30/8/11

TIẾNG VIỆT ĐANG "DÀI" RA



GS.TS. NGUYỄN ĐỨC DÂN

Trong một chương trình Chào buổi sáng (VTV1) mới đây, viên sĩ quan cảnh sát giao thông trả lời phỏng vấn rằng: “Chúng tôi đã xác định được những cơn mưa kéo dài trên một tiếng đồng hồ hoặc dưới một tiếng đồng hồ gây ngập lụt là 53 điểm”. Sao không nói: “Chúng tôi đã xác định được 53 điểm cứ mưa to là ngập” cho gọn?

Cũng chương trình này, hàng ngày vẫn ra rả “người tham gia giao thông”, “các phương tiện tham gia giao thông”. Sao không nói “người đi lại”, “xe cộ” cho ngắn? Hiện tượng nói dài đang ngày càng trở nên phổ biến trong sách báo và văn bản tiếng Việt hiện nay. Vì sao?

Dai, dài, nhưng an toàn!

Anh dân quân đánh vần chưa thạo chữ quốc ngữ trong truyện Đôi mắt của Nam Cao đã nói thuộc lòng một bài ba giai đoạn kháng chiến phòng ngự, cầm cự, tổng phản công… “dài đến năm trang giấy”. Những người này cứ nói ra “là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân, phát xít, phản động, xã hội chủ nghĩa, dân chủ với cả tân dân chủ nữa…” (trích Đôi mắt, 1948).

Cách nay 63 năm đã xuất hiện trên cửa miệng người dân bình thường những khái niệm cao xa mấy ai hiểu hết ý nghĩa này. Sáu, bảy thập kỷ là khoảng thời gian tạo ra hai thế hệ, đủ dài để hình thành thói quen nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo. Điều này dẫn tới hệ luỵ là xã hội hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của từ ngữ, câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. Vả lại, nếu ai đó muốn bình luận sẽ tạo ra những lời nghịch nhĩ và trở thành “người có vấn đề”.

Kết quả là người ta lo nói năng an toàn, cầm giấy phát biểu theo những giáo điều, dần dần hình thành thói quen kết luận mà không chú ý tới lý lẽ thuyết phục. Nhiều người nghèo đi về ngôn từ và tư duy, nhưng vẫn cần thể hiện mình. Vậy là sinh ra lối nói sang trọng với nhiều từ Hán – Việt nhưng lại không hiểu thấu đáo và những câu hùng hồn dài dòng rỗng nghĩa.

Những lối nói dư thường gặp

Qua phim truyền hình và một số chương trình truyền hình gần đây, có thể bắt gặp những lối nói dư sau:

Dùng lặp hai từ Hán – Việt và thuần Việt đồng nghĩa: như “Nạn rải đinh tái xuất hiện trở lại” (Chào buổi sáng, 6.5.2011). Tái xuất hiện là xuất hiện trở lại. Nói nạn rải đinh “xuất hiện trở lại” là đủ. Và “Mời các bạn nghe những tin tức cập nhật đầu tiên trong ngày” (Chào buổi sáng, 13.1.2010). “Cập nhật” là trong ngày. Nói “tin tức đầu tiên trong ngày” là đủ. Nguyên nhân chính của loại dư quá phổ biến này là trong nhận thức của người Việt hiện nay, nghĩa của nhiều yếu tố Hán – Việt đã “mờ” đi nên nhiều người không thấy “dư” nữa.

Lặp lại những diễn đạt đồng nghĩa: như “Mục đích cô đến đây để làm gì?” (phim Cuộc gọi lúc 0 giờ, tập 18, VTV3). Sao không biên tập thành “Cô đến đây làm gì?” cho gọn? Lại nữa: “Chắc có lẽ là vậy” (phim Cuộc gọi lúc 0 giờ, tập 19). “Chắc” và “có lẽ” là hai từ thể hiện hành vi phỏng đoán một khả năng không chắc chắn. Nói “Chắc vậy” hoặc “Có lẽ vậy” là đủ.

Đưa vào lời nói những yếu tố đương nhiên tồn tại: như “Anh xin lỗi! Anh đã tát vào má em” (phim Sự quyến rũ của người vợ, VTV3, 1.6.2011). Một khi mở bàn tay đánh vào má thì gọi là “tát”, đánh vào mông gọi là “phát”, đánh vào mồm miệng gọi là “vả”, đánh vào tai gọi là “bạt”. Vậy nói “Anh xin lỗi! Anh đã tát em” là đủ.

Nói dư thành sai: như “Ở Việt Nam chủ yếu có mấy loại gấu? Gợi ý: hai, ba hay bốn?” (Đấu trường 100, VTV3, 30.5.2011). Đáp án (lời MC): “Hai. Không có thêm loại gấu nào nữa đâu”. Từ “chủ yếu” khiến câu hỏi định lượng này mang tính xác suất. Đáp án “hai” khiến người nghe nghĩ rằng còn một loại gấu thứ ba (thứ yếu) nữa. Dù 99,9% gấu ở Việt Nam là hai loại gấu ngựa và gấu chó thì vẫn có 0,1% thuộc loại gấu thứ ba. Nói như MC “Không có thêm loại gấu nào nữa đâu” là không chuẩn. Còn như, nếu chỉ có hai loại gấu thì từ “chủ yếu” làm câu hỏi trên sai.

Ví dụ khác: “Sáng tác này của Trần Hoàn vào năm nào: a) 1948, b) 1958, hay c) 1968?” Đội A: 1958. Lời MC: “Đáp án này hoàn toàn sai”; Đội B: 1948. Lời MC: “Vâng, hoàn toàn chính xác!” (Trò chơi âm nhạc, VTV3, 29.7.2011). Nếu 1948 là hoàn toàn chính xác, 1958 là hoàn toàn sai thì năm nào là chính xác không hoàn toàn, năm nào là sai không hoàn toàn? MC nói dư từ “hoàn toàn”.

Dùng chập những cụm từ đồng nghĩa: như “Một nữ tử tù trốn thoát, điều này chưa từng xảy ra bao giờ từ trước đến nay” (phim Nữ tử tù, VTV3, 17.5.2009). “Chưa từng” là chưa bao giờ và cũng là từ trước đến nay chưa xảy ra. Vì vậy, câu trên dư chập ba. Có ba cách nói ngắn hơn: “điều này chưa xảy ra bao giờ”; “điều này chưa từng xảy ra” và “điều này từ trước đến nay chưa xảy ra”.

Thói quen nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo dẫn tới hệ luỵ là hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới lối nói dư thừa.

Nguồn:
Tiếng Việt đang “dài” ra!




29/8/11

KHUYẾN MẠI TUYỂN SINH, "GIẢM GIÁ" ĐẠI HỌC



1. Người ta phải ngậm cười trước “thảm cảnh” của nền giáo dục trong thời buổi cơ chế thị trường khi nghe tin các trường ĐH, CĐ tư thục dồn dập tung ra các “chiêu” khuyến mại tuyển sinh nhằm lôi kéo các thí sinh NV2 đăng ký nhập học. Khuyến mại bằng vật chất thôi chưa đủ, có trường còn tung chiêu tặng 0,5 điểm cho những thí sinh đăng ký sớm.

Báo chí bắt đầu vào cuộc về vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã ra công văn yêu cầu các trường không được áp dụng các biện pháp tuyển sinh bằng mọi giá, dưới mọi hình thức thiếu lành mạnh gây phản cảm.

Nhưng xét cho cùng, công văn ấy chẳng qua cũng chỉ là một biện pháp hành chính. Nó tựa như việc đưa ra các mệnh lệnh nhằm “chống bán phá giá” hoặc “chống khuyến mại” trong thời buổi kinh tế khó khăn, người khôn, của khó, và người bán hàng (ở đây là các trường ĐH,CĐ) đang ế ẩm trầm trọng, muốn thu hút người mua (ở đây là các thí sinh) bằng mọi cách. Bởi các trường đều hiểu rằng - cũng như chuyến xe khách đường dài - nếu khách không ngồi kín chỗ thì chạy kiểu gì cũng lỗ. Nếu trường thiếu sinh viên thì trường sẽ lỗ to, thậm chí phải đóng cửa.

2. Theo tôi, các hình thức cấm “khuyến mãi” này sẽ không giải quyết được tận gốc. Tôi chưa thấy ai đặt lại vấn đề một cách rốt ráo: Vì sao mấy năm nay các trường liên tục thiếu thí sinh? Vì sao Hiệp hội các trường Đại học, CĐ ngoài công lập phải kiến nghị Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn hoặc xác định điểm sàn thấp? Xin nói ngay rằng, đó không hẳn là vì các lý do mà họ đưa ra như: kết quả điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay nhìn chung thấp hơn năm trước, một vài môn thi có kết quả rất kém, cá biệt điểm thi môn Lịch sử thấp một cách “không bình thường”...

Thực chất, đó là hậu quả tất yếu của tình trạng bùng nổ các trường đại học ngoài công lập mà báo chí đã nêu cách đây 2-3 năm. Tôi nhớ năm 2009, GS Trần Thanh Vân phải kêu lên: “Tôi không hiểu tại sao ở Việt Nam mình lại có nhiều trường đại học, cao đẳng đến thế, gần 400 trường. Do vậy, từ Đại học không còn có ý nghĩa... Ở Pháp, người dân rất giàu nhưng họ không thể mở được đại học tư nhân vì Chính phủ quản lý rất chặt. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy 90% đại học của mình là đại học... doanh nghiệp”.

Ngay từ lúc đó, ông đã đề xuất “Trước hết Chính phủ bỏ một số đông trường đại học không đủ điều kiện là trường đại học chuyển thành trường dạy nghề”.

Và giờ đây, ế ẩm ở các trường tư thục là hậu quả tất yếu của sự bùng nổ các trường ĐH, CĐ trong thời gian qua, khi không thiếu ngôi trường mang danh “Đại học” to đùng nhưng được mở ra bằng tiền và bằng ý chí của các “ông chủ”, chứ không hề dựa vào nhu cầu của người học hay dựa vào dự báo nguồn nhân lực của đất nước.

3. Không có lý do gì để xót thương cho trường ĐH, CĐ tư thục không tuyển được thí sinh, bởi một khi họ đã coi giáo dục là kinh doanh, thì họ phải chấp nhận quy luật của thị trường. Khi họ không tạo dựng được uy tín, chất lượng, không có chiến lược đào tạo lâu dài, thì có khoác lên mình cái danh “đại học” với tầm vóc tự xưng như rất kêu như “quốc tế”, “châu Á”, hoặc “liên hành tinh”... thì cũng sớm bộc lộ ra là “cửa hàng dịch vụ giáo dục” cấp... huyện.

Vì thế, Bộ GD&ĐT cần quyết liệt hơn trong việc giữ vững điểm sàn, chống mọi hình thức thỏa hiệp để cứu các trường tư thục. Hy vọng rằng qua thời gian đào thải khắc nghiệt và cũng rất đau đớn, rất lãng phí, chúng ta sẽ bớt được một số lượng lớn trường mà GS Trần Thanh Vân đã cảnh báo cần đóng cửa hoặc chuyển đổi từ 2 năm trước.

NGÔ KHỞI

Nguồn:
Khuyến mại tuyển sinh, “giảm giá” Đại học




27/8/11

"SÁNG KIẾN" CẤM XE MÁY VÀO GIỜ CAO ĐIỂM



1. Trong bầu không khí “Trưng Vương khung cửa mùa Thu” đầy lãng mạn “Thu giăng heo may cho bóng cây lạnh đầy” này mà phải nói đến chuyện phàm tục như đi xe máy và đề xuất cấm xe máy, thật không có gì buồn bã hơn.

Tôi, cũng như rất nhiều người khác ở Hà Nội, là người đi xe máy hằng ngày. Và cũng như rất nhiều người khác, tôi rất ghét phải chịu cảnh đông đúc chen đẩy xô lấn, phải hít khói bụi và trời mưa phải mặc áo mưa mà vẫn bị nước bẩn bắn vào người. Nhưng tôi tin rằng tắc đường liên miên ở Hà Nội không chỉ là do quá nhiều xe máy, mà còn do đường thì nhỏ mà có quá nhiều ô tô.

Sáu giờ chiều mà ở chốt giao thông xế bên khách sạn Daewoo nơi phố Kim Mã cắt phố Nguyễn Chí Thanh và Liễu Giai, ta thường xuyên chứng kiến cảnh sáu chiếc xe ô tô dàn hàng ngang trên đường. Trong hoàn cảnh ấy, những tay lái xe máy “lụa” nhất của đất Hà thành cũng chịu thúc thủ, đừng nói gì đến gây tắc đường. Phố nhỏ cỡ phổ biến ở thủ đô chỉ cần một chiếc ô tô bốn chỗ đỗ hớ hênh là cũng đủ gây ách tắc, rồi đánh nhau, rồi náo loạn.

2. Giờ đây người ta lại nghiêm túc mà xem xét một đề xuất cấm xe máy vào các giờ cao điểm, hai tiếng rưỡi buổi sáng, hai tiếng buổi trưa và hai tiếng rưỡi buổi chiều, tổng cộng vị chi bảy tiếng mỗi ngày, nối dài thêm danh sách những ý tưởng kỳ quặc đến tuyệt vọng trong nỗ lực cải tiến tình hình giao thông ở Hà Nội.

Về bản chất, đề xuất này cũng không khá hơn (ở khía cạnh duy lý) với những đề xuất thuộc dạng xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ, hay nhẹ cân, ngực lép không được phép điều khiển mô tô... tạo nên cả những tranh luận sôi nổi lẫn tiếng cười chế giễu trước đây.

Giả dụ cứ cho rằng ta áp dụng đề xuất trên đây vào thực tế: vậy thì ta căn cứ vào giờ của đồng hồ nào? Hay thành phố sẽ sử dụng lại chế độ còi tan tầm xưa kia từng rất thân thương? Rồi giờ cấm xe máy sẽ tính cho thời điểm dắt xe ra khỏi cửa nhà hay xuất hiện trên phố? Và dắt xe đi bộ ngoài đường mà không nổ máy bình bịch thì có bị tính là vi phạm quy định hay không?

Tôi đã tưởng tượng được ra cảnh hàng trăm hàng nghìn con người dắt xe thất thểu đi trên đường, vừa đi vừa canh me đồng hồ đeo tay, rồi khi đến giờ, mọi người sẽ nhảy phắt lên yên, giống hệt như một đội ky binh được lệnh xung phong trên chiến địa.

Vả lại, một khi đã cấm như vậy, rất có khả năng “giờ cao điểm” ở Hà Nội sẽ chuyển luôn sang những giờ không cấm xe máy, vì tỉ lệ người làm tự do và ở khối tư nhân giờ đã cao quá rồi, đâu có phụ thuộc vào giờ giấc hành chính xưa nay nữa.

3. Cùng theo “nguyên lý đề xuất” ấy, ta có thể nghĩ ra nhiều sáng kiến đóng góp nữa, cái nào cũng có mức độ khả thi nhất định cả: chẳng hạn như ta hãy cấm phụ nữ lái xe ô tô, vì phụ nữ thường mất năm đến sáu “đỏ” mới đỗ được xe vào vệ đường, đỗ được rồi là mừng quá bỏ xe đó chạy biến đi, mặc cho xe xiên xẹo và bánh trước thường chếch một góc 45 độ so với thân xe, không những vậy họ lại còn hay nhầm chân ga và chân phanh. Hoặc ta có thể cấm xe máy những ngày nhiệt độ hơn 25 độ, vì trời nóng mà ngửi khói nhiều người dân dễ bị ngất, vân vân và vân vân.

Bài học từ chuyện bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã là quá rõ: một khi đã là bắt buộc và thực sự có lợi ích, thì sẽ áp dụng được và áp dụng cho mọi người không có ngoại lệ, còn chừng nào chỉ là những manh mún, vá víu thì những đề xuất giời ơi đất hỡi chỉ xứng đáng làm đề tài cho những ai rỗi việc lúc trà dư tửu hậu mà thôi.

CON SÂU

Nguồn:
Lại một "sáng kiến" giao thông




24/8/11

HAI CÁI TÁT, 9 THÁNG TÙ VÀ NHỮNG KHOẢNG TRỐNG



Phiên toà xử lưu động, cô gái trẻ lọt thỏm giữa đám đông, liên tục khóc. Hai tháng trước, cô là người đã tát một cảnh sát giao thông. Chín tháng tù giam là bản án nghiêm khắc dành cho cô gái tuổi chưa đầy 18...

Người cha của Linh bỏ mẹ con cô, lấy vợ khác từ lâu. Linh với mẹ và em trai ăn nhờ ở đậu nhà người quen. Cô vừa đi học vừa làm lễ tân cho một công ty, lương tháng 1 triệu đồng, người em trai làm công nhân. Hai năm trước, để vừa đi học, đi làm, mẹ con cô mua trả góp một chiếc xe máy, nay tiền chưa trả hết. Linh chưa biết chạy xe nên mỗi sáng, mẹ chở chị đi học, chở em đi làm, chiếc xe như đôi chân chung của cả ba mẹ con, cho đến ngày xảy ra vụ việc.

Ngày 2.7, những hàng chữ lạnh lùng trong hồ sơ vụ án cho thấy hai mẹ con: xe chở ba, chạy vào đường một chiều, gặp cảnh sát giao thông. Người mẹ không bằng lái, sợ mất cái đi lại nên cố tình dùng dằng dắt xe đi, vị cảnh sát đưa chân cản. Thình lình, Linh vung tay, hai cái tát trúng mặt người cảnh sát thực tập. Tát xong, Linh ngất xỉu. Rất nhanh, đoạn phim trên tràn ngập internet. Cô gái trẻ bị khởi tố vì chống người thi hành công vụ.

Ngày 23.8, toà án quận 12 đưa bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh ra xét xử lưu động. Phiên toà chậm trôi trong tiếng nấc của cô gái trẻ. Trước vành móng ngựa, bị cáo khai vì sợ bị giam xe, nên đã có hành động nông nổi. Sau gần hai tháng kể từ ngày bị khởi tố, cái giá cô phải trả không hề nhẹ, công ty không muốn tiếp tục công việc, cảm giác bị ghẻ lạnh khi ngồi trong lớp học, khi gặp người quen ngoài đường...

Trước giờ nghị án, người dự khán xôn xao với đề nghị mức phạt sáu đến chín tháng tù giam dành cho Linh của vị đại diện viện kiểm sát. Có phải trong bất cứ trường hợp nào, cứ hình phạt tương ứng hành vi là đủ sức răn đe đối với một bị cáo tuổi chưa đầy 18?

Hỏi chuyện Linh, rằng bị giam chiếc xe thì đóng phạt rồi lấy về, đâu đến nỗi phải xô xát với người đại diện công quyền, cô gái lí nhí “chiếc xe chưa trả hết tiền góp, chở tụi con đi học, đi làm, mẹ đi giới thiệu nhà đất”. Lương công nhân của hai chị em không trang trải nổi chi phí hàng tháng cho ba con người.

Phiên toà kết thúc bằng lời tuyên án bị cáo Linh phạm tội chống người thi hành công vụ, mức phạt chín tháng tù giam. Hai mẹ con ngất xỉu khi nghe xong bản án.

Sau phiên xử, những bình luận hằn học trên mạng có lẽ nhường chỗ cho lòng cảm thương đối với cô gái trẻ. Tính nghiêm minh của pháp luật phải được thực thi, nhưng đằng sau bản án cứ còn lại những khoảng trống và nỗi niềm.

THANH NHÃ

Nguồn:
Hai cái tát, chín tháng tù và những khoảng trống




22/8/11

MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ "BÚN MẮNG", "CHÁO CHỬI"


Bà chủ quán "bún mắng" - Ảnh: Dân trí'

1. Không biết bao nhiêu bài báo đã viết về “bún mắng, cháo chửi” ở Hà Nội, thậm chí còn bổ sung thêm các món như “phở quát”, “phở xếp hàng”.

Xin được giải thích ngay rằng đây không phải là những món đặc sản “nên biết trước khi chết”, hay “lúc sống nên thưởng thức” như một số trang web về ẩm thực nước ngoài phong tặng. Đó chỉ là cách gọi tắt về một số hàng ăn có cách phục vụ “không giống ai” (thường la mắng, quát lác với nhân viên hoặc thậm chí là cả thực khách). Điều ngạc nhiên nhất đối với mọi người là mặc dù thái độ phục vụ “củ chuối” như vậy, nhưng hàng ăn vẫn đông khách, thậm chí người ta chen nhau vào ăn bất chấp bị “mắng, chửi, quát, xếp hàng”.

Chính sự vô lý này mà nhiều người cố gắng giải thích cái “văn hóa ẩm thực” giàu nhẫn nhịn đến lạ kỳ của người Hà Nội. Trong bài phân tích gần đây nhất trên báo chí: “Bún mắng, cháo chửi” và CEO làm bảo vệ”, người viết đưa ra lý giải từ góc độ xã hội: “Việc trải qua một thời kỳ dài bao cấp, nơi những mậu dịch viên có quyền ban phát ân huệ đã tạo cho người Hà Nội một sự chấp nhận một cách vô thức và đáng tiếc về thân phận chiếu dưới của mình”. “Tâm lý “nó chửi cả làng Vũ Đại” đã tự ve vuốt tính sĩ diện vốn rất cao của mỗi người Hà Nội”.

2. Thật ra trước một hiện tượng như vậy có rất nhiều cách giải thích. Thứ nhất hiện tượng đó có phần được phóng đại lên, bởi ít nhất tôi đã đến một lần quán “cháo chửi” ở Lý Quốc Sư. Tất nhiên tôi không nghe thấy lời chửi nào (có thể do tôi may mắn). Tôi cũng từng đi ăn phở xếp hàng, hay phở tự phục vụ (tức là khách phải tự chạy đến quầy phở để bưng bát phở về bàn của mình). Tôi cũng từng ăn phở trả tiền trước (nếu không trả, chủ phở gọi giật lại bằng một giọng rất chi là khó chịu, xấc xược).

Tất nhiên, ban đầu ai cũng khó chịu về cung cách phục vụ “tinh tướng” ấy. Nhưng sau khi khó chịu mà được ăn ngon, người ta cũng tươi tỉnh lại phần nào. Tôi cũng vậy. Và tôi bắt đầu quan sát. Tôi nghiệm ra rằng, hầu hết thực khách đến các cửa hàng này đều là người quen (cá biệt có những người khách xa đến vì tò mò, nhưng ít thôi). Và vì là người quen, nên họ quá hiểu quy luật bất thành văn trong cách phục vụ ở những quán này. Và khi họ hiểu rồi thì họ cứ lạnh lùng “tuân thủ” theo các quy tắc này thì mọi việc hết sức dễ chịu: chẳng hạn với phở trả tiền trước, bạn cứ bước vào, xỉa ra 30 ngàn (nếu cả quẩy hình như giờ đã là 35 ngàn) chẳng cần phải nói gì cũng được, và cầm một bát quẩy đi vào bàn, là nhanh như cắt, đã có một người bưng bát phở nóng hổi đặt xuống trước mặt bàn của bạn. Trên mặt bàn đã có đầy đủ những gia vị cần thiết, không bao giờ thiếu thứ gì.

Tôi nghiệm ra rằng, tất cả những khách quen của cửa hàng đều hài lòng với cách phục vụ tự động như cái máy vậy (chẳng bao giờ được chào hỏi, mời mọc, còn khách thì không bao giờ phải nhiều lời, phải gọi phục vụ cả).

Chỉ có những khách mới, lớ ngớ, không hiểu “luật bất thành văn” của quán mới chịu “quát, mắng, chửi” (nếu có) mà thôi.

Ở đây nếu nói chủ hàng cố tình quát mắng khách hay nhân viên để tạo “thương hiệu” thì nhầm to. Chẳng qua vì đồ ăn ngon, khách đông, phục vụ quá tải, cho nên họ đành phải đặt ra quy định bất thành văn như vậy để đơn giản hóa quy trình phục vụ.

3. Đó chính là cái lý do mà các hàng ăn có cách phục vụ thiếu “xởi lởi” vẫn cứ tồn tại, đông khách. Trong sự phi lý của nó có cái hợp lý. Trong sự khó chịu của cung cách phục vụ ấy có sự dễ chịu của nó (nếu anh hiểu).

Hà Nội vẫn là như vậy đấy.

NGÔ KHỞI

Nguồn:
Một cách nhìn khác về “bún mắng”, “cháo chửi”




20/8/11

NGHỆ SĨ VÀ CHÍNH TRƯỜNG


NSND Đặng Nhật Minh

Nghệ sĩ mở công ty, nghệ sĩ trở thành đại biểu quốc hội hay nghệ sĩ đảm nhận các cương vị quản lý... không còn là chuyện mới. Liệu khi ấy họ có còn là nghệ sĩ và “chất” nghệ sĩ có đồng hành với công việc đang gánh vác?

Văn nghệ sĩ vinh dự được bầu chọn là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có thể kể đến nhà thơ Vũ Quần Phương, NSND Đặng Nhật Minh, NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Trà Giang, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân...

Gần đây, nghệ sĩ trẻ Hồng Ánh được UBMTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIII. Khá nhiều nghệ sĩ của TP.HCM cũng đã trúng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân (ĐBHĐND) TP.HCM đợt này: NSƯT Hồng Vân, ca sĩ - diễn viên Thanh Thúy, nghệ sĩ cải lương Quế Trân...

Danh cao, phận dày

Hồng Ánh là nghệ sĩ duy nhất được Liên hiệp Các hội Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) TP.HCM giới thiệu ứng cử ĐBQH. Theo người của Ban chấp hành (BCH) Hội Điện ảnh TP.HCM (tổ chức ban đầu giới thiệu Hồng Ánh ứng cử), cô hội đủ các yếu tố về tuổi tác, đạo đức và năng lực để có thể đại diện cho giới văn nghệ sĩ TP.HCM ở nhiệm kỳ này.

Chưa đảm nhiệm cương vị lãnh đạo hay ở trong BCH của tổ chức nghề nghiệp nào, Hồng Ánh mới chỉ được biết đến qua các vai diễn và giải thưởng điện ảnh.

Là Phó giám đốc Công ty TNHH Hãng phim Xanh, cô vừa mới bắt tay vào sản xuất một số dự án.

Điều này càng nối dài những vinh dự và cả những thử thách với cô trên con đường trở thành đại biểu của nhân dân, trước hết là cất lên tiếng nói của giới nghệ sĩ TP.HCM đã gửi gắm nơi cô, nếu cô trúng cử.

Thế nhưng, không phải nghệ sĩ nào cũng sẵn sàng cho thử thách ở nghị trường. Tại Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã nhắm giới thiệu một nữ diễn viên chèo và một phóng viên báo hình, cả hai đều có tên tuổi, xinh đẹp và trẻ trung, nhưng họ khước từ vì... bận.

Theo nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT TP. Hà Nội, các kỳ trước có khá nhiều nghệ sĩ được giới thiệu là ứng cử viên ĐBQH nhưng họ đều từ chối, như nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (lúc đó ở trong BCH Hội Nhà văn Hà Nội), nhà biên kịch Bành Mai Phương (Hãng phim Truyện Việt Nam)...

Theo họ, xung quanh cuộc sống và nghề nghiệp của người nổi tiếng vốn đầy thị phi.

Trong khi đó, bước vào con đường của “ông nghị, bà nghị” đồng nghĩa với hình ảnh và tên tuổi của nghệ sĩ cần xứng đáng với vị trí chính trị họ đang nắm giữ. Các nghệ sĩ tiền bối là ĐBQH ở vào thời kỳ showbiz chưa phát triển sôi động và nghệ sĩ cũng không bị dư luận “săm soi” như bây giờ.

Tuổi họ đều cao, nên ít chịu ảnh hưởng bởi những “dư chấn” từ dư luận và truyền thông. Bây giờ thì khác. Khi thông tin Hồng Ánh là ứng cử viên ĐBQH vừa phát ra, lập tức nhận được lời bàn tán, chỉ trích về nhân cách của cô từ một người trong giới, kèm theo đó là hàng trăm bình luận của độc giả, người ủng hộ, người phản đối.

May mắn cho cô, cô vẫn thắng phiếu tuyệt đối (dù chuyện tai bay vạ gió đó xảy ra trước khi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú) và là một trong 22 người đạt tỷ lệ 100% trong cuộc bỏ phiếu kín tại Hội nghị Hiệp thương lần ba.

Diễn viên điện ảnh Hồng Ánh

Áp lực trách nhiệm cao nên nhiều nghệ sĩ cũng không “mon men” tới chính giới. Nhà thơ Bằng Việt, tốt nghiệp cử nhân luật ở nước ngoài, từng được nhắm đến để đưa vào danh sách ứng cử viên ĐBQH năm 1995.

Ông cười giải thích với người tín nhiệm, sở dĩ ông từ chối là “vì muốn có thời gian để tự do bù khú với bạn bè, đi đây đó và làm những việc mình thích. Một nhiệm kỳ ĐBQH mà nói không ra hồn thì dân mắng cho, nói nhiều lại dễ bị vạ miệng”.

Ở cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT TP. Hà Nội, có dịp gặp gỡ, thuyết phục và vận động những người có khả năng và đủ điều kiện để đưa vào danh sách ứng cử viên, nhà thơ Bằng Việt có thể hiểu lý do của sự khước từ còn ở chỗ đời sống cơm áo và những nhu cầu vật chất vẫn còn theo đuổi văn nghệ sĩ, trong khi nếu có danh tiếng ở cương vị chính trị cũng không đi kèm lợi ích vật chất.

Sân khấu - cuộc đời

Ở các nước, việc nghệ sĩ trở thành chính trị gia không còn xa lạ và hai vị trí này có tác động tương hỗ khá mật thiết.

Xuất thân từ nghệ sĩ hay đang tham gia lĩnh vực nghệ thuật nên trong sự nghiệp chính trị, họ dành nhiều sự ưu tiên cho giới của họ là chuyện dễ hiểu.

Các nghệ sĩ ở ta phần nào phát huy được vai trò này, nói được tiếng nói cần thiết của cử tri và người trong giới mình.

NSND Đặng Nhật Minh trong nhiều khóa làm ĐBQH đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với Luật Điện ảnh và cuối cùng luật này đã được thông qua, ghi nhận nhiều nỗ lực của ông trên cương vị ĐBQH, dù Luật chưa thực sự hoàn chỉnh.

Chia sẻ với báo giới, NSƯT Hồng Vân chẳng hề giấu giếm ý định sẽ... “xin cái nhà hát” nếu trúng cử ĐBHĐND TP.HCM. Ở chiều ngược lại, ở cương vị mới, nghệ sĩ có điều kiện thâm nhập thực tế sâu sát hơn.

Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ với báo giới, làm ĐBQH cho ông cơ hội thấy tình cảnh của người dân, qua đó ảnh hưởng đến nhận thức xã hội để bước đến văn chương, thay đổi khuynh hướng sáng tác...

NSND Trà Giang thổ lộ, những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với người dân khơi dậy trong bà sự cảm thông, giúp bà hiểu được tâm tư, tình cảm của họ.

Có ý kiến lo lắng, nghệ sĩ thì cứ hãy là... nghệ sĩ, chính trường không phải là “sân khấu” nên không phù hợp với họ. Khi họ chưa kịp trở thành một chính trị gia giỏi thì xã hội đã mất một nghệ sĩ, hoặc họ chỉ có thể trở thành chính trị gia... diễn giỏi mà thôi.

Nói gì thì nói, vẫn không thể phủ nhận việc nghệ sĩ nước nhà ngày càng có nhiều cơ hội tham gia chính trường, khi mà tầm ảnh hưởng của những người nổi tiếng ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có tác động lớn, thậm chí rất lớn đến công chúng.

Nhưng trên hết, như nhà thơ Bằng Việt nhấn mạnh, không phải có mặt nghệ sĩ để “đẹp đội hình, mà người được lựa chọn có biết ăn nói có ích cho văn nghệ sĩ và phong trào chung hay không”.

CUNG CẦU


Nguồn:
NGHỆ SĨ VÀ CHÍNH TRƯỜNG





16/8/11

CỨ HỒN NHIÊN MÀ... NGỦ


Người giao hàng ngủ trước một cửa hàng ở Kolkata, Ấn Độ.
Ảnh: Romain Philippon.

Trong cửa hiệu bán phụ tùng xe máy ở Phnom Penh, Campuchia.
Ảnh: Romail Philippon

Trên xe buýt ở Lào.
Ảnh: Romain Philippon

Ông chủ cửa hiệu ở Jaipur, Ấn Độ.
Ảnh: Romain Philippon

Tranh thủ lúc đợi khách ở Kolkata, Ấn Độ.
Ảnh: Romain Philippon

Trên một quảng trường ở Montreal, Canada.
Ảnh: Romain Philippon

Người bán hoa quả ở Cà Mau, Việt Nam
Ảnh: Romain Philippon

Cắt tóc hè phố ở Hà Nội.
Ảnh: Romain Philippon

Tại cuộc hội ngộ của xe Citroen CV ở Salbris, Pháp, ngày 26.7.2011.
Ảnh: Alain Jocard/AFP/Getty Images

Ngày hội đua canoe thường niên dọc sông Sella (Arriondas, Tây Ban Nha)
Ảnh: Eloy Alonso/Reuters

Ngủ trong rọ trong khi mẹ bán rau trên phố ở Kathmandu (Nepal) ngày 6.8.2011.
Ảnh: Navesh Chitrakar/Reuters

Phụ nữ Palestine vượt cửa khẩu sang Israel dự lễ Ramadan ngày 12.8.2011.
Ảnh: Bernat Armangue/AP

Người biểu tình đòi hạ giá bất động sản ở Israel ngày 2.8.2011.
Ảnh: Nir Elias/Reuters

Một cặp vợ chồng Trung Quốc cho con ngủ trên giường mẫu tại cửa hàng đồ gỗ
ở Bắc Kinh
ngày 15.8.2011. Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images

Người biểu tình bên ngoài Quốc hội Tây Ban Nha ngày 22.6.2011.
Ảnh: Dominique Faget/AFP/Getty Images

Festival Glastonbury ở Worthy Farm (Anh) ngày 22.6.2011.
Ảnh: Matt Cardy/Getty Images

Người Philippines đi tránh bão Meari hôm 26.6.2011.
Ảnh: Aaron Favila/AP

Tài xế và lơ xe nghỉ ngơi ở Lahore (Pakistan) ngày 27.6.2011.
Ảnh: Arif Ali/AFP/Getty Images

Tranh thủ chợp mắt trước trận tennis ở Wimbledon ngày 27.6.2011.
Ảnh: Mark Baker/AP

Ngủ, nhưng không quên bật đèn xanh báo hiệu sẵn sàng đi khách.
Tài xế taxi ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 30.6.2011.
Ảnh: Danish Siddiqui/Reuters

Ngủ ngay trước mũi cảnh sát. Hồng Kông, ngày 2.7.2011.
Ảnh: Tyrone Siu/Reuters

Cả gia đình ngon giấc trên xe tải ở Hefei, Trung Quốc, đêm 5.7.2011.
Ảnh: Stringer/Reuters

Festival ở Novi Sad, Serbia, ngày 7.7.2011.
Ảnh: (Andrej Isakovic/AFP/Getty Images

Đợi xem phóng tầu con thoi Atlantis tại Titusville, bang Florida, Mỹ, ngày 8.7.2011.
Ảnh: Joe Raedle/Getty Images

Ngày hội xe hơi cổ tại Yeovil (Anh) 9.7.2011.
Ảnh: Matt Cardy/Getty Images

Trong công viên ở Bucharest, Romania ngày 11.7.2011.
Ảnh: Vadim Ghirda/AP

Người biểu tình Ai Cập trên Quảng trường Tahir ở Cairo ngày 12.7.2011.
Ảnh: Khalil Hamra/AP

7000 thanh niên tụ tập tại Bảo tàng Principle Felipe ở Valencia (Italia)
để thử Internet siêu tốc.

Ảnh: Jose Jordan/AFP/Getty Images

Người biểu tình phản đối chính phủ tại Quảng trường Tagheer
ở thủ đô Saana (Yemen) ngày 12.7.2011.
Ảnh: Suhaib Salem/Reuters

Trận lũ lịch sử năm ngoái ở Pakistan khiến hàng vạn người vẫn chưa có nhà ở.
Ảnh chụp tại trung tâm tị nạn ở Sukkur ngày 12.7.2011.
Ảnh: Akhtar Soomro/Reuters

Hành khách ngủ trên sân ga Bhubaneswar (Ấn Độ) đêm 12.7.2011.
Ảnh: Biswaranjan Rout/AP

Sáng sớm tại lễ hội San Fermin ở Pamplona ngày 8.7.2011.
Ảnh: Susana Vera/Reuters

Nguồn: Sleepers




14/8/11

MESSAGE



NGÔ MAI PHONG

Anh khoẻ không
Anh sống vui không
Anh đang ốm
Anh sống rất buồn
(Thật ra anh đang rất khoẻ
Rất vui)

Em khoẻ không
Em sống vui không
Em đang ốm
Em sống rất buồn
(Thật ra em đang rất khoẻ
Rất vui)

Anh khôe không
Anh sống vui không?
Anh khoẻ
Anh rất vui
(Thật ra anh đang ốm
Anh sống rất buồn)

Em khoẻ không
Em có vui không
Em khoẻ
Em rất vui
(Thật ra em đang đau ốm
Em sống rất buồn)

Nhiều năm sau
Khi mọi chuyện không còn
Những dòng tin còn lưu
Trong cửa hàng đồ cũ...




13/8/11

NHỮNG THẰNG GIÀ NHỚ MẸ



VŨ THẾ THÀNH

Hai mươi năm trước, ông tổng giám đốc công ty tôi mất mẹ. Lúc đương quyền, ông đem mẹ vào Sài Gòn ở với ông. Khi ông về hưu, bà đòi về quê ở vùng ngoại ô Hà Nội và mất ở đó. Tôi đến thăm khi ông trở lại Sài Gòn được vài tháng.

- Tuổi già được về quê sống những năm tháng cuối đời, rồi mất nhẹ nhàng như thế thì còn gì bằng – tôi an ủi.

- Mất mẹ, tớ cảm thấy thiêu thiếu thế nào ấy…

- Thiếu cái gì?

- Tớ muốn trồng giàn bầu hay giàn mướp sau nhà cho mát, nhưng sợ kiến… Tớ vẫn hay hỏi bà những chuyện lặt vặt như thế. Tớ sinh ra ở quê, nhưng có sống ở quê đâu. Bây giờ bà mất, tớ chẳng biết hỏi ai…

Hồi đó tôi mới xấp xỉ 40, còn mẹ, thấy cái thiêu thiếu của ông đúng là lẩm cẩm. Bây giờ thì tôi cảm được cái thiêu thiếu của ông thế nào rồi.

Tôi có thằng bạn hồi trung học. Tay này quậy phá dàn trời. Trường đuổi học, mời phụ huynh đến thông báo. Mẹ nó đến, đứng khoanh tay như người phạm tội, nhẫn nhục nghe thầy tổng giám thị trút cơn thịnh nộ, hài tội thằng con gần nửa tiếng đồng hồ. Mẹ nó chảy nước mắt: “Nhà cháu nghèo, chạy cơm từng bữa cho anh em nhà nó có cái ăn. Nhà cháu lại không biết chữ, biết thế nào mà dạy nó. Nhờ thầy cô thương đến mà dạy dỗ. Đuổi học, thì nó học ở đâu? Ra trường tư làm gì có tiền. Trăm sự nhờ thầy thương cháu, roi vọt cho cháu nên người. Để rồi tối về, nhà cháu răn đe nó…” Cơn thịnh nộ trôi qua, dường như thương cảm với người đàn bà quê mùa trước mặt, thầy tổng giám thị rồi cũng bỏ qua.

Tôi và thằng ông mãnh đó lấp ló ngoài văn phòng theo dõi. Nó cười hi hí khi biết tai qua nạn khỏi. Chưa hết, hôm sau nó hớn hở: “May quá, bà già tao giấu biệt chuyện này với ông già, nếu không thì… hì hì…”

Hôm rồi, thằng ông mãnh về nhà sau ca đêm, ngồi uống rượu một mình, lướt net, đọc được bài Cá bống kho tiêu nào đó, gọi phone cho tôi từ Mỹ, nói rằng tự nhiên nhớ mẹ, rồi khóc hu hu qua điện thoại: “Cả đời tao làm khổ bà già. Bà già bệnh, tao bận việc, cứ hẹn lần, không về chăm sóc được. Bà già mất, tao về, không kịp nhìn mặt… Tiền bạc bây giờ có ích gì…” Mẹ nó mất cũng gần mười năm rồi… Càng quậy phá, càng mềm nhũn. Nguôi ngoai gì nổi!

Mẹ tôi mất hồi đầu năm. Thấy tôi buồn, thằng bạn học rủ về quê nó ở Châu Đốc chơi cho khuây khoả. Chén thù chén tạc, say tuý luý cả bọn chệnh choạng kéo nhau đi hát karaoke. Thằng bạn cầm micro: “Xin giới thiệu với các anh em Châu Đốc, thằng bạn tôi ở Sài Gòn vừa mất mẹ. Tôi xin hát tặng nó bài… Bông hồng cài áo”. Rồi nó say sưa hát, động tác biểu diễn như một ca sĩ chuyên nghiệp. Bỗng nhiên giọng hát run run... Nó khóc nấc lên. Cách đây hai năm, tôi ghé Châu Đốc dự đám tang mẹ nó.

Chuyện khác, lần này không phải “thằng”, mà là… bà già. Tôi có cô bạn người Ý trạc tuổi, mỗi lần về Milan, ra nghĩa trang thăm mẹ, mang theo thỏi sôcôla ngày xưa bà thích ăn (mà cô ta cũng thích nữa), bẻ sôcôla, cùng ăn với cái… bóng mẹ. Sôcôla Tây thay cho nhang đèn ta, cũng chỉ là tấm lòng. Mẹ cô ta mất cũng mười năm rồi.

Lại có thằng, có thức ăn hay trái cây nào hay hay, lại mang để trên bàn thờ mẹ, và đặc biệt chỉ thích món ăn lấy từ bàn thờ mẹ. Khách đến chơi, thân thiết lắm mới mang đồ cúng mẹ xuống đãi. Hỏi vì sao? Ừ, thì cũng như hồi xưa bà cho mình ăn vậy, có gì ngon cũng để dành cho mình…

Mà có thằng con nào, dù làm tới cái ông vĩ đại cỡ nào, trưởng thành trong con mắt của mẹ đâu? Có thằng sáu chục tuổi, xách xe ra khỏi nhà, vẫn bị gọi vì “lại quên mang nón (bảo hiểm)”. Mùa mưa, trời chưa mưa, ngồi một chỗ, nhưng vẫn gọi vói nhắc thằng con “mang theo áo mưa”.

Tôi có thằng bạn người Đức chừng... 50, ra đường cũng bị bà già vói theo “Alex, quên mang dù!” Thằng này lúc nào cũng vênh váo tự hào vì còn mẹ. Nó khoe: “Từ hồi tôi qua Việt Nam, mẹ tôi lấy làm lạ vì tôi quan tâm tới bả nhiều lắm. Bả vui!” Alex làm ăn ở Việt Nam hơn 12 năm rồi.

Bông hồng đỏ hay bông hồng trắng cho ngày – của – mẹ, đối với tôi chỉ là biểu tượng, chẳng ép phê gì. Ký ức về mẹ, dù gần hay xa, mới là điều nhức nhối. Tuổi càng cao, càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng càng nhớ chuyện xa xôi. Tuổi đời, tình đời trải miết rồi, nay nhớ về mẹ, thôi thì với bao điều thiếu sót và ray rứt, cứ giá mà… giá mà…

Nụ cười của người già, dù là nghễnh ngãng, dù là mù loà… nhớ lại, sao mà dễ thương chi lạ, nhớ xoáy tận đáy lòng. Ray rứt và ân hận là thế! Ước gì thời gian lùi lại, sẽ tìm cách ghẹo bà, để có nhiều hơn nụ cười móm mém như thế. Nụ cười của mẹ già là nụ cười mãn nguyện, con cháu chưa quên bà, vẫn ở bên bà.

Tôi viết bài này, tặng cho các bạn trẻ U 30, 40... gì đó. Các bạn hẳn có nhiều cơ may còn mẹ. Hãy biết trân trọng thời gian bên mẹ. Tôi biết (cũng như tôi ngày xưa), cách biện minh dễ nhất là bận việc và hẹn lần.

Thời gian chắc gì đã làm nguôi ngoai nỗi nhớ?

Nhà thơ Nguyễn Khuyến có câu thơ khóc bạn:

Tuổi già giọt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan

Ừ, nếu giọt lệ già này mà nhớ mẹ, thì ray rứt biết chừng nào!

Nguồn:
Những thằng già nhớ mẹ




 

VMC Copyright © 2009 | Power by Blogger | Template redesigned by Lý Minh Triết