Sau 7 năm cầm quyền, ông Putin đã dọn dẹp được đống đổ nát của nước Nga và nhanh chóng khôi phục vị thế cường quốc của đất nước này. Mặc dù vẫn có uy tín cao trong nhân dân Nga, thậm chí được nhiều người dân Nga đề xuất sửa đổi Hiến pháp để lãnh đạo Nga thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng ông Putin đã tuyên bố sẽ không ra tranh cử vào năm 2008 và chuẩn bị cho người kế nhiệm mình.
Được 75% dân chúng ủng hộ - đó là con số mà bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng thèm muốn. Nhưng ông sẽ không lạm dụng lòng tin của họ để sửa đổi Hiến pháp, bởi vì “tôi không thể đòi hỏi người khác tuân thủ luật pháp, còn tôi lại vi phạm”.
Theo lời ông nói, thì việc chọn người kế nhiệm đã được ông chuẩn bị từ lâu và ông sẽ đề cử một người có khả năng tiếp tục những chính sách mà ông theo đuổi kể từ sau khi được cựu Tổng thống Boris Yeltsin đột ngột đề cử thay thế: “Tôi nghĩ về người kế nhiệm ngay từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ đầu tiên. Tôi tin rằng nhân dân Nga có thể phân biệt được một nhân vật tử tế và có khả năng trong số những kẻ hay bép xép, ba hoa và lười biếng”.
Tuy nhiên, vào thời điểm này ông Putin luôn tránh trả lời cụ thể ai sẽ là người kế nhiệm. Ông hứa sẽ công bố danh tính của người mà ông lựa chọn trước cuộc bầu cử tổng thống dự định sẽ diễn ra vào tháng 3.2008. Phó Thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev và Phó Thủ tướng Sergei Ivanov là hai nhân vật được báo chí của cả nhà nước lẫn tư nhân nhắc đến nhiều nhất như những ứng cử viên hàng đầu.
Có một điểm tương đồng là cả ông Medvedev (hiện kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT hãng khí đốt nhà nước Gazprom) và Ivanov (kiêm nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng) đều là người xuất thân từ cố đô St. Petersburg như ông Putin.
Nhận xét một cách khách quan về thời gian cầm quyền của mình, ông Putin nói: “Không hề là sự trùng lặp mà mấy năm gần đây chúng tôi đã thoát khỏi những cuộc khủng hoảng thường xuyên để có được ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế”.
Thế nên, theo ông mục tiêu chủ chốt của vị tổng thống và của chính quyền Nga sắp tới là bảo đảm sự tăng trưởng từng bước trong thu nhập cá nhân, tăng mức sống và chất lượng cuộc sống ở nước Nga.
Khi ông Yeltsin từ chức ngày 31.12.1999, ông Putin được thừa hưởng một chính phủ oằn mình gánh trên vai khoản nợ 40 tỉ USD với đồng tiền bị phá giá suốt 16 tháng trước đó, khiến cho những khoản tiền tiến kiệm của hàng chục triệu người dân bị biến mất sau một đêm và đẩy chính phủ đến miệng hố phá sản.
Nhưng cũng kể từ đó chỉ số thị trường chứng khoán Nga RTS đã vươn lên, vượt mức 1.000 điểm, mức lương trung bình tăng 4 lần lên 400 USD, Ngân hàng Trung ương Nga “tích cóp” được hơn 300 tỉ USD dự trữ ngoại tệ.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nga còn dành dụm được 88 tỉ USD do giá dầu tăng để bù lại khoản thâm hụt ngân sách do sự giảm giá năng lượng - nguồn xuất khẩu chính của đất nước. Kinh tế Nga hiện nay tăng trưởng ở mức 9%/năm và dự tính lần đầu tiên sẽ cán mức 1 nghìn tỉ USD trong năm 2007.
Rõ ràng là nước Nga đã khôi phục được vị trí cường quốc của mình, song bản thân ông Putin lại không thích “luận điệu” của nước ngoài rằng ông muốn lấy lại vị trí “siêu cường” của nước Nga để mở rộng tầm ảnh hưởng đối với thế giới. “Siêu cường” là thuật ngữ của giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Khi người ta nói rằng nước Nga hôm nay tìm kiếm vị thế này, tôi chỉ thấy một điều – đó là nỗ lực phá hoại niềm tin trong nước Nga, làm nước Nga hoảng sợ và tạo dựng hình ảnh của kẻ thù”.
1 comments:
Khong the dien ta bang loi duoc, tuyet voi tren ca tuyet voi,Love
Đăng nhận xét