29/11/08

BÁNH MÌ (2)



... Trở về Việt Nam vào cuối thập niên 1980, bao cấp không còn, chẳng những bánh mì, mà gạo, thịt và nhiều thứ khác đều ê hề. Bánh mì không còn là đồ ăn xa xỉ nữa. Có thể ăn bánh mì ở bất cứ đâu, thành phố hay thôn quê, vào bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, hay đơn giản là vào bất cứ lúc nào muốn ăn.

Bánh mì được Việt hoá, giống như nhiều món ăn Âu, Tầu, Ấn trở nên dễ ăn hơn, ngon hơn với thành phần và gia vị Việt Nam. Đầu thập niên 1990, tôi quen một nhóm sinh viên người Nga của Đại học Tổng hợp Vladivostok sang Việt Nam học tiếng Việt. Slava - một chàng trai gốc Ukraina, quả quyết với tôi rằng bánh mì Việt Nam có vị đặc biệt vì nó được làm từ bột gạo. Cho đến giờ tôi vẫn không biết trong thành phần của bánh mì có bột gạo hay không.

Bánh mì - cái món ăn bình dân ấy nuôi được rất nhiều người. Đa phần người bán bánh mì ở các thành phố là những người lao động nghèo. Nhưng cũng có những người chỉ bán bánh mì mà đổi đời. Đó là trường hợp chị Dậu (chị Nguyễn Thị Dậu, chứ không phải chị Dậu trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố) từ người bán bánh mì ở vỉa hè, chỉ bằng nghề này đã làm nên cả một gia tài. Cửa hiệu bánh ba số nhà ở đường Hàm Nghi ngay quận Nhất TP HCM với biển hiệu Như Lan được cả nước biết đến. Chị còn là một mạnh thường quân trong nhiều hoạt động từ thiện.

Người Việt bán bán mì còn thành công cả ở nước ngoài. Chuỗi nhà hàng ăn nhanh "Lee's Sandwiches" chuyên bán bánh mì kiểu Việt Nam, càphê pha kiểu Việt Nam và những món ăn thuần Việt khác xuất hiện ở nhiều tiểu bang của nước Mỹ và đang trở thành một thương hiệu được nhượng quyền kinh doanh có tiếng.

Các cửa hàng của Lee's Sandwiches lúc nào cũng tấp nập khách hàng, không chỉ người Việt mà có đủ cả Mỹ trắng, Mỹ đen, Mễ tây cơ và Mỹ gốc Á. Ông chủ Lê Văn Chiêu khi mới sang Mỹ chỉ là người có xe thức ăn chở cho các sinh viên, nhân viên các hãng. Ba năm trước Lee's Sandwiches của ông đã được xếp vào Top 50 chuỗi cửa hàng thực phẩm của Mỹ.

Hồi Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Hà Nội, một đồng nghiệp Malaysia nhờ tôi dẫn đến một cửa hàng bánh mì để mua mang về nhà. Tôi hỏi: "Ở Kuala Lumpur không có bánh mì à?". Anh đáp: "Có, nhưng mà không ngon. Bánh mì ngon nhất ngoài Châu Âu chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam".

Tôi chở anh đi mua 5 chiếc bánh mì dài (baguette). Hôm sau, nhận được email của anh: "Vợ chồng tôi và ba đứa con ăn hết 5 chiếc bánh chỉ ít phút sau khi tôi về đến nhà. Mỗi người ăn một cái. Ai cũng khen ngon!".

Bánh mì baguette đang là mốt ẩm thực mới của người Hà Nội. Trước chỉ có siêu thị Big C mới có món đặc sản này, nay thì có thể tìm được nó ở nhiều siêu thị khác. Cách đây không lâu, siêu thị FiviMart trên đường Hoàng Quốc Việt lắp đặt hẳn một lò làm bánh mì baguette, cung cấp cho khách hàng những chiếc bánh nóng hổi.

Từ khi FiviMart có món baguette, tôi năng đến siêu thị này, vì nó ở gần nhà tôi và nằm ngay trên đường về nhà. Lò nướng bánh là nơi cuối cùng tôi rẽ đến sau khi đã nhặt nhạnh đủ các thứ cần thiết. Chỗ đó là nơi duy nhất (ngoài quầy thu ngân) có nhân viên túc trực: lúc thì là một cô gái, lúc là một chàng trai, khi là ông chủ lò bánh người Pháp béo phục phịch, mặc đồng phục màu trắng, rút những chiếc bánh nóng hổi từ vỉ nướng cho vào chiếc túi nilon dài có hai quai, tươi cười đưa bánh cho khách.

Chiếc bánh mì dài màu nâu lớp da nâu bóng chỗ đậm chỗ nhạt với lớp thừng xoắn vạm vỡ trên vỏ đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Mùi bánh thơm đủ làm tiết dịch vị đối với bất cứ ai có khứu giác bình thường.

Khi cô thu ngân bận rộn tính tiền, thì tôi nhón tay, véo một miếng bánh bỏ vào miệng. Vỏ bánh ròn tan trong miệng đem lại cảm giác thật tuyệt. Tin tôi đi, không gì đơn giản, rẻ tiền mà lại đem đến cho bạn cái cảm giác phê như thế!

Khệ nệ xách đống đồ ra xe, bao giờ tôi cũng để túi bánh lên ghế trên. Và vừa lái xe về nhà, tôi vừa bẻ bánh ăn. Bánh không! Không kèm bất cứ thứ gì!

Đó thực sự là khoảnh khắc tuyệt diệu mà người ta có thể sống chỉ bằng bánh mì.

Một lần đem xe đi rửa, người rửa xe nói với tôi vẻ ái ngại: "Hình như trong xe anh có loài gặm nhấm nào đó?"

Tôi giật mình: "Thật à?"

Anh hóm hỉnh: "Đây này, vụn bánh đầy dưới thảm!"

Tôi cười: "Loài gặm nhấm đang đứng trước mặt anh đấy".

26/11/08

BÁNH MÌ (1)



Hiển nhiên, tôi thích bánh mì.

Thời bé, tức là hồi đầu thập niên 1970, tôi coi bánh mì như là một món quà xa xỉ. Sáng chủ nhật được mẹ dẫn đi chợ, tôi thích đứng ngoài cổng chợ. Nơi ấy có xưởng bánh mì nhỏ.

Háo hức xem người ta ngào bột, nặn thành những cục bột dài, xếp chúng lên khay, lấy lưỡi dao khía nhẹ dọc theo cục bột (khi bánh chín khía ấy sẽ thành bụng bánh), hồi hộp ngó theo chú công nhân mặc áo may ô, mặt lấp lánh mồ hôi, đẩy từng khay bánh thô vào lò nướng và rút những mẻ bánh chín vàng ruộm ra khỏi lò; phấn khởi hà hít mùi bánh chín thơm ngát.

Thời đấy, bánh mì bán bán qua sổ gạo, trừ vào khẩu phần gạo. Mỗi cân gạo mua được 5 chiếc bánh. Cân gạo thời đó rất quý, nên không ai dám ăn lạm vào khẩu phần thiết yếu hàng ngày. Vì vậy, bánh mì chỉ là món quà.

18 tuổi, sang Liên Xô, thấy ê hề bánh mì. Tôi còn nhớ cái buổi sáng chủ nhật đầu tiên đặt chân đến Minsk, tôi và Dũng (anh bạn cùng phòng người Hải Phòng) chạy loanh quanh khu vực gần ký túc xá đến nửa tiếng đồng hồ mới tìm được một cửa hàng thực phẩm mở cửa vào ngày nghỉ.

Tôi lấy đồng 10 rúp duy nhất (ông chồng bà dì dúi cho trước khi lên máy bay) để mua thức ăn. Hai đứa chọn hết cái nọ đến cái kia, bỏ ra gần 3 rúp mua thức ăn trong đó có cả bánh mì, khệ nệ bê về ký túc xá. Cái bụng lép kẹp của hai cậu sinh viên đói ăn từ một đất nước đói kém mới sang chỉ ăn hết 1/5 số đồ mua được.

Ăn no, nhìn đống đồ ăn mang về, Dũng bảo: "Chúng mình giống người thủy thủ trong chuyện "Khát vọng sống" của Jack London". Cả hai cười chảy nước mắt.

Ở Liên Xô, tôi học được cách ăn bánh mì. Các nhà ăn đều phát không bánh mì, ăn kèm với thức ăn bán ở đó. Nhưng tại những vị trí dễ nhìn thấy nhất trong nhà ăn, người ta cho treo những tấm poster với hình vẽ rất ấn tượng kêu gọi mọi người tiết kiệm bánh mì. Những mảnh vụn từ chiếc bánh mì chảy xuống ngưng tụ thành đống tiền ở bên dưới.

Người Liên Xô thường chỉ lấy 2 lát bánh mì, nếu ăn hết, họ đứng dậy đi lấy thêm một lát nữa. Không hoang phí bánh mì, không hoang phí điện trở thành thói quen và cách hành xử có đạo đức của một công dân văn minh.

Tôi cũng yêu bánh mì đen từ thời đó.

Bánh mì đen của Nga làm từ bột lúa mạch đen có mùi thơm dịu ngọt và ngai ngái của đất đai xứ sở Bạch Dương. Có những người không thích vị hơi chua của bánh mì đen, song những ai chịu được vị đó thì rất dễ bị nghiện.

Cô giáo người Nga của tôi kể một câu chuyện thế này: Trong thời gian chiến tranh Nga - Thổ trong thập niên 40 của thế kỷ 18, đạo quân Nga 54 nghìn người tiến vào lãnh thổ đối phương ở Krym. Những chuyến xe chở lương thảo (bột lúa mạch đen) bị lạc trên thảo nguyên Ukraina. Các "anh nuôi" buộc phải nướng bánh mì từ bột lúa mạch bình thường mua tại chỗ.

Quân Nga ăn bánh mì trắng và bắt đầu bị bệnh. Những người có sức đề kháng tốt hơn thì tuy không ngã bệnh nhưng đều cảm thấy uể oải, mệt mỏi. Hoá ra họ đã quen với bánh mì đen, thứ đồ ăn tuy kém hợp nhãn, nhưng lại giàu vitamin và khoáng chất, có thể đem lại cho họ sức mạnh cần thiết chống chọi với thời tiết và gian khổ trên đường hành quân.

Nhà ăn ở ký túc xá sinh viên ít khi có bánh mì đen. Đơn giản vì bánh mì đen đắt hơn bánh mì trắng.

(còn nữa)

24/11/08

DỊCH VỤ TẠP NHAM



Tôi nhận được một tin nhắn SMS như sau:

"Tu van SDT, BIEN SO XE
So DEP => ThanhCong
So Xau => ThatBai

Soan:
DT Namsinh SDT gui ABCD
VD: DT 1980 0904345xyz

Hoac:
XE NamSinh BSX gui ABCD
VD: XE 1980 0904345xyz"

Tôi thử một cái biển số xe và năm sinh của một người bạn. Kết quả nhận được như sau (cho dấu để bà con dễ đọc):

"Bản mệnh Thủy, BSX của bạn mệnh Kim. Theo quy luật của thuyết Ngũ Hành trong Phong Thủy, Kim sinh Thủy, điều này rất tốt cho bạn. Ban đang sở hữu BSX rất đẹp.

Đây là BSX mang đến cho bạn nhiều may mắn. BSX này giúp bạn thuận lợi trong con đường công danh, sự nghiệp".

Một cô bạn ngồi cạnh, nhờ xem biển số xe của chồng mình có đẹp hay không. Sau tích tắc, chúng tôi nhận được tin nhắn sau:

"Đây là BSX mang đến cho bạn nhiều may mắn. BSX này giúp bạn thuận lợi trong con đường công danh, sự nghiệp".

Không thấy có sự lý giải về Ngũ hành.

Một người khác tò mò hỏi về biển số xe của người bạn thân. Kết quả là:

"Bản mệnh Kim, BSX của bạn mệnh Thổ. Theo quy luật của thuyết Ngũ Hành trong Phong Thủy, Thổ sinh Kim, điều này rất tốt cho bạn. Ban đang sở hữu BSX rất đẹp.

Đây là BSX mang đến cho bạn nhiều may mắn. BSX này giúp bạn thuận lợi trong con đường công danh, sự nghiệp".

Đọc ba cái tin nhắn, bạn thấy nó cũng giống nhau nhỉ. Bạn mệnh gì thì chắc chắn là bạn biết rồi. Dịch vụ chỉ việc biến báo con số trên biển số xe mà bạn gửi đến ra một cái gì đó SINH ra mệnh của bạn. Thế là đảm bảo ai cũng có biển số xe đẹp.

Nếu biển số xe xấu, bạn có đi đổi được không? Chắc chắn là không rồi.

Tin nhắn ban đầu không nêu rõ là dịch vụ này giá bao nhiêu, nhưng chắc là không dưới 5 nghìn một tin nhắn. Ai cũng táy máy một lúc gửi đi vài ba tin, thì người nghĩ ra cái dịch vụ tạp nham này thu bội tiền.

Còn nhiều loại dịch vụ vớ vẩn nhắn tin qua điện thoại. Đừng để người ta lừa, bạn nhé.

Ghi chú:
- "ABCD" là dãy số đàng hoàng, nhưng tôi không viết ra đây để tránh phải quảng cáo không công cho dịch vụ này.
- Theo thông tin bạn HK Family cung cấp trong comment, thì dịch vụ mà tôi sử dụng có giá là 15.000 đ.

22/11/08

LÀM GÌ KHI BỐ EM NGOẠI TÌNH?



Tôi nhận được bức thư này khá lâu, nhưng phần do người gửi viết không có dấu, không thể copy & paste được, phần do quá bận bịu, nên hôm nay mới gõ lại và post lên. Mong mọi người gỡ rối dùm bạn gái này.

"Gia đình em có thể nói là một gia đình bình thường như bao gia đình khác. Bố mẹ em sống trách nhiệm và hai chị em gái em đều rất ngoan ngoãn.

Hàng ngày bố mẹ vẫn đi đi về về đều đặn, ai cũng nhận xét bố em hiền lành, có trách nhiệm với vợ con và bản thân em cũng nghĩ như vậy cho đến tận bây giờ.

Thế nhưng có một ngày, em vô tình mở máy di động của bố em và phát hiện có những mẩu tin nhắn của một người đàn bà khác. Có thể nói là những tin nhắn trên mức tình cảm thông thường.

Gần hai năm kể từ khi phát hiện ra điều đó, em vẫn thấy bố em hẹn hò với người phụ nữ đó. Hồi cách đây một năm, em đã khóc ầm lên và việc này bố mẹ em đều biết. Bẵng đi một thời gian em tưởng mọi chuyện đã chấm dứt sau lần em tỏ thái độ đó. Nhưng vừa rồi thì em mới vỡ lẽ là mọi chuyện vẫn tiếp diễn.

Không rõ mẹ em có biết hay không, nhưng lần này em không thể xử sự như một đứa trẻ được nữa.
Việc đầu tiên em làm là không để cho mẹ em biết. Nhưng em biết nếu em có nói với bố thì bố cũng không nghe, vì trong mắt bố, em không hiểu bố.

Những người trong cuộc luôn biện minh rằng đó chỉ là chỗ dựa tinh thần.

Em thật khó xử quá. Em phải làm sao đây? Không được nói với mẹ, nhưng nói với bố lại không hiệu quả, trong khi em lại không muốn bố gặp người phụ nữ kia nữa.

Em đã từng nghĩ, hay thôi, cứ để cho mọi chuyện qua, vì thực sự em biết bố em vẫn vô cùng trách nhiệm và có thể làm điều gì đó ảnh hưởng đến hạnh phục gia đình.

Thế nhưng cứ nghĩ đến những mẩu tin nhắn là em lại vô cùng thất vọng. Có phải mọi đàn ông trên đời đều thế? Em đang mất cả niềm tin với bạn trai của em.

Liệu em có nên gặp người phụ nữ kia không? Không nên, đúng không ạ? Vậy thì em sẽ phải làm gì? Anh và mọi người có thể cho em một lời khuyên không?"

20/11/08

ÔNG CỤC TRƯỞNG VỀ THĂM TRƯỜNG



Trước Ngày Nhà giáo cả tuần, mọi người đã thấy anh gọi điện: "Này, 20.11 này khóa mình về trường thăm lại các thầy cô, chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo nhé".

Đám bạn đồng khóa cách đây gần 20 năm, người thì hưởng ứng, người thì từ chối: "Mọi năm có đi đâu, sao năm nay lại rửng mỡ lên thế? 20.11, tôi còn phải lo đi lễ thầy cô con tôi, làm sao mà đi thăm trường cũ được!".

Sát ngày, anh cũng hẹn được gần chục người. Tất cả tụ tập ở cơ quan anh vào lúc đầu giờ sáng. Chánh văn phòng đã chuẩn bị sẵn ô tô, một lẵng hoa to với dải lụa đỏ có dòng chữ bay bướm "Cựu sinh viên K... chúc mừng các thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam".

Mọi người phấn khởi lên xe và phóng ra phía ngoại ô.

20.11, giảng viên, sinh viên, cán bộ công nhân viên nhà trường, khách khứa, cựu sinh viên kéo về trường đông nghịt. Nhà trường đang chuẩn bị mít tinh. Thêm một đoàn khách nữa, là cựu sinh viên thì cũng là chuyện bình thường.

Cô nhân viên văn phòng nói: "Ban Giám hiệu đang tiếp khách trên Bộ, các anh chị cứ để hoa ở đây, rồi mời sang hội trường dự mít tinh".

Cất công mang cả một lẵng hoa đến mà lại để úi xùi giữa bạt ngàn hoa không kèn không trống thế này à? Một chị nhanh nhẩu: "Anh này là cựu sinh viên của trường, nhưng cũng là Cục trưởng Cục... Chẳng nhẽ Ban Giám hiệu không dành ít phút để Cục trưởng chúc mừng à?"

Cả đoàn lúc đấy mới nhớ ra anh vừa được bổ nhiệm làm Cục trưởng cách đây mấy tháng.

Cô nhân viên trở nên vồn vã: "Ô thế ạ. Để em đi báo cáo ạ". Vài phút sau cô trở ra, mặt tươi như hoa: "Thầy Hiệu trưởng mời anh với các anh các chị vào ạ". Rồi cô lón cón dẫn cả đoàn vào phòng khách nơi có các vị khách của Bộ đang ngồi.

Hiệu trưởng hóa ra là người học hơn mọi người trong đoàn vài khóa. Ông hồ hởi bắt tay anh: "Quý hóa quá, cựu sinh viên nay đã trở thành Cục trưởng về thăm trường", rồi ông hãnh diện giới thiệu anh với các vị khách của Bộ. Hóa ra đoàn của Bộ cao nhất cũng chỉ là Vụ trưởng.

Anh tặng hoa ông Hiệu trưởng và khiêm tốn: "Thưa các thầy các cô, chúng tôi về thăm trường với tư cách là sinh viên cũ, kính chúc các thầy các cô sức khỏe, hạnh phúc, chúc trường ta mãi mãi xứng đáng với sự tôn trọng của xã hội".

Ông Hiệu trưởng phát biểu: "Chẳng mấy khi có vị cựu sinh viên đặc biệt như thế này trở lại trường cũ, xin mời anh cùng các anh các chị ở lại dự buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo, đồng thời mời anh có đôi lời tâm sự với thế hệ sinh viên mới".

Anh đưa mắt ái ngại nhìn mọi người trong đoàn. Chị phụ nữ lanh chanh lúc nãy lại nói: "Anh nhận lời mời của thầy đi, ai không ở lại được thì anh cho xe đưa về trước, riêng em cũng sẽ ở lại với anh".

Có thêm hai người quyết định ở lại. Những người khác chào ra về. Hiệu trưởng ân cần bắt tay cảm ơn từng người một.

Hội trường vỗ tay vang dội khi nghe ông Hiệu trưởng giới thiệu anh. Các thầy cô ngồi kia chẳng mấy người biết anh. Đám sinh viên nhìn anh với cặp mắt ngưỡng mộ.

Anh lên bục tâm sự với sinh viên. Anh nói tâm huyết lắm, sự thông minh, khéo léo và tài ăn nói - những chìa khóa đã dẫn anh đến chiếc ghế Cục trưởng hôm nay, chinh phục được cả hội trường. Anh - ví dụ sống của sự thành đạt, về sự trưởng thành của sản phẩm ngôi trường này, như tiếp thêm niềm tin cho lớp sinh viên mới. Mắt họ ngời sáng. Dường như ai cũng tin mình sẽ trở thành ông Cục trưởng trong tương lai.

Ngày hôm sau, website của trường đưa lên trang chủ tấm hình anh đang phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo cùng một bài dài với dòng tít to: "Cục trưởng Nguyễn Văn X. - cựu sinh viên xuất sắc của trường".

Ngày hôm sau nữa, điện thoại của anh nhận được tin nhắn vẻn vẹn có một câu: "Vinh quy bái tổ oách quá nhỉ?"

THẦN TƯỢNG



1. Tháng Tư năm 2004, tôi đến Pháp. Đi cùng một người bạn đến Bảo tàng Louvre. Tôi đã thăm bảo tàng này, nay cũng muốn dạo qua đó một vòng nữa, nhưng nhìn thấy dòng người xếp hàng quá dài mà ngán, nên đành từ bỏ ý định đó.

Chúng tôi rẽ vào quán càphê ở terrace bảo tàng trông ra khoảng sân rộng có kim tự tháp bằng thuỷ tinh nơi có vô số du khách đứng chụp hình. Lại xếp hàng. Nhưng hàng ngắn hơn và chừng 15 phút sau được bồi dẫn đến bàn.

Đi được nửa hai chục bước chân, tôi bỗng khựng lại.

Một người đàn ông chừng bảy chục tuổi mái tóc bạc trắng, dáng vẻ phong trần đang ngồi cùng một cặp còn rất trẻ. Ông mặc chiếc áo len đan bện thừng không cổ màu trắng, tay áo kéo lên hơi cao một chút, chiếc quần linen mầu ngà cùng đôi giầy lười màu be. Mặt đầy nếp nhăn nhưng toát lên vẻ hóm hỉnh qua nụ cười rộng hoác.

Trễ nải đầy phong độ, lịch lãm một cách phóng khoáng, sang trọng như thể sinh ra chỉ để sang trọng.

Đó là Jean Paul Belmondo, ngôi sao màn bạc nổi tiếng của Pháp trong thập niên 1950-1970, lừng lẫy với những vai diễn hành động như muốn nổ tung màn ảnh nhỏ đen trắng của những đứa trẻ mới lớn ở miền Bắc trong thập niên 1980.

Và giờ đây, ông đang ngồi đó, trước mắt tôi, cách tôi chỉ vài bước chân.

Người tôi như tê liệt, hàm cứng lại, cổ họng khô khốc. Người bồi quay lại nhìn tôi vẻ nhắc nhở. Tôi bước theo anh ta như một cái máy.

Về đến bàn dành cho mình, tôi ngồi xuống. Vài phút sau, sực nhớ ra chiếc máy ảnh cầm trong tay, một ý nghĩ chợt loé lên: Sao không xin chụp ảnh cùng ông, xin ông một chữ ký, chắc chắn ông sẽ không chối từ.

Tôi đứng lên và vội vã quay lại chỗ Jean Paul Belmondo ngồi. Nhưng cả ông lẫn cặp thanh niên đều không còn ở đó nữa...

Thật tiếc vì cơ hội như thế sẽ không bao giờ lặp lại nữa.

2. Richmond, bang Virginia, Hoa Kỳ, đầu tháng 11.2008. Tôi đến văn phòng tranh cử của Obama tại thành phố này.

Người Mỹ nói chung đều tốt bụng, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Thấy một nhà báo, dù của nước nào, họ cũng vui vẻ tiếp đón và nói chuyện.

Ở đó tôi gặp Bob Hiett, 64 tuổi, một tình nguyện viên da trắng của Đảng Dân chủ. Ông bảo: "Anh cứ làm việc của anh đi, khi nào xong thì gọi tôi, tôi sẽ kể cho anh nghe chuyện này".

Y hẹn, khi đã hỏi han những nhân vật cần thiết, đủ tư liệu cho bài viết về hoạt động của văn phòng này, tôi gọi Bob Hiett. Ông nói: "Ta ra ngoài phố hút thuốc nhé".

Rít một hơi thuốc, ông kể: "Tôi đã được gặp Obama, trong cuộc diễn thuyết của ông ấy tại Richmond hồi tuần trước. Ông ấy là một con người kỳ lạ. Anh có tin không, nghe ông ấy nói, tôi thấy ông ấy là người trung thực, có nhân cách, có lương tâm. Ông ấy hùng biện, nhưng có chừng mực. Là công dân thế giới, va chạm với nhiều tầng lớp và nhiều nền văn hoá, ông ấy đo được độ nhạy cảm của thế giới. Ông ấy hiểu được những người không giống mình. Tuổi trẻ, sự nhạy cảm và thông minh sẽ cho ông ấy tất cả".

Tôi hỏi: "Khi gặp Obama, ông có cảm giác như thế nào?"

Bob Hiett nheo mắt: "Chưa bao giờ đứng gần một VIP như vậy, nên tôi hồi hộp ghê lắm. Thật kỳ lạ, tôi đã ở tuổi này, già hơn Obama gần hai chục tuổi, mà tôi thấy tim đập rộn ràng. Obama rất thân thiện. Tôi giơ tay ra và nói "Kemenangan", ông sững lại vài giây, bắt tay tôi và cười: "Terima kasih"! Đó là tôi nói bằng tiếng Indonesia. "Kemenangan" là chiến thắng, Obama đáp lại "Cảm ơn". Trước tôi đã có thời gian ở Malaysia, nên vẫn còn nhớ đôi ba từ Indonesia".

Bob Hiett khoe: "Anh biết không, các phóng viên ảnh đã chụp được khoảnh khắc đó và tấm ảnh Obama tươi cười bắt tay tôi được đăng trên trang Nhất của báo New York Times. Ngày hôm sau, cháu tôi gọi điện báo, tôi mừng khôn xiết. Tôi đã kiếm được một tờ và đó là kỷ niệm vô giá đối với tôi".

18/11/08

NGHE TRONG GIÁ RÉT



Đi hết cả một miền rét xứ người mà về đến Hà Nội vẫn chưa thấy rét.

Nhưng đêm nay trời sẽ trở gió. Gió mùa đông bắc sẽ về và sáng mai có thể sẽ được trầm mình trong gió lạnh.

Cái lạnh mùa đông xứ Bắc khắc nghiệt mà sao ta vẫn thèm thuồng.

Thương ai không được nếm trải giá rét.

Thương ai không bị tê tái da thịt vì giá rét.

Thương ai buộc phải lãng quên giá rét.

Ta biết, họ có thể không bị tê tái da thịt, nhưng lại có thể bị tê tái cõi lòng.

Đêm nay đầu bắc trở gió, đầu nam đón bão. Thật trớ trêu.

May mà bão đã tàn.

Còn giá rét thì vẫn chưa bắt đầu...

Free hit counters

16/11/08

THẾ GIỚI CÓ NHỮNG VỊ LÃNH ĐẠO NÀO THUỘC THẾ HỆ 6X?



Tổng thống Nga Medvedev sinh năm 1965, Tổng thống mới được bầu của Mỹ Barack Obama sinh năm 1961. Lãnh đạo hai cường quốc của thế giới là những nhân vật 6X. Đó mới chỉ là những nhân vật được nhiều người biết đến. Thế giới có gần 40 nhà lãnh đạo (Quốc vương, Tổng thống, Thủ tướng) thuộc thế hệ 6X, 7X.

Họ là ai?
  1. Tigran Sargsyan, sinh ngày 29.1.1960, làm Thủ tướng Armenia từ 9.4.2008.
  2. Alfred Gusenbauer, sinh ngày 8.2.1960, làm Thủ tướng Áo từ 1.2007.
  3. David John Howard Thompson, sinh tháng 12.1961, làm Thủ tướng Barbados từ tháng 1.2008.
  4. Yves Camille Désiré Leterme, sinh 6.10.1960, làm Thủ tướng Bỉ từ 3.2008
  5. Sergey Dmitrievich Stanishev, sinh 5.5.1966, Thủ tướng Bulgaria.
  6. Pierre Nkurunziza, sinh ngày 18.12.1963, là Tổng thống Burundi.
  7. José Maria Pereira Neves, sinh ngày 28.3.1960, là Thủ tướng của Cape Verde từ 1.2.2001
  8. Roosevelt Skerrit, sinh ngày 8.6.1972, là Thủ tướng của Dominica từ 8.1.2004.
  9. Rafael Vicente Correa Delgado, sinh ngày 6.4.1963, là Tổng thống Ecuador từ 15.1.2007.
  10. Elías Antonio Saca González , sinh ngày 9.3.1965, là Tổng thống El Salvador từ 1.6.2004.
  11. Mikheil Saakashvili , sinh ngày 21.121967, là Tổng thống Gruzia từ 25.1.2004.
  12. Bharrat Jagdeo, sinh ngày 23.1.1964, là Tổng thống của Guyana từ 11.8.1999.
  13. Ferenc Gyurcsány, sinh ngày 4.6.1961, là Thủ tướng Hungary từ 29.9.2004.
  14. Brian Cowen, sinh ngày 10.1.1960, là Thủ tướng Ireland từ 7.5.2008.
  15. Guillaume Kigbafori Soro, sinh ngày 8.5.1972, là Thủ tướng của Cote d’Ivoire từ 4.4.2007.
  16. Abdullah II bin al-Hussein, sinh ngày 30.1.1962) lên ngôi Quốc vương Jordan ngày 7.1.1999.
  17. Karim Kajymqanuly Massimov, sinh năm 1965, làm Thủ tướng Kazakhstan từ 10.1.2007.
  18. Igor Vitalyevich Chudinov, sinh ngày 21.8.1961, là Thủ tướng Kyrgyzstan từ 24.12.1961.
  19. Letsie III (tên khai sinh David Mohato Bereng Seeiso), sinh ngày 17.7.1963, là Quốc vương Lesotho từ 1990.
  20. Branko Crvenkovski , sinh ngày 12.10.1962, là Tổng thống Macedonia từ 12.5.2004.
  21. Nikola Gruevski, sinh ngày 31.8.1970, là Thủ tướng Macedonia từ 27.8.2006.
  22. Mohamed Nasheed, sinh ngày 17.5.1967, là Tổng thống Maldives từ 11.11.2008.
  23. Felipe de Jesús Calderón Hinojosa, sinh ngày 18.8.1962, là Tổng thống Mexico từ 1.12. 2006.
  24. Milo Đukanović, sinh ngày 15.2.1962, là Thủ tướng Montenegro từ 29.2.2008.
  25. Quốc vương Morocco Mohammed VI, sinh ngày 21.8.1963, lên ngôi tháng 7.1999.
  26. Marcus Stephen, sinh ngày 1.10.1969, là Tổng thống Nauru từ tháng 12.2007.
  27. John Phillip Key, sinh ngayf 9.8.1961, trở thành Thủ tướng New Zealand sau cuộc bầu cử 8.11.2008.
  28. Martín Erasto Torrijos Espino, sinh ngày 18.7.1963, là Tổng thống Panama từ 1.9.2004.
  29. Dmitry Anatolyevich Medvedev, sinh ngày 14.9.1965, là Tổng thống Nga từ 7.5.2008.
  30. Bernard Makuza, sinh năm 1961, là Thủ tướng Rwanda từ 8.3.2000.
  31. Robert Fico, sinh ngày 15.9.1964, là Thủ tướng Slovakia từ 4.7.2006.
  32. Borut Pahor, sinh ngày 2.11.1963, là Thủ tướng Slovenia từ 7.11.2008.
  33. José Luis Rodríguez-Zapatero, sinh ngày 4.8.1960, là Thủ tướng Tây Ban Nha từ 17.4.2004.
  34. John Fredrik Reinfeldt, sinh ngày 4.8.1965, là Thủ tướng Thuỵ Điển từ 6.10.2006.
  35. Bashar al-Assad, sinh ngày 11.9.1965, là Tổng thống Syria, từ 17.7.2000.
  36. Gilbert Fossoun Houngbo, sinh năm 1961, là Thủ tướng Togo từ 9.9.2008.
  37. Yulia Volodymyrivna Tymoshenko, sinh ngày 27.11.1960, là Thủ tướng Ukraina từ 18.12.2007.
  38. Barack Hussein Obama II, sinh ngày 4.8.1961, chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 4.11 vừa qua, sẽ nhậm chức Tổng thống từ 20.1.2009.

15/11/08

CÓ NÊN TIẾC KEM TRÀNG TIỀN?



Hơi ngạc nhiên khi thấy Thời sự VTV1 dành hẳn mấy phút để bày tỏ nỗi day dứt khi kem Tràng Tiền đang bị tranh chấp và đặt hẳn câu hỏi "Khi nào thì kem Tràng Tiền trở lại?".

Sống ở thủ đô đã hơn 1/4 thế kỷ, song thú thực là tôi mới chỉ ăn kem Tràng Tiền vài ba lần. Từ hồi còn bao cấp. Thời đó cái gì mà chẳng ngon.

Sau này đi qua Tràng Tiền, cũng có ý định rẽ vào mua một que ăn thử xem kem Tràng Tiền dạo này ra sao, nhưng lần nào cũng thấy dân tình xúm đông xúm đỏ, nên ngại.

Thực ra thì kem Tràng Tiền có ngon không? Bạn bè, người quen của tôi người thì bảo nó cũng bình thường, người thì bảo nó cũng tương đối ngon, nhưng chắc chắn không thể ngon hơn những loại kem khác.

Có chăng là giá của nó phải chăng, phù hợp với nhiều người dân.

Bản thân sản phẩm kem thì tương đối OK, nhưng nói "kem Tràng Tiền" (cái sự ăn sản phẩm ấy) là nét đẹp văn hoá của người thủ đô, thì e hèm, nên xem lại.

Ai có dịp đi qua khu vực này, nhất là trước cửa rạp Công Nhân, có thể thấy que kem vứt la liệt dưới lòng đường hè phố, kèm theo đó những chiếc khăn lau miệng cũng bị vứt toẹt xuống đất. Những chiếc kem ăn không hết rơi xuống đường ruồi đậu từng đàn.

Người mua kem, ăn kem nhiều khi làm huyên náo, thậm chí tắc cả một đoạn đường.

Mua kem thì khỏi phải bàn, lộn xộn, chẳng hàng lối gì hết, mạnh ai nấy mua. Các cô bán hàng thì mặt lạnh như tiền.

Mua được que kem, người ta phải ăn ngay trên phố Tràng Tiên, nên nói chung là cái đường phố thuộc loại đẹp nhất Thủ đô, có ngay cái đoạn lộn xộn mất trật tự ở chỗ cửa hàng kem Tràng Tiền.

Nếu có ai khen kem Tràng Tiền ngon, thì có lẽ là khen cái dư vị ngọt ngào hiếm hoi của thời bao cấp còn đọng lại trong một rãnh nào đó của trí nhớ.

Tôi thì thấy rằng không nên delete cái rãnh ấy, nhưng cũng chẳng nhất thiết phải duy trì kem Tràng Tiền.

Ảnh: Otosaigon

5/11/08

CỬ TRI MỸ TRONG NGÀY BỎ PHIẾU LỊCH SỬ



Mưa khá nặng hạt từ sáng sớm đã không thành trở ngại đáng kể đối với cử tri Richmond (thủ phủ bang Virginia). Vào lúc 7 giờ sáng, tức một giờ sau khi cuộc bầu cử tiến hành, tôi đến phòng bỏ phiếu số 211 tại Thư viện chính Richmond ở trung tâm thành phố, và thấy gần 100 người xếp hàng. Họ tranh thủ đi bầu cử sớm để kịp giờ đi làm.

Nhìn chung cử tri Mỹ đều hồi hộp và phấn khích vì được tham dự vào một sự kiện quan trọng. “Đây là lần đầu tiên nước Mỹ sẽ có hoặc tổng thống da đen hoặc phó tổng thống là phụ nữ, cho nên tôi muốn được là một phần của sự kiện lịch sử này” – chị Julie Johnes, cử tri da mầu nói với phóng viên báo Lao Động.

Tham gia và chứng kiến lịch sử

Tôi đến phòng bỏ phiếu số 402 tại Nhà thờ Forest Hill (phía nam Richmond) vào lúc 8 giờ 30. Mưa lúc này đã ngớt hơn. Phía ngoài nhà thờ, tình nguyện viên của hai đảng vẫn đội mưa đứng phát tờ rơi vận động bỏ phiếu vào phút chót. Một trong số đó là người phụ nữ tầm 30 tuổi, địu con trước ngực, một tay cầm ô che mưa, một tay phát tờ rơi cho cử tri. Một nam cử tri da đen tầm 25 tuổi, thấy tôi bước vào thì cười và nói: “Anh thật may mắn, đến đúng vào giờ vàng, không phải xếp hàng”.

Ông William Hand, 66 tuổi, cử tri da trắng hãnh diện đứng để nhân viên bầu cử gắn miếng dán có dòng chữ “I voted” (Tôi đã bỏ phiếu) lên ngực chiếc áo khoác dính nhiều nước mưa. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Lao Động: “Cảm tưởng của ông về cuộc bầu cử như thế nào?”, ông nói: “Tôi thấy có 3 điều hay, thứ nhất: không khí ở phòng bỏ phiếu nhộn nhịp, thứ hai: tỉ lệ cử tri đi bầu cao; thứ ba: tôi cảm thấy rất hài lòng”. Ông Hand đã phục vụ trong Hải quân Mỹ và tham chiến tại Việt Nam trong những năm 1963-1964. “Tôi đã thấy chiến tranh và tôi không bao giờ bỏ phiếu cho những ai gây chiến” – ông nói.

Trong ngày bầu cử các trường học đều nghỉ, nhiều trường được sử dụng làm phòng bỏ phiếu. Trường Trung học Deep Run của quận Henrico (nơi bà Palin đến vận động tranh cử đêm 1.10) dành khu tập thể thao làm nơi bỏ phiếu. Henrico là nơi sinh sống của nhiều cử tri gốc Việt. Ông Dương Dinh, 48 tuổi, Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Richmond, là một trong những tình nguyện viên làm việc tại phòng bỏ phiếu này. Công việc của ông Dinh là trợ giúp những cử tri gốc Việt và cử tri gốc Á hạn chế tiếng Anh, hoặc không thạo kỹ thuật, thực hiện đúng sự lựa chọn mà họ mong muốn. Bên cạnh đó ông còn tham gia giúp lấy thăm dò ý kiến cử tri cho Quỹ Bảo vệ pháp lý và Giáo dục của người Mỹ gốc Á.

“Tôi làm tình nguyện viên trong mấy cuộc bầu cử gần đây. Văn phòng bảo hiểm của tôi còn phân công một nhân viên chở những cử tri cao tuổi từ nhà họ đến phòng bỏ phiếu. Chỉ cần họ gọi điện báo chỗ ở là chúng tôi sẽ đáp ứng ngay” – ông Dinh cho hay. Đến 12h30, đã có hơn 100 cử tri gốc Á đồng ý trả lời vào phiếu thăm dò sau khi bỏ phiếu xong. Người phụ trách điểm thăm dò này cho hay 70% trong số đó bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Barack Obama: “Đây là khu vực tập trung đông cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa, nhưng tỉ lệ trên cho thấy cử tri gốc Á đã ngả sang ủng hộ cho Đảng Dân chủ”.

Phòng bỏ phiếu ở Trường Trung học Midlothian quận Chesterfield (nằm cách Trường Deep Run 33 km) vào lúc 14 giờ khá nhộn nhịp. Ngay lối vào, tình nguyện viên của hai đảng phát cho cử tri những mẫu phiếu in sẵn bầu cho ứng cử viên của họ (tổng thống, phó tổng thống, thượng nghị sĩ, thị trưởng…) . Phiếu mầu hồng dành dành cho cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa, phiếu màu xanh da trời dành cho cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ. Eric Lin, tình nguyện viên tại phòng bỏ phiếu này, chỉ tay vào khoảng 50 cử tri đang xếp hàng, cho hay: “Đây là hàng ngắn nhất mà tôi thấy từ sáng tới giờ. Khoảng 5 giờ chiều trở đi, tức là sau giờ làm, cử tri sẽ đến nhiều hơn và sẽ phải xếp hàng rất dài”.

“Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ. Cử tri da đen đã được thấy sự công bằng đối với mình khi một người Mỹ gốc Phi trở thành ứng cử viên tổng thống được nhiều cử tri mong đợi nhất. Trong một thập niên qua, số cử tri gốc Á ở bang Virginia đã tăng gấp đôi lên 365 nghìn người. Họ mới chỉ lo làm ăn mà chưa quan tâm đến việc làm thế nào để tiếng nói của mình được nghe thấy. Chúng tôi mong muốn sau cuộc bầu cử lịch sử này, tiếng nói của cử tri gốc Á cũng sẽ được chú ý” – ông Eric Liang Jensen, Chủ tịch Liên minh người Mỹ Châu Á – Thái bình dương của Virginia, nói với phóng viên báo Lao Động.

Bầu cử công nghệ cao

Hầu hết phòng bỏ phiếu ở bang Virginia đều được trang bị các máy bầu cử công nghệ cao. Phòng bỏ phiếu ở Trường TH Deep Run được trang bị máy bầu bằng màn hình cảm ứng. Cử tri dùng ngón tay để bấm vào những ô ghi tên ứng cử viên mà mình ủng hộ. Màn hình được đặt ngang tầm tay trong những phòng nhỏ, giống như phòng đặt máy điện thoại công cộng ngoài đường phố. Màn hình để ngang tầm tay. Sau khi cử tri lựa chọn 1 cặp trong số 6 liên danh trong danh sách, trên màn hình hiện lên tên cặp ứng cử viên mà họ bầu và hỏi lại xem có đúng cử tri muốn bầu cho liên danh đó không. Nếu cử tri trả lời đúng, thì trên màn hình mới hiện ra nút “Vote”. Nhấn vào nút đó, cử tri thực hiện xong quyền công dân của mình.

Cách bầu cử này tỏ ra hiệu quả, vì nó không gây nhầm lẫn như bỏ phiếu bằng giấy, hoặc đục lỗ. Sự lựa chọn của cử tri được ghi nhớ và chuyển ngay về trung tâm xử lý, khiến việc kiểm phiếu được thực hiện đầy đủ và chính xác. Trong mỗi phòng đặt máy bỏ phiếu đều dán tài liệu hướng dẫn bỏ phiếu để cử tri có thể thao tác chính xác. Những người không thạo kỹ thuật và tiếng Anh có thể nhận sự trợ giúp từ người thân, bạn bè hoặc tình nguyện viên (tuy nhiên những người này phải đăng ký đầy đủ họ tên, địa chỉ và phải cam kết giúp cử tri một cách vô tư, không lợi dụng cơ hội để bỏ phiếu theo ý của mình).

Một nữ cử tri gốc Việt ngoài 40 tuổi (đề nghị không nêu tên), bỏ phiếu tại Trường TH Deep Run vào giờ nghỉ trưa cho hay: “Chồng tôi đến bầu, thấy cử tri khá vắng nên gọi tôi đến bầu ngay để khỏi phải xếp hàng. Lần đầu tiên bỏ phiếu bằng cách này tôi thấy rất dễ dàng và thuận lợi”. Khi được hỏi bầu cho ai, chị nói: “Gia đình tôi đã thống nhất từ trước là bỏ phiếu cho Obama, chúng tôi thấy đã đến lúc nước Mỹ cần thay đổi”.

Không có “hiệu ứng Bradley”

Michael Paul Williams, 50 tuổi, người Mỹ gốc Phi, gọi đêm 4.11 là “Big Night” (đêm lớn). Cùng một số người bạn cả da trắng lẫn da mầu, anh ngồi trong quán Irish Pub ở nội thành Richmond uống bia và xem truyền hình trực tiếp kết quả kiểm phiếu trên kênh CBS6. “Đêm lớn” bắt đầu từ 8 giờ tối, McCain giành được chiến thắng trước với 18 phiếu đại cử tri, trong khi Obama mới chỉ được 3 phiếu.’

Williams lo ngại sẽ xảy ra “hiệu ứng Bradley”. Năm 1982, Thị trưởng Los Angeles lúc đó là người Mỹ gốc Phi Tom Bradley tranh cử Thống đốc bang California cùng một ứng cử viên da trắng. Thăm dò dư luận trong cử tri da trắng cho thấy ông Bradley sẽ thắng. Tuy nhiên đa số cử tri da trắng đã nói dối khi trả lời thăm dò dư luận, vì ngại bị mang tiếng là kỳ thị chủng tộc. Kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Bradley thua cử chỉ với chênh lệch 1% số phiếu (tức 100 nghìn cử tri).

Klaus, người bạn da trắng gốc Đức của Williams, cho rằng “hiệu ứng Bradley” sẽ không lắp lại, vì một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ đó và nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều. “Obama là một ứng cử viên đặc biệt, nhiều cử tri da trắng ủng hộ ông ấy thật sự, chứ không chỉ nói trên đầu lưỡi”.

Không khí lo ngại phần nào được xua đi khi có tin Obama giành được 21 phiếu đại cử tri ở Pennsylvania, bang mà phe Cộng hòa bỏ rất nhiều nỗ lực để giành giật, nâng số phiếu đại cử tri mà Obama thu được lên 175. Kênh CBS6 phát cảnh hàng vạn người ủng hộ Obama hò reo phấn khích tại công viên Grant Park ở trung tâm Chicago. Williams vui mừng: “Phải thế chứ”!

Tuy nhiên, bang “chiến địa” Virginia, nơi họ đang sinh sống, lại cho thấy cuộc đua sít sao nhất trong số các bang của nước Mỹ: Obama và McCain giành nhau từng phiếu một, kết quả cập nhật 5 phút một cho thấy họ đều thu được xấp xỉ 50% phiếu. Lúc 10h10, Obama nhỉnh lên 50% với 13 nghìn phiếu nhiều hơn. Đến thời điểm này, Obama đã giành được 202 phiếu đại cử tri, bỏ xa McCain với 80 phiếu. Mặc dù Obama chiến thắng dễ dàng tại các bang thân thiện với Đảng Dân chủ với tỉ lệ phiếu cao trên 60% tại Vermont, New York, Connecticut, Massachusetts và Maryland, song tổng số phiếu phổ thông mà ông thu được cũng chỉ hơn McCain có 1,012 triệu phiếu, tức 1% phiếu bầu.

30 phút sau số phiếu đại cử tri của ông McCain tăng lên 114, trong khi ông Obama vẫn giữ nguyên. Nhưng Williams nói chắc như đinh đóng cột: “Sẽ không có hiệu ứng Bradley trong “đêm lớn” này”. 20 phút sau, Obama có thêm 18 phiếu. 10h58 phút, cả nhóm bạn của Williams trong quán Irish Bar đứng dậy vỗ tay khi hay tin Obama đã chinh phục được bang chiến địa Virginia của họ. Với 51% số phiếu thu được, lần đầu tiên sau 44 năm một ứng cử viên Đảng Dân chủ giành chiến thắng tại bang được coi là hậu phương của Đảng Cộng hòa. Chỉ 2 phút sau, các kết quả kiểm phiếu của các bang California, Washington, Oregon được cập nhật, ông Obama chiến thắng ở cả 3 bang này, giành được 324 phiếu đại cử tri.

Nước mắt long lanh trên mắt Williams. Mong ước “Chúng ta cần thay đổi” trong hành trình 21 tháng tranh cử của Barack Obama, mong ước của hàng triệu người Mỹ, trong đó có những người như Williams về sự bình đẳng thực sự giữa các mầu da đã trở thành hiện thực. Nước Mỹ lật một trang lịch sử mới: Vị Tổng thống da đen đầu tiên và là vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã được bầu ra.

4/11/08

ĐẾN THUNG LŨNG SHENANDOAH XEM OBAMA DIỄN THUYẾT



Thung lũng Shenandoah nằm ở phía Tây bang Virginia, được bao bọc bởi một bên là dãy núi Blue Ridge, một bên là rặng Appalachian.

Shenandoah mùa này tuyệt đẹp với những ngọn đồi bát úp vàng rực rỡ trong nắng thu. Đây là vùng đất nông nghiệp phì nhiêu với những nông trại trù phú về trồng trọt và chăn nuôi gia súc.

Trăm năm mới có một lần

Hai vợ chồng ông bà Philip và Catherine Wentworth là chủ một nông trại như vậy. Ngày 28.10 họ thu xếp công việc trong buổi sáng, ăn trưa thật nhanh rồi lái xe đến Trung tâm Hội nghị của Đại học James Madison ở Harrisonburg, đô thị chính của thung lũng có hơn 4 vạn dân.

"Chúng tôi muốn chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử, bởi đây là lần đầu tiên trong hơn 100 năm qua, một ứng cử viên tổng thống đến vận động tranh cử ở thung lũng Shenandoah này" - ông Philip nói. Hai vợ chồng kiên nhẫn đứng trong dòng người xếp hàng dài đến gần 2km chờ đến lượt kiểm tra an ninh vào bên trong trung tâm hội nghị dưới thời tiết khá lạnh.

Hôm nay cử tri Harrisonburg nói chung và cử tri thung lũng Shenandoah nói riêng có cơ hội nhìn thấy ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama bằng xương bằng thịt. Ông thực hiện chuyến đi thứ 9 tới bang Virginia, và chỉ riêng trong ngày 28.10, sau Harrisonburg ông sẽ tới Norfolk, thành phố phía đông của Virginia. Khoảng cách giữa hai điểm là gần 400km.

Với 13 phiếu đại cử tri, Virginia là bang quan trọng đối với các ứng cử viên trong việc giành được 270 phiếu cần thiết để trở thành tổng thống mới của nước Mỹ. Trong lịch sử 44 năm gần đây, Virginia luôn dành chiến thắng cho các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa. Nhưng tình hình năm nay đã đổi khác, kết quả thăm dò dư luận mới nhất do báo Washington Post tiến hành cho thấy có đến 54% cử tri Virginia ủng hộ Obama và chỉ có 44% ủng hộ McCain.

Tuy nhiên ở Shenandoah, theo kết quả thăm dò dư luận ngày 22.10 của báo Richmond Times-Dispatch, thì ông McCain dẫn trước với 57%, trong khi Obama chỉ được 35% và có đến 9% chưa rõ sẽ bỏ phiếu cho ai.

"Chúng tôi đã bỏ phiếu cho ông W. Bush trong cuộc bầu cử lần trước. Nhưng chúng tôi đã quá thất vọng vì tình hình ngày một tồi tệ. Vợ chồng tôi muốn bầu cho Obama, nhưng phải tận mắt xem ông ấy như thế nào rồi mới quyết định" - bà Chatherine nói. Họ nằm trong con số 9% và là đối tượng cử tri mà cả ông Obama lẫn ông McCain đang nỗ lực lôi kéo trong tuần cuối cùng trước bầu cử.

Vạn lẻ một người

Khán phòng của Trung tâm Hội nghị Đại học James Madison có 7.156 chỗ ngồi. Sau khi qua cửa kiểm soát an ninh dành cho báo chí, tôi vào bên trong lúc 3 giờ 15 phút chiều. Khi đó cử tri đã đến gần nửa hội trường, nhiều thanh niên có mặt ở đây từ 8 giờ sáng. Đến gần 4 giờ chiều, hội trường đã được lấp đầy. Lucianno, phóng viên hãng tin Ansa (Italia) nói: "Tôi đi dự nhiều cuộc vận động tranh cử của cả Obama lẫn McCain, ở đâu Obama cũng thu hút được kín khán phòng, trong khi McCain có cử tọa thưa thớt hơn". Ước tính khoảng 10 nghìn người có mặt tại đây.

4 giờ 15 phút, ban tổ chức địa phương bắt đầu tiến hành các thủ tục như cầu Chúa, hát quốc ca và kêu gọi mọi người đi bỏ phiếu.

4 giờ 27 phút, đám đông một vạn người bắt đầu hô to: "Obama, Obama, Obama!".

Ba phút sau, các nhân viên truyền thông ném những tấm biển hình chữ nhật bằng bìa cáctông một mặt in logo chiến dịch tranh cử của Obama và Biden, mặt kia in khẩu hiệu tranh cử của họ là "Change We Need" (Chúng ta cần thay đổi) cho đám đông thanh niên đứng ngay dưới khán đài nơi Obama sẽ diễn thuyết. Họ hào hứng tranh nhau tấm biển đó. Riêng những người ngồi trên khán đài phía sau lưng Obama thì mỗi người đều có một tấm để tạo hiệu quả hình ảnh đối với các ống kính máy quay truyền hình.

4 giờ 48 phút, Timothy Kaine, Thống đốc bang Virginia cùng Mark Warner, ứng cử viên Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ bang Virginia, xuất hiện trong tiếng hò reo của cử tọa. Đáp lại lời của ông Kaine: "Chúng ta chưa bao giờ bầu cho một ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ từ năm 1964 đến nay", đám đông đồng thanh hô: "Yes, we can! Yes, we can!" (Chúng ta có thể).

Ông Warner nói: "Sau đúng một tuần nữa, chúng ta cần một nhà lãnh đạo đưa tất cả chúng ta quay trở lại con đường đúng. Obama là người thích hợp trở thành người lãnh đạo của chúng ta".

Warner nói xong câu đấy vào lúc 4 giờ 55 phút. Và Obama xuất hiện trong bộ complet màu đen, cravate màu xám bạc, tươi cười giơ cao tay vẫy giữa các vệ sĩ và đám tùy tùng. 10 nghìn cử tọa đứng lên, vỗ tay rào rào và la hét đầy phấn khích. Vị Thượng nghị sĩ bang Illinois này có gương mặt thiện cảm, phong thái nhẹ nhàng, giọng nói truyền cảm và ấm áp.

Ông mở đầu bài diễn thuyết với ba con số: 8 năm, 21 tháng và 1 tuần. 8 năm đó là thời gian với những chính sách của chính quyền Bush dẫn đến tình hình kinh tế xã hội nước Mỹ xuống mức thấp như hiện nay; 21 tháng với những nỗ lực tranh cử không mệt mỏi của ông với mong muốn tạo được sự thay đổi cho nước Mỹ; 1 tuần là thời gian từ nay đến thời điểm quyết định - ngày bầu cử. "Chúng ta cần thay đổi và làm được điều đó, tôi cần sự trợ giúp của các bạn" - Obama nhấn mạnh. Và đám đông lại đồng thanh: "Yes, we can! Yes, we can!".

Obama nói đùa, ứng cử viên tổng thống lần trước đến Harrisonburg trong cuộc bầu cử năm 1860 là Stephen Douglas, nhưng người thắng cử lại là Abaraham Linncoln. Việc một người có tên là Barak Obama, ứng cử viên Tổng thống Mỹ đến thăm là bằng chứng về sự tiến bộ ở bang này.

Obama kêu gọi các cử tri củng hộ ông ở thung lũng Shanandoah vốn lâu nay là hậu phương của Đảng Cộng hòa hãy tiếp tục đi gõ cửa từng nhà thuyết phục họ bỏ phiếu cho ông từ nay cho đến ngày bầu cử. Một trong những điểm then chốt mà ông công kích ông McCain trong cuộc diễn thuyết này là kế hoạch y tế của đối thủ, khi nhận xét rằng "đó là chính sách cực đoan", và kết nối McCain với những chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Bush.

Obama giải thích rõ hơn về chính sách thuế của mình, điều mà đại bộ phận cử tri quan tâm. Đặc biệt, ông nhắc tới anh thợ sửa chữa đường ống nước có biệt danh "Joe the Plumber" (tên thật là Samuel Wurzelbacher, một người lập cả website và đi vận động tranh cử cho ƯCV McCain): "Nếu bạn làm ra dưới 250 nghìn USD một năm (bao gồm 98% doanh nghiệp nhỏ và 99.9% thợ sửa chữa đường ống nước), bạn sẽ không thấy thuế của bạn tăng thêm một xu nào".

Tôi gặp lại ông bà Philip và Catherine Wentworth. Họ đứng ở khán đài bên phải ngay sát khu báo chí tác nghiệp. Trả lời câu hỏi cảm tưởng của họ về ông Obama như thế nào, ông Philip nói: "Ông ấy thông minh, đánh giá tình hình hợp lý hơn".

Bà Catherine nhận xét: "Ông ấy rất có duyên và hấp dẫn". "Vậy ông bà sẽ bỏ phiếu cho ông Obama chứ?" - tôi hỏi. Ông Philip cười, đáp: "Tôi sẽ trả lời anh sau khi cuộc diễn thuyết kết thúc".

Từ khu vực dành riêng cho báo chí nhìn lên thấy tất cả khán giả đều đứng, chăm chú lắng nghe. Họ thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi, màu da. Thanh niên có vẻ như chiếm đa số, vì dù sao đây cũng là hội trường của một trường đại học. Hai chị phụ nữ, một chị có bầu khá to, chị kia bế cô con gái nhỏ, cố đưa nó lên cao để nhìn thấy Obama; 5 cô sinh viên mặc áo phông màu xanh da trời - màu biểu tượng cho chiến dịch tranh cử của Obama-Biden, áo mỗi cô in một chữ cái to thành ra tên của Obama; một cụ bà da đen nước mắt chảy dài một bên má; một thanh niên da màu mải mê ghi hình...

Không ít người tàn tật cũng đến dự. 5 hàng ghế dành cho người khiếm thính được xếp ở vị trí rất dễ quan sát người diễn thuyết. Họ sẽ đọc môi Obama để hiểu những lời phát biểu của ông.

Trên bục, Obama tiếp tục nói: "Chúng ta cần một chính phủ tốt hơn. Các bạn đầu tư vào nước Mỹ và nước Mỹ đầu tư vào các bạn" - một vạn con người lại rào rào vỗ tay tán thưởng. Công bằng mà nói, bài diễn thuyết hôm nay của Obama có vài đoạn lặp lại những bài đã diễn thuyết ở các nơi khác. Chẳng hạn việc người phụ nữ gửi email cho ông nói rằng cần 10 nghìn USD để chữa bệnh cho người thân đã được ông đề cập trong cuộc diễn thuyết ngay ngày hôm trước ở một bang khác và được phát sóng truyền hình. Nhưng cử tọa dường như không để ý đến điều đó. Chi tiết xúc động ấy cũng tác động mạnh vào lòng đa cảm của người Mỹ.

Bài diễn thuyết của Obama kéo dài khoảng 40 phút. Ông chấm dứt trong sự vỗ tay vang dội của cử tọa. Obama quay đi tất cả các hướng, tươi cười giơ tay vẫy tất cả mọi người trong khán phòng. Rồi ông lần lượt bắt tay những người ủng hộ đứng gần nhất quanh bục diễn thuyết. Các vệ sĩ vất vả mở đường cho ông, căng thẳng quan sát để xử lý biến cố có thể xảy ra. Obama không bỏ sót một cánh tay nào trong tầm với của mình.

5 giờ 45 phút, nghĩa là đúng 50 phút kể từ khi xuất hiện, Obama rời khán phòng.

Thung lũng đổi màu

Tôi chật vật trong dòng người ùa ra phía cửa quay lại vị trí cũ để tìm ông bà Philip và Catherine Wentworth, nhưng họ không còn ở đấy nữa. Không rõ quan điểm của họ thế nào, nhưng căn cứ thái độ và thiện cảm mà họ dành cho ông thì có thể thấy họ cũng đang cần sự thay đổi.

Tôi hỏi ý kiến một vài người đang rời khỏi hội trường. Chị Loureen nói: "Thay đổi sẽ xảy ra nếu ông ấy nắm được quyền lực và tôi nghĩ là ông ấy sẽ (nắm được quyền lực)". Ông Randel bộc lộ: "Ông ấy đang cố gắng đoàn kết mọi người, ông truyền cảm hứng về một tinh thần dân tộc mà tôi chưa hề có bao giờ".

Thung lũng Shenandoah có đổi màu từ ủng hộ Cộng hòa sang ủng hộ Dân chủ hay không, phải đợi đến ngày 5.11 mới rõ.

(Bài đăng trên báo Lao Động, ngày 30.10.2008)

3/11/08

PALIN GIỮ NHIỆT Ở QUẬN CỔ NHẤT HOA KỲ



Henrico, là một trong những quận cổ nhất nước Mỹ, được thành lập từ năm 1634. Đây là chiến trường chính trong cuộc nội chiến giữa hai miền nam – bắc năm 1862. Chỉ với hơn 200 nghìn dân, Henrico được mệnh danh là một trong những khu vực “bảo thủ”, chuyên ủng hộ Đảng Cộng hòa. Đây cũng chính là nơi mà ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ của đảng này, bà Sarah Palin đến vận động tranh cử đêm 1.11, khi chỉ còn đúng 50 giờ nữa là đến cuộc bầu cử được dư luận Mỹ đánh giá có là có nghĩa quan trọng bậc nhất trong lịch sử cận đại nước này.

Ít người hơn, khắt khe hơn

An ninh được xiết chặt chưa từng thấy ở Quận Henrico. Hầu như toàn bộ lực lượng cảnh sát cũng như cứu hỏa của quận đều được kéo về đây. Buổi diễn thuyết của bà Palin dự kiến diễn ra vào lúc 10 giờ tối (9 giờ sáng ngày 2.11 giờ Việt Nam), nhưng từ 5 giờ chiều, cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa, đa phần đều mặc áo màu đỏ - màu biểu tượng của Đảng Cộng hòa, đã lục tục kéo đến. Nơi tổ chức diễn thuyết là sân bóng của Trường Trung học Deep Run, có sức chứa khoảng 15 nghìn người.

Kiểm tra an ninh đối với báo chí ở đây được tiến hành nghiêm ngặt hơn so với buổi diễn thuyết của ông Obama mà tôi tham dự tại Harrisonburg hôm thứ Ba tuần trước. Tất cả thiết bị của các nhà báo từ những chiếc ống kính máy ảnh to kềnh càng, cho đến những chiếc máy ghi âm nhỏ xíu đều phải để cho chó nghiệp vụ ngửi. Chiếc bút bi, cuốn sổ ghi chép hơi dày đều được các nhân viên an ninh mở ra xem xét cẩn thận. Một điều đáng ghi nhận là số lượng phóng viên đến đưa tin sự kiện này chỉ bằng 1/5 so với sự kiện tại Harrisonburg của Obama.

Các nhân viên trong bộ máy tranh cử của McCain/Palin dường như cũng khó tính hơn. Nếu như tại Harrisonburg, tôi chỉ việc khai với các nhân viên báo chí của Obama/Biden rằng tôi là nhà báo Việt Nam, đang tham gia chương trình đưa tin bầu cử Tổng thống Mỹ do Bộ Ngoại giao và Trung tâm Báo chí Hải ngoại của Mỹ tổ chức, rồi đưa thẻ nhà báo Việt Nam cho họ xem là được vào, thì lần này các nhân viên của McCain/Palin phải gọi vài cuộc điện thoại đi đâu đó, và khoảng sau gần một tiếng đồng hồ, họ mới đồng ý cho vào.

2/3 số cử tri đến nghe bà Palin diễn thuyết ở độ tuổi trung niên trở lên. Trong trang phục áo len đỏ, ông Brown, 76 tuổi, lái xe đưa vợ đến từ lúc 5 giờ chiều. Mới ít người đến, nên ông đưa được xe đến bãi đậu xe gần cổng vào sân vận động nhất. Nặng nề di chuyển đến cổng an ninh, ông Brown vỡ lẽ ra địa điểm của buổi diễn thuyết ở ngoài trời. “Tôi có thể mang ghế vào không?” – ông hỏi. Các nhân viên an ninh trả lời: “Ghế bình thường thì không, nhưng nếu là xe đẩy cho người tàn tật thì được”. Ông lại hỏi: “Tôi nặng như thế này (khoảng 120 kg), lại già thế này, làm sao mà đứng được 6-7 giờ đồng hồ nữa?”. Các nhân viên an ninh đáp: “Quy định như vậy, chúng tôi không phải là người quyết định!”.

Khâu chuẩn bị khán giả dường như cũng được tổ chức cẩn thận hơn so với sự kiện của Obama tại Harrisonburg. Nhân viên của McCain-Palin phát các tấm bìa một bên ghi tên liên danh, bên kia in khẩu hiệu của chiến dịch tranh cử “Country First” (Đất nước là trên hết) ngay sau khi họ được kiểm tra an ninh. Vì sự kiện được tổ chức ngoài trời, nên toàn bộ xe buýt chở học sinh của trường được huy động thành 2 lớp rào ngăn sân vận động với xa lộ. Máy bay quần đảo trên trời trông chừng an ninh từ 6 giờ chiều.

Nếu như tại Harrisonburg, đại bộ phận người đến nghe Obama diễn thuyết là thanh niên, thì ở Henrico các ông già bà cả lại chiếm đa số. Mary Lana, 52 tuổi, từ Richmond, thủ phủ bang Virginia, cách đây 30 km, đi cùng hai người bạn là Gloria và Mike. Mặc áo màu đỏ, cài trên ngực huy hiệu to có hình Palin cười rất tươi, bà nói: “Tôi ủng hộ McCain/Palin vì họ là những người thực sự vì dân. Bà Palin bị chỉ trích là không đủ điều kiện làm phó tổng thống, nhưng bà ấy còn có nhiều kinh nghiệm điều hành hơn ông Obama, vì bà ấy là thống đốc của một bang rộng lớn và giàu có”. Ông Mike góp lời: “Với 22 năm trong quân ngũ, McCain cũng xứng đáng hơn Obama trên cương vị Tổng tư lệnh quân đội”.

“Giữ màu đỏ ở Virgina”

Các hoạt động “hâm nóng” diễn ra vào lúc 8 giờ tối. Các quan chức địa phương, các nhân vật chính trị của Đảng Cộng hòa lần lượt lên phát biểu. Một trong những nhân vật đó nói: “Các tờ báo như Washington Post, Los Angeles Times, New York Times đều cho rằng cuộc bầu cử đã xong, chiến thắng đã thuộc về Obama, ông ấy đã thương thảo lập nội các và chọn Ngoại trưởng rồi đấy (đám đông ồ lên thất vọng). Nhưng chúng ta vẫn còn hơn 48 giờ để thay đổi, hãy nói với bạn bè, hàng xóm của bạn bầu cử cho McCain/Palin. Hãy giữ màu đỏ ở bang Virginia!”. Khẩu hiệu “Keep Virgina Red” được khá nhiều cử tri giơ cao.

Đúng 10 giờ đoàn xe chở vợ chồng bà Palin đến nơi. Sau lời giới thiệu “Hãy chào đón Thống đốc bang Alaska, một người mẹ Mỹ thực sự tử tế”, bà Palin cùng chồng bước ra sân khấu trong tiếng vỗ tay vang dội của khoảng 8.000 cử tri. Mặc chiếc áo choàng màu huyết dụ, cổ quàng khăn màu vàng, cùng mái tóc và cặp kính quen thuộc, bà Palin cất giọng (hơi cao và vang quá): “Chúng ta đang ở trong thời gian khắc nghiệt, chúng ta cần một nhà lãnh đạo không quan nhượng. Ông McCain có sự uyên thâm và kinh nghiệm để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, cải cách thị trường chứng khoán và đưa chính phủ trở lại với dân”.

Bà Palin đủ thông minh để nói nhiều và nói khá hay về ông McCain, người đã lựa chọn bà vào liên danh tranh cử của Đảng Cộng hòa. Chỉ trích ông Obama theo đuổi chính sách “quá tả”, không đại diện cho những giá trị chủ đạo của Đảng Dân chủ, bà Palin nói: Ông Obama sẽ tiêu hủy 6 triệu việc làm trong 10 năm tới, ông ấy sẽ bắt chúng ta phụ thuộc vào dầu lửa nước ngoài, ông ấy sẽ đem tài sản của người này cho người khác, ông ấy sẽ cắt giảm chi tiêu quân sự đồng nghĩa với việc cắt việc làm ở chính bang này…

Bà nói: “Tầm nhìn của ông McCain và tôi về nước Mỹ có tính đến mọi sinh linh”, đồng thời nhấn mạnh rằng mình có kinh nghiệm điều hành kinh tế, chống tham nhũng ở Alaska, đưa ra chính sách giáo dục mà thế hệ tương lai của nước Mỹ sẽ được hưởng lợi, kêu gọi mọi người “dùng xăng do công nhân Mỹ chế tạo” (giá rẻ hơn mà lại tạo được việc làm cho người Mỹ); khẳng định chỉ có McCain với 22 năm binh nghiệp và kinh nghiệm đối ngoại “mới tiếp tục đưa nước Mỹ đến chiến thắng” và kết luận: “Chúng tôi sẽ làm việc vì các bạn, nếu như các bạn bỏ phiếu cho chúng tôi”.

Bài diễn thuyết của Palin dài khoảng 30 phút. Công bằng mà nói, bà nói trôi chảy, gại đúng vào những vấn đề mà cử tri quan tâm. Ở một số thời điểm bà tạo được mối liên kết với cử tọa. Nhưng bài nói của bà một màu, không khơi gợi và kích động được từng tế bào cảm xúc của người nghe giống như Obama. Tuy nhiên, đó là những nỗ lực lớn của một người phụ nữ đang phải đối mặt với chỉ trích của một bộ phận dư luận Mỹ, cũng như trong nội bộ Đảng Cộng hòa về khả năng đảm đương công việc nếu thắng cử.

Người ủng hộ, người chống

Trời mỗi lúc một lạnh, sương sa thành bụi nhìn rõ nơi có chùm sáng của cụm đèn pha công suất lớn. Tiếng máy bay quần đảo trên đầu không còn nghe rõ bởi tiếng loa lấn át. Những người ủng hộ McCain/Palin mang đến nhiều khẩu hiệu như: NOBAMA! (Thêm chữ “N” trước tên “Obama”, ngụ ý “Không Obama!”); “Anh hùng John mang đến cho chúng ta xăng giá 2 USD/gallon” (một gallon bằng 3,78 lít), “McCain/Palin – hai nhà cải cách mà chúng ta cần”.

Điểm khác biệt so với sự kiện của Obama tại Harrisonburg, là tại Henrico có khá nhiều cử tri ủng hộ ông Obama đến nghe bà Palin diễn thuyết. Mathiew Sullivan, sinh viên 26 tuổi, mặc chiếc áo phông đen có dòng chữ vàng “Teamsters for Obama & Biden” (Công đoàn lái xe tải ủng hộ Obama @ Biden), Mathiew nói: “Đừng ngạc nhiên khi tôi có mặt ở đây, tôi có quyền hợp pháp đến nghe xem bà ấy nói gì. Cứ nhìn khán giả thì thấy là chiến dịch tranh cử của họ (Đảng Cộng hòa) không có sinh lực và không năng động”. Trong khi bà Palin nói, trong rừng “Country First” thấy thấp thoáng có khẩu hiệu “Chủ nghĩa xã hội, chúng ta có thể tin ở Obama” (chính sách phân chia của cải trong xã hội của ông bị chỉ trích là theo đường lối xã hội).

Peter Benda, 58 tuổi, chủ một doanh nghiệp ở Richmond, đến cùng con gái 8 tuổi, cũng ủng hộ Obama. Không phục trang khác kiểu, không giơ những khẩu hiệu gây sự chú ý, Peter nói: “Doanh nghiệp của tôi có thu nhập dưới 250 nghìn USD năm, nên sẽ được hưởng lợi từ chính sách của thuế của Obama. Henrico có nhiều chủ doanh nghiệp, họ cũng sẽ được hưởng lợi. Nhưng vùng này “bảo thủ” truyền thống rồi, nên nhiều người vẫn bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa”.

Bà Gloria nói với hai người bạn: “Palin bị mất giọng. Hôm nay bà ấy diễn thuyết 5 cuộc liền: 3 cuộc ở Florida, 1 cuộc ở Bắc Carolina. Khổ thân, cứ với cường độ căng thẳng thế này thì làm sao mà chịu được?”. Ông Mike chia sẻ: “Palin đã có cú nhảy vọt ngoạn mục. Chỉ 2 tháng trước bà ấy còn vô danh ở nước Mỹ này, thế mà bây giờ đã trở thành một nhân vật được cả nước biết đến. Bà ấy không mất gì cả. Nếu thất cử lần này thì 4 năm hay 8 năm nữa, bà ấy sẽ ra tranh cử lại và sẽ là nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ”.

Hình như ông đã có một dự cảm nào đó…

Ảnh: Một cổ động viên lớn tuổi di chuyển trên xe lăn với dòng chữ "NOBAMA" trên lưng ghế.
 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết