27/2/07

CHIẾN TRANH LẠNH HAY HÒA BÌNH LẠNH?



9h30 sáng Chủ nhật vừa rồi tôi được mời tham gia vào chương trình Thế giới toàn cảnh của Ban Thời sự Đài truyền hình VN phát trên VTV1. Chủ đề của chương trình là "Nga - Mỹ: Bạn hay thù", bình luận xung quanh những tuyên bố gay gắt gần đây của Tổng thống Putin phê phán chính sách một cực của Mỹ.

Một số người có theo dõi và gọi điện chia sẻ những ý kiến mà tôi trao đổi với BTV Úy Thương. Một vài người đề nghị tôi "đăng" lại những nội dung cuộc trò chuyện hôm đó trên blog này. Xin đáp ứng nhu cầu đó và mong những ai quan tâm đến nước Nga cùng tham khảo.

Tại hội nghị an ninh ở Munich (Đức) hôm 10.2, Tổng thống Nga Putin lần đầu tiên đã chỉ trích công khai và gay gắt chính sách đối ngoại của Mỹ. Mấy năm trở lại đây quan hệ Nga và Mỹ nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Nhưng lần này căng thẳng có vẻ như không đơn giản như trước nữa?

Đúng là nếu chỉ nhìn vào lời bình luận của Tổng thống Putin rằng “việc nước Mỹ theo đuổi chính sách ngoại giao một cực trên toàn cầu là cực kỳ nguy hiểm”, rồi lời qua tiếng lại giữa hai bên sau đó, thì có thể thấy rằng sự căng thẳng này là bất bình thường, ẩn chứa những dấu hiệu bất an cho tình hình thế giới năm 2007. Tuy nhiên cũng có thể yên tâm rằng tình hình không đến mức đáng lo ngại. Người phát ngôn Nhà Trắng ngay sau đó đã nhận định rằng không có sự thay đổi nào trong quan hệ giữa Mỹ và Nga và Mỹ vẫn coi Nga là “một đồng minh quan trọng”.

Tuy nhiên, bất cứ một người bình thường nào đều có thể đặt câu hỏi: “Tại sao Tổng thống Nga lại đưa ra bình luận như vậy trong thời điểm này?”. Câu trả lời theo chúng tôi là khá đơn giản. Thời gian qua, chúng ta thấy Nga đã có nhiều động thái chứng tỏ vị thế quan trọng và ảnh hưởng của mình đối với phương Tây và thế giới (chẳng hạn như giành thế chủ động về giá trong cung cấp xăng và khí đốt cung cấp cho Châu Âu). Điều này phản ảnh tính quyết đoán ngày một tăng của Nga như một cường quốc tự tin vào sức mạnh của chính mình.

Như chị đã nói, từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 đến nay, quan hệ Nga – Mỹ luôn có những bất đồng. Và bình luận của ông Putin là bằng chứng cho thấy quan hệ Nga – Mỹ tiếp tục diễn tiến theo hướng đấu tranh như vậy. Nhưng cần khẳng định rằng trong thế giới phẳng hiện nay thì quan hệ tùy thuộc giữa Nga và Mỹ cũng như giữa hai nước này với cộng đồng quốc tế không cho phép họ đẩy quan hệ xấu thêm. Cả hai nước cùng theo đuổi chính sách thực dụng, vừa hợp tác trong những lĩnh vực đem lại lợi ích chung và vừa đấu tranh trên những lĩnh vực mâu thuẫn về lợi ích. Tới đây, chúng ta có thể thấy Nga và Mỹ đấu tranh rất mạnh xung quanh việc cho phép hay không cho phép Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia, hoặc trong vấn đề năng lượng hạt nhân của Iran.

Vậy đây có phải là sự báo hiệu của sự thay đổi về mặt nguyên tắc trong mối quan hệ Nga – Mỹ?

Không, tôi không cho rằng sẽ có sự thay đổi về mặt nguyên tắc trong mối quan hệ này. Việc đấu tranh chống lại thế giới một cực đã được Tổng thống Putin nêu ra từ mấy năm trước trong chuyến thăm Trung Quốc và ký kết quan hệ đối tác chiến lược Nga – Trung. Điều này được nhiều nước trên thế giới ủng hộ để tạo sự cân bằng trong quá trình giải quyết các mối quan hệ của thế giới. Bình luận của Tổng thống Putin là lời tuyên bố không những đối với Mỹ mà đối với cả phương Tây rằng tới đây Nga sẽ là một đối tác cứng rắn hơn: Không dễ dàng nhượng bộ và sẽ đòi hỏi nhiều hơn.

Nga tuyên bố nếu Mỹ triển khai hệ thống tên lửa và radar tại Czech và Ba Lan, thì Nga sẽ rút khỏi hiệp ước cắt giảm các tên lửa tầm trung ký với Mỹ năm 1987. Tuyên bố này có nói lên điều gì không ạ?

Cho đến giờ thì Nga chưa rút khỏi hiệp ước này mà mới chỉ là lời đe dọa sẽ rút khỏi hiệp ước thôi. Nhưng có thể thấy đây là nước cờ mạnh của Nga, hay nói một cách dân dã hơn là “Nga quyết định chơi rắn” khiến cho Mỹ đang cố tháo gỡ những rắc rối một cách khá nhún nhường. Từ các quan chức ngoại giao, các vị chức sắc về an ninh, quốc phòng, cho đến các nghị sĩ của Mỹ đều đồng loạt lên tiếng trấn an Nga rằng hệ thống 10 tên lửa và radar triển khai ở Czech và Ba Lan không nhằm mục tiêu vào Nga. Tuy nhiên phía Nga có lý do chính đáng để lo ngại.

Ngoại trưởng Frank Walter Steinmeier của Đức, nước đang giữ nhiệm kỳ Chủ tịch Liên minh Châu Âu, có ý kiến: “Vì việc triển khai hệ thống tên lửa này gần nước Nga nên sớm hay muộn Mỹ cũng sẽ phải nói chuyện này với Nga”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tom Casey đã phải vội vã thanh minh là Mỹ muốn mọi chuyện minh bạch khi tiến hành làm việc này. Cũng đúng vào dịp này thì vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ lại ngỏ ý sẵn sàng bỏ tu chính án Jackson –Vanik vốn hạn chế quan hệ thương mại Mỹ - Nga bấy lâu nay. Theo ông ta thì đã đến lúc phải hợp tác chặt chẽ và tích cực với Nga.

Bên cạnh đó, Nga còn ngưng việc mua 22 chiếc Boeing trị giá khoảng 2,5 tỉ USD của Mỹ. Tất cả những điều này cho thấy Nga đang giành thế chủ động trong quan hệ với Mỹ, và Nga có khá nhiều con bài để nước này có thể “chơi rắn”.

Liệu quan hệ Nga – Mỹ trong tương lai có quay trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh? Nếu có thì sẽ ảnh hưởng thế nào tới tình hình an ninh thế giới?

Trước hết xin lưu ý năm nay là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ hai Tổng thống Putin. Sang năm cả hai nước đều bước vào năm bầu cử (ở Nga vào tháng Ba và ở Mỹ vào tháng 11). Như vậy chính quyền ở cả hai nước sẽ phải dành ưu tiên cho những vấn đề đối nội.

Chúng ta đều biết rằng ông Putin sẽ không ra ứng cử Tổng thống Nga thêm một nhiệm kỳ nữa. Thời gian gần đây, ông cũng đã có những bổ nhiệm quan trọng trong bộ máy nhân sự, chuẩn bị cho một số nhân vật thân cận như Bộ trưởng Quốc phòng Ivanov, Phó Thủ tướng Medvedev… ra tranh cử. Rõ ràng là bình luận trên của Tổng thống Putin mang tính chất đối nội nhiều hơn. Việc nước Nga khẳng định một vai trò mạnh mẽ và rõ nét hơn trên trường quốc tế tất được dư luận trong nước quan tâm, do vậy mà Đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin cũng sẽ có được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của cử tri. Những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Putin, cũng như của chính phủ Nga là nhằm tạo ra sự hậu thuẫn vững chắc cho một ứng cử viên của chính quyền.

Còn chính quyền của ông Bush thì không gặp thuận lợi như vậy. Dư luận Mỹ đã gây sức ép buộc chính quyền phải xem xét lại chính sách đối với Iraq và tỉ lệ tín nhiệm của chính quyền Bush xuống rất thấp. Có nhiều khả năng Đảng Dân chủ sẽ nắm quyền trong nhiệm kỳ tới. Và như vậy thì những kế hoạch mà chính quyền Cộng hòa chuẩn bị triển khai hôm nay chưa chắc sẽ được chính quyền Dân chủ tiếp tục trong nhiệm kỳ tới, mà cụ thể ở đây là việc triển khai hệ thống tên lửa ở Czech và Ba Lan.

Do vậy theo tôi, quan hệ Nga – Mỹ khó mà quay trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây. Vả lại thế giới không còn hai phe đối đầu như trong thập niên 1970 – 1980, nên chiến tranh lạnh kiểu cũ là không thể có. Có chăng thì sẽ xảy ra cái mà người ta gọi là “hòa bình lạnh”. Hòa bình lạnh sẽ không triệt tiêu hoàn toàn lòng tin, không đẩy thế giới vào cuộc chạy đua vũ trang, không đe dọa hủy diệt lẫn nhau như chiến tranh lạnh, song cũng sẽ khiến thế giới phải phập phồng lo âu theo nhịp đập của những nước lớn.

Xin cảm ơn anh.

26/2/07

HÀNG NHÁI ĐOẠT GIẢI VÀNG



Ấy là nói về phim "The Departed" của đạo diễn Martin Scorsese đoạt 4 tượng vàng trong lễ trao giải điện ảnh Oscar diễn ra vài giờ trước tại Nhà hát Kodak ở Los Angeles (Mỹ).

"The Departed" đoạt Oscar phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và biên tập (dựng phim) tốt nhất.

Nhưng phim thực ra là cú dàn dựng lại bộ phim đình đám của Hồng Kông mấy năm trước "Điệp vụ nội gián" với diễn xuất đỉnh cao của Lương Triều Vỹ và Lưu Đức Hoa. "Điệp vụ nội gián" cũng lập kỷ lục doanh thu đối với một phim Hồng Kông và thu được vô số giải thưởng điện ảnh trong khu vực.

Nhưng nó không thể vươn tới Oscar, chỉ vì nó nói tiếng Hoa và do các nghệ sĩ châu Á sắm vai.

Hollywood rất thính mũi đã mua lại kịch bản này và giao cho một trong những đạo diễn xuất sắc nhất của Mỹ Martin Scorsese, nhưng chưa bao giờ đoạt Oscar, dàn dựng. Cứ như là đã có lệnh ngầm: "Anh hãy làm phim này và chúng tôi sẽ trao Oscar cho anh".

Công bằng mà nói Martin Scorsese đã Mỹ hoá khá tốt "Điệp vụ nội gián", xào xáo, cắt dán các chi tiết trong ba phần của "Điệp vụ nội gián" để trở thành "The Departed" của mình.

Nhưng nói gì thì nói, hàng nhái vẫn là hàng nhái. Nó không thực sự xuất sắc và không phải là tác phẩm nổi trội so với "Babel" của đạo diễn Mexico (xem Entry trước).

Và "The Departed" cũng không hay hơn những tác phẩm trước đó đã từng được đề cử Oscar của chính Martin Scorsese như "Raging Bull", "Goodfellas". "Gangs of New York", "The Aviator".

Để sự an ủi thêm phần long trong, người ta thấy ba đạo diễn lừng danh Francis Ford Coppola, George Lucas, Steven Spielberg - những người cùng thế hệ với Martin Scorsese đã đoạt Oscar từ lâu, cùng lên sân khấu trao tượng vàng cho người bạn kém may mắn, như muốn nói: "Thế nhé, từ nay anh đã gia nhập câu lạc bộ của chúng tôi rồi nhé".

Dù sao cũng chúc mừng Martin Scorsese với Oscar muộn màng. Ông xứng đáng với Oscar, nhưng không phải bằng bộ phim này. Nghĩ mà tủi cho ông, khi làm hàng thật thì chẳng được đánh giá, lúc làm hàng nhái thì lại được suy tôn.

24/2/07

BABEL - PHIM ĐOẠT GIẢI OSCAR CỦA TÔI



Nếu tôi là thành viên Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS), tôi sẽ bỏ phiếu cho "Babel" giải Oscar phim hay nhất.

Và ngay cả tôi không là thành viên AMPAS, tôi cũng vẫn trao giải Oscar của tôi cho Babel.

Tôi còn trao Oscar đạo diễn xuất sắc nhất cho đạo diễn Mexico Gonzalez Inarritu, Oscar nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho nữ diễn viên Nhật 24 tuổi Rinko Kikuchi, các Oscar cho kịch bản nguyên gốc hay nhất, quay phim xuất sắc nhất và nhạc nền hay nhất.

Lý do vì sao ư? Phim lý giải thật tuyệt diệu những mối quan hệ ràng buộc chồng chéo giữa những người hoàn toàn xa lạ ở những đất nước cách xa nhau trong một thế giới phẳng.

Xin mời tham khảo bài bình luận phim "Babel" của Viettory, một chàng trai có khả năng viết bài phân tích phim như một nhà phê bình thực thụ.

Trong Kinh Cựu Ước, sự sụp đổ của toà tháp Babel (Babylon) là biểu tượng cho sự chia rẽ của các chủng người trên trái đất. Lấy cảm hứng từ điển tích này, bộ phim Babel đã ra đời.


Nội dung phim là sự kết hợp của 3 câu chuyện độc lập: Một cặp vợ chồng người Mỹ du lịch đến Morroco trong nỗ lực hàn gắn những mâu thuẫn ảnh hưởng đến hôn nhân của họ; Một bảo mẫu phải lén đưa 2 đứa trẻ mình chăm sóc về Mexico để ăn cưới con trai; Một cô gái Nhật câm điếc (ảnh) luôn mặc cảm với dị tật của mình nhưng vẫn khao khát được yêu thương.

Mặc dù không đề cập đến toà tháp hay sự tàn lụi của nó, nhưng bộ phim đã lột tả rất thành công những hố sâu ngăn cách trong lòng thế giới của loài người.

Câu chuyện thứ nhất là nỗ lực hàn gắn những rạn nứt trong cuộc sống gia đình của một cặp vợ chồng người Mỹ trên chuyến du lịch đến đất nước Morroco xa xôi. Tại đây, người vợ không may bị trúng đạn của hai cậu bé địa phương nghịch súng. Chính phủ Mỹ nghi ngờ đây là hoạt động khủng bố, và sự lo ngại mang tính chính trị thái quá này đã trì hoãn quá trình cấp cứu người vợ đang ở giữa hoang mạc trong tình trạng nguy kịch.

Câu chuyện thứ hai là sự bất đắc dĩ của một bảo mẫu người Mexico (nhập cư trái phép vào Mỹ) khi phải đưa hai đứa trẻ mình chăm sóc về quê ăn cưới con trai mà chưa được sự chấp thuận của bố mẹ chúng. Mọi việc trở nên rắc rối khi bà qua biên giới và bị cảnh sát truy đuổi. Trong cuộc trốn chạy đó, bà đã để lạc cả hai đứa trẻ giữa sa mạc khắc nghiệt.

Câu chuyện thứ ba diễn ra tại thành phố Tokyo, một thành phố luôn ồn ào, náo nhiệt. Thế nhưng đặc tính đó lại không hề ảnh hưởng đến một cô gái mắc tật câm điếc bẩm sinh. Như bao cô gái trẻ khác, cô cũng khao khát được yêu thương, chăm sóc, thế nhưng cô lại bị cô lập khỏi thế giới sôi nổi tràn đầy âm thanh xung quanh. Cô mặc cảm với thiếu sót của mình và bị ám ảnh bởi việc sẽ nhảy ra khỏi ban công của toà nhà cao tầng nơi cô đang sống.

Sự ngăn cách rõ rệt nhất đến từ chính ý thức chủ quan của con người. Những thiếu hụt về nhận thức, những quy kết nóng vội, những sợ hãi không đáng có… đã làm sụp đổ những ngọn Babel vô hình, đã nới rộng những hố sâu giữa các chủng người.

Cũng đã có những nỗ lực lấp đầy khoảng cách đó: như hành động giúp đỡ tận tình của gia đình người hướng dẫn viên du lịch đối với hoàn cảnh éo le của đôi vợ chồng người Mỹ, hay những cố gắng đến tuyệt vọng của người bảo mẫu khi tìm đường đưa bọn trẻ ra khỏi hoang mạc… thế nhưng những nỗ lực đó trở nên quá nhỏ bé khi đem so với những khác biệt quá lớn mà bộ phim đã xây dựng nên, và đó cũng chính là những gì đang thực sự diễn ra trong thế giới loài người hiện nay.

Sự chia rẽ còn xuất hiện trong phạm vi của một cộng đồng, giữa những người có cùng chủng tộc. Điều này được lột tả rõ nét nhất bằng mặc cảm của cô gái câm điếc đối với cuộc sống xung quanh mình. Cô hoàn toàn lạc lõng trong một thành phố đông đúc như Tokyo, những người thực sự thương yêu cô thì hoặc đã chết như mẹ cô, hoặc không có nhiều thời gian dành cho con cái như bố cô. Còn đa số những người bình thường khác chỉ muốn chơi bời hay tò mò về cơ thể tràn đầy nhựa sống của cô.

Babel đã được đạo diễn Alejandro González Iñárritu thực hiện một cách rất chân thực, chính sự chân thực đó đã dẫn người xem trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, tạo nên những hiệu quả rất rõ rệt. Trường đoạn cảm động nhất trong phim là cảnh người chồng giúp vợ mình đi tiểu. Trong hoàn cảnh rất đời ấy, họ đã dốc hết bầu tâm sự, điều mà cả hai người đã không thể làm được trước đó, để tháo gỡ những mâu thuẫn đang âm ỷ gặm nhấm hôn nhân của mình.

Trường đoạn cô gái tội nghiệp trút bỏ hết quần áo trước mặt một nhân viên cảnh sát mà cô có cảm tình cũng chứa đựng thật nhiều cảm xúc. Tôi đã không có được cảm giác giải trí trước cảnh phim trần trụi đó, những gì cảm nhận được chỉ có thể như một lưỡi dao cứa sâu vào lòng trước khao khát được yêu thương của cô gái tội nghiệp. Đạo diễn đã rất tài tình khi gieo được vào đầu người xem cảm giác nhất định cô sẽ lao ra khỏi ban công phòng mình nếu bị từ chối. Thật may, nút thắt bi kịch này đã được tháo bỏ đầy nhân văn và có hậu.

Thực ra ba câu chuyện trong bộ phim không hoàn toàn độc lập với nhau. Bố cô gái câm điếc là người đã tặng khẩu súng trường cho một thợ săn Morroco, để rồi chính khẩu súng này đã gây nên thảm hoạ cho đôi vợ chồng người Mỹ, bố mẹ của hai đứa trẻ bị lạc ở hoang mạc Mexico.

Tôi cho rằng sợi dây liên hệ này không đơn thuần chỉ để mang lại sự bất ngờ thú vị cho người xem. Phải chăng đây chính là những gì sót lại của một thời loài người đã từng đoàn kết nhau lại để xây nên toà tháp Babel nổi tiếng, để rồi sự sụp đổ của nó đã dẫn đến sự chia rẽ? Và liệu đây có phải là niềm hy vọng về một lần tái hợp nữa trong tương lai?

Cùng với 4 bộ phim khác: The Letters from Iwo Jima, Little Miss Sunshine, The Queen và The Departed, Babel cũng được đề cử cho hạng mục Oscar phim hay nhất năm nay. Đó là phần thưởng xứng đáng cho đạo diễn Alejandro González Iñárritu và ê kíp làm phim của mình. Tôi đã may mắn được xem cả 5 bộ phim đề cử và có niềm tin rằng Babel sẽ bước lên bục cao nhất.

20/2/07

THƯ NGỎ GỬI CHỊ LÊ THỊ LIÊN HOAN



Đôi dòng cảm tưởng nhân xem phim "Trai nhảy" của chồng chị - đạo diễn Lê Hoàng.

(Bài từ blog của Chuột không đuôi, đã xin bản quyền)


Em xin lỗi vì phải làm phiền, phải réo tên chị ngay trong ngày đưa ông Táo về trời thế này. Chả là em được cái vé mời xem phim tại Galaxy, lại bị bạn bè lôi kéo nên em đã dành trọn hai giờ đồng hồ của chiều nay để chui vào rạp xem phim Trai nhảy của chồng chị vừa làm biên kịch vừa kiêm luôn đạo diễn.

Cũng tại em nhẹ dạ ngu dại tin vào cái câu slogan đầy khêu gợi “Con gái cũng thích, con trai cũng thèm” nữa (em muốn thử xem em có thèm không). Nhất chồng chị rồi, em luôn ưu ái cho phim của ảnh, dù lần nào coi xong ảnh cũng khiến em tức khí phải viết một cái gì đó. Nhưng lần này em chả viết báo nữa đâu (vì em biết anh Hoàng nhà chị chả đọc bài viết về mình trên báo bao giờ). Em chỉ dám viết lá thư đầy tình cảm này cho chị. Mong là chị sẽ chuyển cho ảnh giùm em.

Biết nói gì về bộ phim này nhỉ? Đầu tiên, em thích cái tên phim quá đi- một cái tên phim đầy tính kế thừa, dù em biết nó chẳng có liên quan gì đến Gái Nhảy cả. Nhưng ảnh cứ vẫn thích gọi nó là Trai Nhảy, vì cả cái đất nước này đều biết nhắc đến nhảy là phải nhắc đến Lê Hoàng, ngu gì mà không đi tiếp thành quả của mình tạo ra chứ. Với đà này, chị nhắc ảnh năm sau nên làm tiếp Gay nhảy, Les nhảy kẻo bạn bè ảnh lại léo nhéo ghen tỵ là ảnh chỉ lo lăng xê người ngoài, chẳng đả động gì đến “người nhà” thì nguy.

Em biết khen gì nữa nhỉ? Ờ, thì khen cái kịch bản nhé, vì anh Hoàng vốn là dân biên kịch mà. Kịch bản nào của anh ấy mà lại chẳng sắc sảo, chẳng hấp dẫn, chẳng đẳng cấp. Anh ấy còn nhảy sang cả sân khấu kịch để cứu rỗi tình trạng nghèo nàn của sân khấu mà. Trí tưởng tượng của anh Hoàng phải nói là làm em bái phục. Em có viết lách dăm ba chục năm nữa cũng chưa có được khả năng biến một cái cốt chuyện chả đâu ra đâu như Trai Nhảy mà thành một kịch bản phim được.

Em ước gì được như nhân vật của anh Hoàng, như cái cậu đấm bóp dạo tên Tuấn trong Trai Nhảy ấy. Xem hết phim em chả thấy được điểm gì tốt của cậu này, lười lao động nhá, thiếu sâu sắc nhá, nhà quê nhá nhưng cậu ấy được lắm người yêu say đắm thế. Lại còn 2 lần được 1 anh giáo sư y khoa và 1 bà chủ giàu có (đến giờ em vẫn thắc mắc cái bà bán quán café này đầu phim còn bị đòi nợ kinh khủng thế sao giữa phim đã có lắm tiền bao trai vậy?) quỳ lết dưới sàn nhà để van xin 1 câu giống y chang nhau: “Đừng bỏ anh/chị. Anh/chị cô đơn lắm!”.

Em cũng thèm được như anh giáo sư Tony, có mác Việt kiều, có học thức (giáo sư nhá), lại đẹp trai và có cái nhà đẹp kinh khủng như thế. Nếu em được như anh Tony thì em tin có khối người đàng hoàng danh giá (không chừng có cả diễn viên, ca sĩ) thèm được quỳ dưới chân em, chứ em chả cần phải van xin tình yêu của một thằng nhóc nhà quê thiếu bản lĩnh như Tuấn.

Mà chị này, lúc anh Hoàng quay Trai Nhảy, gia đình chị có lục đục gì không mà em thấy anh Hoàng thiếu tập trung lắm cơ. Xem phim nào của anh Hoàng em cũng thấy sai raccord nhưng với Trai Nhảy mấy cái sai nó cứ xuất hiện nhan nhản trong phim mà em chẳng tài nào đếm xuể. Nhưng ngẫm lại em thấy đó mới đúng là phong cách của đạo diễn lớn, vì đạo diễn lớn ai lại thèm để ý mấy cái vụn vặt ấy, chị nhỉ?

Em cũng rất phục anh Hoàng ở cái khoản tôn trọng diễn viên tuyệt đối, cho dù đó là những diễn viên mới toe chưa có kinh nghiệm diễn xuất. Em thấy cậu Đức Hải, cậu Bùi Ngọc Thuận diễn đơ thế kia, tâm lý nhân vật cứ thay đổi xoành xoạch khiến em chả theo kịp luôn, mà anh Hoàng vẫn OK, chả bắt quay lại. Mà diễn viên mình đóng phim có bao nhiêu tiền đâu, bắt quay lại tội lắm, lại tốn phim nữa. Ai lại làm chuyện ác độc như thế, chị nhỉ?

Tóm lại là em bái phục tài của anh Hoàng nhà chị trong cái phim này. Đó là chưa kể mấy màn quảng cáo cho Galaxy một cách thẳng thừng huỵch tẹt mà anh Hoàng đã đưa vào phim, dám chắc ảnh sẽ nhận được thêm bộn tiền từ nhà sản xuất đấy (chị nên kiểm tra lại tiền thù lao, kẻo ảnh lại giấu làm quỹ đen đấy nhé).

À, em có ý tưởng này, chị chuyển cho anh Hoàng đề đạc với hãng Thiên Ngân, đảm bảo sẽ có thêm được mớ tiền nữa. Đó là nên tung chiêu khuyến mãi tặng kèm mỗi vé xem Trai Nhảy một chiếc xô nhựa bé bé xinh xinh để khán giả không làm bẩn sàn rạp khi xem phim. Và khán giả nào ói được nhiều nhất thì sẽ được quà đặc biệt là được xem miễn phí trọn đời tất cả phim do Lê Hoàng đạo diễn.

Thương chị.

P.S: Nhìn cái hình trên em nghĩ rằng nếu anh Hoàng đóng luôn vai của Đức Hải thì chắc chắn phim sẽ ăn khách gấp bội. Và có lẽ ảnh sẽ không phải tự tử (em nghe anh Hoàng phát biểu trên báo là ảnh sẽ tự tử nếu phim không ăn khách làm em lo gì đâu)


19/2/07

LÌ XÌ



Chị bạn người Nga Elena của tôi có một thời gian dài làm biên tập viên cho chương trình tiếng Nga của Đài tiếng nói Việt Nam trong thập niên 1990. Hà Nội thời đó còn nghèo lắm. Elena mang theo cả hai đứa con (một trai một gái) đến Hà Nội. Mang tiếng là chuyên gia nước ngoài, nhưng chị và các con sống rất khiêm tốn.

Elena "bị Việt Nam hóa", chị thích giao du kết bạn với người Việt hơn là với người Nga. Và quả thực chị có những người bạn rất tốt, sẵn sàng giúp đỡ chị vào những thời điểm khó khăn. Và chị chưa bao giờ phải thất vọng vì người Việt.

Các con chị học trường Nga, nhưng ăn cơm Việt Nam và chơi với trẻ con người Việt là chủ yếu. Cũng giống như những đứa trẻ khác, chúng rất thích Tết. Đương nhiên, điều mà chúng thích nhất là lì xì.

Elena kể lúc đầu chị phát hoảng khi thấy người ta cho tiền con chị. Thời đó, phong bao lì xì của Trung Quốc chưa thịnh hành như bây giờ. Người ta thường đưa tiền trực tiếp cho trẻ con.

"Không được nhận đâu!" - chị nói với các con vì cứ nghĩ rằng người Việt biết mẹ con chị sống không dư dả gì nên cho tiền ăn Tết. Sau đó nghe bạn bè giải thích rằng đó đơn giản chỉ là sự "mừng tuổi trẻ con", chúc chúng hay ăn chóng lớn, chị thấy yên tâm hơn. Các con chị thì khỏi phải nói, chúng mừng như thế nào khi được nhận lì xì.

Bây giờ thì các con của Elena đã lớn. Robert năm nay đã 25 tuổi, còn cô em gái thì cũng đã 19. Mới đây Robert sang Việt Nam làm phiên dịch tiếng Việt cho một công ty của Nga. Cậu hồi tưởng lại tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm ở Hà Nội và vẫn mong ước được một lần trở lại làm cậu bé để được nhận lì xì.

Nhân năm mới, nhiều người "đòi" lì xì, tôi có tiền mừng mọi người đây. Do dollar mất giá nên lì xì bằng euro nhé.

Chúc mọi người một Năm mới hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.

Hãy thử 1 phút quay lại thời tuổi thơ của mình để sung sướng nhận lì xì.

17/2/07

GIAO THỪA NÓNG



Lâu lắm mới thấy một cái Giao thừa nóng như năm nay.

Trước Tết thấy Khí tượng thủy văn hứa là Tết sẽ lạnh. Nhưng mà chẳng thấy lạnh đâu.

30 Tết gì mà nóng gần bằng mùa hè, chẳng khác gì ở trong Nam. May mà bây giờ nhà nào cũng có tủ lạnh, chứ nếu không thức ăn sẽ hỏng hết.

Cầu truyền hình Giao thừa ở Bờ Hồ thấy có cảnh một số người mặc áo phông. Cô Đan Lê mặc cái áo dài mầu hồng mỏng tang đứng ở Bờ Hồ lộng gió nhanh nhẩu bảo rằng trời nóng thế này chị em phụ nữ sẽ được tha hồ mặc diện.

Hic. Mồng Một ra đường thấy chị em mặc áo hai dây thì cũng vui mắt, nhưng mà chán chết. Tết nhất chẳng có không khí gì cả.

Tội nghiệp cho mấy người bạn từ miền Nam ra hưởng Tết lạnh ở Hà Nội mà lại vớ ngay phải cái Giao thừa nóng. Chắc từ nay có các vàng cũng chẳng ra Bắc đón Tết nữa.

Tóm lại là khí hậu thay đổi. Năm mới ở Châu Âu không có tuyết. Festival băng tuyết ở Nhật thì bị dính mưa rào.

Đêm qua ở Hà Nội sấm chớp như mưa rào mùa hạ.

Đêm hôm kia thì có mưa đá.

Toàn chuyện lạ. Nhưng người ta vẫn chờ một Giao thừa lạnh. Và nó đã lỗi hẹn.

Đành nhủ thầm: "Thôi chờ Giao thừa năm sau".

Chỉ hy vọng Giao thừa nóng sẽ là điềm lành.

13/2/07

20 CẶP ĐÔI SEXY TRÊN MÀN ẢNH (1)



Nhân ngày tình nhân (14.2), MSN đưa ra danh sách xếp hạng 20 cặp đôi sexy nhất trên màn ảnh. Tất nhiên là chỉ đối với những bộ phim do Hollywood sản xuất.

1. Clark Gable và Vivien Leigh - Ai cũng thuộc cốt truyện của phim “Cuốn theo chiều gió” dàn dựng năm 1939 theo tác phẩm cùng tên của Margaret Michel. Mối tình sóng gió giữa Scarlett O'Hara và Rhett Butler được truyền tải trọn vẹn qua diễn xuất đỉnh cao của Clark Gable và Vivien Leigh. Vị trí quán quân của họ sẽ còn phải rất lâu nữa mới có thể bị đạp đổ.

2. Humphrey Bogart và Ingrid Bergman - Hàng triệu khán giả sẵn lòng ngồi xem đi xem lại phim Casablanca (1942). Lấy bối cảnh thành phố biển của Morocco trong Chiến tranh Thế giới II, bộ phim thuật lại hành trình của Ilsa Lund đi tìm người tình xưa là Rick Blaine, ông chủ hộp đêm người Mỹ ở Casablanca. Một câu chuyện tình cảm động và đau đớn.

3. Glenn Ford và Rita Hayworth – Năm 1946, hai ngôi sao sáng nhất Hollywood lúc đó kết hợp trên màn bạc trong bộ phim kinh điển “Gilda”. Con bạc Johnny Farrell bị mắc kẹt trong quan hệ tình cảm với cô nàng Gilda. “Tôi căm ghét cô ta, nhưng không thể đẩy cô ta ra khỏi tâm trí” – Johnny than thở. Ghen tuông, ám ảnh, mê đắm – tất cả đều có trong “Gilda”.

4. Bogie và Bacall - Phim “To Have And Have Not” (1944) khắc hoạ mối tình kỳ lạ giữa Lauren Bacall (19 tuổi) và Humphrey Bogart (45 tuổi) trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới II. Cuộc sống của Harry Morgan trở nên phức tạp khi ông gặp Marie Browning. Cô gọi ông bằng tên suồng sã là 'Steve', ông gọi cô là “Gầy”. “Anh có biết huýt sáo không, Steve?” – Marie rủ rỉ một cách đầy quyến rũ. – “Chỉ cần bụm môi lại… và thổi”.

5. Cary Grant và Ingrid Bergman - Bộ phim ly kỳ “Notorious” (1946) là câu chuyện tình bạo dâm giữa điệp viên lạnh lùng T.R. Devlin với cô nàng phóng túng Alicia Huberman. Lấy bối cảnh cuối Chiến tranh Thế giới II, phim nổi tiếng vì nụ hôn say đắm kéo dài 3 phút đồng hồ. Sự căng thẳng bồn chồn và sức dẫn dụ giới tính được hoà trộn rất tài tình.

6. Harry Belafonte và Dorothy Dandridge Vở opera Carmen nổi tiếng của Bizet được chuyển thể lên màn ảnh thành phim Carmen Jones năm 1954 với toàn bộ dàn diễn viên da đen. Dorothy Dandridge trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên được đề cử Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Khoảnh khắc mà nàng Carmen kiều diễm nhìn vào mắt chàng sĩ quan Joe đã đi vào lịch sử điện ảnh. Diễn xuất của hai diễn viên da đen trong phim này rất đáng được thưởng ngoạn.

7. Paul Newman và Elizabeth Taylor – trong bộ phim kinh điển “Cat on Hot Tin Roof” sản xuất năm 1958 theo vở kịch của Tennessee Williams về một gia đình ở miền nam nước Mỹ thói tham lam làm cho tan tành. Liz Taylor trong vai Maggie, một phụ nữ quyến rũ, nhưng lại thất vọng về đời sống tình dục luôn xung đột với Brick (Paul Newman) - người đàn ông lạnh lùng, khép kín và nghiện rượu. “Tại sao anh không béo trương béo nứt hay xấu xí đi nhỉ?” – câu nói của Maggie chứa chất hờn tủi, yêu thương và cả sự căm giận đủ mô tả quan hệ phức tạp giữa hai người.

8. Sean Connery và Honor Blackman - Trong phim “Goldfinger” của series 007 sản xuất năm 1963, nhiệm vụ của chàng James Bond thứ ba là kết liễu cuộc đời của nhà tư bản kiêm ông trùm tội ác Auric Goldfinger. Đây là tập đề cập quan hệ luyến ái hay nhất trước nay của tay điệp viên lừng danh với đối tượng cụ thể là Bond Girl Pussy Galore.

9. Steve McQueen và Faye Dunaway - Thomas Crown (Crown Affairs – 1968) là nhà triệu phú biển thủ, còn Vicky là nhà điều tra bảo hiểm theo sát ông ta từng bước. Sự xuất hiện trên màn ảnh của đôi kỳ phùng địch thủ này, đặc biệt trong ván cờ khiến cả hai đâm bổ vào nhau, khiến bộ phim trở nên quá gợi cảm phù hợp với trào lưu “cách mạng tình dục” thời kỳ đó.

10. Robert Redford and Faye Dunaway – Trong bộ phim ly kỳ “Three Days of the Condor” (1975), Robert Redford đóng vai một điệp viên CIA khi quay trở lại văn phòng thì phát hiện ra mọi người đều bị sát hại. Anh bắt cóc một phụ nữ và mối quan hệ căng thẳng giữa hai nhân vật này được mổ xẻ rất chi tiết và hấp dẫn khiến ta không thể rời mắt khỏi màn ảnh.

(còn nữa)

20 CẶP ĐÔI SEXY TRÊN MÀN ẢNH (2)



11. William Hurt và Kathleen Turner – Ra mắt khán giả năm 1981, “Body Heat” là bộ phim ly kỳ được mô tả là “phim gây toát mồ hôi nhất của mọi thời đại”. Mối tình đen tối nảy nở giữa một luật sư cả tin và một phụ nữ xinh đẹp trong khi họ lên kế hoạch sát hại người chồng giàu có. Kathleen Turner quá thành công trong vai người phụ nữ quỷ quyệt sử dụng cơ thể để đạt được những điều mình muốn.

12. Dennis Quaid và Ellen Barkin
- Được dựng ở thành phố rực rỡ sắc màu New Orleans, bộ phim “The Big Easy” (1987) thuật lại cuộc điều tra của thám tử Remy McSwain đối với vụ giết hại một tên trùm xã hội đen. Công việc của anh không suôn sẻ vì sự can thiệp của Anne Osborne, người phụ nữ phụ trách Văn phòng Chưởng lý quận. Phim có cảnh tình yêu mặc đầy đủ quần áo “nóng” nhất trong lịch sử điện ảnh.

13. Patrick Swayze và Demi Moore - Tiếng súng oan nghiệt của một tay anh chị trên đường phố đã tưởng chừng chấm dứt mối tình giữa Molly và Sam. Tuy nhiên hồn ma của San quay trở lại và bằng mọi cách bảo vệ người yêu của mình. Cảnh hai người nặn bình gốm (ảnh) khiến những khán giả khó tính nhất cũng phải tha thứ cho tất cả những gì bị coi là sến trong phim “Oan hồn” (1990).

14. Tom Cruise/Val Kilmer - Maverick (The Cruiser đóng) là viên phi công liều lĩnh, dám phá vỡ mọi quy định. Anh ta tán tỉnh huấn luyện viên Charlie (Kelly McGillis) và cạnh tranh với viên phi công cừ khôi Iceman (Val Kilmer đóng). Phim “Top Gun” được mệnh danh là phim dị tính đồng tính nhất của Hollywood. Cặp đôi sexy ở đây không phải là Maverick và Charlie, mà giữa Maverick và Iceman. “Anh có thể là phi công yểm trợ của tôi vào bất cứ lúc nào” – Iceman nói. “Anh có thể là của tôi” – Maverick trả lời.

15. Richard Gere và Julia Roberts
– trong bộ phim “Người đàn bà đẹp” làm mưa làm gió trên màn ảnh thế giới năm 1990. Julia Roberts đóng vai cô gái điếm Vivian Ward được nhà triệu phú Edward Lewis đem lòng yêu. Liệu một cô gái điếm nghèo và một nhà doanh nghiệp giàu có có thể sống thực sự hạnh phúc sau câu chuyện tình của nàng Lọ Lem hiện đại? Chuyện này có vẻ không thật lắm, nhưng đa phần khán giả lại tin do diễn xuất quá tuyệt vời của hai diễn viên chính.

16. Tom Cruise/Brad Pitt - Sau cái chết của vợ, ông chủ trang trại Louis không còn thiết tha với cuộc sống nữa. Đúng lúc ấy con ma cà rồng Lestat xuất hiện và gạ Louis sẽ được sống vĩnh cửu nếu đồng ý làm ma cà rồng. Louis chấp thuận, nhưng sau đó bị lương tâm cắn rứt và luôn vật lộn với chính bản thân mình để không giết người. Hai nam diễn viên hạng A của Hollywood là Brad Pitt (vai Louis) và Tom Cruise (vai Lestat) đã tung hứng cực kỳ ăn ý và tạo nên một "cặp đôi" hoàn hảo trong phim “Phỏng vấn ma cà rồng” (1994).

17. Heath Ledger và Julia Stiles - Hai nhân vật chính trong “Mười điều tôi ghét anh” (1999) là cậu trai hư hỏng Patrick Verona và cô nàng nổi loạn và căm ghét đàn ông Kat Stratford. Patrick được trả tiền để hẹn hò với Kat, phiên bản mới của “Thuần phục cô nàng đỏng đảnh” của William Shakespeare. Sự kết hợp hài hoà giữa hai ngôi sao trẻ là một trong những nguyên nhân khiến cho bộ phim được vô cùng yêu thích.

18. Bill Murray và Scarlett Johansson - Phim “Chuyển ngữ thất bản” (2003) đề cập mối quan hệ kỳ lạ giữa một diễn viên trung niên và cô vợ của một nhà nhiếp ảnh trẻ sành điệu. Họ ở cùng trong một khách sạn ở Tokyo và tình cờ gặp nhau. Bối cảnh tù túng và cảm giác xa lạ của cuộc sống nơi đất khách đã dẫn họ đến một mối quan hệ khó cắt nghĩa, nhưng rất đẹp và rất người. Mặc dù không thuộc loại kép đẹp của Hollywood, song Bill Murray đã cho thấy sự quyến rũ về giới tính không phụ thuộc vào tuổi tác và hình thể. Những cảnh quay giữa ông và Scarlett Johansson đẹp một cách đau đớn.

19. George Clooney và Jennifer Lopez - Năm 1998, đạo diễn Steven Soderbergh chuyển thể tiểu thuyết “Out of Sight” của nữ văn sĩ Elmore Leonard. George Clooney đóng vai Jack Foley, một tên cướp nhà băng có sức quyến rũ ghê gớm, nhưng lại không mấy thông minh. Jlo đóng vai Karen Sisco - nữ cảnh sát liên bang có trái tim rất lãng mạn. Họ đối đầu ở các cấp độ khác nhau và cơ duyên màn bạc của hai diễn viên đã nâng bộ phim lên tầm kinh điển.

20. Brad Pitt và Angelina Jolie - John và Jane Smith là một cặp vợ chồng bình thường sống ở ngoại ô trong một cuộc hôn nhân tầm thường và tẻ nhạt. Tuy nhiên, cả hai đều có bí mật riêng. Tình cờ, cả hai làm sát thủ thuê cho hai công ty kình địch và người này có nhiệm vụ phải thủ tiêu người kia. Sự kết hợp bùng nổ giữa Brad Pitt và Angelina Jolie trong “Ông và bà Smith” (2003) đã mang lại sức nóng khủng khiếp cho phim. Và tất cả chúng ta đều biết điều gì đã xảy ra trong đời thực, sau khi bộ phim kết thúc.

11/2/07

Ô NHIỄM VÌ TIỄN ÔNG CÔNG ÔNG TÁO



Sáng nay đi qua Hồ Thủ Lệ thấy hai anh công nhân Cty Môi trường Đô thị chèo thuyền đi vớt rác ở cái hồ rất đẹp này của thủ đô Hà Nội. Chiếc thuyền khá nặng, chở đầy những túi nilon lớn bé chứa tro hoá vàng các thứ gửi cho ông Công ông Táo trong ngày tiễn các ông lên trời diện kiến Ngọc Hoàng 23 tháng Chạp.

Phong tục đẹp của Việt Nam đang bị biến thành thành thói quen xấu do sự vô ý thức của nhiều người.

Cá được phóng thích thì ngay cạnh đó đã có vài ba người đàn ông dùng cần câu (ảnh) và lưới bắt trở lại. Chẳng hiểu ông Công ông Táo nhà ấy còn phương tiện gì để lên trời nữa hay không.

Thả cá xong, các khổ chủ còn liệng xuống những túi tro hoá vàng. Hàng nghìn túi xanh hồng nghìn tía dập dờn trên mặt nước. Có những chú cá không thoát khỏi ma trận túi tro, ngáp miệng chờ chết trông rất thương.

Tóm lại các hồ nước tuy rất đẹp nhưng vốn đã bẩn, nay lại bẩn thêm.

Có dịp mục kích sở thị mới thấy đi thả cá và liệng tro toàn là người lớn. Rất nhiều người mặt mũi sáng sủa, ăn mặc lịch sự, ắt hẳn thuộc trình độ dân trí không đến nỗi nào. Thế mà vẫn ngang nhiên xả rác như vậy.

Chắc sang năm công an nên cử vài ba chú cảnh sát đến các hồ, thấy bác nào liệng rác xuống hồ, thì phạt vi cảnh 100 nghìn cho tởn. Bà con thấy sao? Có ai có cao kiến nào chấm dứt hiện tượng này, xin ghi vào comment.

9/2/07

PHÉP MẦU!



Cách đây hơn 20 ngày, Trần Tuyên được đưa từ Singapore trong tình trạng hầu như không còn ý thức được gì. Các bác sĩ Singapore lắc đầu, bó tay. Họ khuyên gia đình nên đưa Tuyên về VN sớm chừng nào hay chừng ấy, trước khi mọi việc trở nên quá muộn.

Đón Tuyên ở sân bay Nội Bài là xe cứu thương. Hà Nội hôm đó lạnh cắt da cắt thịt, trời u ám. Gia đình, bạn bè và những người yêu quý Tuyên đều cảm thấy xót xa vì rất có thể, họ sẽ vĩnh viễn mất Tuyên trong một thời gian rất gần.

Nhưng như tôi đã viết trong entry "Sức mạnh tình yêu", nàng tiên trong chuyện cổ tích đã xuất hiện và mang lại cho mọi người chút hy vọng mong manh vào phép mầu của tình yêu.

Trần Tuyên lại được đưa vào Viện Huyết học Hà Nội để đấu tranh với căn bệnh ung thư hiểm nghèo trong những điều kiện khiêm tốn hơn rất nhiều so với bệnh viện ở Singapore.

Mấy ngày đầu, tình trạng của Tuyên không biến chuyển mấy, nhưng cũng không xấu đi. Cả một núi comment và quick comment đổ vào blog của Tuyên sau khi mẹ Tuyên viết entry "Mẹ viết tiếp cho con trai" hôm 22.1.

Tuyên chẳng đọc được những dòng của mẹ, cũng như những lời động viên của bạn bè từ bốn phương trời.

Nhưng bên cạnh Tuyên còn có một sức mạnh khác.

Tuyên bắt đầu ăn được. Tôi nhớ giọng của bố Tuyên qua điện thoại khi đó, không hẳn vui mừng nhưng cũng chưa hết lo âu: "Nó đòi bánh khúc và ăn được hai miếng".

Rồi Tuyên hết sốt và mỗi ngày lại có thêm những đòi hỏi mới về ẩm thực.

Rồi Tuyên nói được, ban đầu chỉ là những câu ngắn và không dễ nghe. Hai ba hôm sau, Tuyên phục hồi phần lớn trí nhớ và hỏi bố: "Mấy hôm cuối cùng ở Singapore chuyện như thế nào hả bố?"

Rồi Tuyên bắt đầu nhúc nhắc, có bố dìu. Nhưng đến hôm nay đã tự đi lại được. Đương nhiên, chưa thể đi hẳn một đoạn đường dài.

Giọng của bố Tuyên qua điện thoại hôm nay (9.2) vui lắm. Ông nói Tuyên vừa đòi ăn phở. Tuyên đã nói chuyện với bà nội qua điện thoại khá dài. Ông tin chắc chắn rằng Tuyên sẽ xuất viện vào thứ B hoặc thứ Tư (tức 26-27 Tết). "Lần này Tuyên sẽ tự về nhà chứ không phải bằng xe cứu thương đâu anh ạ" - Bố Tuyên nói giọng đầy tự hào.

Mecghi hình như đã đến thăm Tuyên ở Viện Huyết học, theo lời cô thì cả râu và tóc của Tuyên cũng đã bình phục.

Quả thực là phép mầu đã hiệu nghiệm.

Còn ai nghi ngờ vào sức mạnh của tình yêu nữa không?

Blog của Tuyên

8/2/07

NƯỚC SÔI NÓNG



Uống một ly càphê buổi sáng chắc là thói quen của nhiều người. Nhưng không phải buổi sáng nào cũng rảnh để có thể nhâm nhi thưởng thức hương vị của càphê và không gian tinh khiết của cái lạnh xứ Bắc.

Dẫu vậy vẫn phải cố gắng để mỗi tuần có 1-2 buổi sáng như thế. Không phải để tỏ vẻ sành điệu mà là để nạp năng lượng của cuộc sống.

Cái quán càphê ấy tôi mới phát hiện ra. Nó nằm ở một con đường vắng, nhưng lại khá đông khách. Ngồi xuống uống một ly nâu nóng thì mới biết tại sao quán nằm khuất nẻo mà lại không vắng. Bí quyết rất đơn giản: càphê ngon. Ly càphê sóng sánh với mùi thơm đặc trưng và vị đậm đà khi chạm vào lưỡi truyền một cảm giác thật khó tả.

Nhưng quả thật là nó rất đặc. Đặc ngay cả với một người có thâm niên uống càphê gần hai chục năm như tôi.

Đành phải gọi người phục vụ: "Cho anh một ly nước sôi".

Một phút sau, cậu ta bưng ra cho tôi một ly nước nguội ngắt. Nước sôi cơ mà, tôi chau mày. "Vâng, lước sôi đấy ạ. Đây là lước sôi để nguội ạ".

- Vậy thì mang cho tôi một ly nước nóng, tôi yêu cầu.

Một phút sau, cậu ta bưng ra một ly nước khác. Hoàn toàn không nóng mà chỉ là âm ấm!

- Đây không phải là nước nóng. Đây là nước nguội pha với nước nóng! - tôi bắt đầu bực mình.

- Vâng, thì đúng nà lước lóng còn gì! Thế anh cần lước như thế lào? - cậu ta cũng bực mình. Buổi sáng khách đông, lại gặp đúng phải ông khách bẻ hành bẻ tỏi.

- Tôi cần một ly nước sôi thật nóng. Nước sôi vừa đun để trong phích ấy. Để tôi pha vào ly càphê này vì nó đặc quá. Cậu hiểu chưa?

- À, thế là anh cần lước sôi lóng chứ gì? Thế mà không lói rõ. Có ngay đây ạ.

Quả nhiên, lần này thì "lước sôi lóng" đúng như tôi cần.

Nhiều khi cứ tự hỏi: Không biết mình có nói đúng tiếng Việt không? Tại sao phải nói đến lần thứ ba những điều rất đơn giản mà một người Việt Nam 100% mới hiểu mình.

free hit counters
free hit counters

5/2/07

ĐỒNG LẺ



- Một hai ba, dzô! Một hai ba, dzô!

Giữa những tiếng hô vang như sấm dậy ấy, giọng bà ăn xin lọt thỏm. Thân hình bà cũng lọt thỏm vào giữa đám đàn ông đang trương nở tinh thần và thể xác vì bia. "Hà hà, ăn xin à? Đi chỗ khác đi" - một khuôn mặt phừng phực hơi men nói như ra lệnh. "Thôi, cho bà ấy mấy đồng" - một người thương tình nói khi thấy bà già nhẫn nại từ nãy đến giờ.

Bà già này có vẻ biết điều, chứ không sấn sổ vào như những người khác. "Chết cha, không có tiền lẻ, có ai có tiền lẻ không?" - người đàn ông vừa nói kêu lên sau khi lục ví. "May quá còn một đồng xu đây" - ai đó trả lời và dúi vào tay bà già: "Cầm lấy nhé, đi đi nhé!"

Từ thiện đã xong xuôi, bia lại rót ra, chuẩn bị dzô, nhưng bà già ăn xin vẫn ngửa tay đứng chờ. Thì ra Hưng, một người trong nhóm đó vẫn đang loay hoay với cái ví chưa tìm thấy tiền lẻ: "Chờ tôi tẹo, chả hiểu tiền lẻ ném đâu" - hắn làu bàu.

Chiếc ví của Hưng đã được để lên mặt bàn, trong cũng "đầy đặn". Ngăn chính đương nhiên không thể giở ra, hắn lóng ngóng lục các ngăn phụ đựng xu. Một đồng xu rơi ra. Đồng xu 5000. Tiền lẻ rồi, bà già này vớ bẫm rồi. Nhưng hình như đồng 5000 chưa phải là mục đích tìm kiếm của hắn. Hắn lại tiếp tục dốc ví. Lại một đồng nữa rơi ra, 2000 đ. "Hà hà, bà già này được 4 miếng đậu phụ rồi" - có người kêu lên.

Sự chậm chạp của Hưng khiến cả bàn bia chú ý, kể cả mấy nhân viên phục vụ. Lại hai đồng nữa lăn ra, mệnh giá còn 1000 đ. Và tất cả như trò chơi "Chiếc nón kỳ diệu", đồng lẻ dành cho bà già mỗi chốc lại tụt mệnh giá xuống. Cuối cùng thì một đồng xu 500 trắng trẻo, xinh đẹp bon ra, xoay một vòng trên mặt bàn. Đấy hẳn là kết cục dành cho bà già.

Bà già nhìn đồng xu 500 chờ đợi... Nhưng, hình như hắn vẫn chưa cho đó là đồng lẻ trong túi. Hắn lại nắn bóp, dốc dốc lần nữa các ngăn phụ. "Xong chưa, dzô được chưa" - mọi người sốt ruột. Hắn làm như không nghe thấy. Hắn xô cả ghế để đứng nắn bóp túi áo, túi quần, túi trong, túi ngoài. Vừa lục, hắn vừa lẩm bẩm: "Rõ là có đồng 200, siêu thị vừa trả lại, thế mà không biết vứt đâu".

Cả bàn bia lặng ngắt, chỉ còn bọt sủi lên từ những cốc bia đang nguội dần. Đúng là chơi với nhau lâu ngày giờ mới biết trên đời lại có những tay giàu sụ mà đồng lẻ của hắn vẫn là đồng 200, không đủ để mua một cọng hành.

Khi mọi người chuẩn bị cầm cốc bia lên dzô một lần nữa vì không thể chờ hắn, thì hắn mới tìm được đồng xu 200.

- Tiền lẻ cho bà đây nhé, - một tay hắn bỏ đồng xu 200 vừa tìm thấy vào lòng bàn tay bà già.

Đám đàn ông lặng ngắt một lẫn nữa, khi tay kia, hắn quơ trên mặt bàn, tất cả những đồng xu đã dốc ra, gồm một đồng 5000, một đồng 2000, hai đồng 1000, một đồng 500, tất cả cùng bỏ vào bàn tay run rẩy của bà già.

Theo THIẾU PHƯƠNG (Thể thao & Văn hóa số 15/2007)

 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết