PGS, TS LƯƠNG QUỲNH KHUÊ
Quê gốc ở Gia Lâm Hà Nội, song lại được sinh ra ở Hải Dương, cha mẹ ông chọn tên gọi Quý Dương để đặt cho con với hàm nghĩa “quý tử” sinh ở đất “Hải Dương”, kỷ niệm nơi người cha làm việc khi đó.
Tốt nghiệp Trung học phổ thông Chu Văn An Hà Nội năm 1956, Quý Dương cùng với những người bạn sau này cũng trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng như Trần Hiếu, Hồ Quang Bình.. cùng thi vào khoa Thanh nhạc trường Âm nhạc Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp (1959 ), Quý Dương được giữ lại làm giảng viên thanh nhạc của trường. Sự nghiệp ca hát của ông bắt đầu từ đấy.
Trong ký ức của người Hà Nội hẳn không thể quên những vở ôpêra trong lộng lẫy ánh đèn sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước như “Épghênhi Ônhêghin” của nhạc sĩ vĩ đại người Nga Traicôpxki (dựa theo tác phẩm thơ của Puskin) do các đạo diễn Liên Xô dàn dựng hay “Núi rừng hãy lên tiếng” của Triều Tiên do chính các chuyên gia Triều Tiên đạo diễn. Tiếp đó là nhiều vở nước ngoài khác như “Madam Butterfly”, “Ruồi Trâu”, “ La vie Parisiene” (Đời sống người Pari ) …
Lớp nghệ sĩ opera Việt Nam đầu tiên trong các vở diễn trên như Quý Dương, Trần Chất, Trần Hiếu, Ngọc Dậu …đều là những người chưa được học tập, đào tạo về opera một cách bài bản mà chỉ được truyền thụ trực tiếp qua các chuyên gia Liên Xô, Triều Tiên, Trung Quốc lúc đó (thậm chí, Ngọc Dậu xuất thân là một nữ Nghệ sĩ Cải lương). Vậy mà, các chuyên gia nghệ thuật nước ngoài đã phải thốt lên kinh ngạc trước sự thông minh, tài hoa của các nghệ sĩ Việt Nam khi Quý Dương và các đồng nghiệp của ông thể hiện thành công những vở opera kinh điển của thế giới trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội.
Bầu không khí nghệ thuật ấy đã thúc đẩy các Nhạc sĩ Việt Nam sáng tác những vở opera nói về đất nước, con người Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết hai vở “Cô Sao” và “Người tạc tượng”, nhạc sĩ Nhật Lai viết vở “Bên bờ Krông pa”...
Với những vở opera nước ngoài hay trong nước nói trên, nghệ sĩ Quý Dương luôn được chọn vào những vai “nặng”, những vai chính có nội tâm phức tạp như vai Ônhêghin (Epghênhi Ônhêghin) – một trí thức quý tộc Nga đầu thế kỷ XIX chán ghét cuộc sống nhàm chán của tầng lớp quý tộc, có hoài bão lớn lao, có khát vọng tự do, song bế tắc và bất lực trước cuộc sống; vai ông già yêu nước Triều Tiên (Núi rừng hãy lên tiếng), đặc biệt là vai Hồng y giáo chủ Montaneli (Ruồi Trâu) là một nhân vật có sự giằng xé nội tâm vô cùng phức tạp v.v…
Những năm 1979 – 1983 Quý Dương được Nhà nước cho đi học thanh nhạc ở Bungari.a Đây là thời gian giúp ông được trang bị phương pháp Bel Canto, tức phương pháp thanh nhạc cổ điển của thế giới một cách bài bản và hệ thống. Song không dừng lại ở đó, cái quý giá là ở chỗ ông đã dùng phương pháp Bel canto kết hợp với cách xử lý của nghệ thuật ca hát dân gian Việt Nam để tạo ra một cách hát rất bác học mà vẫn gần gũi với thị hiếu âm nhạc của người Việt. Trong nghệ thuật thanh nhạc, ông đã tạo ra một phong cách kết hợp nhuần nhụy giữa kỹ thuật thanh nhạc cổ điển với cách hát dân gian Việt Nam bằng trí tuệ và trái tim của một nghệ sĩ mà cuộc sống luôn gắn bó với nhân dân và dân tộc.
Ông luôn tâm niệm rằng, một nghệ sĩ chân chính, một tài năng nghệ thuật đích thực trên lĩnh vực ca hát đòi hỏi phải có bốn yếu tố: Kỹ thuật thanh nhạc tốt, hiểu sâu ngôn ngữ dân tộc, có tâm hồn dân tộc và một tình yêu đất nước.
Một đạo diễn ôpêra đã đánh giá Quý Dương là một nghệ sĩ thuộc loại hiếm có bởi ông là người hát ca khúc nghệ thuật và hát cổ điển, cả hai phương diện ấy ông đều có những dấu ấn vượt thời gian. Quý Dương cũng là người “mở đường”, nói về ông người ta nhắc nhiều đến hai tiếng “đầu tiên” như một “điệp khúc” đáng tự hào: Ông là giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, là nghệ sĩ hát opera đầu tiên của Việt Nam, là người vào vai chính của vở opera kinh điển của nước ngoài lần đầu tiên được dàn dựng và công diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội, là người đầu tiên và có lẽ là duy nhất mang opera đến trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An), hát cho những bệnh nhân đang mắc căn bệnh mà ngoài các thày thuốc ra, ai cũng ngại ngần khi gặp họ. Vậy mà Quý Dương đã đến, đến một cách lặng lẽ, mang tấm lòng và tiếng hát của mình sẻ chia với các số phận kém may mắn, giúp họ có thêm tình yêu cuộc sống để chiến thắng bệnh tật …
Vào giữa những năm 80, trong cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Quý Dương cùng với nghệ sĩ piano Hoàng My và nhiều người bạn khác nữa đã đề xướng tổ chức “Đêm nhạc Văn Cao”, giới thiệu những ca khúc cách mạng và trữ tình nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao với đông đảo công chúng Hà Nội và cả nước. Trong hai năm 1986 – 1987, hơn 60 “Đêm nhạc Văn Cao” đã được tổ chức ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố khác. Thành công vang dội này đã góp phần quan trọng khẳng định lại giá trị của Văn Cao, của Âm nhạc Văn Cao với những tác phẩm sống mãi với thời gian như Tiến quân ca, Trường ca sông Lô, Ngày mùa, Đàn chim Việt, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi v.v… Đó không chỉ là tấm lòng tri âm của một người nghệ sĩ với một người nghệ sĩ mà còn là lương tâm và trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với thế hệ đi trước mà Quý Dương và những người bạn của ông đã nêu một tấm gương đẹp.
Hiện nay, ở tuổi 71, vừa lặng lẽ và kiên cường chống lại bệnh tật vừa tiếp tục dạy thanh nhạc cho những người yêu thích nghệ thuật ca hát: Sinh viên thanh nhạc, giảng viên đại học, cô giáo, kỹ sư, công nhân… Nhìn ông ngồi bên cây đàn pianô, nghe âm vang tròn đầy trong giọng hát sang trọng của ông, không ai có thể hình dung được rằng, vừa mới đây ông còn phải nằm lọc máu ở bệnh viện vì căn bệnh nan y mà ông đã phải chịu đựng từ gần 20 năm qua.
Những ca khúc kinh điển của nước Ý, của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam luôn vang lên trong ngôi nhà nhỏ của ông. Đến với ông, người học không chỉ được tiếp cận với kỹ thuật thanh nhạc, được hiểu biết và trân trọng những giá trị âm nhạc đích thực mà còn đựợc cảm nhận từ ông một niềm đam mê sự nghiệp, một tình yêu cuộc sống, nghị lực phi thường. Ở tuổi 71, ông vẫn đẹp, phong thái vẫn tài hoa...
Danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân mà Nhà nước phong tặng cho ông vào đầu những năm 1990, khẳng định những cống hiến nghệ thuật đáng trân trọng của ông. Phục hồi Nhà hát opera, đào tạo lớp nghệ sĩ opera trẻ tuổi, sáng tác những vở opera phù hợp với đời sống và cảm xúc của con người Việt Nam hiện nay là ước mong lớn nhất của NSND Quý Dương và nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ với ông hiện nay. Mong sao mong ước của ông sẽ trở thành hiện thực...
giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội -
người đã hát Tình em bên các mâm pháo của trận địa phòng không
trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” -
NSND Quý Dương đã qua đời chiều 28-6
sau gần 10 năm chiến đấu với bệnh thận hiểm nghèo, thọ 75 tuổi.
Nguồn:
NSND Quý Dương: Tài hoa và nghị lực
Sáng tác: Huy Du
Sáng tác: Hoàng Hiệp
Sáng tác: Hoàng Vân
Sáng tác: Văn Cao
Nhạc Nga
Biểu diễn: Các NSND Quý Dương, Trung Kiên, Trần Hiếu