19/12/06

LỘN CỔ TẦNG 2



Sau khi tham khảo ý kiến mọi người, tôi xin giải thích các cụm từ của thời bao cấp nêu trong entry trước.

- LỘN CỔ TẦNG 2. Áo sơ mi thường được mặc đến khi sờn hết cả cổ áo. Nhưng đến lúc đó nó cũng chưa được vứt đi. Chiếc cổ được đem lộn mặt sờn vào trong, đưa mặt trong ra ngoài. Dịch vụ "lộn cổ" có thể được thực hiện ở tiệm may, tiệm sửa quần áo, hoặc ở một gia đình. Trong trường hợp này, nhà làm dịch vụ "lộn cổ" ngự ở tầng 2 của ngôi nhà.

- BÍCH (TÍCH) KÊ GỐI MÔNG: Quần dùng lâu dễ bị sờn hoặc rách ở mông, đầu gối. Người thợ may sẽ dùng một miếng vải đồng màu, đặt vào phía trong rồi may chỉ theo hình xoáy trôn ốc. Chiếc quần trở nên lành lặn và được sử dụng tiếp.

- GIẶT LÀ NHUỘM. Câu này chủ yếu gây khó hiểu đối với người miền Nam. Nó quảng cáo 3 dịch vụ khác nhau gồm giặt, là (ủi) và nhuộm. Là trong trường hợp này không phải là là, mà là là (ủi). Phức tạp quá (he he).

- GIA CÔNG QUY GAI QUY XỐP. Gia công nói theo ngôn ngữ hiện đại là "outsource". Còn quy gai quy xốp là hai loại bánh (sang trọng) mà thời bao cấp chỉ được ăn vào dịp lễ Tết hoặc cưới xin. Nhưng không phải nơi nào cũng bán các loại bánh này. Thế là nảy sinh ra những lò nướng bánh. Người nào có đủ các nguyên vật liệu như bột mỳ, trứng, bơ, đường, sữa, vanilla... thì mang đến cơ sở nướng bánh, họ sẽ gia công cho quy gai, quy xốp.

- XAY BỘT TRẺ EM. Câu này thì không khó hiểu lắm.

Bổ sung một số cụm từ hay mà mọi người đề xuất:
- THU MUA NÔNG (LÔNG) SẢN PHỤ: Khuê đề xuất
- VÁ 9 XĂM LỐP: Metalari đề xuất
- CỬA HÀNG CHẤT ĐỐT THANH NIÊN: Quỳnh Vy đề xuất
- ĐỔI BÚN: Viettory đề xuất
- HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT THƯƠNG BINH: Myselfvn đề xuất

0 comments:

Đăng nhận xét

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết