoại giao quá cố Lê Mai đã phải nói: "Vietnam is a country, not a war" (Việt Nam là đất nước, chứ không phải là cuộc chiến tranh). Thế nên "điểm đến của thiên niên kỷ mới" là một thông điệp mới, khơi gợi trí tò mò của những ai còn quan tâm đến Việt Nam.

Thế nhưng do là chiến dịch quảng bá đầu tiên, nên "Vietnam - destination for the new milenium" không được tiến hành chuyên nghiệp lắm. Ngay cái poster cũng kẻ vẽ rất quê, trông chẳng khác nào tranh cổ động phố huyện. Vả lại, cái tên "destination - điểm đến" cũng dài quá, khó tạo được ấn tượng mạnh, nên ít lâu sau ngành du lịch Việt Nam nghĩ rằng phải thay bằng một chiến dịch quảng bá khác.

Thật bất ngờ là đang từ một cái khá hay ho, người ta bỗng nhiên thông qua một chương trình thật vô thưởng vô phạt là "Welcome to Vietnam" (phương án tiếng Việt là câu khẩu hiệu 100% "Hãy đến với Việt Nam". Logo là hình vẽ một cô gái mặc áo dài, hai vạt áo bay phấp phới ra đằng sau.



Khỏi nói là cái chương trình này vô duyên như thế nào. Ngành du lịch Việt Nam bị kéo lùi lại khoảng 20 năm. Chương trình quảng bá quốc gia nhằm thu hút du khách quốc tế mà nghĩ ra cái slogan đến cấp xã cũng có thể nghĩ ra được. Không tin, bạn cứ đến một xã ở tận vùng sâu vùng xa nào đó đều có thể thấy tấm biển mang dòng chữ tương tự. Đơn cử như "Welcome to Mường Nhé" chẳng hạn.

Chương trình "Hãy đến với Việt Nam" bị báo chí chê tơi bời. Ít lâu sau, ngành du lịch Việt Nam phải mở một cuộc thi tìm giải pháp mới. Nghe nói cuộc thi tổ chức khá công phu. Các đơn vị dự thi phải đưa ra được tên gọi và logo cho chiến dịch quảng bá mới. Và phần thắng thuộc về "Vietnam - the hidden charm" (tiếng Việt là "Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn").



Về mặt ngôn ngữ, "Vietnam - the hidden charm" nghe lạ tai và có vần điệu. Câu slogan ngắn, dễ nhớ và không đụng hàng. Nhưng "hidden charm" khá đa nghĩa. Người ta nói: hidden charm là "duyên thầm" chứ không thô kệch và thật thà kiểu "vẻ đẹp tiềm ẩn". Hidden charm cũng có thể hiểu là ma thuật bị che giấu, bùa ngải bí ẩn, sự quyến rũ thầm lặng... Nói chung là được.

Du khách nước ngoài tiếp nhận "hidden charm" rất khác nhau. Một số cho rằng quả đúng là đất nước này có rất nhiều điều phải khám phá (cả những điều đẹp lẫn những điều chưa đẹp), một số khác thì cười mà rằng: làm du lịch thì phải phô ra, chứ giấu biệt đi thì còn đến làm gì. Tiếc rằng là trong số những người nước ngoài mà tôi có dịp tiếp xúc, đa phần đều thấy "hidden charm" khó hiểu, và nếu có ai đó thử hiểu, thì họ dễ hiểu sai lệch.

Cứ tạm coi "hidden charm" là ổn, thì một chiến dịch quảng bá du lịch không chỉ bao gồm quảng bá đơn thuần. Nó đòi hỏi tổng thể các vấn đề như: xin visa nhập cảnh dễ dàng, giá cả (vé máy bay + tour - phòng) hợp lý, môi trường (văn hoá và thiên nhiên) thân thiện, sản phẩm du lịch và dịch vụ tốt... Có vẻ như những điều kiện kèm theo tất yếu này, ngoại trừ xin visa, chưa cải thiện được bao nhiêu.

Giá vé bay đến Việt Nam còn quá cao, giá tour, giá phòng cũng vậy. Ví dụ tour từ Châu Âu sang Việt Nam bao giờ cũng đắt hơn khoảng 30-40% so với tour từ Châu Âu đến Thái Lan, Malaysia (May mà có vụ khủng hoảng, du khách ít, các doanh nghiệp du lịch hò nhau giảm giá thì giá mới chịu xuống 30%). Sản phẩm du lịch thì quá nghèo nàn, tỉnh này tỉnh sao chép của tỉnh kia; các thành phố lớn thì ô nhiễm, đội quân ăn xin, đánh giầy, bán hàng rong... quấy rầy du khách. Và còn nhiều điều nữa mà nếu có ai đó lập một website để du khách để lại complain, thì chắc chắn sẽ nhận được vô số.

Du lịch Việt Nam có tiềm năng phát triển không? Chắc chắn có! Việt Nam là vẻ đẹp hiển hiện cả thiên nhiên lẫn văn hoá, chứ không phải vẻ đẹp tiềm ẩn. Nhưng vẫn có những ma thuật bị giấu kín khiến cho nó chưa thể cất cánh bay cao được.

Đã đến lúc gỡ bỏ cái "hidden charm" và thay bằng một thứ khác hay hơn, gợi cảm và độc đáo kiểu như "Malaysia - Truly Asia".

5 comments:

lvu on lúc 23:32 18 tháng 7, 2009 nói...

Xem cái đoạn quảng cáo Malaysia, Truly Asia rất ấn tượng, phải đến lúc cái câu kết phát ra người xem có lẽ mới phát hiện ra đó là Malaysia. Nhưng thấy tụi này bậy, Malaysia thì đâu hẳn là truly Asia.

Logo thực ra theo tôi không hẳn có ảnh hưởng lớn đến du lịch VN hiện nay. Vấn đề cản trở lớn vẫn là thiếu resources và bad behaviors, cộng với việc quá đông dân nên chỗ nào cũng bị chia cắt nham nhở.

LU on lúc 00:32 19 tháng 7, 2009 nói...

em thấy những mẫu design của VN đa số nhìn còn đơn điệu quá. Giống như một bảng khẩu hiệu thì đúng hơn, nên ko bắt mắt. Có dịp nào mà anh được xem tụi design Mỹ nó quảng cáo, thậm chí chỉ là sinh viên thoai, thì anh sẽ phải công nhận cái sự hấp dẩn đến kinh khủng của nó.

Titi on lúc 15:59 19 tháng 7, 2009 nói...

Ở VN có gì biến chuyển nhanh đâu. Cho ngành du lịch thêm thời gian đi anh. Hoặc đợi đời Tí lớn lên, cả thế hệ được đào tạo bài bản chắc chắn sẽ khá khẩm ngay ừ :D

Lý Minh Triết on lúc 23:19 19 tháng 7, 2009 nói...

Cuối cùng thì vẫn là vấn đề con người :)

Nitaduong on lúc 13:46 22 tháng 3, 2010 nói...

Là dân làm du lịch có thâm niên, mà sao động đến vấn đề này vẫn thấy tủi thân quá. Làm du lịch mà thấy chẳng có gì để tự hào là dân VN cả. Đâu cũng quảng bá rầm rộ mà thực ra vốn liếng quá nghèo nàn. Thật xấu hổ mang tiếng là dân làm du lịch. Như vừa rồi, có đoàn khách là dân của đài truyền hình hồng kong, gợi ý sang quay về ẩm thực VN, nghe khoái quá trời. Tới hồng đụng vô việc xin giấy phép, trời ơi, nó nhiêu khê mắc ớn. Chưa kể cán bộ truyền thông nhà nước đi theo hỗ trợ mà công tác phí (bọn tui trả nà, chớ không phải nhà nước hỗ trợ đâu nhá) là 200$/ngày. Chưa kể phải bao hết ăn ở vận chuyển cho cán bộ. Trời ạ, quay phim quảng bá cho VN đó, mà cứ y như đi xin. Theo lệ này thì mình còn bỏ chạy mất dép chớ nói gì đến người nước ngoài. Buồn.

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết